Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Hạnh Thánh Tháng 4_phần 3

Ngày 25 tháng 4 
THÁNH MÁT-CÔ 
Thánh sử

Thánh Mát-cô có thể thuộc dòng tộc A-rong, sinh tại Ga-li-lê. Là một trong 72 môn đệ của Chúa Giêsu. Nhưng trong công cuộc truyền giáo, ngài là đệ tử trung kiên của thánh Phêrô. Chính nhờ sự giúp đỡ và lời yêu cầu của vị thủ lãnh các tông đồ mà thánh nhân đã viết cuốn Phúc Âm thứ hai, gọi là Phúc Âm theo thánh Mát-cô.

Phúc Âm của ngài ngắn gọn, lời văn không chải chuốt như của Mát-thêu hoặc Lu-ca, nhưng rất chân thành thực tế. Ngài không dấu diếm sự chậm hiểu, kém tin của các tông đồ:" Các ông không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hóa nhiều: lòng trí các ông còn ngu muội" (5, 52 ); ngài cũng chẳng che đậy tham vọng của các ông:" Khi đi đường, các ông đã cải nhau xem ai là người lớn hơn cả" ( 9, 34 )...

Theo nhiều nguồn tài liệu, mẹ ngài là bà Maria, một góa bụa giàu có ở Giê-ru-sa-lem, có nhà rộng rãi, làm nơi hội họp của các tín hữu. Và thánh Phê-rô cũng thường trú ngụ ở nơi này.

Thánh nhân theo người bà con đi Ba-na-bê và tông đồ Phaolô trong cuộc hành trình truyền giáo lần hứ nhất. Nhưng khi đến Pét-gê thì ngài trở về Giê-ru-sa-lem, có lẽ vì lý do sức khỏe. Sau đó, ngài đã tháp tùng theo thánh Phêrô giảng đạo ở Rô-ma. Ngài đã chứng kiến" khoảng ba ngàn người theo đạo" nhờ bài giảng của thánh Phêrô;, ngài thấy tận mắt thánh Phêrô chữa lành" người què từ khi lọt lòng mẹ" tại cửa Đền thờ; ngài cũng bị" các tư tế, viên lãnh binh Đền thờ và các người thuộc nhóm Sa-đốc" bắt giam....

Chính thánh Phêrô đã giao cho ngài sứ mạng phúc âm hóa A-lét-xăn-tri. Ngài đã thành lập giáo đoàn này, và hướng dẫn mọi người sống hoàn thiện đạo đức không kém giáo đoàn Giê-ru-sa-lem. Toàn thể giáo đoàn đều hiệp nhất trong một niềm tin, cậy, mến, chuyên cần phụng sự Chúa và phục vụ nhau.

Chính vì thế mà ma quỷ ganh tỵ. Chúng xúi dục những người ngoại giáo quá khích chống đối bách hại thánh nhân. Họ bắt ngài: cột cổ kéo lôi trên sỏi đá. Làm cho da thịt ngài xé rách nát ra. Máu chảy đầm đìa. Rồi đem bỏ vào ngục. Sáng hôm sau, họ lại dắt ngài ra và hánh hạ y như hôm trước. Đau đớn quá, ngài kiệt sức dần và tắt thở...

Quyết tâm: Noi gương thánh Mát-cô, tôi nhiệt thành cộng tác với những người giúp việc Chúa, mở mang nước Chúa và sẵn sàng chịu mọi gian nan khốn khó để làm chứng cho Chúa.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Mát-cô vinh dự rao giảng và ghi chép Tin Mừng.Xin cho chúng con được hiểu thấu những lời thánh nhân giảng dạy mà trung thành bước theo Chúa Kitô, là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.

Ngày 28 tháng 
THÁNH PHÊ-RÔ SA-NEN
Linh mục tử đạo

Thánh Phê-rô Sa-nen sinh năm 1803 tại Cu-ết. Ngài được một linh mục thương dạy dỗ và cho vào chủng viện. Năm 1827, ngài thụ phong linh mục và đi giúp họ đạo Am-be. Nhưng thánh nhân mong ước đi truyền giáo cho dân ngoại, nhất là những dân tộc thiểu số còn kém văn minh vật chất, nên xin vào dòng Đức Maria là dòng thừa sai giảng đạo.

Và thánh nhân đã được toại nguyện. Năm 1837, ngài được bề trên sai đến đảo Fu-tu-na, mọt đảo nhỏ ít dân, còn sống hoang dã dữ tợn. Lúc đầu, ngài được dân địa phương và chủ đảo tiếp đón nồng hậu. Nhưng dần dần họ lại chống đối ngài. Nhất là khi vua đảo này nghe tin con trai ông ta theo đạo, thì ra lệnh hành hình và đánh đập ngài đến chết, vào ngày 28 tháng 4 năm 1841.

Chúng ta hãy xem gương của ngài: " Ngay sau khi Phê-rô Sa-nen khấn dòng trong hội Đức Bà Maria, ngài được sai đi giảng đạo ở Úc châu theo như lời ngài đã xin. Ngài đã tới đảo Fu-tu-na trong Thái-bình-dương, nơi dan Đức Kitô chưa hề được rao giảng. Thầy trợ sĩ luôn lôn đi với ngài, thuật lại cuộc đời truyền giáo của ngài như sau: Trong khi đi làm việc, ngài thường bị cháy nắng và thường bị đói. Về đến nhà thì mồ hôi ra như tắm và mệt đừ. Nhưng lúc nào ngài cũng can đảm, sống động và vui vẻ, dường như ở chốn cực lạc về. Và như thế không phải chỉ một lần mà hầu như hằng ngày.

Ngài không bao giờ từ chối gí với dân Fu-tu-na; ngay cả với những kẻ bách hại làm khổ ngài. Bao giờ, ngài cũng bàu chữa cho họ. Và cho dù họ có cứng cỏi cộc cằn, ngài cũng vẫn không xua đuổi họ. Ngài hiền lành vô địch đối với mọi người; và bằng mọi cách, chẳng trừ một ai. Thế nên, chẳng có chi lạ khi người dân ở đó gọi ngài là" con người tốt bụng". Có lần ngài nói với anh em đồng nghiệp rằng:" Ở nơi truyền giáo khó thì chúng ta phải là thánh nhân !"

Dần dà, ngài đã rao giảng Đúc Kitô và Tin Mừng. Nhưng thu lượm được ít kết quả. Với lòng kiên trì bất khuất, ngài cứ tiếp tục công cuộc truyền giáo, vừa có tính cách nhân đạo, vừa có tính cách đạo đức, tựa vào gương và lời Đức Kitô đã phán: Người gieo thì khác, mà người gặt thì khác. Trong khi đó, ngài vẫn chuyên cần tha thiết nài giúp, nài xin sự trợ giúp của Thánh Mẫu Thiên Chúa mà ngài có lòng sùng kính rất đặc biệt.

Công việc giảng đạo của ngài đã hủy bỏ được công việc thờ cúng các thần mà các tù trưởng ở Fu-tu-na đã cổ võ để giữ dân chúng dưới sự kềm kẹp của họ. Thế nên, họ giết ngài một cách dã man. Hy vọng rằng ngài chết đi thì mầm sống kitô giáo ngài gieo vãi cũng sẽ mai một luôn. Nhưng hôm trước ngày tử đạo, ngài đã nói:

Tôi có chết cũng chẳng sao. Kitô giáo đã ăn rễ sâu ở đảo này rồi. Nên tôi có chết, đạo cũng không mất được.

Máu của thánh tử đạo trước hết đã sinh ích cho dân ở Fu-tu-na. Vì chỉ ít năm sau, tất cả đã tn Chúa Kitô hết. Hơn nữa, còn có ích cho các đảo khác ở Úc châu. Nơi mà ngày nay đã mọc lên nhiều hội thánh phồn vinh, mà tất cả đều xưng thánh Phêrô là vị tử đạo tiên khởi của mình." 1

Quyết tâm: Noi gương thánh Phêrô Sa-nen, hằng ngày tôi lo đem Chúa đến cho mọi người chưa biết Chúa, nhất là cho những người nghèo khó, dốt nát nơi xa xôi hẻo lánh.Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh Phê-rô Sa-nen được vinh phúc tử đạo để mở mang nước Chúa.Xin cho chúng con biết tham dự vào mầu nhiệm Đức Kitô chịu chết và sống lại, hầu trở nên nhân chứng của đời sống mới.

* Thánh Phaolô Khoan, Phêrô Hiếu 
và Gioan Bao-ti-xi-ta Thành 
Linh mục và thầy giảng tử đạo

Thánh Phaolô Phạm Khắc Khoan linh mục, với hai thánh Phêrô Nguyễn Văn Hiếu và Gioan Bao-ti-xi-ta Đinh Văn Thành đã chịu chết vì đạo Chúa, ngày 28 tháng 4 năm 1840.

Phaolô Khoan sinh năm 1771 tại làng Bồng Hải, tỉnh Ninh Bình, trong một gia đình công giáo đạo đức. Nhờ lời cầu nguyện của cha mẹ. Phaolô Khoan đã được Chúa gọi giúp việc Chúa. Lớn lên, cậu đã xin gia nhập chủng viện. Và sau khi mãn khóa thần học, thầy Phaolô Khoan đã thụ phong linh mục.

Đức Cha sai cha đến giúp họ đạo Kẻ Vĩnh và Phúc Nhạc. Cha hết sức lo chu toàn chức vụ, hằng ngày hoạt động tông đồ, lo dạy dỗ giáo dân, làm các phép bí tích, khuyến khích những người bệnh hoạn hoặc chểnh mảng việc đạo. Ngoài ra cha còn phụ trách hai họ nhỏ là Đông Biên và Tôn Đạo. Mỗi tháng cha đến dâng thánh lễ, giải tội và khích lệ giáo hữu hai họ lẽ đó. Mỗi lần đi như vậy cha thường dẫn theo các thầy giảng, để giúp dạy giáo lý và thăm viếng các gia đình.

Lúc đó, vua Minh Mạng bắt đạo gắt gao. Nhiều giáo hữu bị bắt, các linh mục bị truy nã. Dù vậy, cha Khoan vẫn không sợ. Lòng nhiệt thành vì các linh hồn khiến cha coi thường cực hình chết chóc. Cha vẫn đi lại giúp các họ nhỏ. Ngày 24 tháng 8 năm 1837, theo thường lệ cha đến làm lễ ở họ Đồng Biên. Có hai thầy giảng là Phaolô Nguyễn Văn Hiếu và Gioan Bao-ti-xi-ta Đinh Văn Thành quê ở Luốn Khe cùng đi với cha. Trên đường trở về, cả ba cha con bị bắt giải về Ninh Bình.

Ở Ninh Bình, cha Khoan cùng với hai thầy giảng đều bị tống ngục. Các quan tìm đủ mọi cách khuyến dụ các ngài bỏ đạo.

Hết khuyên lơn nài nỉ đến hăm dọa tra tấn, nhưng các ngài vẫn cương quyết trung thành theo Chúa. Các quan hy vọng với thời gian có thể lay chuyển được lòng tin của các ngài, nên cứ kéo dài việc giam cầm khuyên bảo. Các ngài phải chịu ngục tù như thế gần ba năm trời.

Thỉnh thoảng quan gọi các ngài ra, đề nghị bước qua Thập giá. Một lần khi quan bảo cha Khoan quá khóa, ngài nói:

Quan khuyên tôi giẫm lên thập giá là điều không hợp lý chút nào.

Quan liền hỏi:

Tại sao không hợp lý ?

Cha giải thích:

Nếu nước nhà gặp cơn nguy biến mà quan đào tẩu trốn thoát thì quan thật là người hèn nhát. Tôi cũng vậy. Tôi là chiến sĩ của Vua Cả trên trời. Trong lúc đạo Người bị bắt bớ mà tôi sợ chối bỏ Người thì tôi đâu còn xứng đáng với Người.

Quan lại hỏi:

Ai dạy cho ông biết có Vua Cả trên trời ?

Không cần ai dạy cũng biết. Chính trời đất muôn vật và trật tự lạ lùng trong vũ trụ đều nói lên cho mọi người biết có một Đấng toàn năng tạo thành. Đấng đó là Đấng Tạo hóa mà chúng tôi gọi là Vua Cả trời đất hay là Đức Chúa Trời, là Đấng loài người phải tôn thờ, kính mến trên hết.

Khi thấy cha Khoan cũng như hai thầy Phêrô Hiếu và Gioan Bao-ti-xi-ta Thành vẫn cương quyết theo Chúa, quan buộc lòng đề án về Kinh để xử trảm. Nghe tin ấy, các ngài rất vui mừng tạ ơn Chúa, vì thấy mình sắp được phước đổ máu ra làm chứng cho Chúa.

Và bản án đã được nhà vua phê chuẩn. Thế là ngày 18 tháng 4 năm 1840, cha Phaolô Khoan với hai thầy Phêrô Hiếu và Gioan Bao-ti-xi-ta Thành đã được dẫn ra pháp trường chịu chết vì Chúa. Lúc đó cha Khoan được 69 tuổi, thầy Hiếu 63 tuổi và thầy Thành 44 tuổi.

Ngày 27 tháng 5 năm 1900, Đức Thánh Cha Lêô XIII đã tôn phong các ngài lên bậc Chân phước. Và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn lên Hiển thánh, ngày 19 tháng 6 ăm 1988.

Quyết tâm: Bền lòng chịu mọi sự gian nan khốn khó vì Chúa, vì tin chắc rằng sẽ được Chúa thưởng bội hậu, theo gương các thánh Phaolô Khoan, Phêrô Hiếu và Gioan Bao-ti-xi-ta Thành, linh mục và thầy giảng tử đạo.
Cầu nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con.Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng.

Ngáy 29 tháng 4 
THÁNH CA-TA-RI-NA SI-Ê-NA
Trinh nữ Tiến sĩ

Thánh Ca-ta-ri-na sinh năm 1347, tại Si-ê-na, nước Ý, trong một gia đình đông con. Dường như Chúa muốn ngài sinh ra để làm thánh cả.

Mới lên 7 tuổi, Ca-ta-ri-na đã khấn với Đức Maria sẽ giữ mình đồng trinh. Chỉ chọn Chúa Giêsu làm vị Hôn Phu duy nhất của đời mình.

Nhưng khi lớn lên, cha mẹ định gả ngài. Ngài hết sức từ chối và năn nỉ cha mẹ cho ngài được giữ trọn lời khấn hứa. Và sau đó, ngài xin gia nhập dòng thánh Đa-minh, để tránh khỏi cảnh bị ép buộc lấy chồng, nhất là dễ dàng sống kết hợp với Chúa.

Thánh nhân thường hay sống trầm lặng trong phòng riêng: hầu chuyện với Chúa; gặp gỡ Chúa; sống kết hợp với Chúa. Ngài chỉ ra khỏi phòng khi đi lễ, khi làm việc bổn phận và giúp đỡ người bệnh hoạn, kẻ nghèo khổ. Chay tịnh khắc khổ là nếp sống thường nhật của ngài. Ngài luôn nhịn ăn, bớt ngủ để hãm dẹp thân xác.

