Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Bốn năm của tôi bên cạnh Đức Phanxicô

 

Từ năm 2015 đến năm 2019, đài Truyến thanh Pháp giao cho tôi nhiệm vụ đưa các tin thời sự ở Vatican và Đức Phanxicô. Không thể nào ghi loại đầy đủ ở đây, đây chỉ là cái nhìn thoáng qua về một vài bối cảnh và giai thoại để kể vài khía cạnh nhỏ của nhà lãnh đạo duy nhất đang đương đầu với Giáo hội trong cơn khủng hoảng.

Tháng 3 năm 2013, Đức Bergoglio xuất hiện ở ban-công Đền thờ Thánh Phêrô và ngài đơn giản nói “chào buổi chiều” với giáo dân. Giáo hoàng từ miền Nam thế giới mong muốn có một Giáo hội nghèo cho người nghèo, một Giáo hội ít tập trung ở Rôma và các lệch lạc quyền lực để nhường chỗ cho các vùng ngoại vi. Trong sáu năm triều giáo hoàng, các tranh cãi dồn dập về các vấn đề phong hóa, các vụ tai tiếng tài chánh. Đồng thời với lập trường về người di dân, về người ly dị tái hôn, ngài đã thu hút cơn thịnh nộ của phái bảo thủ công giáo nhất và một nhóm kẻ thù sẵn sàng thay thế ngài. Ở tuổi 82, ngài biết thì giờ của mình có hạn. Đài Truyền thanh Pháp giao cho tôi nhiệm vụ theo dõi ngài từ năm 2015 đến mùa hè 2019 này.

Các cú truyền thông

Chúng tôi đang ở vào ngày 16 tháng 4 năm 2016 trên đường băng phi trường Lesbos, Hy Lạp. Đức Phanxicô có chuyến đi một ngày để đến bên cạnh người tị nạn bị kẹt ở trại Moria trên đường đến châu Âu của họ. Chuyến đi được giữ trong vòng bí mật nhất, các ký giả được Vatican ủy nhiệm chỉ biết trước vài ngày. Đức Giáo hoàng ở Lesbos? Không thể nào không đi chuyến này. Chúng tôi phải bỏ qua các chuyện khác, các ngày hè đã dự định.v.v… Tôi may mắn ở trong số các nhà báo rất hạn chế (chỉ có ba) được đi theo ngài vào bên trong trại tị nạn. Như vậy là có tài liệu để viết bài tường trình… thậm chí còn có nhiều hơn khi đi về vì Đức Phanxicô luôn dành ngạc nhiên cho chúng tôi trên máy bay. Ở đường băng phi trường Lesbos, khi chúng tôi sắp lên máy bay thì thấy một dòng người gồm các trẻ em và phụ nữ che mặt lên theo máy bay giáo hoàng… Chúng tôi chằm chằm nhìn nhau kinh ngạc: “Ngài không làm vậy chứ!” ngài quyết định đem về Rôma mười hai người tị nạn Syria và đón họ ở Vatican. Sau đó chúng tôi biết, sự việc đã được Cộng đoàn Sant’Egidio, một Cộng đoàn này được cho là “ngoại giao song song” của Vatican lên chương trình trước với sự đồng ý của Bộ Nội vụ Ý (vào thời điểm đó, Đảng Dân chủ nắm chính quyền, đảng này là đảng thừa kế của nền dân chủ kitô giáo và rất liên kết với Giáo hội). Tôi có đủ thì giờ đăng ký viết một bản tin ở đàng sau máy bay mô tả tình cảnh khó tin này. Máy bay cất cánh và chúng tôi ở trước mặt ngài… Tôi biết, chúng tôi biết báo chí sẽ loan tin này lên trang Nhất. Nhưng lúc này, chưa có trang nào đưa tin và một mình ngài đang ở trước mặt chúng tôi, sáu mươi ký giả trên thế giới trên chuyến bay này. Ngài gấp các bức vẽ của các trẻ em thoát khỏi chết đuối trên biển cả (“chỉ muốn khóc”) và lặp lại câu nói của Mẹ Têrêxa: “Việc này chỉ là một giọt nước nhỏ trong lòng đại dương, nhưng sau đó, đại dương sẽ không hoàn toàn giống như trước.” Phải nhắc lại, năm 2016, trong khi vụ khủng hoảng người di dân ở cao điểm, nước Ý cứu mạng sống của nhiều người ở biển Địa Trung Hải, năm đó họ đón nhận 180 000 người trên các vùng duyên hải khi châu Âu còn đang ấp úng tìm giải pháp… Đức Phanxicô vừa đập một cú lớn vào hệ thống truyền thông.

