Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

John Henry Newman: Hành trình Bản Ngã - 1

Trong một ẩn dụ tuyệt vời, Newman chỉ ra vận động của suy nghĩ giống như người leo núi lành nghề, có thể lượng định theo trực giác các đoạn dốc khó nhưng không thể giải thích hết từng bước của mình cho người khác:

Tâm trí dao động qua lại, lan ra, và tiến tới với một tốc độ nhanh chóng, trở nên một điều quen thuộc mà huyền hoặc và linh hoạt làm lạc lối những nghiên cứu tìm hiểu nó. Tâm trí đi từ điểm này tới điểm kia… tạo nên một tiến trình giống như người leo núi trên vách đá dựng đứng, bằng đôi mắt nhanh nhạy, bàn tay khéo léo và đôi chân vững chãi, leo lên theo cách mà chính anh cũng không tự nhận thức được; nhờ tư chất và tập luyện, hơn là nhờ quy luật, không để lại dấu vết nào sau mình và không thể dạy nó cho người khác được… Và đó là đường lối chính yếu mà mọi con người dù có thiên khiếu hay không, lý luận cách thông thường,- không do quy luật, nhưng do năng lực nội tại (US, XIII, 7).

Tự phản ảnh của Newman không phải là kiểu chủ quan cô độc. Chắc chắn, cách tiếp cận của ngài mang tính tâm lý và tinh thần (hai từ ngài dùng để nói về tác phẩm của mình), nhưng mục tiêu của nó là đi đến dấn thân và hành động. Ngài muốn đem đến công bằng cho động lực tìm và thấy của chúng ta. Với tinh thần này, nhịp điệu trong văn xuôi của ngài không chỉ mang tính thẩm mỹ, mà là tìm cách hiện thể năng lực huyền vi và tự phát của một tinh thần có óc tìm tòi. Một câu nói của Newman nổi tiếng đến mức được in trên các hộp chocolate Baci nổi tiếng của nước Ý: ‘Sống là thay đổi, và hoàn hảo là thay đổi thường xuyên.’ Ý niệm này xuất hiện khi ngài nghiên cứu sự phát triển của giáo lý, một quyển sách đi liền với việc trở lại đạo Công giáo của ngài vào năm 1845. Nhưng thực sự đó đã là chiếc neo lâu dài và là đặc tính suy nghĩ của ngài. Ở tuổi 15, ngài đã say mê câu ‘Tăng tiến là bằng chứng hiển nhiên duy nhất của đời sống.’ Sau này, học thuyết Darwin cũng không làm ngài bận lòng như những người cùng thời của ngài: trong một lá thư vào năm 1874, ngài nhận xét rằng ‘không điều gì trong học thuyết tiến hóa đối nghịch với Đấng Toàn Năng.’

Cả sự tao nhã lừng danh trong văn phong và sự chú tâm vào tấn kịch của tiến triển đều vang vọng tâm thức đức tin của Newman như một khám phá mang tính liên tục. Bởi vậy niềm xác tín của ngài không bao giờ là một tĩnh vật mà đúng hơn là một cuộc hành trình đào sâu. Một trong những từ yêu thích của ngài là ‘mở rộng,’ và ngài đã áp dụng nó không chỉ trong việc giáo dục mà trong cả đời sống của tín hữu. Vì vậy sẽ không trung thực khi mô tả quan điểm của ngài như người ủng hộ một giáo lý chính thống hay một thần học bất động về đức tin (đáng buồn đây lại là xu thế của đa số thời nay). Cũng như ngài nhấn mạnh sự dấn thân của trọn vẹn con người trong việc có được đức tin, thì ngài cũng gợi lên điều gọi là ‘mạo hiểm’ tâm linh (một trong những từ yêu thích khác của ngài) của việc sống đức tin.

