Hãy tìm hiểu xem khám phá này minh chứng ra sao về mối liên hệ lịch sử giữa Kitô giáo với Iraq.
Khi khai quật một ngôi nhà thờ ở Mosul bị ISIS phá hoại trong thời gian chiếm đóng tại đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy được khoảng một chục thánh tích của các vị thánh Kitô giáo thời sơ khai. Khám phá này thừa nhận mối liên hệ lịch sử giữa người Kitô giáo và Iraq, đồng thời cũng đem đến lời nhắc nhở về nhiều hiện vật khác đã bị những kẻ cực đoan phá hủy trong những năm gần đây.
Ảnh: PIME Asia News |
Trang tin PIME Asia News ghi nhận rằng khoảng một chục hiện vật được lấy ra từ nhà thờ Mar Thoma (Thánh Tôma), nơi đã trở thành đống đổ nát trong trận chiến ở Mosul vào năm 2016. Những hiện vật này bao gồm các thánh tích của các vị thánh thời sơ khai và các bản viết tay trên giấy da thuộc về các vị thánh này. Các thánh tích được đặt trong những chiếc hộp đựng bằng đá có khắc tên của các vị thánh.
Các thánh tích
Theo trang Christian Post, tổng cộng có sáu hộp đựng thánh tích bằng đá, một trong số đó được khắc tên của Thánh Simon Nhiệt thành, một trong 12 tông đồ của Chúa Kitô từ thế kỷ thứ nhất. Các thùng chứa khác mang tên của Thánh Theodore, Thánh Viện phụ Gabriel và Thánh Simeon.
Thánh Theodore là một người lính Rôma vào thế kỷ thứ III, người đã chịu tử đạo vì trở lại Kitô giáo. Thánh Simeon Nhà Thông thái được cho là người đã chào đón Hài Nhi Giêsu ở đền thờ Giêrusalem khi Người vừa mới hạ sinh được 40 ngày. Thánh Viện phụ Gabriel là một nhân vật gần đây hơn so với các vị trước; ngài đã phục vụ trong cương vị là giám mục của vùng Nam Thổ Nhĩ Kỳ vào thế kỷ thứ 6.
Đức Tổng Giám mục Nicodermus, Cha Yacoub và các giáo sĩ đến thăm Nhà thờ Chính thống Syria Mar Thoma ở Mosul, Iraq. Ảnh: Twitter |
Một báo cáo từ nhóm quan sát International Christian Concern (ICC) đã lưu ý rằng các thánh tích của Thánh Gioan Tông đồ cũng đã được phát hiện. Họ đã viết về những phát hiện khảo cổ học này như sau:
“Việc phát hiện ra các thánh tích ẩn giấu tại ngôi nhà thờ này là một bước phát triển đáng khích lệ khác trong nỗ lực chung nhằm khôi phục và bảo vệ các di sản văn hóa Kitô giáo ở Iraq sau những thiệt hại do Nhà nước Hồi giáo gây ra.”
Cuộc trùng tu
Công việc trùng tu là một phần trong nỗ lực của Liên minh Quốc tế về Bảo vệ Di sản ở các Khu vực Xung đột. Chiến dịch “Khôi phục Nhà thờ Chính thống Syria Mar Toma” bắt đầu vào năm 2021 và được tài trợ 328.100 USD, phần lớn đến từ tổ chức l’Oeuvre d’Orient của Pháp.
Dự án trùng tu dự kiến kết thúc vào năm 2022, nhưng với việc phát hiện ra những thánh tích lịch sử này, công việc trung tu này có thể sẽ kéo dài sang đến tận năm 2023. ICC cho biết về công việc hiện tại:
“Có lẽ các công nhân sẽ khám phá ra nhiều di vật lịch sử chưa được khám phá hơn nữa khi họ tiến hành phân loại các di tích khảo cổ có lịch sử lâu đời của Kitô giáo ở Iraq.”
UNESCO
Trong khi các dự án trùng tu khác nhau đã bắt đầu trên khắp Mosul, thì không có dự án nào lớn hơn chiến dịch “Phục hưng tinh thần Mosul” của UNESCO, tổ chức của Liên Hợp Quốc này đã phân bổ hơn 100 triệu USD cho các dự án trùng tu.
UNESCO ước tính rằng khoảng 80% Mosul đã bị phá hủy trong trận chiến năm 2016. Tổ chức này đã đưa ra nhận xét về một số rắc rối mà họ gặp phải khiến công việc của họ trở nên khó khăn và tiêu tốn nhiều thời gian hơn:
“Chúng tôi phải bắt đầu với việc dọn dẹp đống đổ nát và rà phá bom mìn. Ở một số nơi vẫn còn vật liệu và các thiết bị nổ dưới lòng đất. Đó là một nhiệm vụ phức tạp. Ngoài ra, chúng tôi phát hiện ra rằng trên thực tế có rất ít tài liệu về các công trình này. Vì vậy, việc nghiên cứu kỹ lưỡng hơn là điều cần thiết. Sau đó, chúng tôi phải chuẩn bị bản thiết kế về kiến trúc để tiến hành các cuộc can thiệp.”
Tác giả: J-P Mauro - Nguồn: Aleteia (28/7/2022)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên