Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Hạnh Thánh Tháng 2_phần 2

Ngày 8 tháng 2 
THÁNH GIÊ-RÔ-NI-MÔ Ê-MI-LI-A-NI

Thánh Giê-rô-ni-mô sinh tại Vê-ni-xi-a, nước Ý, trong một gia đình quý tộc đạo giáo.

Lúc đó, quê hương ngài bị giặc ngoại xâm. Ngài phải tòng quân, lên đường cứu nước như bao nhiêu thanh niên khác. Sống trong quân ngũ, ngài bị lây nhiễm thói xấu của đồng đội; sống cuộc đời phóng túng, trụy lạc. Nhưng một hôm ngài bị quân địch bắt, xiềng tay chân trong một trại giam chật hẹp dơ bẩn.

Trong cảnh ngục tù khổ nhục, ngài hồi tâm suy nghĩ và ăn năn sám hối, trở về với Chúa. Ngài cầu xin Đức Mẹ cứu thoát; và Đức Mẹ đã cứu ngài cách lạ lùng.

Được trở về Vê-ni-xi-a, ngài quyết chí theo gương Chúa, sống đời bác ái yêu thương, đặc biệt giúp đỡ các trẻ mồ côi và người nghèo khổ. Để thực hiện ý tưởng cao đẹp đó, ngài xin vào chủng viện học tập và trau giồi đức hạnh. Năm 37 tuổi, ngài được thụ phong linh mục, và hiến thân làm việc bác ái, từ thiện. Ngài quy tụ các trẻ bị bỏ rơi, nuôi dưỡng giáo dục chúng nên con hiếu thảo của Chúa. Đồng thời lo thương giúp những người bệnh tật, nghèo khổ. Ngài bán hết gia tài của cải cha mẹ và thân nhân cho. Nhưng không đủ vào đâu để lo cho họ. Ngài đến gõ cửa các nhà hảo tâm. Những người này thấy ngài hết lòng bác ái hy sinh thì sẵn sàng trợ giúp. Với tiền của người ta giúp đỡ, ngài xây cất nhà mồ côi, trại dưỡng lão và trường học. Thế là ngài có tạm đủ cơ sở vật chất để chăm sóc người nghèo và dạy dỗ trẻ mồ côi, trẻ lang thang bụi đời.

Còn một khó khăn nữa, thánh nhân một mình quán xuyến công việc, không ai cộng tác. Ngài cần người thành tâm thiện chí giúp đỡ trợ lực. Ngài cầu nguyện xin Chúa soi sáng giúp đỡ. Và Chúa đã nhận lời ngài; ngài thành lập Dòng Tôi tớ phục vụ người nghèo. Ngài ra công huấn luyện họ.. Và họ tận tình phụ giúp ngài trong mọi công tác.

Xảy ra nạn bệnh dịch tàn phá xứ sở, ngài hết lòng chăm sóc những người mắc bệnh hiểm nghèo này. Ngài đến tận nhà những người mắc bệnh; săn sóc thuốc men cho họ; chôn cất những người chết, đến nỗi ngài phải lây nhiễm bệnh. Trong lúc bệnh hoạn nguy hiểm, ngài khuyên nhủ các tu sĩ trong dòng tin tưởng Chúa, trung thành theo sứ mạng bác ái tông đồ như ngài đã thực hiện. Ngài nói:

- Anh em rất thân mến trong Chúa Kitô, và các con thân mến trong dòng Tôi tớ phục vụ người nghèo. Cha gởi lời thăm chúng con. Cha khuyên chúng con kiên nhẫn trong tình yêu mến Chúa Kitô và trung thành giữ luật Kitô giáo. Khi ở với chúng con, cha đã dùng lời nói, việc làm tỏ ra như vậy, để cha có thể ca ngợi Chúa trong chúng con.

Cùng đích của ta là Thiên Chúa. Người là nguồn mọi sự lành. Và như ta vẫn đọc trong kinh, ta chỉ được tin tưởng ở Ngài mà thôi, chứ không được tin tưởng vào ai khác. Chúa chúng ta rất tốt lành. Người muốn thêm đức tin cho chúng ta (vì theo tác giả Tin Mừng, nếu người ta không có đức tin, Đức Kitô không thể làm được nhiều phep lạ). Người muốn nhận lời chúng con cầu xin. Thế nên, Người đã quyết định rằng chúng con phải đón tiếp người nghèo khó, người bị áp bức, người bị sầu khổ và kiệt sức, người bị mọi người khinh bỉ và cả những người thiếu sự hiện diện thể xác (chứ không thiếu sự hiện diện tinh thần) của cha là người cha hèn hạ, yêu quý và hiền hoà của các con.

