Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Những Nét Đặc Trưng Của Việc Truyền Giáo Tại Việt Nam Xưa Và Nay

 

 
 
Nhắc đến việc Truyền Giáo ở Việt Nam trong những thế kỷ đầu, các sử gia và các nhà nghiên cứu phải đặc biệt chú ý đến một thành phần giáo dân có công rất lớn trong công cuộc trọng đại là làm cho nhiều người theo đạo.
Những Nét Đặc Trưng Của Việc Truyền Giáo Tại Việt Nam Xưa Và Nay

Những Nét Đặc Trưng Của Việc Truyền Giáo Tại Việt Nam Xưa Và Nay

 Vào ngày 18-22 tháng 10,một phái đoàn gồm 15 người trong đó có giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân Việt Nam đã sang Thái Lan dự hội nghị về Loan Báo Tin Mừng do Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (1) và Thánh Bộ Loan Báo Tin Mừng cho các Dân Tộc của Tòa Thánh Vatican cùng tổ chức tại Chiang Mai. Chủ đề của Hội Nghị quan trọng này là:  "Kể chuyện về Chúa Giê-su Ki-tô cho các dân tộc Á Châu "  Nhưng có thể nói chẳng mấy giáo dân biết được chủ đề của Hội Nghị này và càng không biết phái đoàn Việt Nam đã và đang chuẩn bị những gì cho Hội Nghị ấy !!
 
Là người không làm được nhiều, nhưng luôn thao thức và quan tâm đến công cuộc xây dựng Giáo Hội,  nên tôi mạnh dạn nêu lên một số suy nghĩ và nhận định của mình liên quan tới NHỮNG ĐẶC TRƯNG CỦA VIỆC TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM XƯA VÀ NAY. Trước là để kiểm điểm chính mình. Sau là để đóng góp với Giáo Hội Việt Nam nói chung và với phái đoàn dự Hội Nghị nói riêng. Vì bị giới hạn về thời gian và tư liệu, tôi đành phải nêu  một cách khái lược các sự kiện của ngày xưa cũng như của ngày nay. Mong sẽ có điều kiện bổ sung cho phác thảo này được đầy đủ hơn.
 
NHỮNG NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA VIỆC TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM XƯA VÀ NAY

          Chỉ cần chúng ta đọc qua Lịch sử của Giáo Hội Việt Nam, chúng ta sẽ thấy ngay một số nét đặc trưng của việc Truyền Giáo tại Việt Nam. Nếu chúng ta thực hiện được việc thống kê, phân tích các dữ liệu lịch sử thì chúng ta sè càng thấy rõ hơn nữa. Theo tôi thì việc Truyền Giáo tại Việt Nam có năm (5) đặc trưng sau đây:
 
1. ĐẶC TRƯNG THỨ NHẤT LÀ TÍNH GIA ĐÌNH.
          Đối với người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng thì gia đình là rất quan trọng. Xưa cũng vậy và nay cũng vẫn vậy. Ở trong nước cũng vậy và ở hải ngoại cũng vậy. Trong lãnh vực đời cũng vậy và trong đời sống Đạo cũng vậy.
      
        Đọc lại các tường thuật của các nhà truyền giáo tại Việt Nam, chúng ta gặp không biết bao nhiêu trường hợp cả một gia đình trở lại và gia đình mới trở lại ấy lôi kéo được nhiều gia khác trở lại đạo như mình. Một trường hợp khác cũng rất phổ biến là một hai thành viên của một gia đình Việt Nam nhập đạo và dần dần đưa cả gia đình vào Cộng đoàn Hội Thánh. 
       
       Dĩ nhiên mọi cuộc trở lại đều do ơn thánh Chúa ban. Nhưng ơn thánh Chúa gặp nhiều thuận lợi ở cách suy nghĩ và nếp sống của người Việt Nam, theo đó thì cha ông tổ tiên mình  làm gì thì mình nên làm như thế. Trong trường hợp cha ông tổ tiên đã là người Công Giáo thì sớm muộn gì những con cái cháu chắt cũng theo chân ông bà tổ tiên nhập Đạo để cùng thờ một Chúa, cùng đi một đường. Ngược lại nhiều người muốn nhập Đạo nhưng vì tổ tiên dòng họ không hay chưa có ai là người theo Đạo Chúa nên những người này gặp khó khắn rất khó vượt qua.
 
