Chúng ta đang sống trong thời đại khoa học và công nghệ đã có những thành tựu vô cùng choáng ngợp đang phục vụ cho cuộc sống con người, nên có lẽ sẽ chẳng có gì xa lạ với những khái niệm như việc tín hiệu phát ra phải có thiết bị nhận chuẩn để giải mã tín hiệu được phát ra, hay còn gọi là quá trình (Codes và Decodes). Theo đó, muốn nhận được tín hiệu chuẩn thì phải có thiết bị tiếp nhận (Receiver) theo đúng chuẩn, bằng không thì sẽ rất méo mó và gây khó chịu cho tiến trình phát và nhận.

Ngày hôm nay, trong bài Tin Mừng (Lc 10:1-12), chúng ta thấy Chúa Giêsu dặn dò các môn đệ của Ngài về điều này khi nói: “Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con”. Đây là một bí quyết thật tuyệt vời cho những giao tế hằng ngày của chúng ta với nhau và để tránh cho chúng ta khỏi mất thời gian và sức lực để thắc mắc điều không cần phải thắc mắc.

Theo đó, trong các giao tế hằng ngày với nhau, thường chúng ta sẽ dành cho nhau những lời chúc tốt lành nhất vào đầu ngày hay khởi đầu một cuộc gặp gỡ. Theo bình thường chúng ta sẽ nhận lại tín hiệu tốt từ phía người trò chuyện, nhưng cũng khó tránh nhiều lúc chúng ta chẳng nhận được gì ngoài sự khước từ ngang qua thái độ tiêu cực của họ trước lời chào chúc tốt lành của chúng ta. Những lúc như thế này khiến chúng ta vô cùng khó chịu và cảm thấy bất công, rồi cảm thấy khó hiểu, khó chịu, và rồi kéo theo mất quá nhiều thời gian để suy nghĩ và tìm kiếm đủ lý do để giải thích cho tai nạn mà chúng ta vừa gặp phải.

Ngày hôm nay, Chúa Giêsu đã mang lại cho chúng ta một bí quyết vàng để từ nay không còn phải mệt mỏi vì những chuyện không đáng trong các giao tế hằng ngày nữa. Đó chính là “nếu chúng ta mang lại điều tốt cho ai đó mà người ta không tiếp nhận, thì hãy bình an quay bước vì điều tốt đó sẽ không bị mất đi, và người kia cũng chả được hưởng gì. Và chúng ta hoàn toàn có thể trả lại cho họ điều họ tặng lại cho chúng ta: Sự tiêu cực hay một thái độ khép kín và phiền toái nào đó, như cách “phủi trả bụi lại” mà Chúa Giêsu đã dạy trong Tin Mừng hôm nay. Như thế, việc gặp nhau trước hết là cho nhau điều gì đó tốt lành, nhưng nếu phía kia không tiếp nhận, thì chúng ta đi vào tiến trình thứ hai là trả lại cho họ bụi bẩn mà họ muốn ảnh hưởng lên chúng ta.

Chúa Giêsu dạy bí quyết này cho các thợ gặt của Ngài vì Ngài biết rất rõ một điều quan trọng này: “Luôn có những người không thích bình an với chúng ta. Luôn có những người không thích chúng ta hạnh phúc”. Vì vậy, là những người môn đệ của Đức Kitô thì phải nắm sự khôn ngoan này để trong sứ vụ làm chứng của mình, chúng ta không cần thiết phải mất nhiều thời gian công sức cho những người không muốn sự hiện diện hay sự tốt lành thiện chí mà chúng ta mang lại. Không cần thiết phải căng thẳng khi nhận một sự hững hờ hay vô cảm khi rõ ràng là chúng ta mang lại cho họ sự bình an và niềm vui. Đơn giản là vì nơi họ không có sự nhạy bén đủ để tiếp nhận điều tốt, mà chỉ nhạy bén với điều tiêu cực và phá hoại. Thế nên, chúng ta đừng tìm các lý do để giải thích cho thái độ hững hờ của họ như thể chúng ta là nạn nhân.

Não trạng nạn nhân hoá bản thân là một não trạng mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói “một não trạng phản phúc âm hoá”. Nghĩa là chúng ta không cần phải trở thành nạn nhân của bất cứ thứ gì, nhất là với những người không muốn bình an, vui tươi, và hoà hợp với chúng ta, những người không muốn thấy chúng ta hạnh phúc, không muốn thấy chúng ta thành công. Hãy trả lại cho họ những gì là của họ, và hãy nhận lại những gì tốt đẹp chúng ta muốn trao ban mà họ không muốn nhận. Chỉ cần đơn giản như thế, chắc chắn chúng ta sẽ bình an tiến bước và sống vui giữa đời này.

Ngày hôm nay, mỗi người chúng ta được mời gọi khiêm tốn xét lại vị thế mà chúng ta thường thực thi trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta là người tiếp nhận điều tốt với lòng biết ơn, hay là những người chỉ biết nhìn người khác bằng đôi mắt hình viên đạn và thái độ lạnh lùng khép kín. Chúng ta là những người mang lại sự tốt lành và bình an hay những người thích gieo chiến tranh, hận thù, chia rẽ, và bất hoà?

Joseph C. Pham