Thánh nhân qua đời ngày 8 tháng 2 năm 1537, thọ 56 tuổi. Và năm 1767. ngài được tôn phong Hiển thánh, và được Đức Giáo Hoàng Pi-ô XI chọn làm thánh bảo trợ các trẻ mồ côi.

* Quyết tâm: Noi gương thánh Giê-rô-ni-mô, tôi quyết tâm ăn năn trở lại mỗi khi lầm lỗi, và suốt đời thương yêu giúp đỡ kẻ mồ côi, người bệnh tật, vì lòng mến Chúa yêu người.

* Lời nguyện: Lạy Chúa là Cha giàu lòng thương xót, Chúa đã ban cho các trẻ mồ côi một người cha và là một người bảo trợ là thánh Giê-rô-ni-mô. Xin nhận lời thánh nhân chuyển cầu, mà cho chúng con trung thành giữ tinh thần nghĩa tử, nhờ đó, chúng con xứng danh là con cái Chúa.

Ngày 10 tháng 2 
THÁNH CÔ-LÁT TI-CA . Trinh nữ

Thánh Cô-lát-ti-ca là em ruột của thánh Biển-đức, sinh tại Sa-bi-na, miền Nu-xi-a, năm 480.

Ngay từ lúc nhỏ, thánh nữ đã được cha mẹ chỉ bảo đàng nhân đức. Và lớn lên,được thánh Biển Đức chỉ bảo thêm, nên ngày càng trở nên thánh thiện. Không giống như những thiếu nữ đồng lứa tuổi, ngài khinh thường sắc đẹp, của cải, danh vọng. Ngài đã từ khước lời cầu hôn của nhiều chàng trai sang trọng, giàu có để chỉ sống khắn khít với Chúa, hiến dâng trọn tâm hồn thể xác cho Người. Ngài rất thích nghe người anh thánh thiện dạy bảo đàng trọn lành, nên đã đến lập tu viện ở gần anh ngài, để nhờ anh hướng dẫn cho ngài cũng như các trinh nữ trong dòng. Nhưng thánh Biển Đức phải lo huấn luyện các tu sĩ của mình, nên hai anh em chỉ gặp nhau mỗi năm được có một lần vào đầu mùa chay.

Mỗi lần gặp nhau, hai anh em bàn luận về đời sống nội tâm, về các nhân đức và nhất là về cuộc đời thánh hiến. Và các ngài gặp nhau lần sau hết năm 543. Chúng ta hãy nghe thánh Giê-gô-ri-ô Cả thuật lại cuộc gặp mặt giữa hai anh em thánh thiện này trong lần sau hết này tại Mon-tê Cát-xi-ô.

"Cô-lát-ti-ca là em ruột thánh Biển-đức. Ngài đã tận hiến mình cho Chúa toàn năng từ khi còn thơ ấu. Mỗi năm ngài đến gặp anh một lần. Và người của Thiên Chúa đã gặp em trong địa giới của tu viện, không xa cổng nhà dòng bao nhiêu.

Một hôm, theo thông lệ, người em đến thăm anh. Và người anh đã ra thăm em với các môn đệ. Cả ngày, họ cùng nhau chúc tụng Thiên Chúa và trao đổi với nhau những câu chuyện thánh thiện. Rồi khi đêm đến, họ cùng nhau dùng bữa. Mãi nói những chuyện thánh thiện như vậy, thì đêm đã khuya, người em tha thiết xin rằng: - Xin anh đừng bỏ em đêm nay; hãy nói cho đến sáng về những hoan lạc, về đời sống trên trời.

Nhưng anh đáp: - Sao em lại nói thế? Anh đâu có thể ở mãi ngoài tu viện được.

Thấy anh từ chối, người em liền bỏ tay xuống bàn, chấp lại rồi cuối đầu xuống trên đôi tay; cầu nguyện cùng Chúa toàn năng. Lúc vừa ngẩng đầu lên khỏi bàn, sấm chớp đã ầm ầm vang dội và một cơn mưa như trút đã đổ xuống. Thánh Biển Đức và các tu sĩ đi theo không tài nào nhấc chân được một bước ra khỏi nơi đang hội. Người của Thiên Chúa bấy giờ rầu rĩ phàn nàn rằng; - Xin Thiên Chúa toàn năng tha tội cho em. Em làm gì vậy?

