Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

“Hận thù không phải là sức mạnh sáng tạo; sức mạnh sáng tạo duy nhất là đức ái”


“Hận thù không phải là sức mạnh sáng tạo; sức mạnh sáng tạo duy nhất là đức ái”. Câu suy niệm cuối cùng của Thánh Maximilien Kolbe cùng với các người cùng bị giam với ngài ở trại tập trung Auschwitz

 

Raymond Kolbe sinh năm 1894 ở Zdunska Wola (Ba Lan) trong một gia đình công giáo nghèo có ba người con là linh mục Dòng Phanxicô.

Rất sớm, cha đã có một tình yêu thiết tha với Thánh Thể và Mẹ Maria. Đức Mẹ Maria đã hiện ra với cha một lần ở nhà thờ. Mẹ đưa cho cha hai triều thiên: một cái màu trắng tượng trưng cho tinh tuyền, một cái màu đỏ tượng trưng cho tử đạo. Cậu bé trả lời: “Con chọn cả hai”.

Năm 1907, cha vào chủng viện ở Lwow. Có năng khiếu về toàn-lý, cha định học kỹ sư hoặc làm sĩ quan để chiến đấu bảo vệ tổ quốc vì lúc đó nước Ba Lan bị giằng xé giữa các nước Thổ, Nga và Áo.

Nhưng năm 1910 cha vào chủng viện Dòng Phanxicô. Trở thành Sư huynh Maximilien, cha học tại Rôma và có bằng tiến sĩ triết và thần học. Năm 1917, tại Rôma, cha thành lập hiệp hội Dân quân Đức Mẹ Vô Nhiễm (Milice de l’Immaculée). Cũng năm này cha bị ho lao nặng.

Cha chịu chức linh mục năm 1918 và năm sau về lại Ba Lan. Tại quê nhà, cha làm việc và phổ biến hiệp hội Dân quân Đức Mẹ Vô Nhiễm, rồi ra nguyệt san Hiệp sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm (Le Chevalier de l’Immaculée) và thành lập nhà in.

Năm 1927 trên miếng đất cha được cấp ở Krakow, cha thành lập Đô thị Đức Mẹ Vô Nhiễm (Cité de l’Immaculée) ở Niepokalanow. Các tu sĩ ở đó, cực kỳ nghèo, có đời sống cầu nguyện sốt sắng và làm việc tông đồ. Lúc đó họ có ơn gọi rất nhiều, năm 1939 tu viện có gần tám trăm tu sĩ. Cha Kolbe đào tạo họ qua tấm gương và sự giảng dạy của mình. Ngài đòi hỏi cao nhưng có trọn tình phụ tử dịu dàng với họ, ngài mang đến một bầu khí tương trợ và sáng tạo trong công việc, luôn tìm cách để hiện đại ngành in.

Năm 1930, tạp chí đã in đến con số 300 000 ấn bản. Nhưng cha Kolbe còn muốn Chúa Kitô được mọi nơi biết đến. Ngài chọn nước Nhật để lên đường. Trên đường đi, ngài tiếp xúc với nhiều nước để tờ báo được in trong ngôn ngữ địa phương. 

Một năng lực phi thường dựa trên lòng trung thành với Đức Mẹ

Tại Nhật, cha là giáo sư triết ở chủng viện Nagasaki. Được các chủng sinh giúp, cha in báo Hiệp sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm và thành lập Đô thị Đức Mẹ Vô Nhiễm. Các khó khăn bắt đầu nhiều, sức khỏe của cha yếu kém, nhưng tạp chí và Đô thị phát triển mạnh, đã có nhiều cuộc trở lại.

Năm 1936, cha Kolbe về luôn ở Niepokalanow. Cha thành lập ở đây một trung tâm điện, một đường xe lửa, một trung tâm điện tín, ra đời một nhật báo, tờ Nhật báo Nhỏ (Le Petit Journal), một đài truyền thanh, Đài Đức Mẹ Vô Nhiễm (Radio de l’Immaculée), đài nhận ba ngàn thư độc giả mỗi ngày! Năng lực của cha dựa trên lòng trung thành với Đức Mẹ, tuy rất bệnh nhưng cha đương đầu với một số lượng công việc đáng kể. Tờ báo in hơn một triệu ấn bản.

Năm 1939 chiến tranh bùng nổ. Cha bị bắt lần đầu và được trả tự do sau khi bị giam cầm khủng khiếp. Ngày 19 tháng 2 năm 1941, cha bị bắt lại. Bị đưa đến trại Auschwitz, nơi cha nâng đỡ các người cùng bị giam, chia sẻ bánh mì với họ.

Cuối tháng 7, sau một vụ đào thoát, mười người bị chỉ định phải chết trong hầm giam đói. Cha Kolbe xin mình được thay thế một trong mười người này, một người cha gia đình. Trong hầm giam đói, thay vì tiếng la hét như vẫn thấy, thì những người bị giam hát thánh ca và cầu nguyện. Ngày 14 tháng 8, người sống sót cuối cùng ngồi, khuôn mặt rạng rỡ, cha Kolbe qua đời vì một mũi mũi thuốc độc chích vào cánh tay.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Tôi thấy Đức Mẹ bất cứ đâu, tôi không thấy khó khăn đâu hết.

Thánh Maximilien Kolbe

931    15-08-2017