Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Truyền Thông Công Giáo Việt Nam Cơ Hội Hay Thách Đố? (p.1)

Truyền Thông Công Giáo Việt Nam Cơ Hội Hay Thách Đố?

 

Dẫn Nhập

“Truyền mà không thông!”, đó là điều nhiều người hay nhắc đến mỗi khi đề cập đến lãnh vực truyền thông. Những từ ngữ như Truyền Thông Đại chúng, Truyền Thông Xã Hội, Mục vụ Truyền Thông v.v… ngày nay không còn xa lạ gì ngay cả với giới bình dân. Các phương tiện truyền thông hiện đang phát triển với tốc độ chóng mặt, xóa đi mọi biên giới địa lý, đem thông tin tức thời về những chuyện xảy ra trên khắp thế giới đến cho mọi người ở mọi ngõ ngách cuộc sống. Báo chí, truyền thanh, truyền hình, điện thoại và hiện nay internet đã có mặt khắp nơi, và hầu như ai cũng có thể sử dụng. Khả năng của các phương tiện truyền thông cũng tăng lên rất nhanh cả về tốc độ, phẩm chất lẫn số lượng! Những cuộc Hội Nghị “liên lục địa” nhờ các kỹ thuật mới (tele-conference) không còn là chuyện tưởng tượng. Ngôi làng toàn cầu ngày càng như thu hẹp lại khi mạng điện toán đạt những kỷ lục truyền dữ liệu nhanh hơn cả tốc độ của ánh sáng… Truyền thông mở ra nhiều cơ hội mới, giúp gây ý thức cho nhân loại về những nhu cầu kinh tế, xã hội, chính trị, văn hoá và cả tâm linh nữa (UNESCO, Many Voice, One World – Communication and Society Today and Tomorrow. (London: Biddles Ltd, Guildford & Kings Lynn, 1980), 13). Thế nhưng những điều đó có làm cho con người hạnh phúc hơn không? Giáo Hội đã có cái nhìn như thế nào và đã tận dụng những khả năng lớn lao của truyền thông cho công cuộc truyền giáo ra sao? Đó là những suy tư mà bài viết này nhắm đến!

BISCOM VI (The Sixth “Bishops Institute for Social Communication”) là tên cuộc họp của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (LHĐGMAC) về Truyền Thông mới đây tại Bangkok, bắt đầu từ ngày 28/05 và kết thúc vào ngày 02/06/2007. Chủ đđề của Hội Nghị: “Quy hướng việc truyền thông về thừa tác vụ ở Châu Á - Các kỹ thuật truyền thông hiện đại cho Giáo hội.” Đây là lần đầu tiên Phái đoàn của Ủy Ban Truyền Thông Xã Hội thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) chính thức tham dự một Hội Nghị Quốc Tế về truyền thông. Phái đoàn gồm có Đức Cha Phêrô Nguyễn văn Đệ, GM Phụ Tá Giáo Phận Bùi Chu - Chủ tịch Ủy Ban Truyền Thông Xã Hội, Cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn - Thư ký Hội HĐGMVN kiêm Phó Chủ tịch Ủy Ban Truyền Thông Xã Hội, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh - GM GP Kontum và Cha Bartôlômêô Nguyễn Đình Phước - Thư Ký TGM GP Kontum (http://www.hdgmvietnam.org/ demo/Tin-Tuc-Giao-Hoi-Cong-Giao/2007/5/F868B389CB2/default.aspx, truy cập ngày 25/07/2007). Những thông tin của cuộc họp này đã được chuyển đi nhanh chóng qua mạng internet và các báo đài, giúp đồng bào công giáo Việt Nam khắp nơi thêm phấn khởi.