Người đáp; - Em đã xin anh mà anh không chịu nghe, nên em đã xin Chúa và Chúa đã nghe lời em. Thôi, bây giờ nếu anh về tu viện, thì anh cứ để em ở lại một mình và về đi".

Trước đây, ngài đâu có muốn ở lại. Nhưng bây giờ, bất đắc dĩ phải ở lại. Và thế là suốt đêm họ thức, tha hồ trao đổi và nói với nhau về đời sống thiêng liêng.

Việc ngài chịu thua một người đàn bà cũng chẳng có chi lạ, bởi như lời thánh Gioan viết: Thiên Chúa là Tình yêu, và xét cho đúng, ai yêu nhiều thì mạnh hơn.

Ba ngày sau, người của Thiên Chúa đang ở trong tu viện, ngước mắt lên trời, thì đã thấy linh hồn em mình ra khỏi xác, đi vào đền thánh trên trời, dưới hình một chim bồ câu. Ngài vui mừng vì em đã được vinh quang như vậy. Ngài hát nhiều thánh ca, thánh vịnh mà tạ ơn Thiên Chúa; rồi sai anh em đưa xác em về tu viện, chôn trong ngôi mộ ngài đã dọn sẵn cho mình.

Thế là dù sự chết cũng không ngăn cách được hai thân xác mà linh hồn luôn luôn chỉ là một trong sự kết hợp với Thiên Chúa".

Đó là ngày thánh trinh nữ Cô-lát-ti-ca qua đời, ngày 10 tháng 2 năm 543.

* Quyết tâm: Noi gương thánh trinh nữ Cô-lát-ti-ca, tôi cầu nguyện với lòng tin, cậy, mến, để được Chúa nhận lời; và suốt đời sống kết hợp mật thiết với Chúa.

* Lời nguyện: Lạy Chúa, hôm nay chúng con mừng lễ thánh Cô-lát-ti-ca. Xin cho chúng con theo gương người để lại, biết hết lòng mến yêu tôn thờ Chúa, và cảm nghiệm tình thương Chúa ngọt ngào.

Ngày 11 tháng 2 
ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC

Lộ Đức là một tỉnh nhỏ trong nước Pháp, nằm giữa dãy núi Py-rê nê và suối Ca-vơ. Nơi đây, Đức Mẹ đã hiện ra tất cả 18 lần với một trẻ nữ quê mùa, nghèo khó tên là Bê-na-đết. Mẹ hiện ra lần đầu tiên vào ngày 11 tháng 2 năm 1858.

Hôm đó, Bê-na-đết đi mót củi ở bờ suối Ca-vơ với mấy trẻ bạn. Bỗng cô nghe thấy có tiếng động. Nhìn về phía đó, cô thấy trong hang đá có một bà mặc áo trắng, thắc lưng xanh, mỗi bàn chân có một bông hồng vàng, đeo xâu chuỗi cũng màu vàng.

Bê-na-đét kể lại: "Khi thấy như vậy, tôi vội chùi mắt vì tưởng mình lầm. Rồi thọc tay vào áo, tôi thấy có chuỗi hạt. Tôi muốn giơ tay làm dấu thánh giá, nhưng không đưa nổi tay lên trán. Tay tôi rơi xuống. Còn hình Bà kia thì lại làm dấu thánh giá. Tay tôi run quá. Tôi thử làm dấu lại và làm được. Tôi bắt đầu lần chuỗi; hình kia cũng lần chuỗi của Bà, nhưng không hề máy môi. Tôi lần chuỗi xong thì hình kia cũng biến mất tức thì. Tôi hỏi hai đứa bạn nhỏ không thấy gì sao? Chúng bảo không. Và chúng hỏi tôi thấy gì vậy và buộc tôi phải nói cho chúng nghe. Tôi kể rằng tôi đã nhìn thấy một bà mặc áo trắng. Nhưng tôi không biết đó là cái gì; và không cho chúng được kể lại với ai. Chúng bảo tôi không nên trở lại đó nữa. Tôi bảo không. Đến ngày Chúa nhật, tôi trở lại lần thứ hai vì cảm thấy bị thúc đẩy ở trong lòng.