2. ĐẶC TRƯNG THỨ HAI LÀ TÍNH LÀNG XÃ, BỘ TỘC.
          Ngoài tính gia đình, không thiếu những cuộc trở lại mang tính làng xã, bộ tộc:  một người đứng đầu một thôn, một làng, một xã, một bộ tộc trở lại keo theo cuộc trở lại của cả một thôn, một làng, một bô tộc. Ví dụ: một thày sư của Phật giáo theo đạo Công giáo thì các tín đồ phật tử của Thày trong làng ấy cũng rất dễ trở thành môn đệ của Chúa Giê-su. Một ông thầy đồ trong làng gặp Chúa mà bỏ Phật,  bỏ ông bà (theo cách nói bình dân)  thì vợ con và các môn sinh trong làng của ông cũng sằn sàng theo bước thày để trở thành Ki-tô hữu. Một già làng của một bộ tộc thiểu số chịu phép Rửa Tội thì thế nào cũng có nhiều gia đình khác làm theo. Chuyện này không chỉ xẩy ra trong quá khứ mà cả trong hiện tại cũng có. Trên các vùng Cao Nguyên (Miền Bắc hay Trung Phần), đã có nhiều cuộc trở lại tập thể, cả thôn,  cả buôn làng đón nhận ánh sáng Tin Mừng, trở nên môn đệ của Đấng Ki-tô Giê-su nhờ cả thôn cả buôn cùng nghe các bài giảng trên đài phát thanh (phát từ nước ngoài) nói về Thiên Chúa, về Đấng Cứu Chuộc, về Ơn Cứu độ.
 
3. ĐẶC TRƯNG THỨ BA LÀ TÍNH MỘ ĐẠO.
          Bản chất của dân tộc ta là mộ đạo. Người Việt Nam theo đạo Phật thì mộ Phật, theo Đạo Chúa thì mộ Chúa. Vì  người Việt Nam nặng tình cảm hơn lý trí. Vì thế trong việc giữ Đạo đa số người giáo dân quan tâm đến lòng sùng Đạo nhiều hơn đến việc hiểu Đạo và hành Đạo. Trong quá khứ các hình thái đạo đức bình dân (đọc kinh, rước kiệu, dâng hoa, dâng hạt, ngắm Đàng Thánh Giá, ngằm cuộc Thương Khó....) được phát triển mạnh mẽ và có sức lôi cuốn.  Cùng với sự thay đổi của xã hội  và vì người giáo dân thiếu  hiểu biết tường tận về ý nghĩa và nội dung các thực hành ấy nên các hình thái đạo đức bình dân không còn sức hấp dẫn như xưa. Cũng vì nặng tính sùng đạo và coi nhẹ việc hiểu đạo nên thành phần giáo dân trí thức không mạnh và chưa đóng góp nhiều cho Giáo Hội trong những lãnh vực chính trị, văn hóa, xã hội và  nghệ thuật là địa bàn sở trường của họ.
 
4. ĐẶC TRƯNG THỨ BỐN LÀ TÍNH BÁC ÁI - TỪTHIỆN - XÃ HỘI.
          Người Việt Nam nặng tình cảm hơn lý trí, nên trong đời sống quan tâm đến cách người ta đối xử với mình ra sao.  Vì thế mà xưa cũng như nay điều hấp dẫn lôi cuốn người ngoại đến với Giáo Hội là thái độ yêu thương, giúp đỡ, phục vụ tận tình và gương sáng của những người có đạo, là những việc bác ái, từ thiện, xã hội mà Giáo hội Công giáo làm cho họ. Ở thời kỳ đầu của Giáo hội Việt Nam, người  lương dân đã gọi Đạo của các nhà truyền giáo Phương Tây là Đạo Yêu khi họ chưa biết tên của Đạo Mới ấy là  Đạo Chúa, là Đạo của Chúa Kirixitô.
 
         Ngày nay ở khắp các giáo phận, công việc Truyền Giáo nổi bật nhất là các lớp học tình thương;  là các chương trình học bổng giúp các trẻ em nghèo hiếu học; là các buổi khám bệnh phát thuốc miễn phí; là những lần thăm viếng, giúp đỡ các trung tâm người gìa, tàng tật, phong cùi; là việc chôn cất những người chết không ai chăm lo. Ở Sài gòn thì từ vài năm nay Đức Hồng Y Gio-an Bao-ti-xi-ta Phạm Minh Mẫn vận động cả giáo phận quan tâm đến những người bệnh HIV-AIDS với chương trình xây dựng TRUNG TÂM PHỤC SINH  và các Phòng Khám Từ Thiện. Dân nhập cư tức những người từ các vùng nông thôn kéo về thành phố kiếm việc làm hay học hành cũng là đối tượng đang được một số giáo xứ quan tâm tìm cách giúp đỡ.
         
          Nhưng phải thú nhận rằng: tất cả công sức, tiền của mà giáo phận Sài gòn đã và sẽ bỏ ra cho các chương trình này cũng chỉ là "muối đổ biển" chẳng thấm tháp vào đâu! Nếu chúng ta nhìn vào những khoản tiền khổng lồ của một số vụ cán bộ chính quyền tham nhũng (2) thì chúng ta sẽ thấy trách nhiệm của Giáo hội Công giáo Việt Nam không chỉ là trong lãnh  vực hoạt động bác ái từ thiện mà còn phải là trong các lãnh vực khác nữa, ví dụ lên tiếng kết án tệ nạn tham nhũng, ăn cắp tài sản quốc dân của những người có chức có quyền hiện nay trong guồng máy nhà nước! 
        
          Từ trước đến nay người ta ít thấy Hàng Giáo Phẩm Việt Nam lên tiếng về những vấn đề quan trọng của đất nước. Phải chăng vì các ngài chọn lựa một cách khác để biểu lộ ý kiến của mình với chính quyền? hay vì các ngài chọn lựa thái độ nhẫn nại chịu đựng để tránh các biện pháp khắt khe mang tính chế tài hay trả thù của nhà cấm quyền. Nhưng rõ ràng việc bênh vực chân lý và công lý là một trọng trách lớn lao của người và Cộng đoàn Ki-tô giáo. Nhiều người cho rằng Giáo Hội Công Giáo và Tin Lành ở Hàn Quốc (South Korea) phát triển mạnh trong mấy thập niên vừa qua, một phần là nhờ sự đấu tranh bênh vực công lý và hòa bình và chống bất công xã hội của những nhà lãnh đạo quốc gia là những Ki-tô hữu xác tín và dấn thân (3).
 
           Giả như Giáo Hội và người Công Giáo Việt Nam dũng cảm đứng ra bảo vệ công bằng xã hội và nhân quyền, chống lại nạn tham nhũng, cửa quyền, hống hách, bắt nạt dân của một số đông cán bộ thì chắc chắn nhiều người lương dân sẽ đánh giá cao sự đóng góp ấy của Giáo Hội Công Giáo và từ đó việc Truyền Giáo sẽ gặt hái được nhiều kết quả hơn, nhất là trong giới trí thức và người thành thị.
        
5.  ĐẶC TRƯNG THỨ NĂM  LÀ TÍNH GIÁO DÂN tức GIÁO DÂN LÀ TÁC NHÂN ƠN TRỞ LẠI.
          Nhắc đến việc Truyền Giáo ở Việt Nam trong những thế kỷ đầu, các sử gia và các nhà nghiên cứu phải đặc biệt chú ý đến một thành phần giáo dân có công rất lớn trong công cuộc trọng đại là làm cho nhiều người theo đạo. Đó là các Thày Giảng của Nhà Đức Chúa Trời. Họ cộng tác chặt chẽ với các giáo sĩ trong việc truyền bá Phúc âm và xây dựng cộng đoàn. Tiêu biểu nhất trong số các Thày Giảng là Chân Phước An-rê Phú Yên. Rất tiếc là sau này không còn các Thày Giảng nữa.
    
