Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Hạnh Thánh Tháng 2_phần 3

Ngày 14 tháng 2 
THÁNH SY-RI-LÔ ĐAN-SĨ
 
THÁNH MÊ-TÔ-ĐI-Ô GIÁM MỤC

Thánh Sy-ri-lô và Mê-tô-đi-ô là hai anh em ruột, sinh tại Tê-xa-lô-ni-ca, trong một gia đình quyền quý đạo giáo.

Lớn lên, hai anh em theo học tại Công-tăn-ti-nốp. Và sau khi tốt nghiệp, các ngài đã chiếm địa vị cao trong xã hội. Nhưng các ngài đã từ bỏ hư danh trần thế, dâng mình đi tu làm linh mục, phụng sự Chúa và phục vụ các linh hồn.

Lúc đó, vua nước Mô-ra-vi mến mộ đạo Chúa, tin các vị thừa sai và mời vào nước giảng đạo. Hai anh em Sy-ri-lô và Mê-tô-đi-ô biết tiếng Sla-vơ, nên được chọn đến rao giảng Tin Mừng cho nước này, Các ngài sốt sắng nhiệt thành rao giảng đạo Chúa, đem nhiều người trở lại đạo.

Để giúp họ dễ dàng học hỏi giáo lý và tham dự các Bí tích nhất là Thánh lễ, các ngài dịch Kinh Thánh và các bản văn phụng vụ ra tiếng Sla-vơ. Và vì họ chưa có chữ viết nên thánh Sy-ri-lô sáng tạo ra 38 chữ cái cho họ viết.

Nhờ đó, người theo đạo Chúa ngày càng đông, nhất là tham dự Thánh lễ đông hơn các nhà thờ hành lễ bằng tiếng Latin. Các linh mục theo La Ngữ thấy vậy thì tố cáo các ngài lạc đạo, buộc lòng các ngài phải đến Roma biện minh với Đức Giáo Hoàng.

Đức Giáo Hoàng chấp nhận bản dịch của các ngài. Nhưng trong lúc ở đó, thánh Sy-ri-lô lâm bệnh và qua đời, ngày 14 tháng 2 năm 869. Trước khi chết, ngài sốt sắng cầu xin Chúa gìn giữ đoàn chiên ngài đã dày công sáng lập, và cho Hội thánh đồng tâm nhất trí và lan rộng khắp nơi. Ngài cầu nguyện: - Lạy Chúa là Thiên Chúa con, Chúa đã dựng nên các phẩm thiên thần và các đạo binh thần trí vô hình; Chúa đã mở rộng bầu trời và đã đặt đất trên nền tảng vững vàng. Chúa đã kéo mọi vật từ vô hữu sang hiện hữu. Chúa luôn luôn nghe lời những người làm theo ý Chúa. Xin Chúa nhậm lời con nguyện và gìn giữ đoàn chiên trung thành này mà Chúa đã đặt con đây là kẻ bất xứng lên đứng đầu. Xin Chúa cứu họ khỏi lòng độc dữ và ngoại đạo của những kẻ hằng lộng ngôn tới Chúa; Xin Chúa làm cho Hội thánh thêm đông số và đoàn tụ tất cả nên một. Xin Chúa làm cho Hội thánh trở thành dân được chọn, đồng tâm nhất trí trong đức tin chân thật và giáo lý chân chính; xin Chúa đặt lời giáo huấn của Chúa vào lòng họ; vì chính nhờ ơn Chúa, chúng con đã được lãnh nhận sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Đức Kitô, nhờ được khuyến khích làm các việc lành và mọi sự đẹp lòng Chúa.. Chúa dùng sức mạnh tay hữu Chúa mà hướng dẫn họ và cho họ nấp bóng Chúa, để mọi người ca ngợi Chúa và chúc tụng thánh danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen.

Đức Giáo Hoàng truyền cho mọi người Hy Lạp có mặt ở Rôma phải họp với dân thành Rôma cầm nến đi đưa đám ngài như có thói quen làm cho chính các vị Giáo Hoàng. Và mọi người đã làm như thế.

Còn lại thánh Mê-tô-đi-ô, ngài được Đức Giáo Hoàng phong chức Giám mục cai quản miền Mô-ra-vi và Pan-nô-ni.