Đến lần thứ ba, Bà kia mới nói với tôi. Bà hỏi tôi có bằng lòng trở lại đây trong mười lăm ngày liên tiếp không. Tôi bằng lòng. Bà bảo tôi phải về nói với các linh mục xây một nhà thờ tại chỗ này. Rồi Bà bảo tôi phải đi uống nước ở suối. Tôi không thấy có suối nào cả, nên tôi đi uống nước ở sông Ga-vơ. Bà bảo tôi không phải ở đó, và Bà lấy ngón tay chỉ cho tôi chỗ nước suối. Tôi đến, nhưng chỉ thấy một chút nước bẩn. Tôi thò tay xuống nhưng không múc được. Tôi liền cào đất ra và tôi múc được nước. Nhưng tôi lại hắt đi ba lần; đến lần thứ tư, tôi mới dám uống. Thế rồi hình kia biến đi và tôi cũng ra về.

Trong mười lăm ngày liên tiếp, tôi đã trở lại đó. Ngày nào, tôi cũng thấy hình kia hiện ra, trừ một ngày thứ hai và một ngày thứ sáu. Bà nói đi nói lại với tôi rằng tôi phải thưa các linh mục xây cho Bà một đền thờ tại đây; tôi phải đến rửa ở suối nước và tôi phải cầu nguyện cho tội nhân trở lại. Nhiều lần tôi đã hỏi Bà là ai? Nhưng Bà chỉ cười. Rồi Bà bỏ tay xuống. Bà ngước mắt lên trời và bảo tôi: Bà là Đấng đầu thai vô nhiễm.

Trong khoảng thời gian mười lăm ngày đó. Bà nói với tôi ba điều bí mật, nhưng bắt tôi giữ kín, không được nói với ai, và cho đến nay tôi vẫn trung thành giữ như vậy.

Đó là những lần Đức Mẹ hiện ra với Bê-na-đết; bảo cô thưa với các linh mục xây đền thờ tại đó để kính Mẹ và cầu nguyện cho kẻ có tội ăn năn trở lại. Nhiều lần, cô hỏi Đức Mẹ là ai. Nhưng Mẹ không trả lời. Đến lần hiện ra sau cùng, Đức Mẹ mới xưng là Đấng vô nhiễm nguyên tội. Và Mẹ nói cho cô biết ba điều bí mật, nhưng dặn cô giữ kín.

Từ đó, hằng triệu người từ khắp nơi đến hành hương kính viếng Đức Mẹ tại Lộ Đức. Ở đó, có suối nước; nhiều người uống nước đó và cầu nguyện với Đức Mẹ thì được cứu giúp phần hồn phần xác. Đến nay, đã có 58 trường hợp được hội thánh công nhận là phép lạ.

* Quyết tâm: Vâng lời Đức Mẹ, hằng ngày tôi lo ăn năn đền tội và cầu nguyện cho người tội lỗi trở lại với Chúa.

* Lời nguyện: Lạy Chúa từ bi nhân hậu, ngày hôm nay, chúng con kính nhớ Đức Maria vô nhiễm nguyên tội, là thánh mẫu của Con một Chúa. Xin nhận lời Đức Mẹ chuyển cầu mà ban ơn trợ lực, giúp chúng con là những kẻ yếu hèn được thoát vòng tội lỗi.

Thánh Phao-lô Lê Văn Lộc. Linh Mục tử đạo

Phaolô Lê Văn Lộc sinh năm 1830, tại làng An Nhơn tỉnh Gia Định.

Cha mẹ cậu rất đạo đức sốt sắng, đã chuyên cần dạy dỗ đạo hạnh cho cậu ngay từ nhỏ. Nhờ đó, cậu hấp thụ được nền đạo lý sâu xa. Nhưng chẳng may cha mẹ mất sớm, cậu phải mồ côi ngay từ lúc mới lên 10 tuổi.

Cha sở trong họ thấy cậu tuy còn nhỏ mà có lòng đạo, siêng năng kinh lễ, tánh tình hiền hậu khiêm tốn thì nhận về nuôi. Và ít lâu sau, cha xin cho cậu nhập vào chủng viện Cái Nhum, để học tập làm linh mục. Thấy cậu tài năng đức hạnh, có thể sau này giúp ích nhiều cho Giáo Hội, năm 1843 Đức Cha Nghĩa đã gửi cậu sang Pê-năng học thần học.

