Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Động Lực Truyền Giáo

Giáo Hội tự bản chất có sứ vụ truyền giáo (x. Ad Gentes 2). Vì thế, truyền giáo là nhiệm vụ không dành riêng cho hàng giáo sĩ, tu sĩ, mà ngay cả giáo dân cũng có sứ vụ phải truyền giáo. Ngày nay Giáo Hội thích dùng từ ngữ "Tin-Mừng-hóa" thay cho truyền giáo.

Có thể hiểu Tin-Mừng-hóa là làm cho Tin Mừng thấm nhập vào mọi thực tại của cuộc sống con người, làm cho con người được biến đổi từ ngay bên trong, thành một con người mới qua bí tích Thánh Tẩy và bằng đời sống noi theo Tin Mừng.

Truyền giáo hay truyền đạo không phải là chỉ đi lễ, đọc kinh cầu nguyện là xong bổn phận chứng nhân cho Chúa. Nếu như thế mới chỉ là hành vi trả lại công bằng cho Chúa, vì việc tạ ơn là hành vi đền đáp lại ân ban của Thiên Chúa dành cho con người.

Truyền giáo hay truyền đạo không phải chỉ là việc tuân giữ các giới răn của Chúa. Nếu như thế mới là giữ đạo chứ chưa truyền đạo.

Truyền giáo hay truyền đạo không phải là nói thật hay, thuyết trình thật hùng hồn là có thể đem nhiều người về với Chúa. Nếu như thế mới chỉ là tiếp thị chứ chưa mang đạo vào đời như muối như men ướp mặn trần gian.


Khi xưa, Đức Giêsu dạy rằng: Nếu các con yêu thương nhau, thì cứ dấu chỉ này mà thiên hạ sẽ nhận biết các con là người có Chúa, là người có đạo (x. Ga 13,34-35). Vậy có thể nói được là, truyền giáo chính là học yêu, để biết yêu; từ đó yêu vô điều kiện, yêu tự nguyện, yêu tự hiến, yêu tự hủy mình ra không, yêu cho đến cùng... hay nói khác đi là yêu như Chúa đã yêu !  (x. Ga 15,9-17)

Ngày nay, muốn có một tâm thức truyền giáo nồng nhiệt, thiết nghĩ chúng ta phải biết thèm. Thèm truyền giáo hay nói khác đi là phải thèm yêu. Yêu như Chúa dạy. Yêu như chưa bao giờ được yêu. Yêu luôn mãi cho dù con tim nhiều lần bị xúc phạm, tổn thương và niềm tin luôn dằn vặt trầy xước...

Khi yêu, ai đó luôn mở lòng ra để cho đi, để dành ban tặng những gì tốt đẹp... cho người mình yêu.

Tình yêu như một nghịch lý: Khi tình yêu càng cho đi thì càng được đầy tràn, càng cho đi nhiều càng nhận được nhiều, trao ban trọn vẹn sẽ nhận lãnh trọn vẹn...

Ngược lại, tình yêu càng cố níu chặt chiếm giữ cho mình thì càng lơi lỏng, vuột mất; càng ích kỷ chiếm hữu càng thiếu vắng, nghèo nàn...


Như thế, truyền giáo chính là truyền tình yêu mà mỗi Kitô hữu đã kín múc từ nơi Thiên Chúa và đem trao lại cho anh chị em mình.

Vậy nếu ai chưa biết cách yêu thì phải học ngay thôi; vì truyền giáo luôn là một đòi hỏi cấp bách trong khi bộ mặt thế giới này đang dần biến đổi và qua mau...

CÁT BIỂN

916    22-10-2014 05:56:20