Khi trở lại Mô-ra-vi, thánh nhân đã bị những người dâng lễ theo tiếng Latin bắt giam.. Và ngài đã qua đời tại đây ngày 6 tháng 4 năm 885.

* Quyết tâm: Noi gương thánh Sy-ri-lô và Mê-tô-đi-ô, hằng ngày lo giúp người dốt nát biết chữ, biết Chúa, và cầu nguyện cho Hội thánh là đoàn chiên Chúa ngày càng thêm đông số và hiệp nhất.

* Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã dùng hai anh em thánh Sy-ri-lô và thánh Mê-tô-đi-ô để đưa các dân tộc Xi-la-vô-ni-a tới ánh sáng Tin Mừng. Xin mở lòng chúng con đón nhận Lời Chúa dạy, và biến đổi chúng con thành dân riêng của Chúa, luôn đồng tâm nhất trí với nhau để sống đức tin chân thật và thẳng thắn tuyên xưng.

Ngày 17 tháng 2 
BẢY THÁNH LẬP DÒNG TÔI TỚ ĐỨC MẸ

 Ngày 15 tháng 8 năm 1633, lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, ơn trên soi sáng cho bảy thương gia ở Phơ-lô-răng đến nhà thờ dự lễ. Đó là:

- Bon-fi-li Mê-đan-đi, 
- Bê-nê-đi-tô An-ten-na,
 
- Giê-ra-đô Sết-tê-gai,
 
- Ba-tô-lô-mê-ô A-mi-đê,
 
- Gioan Ma-nết-ti,
 
- Ri-cô-vô Líp-pi,
 
- A-lê-xi-ô Phan-cô-ni.

Dịp lễ này, các ngài đã được Đức Mẹ thúc đẩy sống đời hoàn thiện. Bảy người đã bán hết của cải, bố thí cho người nghèo, rồi đến Môn-tê Sê-na-ri-ô, cùng sống khó nghèo, khắc khổ bằng của ăn xin hằng ngày. Các ngài chọn luật dòng thánh Âu-tinh và thành lập dòng "Tôi tớ Đức Mẹ" . Mục đích của dòng là rao giảng Chúa Giêsu chịu đóng đinh và sự thương khó của Mẹ Maria.

Một người tu dòng này kể lại công cuộc lập dòng như sau: Đó là bảy người rất đáng kính trọng mà Đức Mẹ kết hợp lại thành một nhóm bảy ngôi sao, vì họ hợp nhất nhau cả hồn xác. Ngài đã dùng họ để khởi sự dòng tôi tớ Ngài.

Khi tôi vào dòng, không ai trong số bảy người đó còn sống, trừ một người tên A-lê-xi-ô. Đức Mẹ đã muốn để anh sống đến bây giờ hầu chúng tôi có thể biết về nguồn gốc dòng tu nhờ anh kể lại. Như chính tôi đã kinh nghiệm và thấy tận mắt đời sống của anh A-lê-xi-ô bấy giờ, không những có sức khuyến khích người ta nhờ gương sáng, mà còn làm cho người ta nhận ra được đời sống trọn lành của anh, của các bạn đồng nghiệp với anh và của dòng.

Được Chúa soi sáng và được Đức Mẹ thúc đẩy cách đặc biệt, khi đã quyết định sống thành cộng đồng, các anh bỏ nhà cửa và gia quyến; để lại cho họ những gì là cần thiết, còn bao nhiêu thì phân phát cho kẻ nghèo. Rồi các anh tìm những người có ý kiến hay, có đời sống tốt, có gương sáng đẹp để bày tỏ dự tính mình cho họ.

Thế là anh em trèo lên đỉnh núi Sê-na-ri-ô, dựng một cái nhà nhỏ theo ý mình, rồi đưa nhau lên ở trên đó. Tại đây, anh em mới nhận ra rằng không những mình phải nên thánh mà cũng còn phải chiêu mộ đồng nghiệp để phát triển dòng mới mà Đức Mẹ đã dùng mình để khởi công. Thế nên, sau khi đã quyết định nhận thêm người, anh em đã rước thêm một ít người khác và làm cho dòng to lớn thêm. Tất cả mọi công việc ấy, trước là do Đức Mẹ dựng lên, sau là nhờ tinh thần khiêm nhường của anh em; thành tựu nhờ anh em đồng tâm nhất trí, và bảo tồn được nhờ đức khó nghèo.