 

Thời gian giới hạn

Với Đức Phanxicô, mọi sự hiếm khi theo kế hoạch đã được dự trù. Ngài để qua một bên các bản văn đã được chuẩn bị, ngài không thích đọc các bản văn này. Như trong Ngày Thế giới Trẻ Krakow năm 2016: “Cha định sẽ đọc cho các con nghe bài này”, – và ngài đưa bản in cho các bạn trẻ xem – “nhưng cha sẽ không đọc, cha muốn nói chuyện với các con.” Và chúng tôi ghi lại hàng phút đối thoại dài, cọng thêm các câu chuyện cười và các nháy mắt. Ngài khơi động người trẻ: “Các con nói mạnh hơn, cha không nghe!” Chúng tôi chạy đi tìm mạng wifi, lắp máy vi âm, vội vã viết lại bản tin, chạy đi nhận phòng… Nhịp chuyến tông du với ngài luôn căng thẳng, Đức Phanxicô muốn đi khắp thế giới, làm chứng cho Tin Mừng (đó là vai trò đầu tiên của ngài), gặp các Giáo hội nhỏ (châu Phi, châu Á, Đông Âu, Scandinavia) mà không rời Rôma quá lâu.

Và tại chỗ, ngài liên tục cử hành các buổi lễ, các buổi gặp chính thức, thăm nhà tù hoặc trung tâm tiếp nhận người có hoàn cảnh khó khăn, gặp giáo dân … không biết đến cách biệt múi giờ và hàng ngàn cây số giờ bay. Chỉ để đưa ra ví dụ, trong chuyến đi Chi-lê và Pêru tháng 1 năm 2018, trong một tuần chúng tôi đi mười chuyến bay, bay qua vùng sa mạc nóng bức Atacama, vùng ẩm ướt Amazon, độ cao của dãy Cordillère des Andes.

Thời gian của Đức Phanxicô không còn bao nhiêu. Ngài láu lỉnh nhắc đến việc Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm làm gieo nghi ngờ ý định của ngài. Tiền lệ đã được Đức Bênêđictô XVI đưa ra và để lại tất cả các giả thuyết mở. Tuy nhiên cho đến nay, có vẻ như có nhiều khả năng Đức Phanxicô sẽ tiếp tục lịch làm việc siêu tốc này, ngài không tiếc sức. Một cô bạn nhà vatican học lâu năm ở Vatican, từng đi theo Đức Gioan-Phaolô II, Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô, cô cho tôi hình ảnh này: “Bạn có thấy cái máy giặt ở đoạn cuối không? Nó quay hết tốc lực, nó xả hết năng lượng và rồi nó ngừng…”

Đức Phanxicô đang đứng trước sự chống đối sẵn sàng giương nanh ra với ngài. Đặc biệt Giáo hội công giáo Mỹ nhánh theo truyền thống không buông tha ngài. Tháng 8 năm 2018, bức thư của cựu sứ thần cực kỳ bảo thủ Carlo Maria Viganò làm Vatican rúng động. Bức thư được công bố khi chúng tôi đang ở Ai Len với ngài, chuyến thăm tế nhị ở đất nước bị tổn thương bởi các vụ tai tiếng tình dục làm cho giáo dân quay lưng lại với nhà thờ. Tổng Giám mục người Ý, cựu sứ thần tại Mỹ cáo buộc Đức Phanxicô nhắm mắt làm ngơ trước một số báo cáo và ủng hộ việc xóa bỏ mạng lưới đồng tính đến chóp đỉnh của thể chế. Về vấn đề này, cựu sứ thần kết hợp với các hồng y bảo thủ Brandmüller người Đức, hồng y Burke người Mỹ mà về chủ đề gia đình họ đã cáo buộc ngài bán tháo giáo huấn của Giáo hội. Cho người ly dị tái hôn rước lễ tùy theo từng trường hợp đã làm cho các giáo sĩ không nhân nhượng này bực bội, họ mơ có ngày thấy Đức Phanxicô từ nhiệm.