Vai trò ‘nhận ra’ của hình dung  

Nhân cách học của Newman khai mở một trường phái mới của suy nghĩ về đức tin được nhiều người theo trong thời gian gần đây. Như chúng ta đã thấy, ngài tìm cách tạo nên cầu nối giữa cuộc truy tầm chân lý tôn giáo, tâm linh cá nhân và giá trị tinh thần với khuynh hướng sống của họ. Trọng tâm của việc này không phải là suy nghĩ thuần nhất hay các quan điểm duy lý tách biệt, mà là tiến trình khám phá và thực hiện chân lý. Đây là những gì ngụ ý trong thuật ngữ ‘hữu thực,’ một từ yêu thích của Newman. Ngược lại với hữu thực là mơ hồ, ý chỉ một chủ nghĩa duy lý xa rời con đường của kiên quyết và dấn thân. Về điểm này, Newman đã can đảm đi ngược dòng văn hóa thời đó. Ngài muốn vạch mặt ảo tưởng về thái độ trung dung đã mê hoặc những người cùng thời với ngài (và cả chúng ta nữa) xem đó như là con đường khả thể duy nhất để đạt đến chân lý. Nơi thái độ này và một phần nào trong tinh thần của thánh Augustinô, ngài khám phá ra tiến trình tìm và thấy một cách riêng tư hơn. Mục đích của ngài là để bảo vệ những gì mà sau này Lonergan gọi là ‘chủ quan xác thực.’

Nếu Newman sống muộn hơn một thế kỷ, có thể ngài đã dùng chữ ‘hiện sinh’ thay cho ‘hữu thực.’ Điều này hấp dẫn với ngài đến nỗi trong bản thảo của Quy tắc Đón nhận [Đức tin] (Grammar of Assent) lúc đầu ngài viết ‘đón nhận hình dung’ nhưng sau đó ngài quyết định thay thế ‘hình dung’ thành ‘hữu thực.’ (Thật ra ngài bỏ sót một vài ví dụ nên thành ngữ này vẫn còn tìm thấy trong bản văn đầu tiên). Trong mọi khả năng có thể, lý do cho việc thay đổi là sợ bị hiểu lầm: ngay cả ngày nay, người ta vẫn còn lẫn lộn giữa ‘hình dung’ (imaginative) và ‘hư cấu’ (imaginary), vì thế đức tin vẫn còn bị xem như một hình thức hoang tưởng. Nhưng mối bận tâm chính của ngài là vai trò tích cực của hình dung trong đức tin, đặc biệt trong thời gian ngài viết Quy tắc Đón nhận. Đối với ngài, chức năng của hình dung theo nghĩa đen là ‘nhận ra’ đức tin, trong nghĩa làm cho Thiên Chúa trở nên có thực trong đời sống con người.

Một trong những tuyên bố uy thế nhất của ngài về hình dung, là trong loạt thư ngài gởi đến nhật báo để tấn công luận điểm của Sir Robert Peel. Với việc mở ra một thư viện công cộng mới ở Tamworth, chính trị gia hàng đầu này đã cho rằng bây giờ có thể đạt được các thành quả của tôn giáo bằng con đường giáo dục về văn học và khoa học. Ý tưởng này làm Newman kinh tởm vì nó không những đi ngược với ý niệm của ngài về sự độc nhất của chân lý tôn giáo mà còn ngược với toàn bộ tư tưởng nhân học của ngài. Để đáp lại ông này, ngài trình bày triết học của mình về con người nhân loại như một hiện hữu cao hơn ‘động vật lý tính,’ được tạo nên để hành động và biến chuyển bởi cảm xúc. Trong phản đề này ngài lập luận rằng ‘không thể chạm đến tâm hồn cách thông thường bằng lý lẽ mà là qua hình dung’(GA, 92). Tầm quan trọng của thấu suốt này được nhấn mạnh bởi sự kiện rằng ba mươi năm sau, ngài trích một số trang trong bài công kích Peel vào Quy tắc Đón nhận, và đi đến lập luận rằng đức tin cần được ‘nhận định, ở lại, và giữ lấy như một thực thể, nhờ vào hình dung tôn giáo’ (GA98). Ngài thêm rằng ‘thần học về hình dung tôn giáo’ mang lại ‘bám giữ sống động với chân lý’ và nhờ đó mở ra cánh cửa hướng đến ‘các thói quen tôn giáo riêng tư’ (GA, 117). Nhãn quan mục tử sâu sắc quan trọng ở đây là: nếu chân lý tôn giáo không chạm đến hình dung của chúng ta theo cách nào đó thì sẽ không thể trở nên sinh động cho từng cá nhân được.