Tương truyền, thánh nhân đã được in năm dấu thánh Chúa để thông phần cuộc khổ nạn với Chúa. Đặc biệt, ngài được ơn thấu suốt các tâm hồn. Hằng ngày, rất nhiều người đến xin thánh nữ hướng dẫn cho đàng thiêng liêng đạo đức. Thấy vậy, Bề trên dòng giao cho ngài công tác giảng dạy Lời Chúa. Mọi người đều ngạc nhiên khi thấy ngài chỉ là một cô gái bình thường mà diễn đạt những tư tưởng cao siêu như một nhà thần học uyên bác. Ngài còn viết nhiều thơ chỉ dẫn đàng nhân đức cho các vua chúa, giáo sĩ và tu sĩ. Ngoài ra, thánh nhân còn soạn quyển sách rất giá trị về việc Chúa quan phòng. Ngài viết:" Lạy Ba Ngôi vĩnh cửu, Chúa là Đấng tạo thành, còn con là tạo vật của Chúa: nên nhờ Chúa soi sáng, nơi tạo vật mới mà Chúa đã dùng máu của Con Một Chúa để làm ra là con đây. Con nhận thấy Chúa đã mê sắc đẹp của vật Chúa đã làm ra.

Ôi sâu thẳm ! Ôi Ba Ngôi vĩnh cửu ! Ôi thần tính ! Ôi biển sâu! Chúa có thể ban gì cho con hơn chính Chúa ? Chúa là lửa luôn cháy và không hề tắt. Với sức nóng của Chúa, Chúa đốt cháy hết mọi tâm tình ích kỷ. Chúa cũng là lửa làm tiêu tan mọi sự nguội lạnh. Chúa soi sáng các tâm hồn bằng ánh sáng của Chúa: ánh sáng mà Chúa dùng để cho con nhận ra chân lý của Chúa.

Chính trong gương mặt của ánh sáng đó mà con nhận biết Chúa là sự Thiện tuyệt vời, là sự Thiện trên hết mọi sự thiện, là sự Thiện hạnh phúc, vượt qua mọi hiểu biết và cảm nghĩ; là sự Mỹ trên hết mọi sự mỹ miều; là sự Khôn ngoan trên hết mọi sự khôn ngoan, bởi vì sự khôn ngoan chính là Chúa. Và Chúa là lương thực của các thiên thần. Nhưng vì nồng nàn yêu mến, Chúa đã hiến thân cho loài người" 1

Chính ngài đã thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng Ghê-gô-ri-ô thứ 9 trở lại Rô-ma, khi bị các thánh phần chống đối phải dời tòa thánh sang cư ngụ ở Pháp. Ngài dàn xếp ổn thỏa cho Đức Giáo Hoàng trở về bình an, và viết thư kêu gọi các vua chúa Âu châu tuân phục Cha chung trong hội thánh.

Tháng giêng năm 1380, thánh nhân ngã bệnh nặng. Và ngày 29 tháng 4, ngài qua đời. Ngài được tôn phong hiển thánh năm 1401. Và năm 1970, Đức Giáo Hoáng Phaolô VI nâng lên hàng Tiến sĩ hội thánh.

Quyết tâm: Hằng ngày, tôi quyết sống hy sinh khổ hạnh, theo gương thánh nữ Ca-ta-ri-na, để hiệp cùng sự thương khó Chúa mà cứu rỗi linh hồn tôi và mọi người.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã đốt lửa mến yêu nồng nàn trong lòng thánh nữ Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, khiến thánh nữ vừa thiết tha chiêm ngưỡng Đức Kitô khổ nạn vừa hăng say phục vụ Hội thánh.Xin nhận lời thánh nữ chuyển cầu mà cho dân Chúa biết thông phần khổ nạn với Đức Kitô, để được vui mừng chiêm ngưỡng vinh quang Chúa.Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

* Thánh Giuse Tuân
Linh mục tử đạo

" Phúc cho anh em khi vì Con Người mà người ta oán ghét, khai trừ sỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa. Ngày đó anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng cho anh em ở trên trời thật lớn lao"( Lc. 6, 22-23 )

Thánh Giuse Tuân đã thấm nhuần lời Chúa phán trên đây và quyết chí thực hiện, nên lớn lên được hân hoan lãnh phần thưởng trên trời.