Năm 1304, Đức Thánh Cha Biển Đức đã chính thức công nhận dòng của các ngài. Từ đó, nhà dòng đảm nhận công cuộc truyền giáo ở Ấn Độ và lập nhiều chi nhánh ở Anh quốc và Mỹ châu.

Nhà dòng đã chọn bốn đặc điểm sau đây làm quy luật sống:

Đặc điểm thứ nhất là về đời sống Hội Thánh: Cả bảy anh em đều nhất quyết giữ mình độc thân hoặc đời sống khiết tịnh trọn đời, mặc dầu có người chưa lập gia đình, người thì đã thành hôn, người khác lại đã thoát khỏi vướng bận phu thê vì lẽ bạn mình đã chết.

Điểm thứ hai liên hệ đến sự phồn vinh của thị xã: Là vì trong bảy anh em, người làm thương mại, kẻ trao đổi hàng hoá, người lại làm nghề buôn. Nhưng khi đã tìm được ngọc quý tức là dòng tu, thì không những anh em phân phát tất cả tài sản cho kẻ nghèo, mà còn vui vẻ dâng mình phục vụ Thiên Chúa và Đức Mẹ cách trung thành.

Điểm thứ ba là lòng kính mến Đức Mẹ. Ở Phơ-lô-răng, bấy giờ có một hội kính Đức Mẹ, thành lập đã từ xưa. Vì lẽ sự cổ xưa ấy, cũng như vì sự đông đảo và thánh thiện của những người trong hội, hội vượt xa các hội khác và được coi là hội lớn của Đức Mẹ. Bảy anh em trước khi đến sống chung với nhau, đã ở trong hội này, họ tỏ ra yêu mến Đức Mẹ cách đặc biệt.

Điểm thứ tư là về đời sống thiêng liêng. Họ yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Họ quy hết mọi việc về Người, theo đúng như thứ tự đòi buộc. Họ tôn vinh Người trong tư tưởng, lời nói và việc làm.

Cả bảy vị thánh lập dòng đã được Đức Giáo Hoàng Lê-ô XIII tôn phong Hiển thánh,dịp lễ mừng 50 năm linh mục của ngài.

* Quyết tâm: Noi gương bảy thánh lập dòng tôi tớ Đức Mẹ, tôi sẵn sàng từ bỏ mọi sự theo Chúa và làm tôi Đức Mẹ; chiêu mộ nhiều người cộng tác để rao truyền sự thương khó của Chúa Giêsu và Mẹ Người.

* Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa từ bi,Chúa đã ban cho bảy vị thánh lập dòng tôi tớ Đức Mẹ lòng yêu mến nồng nàn, khiến các ngài sùng kính Đức Mẹ và nhiệt thành củng cố đức tin vào Chúa. Xin cũng ban cho chúng con một lòng yêu mến nồng nàn như vậy.

Ngày 21 tháng 2 
THÁNH PHÊ-RÔ ĐA-MI-A-NÔ. Giám mục tiến sĩ

Thánh Phê-rô Đa-mi-a-nô sinh năm 988 tại Ra-ven-na, trong gia đình ngoan đạo, nhưng cũng rất nghèo khổ, lại đông anh em. Khi sinh ra ngài, người mẹ không có sức nuôi nổi, nên không cho bú. Nhưng một bà hàng xóm đã khuyên bảo bà: Con hùm con báo còn không bỏ con chúng. Lẽ nào chúng ta là con người, hơn nữa là người Kitô giáo, chúng ta lại bỏ con chúng ta sao?...Và biết đâu trẻ này ngày sau sẽ đem lại niềm vinh hạnh cho gia đình.

Thế là bà ta đem ngài về nuôi. Thấy vậy, mẹ ngài không đành bỏ con, nhận về nuôi dưỡng chăm sóc và đặt tên là Phê-rô.

Nhưng năm năm sau, ngài phải mồ côi cả cha lẫn mẹ. Ngài phải đến ở với người anh. Người này cũng nghèo, nên bắt ngài đi chăn heo, và cho ngài ăn uống thất thường, bữa đói, bữa no, còn áo quần thì rách rưới, nhưng ngài vẫn vui lòng chấp nhận và hiến dâng mọi khổ nhọc cho Chúa.