Một giao tiếp nhiều hay ít kiểm soát

Muốn làm nhanh và trả lời các câu hỏi của ký giả mà không lọc trước, đôi khi Đức Phanxicô làm mờ thông điệp của mình. Về vấn đề khuynh hướng tình dục, trên chuyến bay từ Ai Len về, ngài tuyên bố: “Khi điều này bắt đầu từ thơ ấu, có rất nhiều việc phải làm với tâm thần học, để xem mọi thứ như thế nào.” Khoa tâm thần học liên quan đến đồng tính, tin tức buổi sáng của chúng tôi mở đầu với lời tuyên bố này. Phòng báo chí nhanh chóng chấn chỉnh lại. Họ ghi lại cuộc phỏng vấn của giáo hoàng trên các cơ quan truyền thông chính thức, viết lại đoạn gây tranh cãi, Giáo hoàng không liên kết đồng tính với một căn bệnh, nhóm của ngài cố gắng giải độc chuyện này. Chuyện đã rồi, các phản ứng ở Pháp rất bực tức.

Không phải lúc nào Đức Phanxicô cũng tham khảo ý kiến nhóm của ngài trước khi nói với các ký giả, Ngài có thể trả lời phỏng vấn mà không thông qua nhóm truyền thông. Ngài thích tiếp xúc trực tiếp và sau đó để cho nhóm của mình giải mã các lời mình đã tuyên bố.

Các nhóm truyền thông này được tham khảo rất nhiều và thời gian gần đây đã có thay đổi lớn. Trong hợp đồng bốn năm của tôi, tôi làm việc với ba giám đốc phòng báo chí, hai bộ trưởng Bộ Truyền thông, một cơ cấu duy nhất mà Đức Phanxicô muốn tối ưu công việc của ban biên tập và các phương tiện truyền thông chính thức khác nhau.

Vào thời điểm tôi rời Rôma, văn phòng báo chí do ông Matteo Bruni đứng đầu, ông là  giáo dân 42 tuổi, thân cận với Cộng đoàn Sant’Egidio và trung thành theo đường hướng của Đức Phanxicô.

Một triều giáo hoàng bị hoen mờ vì các vụ ấu dâm  

Qua bom nổ ở Chi-lê. Tách ra khỏi đoàn giáo hoàng ở Santiago, tôi bỏ thì giờ với các nạn nhân của các linh mục ấu dâm, ông Peter Saunders người Anh, các ông Juan Carlos Cruz và Jose Murillo người Chi-lê. Họ đang tổ chức mạng có tên Chấm dứt bị Giáo sĩ lạm dụng (Ending Clergy Abuse) để tiếng nói của họ được Vatican biết đến. Mỗi người đều có kinh nghiệm riêng của mình, họ khinh miệt thứ trật Giáo hội, các cánh cửa đóng sầm lại, thuyên chuyển linh mục từ địa phận này sang địa phận khác để bịt tai tiếng.

Trong trường hợp ở Chi-lê giáo hoàng đã phạm sai lầm, và sau đó ngài đã nhận ra. Ngài bảo vệ cho Giám mục Barros, nhưng Giám mục bị lên án vì bao che các hành động xấu xa của linh mục đi săn mồi Karadima. Ngài bảo vệ Giám mục Barros tại chỗ cũng như trong buổi họp báo truyền thống trên chuyến bay từ Chi-lê về Rôma.

