Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Hãy chạm vào nhau bằng cái chạm của Thiên Chúa

 

Chúng ta đang sống trong thời đại của những cái chạm (Touches) khi mà các loại điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị thông minh khác đều dùng đến công nghệ chạm, giúp người dùng cảm thấy thoải mái và tự tin hơn trong việc thực hiện các thao tác cần thiết. Việc chạm, xưa nay không phải là một điều xa lạ gì với thế giới con người, khi chúng ta có đôi bàn tay được tạo ra cho những mục đích này trong cuộc sống, đang trở thành một cử chỉ của sự tiếp cận nào đó với những mục đích khác nhau. Và trong bài Tin Mừng hôm nay (Lc 6:12-19) tường thuật về việc “đám đông tìm cách chạm tới Chúa Giêsu” “vì tự nơi Người phát xuất một sức mạnh chữa lành mọi người”.

Việc chạm trở thành một bản năng phản xạ tự nhiên của con người, nhất là khi đối diện với một điều gì đó hấp dẫn hay lạ lẫm vốn kích thích sự tò mò và lòng muốn của chúng ta, lập tức chúng ta muốn được tận tay chạm vào những điều ấy. Do đó, khi chạm vào thực tại mà chúng ta muốn vì tò mò, hiếu kỳ, hay vì ý tốt, chắc chắn sẽ mang lại cho chúng ta một cảm giác nào đó có thể là thất vọng vì không được như mong đợi, cũng có thể là hài lòng vì đúng như mong đợi.

Nhưng nếu để ý và xét thật kĩ trong sự khiêm tốn, chúng ta sẽ thấy có vẻ như những cái chạm thật mang lại ý nghĩa và sự ủi an giữa con người với nhau đang ngày càng trở nên ít lại, thưa dần, và thậm chí là hiếm hoi, kể từ khi công nghệ chạm phát triển và đang chiếm lấy toàn bộ thời gian và tâm trí của mỗi người chúng ta. Theo đó, chúng ta đang đi vào trong khuynh hướng chạm vào những thực tại ảo hơn là những thực tại rất thật của cuộc sống và trong các tương quan con người, nhưng lại tưởng rằng đó là những cú chạm thật. Chẳng hạn, chúng ta thấy các thành viên của một gia đình ngày cuối tuần khi quây quần lại với nhau ở một quán cafe hay nhà hàng, thì họ không còn chạm vào nhau bằng những ánh mắt, nụ cười, sự huyên náo của những lời chia sẻ hay những cái chạm bằng tay vào nhau nữa, mà mỗi người đi vào một thực tại ảo của riêng mình qua các thiết bị thông minh đang kích thích người ta chạm thật nhiều. Theo đó, mỗi thành viên trong bàn ăn uống không có nhu cầu gặp gỡ nhau, mà chỉ hiện diện bằng thể xác cho có để được gọi là có nhau, còn phần tâm trí của họ đang mải mê chạm vào những thực tại rất ảo qua các thiết bị mà họ sở hữu. Và dĩ nhiên, những cú chạm này thu hút người ta bởi những sức mạnh của riêng nó, sự cuốn hút của riêng nó với sự đồng thuận của người sử dụng. Những cú chạm này chắc chắn không mang lại sự ủi an, sự khích lệ, sự thấu cảm mà chỉ làm cho người ta càng ngày càng trở nên co cụm, khép kín, và xa cách với nhau và cả với chính bản thân mình.

Và một khi chúng ta để dồn toàn bộ tâm trí của mình cho những cái chạm ảo thì những cuộc gặp gỡ giữa người với người sẽ chỉ còn là những thứ va chạm, va quẹt như những tai nạn trên đường phố, mà trong đó, nếu cả hai thoả hiệp sẽ nhoẻn miệng cười cho qua, còn nếu không thoả hiệp thì những va chạm ấy sẽ phát ra một sức mạnh làm người ta tan vỡ, làm cho người ta trở nên xa cách hơn nữa bởi những thái độ thù nghịch, những hằn học, những bực dọc và mệt mỏi vì đang thấy người khác va vào bản thân mình một cách kì cục và không cần thiết, nếu không muốn nói là làm cho chúng ta thấy phiền và khó chịu. Và có lẽ, những va chạm mang tính thảm hoạ này đang hiện diện trong hầu hết các mối tương quan giữa con người với nhau, từ trong các mối quan hệ gia đình, bạn hữu, cộng đoàn, nơi làm việc, nơi học tập, và thậm chí cả nơi thờ tự trang nghiêm.

Nếu những cái chạm vào thực tại ảo mang tính cuốn hút bao nhiêu, thì những cái chạm vào thực tại tâm hồn lại trở nên xa xỉ bấy nhiêu. Nhưng những cái chạm vào thực tại ảo không mang lại cho chúng ta điều gì ngoài sự trống rỗng, cô độc và khánh kiệt, còn những cái chạm vào tâm hồn dù đôi khi có vẻ khốc liệt, khó khăn, căng thẳng, và thậm chí là nảy lửa, nhưng chắc chắn nếu tất cả đều xuất phát từ một tâm hồn đầy thiện chí thì dù cái chạm của chúng ta dành cho nhau lúc đầu dù có thế nào, thì sau cùng vẫn mang lại cho chúng ta một “sức mạnh chữa lành”, sức mạnh bổ trợ, sức mạnh khích lệ, sức mạnh ủi an, và sức mạnh làm thăng tiến nhau.

Chúng ta đều biết rất rõ “chúng ta cần nhau” để tồn tại và phát triển, nên đương nhiên chúng ta cần những cái chạm tốt lành và đầy thiện chí của nhau trong các tương quan hằng ngày. Nhưng, để cái chạm của chúng ta có đủ sức mạnh hữu ích cho người khác, thì chúng ta cần một cái chạm vượt trên mọi cái chạm con người, đó là chạm vào Thiên Chúa, và để cho Thiên Chúa chạm vào chúng ta. Mỗi người chúng ta đều cần đến cái chạm của Thiên Chúa và chạm vào Thiên Chúa để kín múc từ nơi Ngài sức mạnh cần thiết mà từ đó có thể trao ban cho nhau những cái chạm thật sự có ý nghĩa và có sức mạnh mang lại sự biến đổi trong các quan hệ con người hằng ngày. Nếu thiếu cái chạm của Thiên Chúa, có lẽ những cái chạm của chúng ta dành cho nhau sẽ chỉ còn là những va quẹt và những cú va vào nhau thuần tuý kiểu tai nạn, nên sẽ dẫn đến những rạn nứt, đổ vỡ, nỗi đau, và nỗi khổ cho nhau!

Joseph C. Pham

656    10-09-2019