Cũng may, lúc đó, anh cả ngài là Đa-mi-a-nô được thụ phong linh mục, nên đem ngài về nuôi và cho ăn học. Nhờ thông minh. Ngài học hành sớm thành tài, trở thành giáo sư dạy tại Ra-ven-na. Để tỏ lòng biết ơn người anh, ngài nhận tên mình là Phê-rô Đa-mi-a-nô.

Nhưng không bao lâu, ngài lại bỏ ghế giáo sư, xin vào dòng Ca-man-đun. Ở đó, ngài sống khổ hạnh, chuyên cần cầu nguyện, khiêm tốn, vâng phục.

Thấy ngài nhân đức thánh thiện, các tu sĩ dòng đã chọn ngài làm tu viện trưởng vào năm 1043. Ngài tận lực lo cho nhà dòng tấn tới trên đàng trọn lành, và thành lập thêm nhiều tu viện để tăng số người làm việc Chúa.

Năm 1057, Đức Giáo Hoàng Stê-pha-nô IX nghe danh tiếng ngài, liền đặt ngài làm Hồng y Giám mục Ốt-ti-a. Ngài khiêm nhượng từ chối, nhưng Đức Giáo Hoàng cầm tay xỏ nhẫn và đeo thánh giá cho ngài.

Trách vụ nặng nề, nhưng thánh nhân đem hết khả năng phục vụ. Một mặt, ngài chỉnh đốn lại những tệ đoan trong nội bộ giáo sĩ và giáo dân; mặt khác, ngài lo chiến đấu chống lại các lạc giáo. Hai việc làm này không phải dễ dàng. Nó đòi hỏi hy sinh, cố gắng, can đảm, nhẫn nhục, nhất là luôn bị phê bình chống đối. Ngài sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn phản kháng vì tin rằng đó là ân huệ Chúa ban cho kẻ Người thương, như lời ngài nói trong thư gởi cho một người lâm cơn khốn khó, cậy nhờ ngài an ủi, nâng đỡ:

"Bạn thân mến, bạn xin tôi gởi cho bạn vài lời an ủi và dùng lời thân tình khuyên bảo để làm dịu bớt nỗi cay đắng trong lòng bạn, đang lúc bạn phải chịu muôn vàn đau đớn. Nhưng nếu trí suy xét khôn ngoan của bạn chưa mê mẫn, thì an ủi hiện đang còn nằm ở tầm tay bạn, vì rõ là sẵn có những lời dạy bạn đạt tới sản nghiệp Nước Trời, như dạy một người con. Quả vậy, còn có lời nào sáng tỏ hơn lời khuyên nhủ này: Hỡi con, nếu con muốn phụng sự Thiên Chúa, thì hãy ăn ở công chính và kính sợ Người, và hãy chuẩn bị tâm hồn để chịu thử thách. Bởi vì ở đâu có sự kính sợ Chúa, ở đó cũng có sự công chính. Và bất cứ thử thách trái ngược nào cũng không phải là một hình phạt nô lệ, nhưng đúng hơn là một cách người cha giáo dục con cái. Chính vì thế, thánh Gióp, sau khi vì đau quá mà thốt lên rằng: "Ước gì Thiên Chúa đoái đánh tôi tán vụn, vung tay Người mà trừ khử tôi đi" đã vội thêm ngay rằng: "Thì ít ra, tôi sẽ được niềm an ủi này và chút niềm vui trong cực hình không thương xót là đã chẳng quên lãng lời của Đấng thánh".

Quả vậy, đối với những người Thiên Chúa chọn, thật là một an ủi lớn lao khi bị Thiên Chúa đánh phạt. Nhờ việc chịu đựng tai họa chóng qua, họ hy vọng được vững vàng đi về hạnh phúc trên trời. Người thợ đem vàng ra đập dưới búa là để vàng hết bẩn. Và đôi khi họ giũa vàng là để vàng sáng lên nhiều hơn. Như lò thử bình của người thợ gốm, thì khổ đau cũng thử người công chính. Điều đó khiến thánh Gia-cô-bê viết: "Anh em hãy nghĩ mình là thật hạnh phúc khi gặp thử thách trăm chiều". Thế nên, người ta có lý để vui mừng trước những đau khổ chóng qua phải chịu ở đời này vì tội đã phạm, để sẽ được phần thưởng đời đời ở trên trời vì các việc lành mình đã làm.

