Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Tôi đi khám bệnh

fdshas

Ảnh minh họa.

Trong đời nếu ai không đau bệnh, quả là hạnh phúc tuyệt vời.

Đau bệnh không cần đi đến bệnh viện, chỉ cần uống vài liều sẽ khỏi, cũng là hạnh phúc. Và có lẽ ai ai cũng đều trải qua những lần đau bệnh: nhẹ cũng nhức đầu sổ mũi; nặng hơn thì những bộ phận tim gan phèo phổi … có vấn đề.

Ngày nay, giới y khoa cũng khuyên chúng ta: vào tuổi 50 nên đi khám tổng quát một năm/lần cho dù không có bệnh tật gì. Tuổi 60 nên đi khám một năm hai lần để nếu có những phát hiện tiền ung thư chẳng hạn, có thể can thiệp để chữa trị. Tuy nhiên, không mấy ai tuân thủ lời khuyên nầy. Lý do: tốn tiền. Nhưng có thể lý do mạnh hơn là sợ mất thời giờ và đôi khi tâm lý e ngại đi khám sợ phát hiện những thứ bệnh khác nữa.

Cá nhân tôi rất ngại đi khám vì mất quá nhiều thời giờ. Lần mới đây tôi đi khám cơ sở Đại Học Y dược I. Có mặt lúc 5g30 sáng nơi quầy làm thủ tục – điền thông tin cá nhân vào một tờ giấy đặt sẵn, nếu là đi lần đầu. Sắp hàng chờ đóng tiền. Xong việc nầy qua khu khác bắt số chờ vào phòng Tư Vấn để được hướng dẫn cần khám hoặc xét nghiệm những gì. Xong những việc đó đến phòng chờ rút máu hoặc mẫu nước tiểu v.v… để xét nghiệm. Khi “mọi sự đã hoàn tất” lại chờ lấy kết quả xét nghiệm. Thường thì lâu hay mau ở khâu nầy, vì tùy loại xét nghiệm: có loại có kết quả ngay trong ngày, có loại phải đợi đôi ngày, thậm chí cả tuần. Khi có kết quả xét nghiệm đi đến phòng Bác sĩ điều trị chờ đến số thứ tự của mình vào gặp bác sĩ. Việc kiếm tìm những phòng nầy không dễ dàng đối với người dân quê đi khám lần đầu.

Sau khi đã có trong tay kết quả xét nghiệm, tôi hớn hở đi tìm phòng mạch Bác sĩ chữa trị cho mình. Tìm ra số phòng cũng lại chờ đến phiên thứ.

Khi được gặp Bác sĩ, tôi hớn hở trao kết quả xét nghiệm như một “thành tích chiến đấu” mà tôi đã nỗ lực thực hiện từ lúc 5g30 đến giờ nầy là 2 giờ chiều. Xem lướt qua Bác sĩ hỏi tôi: Ông đau sao vậy?

Dạ, thưa Bác sĩ tôi bị đau bụng. Đau trên rún dưới chấn thỉ. Tôi nghĩ mình trả lời “hơi dư” câu hỏi để bác sĩ khỏi phải hỏi thêm: ông đau ở đâu. Đồng thời tôi cũng nói luôn: chắc đau bao tử bác sĩ ơi.

Viêm dạ dày. Cho 3 loại thuốc. Bác sĩ nói với cô y tá thư ký kế bên để đánh máy vi tính  mà không cần hỏi tôi nữa.

Thêm loại thứ tư: Bactaza. Bác sĩ nói tiếp với cô y tá.

Sau đó Bác sĩ nói với tôi: Ông ở xa tôi cho ông uống một tháng. Sau đó ông trở lại tái khám nhen.

Dạ cám ơn bác sĩ. Tôi nói.

Ông ra ngoài chờ lấy toa. Đây là lời cuối của Bác sĩ điều trị sau 9 tiếng đồng hồ chờ đợi.

Như vậy việc gặp Bác sĩ, gọi là khám bệnh, diễn ra không quá 5 phút và cũng không cần phải hỏi thêm điều gì nữa, cứ theo lời khai của bệnh nhân mà điều trị.

Đem chuyện nầy kể cho vài người bạn, có người cho ý kiến: ông gặp Bác sĩ dễ tính đó. Gặp Bác sĩ khó tính ông ấy sẽ bảo: ông biết mình đau bao tử thì ở nhà ông điều trị cần gì tới đây.

Theo tôi được biết các Bác sĩ khám bệnh ở các Trung tâm, Cơ sở đa số là hưởng huê hồng trên bệnh nhân. Khám càng nhiều doanh thu trong ngày càng cao. Từ chỗ đó ít có giờ để tư vấn, đối thoại với bệnh nhân. Quả thời giờ là vàng bạc.

Không chỉ trong lãnh vực Y tế mà dường như ngày nay trong nhiều lãnh vực, ngành nghề khác, thậm chí ngay cả trong các gia đình cũng thiếu đi mối tương quan đối thoại và cha mẹ thiếu thời gian để đối thoại, nói chuyện với con cái mình vì bận việc kiếm tiền; từ đó, nảy sinh ra nhiều mâu thuẫn đưa đến hiểu lầm xung khắc rồi dẫn đến xung đột và tan vỡ.

Chính mối tương quan ĐỐI THOẠI biết dành nhiều thời gian cho nhau sẽ giúp chữa trị nhiều “chứng bệnh” nơi các gia đình đang gặp khủng hoảng và xã hội thời đại chúng ta đang mắc phải.

 


Văn phòng Caritas vĩnh Long

2311    07-01-2018