         Phải chăng vì lúc đầu số giáo sĩ quá ít, lại phần đông là người ngoại quốc không thông thạo phong tục tập quán ngôn ngữ, nên những người giáo dân này được trọng dụng? Phải chăng vì giáo sĩ Tây Phương trọng  người giáo dân hơn các giáo sĩ bản xứ? Phải chăng có sự cạnh tranh  "ngầm ngầm"  về ảnh hưởng và quyền lợi (giáo sĩ xa dân nên dân kính sợ nhiều hơn là mến yêu; còn thày giảng thì gần dân hơn nên được dân yêu mến hơn?). Hay tại sau này người giáo dân không thích đi tu như kiểu Thày Giảng? Chúng ta không biết rõ lý do tại saomột thành phần đắc lực như thế  lại mai một đi trong Giáo Hội Việt Nam. Đây là một đề tài đáng được nghiên cứu.
         
         Còn ngày nay, tuy Giáo Hội Việt Nam còn mang nặng "tính giáo sĩ" (4) của giai đoạn tiền Công Đồng Va-ti-can II, nhưng sự đóng góp của người giáo dân là rất đáng kể trong công việc xây dựng và mở mang các cộng đoàn. Hạng giáo dân hoạt động tích cực nhất và có công lớn nhất trong việc Truyền Giáo là các hội viên các hội đoàn Tông đồ (như các hội viên Legio Mariae) và các giáo lý viên. Đặc biệt ở những vùng cao, vùng  xa, không có các linh mục,  nhiều giáo dân nam có nữ có, kể cả các giáo dân sắc tộc, đã thể hiện rõ nét chức năng ngôn sứ, tư tế và phục vụ của những người đã lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy.
 
THAY LỜI KẾT

          Nếu chúng ta quan tâm đến việc duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông tổ tiên thì chúng ta sẽ quan tâm học hỏi, đào sâu, nghiên cứu thêm
về những nét đặc trưng trên để phát huy chúng trong lịch sử hiện đại. Nếu chúng ta quan tâm đến duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp của Ki-tô giáo các thế kỷ đầu thì chúng ta sẽ quan tâm học hỏi, đào sâu, nghiên cứu thêm về những nét đặc trưng của các Cộng đoàn trong Công vụ Tông Đồ để phát huy trong đời sống Giáo Hội Việt Nam thế kỷ XXI.  Nếu chúng ta quan tâm đến việc thực thi Công Đồng Va-ti-can II thì chúng ta cũng sẽ quan tâm đến việc học hỏi, đào sâu, nghiên cứu thêm về Giáo huấn của Công Đồng để áp dụng chúng vào cơ cấu và đời sống của Giáo Hội Việt Nam. 
 
          Người ta có cảm tưởng là Giáo Hội Công Giáo Việt Nam không mấy quan tâm đến việc đọc lại lịch sử (ôn cố tri tân = ôn cũ biết mới) và cũng chẳng coi trọng  việc nghiên cứu hiện tại để có thể định hướng tương lai và lên kế hoạch. Đó có thể là hệ lụy của những thập niên chiến tranh, đất nước và lòng người phân ly. Cũng có thể là kết quả của những chính sách và biện pháp hà khắc của nhà cầm quyền kể từ tháng 8.1945 đến nay. Đã có một linh mục (5) phát biểu trong một buổi họp thu nhỏ, do Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám Mục Nha Trang chủ trì (lúc đó chưa làm Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam) tại Trung Tâm Công Giáo rằng:  "Người ta có cảm tưởng là Giáo Hội Việt Nam không có tư tưởng, vì bên cạnh Hội Đồng Giám Mục không có một nhóm, một ban nghiên cứu nào!"  Vì thế mà đời sống Đạo và hoạt động Truyền Giáo hay Loan Báo Tin Mừng của Giáo Hội Việt Nam không đem lại những kết quả đáng ra phải có. Dân số Việt Nam đã vượt trên con số 80 triệu và chằng bao xa sẽ đạt tới con số 100 triệu!  Hiện nay tỷ lệ người Công giáo trong nước mới chỉ ở mức 6-7 %, còn xa với mức 10 % mà nhiều người ảo tưởng là đã đạt được từ mấy năm trước đây.           Giêrônimô Nguyễn Văn Nội. 
3603    07-11-2017