Giuse Tuân sinh năm 1911, tại họ đạo Trần Xá, tỉnh Hưng Yên ( nay là tỉnh Hải Hưng ). Cha mẹ cậu là những nông dân nghèo khó lam lũ, nhưng sống đạo sốt sắng siêng năng. Sống trong một bầu khí gia đình đạo hạnh như thế, cậu Tuân hấp thụ được một nền đạo đức sâu xa. Ngay từ nhỏ, cậu đã có ý nguyện dâng mình cho Chúa, để giúp việc giảng đạo, đem Chúa đến cho mọi người...

Cậu đã nhiều lần tỏ ý muốn tốt lành đó với cha mẹ, nhưng vì gia đình nghèo, cha mẹ cậu không thể lo cho cậu ăn học nổi. Sau nhờ cha sở thương gởi cậu vào chủng viện học tập làm linh mục. Thế là cậu được mãn nguyện. Và để đáp lại tình thương của Chúa, cậu đem hết toàn lực toàn tâm học tập và tập rèn nhân đức. Sau khi mãn khóa thần học, thầy Giuse Tun6 đã được chịu chức linh mục, trở nên tông đồ nhiệt thành mở mang nước Chúa. Và để làm tông đồ đắc lực hơn, năm 1857, cha đã xin gia nhập Dòng Anh Em thuyết giáo của thánh Đa-Minh; năm sau cha được tuyên khấn dòng và trở nên tu sĩ thánh thiện gương mẫu.

Đang lúc cha hăng say đi đó đây rao giảng Tin Mừng, phục vụ các linh hồn, ban các bí tích cho giáo hữu, thì vào năm 1859, chiến thuyền quân đội Pháp tiến vào Đà Nẵng, bắn phá dữ dội. Vua Tự Đức thấy rõ ý đồ xâm lược của quân đội Pháp, sợ người công giáo trong nước tiếp tay với giặc, chống lại nước nhà, nên ra lệnh truy bắt hết mọi người có đạo, nhất là các linh mục nước ngoài cũng như bản xứ. Vâng lệnh vua, các quan truy lùng khắp nơi, bắt bớ giết chóc dữ dội. Thật là một cuộc bách hại tàn khốc!...

Đứng trước tình thế khó khăn đó, cha Tuân cũng như tất cả các linh mục khác phải lẫn trốn, để âm thầm, lén lút phục vụ giáo dân, khuyến khích nâng đỡ những kẻ bị bắt và ban các bí tích cho họ.

Đầu năm 1861, khi cha đang ẩn náu ở xứ Ngọc Đồng, thì có một bà có đạo bệnh nặng, sai con trai rước cha đến ban các bí tích sau cùng cho bà. Cha vội vàng đến giúp bà. Không ngờ trong lúc cha giải tội cho bà, cậu con trai ham lợi lộc, đã đi tố giác cha với quan huyện, để được lãnh tiền thưởng. Quan liền cho quân lính đến vây bắt cha, giải nộp cho quan tổng trấn tỉnh Hưng Yên.

Ở Hưng Yên cha Tuân bị giam trong ngục cùng với những giáo hữu đã bị bắt. Thế là cha được dịp an ủi, khích lệ họ trung thành, tuân giữ đức tin và can đảm chịu chết vì Chúa. Chính cha nêu gương cho họ. Dù bị cực hình tra tấn khổ sở, cha vẫn can đảm tuyên xưng niềm tin, và luôn luôn tỏ ra vui mừng vì được chịu khổ vì Chúa. Nhờ gương anh hùng bất khuất của cha, những giáo hữu nhẹ dạ đã trở nên can đảm, những kẻ can đảm càng mạnh dạn trung kiên theo Chúa.

Thấy không thể lay chuyển được lòng tin kiên vững của cha, quan tổng trấn xin vua Tự Đức kết án tử hình cha. Vào ngày 29 tháng 4 năm 1861, cha đã bị trảm quyết tại Pháp trường Hưng Yên, kết thúc cuộc đời tận tụy hy sinh vì Chúa.