Do đó, bạn rất thân mến. khi bạn bị đánh túi bụi, khi bạn bị trời phạt chi chít vết thương để giáo dục bạn, bạn đừng ngã lòng, đừng thốt ra lời nào cay chua, đừng u sầu rũ rượi, đừng mất kiên nhẫn vì thiếu can đảm. Luôn luôn hãy giữ bộ mặt tươi cười, và miệng lưỡi tạ ơn.

Vì tuổi già sức yếu, ngài đã qua đời năm 1072. Và năm 1828 được tôn phong Tiến sĩ Hội thánh.

* Quyết tâm: Dù nghèo hay giàu, tôi cũng sẵn lòng vâng theo thánh ý Chúa, và suốt đời tận tụy hy sinh giúp việc Chúa.

* Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin cho chúng con biết nghe lời giảng dạy và noi gương thánh Giám mục Phê-rô Đa-mi-a-nô mà đặt Chúa Kitô trên hết mọi sự, luôn dấn thân phục vụ Hội thánh, để vui hưởng ánh sáng muôn đời.

Ngày 22 tháng 2 
KÍNH TÔNG TOÀ THÁNH PHÊ-RÔ

Hôm nay, kính nhớ ngày Chúa Giêsu đặt thánh Phêrô làm thủ lãnh các tông đồ, thay mặt Chúa chăm sóc cai quản Hội thánh Người sáng lập ở trần gian: "Anh là Phêrô, nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nỗi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy". ( Mt.16, 18-19 ).

Thánh Lê-ô Cả xác quyết: "Trong tất cả thiên hạ, chỉ một mình thánh Phê-rô được chọn để đứng đầu các dân tộc được kêu gọi, để hướng dẫn các tông đồ và giáo phụ. Thế nên, dù trong dân Chúa có nhiều linh mục và mục tử, chính thánh Phê-rô điều hành tất cả. Đang khi Đức Kitô cai trị mọi người với tư cách là thủ lãnh. Chúa đã ban cho ngài danh dự cao cả và kỳ diệu, được dự phần vào quyền năng của Chúa. Và nếu Chúa muốn ban cho các vị thủ lãnh khác ơn gì chung với ngài, thì bao giờ Chúa cũng dùng ngài để ban cho họ tất cả những gì Chúa không từ khước ban cho những người khác".

Hội Thánh lập lễ này để mừng ngày thánh Phêrô đến Rôma, sau bảy năm ngự toà ở An-ti-ô-ki-a. Theo ý Chúa, vị thủ lãnh các Tông đồ đến lập toà tại Rôma, làm trung tâm điểm của toàn thể Hội Thánh, đồng thời đem Tin Mừng cứu rỗi đến cho thành phố này, vì lúc đó, dân thành còn theo ngoại giáo, thờ lạy bụt thần. Chúng ta hãy nghe chính thánh Phêrô thuật lại việc ngài đem lương dân trở lại đạo Chúa: " Các tông đồ và anh em ở Giuđê nghe biết những người ngoại bang đã theo đạo Chúa. Khi Phêrô đã trở lên Giêrusalem, thì các tín hữu trong số những kẻ chịu cắt bì tranh luận với người, mà rằng: "Ông đã vào nhà kẻ chưa chịu cắt bì và ăn chung với họ!". Phê-rô bèn theo thứ tự mà giải bày mọi sự cho họ rằng: "Tôi đương ở thành Giốp-bê cầu nguyện, trong khi ngất trí, tôi thấy điều kỳ lạ, có vật gì giống tấm vải lớn cột bốn chéo, từ trên trời thòng xuống tận tôi. Tôi nhìn chăm chăm, xem kỹ thì thấy trong đó có các loài bốn cẳng dưới đất, thú rừng, loài bò sát và chim trên trời. Tôi cũng nghe tiếng phán cùng tôi rằng: Hỡi Phê-rô, hãy đứng dậy, làm thịt và ăn. Tôi đáp lại: Lạy Chúa, chẳng vậy, vì không hề có vật gì phàm tục hay bất khiết vào miệng tôi bao giờ". ( Cv. 11, 1- 8 ).