Từ trước đến nay, các phương tiện Truyền Thông Xã Hội vẫn được Giáo Hội quan tâm rất nhiều vì tầm ảnh hưởng lớn lao của chúng trên mọi bình diện cuộc sống. Công đồng Vatican II và nhiều tài liệu khác nhau của Giáo Hội không ngừng đề cập đến lãnh vực truyền thông trong đời sống Giáo Hội (Paul Soukup, Church Documents and the Media, trong Tạp chí Concilium - International Journal for Theology, Số 6 / 1993, Chủ đề: Mass Media, 71-78). Chính Công đồng đã đề xướng việc cử hành Ngày Truyền thông Quốc tế, và hàng năm vào dịp này, các Đức Giáo Hoàng đều gởi đến cho toàn Giáo Hội một Sứ điệp Truyền thông đặc biệt với những chủ đề khác nhau. Đây là nguồn tài liệu quý với những định hướng cụ thể cho từng giai đoạn lịch sử, mời gọi Giáo Hội tại mỗi địa phương - đặc biệt là những Ủy Ban về Truyền Thông và các cơ quan Truyền thông Công Giáo - truyền đạt rộng rãi và áp dụng cho hoàn cảnh của mình. Nhưng tại Việt Nam, mãi đến Hội Nghị thường niên lần thứ 27 của HĐGMVN vào tháng 9 năm 2006 vừa qua tại Huế, HĐGMVN mới chính thức thành lập Ủy Ban Truyền Thông Xã Hội (UBTTXH) và bổ nhiệm Đức Cha Phêrô Nguyễn văn Đệ làm Chủ tịch. Việc tham dự Hội Nghị BISCOM VI là một cơ hội tốt đẹp để UBTTXH VN cập nhật những thông tin mới liên quan đến lãnh vực Truyền Thông Xã Hội, và cũng là dịp làm quen, kết nối nhịp cầu thông tin với các cơ quan Truyền Thông CG và các UBTTXH của các quốc gia trong vùng.

Ngày 17/07/2007 tại trung tâm Công Giáo TP. HCM đã diễn ra buổi họp của UBTTXH / HĐGMVN nhằm soạn thảo quy chế hoạt động và nội quy của UBTTXH cho các hoạt động trong tương lai. Các tham dự viên gồm đủ mọi thành phần: Giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân, cùng nhau vạch ra định hướng tương lai và dự thảo các hoạt động để trình lên HĐGMVN trong Hội Nghị thường niên lần tới, sẽ tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10/2007 (http://www.hdgmvietnam.org/demo/Tin-Tuc-Hoat-Dong-Uyban/UBTruyenThongXaHoi/2007/7/F868 B389C2/default.aspx, truy cập ngày 25/07/2007).Hy vọng rằng trong tương lai gần đây, những khả năng rộng lớn của các phương tiện Truyền Thông Xã Hội sẽ được phát huy hữu hiệu hơn nữa trong công cuộc Loan báo Tin Mừng. Đó thật sự là những tín hiệu đáng mừng cho đời sống niềm tin của người tín hữu trên quê hương Việt Nam. Nhân đây người viết xin được nêu lên một vài yếu tố nền tảng và những định hướng cần thiết cho hoạt động Truyền Thông Công Giáo. 

 


1. Một Nền Thần Học Truyền Thông

Tiêu đề này nghe có vẻ lạ tai đối với nhiều người… Thực ra ngay từ khi Công đồng Vatican II kết thúc, trong Giáo Hội đã có những nghiên cứu và đề xướng nhiều lối tiếp cận khác nhau cho một nền Thần Học Truyền Thông. Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải của Thiên Chúa (Dei Verbum – DV) nói về Mạc Khải như việc Thiên Chúa “truyền thông chính mình” (self-communication) cho nhân loại (DV 6).  Đó là bước khởi xướng cho mọi hoạt động truyền thông của con người với nhau. Sắc Lệnh về các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội của công đồng (Inter Mirifica - IM) năm 1963 được xem là tài liệu đầu tiên trình bày lập trường chính thức của Giáo Hội về vấn đề truyền thông xã hội. Trước đó đã có một số các văn kiện của các Đức Giáo Hoàng liên quan đến các phương tiện truyền thông, nhưng không đầy đủ và bao quát như Inter Mirifica. Sắc lệnh nói rõ: “Giáo Hội Công Giáo nhận thấy mình có bổn phận dùng các phương tiện truyền thông xã hội để loan báo ơn cứu độ, và dạy con người biết sử dụng chúng cho đúng đắn…” (IM #3) 