Đức Giáo Hoàng Piô XII đã phong cha lên bậc Chân phước ngày 29 tháng 4 năm 1951. Và ngày 19 tháng 6 năm 1988, cha đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II suy tôn Hiển thánh.

Quyết tâm: Hằng ngày dùng lời nói việc làm khuyến khích mọi người trung thành theo Chúa, và luôn luôn nêu đức tin kiên vững theo gương thánh Giuse Tuân, linh mục dòng Đa Minh tử đạo

Cầu nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương dất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng.

Ngày 30 tháng 4 
THÁNH PI-Ô THỨ 5 
Giáo hoàng

Một hôm có hai thầy dòng Đa-minh đi qua miền Lom-bạt-đi, gặp đứa trẻ chăn chiên tên Mi-ca-e Ghít-lê-ri. Hai thầy thấy đứa trẻ khôi ngô dễ thương, nên xin về nuôi cho ăn học.

Đó là thánh Li-ô Giáo hoàng, lúc nhỏ phải đi chăn chiên, vì con nhà nghèo, không đủ phương tiện học hành. Thánh nhân sinh năm 1507, tại Bốt-xô, nước Ý.

Từ ngày được đem về nhà dòng, thánh nhân lo chăm chỉ học hành, trau dồi đức hạnh. Năm 1528, ngài được thụ phong linh mục và làm giáo sư dạy môn thần học. Vì thấy ngài khôn ngoan, nhân đức, nên Giám mục giáo phận Pa-vi chọn ngài làm ủy viên tòa án tôn giáo. Nhờ đo,ù ngài có dịp liên lạc với Đức hồng y Ca-ráp-pha. Năm 1551, Đức Hồng y đề nghị Đức Giáo Hoàng Giu-li-ô thứ 3 triệu ngài về Rô-ma, làm tổng ủy viên tòa án tôn giáo.

Và khi Đức Hồng y Ca-ráp-pha được bầu làm Giáo hoàng với tước hiệu Pi-ô thứ tư, thánh nhân được dặt làm giám mục giáo phận Xu-tri và Nê-pi. Ngài khiêm tốn từ chối, nhưng không được chấp thuận. Buộc lòng ngài phải lãnh nhận nhiệm vụ cai quản hai giáo phận nói trên. Và chỉ một năm sau, ngài được thăng chức Hồng y.

Điều đó chứng tỏ tài cao đức trọng của ngài. Ngài sống khó nghèo như một tu sĩ. Nhà ngài ở, giống như một tu viện.

Vào ngày 7 tháng giêng năm 1566, ngài lên ngôi Giáo Hoàng; lấy danh hiệu Pi-ô V. Việc trước tiên ngài thực hiện là triệu tập công đồng Tri-đen-ti-nô, để cnh tân Hội thánh và bàn cách đối phó với nhóm người Cải cách, bảo vệ đức tin chân chính.

Ngài có công rất lớnn trong việc canh tân Hội thánh. Chính ngài công bố sách "Giáo lý mới"Chọn bộ " Tổng yếu thần học" của thánh Tô-ma A-qui-nô làm sách giáo khoa đào tạo hàng giáo sĩ, và cho xuất bản" Sách lễ Rô-ma" mới. Biến cố đặc biệt xảy ra trong thời làm giáo hoàng của ngài là cuộc chiến thắng người Hồi giáo ở vịnh Lơ-păn vào năm 1571.

Thánh nhân qua đời tại Rô-ma, ngày 1 tháng 5 năm 1572, sau 6 năm làm Giáo Hoàng.

Quyết tâm: Noi gương thánh Pi-ô Giáo Hoàng, hằng ngày tôi lo canh tân và cải thiện đời sống để làm sáng danh Chúa và mở mang Hội thánh.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã an bài cho thánh Pi-ô thứ năm làm Giáo Hoàng để bảo vệ đức tin và canh tân phụng vụ.Vì lời thánh nhân chuyển cầu, xin cho chúng con biết cử hành các mầu nhiệm của Chúa, với đức tin sống động và lòng mến nhiệt thành.Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

2091    09-03-2011 08:30:41