Sau 9 năm học tập ở Pê-năng, thầy Phaolô Lộc được gọi về tập sự làm mục vụ. Thầy tận tâm giảng dạy giáo lý và huấn luyện chủng sinh là những kẻ tu học để làm linh mục. Ngày 7 thàng 2 năm 1857 thầy được thụ phong linh mục, và được bổ nhiệm làm giám đốc Tiểu chủng viện Thị Nghè ( Sàigòn).

Từ ngày lãnh chức vụ ấy, cha Phaolô Lộc càng nỗ lực hoạt động và cậy trông ơn Chúa giúp. Cha luôn luôn cầu nguyện và ân cần dạy dỗ các chủng sinh về trí dục nhất là đức dục. Cha sống gần gũi thân mật với họ, chăm sóc hướng dẫn họ mọi mặt, đặc biệt về đàng nhân đức trọn lành. Cha còn tập sự họ làm việc tông đồ; chính cha nêu gương cho họ, mỗi ngày dành ra một ít thời giờ đi giảng đạo cho những người ở xung quanh chủng viện. Cha đã đem nhiều người trở lại đạo.

Sau hơn một năm hăng say hoạt động. Cha đã giúp cho chủng viện phát triển, chủng sinh được huấn luyện chu đáo. Cha hy vọng sẽ có thêm số người giúp việc rao giảng đạo Chúa. Bỗng nhiên, tháng 7 năm 1858, mười bốn chuyến thuyền Pháp tiến vào Đà Nẵng, đỗ bộ lên Cửa Hàn, ủng hộ các linh mục thừa sai, kêu gọi người Công giáo hợp tác. Vua Tự Đức nghe biết thế thì tức giận, ra chiếu chỉ cấm đạo gắt gao. Vua truyền truy nã và giết hết người Công giáo, nhất là các Đạo trưởng, vì sợ họ cấu kết với thực dân xâm lược, chống lại tổ quốc, dân tộc.

Trước tình thế bắt đạo dữ dội như thế, Chủng Viện Thị Nghè phải giải tán, các chủng sinh phải di tản, các cha giáo phải ẩn trốn. Thế là cha con bùi ngùi chia tay nhau. Nhưng vì thương các chủng sinh, cha Phaolô không đành lìa xa họ. Cha muốn sống gần gũi họ, nâng đỡ họ, hướng dẫn họ trong lúc khó khăn. Cha nán ở lại Sàigòn, ngày ngày lén lút đến gặp các chủng sinh, huấn luyện họ, khuyến khích họ, chính vì thế mà cha bị bắt.

Một người nữ ngoại đạo biết cha là linh mục, đã tố cáo cha với quan. Quan liền cho quân lính theo dõi và bắt cha ngày 13 tháng 12 năm 1858.

Đầu năm 1859, quân lính Pháp thấy không thể đánh chiếm nổi Đà Nẵng, phần thì nhiều binh sĩ chết vì bệnh dịch tả, nên đã quay lại tấn công Sàigòn. Lúc đó cha Phaolô đang bị giam giữ ở đây. Các quan liền tâu vua cho trãm quyết cha.

Thế là ngày 13 tháng 2 năm 1859, cha Phaolô Lộc bị điệu ra pháp trường trãm quyết. Thi hài cha được giáo hữu đem về mai táng tại họ Chợ Quán. Hiện nay hài cốt thánh nhân được lưu giữ ở Vương Cung thánh Đường Sàigòn.

Ngày 2 tháng 5 năm 1909, Đức Thánh Cha Piô XII đã phong chân phước cho ngài. Và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên Hiển thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988.

* Quyêt tâm: Hằng ngày lo giáo dục giới trẻ nên người và nên tông đồ Chúa, đồng thời sẵn sàng hy sinh chịu khó vì Chúa và vì phần rỗi các linh hồn, theo gương thánh Phaolô Lộc linh mục tử đạo.

*Cầu nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nậhn lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cúng.

* Thánh Lô-ren-sô Nguyễn Văn Hưởng . Linh mục tử đạo

"Phúc thay ai sầu khổ, 
Vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an" ( Mt 5,5 )

Đúng như lời Chúa phán, thánh Lô-ren-sô Hưởng đã gian nan khổ cực lúc nhỏ vì mồ côi cha mẹ; nhưng đã được Chúa an ủi, lớn lên được Chúa chọn làm linh mục và lãnh triều thiên tử đạo.