Huấn thị Mục Vụ Communio et Progressio năm 1971 đã thực sự nhấn mạnh vai trò quan trọng của Truyền Thông Xã Hội trong thế giới và đời sống của toàn nhân loại.  Paul Soukup, 72-73. Bài viết khá nổi tiếng của tác giả Avery Dulles Dòng Tên trong Tạp chí Catholic Mind tháng 10 năm 1971 mang tựa đề “Giáo Hội là truyền thông” (Church Is Communications), nhắc đến sự hiện hữu của Giáo Hội nhằm đem nhân loại trở về sự hiệp thông với Thiên Chúa bằng cách mở ra sự truyền thông giữa con người với nhau. Như thế Giáo Hội chính là một mạng lưới truyền thông rộng lớn được thiết kế để đưa con người ra khỏi sự cô lập và bất hòa đến chỗ hiệp thông với Thiên Chúa trong Đức Kitô. Avery Dulles. "Church Is Communications," trong Catholic Mind (tháng 10, 1971), 2.  Ngài đã mạnh mẽ khẳng định “Các phương tiện truyền thông điện tử đang nắn đúc nên một thế giới mới, và thậm chí cả một thế hệ nhân loại mới…. Giáo Hội phải tận dụng các phương tiện Truyền Thông Xã Hội đó cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng trong thế giới hôm nay” (Avery Dulles, 13).

Gần đây hơn từ những năm 1990, các nhà thần học - đặc biệt tại Áo và Đức (Innsbruck, Tuebingen) - đã phát triển lý thuyết về Thần Học Truyền Thông, mở rộng sự hiểu biết của con người như một nền thần học phản ánh những tập quán về truyền thông trong sự hiệp thông giữa các tín hữu. Lý thuyết này xem thần học như là “một hành động truyền thông” giữa các tín hữu trong một cộng đoàn sống động (Habermas). Nền tảng chung vẫn chính là Mạc khải của Thiên Chúa được phản ánh trong khả năng truyền thông của con người (Scharer/Hilberath). Dần dần nhiều thần học gia muốn đặt toàn bộ nền thần học dưới nhãn quan truyền thông. Truyền thông trở thành nguyên lý thần học, hay nói cách khác đó là chìa khóa để mở ra những hiểu biết mới về Thần học.. Những nội dung trình bày trong phần này dựa trên tài liệu của cha Eilers, SVD (Xin xem Franz-Josef Eilers, (Ed.) Communicating in Ministry and Mission. [Manila: Logos Publications. 2004] 17-18). Những nghiên cứu khác cho thấy nguồn gốc của truyền thông cũng bắt đầu từ Mạc Khải Kitô giáo, có đề tài trọng tâm là những hiểu biết của người tín hữu về Thiên Chúa và thế giới. Nhà thần học Đức Gisbert Greshake chỉ ra rằng khái niệm thần học về truyền thông đã được chuẩn bị từ nền Triết học Hy lạp, và cuối cùng được thể hiện trong khái niệm về chiều kích Kitô học và về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Dưới nhãn quan của các lý thuyết truyền thông hiện đại, Greshake xác tín rằng: “Thiên Chúa chính là Truyền thông. Ngài truyền thông chính mình cho thế giới và làm cho tạo vật có khả năng truyền thông, nhờ đó tạo vật trở nên giống Ngài trong sự truyền thông và đạt đến sự hiệp thông gần gũi với Thiên Chúa”  (Eilers, 19-20).   