Sự tranh cãi tăng lên trước sự thiếu sáng suốt rõ ràng này. Về lại Rôma, ngài xem lại bản sao của mình. ngài gởi Giám mục Scicluna, một trong các người thân cận của ngài qua Chi-lê ngay để điều tra tại chỗ. Giám mục Scicluna về lại Rôma với một hồ sơ khủng khiếp. Từ đó Đức Phanxicô thấy được hệ quả, ngài triệu các giám mục Chi-lê về Rôma và chấp nhận đơn từ chức của một vài người trong số họ. Giáo hội rung rinh dưới sức nặng của các vụ bị lộ. Tháng 2 năm 2019, Đức Phanxicô triệu tập các chủ tịch hội đồng giám mục trên thế giới về Rôma họp Thượng đỉnh ngoại thường về vấn đề này. Trong dịp này tôi thu thập được chứng từ của các tu sĩ và giáo dân, đặc biệt là ở châu Phi, nơi mà ở một vài vùng, lạm dụng quyền lực là mẫu số chung của giáo sĩ và các vụ việc ở châu lục này chưa được đưa ra ánh sáng. Một tự sắc được phát sinh từ cuộc Họp Thượng đỉnh này, củng cố các tiêu chuẩn để đưa vào thực hành, chấm dứt quyền miễn trừ của các giám mục, bắt buộc phải báo cáo các vụ tấn công tình dục. Chỉ còn liệu xem giáo luật được xem xét lại này sẽ được áp dụng như thế nào trên địa phương, trong Giáo hội hoàn vũ được Đức Phanxicô hướng dẫn. Ngài đóng một phần trong uy tín triều giáo hoàng của ngài qua việc quản trị các vụ lạm dụng.

Đức Phanxicô đi Pháp? “Hy vọng”

Tại Pháp, vụ linh mục Preynat là tượng trưng cho sự thiếu sót của Giáo hội, việc hồng y Barbarin từ chối hay không là chuyện thời sự trong những tháng cuối cùng của tôi ở đài truyền thanh. Ngày 7 tháng 3 năm 2018, hồng y bị tòa án Pháp lên án 6 tháng tù treo vì đã chọn bảo vệ thể chế hơn là đi tố cáo linh mục Preynat. Sau bản án này, hồng y Barbarin đệ đơn từ chối lên giáo hoàng, ngài từ chối vì ngài chờ phán quyết cuối cùng của tòa (vụ án kháng cáo lên tòa thượng thẩm và sẽ xử vào cuối tháng 11 ở Lyon). Có phải Đức Phanxicô đã lường được tầm quan trọng của vụ này ở Pháp, về sự bất ổn ở giáo phận Lyon không? Ở Pháp quan điểm của ngài không được mọi người hiểu.

Mùa hè này Đức Phanxicô tìm được giải pháp trong vụ sứ thần Luigi Ventura, sứ thần Tòa Thánh ở Pháp bị nghi ngờ có đụng chạm tình dục với các người đàn ông trẻ. Từ đầu tháng 7, Vatican đã dỡ bỏ quyền miễn trừ ngoại giao của cựu sứ thần, mở đường cho vụ án này ở Pháp.

Về phần tôi, trước khi về Pháp, tôi đã chào từ giã Đức Phanxicô. Cơ hội đã đến trên chuyến bay đi Rumani vào cuối tháng 5, chuyến tông du thứ 21 tôi đi cùng ngài trong tư cách là phóng viên Đài Truyền thanh Pháp. Chúng tôi trao đổi vài lời, ngài rất thân thiện và vui cười. Nhân cơ hội này, tôi hỏi ngài có ý định đi Pháp không. Ngài trả lời “Speriamo.” “Hy vọng”, một câu trả lời lịch sự nhưng không hứa hẹn.

Chuyến đi đến Pháp không ở trong dự án ngắn hạn hay trung hạn của ngài. Ưu tiên của ngài là các vùng ngoại vi. Vào tháng 9, ngài có chuyến đi các nước Mozambic, Madagascar và Maurice ở quần đảo Ấn Độ dương. Tháng 11 ngài sẽ đi Nhật.

Và tôi sẽ theo dõi ngài, nhưng từ đàng xa.

Marta An Nguyễn dịch

470    15-09-2019