Lô-ren-sô Nguyễn Văn Hưởng sinh năm 1802 tại xứ Kẻ Sải (Hà nội), trong một gia đình nghèo khó. Ngay từ nhỏ cậu đã phải mồ côi cha mẹ, phải đi chăn trâu cho người chú ngoại giáo để sống nhờ cơm áo hằng ngày. Thấy cậu hiền lành siêng năng, người chú cũng thương yêu giúp đỡ, nhưng dù sao cậu cũng thấy buồn tủi vì thiếu vắng tình thương của cha mẹ. Và cậu đã biết chạy đến Chúa, để được hưởng nhờ tình yêu bao la của Người. Thật sự Chúa đã thương cậu, kêu gọi cậu dâng mình giúp việc Chúa. Cậu đến tỏ ý nguyện với cha sở xứ Sơn Miêng, và được cha nhận nuôi cho ăn học. Ba năm sau cha gởi cậu vào chủng viện Vĩnh Trị.

Giữa lúc đó, vua Minh Mạng lại ra sắc chỉ cấm đạo nghiêm nhặt, các linh mục phải ẩn trốn, chủng viện Vĩnh Trị bị giải tán. Cậu Hưởng phải lại trở về tá túc tại nhà người chú ngoại đạo. Ông khuyên cậu ở nhà lập gia đình. Nhưng cậu một mực từ chối, quyết chí theo Chúa trong lý tưởng tu trì, nên người chú tức giận đuổi cậu ra khỏi nhà. Cậu liền trở lại chủng viện ẩn náu và lén lút học hành.

Sau một thời gian học tập, cậu được nhận làm thầy giảng, và được Đức Cha sai đi giúp các họ đạo Kim Sơn, Bạch Bát. Thầy giúp ở các họ đạo này 8 năm. Lúc nào thầy cũng tận tuỵ làm việc bổn phận: giảng dạy giáo lý, chăm sóc các tân tòng, thăm viếng bệnh nhân. Sau đó thầy được Đức Giám mục gọi về học môn thần học và phong làm linh mục.

Sau khi thụ phong linh mục, cha Lô-ren-sô đến giúp các họ đạo Giang Sơn, Lạc Thổ, Bạch Bát. Ở đâu, cha cũng nhiệt thành trong việc mục vụ, chuyên cần giảng dạy giáo lý, siêng năng ngồi toà giải tội. Cha làm việc bất kể ngày đêm, nhiều lúc bỏ ăn bỏ ngủ để lo cho đoàn chiên Chúa.

Năm 1855, đang lúc cha đi kẻ liệt thì bị bắt. Hôm đó cha đi bằng thuyền, định đến giải tội xức dầu cho một tín hữu bệnh nặng, thì quân địch đuổi theo bắt cha, giải về tỉnh Ninh Bình. Được biết cha đi kẻ liệt, quan thắc mắc hỏi cha: - Người ta báo cáo với tôi: Các ông đi móc mắt các người bệnh. Tại sao các ông làm ác thế?

Cha giải thích: - Xin quan đừng nghe theo lời người ta đồn đại sai lạc. Chúng tôi không bao giờ móc mắt ai. Nhưng khi người công giáo bệnh nặng, chúng tôi đến xức dầu thánh trên mắt, mũi, tay chân họ, để xin Chúa tha các tội.

Quan bảo cha đạp lên Thánh giá để được tha chết. Nhưng cha đáp: - Chúng tôi không thể làm việc đó được, vì có bao giờ đứa con lại đạp lên ảnh ông bà cha mẹ mình.

Quan tức giận ra lệnh đánh đòn cha đến ngất xỉu, rồi đệ đơn xin vua kết án trảm quyết.

Nghe tin quan đệ đơn xin án trảm, cha rất vui mừng và tạ ơn Chúa, cha viết thư xin Đức Cha cầu nguyện cho cha được phước đổ máu ra làm chứng cho Chúa, và mãn nguyện. Ngày 27 tháng 4 năm 1856, quân lính điệu cha ra pháp trường để lãnh triều thiên tử đạo.

Đức Thánh Cha Piô X đã phong chân phước cho cha ngày 2 tháng 5 năm 1909. Và ngày 19 tháng 6 năm 1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong cha lên bậc Hiển thánh.

* Quyết tâm: Dù có phải buồn khổ cơ cực bao nhiêu cũng vững lòng trông cậy phó thác vào Chúa, vì tin chắc Chúa sẽ an ủi thưởng công, theo gương thánh Lô-ren-sô Hưởng linh mục tử đạo

* Cầu nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

1891    09-03-2011 08:42:48