Đức Hồng Y Carlo M. Martini đã phát triển một lối tiếp cận tương tự như thế đối với hoạt động truyền thông trong Chương trình Mục Vụ của Ngài năm 1990 cho Tổng Giáo phận Milan. Ngài nhận thấy bất cứ việc truyền thông nào của nhân loại cũng đều bắt nguồn từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, nơi mọi tạo vật được dựng nên và hiện hữu. Khi dựng nên con người giống hình ảnh Ngài (Stk 1,26; Kng 2,23), Thiên Chúa đã trao cho họ khả năng thiết lập những mối tương quan truyền thông với nhau. Theo Hồng Y Martini, Tin mừng Lễ Hiện Xuống chính là “Tin mừng Truyền thông” vì chính nơi biến cố đó Thiên Chúa truyền thông chính Ngài cho chúng ta, làm chúng ta có khả năng truyền thông với Thiên Chúa và với nhau, đồng thời gỡ bỏ mọi chướng ngại trong lãnh vực truyền thông. Biến cố này khai mở lại những “kênh truyền thông” đã bị đóng kín từ biến cố tháp Babel và nối lại tương giao giữa con người với Thiên Chúa nhân danh Đức Giêsu Kitô. Đó cũng là biến cố khai sinh Giáo Hội như là dấu chỉ và khí cụ truyền thông giữa con người với Thiên Chúa, đồng thời cũng là dấu chỉ và khí cụ hiệp nhất giữa con người với nhau (Carlo Martini, Communicating Christ to the World, (Kansas City, MO: Sheed & Ward, 1994) 5-11).

Karl Rahner đi từ khái niệm Thiên Chúa “truyền thông chính mình” của Công đồng Vatican II (DV6) để trình bày về truyền thông trong lịch sử cứu độ. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tiếp nối dòng suy tư này trong Tông thư và Chúa Thánh Thần “Dominum et Vivificantem” năm 1988. Ngài đã phát triển những nguyên tắc nền tảng cho nền thần học về sự truyền thông chính mình của Thiên Chúa, khi sử dụng và minh họa đến hơn 10 lần cách diễn đạt này. Theo Ngài, việc truyền thông nội tại của Thiên Chúa Ba Ngôi cũng trở nên sự truyền thông chính mình cho nhân loại qua việc tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa lại tiếp tục truyền thông chính mình trong trật tự của tạo vật và ân sủng, cho đến khi thời gian viên mãn, việc truyền thông chính mình của Thiên Chúa thể hiện nơi việc Nhập thể trong Đức Giêsu Kitô mà đỉnh cao là mầu nhiệm Cứu Độ – chết và Phục Sinh của Ngài. (Dominum et Vivificantem Số 23). Với biến cố Hiện Xuống, việc truyền thông chính mình của Thiên Chúa được hoàn tất nơi Đức Kitô và chứng tá của các Tông đồ, tiếp tục nối dài trong Giáo Hội nhờ Đấng Bảo Trợ là Thần Khí Chân lý. Việc chúng ta “tự hiến chính mình” vì yêu thương chính là sự truyền thông của con người theo mẫu mực truyền thông chính mình của Thiên Chúa, vì Người đã tự hiến trước. Đức Gioan Phaolô II nhận thấy Chúa Thánh Thần chính là nguyên lý trực tiếp và chủ thể của việc Thiên Chúa truyền thông chính mình trong trật tự của ân sủng” (Eilers, 21-23).

Có thể nói như Bernard Lonergan: “Truyền thông chính là chiều kích thiết yếu cho mọi nền Thần học.” Bernard Lonergan, Methodology in Theology, 1971. Thần học về truyền thông có thể được xem xét trong bốn bước: Truyền thông nội tại của Thiên Chúa Ba Ngôi, Việc Mạc Khải trong Cựu Ước, Mầu nhiệm Nhập thể của Đức Giêsu Kitô với những hệ lụy của nó, và nơi Giáo Hội được sai đi để tiếp nối sứ vụ truyền thông Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho toàn nhân loại (Eilers, 24-28). Như thế lịch sử cứu độ chính là lịch sử “truyền thông chính mình” của Thiên Chúa, từ cung lòng Ba Ngôi mở ra cho mọi tạo vật. Người tạo dựng con người giống hình ảnh Người, nghĩa là có khả năng truyền thông và sống trong một cộng đoàn hiệp thông. Người mạc khải cho con người trong dòng lịch sử qua dân được chọn, mà việc Nhập thể của Đức Giêsu Kitô chính là đỉnh cao và sự viên mãn của việc truyền thông. Giáo Hội tiếp nối công cuộc truyền thông đó cho đến tận cùng thời gian dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần như “tác nhân của việc Thiên Chúa truyền thông chính mình”. Nơi cộng đoàn Giáo Hội, việc Thiên Chúa truyền thông chính mình được thể hiện không ngừng qua chức năng loan báo và sự hỗ trợ cộng đoàn trong đời sống niềm tin (Eilers, 29). Những nghiên cứu mang tính hệ thống để hình thành một nền Thần Học Truyền Thông đầy đủ, thuyết phục và đáp ứng được những đòi hỏi của thời đại hiện nay vẫn đang còn mở ngỏ (Xin tham khảo thêm bài dịch của LM Đặng Xuân Thành, “Thần Học về Truyền Thông - Nền Tảng cho việc Đào Tạo Truyền Thông Xã Hội,” Maranatha 96 (ngày 29 tháng 7/2007))



