Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Sự cần thiết phải cho người nghèo

 

 

Chúng ta cần phải cho người nghèo, không phải vì họ cần, dù họ cần thật, nhưng vì chúng ta cần cho người nghèo để giữ cho mình được lành mạnh. Đó là một chân lý đặt nền tảng trên Kinh thánh, luôn luôn dạy chúng ta rằng cho người nghèo  là điều chúng ta cần làm cho chính sự lành mạnh của bản thân mình.

Chúng ta thấy chân lý này có mặt trong nhiều tôn giáo và nhiều nền văn hóa. Chẳng hạn ở một số người thiểu số ở Bắc Mỹ thực hành một hạnh mà họ gọi là potlach. Đây là một lễ hội đôi khi được thực hành khi làm đám cưới hay khi một đứa bé ra đời, khi đó những người giàu tặng quà cho cả cộng đồng. Mục đích đầu tiên của tục lệ này là để bảo đảm một sự phân bố tài sản, nhưng cũng để canh chừng cho người giàu có một cuộc sống lành mạnh, để họ đừng quá lo lắng tích lũy quá nhiều tài sản. Người ta tin rằng, cái gì quá mức sẽ có hại cho đương sự. Đây là một niềm tin còn mãi trong hầu hết mọi nền văn hóa.

Trong Kitô giáo, chúng ta trân trọng niềm tin này, luôn luôn khuyến khích việc cho người nghèo, từ lâu chúng ta xem việc bác ái là một đức hạnh, và đúng như vậy. Từ thiện là một nhân đức, nhưng đối với Kitô hữu, có lẽ đó là một bổn phận hơn là nhân đức nữa. Khi xem lại bộ Luật Môsê trong Kinh thánh, chúng ta thấy luật quy định mức độ chính xác phải cho người nghèo là bao nhiêu. Khái niệm này có nghĩa là việc cho người nghèo là một bổn phận, chứ không phải là một chọn lựa đạo đức có thể thương thảo. Đơn giản, Luật Môsê buộc mọi người, về mặt pháp lý, phải cho người nghèo.

Kinh thánh có rất nhiều minh chứng về việc này. Chẳng hạn, chúng ta xem các giáo huấn và luật dạy sau đây:

Trước hết, Luật Môsê quả quyết rằng tất cả những gì chúng ta có đều thuộc về Thiên Chúa chứ không thực sự là của chúng ta. Chúng ta chỉ là người quản lý và bảo vệ của cải đó mà thôi. Vì lòng Chúa thương, chúng ta được hưởng dùng nó, nhưng xét tận cùng, nó không phải là của chúng ta. (Lv 25: 23)

Mỗi bảy năm, phải trả tự do cho tất cả các nô lệ, và mỗi người được đem theo mình của cải ông chủ cho, sao cho đủ dùng để sống tự lập. (Đnl 15: 14)

Mỗi bảy năm, tất cả các khoản nợ phải được hủy bỏ (nghĩa nguyên gốc của “luật về những giới hạn”).

Mỗi bảy năm, đất đai phải được để không, đất đai có thời kỳ Sabbath của nó. Trong năm đó, chủ đất không những không được gieo bất cứ hạt giống nào, mà còn không được gặt bất kỳ thứ gì trên đất đó. Người nghèo được thu gặt hoa quả trên đồng ruộng và vườn nho trong năm đó.

Và, mọi chủ đất, luôn luôn, bị cấm thu gặt các góc ruộng của mình, để những góc đó cho người nghèo thu hoạch.

Cuối cùng, nhưng căn bản hơn hết, là mỗi năm mươi năm, tất cả mọi đất đai phải được trả về thị tộc hay gia tộc chủ sở hữu gốc của nó. “Quyền chiếm hữu” có một giới hạn thời gian nhất định. Mọi thứ không phải là của bạn mãi mãi.

Hơn nữa, khi làm tất cả điều này bạn không được xem là đạo đức, mà đó là luật, là nghĩa vụ pháp lý.

Và phía sau những luật này, có một ý nghĩa kép. Một mặt, các luật này được thi hành cốt để giữ sự lành mạnh cho những ai biết cho người nghèo, mặt khác, cũng là một cố gắng để bảo đảm cho người nghèo, để họ không trở nên quá túng quẫn đến mức phải trộm cắp những gì họ cần để duy trì sự sống.

Xã hội chúng ta cần phải học nhiều về những điều này. Phần lớn chúng ta là người quãng đại và có lòng từ thiện. Chúng ta cho đi một phần thặng dư của mình, dù cho các chuyên gia chuyên nghiên cứu về người vô gia cư cho rằng làm như thế không có ích gì, nhưng tâm hồn chúng ta vẫn bị đánh động bởi những người đang nài xin chúng ta trên đường và chúng ta vẫn tiếp tục cho họ tiền (dù chúng ta không tin  lời họ nói cần tiền mua đồ ăn hay tìm chỗ ở). Phần đông quả tim chúng ta vẫn ở đúng chỗ của nó.

Nhưng chúng ta có khuynh hướng xem việc này là một việc mà chúng ta làm hoàn toàn là cho người khác, không nhận ra việc đó là một việc lành mạnh cho chính mình. Hơn nữa, chúng ta có xu hướng xem đây là một nhân đức hơn là nghĩa vụ, là việc từ thiện hơn là công bằng. Và có lẽ vì lý do này, cho dù tâm hồn và lòng quảng đại của chúng ta có tốt đến đâu đi nữa, thì khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, trong nền văn hóa của chúng ta và trong toàn thể thế giới, vẫn cứ rộng ra mãi. Hàng triệu triệu người vẫn tiếp tục bị bỏ mặc mà không được quyền lợi từ luật cho phép thu lượm những góc nhỏ trong khối tài sản của chúng ta hay được tha nợ mỗi bảy năm một lần.

Chúng ta cho người nghèo vì họ cần, đúng là vậy, nhưng chúng ta cần phải cho vì nếu chúng ta không cho, chúng ta sẽ không lành mạnh. Và chúng ta phải thấy việc cho không phải là việc từ thiện mà là nghĩa vụ, công bằng, như một cái gì chúng ta đang nợ.

Truyện kể rằng, trên giường hấp hối, thánh Vincent de Paul đã thách thức các môn đệ của mình về việc này: Cho thì phúc hơn nhận, và nó cũng dễ làm hơn nữa!

J.B. Thái Hòa dịch

1006    11-03-2018