Các tỉnh miền Tây từ đầu tháng 11/21 đến nay lâm bệnh nặng rồi. Số ca F0 trong cộng đồng mỗi ngày mỗi tăng cao, số ca nhiễm bệnh nặng và qua đời ở các tỉnh miền Tây chưa có dấu hiệu suy giảm.
Tình hình hiện nay là phải "sống chung với dịch" vì mỗi người chúng ta rồi cũng có thể là F0 hay F1 trong một ngày nào đó. Vậy nên xin đừng kỳ thị xa lánh, chửi rủa những bệnh nhân là nạn nhân của trận đại dịch thế kỷ nầy. "Nay người, mai ta" nào ai biết được chữ ngờ vào ngày mai! Vì cuộc sống kinh tế đã quá vất vả, túng thiếu trong thời gian vừa qua (những tháng dài giãn cách) nên khi được tự do đi lại thì những người dân lao động – đặc biệt lao động nghèo phải bươn chải kiếm kế mưu sinh lo cho gia đình: những công nhân ở các nhà máy xí nghiệp, những người bán vé số, chạy xe ôm, những người nặng gánh mua ve chai, buôn bán hàng rong,… Dẫu biết là nguy hiểm đó, dẫu biết dịch bệnh vẫn còn phức tạp đó, nhưng cái đói cái nghèo chật vật với gia đình, con cháu, nên họ phải cố gắng làm thôi, rồi họ vô tình nhiễm bệnh, người xung quanh không thông cảm lại kỳ thị xa lánh và có khi buông lời chửi rủa sau lưng .
Cũng có một số ít người không ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh, ỷ lại đã tiêm ngừa đủ 2 mũi vaccin xem như lá chắn an toàn, nên tụ tập ngồi quán nhậu la cà, ngồi cafe bàn tán thời sự đông tây mỗi sáng tối, thế là vô tình làm lây lan dịch bệnh cho gia đình, cho cả xóm, phường xôn xao lao đao bị “giăng dây phong tỏa”. Người không ý thức để lây lan dịch bệnh cũng đã trả giá bằng việc bị nhiễm bệnh rồi! Ta đâu cần phải buông lời trách họ, ích gì cho ta? Người vô ý nhiễm bệnh hay người thiếu ý thức làm lây lan dịch bệnh, chúng ta cũng không được kỳ thị hay mắng chửi người ta - bằng nhiều cách - với những từ khó nghe để làm gì!? Vì đâu ai muốn mình bị nhiễm bệnh.
Không thể động viên tinh thần cho nhau để họ có ý chí vượt qua cơn bệnh hiểm nghèo nầy (điện thoại thăm hỏi động viên nhau) thì cũng đừng kỳ thị nhau. Ta hãy đặt mình vào hoàn cảnh đó: nếu mình lỡ nhiễm bệnh mà không nhận được sự quan tâm thông cảm của mọi người, ta có buồn có tủi thân hay không? Chưa nói đến tình huống xấu nếu người nhiễm bệnh trở bệnh nặng phải vĩnh viễn rời xa cõi thế tạm nầy, thì ta - người buông lời kỳ thị chửi rủa, thì có áy náy lương tâm với người đã khuất hay không?
Thế nên: Đâu biết được ngày mai ta và người thân trong gia đình sẽ là “F nào” trong trận đại dịch này. Hãy dành lời nói thiện lương, tấm lòng bao dung thông cảm sẻ chia với người bệnh. Dành thời gian rảnh đọc kinh cầu nguyện (theo tín ngưỡng tôn giáo mình đang theo) để xin Ơn Trên cho cơn dịch bệnh sớm chấm dứt để mọi người được bình an mạnh khỏe. Còn nhìn thấy nhau ngày nào là một niềm vui của ngày đó. Ta đừng sống kiểu: người bệnh ở xóm đi cách ly, ở nhà kỳ thị chửi rủa, hoặc người bệnh được cách ly tại nhà, ta lại tránh xa như tránh hủi, có những lời “nói đon nói ren” cố ý nói lớn tiếng để người bệnh nghe thêm tủi thân. Ta biết cách phòng tránh dịch thì mức độ lây nhiễm sẽ là rất thấp. Hơn nữa, ta vẫn có thể có những nghĩa cử đẹp như: hỗ trợ thức ăn, nhu yếu phẩm, thuốc men… giúp người bệnh an tâm điều trị bệnh.
Phòng bệnh, chung tay diệt dịch covid chứ đừng “diệt đi tình người” mới là thái độ cần thiết vào thời điểm khó khăn này.
Bài viết được tác giả gửi về Ban Bác ái Xã hội – Caritas Vĩnh Long
1196 27-11-2021