2. Truyền thông trong bối cảnh Giáo Hội tại Á Châu hôm nay

Vào tháng 4 năm 1974, Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (LHĐGMAC) chính thức tổ chức Hội Nghị Khoáng đại đầu tiên tại Đài Bắc - Đài Loan với chủ đề “Công cuộc Phúc Âm Hóa cho thời Hiện Đại tại Á Châu” (Federation of Asian Bishops Conferences – FABC I) (James Kroeger, Becoming Local Church. (Quezon City: Claretian Publications, 2003), 32-33).  Từ đó đến nay trải qua hơn 30 năm, đã có 120 tập san FABC phổ biến nội dung các Khóa họp của LHĐGMAC. Đây là những tài liệu quý báu, thể hiện rõ nét quan điểm của LHĐGMAC về viễn cảnh tương lai của công cuộc Phúc Âm Hóa trên lục địa lớn lao này. Đặc biệt các tài liệu FABC nêu lên những thách đố cho các Giáo Hội địa phương tại Á Châu trong bối cảnh cụ thể của mình, những nhu cầu cần canh tân đời sống, đào luyện con người, đáp trả những dấu chỉ của thời đại, và nhất là có những chọn lựa căn bản đứng về phía người nghèo, Hội nhập văn hoá, Đối thoại và Hiệp thông…  Mỗi tài liệu có thể do những thần học gia khác nhau trong toàn vùng Á Châu đóng góp. Tài liệu mới nhất, FABC số 120, được soạn thảo do Văn Phòng đặc trách các quan tâm về Thần học (FABC Office of Theological Concerns), có chủ đề là “Tôn Trọng Sự Sống Trong Bối Cảnh Á Châu”. Tài liệu này nêu lên những hoàn cảnh đe dọa sự sống con người đang không ngừng gia tăng tại Á Châu hôm nay, như vấn đề phá thai, phân biệt giới tính, an tử, án tử hình, bạo lực, khủng bố, các nhóm cực đoan quá khích… (FABC #120, 2-9).  Tài liệu này còn cho thấy những truyền thống tôn giáo và văn hoá Á Châu luôn tôn trọng, cổ võ cho sự sống. Đó là lời mời gọi cho các Giáo Hội tại Á Châu nhìn lại sứ mạng của mình, đào sâu các giáo huấn từ Kinh Thánh và Huấn quyền để sống chứng tá Tin mừng Sự Sống cho Á Châu. Đặc biệt phần cuối của tài liệu nhắc đến truyền thông như là một công cụ vẫn chưa được sử dụng hữu hiệu tại Á Châu để cổ võ cho nền văn hoá sự sống (FABC #120, 47-49).

Thành quả cụ thể của các cuộc Hội Nghị Khoáng đại của FABC còn thể hiện nơi các Văn phòng được lập ra. Đó chính là những bàn tay nối dài của FABC để giải quyết các mảng vấn đề khác nhau liên quan đến đời sống của Giáo Hội Á Châu. Mỗi Văn phòng có thể tổ chức các cuộc họp tùy theo nhu cầu, có thể đứng tổ chức độc lập hoặc phối hợp với các Cơ quan khác như các Hội Đồng thuộc quyền Giáo Hoàng có liên quan… Xin được giới thiệu qua các Văn phòng của FABC như sau:
5457    08-11-2017