Sidebar

Chúa Nhật

19.05.2024

Những lời của chính ngài

 

Tôi nghĩ rằng nhiều người trong chúng ta đã được nghe những đoạn ngắn trong bài phỏng vấn của Giáo hoàng Phanxicô thực hiện cho một loạt nhà xuất bản của Dòng Tên, trong đó có tờ America, tạp chí của Hoa Kỳ. Trong bài phỏng vấn này, giữa nhiều điều, ngài có nói rằng để xử thế khôn ngoan, thì khi nói chuyện, chúng ta đừng lúc nào cũng nhấn mạnh đến các vấn đề đạo đức như phá thai, kết hôn đồng tính, và ngừa thai. Tất nhiên, lời này gây chú ý với giới truyền thông, nhưng trọn bài phỏng vấn rất đáng kinh ngạc vì đã thẳng thắn và bao hàm một loạt suy tư rất rộng giúp chúng ta cảm nhận được sắc thái mà giáo hoàng Phanxicô sẽ vẽ nên triều giáo hoàng của mình. Đây là một vài suy nghĩ của ngài, bằng chính lời ngài nói:

Về lý do vì sao trọng tâm mục vụ của chúng ta phải hướng về việc chữa lành hơn là lặp đi lặp lại các bận tâm đạo đức nào đó,

“Tôi thấy rõ là điều mà giáo hội cần nhất thời này là năng lực chữa lành các tổn thương và sưởi ấm tâm hồn tín hữu, điều này cần đến sự gần gũi khăng khít. Tôi thấy Giáo hội như bệnh viện dã chiến sau trận đánh. Thật vô ích khi hỏi người bị thương liệu anh có cao mỡ, cao đường không, việc đầu tiên là chữa lành thương tích cho anh. Sau đó, chúng ta nói về chuyện cao đường, cao mỡ sau…

Trong chuyến bay trở về từ Rio de Janeiro, tôi nói rằng nếu một người đồng tính có thiện ý và tìm kiếm Thiên Chúa, thì tôi là ai mà kết án họ. Khi nói như thế là tôi đang nói ra những lời dạy trong giáo lý. Tôn giáo có quyền bày tỏ quan điểm của mình để phục vụ dân, nhưng Thiên Chúa, khi tạo dựng, đã ban cho chúng ta tự do: không thể can thiệp về mặt tinh thần và trên đời sống của người khác. Có người đã hỏi tôi với giọng điệu khiêu khích, liệu tôi có chấp thuận tình dục đồng giới hay không. Tôi trả lời với một câu hỏi khác: “Hãy cho tôi biết, khi Chúa nhìn vào một người đồng tính, liệu với tấm lòng yêu thương ngài có hài lòng sự hiện hữu của người này không, hay ngài sẽ loại bỏ và lên án họ?”… Tôi nghĩ đến trường hợp một phụ nữ đã thất bại trong hôn nhân và đã phá thai. Rồi cô tái hôn, giờ đây cô sống hạnh phúc và năm đứa con. Việc phá thai trong quá khứ đè nặng lên lương tâm cô và cô thật tâm hối hận về chuyện đó. Cô muốn sống đời sống kitô hữu. Vậy cha giải tội phải làm gì? Chúng ta không thể chỉ khăng khăng chĩa mũi dùi vào các vấn đề liên quan đến phá thai, hôn nhân đồng tính, và việc sử dụng các phương pháp ngừa thai. Điều này là việc không thể làm được. Tôi đã nói nhiều về những điều này, và đã bị trách móc vì làm như thế. Khi chúng ta nói về các vấn đề này, chúng ta phải nói trong ngữ cảnh của nó. Về vấn đề này, giáo lý của Giáo hội rất rõ ràng, tôi là con của Giáo hội, nhưng lúc nào cũng nói đến những vấn đề này là điều không cần thiết.”

Về vai trò phụ nữ trong giáo hội,

“Phụ nữ đang đặt ra những câu hỏi sâu sắc cần được nói ra… Vì thế, chúng ta phải tìm hiểu sâu hơn nữa vai trò của phụ nữ trong Giáo hội… Thách thức ngày nay là: nghĩ về một vị trí đặc biệt cho phụ nữ, một vị trí thẩm quyền trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong giáo hội.”

Thế nào là suy nghĩ cùng Giáo hội,

“Tất cả mọi tín hữu, xét toàn thể, là không thể sai lầm về các vấn đề đức tin, và dân Chúa thể hiện sự bất khả ngộ qua một ý thức siêu nhiên về đức tin của toàn thể dân cùng chung bước với nhau. Đây là những gì mà ngày nay, tôi hiểu là “suy nghĩ cùng giáo hội.” Vì thế, chúng ta không được nghĩ rằng “suy nghĩ cùng Giáo hội” chỉ có nghĩa là suy nghĩ cùng với hàng giáo phẩm của giáo hội.”

Về biểu lộ của một Giáo hội Công giáo rộng lớn,

“Giáo hội mà chúng ta phải suy nghĩ cùng, chính là căn nhà cho tất cả, chứ không phải chỉ là một nhà nguyện nhỏ cho một nhóm nhỏ những người được chọn lọc mà thôi. Chúng ta không được thu nhỏ phạm vi Giáo hội Hoàn vũ thành một cái tổ bảo vệ cho sự tầm thường.”

Về quyết định của giáo hoàng Bênêđictô XVI cho phép cử hành các Thánh lễ theo nghi thức Pius V một cách rộng rãi hơn,

“Tôi nghĩ quyết định này là thận trọng và được thôi thúc do mong ước giúp mọi người có được sự nhạy cảm này. Tuy nhiên điều đáng lo là có nguy cơ lý tưởng hóa Vetus Ordo (sắc lệnh cho phép dùng một cách có giới hạn các thánh lễ tiếng La Tinh) và dẫn đến lạm dụng nó.”

Về khuynh hướng thủ thế, co cụm trước sự thế tục hóa đang phát triển,

“Nếu kitô hữu là người theo thuyết cứu độ vạn vật, hay theo thuyết pháp lý, nếu họ muốn mọi chuyện phải rõ ràng và an toàn, thì người đó không tìm được gì tất. Truyền thống và ký ức về quá khứ phải giúp chúng ta có can đảm mở ra những điểm tiếp xúc mới với Thiên Chúa. Người ngày nay lúc nào cũng tìm giải pháp theo phép tắc, người ao ước có một sự “bảo đảm” quá mức về giáo lý, người ngoan cố tìm cách níu kéo một quá khứ không còn tồn tại – những người đó có cách nhìn đời bất động và hướng nội. Làm như thế thì đức tin chúng ta sẽ trở thành một hệ tư tưởng hệt như những hệ tư tưởng khác… Thật ngạc nhiên khi thấy người ta lên án Roma vì thiếu tính chính thống.”

Có lẽ tốt nhất không nên bình luận thêm gì về những lời này. Những lời của ngài – giáo hoàng Phanxicô – đã tự nói lên, rất rõ ràng về bản thân ngài rồi. 

J.B. Thái Hòa dịch

567    06-04-2018