Nhờ ơn Chúa phù trợ, thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng đầu tiên của Hội thánh đã biến nơi trung tâm ngoại giáo này thành trung tâm công giáo. Ngai toà của vua chúa ngoại đạo trở thành tông toà của vị thủ lãnh Giáo hội. Chính nơi đây, vị Tông đồ Cả sẽ thi hành chức vụ thánh hoá, giáo huấn và cai quản toàn thể Dân Chúa trên khắp hoàn cầu.

Mừng ngày lễ trọng đại này, chúng ta hết lòng cám ơn Chúa, vì Người đã thiết lập Hội Thánh làm bí tích cứu rỗi chúng ta. Đặc biệt, Người đã cho thánh Phêrô đến Rôma thành lập tông toà, làm trung tâm Giáo hội.

Mặt khác, chúng ta cám ơn Chúa vì Người đã thương cho chúng ta nhận biết Người, gia nhập Hội thánh Người là đạo thật, là đường độc nhất đưa dẫn chúng ta đến hạnh phúc thật, hạnh phúc vĩnh viễn trên trời. Đồng thời chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta luôn trung thành bền đỗ tin theo Người, tuân phục Đức Giáo Hoàng là Đại diện của Người. Chúng ta cũng cầu xin cho các giáo phái đã tách lìa Hội thánh, được hiệp nhất lại trong một ràng chiên và một chủ chăn, theo đúng ý Chúa muốn.

* Quyết tâm: Hằng ngày, tôi cám ơn Chúa đã thương cho tôi gia nhập Hội thánh. Và xin cho mọi dân tộc, mọi nước được kết hợp tronh một ràng chiên, dưới quyền một chủ chăn.

* Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã thiết lập Hội thánh trên nền tảng vững bền là lời tuyên xưng của thánh Phêrô. Xin gìn giữ Hội thánh khỏi nao núng giữa cảnh đời thử thách gian nan.

Ngày 23 tháng 2
THÁNH PÔ-LI-CÁP. Giám mục tử đạo

* Gương thánh nhân:Thánh Pô-li-cáp nổi tiếng thánh thiện trọn hảo và thông minh chính trực. Ngài được phước quen biết nhiều môn đệ Chúa, sống gần gũi thân mật và học hỏi với các ngài. Đặc biệt,thánh nhân thân thiết với Tông đồ Gioan, là môn đệ được Chúa Giêsu quý mến hơn hết. Chính Gioan tông đồ đã đặt ngài làm Giám mục Suyệt-na khoảng năm 96.

Ngoài việc chăm lo cho đoàn chiên trong giáo phận, thánh nhân còn có tinh thần chung, luôn nghĩ đến lợi ích của toàn thể Hội thánh. Lúc trên 80 tuổi, ngài còn đến Rôma gặp Đức Giáo Hoàng A-ni-cê-tô, bàn về thời gian mừng lễ Phục Sinh. Đối với miền Tiểu Á, ngài được mọi người kính nể, và đã gây nhiều ảnh hưởng tốt đẹp. Người ngoại giáo thường gọi ngài là "Thầy của người Á châu, là Cha của Kitô hữu, là người phá hủy các thần minh".

Vì ảnh hưởng của ngài lớn lao như thế, nên khi cuộc bắt đạo xảy ra, ngài đã bị lùng bắt trước hết. Mặc dù ngài đã nhận lời giáo đoàn ẩn mình nơi miền quê để lo cho giáo dân, nhưng quân lính cũng kiếm tìm tới bắt ngài. Khi thấy họ đến, ngài vui vẻ tiếp đón họ, đãi họ ăn uống vì thấy họ cực khổ đói khát tìm kiếm ngài. Và sau khi cầu nguyện ngài nộp mình cho họ dẫn về Rôma.

Viên tổng trấn bảo ngài bỏ đạo, chối Chúa, nhưng ngài thẳng thắn trả lời:

- Đã 86 năm tôi phụng sự Chúa, và Người luôn ban ơn lành cho tôi, làm sao tôi có thể chối bỏ Người? Người là Đấng dựng nên tôi và là Đấng cứu độ tôi.

