Sidebar

Thứ Hai
20.05.2024

Sự kháng cự có tính cách ngoại giáo của chúng ta đối với đời sau



Đôi khi đang dâng thánh lễ hay đứng trên bục giảng, tôi lướt nhìn những khuôn mặt ở hàng ghế đầu. Những gương mặt đó nói lên gì? Một vài người thiết tha, chú ý, tập trung vào phụng vụ đang diễn ra, nhưng một số không nhỏ, đặc biệt các bạn trẻ, tỏ ra chán chường, tham dự thánh lễ vì bổn phận, chịu đựng, có thể diễn tả như sau: ‘Tôi phải ở nhà thờ bây giờ, dù tôi ước sao mình ở một chỗ nào khác’. Tất nhiên, những phản ứng này dễ hiểu. Xét cho cùng, tất cả chúng ta đều là con người, với đầy tính xác thịt, và khi cố gắng tập trung vào thế giới tâm linh hay vào những gì có liên quan đến tính xác thịt, tính khả tử, và hy sinh, thì chúng ta, hầu hết mọi lần, đều mong hiện thực đời này sẽ thắng vượt lời hứa đời sau.

Thỉnh thoảng khi nhìn các khuôn mặt đang chăm chú nhìn tôi trong nhà thờ, tôi thấy mình được nhắc để nhớ cảnh văn sĩ Virginia Woolf mô tả trong quyển tiểu thuyết Con sóng (The Waves) của bà.  Đó là cảnh một nhà nguyện ở một trường nội trú Anh quốc, với một ông từ đang mở lời huấn đức cho các học viên trong một buổi phụng vụ. Ông này không được các học viên tôn trọng lắm, nhưng đó không phải là lý do sâu xa nhất để cho sinh viên Neville lơ là lời của ông và lơ là cả buổi phụng vụ nói chung. Trong anh, có một điều gì đó đang phản kháng, không chỉ là chống lại những lời của ông từ, người mà anh chẳng tôn trọng gì, nhưng còn là chống lại mỗi một lời ông từ đó đang nói ra. Điểm mấu chốt là, lòng của Neville quá nồng nhiệt để có thể chấp nhận được bất kỳ lời nói nào về sự bất tất, đạo đức, bỏ mình, thập giá, thinh lặng hay bất kỳ lời nào khác, dòng máu trẻ trung của anh đang âm thầm chảy về hướng đối lập, là sức lực, tuổi trẻ, tình dục, tình anh em, địa vị, danh tiếng, và thú vui.

Vì thế anh tìm cách lảng đi. Anh không muốn nhìn thấy khuôn mặt của ông từ, không muốn nghe tiếng ông, không muốn nghe về Thiên Chúa, chẳng muốn nghe về đời sau, chẳng muốn bị nhắc nhở về tính khả tử của con người, cũng không muốn nghe chuyện hy sinh bỏ mình. Như con nghiện, anh cần một liều thuốc chữa cháy, và trong trường hợp này phải là một thứ gì đó rất mạnh đủ để là tôn giáo, đủ mạnh để dính với sự sống bất diệt của đời sau, một điều gì đó đáng ngưỡng mộ mà anh biết đâu đó mình cần để trao cho người khác. Và anh biết chính xác anh phải nhìn về đâu. Anh dính chặt con mắt và sự ngưỡng mộ của mình về một người cũng ở trong nhà nguyện đó, đó là một người trai trẻ tên là Percival, mà theo tâm trí tuổi trẻ của Neville, đó mới thật là hiện thân thực sự cho sự sống và đó mới đáng cho mình tôn sùng. Và đây là lời mô tả của Woolf:

“Neville nói: “Khi cất lời cầu nguyện, kẻ thô lỗ đó xâm phạm tự do của tôi. Không có óc tưởng tượng nên những lời ông nói cứ như đá lạnh đập vào đầu, trong khi chiếc thánh giá mạ vàng của ông cứ vung vẩy trên áo. Những lời nói uy quyền đã bị hủy hoại bởi những người xướng lên nó. Tôi xem thường và giễu vào cái tôn giáo buồn bã này, vào những nhân vật nhút nhát, rầu rĩ, đúng hơn là những người tái nhợt như xác chết và bị tổn thương.  …  Còn bây giờ, tôi sẽ quay qua vờ như để gãi đùi. Tôi sẽ thấy Percival. Anh ấy đang ngồi đó, nổi bật lên khỏi đám giá áo túi cơm nhỏ bé. Anh ấy thở có vẻ nặng nề qua chiếc mũi thẳng. Đôi mắt xanh và vô hồn lạ lùng của anh đầy cả sự lãnh đạm ngoại giáo. Anh ấy mới thật là một ông từ đáng ngưỡng mộ. Anh ấy sẽ lấy roi mà đánh phạt những cậu bé mắc lỗi. Anh ấy sẽ dùng những câu tiếng La Tinh khi nói về những điểm đáng ghi nhớ. Anh ấy chẳng nhìn cái gì, chẳng nghe cái gì. Anh ấy tách biệt hẳn khỏi tất cả chúng tôi trong một vũ trụ ngoại giáo của riêng anh ấy. Nhưng nhìn xem cái cách anh đặt tay ra phía sau lưng. Với cử chỉ như thế, người ta sẽ mến mộ anh mãi suốt đời mất thôi.””

Tôi trích lại mô tả này với lòng thông cảm không nhỏ vì tôi đã từng là cậu trai Neville đó, ngồi trong một buổi phụng vụ, nhưng lòng thì đầy phản kháng, âm thầm hướng ngoại, và hướng nội trong cam chịu, vì tôi không muốn nghe hay nhận biết bất kỳ điều gì, mà theo tâm trí tôi là, không tôn vinh hiện thực mà tôi cảm nhận rành rành trong máu mình. Tôi không muốn ai nhắc tôi rằng sức khỏe của tôi thật mong manh, rằng tuổi trẻ của tôi đang trôi qua, rằng đời này không phải là trọng tâm cuộc sống, và chúng ta không nên nghĩ quá nhiều về tình dục. Tôi đã không muốn nghe về đạo đức, rằng tất cả chúng ta rồi sẽ chết, tôi không muốn nghe về thập giá, hay nghe rằng chúng ta chỉ có thể sống bằng việc chết đi, và tôi không muốn bị người ta bảo phải chú tâm vào đời sau, trong khi cái tôi muốn là đời này. Tôi chấp nhận Giáo hội là quan trọng, đúng, nhưng với tôi, sân vận động còn thực tế và hấp dẫn hơn nhiều. Và cũng như cậu Neville, tôi cũng có những Percival của mình, đó là các bạn đồng trang lứa, một vài thần tượng thể thao, và một vài ngôi sao điện ảnh với thân hình thật đáng thèm muốn và những cử chỉ hoàn hảo, họ  đúng là sự sống, là sự bất diệt mà đương nhiên tôi rất khao khát, và họ là những người dường như không có những giới hạn như của tôi.

Nhưng, tôi nghĩ, Thiên Chúa thích dạng phản kháng tuổi trẻ này, và Ngài dựng lên nó trong chúng ta. Vì sao?  Bởi, sự kháng cự càng mạnh, sự hòa hợp cuối cùng càng tràn trề sung mãn.

J.B. Thái Hòa dịch

366    24-07-2018