Newman cũng thấy hình dung như một đầu đề tranh luận cốt yếu cho đức tin. Hình dung là một địa hạt mong manh, nơi những hình ảnh méo mó hoặc thiển cận của tôn giáo có thể khiến người ta thấy hợp lý hay tự nhiên để không tin. Trong sổ tay của mình, ngài đã từng viết rằng ‘hình dung chứ không phải lý lẽ là kẻ thù lớn nhất đối với đức tin.’ Nhưng xét chung, ngài thấy hình dung là vùng đất hứa để đức tin có thể trở nên ‘hữu thực’ về mặt thiêng liêng. Chắc chắn ngài tán thành phương thức cầu nguyện hình dung các bối cảnh trong Tin Mừng để làm sống lại chính Tin mừng, nhưng với ngài hình dung còn rộng lớn hơn việc mường tượng hình ảnh: nó hướng đến cảm thức con người, hơn là suy tư trên chính nó, từ hình dung đến cảm thức, chúng ta có thể ‘minh định’ và “làm quen’ cách tốt nhất các thực tại đức tin. Trong quan niệm của ngài, chúng ta có thể quả quyết về tuyên bố ‘có Thiên Chúa’ với hai mức độ khác nhau. Nó có thể vẫn là một ‘sự thừa nhận lạnh lùng và vô ích’ khi ‘hình dung hoàn toàn không được khơi dậy’ bởi vậy tâm hồn không bừng bừng sốt mến. Nhưng cùng một lời đó có thể làm nên một ‘cuộc cách mạng trong tâm trí’ bất cứ khi nào nó trở nên ‘trong hình dung’ và được ‘nắm bắt với sự đón nhận thực sự’ (GA, 126-127). Khi hình dung được thức tỉnh, đức tin thoát khỏi sự phi nhân để trở nên hiện sinh đầy hoa trái cho cuộc sống. Đây là một yếu tố chính trong bản đồ đức tin của Newman. Qua hình dung hơn là qua suy tư trí tuệ, chúng ta đạt đến xác tín tôn giáo và mở ra cánh cửa đến với những dấn thân tôn giáo cụ thể. Đối với ngài, hình dung là vùng của lý luận trực giác và như thế là trung gian thiết yếu của đức tin.

Từ quan điểm của các thần học đức tin đương thời hơn, chúng ta thấy dường như trực giác của Newman về hình dung mang tính tiên tri đặc biệt. Ngày nay chúng ta nói về việc hàn gắn lại sự phân ly giữa thần học và linh đạo, hay về việc cân nhắc vai trò của chiều kích mỹ học và xúc cảm trong đức tin. Khi Newman nhất quyết rằng hình dung chạm đến tâm hồn và làm cho đức tin trở nên ‘hữu thực,’ thì ngài hòa hợp với các tư tưởng tiến bộ này. Các nhà tư tưởng gần đây, từ Einstein đến Ricoeur, đã khám phá hình dung là một dạng thiết yếu của nhận thức. Newman cũng chỉ ra đường hướng như thế, dù theo một cách thức thiếu hệ thống hơn. Các ngòi bút khác như William Lynch hay David Tracy đã khám phá hình dung hiện thể Kitô giáo. Cũng vậy với Newman, hình dung là phương tiện để xác định, đáng dùng để nhận thức mầu nhiệm Nhập thể và cũng như để hoán cải trở lại đạo. Như thế, hình dung là cầu nối giữa sự chắc chắn mang tính lịch sử của Nhập thể với con đường mang tính nội tâm và chủ quan hơn dẫn chúng ta đến lời thưa vâng với đức tin.

755    15-02-2019