Viên tổng trấn hăm doạ:

- Tôi có nhiều thú dữ. Tôi sẽ cho chúng xé xác ông.

- Xin quan cho chúng đến xé nát thân xác tôi đi. Tôi sẵn sàng hy sinh mạng sống vì Đấng đã chịu chết cứu chuộc tôi.

- Ông khinh thường thú dữ. Tôi sẽ thiêu sống ông.

Thánh nhân thưa:

- Xin cứ thiêu sống tôi. Tôi chỉ chịu thiêu đốt một lúc để được thưởng đời đời. Tôi chỉ sợ thứ lửa đời đời thiêu đốt những kẻ bất lương.

Giáo đoàn Xơ-miếc-na tường thuật cuộc thiêu sống thánh nhân như sau: Khi lửa đã sẵn, Pô-li-cáp tự mình cởi y phục và dây lưng ra, rồi ngài muốn tự mình cởi giày ra nữa. Trước đây ngài không làm được như vậy là vì giáo dân nào cũng muốn làm người thứ nhất được sờ vào thân thể ngài; ngay cả trước khi tử đạo, ngài đã được người ta tôn kính vì đời sống thánh thiện của ngài. Bây giờ người ta đem đồ nghề tới quanh ngài để sửa soạn phóng hoả. Người ta định đóng đinh ngài, nhưng ngài bảo:

- Thôi cứ để tôi như thế này.. Đấng ban sức cho tôi chịu được lửa, cũng sẽ ban sức cho tôi đứng yên được trên đống củi mà không cần đóng đinh giữ tôi.

Thế nên người ta không đóng đinh ngài, chỉ cột ngài lại thôi.

Bị trói rồi, hai tay ghì về sau lưng, ngài thật như con chiên được chọn trong bầy để hiến tế làm hy lễ đẹp lòng Thiên Chúa. Ngước mắt lên trời, ngài nguyện rằng;

- Lạy Thiên Chúa toàn năng, là Cha của Con diễm phúc Cha hằng yêu quí là Đức Giêsu Kitô. Nhờ Người, chúng con đã nhận biết danh Cha. Lạy Chúa các thiên thần, Chúa của muôn sức mạnh; trước long nhan Cha, con chúc tụng Cha đã thương cho con được phúc nhìn thấy ngày này, để con được nhập hàng ngũ các tử đạo mà uống chén của Đức Kitô, con Cha, hầu hồn xác sẽ được phục sinh sống đời đời vĩnh cửu, hưởng ơn trường sinh bất tử nhờ Chúa Thánh Thần. Xin cho con ngày hôm nay được đến trước nhan Cha cùng với các vị tử đạo, như là hy lễ phong phú đẹp lòng Cha, như Cha đã sữa soạn và báo cho con biết trước. Và giờ đây, Cha đang thực hiện vì Cha là Thiên Chúa thật, bao giờ cũng nói đúng.

Thế nên, con chúc tụng Cha vì mọi sự. Con ca ngợi tôn vinh Cha, nhờ vị Thượng tế đời đời ở trên trời là Đức Giêsu Kitô, Con yêu quí của Cha. Nhờ Người, sáng danh Cha, sáng danh Người và sáng danh Thánh Thần bây giờ và mãi mãi. Amen.

Thế là người ta đốt lửa thiêu sống ngài. Nhưng khi thấy ngài chưa chết, một binh sĩ đã lấy giáo đâm ngài. Và linh hồn ngài như cánh chim câu bay thẳng về trời vào ngày 23 tháng 2 năm 155.

* Quyết tâm: Noi gương thánh Pô-li-cáp, hết lòng lo rao giảng đạo Chúa, mưu tìm ích lợi chung cho Hội thánh, và hy sinh mạng sống vì phần rỗi tôi và mọi người.

* Lời nguyện: Lạy Chúa tể càn khôn, Chúa đã cho thánh Giám mục Pô-li-cáp vào hàng ngũ các anh hùng tử đạo. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, mà ban cho chúng con cùng người uống chén đắng của Chúa Kitô, để mai ngày được sống lại và hưởng phúc trường sinh.

2281    09-03-2011 08:44:53