Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Một chút nhìn lại

 

 

 

Thuở ấy, Thầy Giêsu làm người, đi rao giảng Tin Mừng, từ  Galilê lên Giêrusalem cùng với các môn đệ do chính Người tuyển chọn (Mt 4,18-21) và sai đi (Mt 10,1-10). Người thành lập một cộng đoàn lang thang “vô gia cư” (Mt 8,20), “vô sản” (Mt 10,9-10). Một cộng đoàn hoàn toàn tự do không giới hạn bởi cơ chế, vật chất hay qui luật. Ưu tư lớn nhất của Thầy và cộng đoàn là thi hành tốt thánh ý của Chúa Cha, Thầy sống – dạy dỗ đều  xuất từ thánh ý Chúa Cha “những gì tôi nói, thì nói đúng như Chúa Cha nói” (Ga 13,47-50). Hầu như không thấy Thầy Giêsu nói đến việc gọi là anh em hãy ở lại “trong nhà” để  “củng cố, phát triển cộng đoàn”.

Được sai đi, được sống - phục vụ trong vùng đất truyền giáo với những anh chị em chưa biết Chúa  là một trong những đam mê mà bản thân Nó mơ ước từ ngày lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy (biết Chúa khi đã lớn khôn). Nhưng ước mơ được thực hiện như thế nào thì bây giờ Nó cũng trải nghiệm được chút chút. Như thế cũng là tốt cho cuộc đời làm con Chúa, đối với chính Nó rồi. Cảm ơn Thầy Giêsu, cảm ơn Hội dòng đã tin tưởng và tạo cơ hội cho Nó. Tám năm sống vùng truyền giáo, Nó muốn chia sẻ “một chút nhìn lại”.

Năm 2005, Hội dòng Đa Minh Rosa Lima được hiện diện trên giáo phận truyền giáo Kontum. Nhưng mãi đến ba năm sau, năm 2008 Nó mới được sai đến vùng đất này. Lúc này, các cộng đoàn hiện diện với những ngôi nhà nhỏ bé xinh xinh, giản đơn. Chị em chăm chỉ đi vào các làng để học tiếng và làm quen với anh chị em bản địa. Công việc tại cộng đoàn rất nhẹ nhàng, có gì ăn đấy… Cuộc sống thật vui và thắm đượm tinh thần truyền giáo “vô gia cư, vô sản”. Hầu như chị em nào cũng ước mong học và nói được tiếng của người bản địa cách “dùng được” trong giao tiếp cũng như mục vụ. Tám năm qua đi rất nhanh, Nó cũng được sai đến nhiều nơi, các cộng đoàn trước đây nhỏ bé nay nhà cửa bề thế và đông nhân sự hơn thuở ban đầu. Nơi Nó đang ở, chỉ mới hơn ba năm thôi mà cũng có nhiều thay đổi đáng nể.

Tất cả là hồng ân của Chúa, cộng đoàn có nhà cao cửa rộng, giàu nhân sự là điều đáng mừng, đáng ước mơ. Bản thân Nó cũng rất mừng vì Hội dòng mình hiện diện được trong vùng trắng tôn giáo Ia Lâu với ngôi nhà nếu không muốn nói là “hơi bự” một chút. Nhưng rồi sao, “phú quý sinh lễ nghĩa”, cuộc sống của ta bắt đầu khép lại, qui về cộng đoàn, xong công việc của cộng đoàn, giữ đúng các giờ chung rồi mới tính đến việc ra đi. Ai cũng thích một nơi ở gọi là sống được cho chị em nhưng cái sống được của ta lại là cái xa xỉ, mơ cũng không thấy đối với những người nghèo. Khách đến nhà thì cũng có cái gì đó đủ dùng nhưng cái dùng đủ của ta là cái thiếu thốn nơi những người ta được phục vụ. Nhà to thoáng mát thì gọi vài em trong làng ra ở để giúp các em học hành tốt hơn, các em mồ côi, các em nghèo,… hai ba chục gì đó. Nhu cầu của cộng đoàn bắt đầu to hơn, công việc nhiều hơn, thời gian đâu nữa mà lên đường, ta xoay hướng truyền giáo bằng con đường giáo dục tại nhà. Cơn cám dỗ nhu cầu về vật chất tinh vi lắm những người quen sống đầy đủ không dễ chiến thắng đâu. Thế là biên cương của công việc truyền giáo trở nên nhỏ bé từ bao giờ ta chẳng hay. Nhà cộng đoàn đã bự rồi, nếu giãn ra nữa cũng không sao, còn xin làm một túp lều trong làng để ở làm việc thì không được. Cái này gọi là lạc lõng giữa người nghèo, ta vẫn chưa nhận ra??? Bởi an cư, yên ổn nên việc lang thang vào làng học tiếng, làm quen với người bản địa trở nên khan hiếm và ta có nhiều lý do để biện minh cho việc này. Lý do chính đáng nhất là bận việc cộng đoàn, củng cố, phát triển cộng đoàn, nói tiếng Việt người ta cũng hiểu (hiểu hết chết liền),…

Động lực ban đầu, ta đến chốn này là truyền giáo cho người nghèo, ưu tiên sống với và sống cùng người bản địa dần dần mai một, thu gọn trong cộng đoàn bề thế, tọa lạc uy nghi xa hơn bên rìa làng. Dĩ nhiên, là tu sĩ, ta không bao giờ được phép từ chối xây dựng cộng đoàn và sống thuộc về cộng đoàn. Nhưng ở xứ sở này việc xây dựng và sống thuộc về cộng đoàn phải mang một màu sắc khác, linh động và nhảy bén hơn vì quanh ta còn đó hàng nghìn nhà tranh vách đất, triệu người thiếu ăn, khát uống.

Thầy Giêsu dư khả năng để thành lập một cộng đoàn với tường cao cửa rộng trên đất nước Do Thái thời bấy giờ, vì chỉ cần câu một con cá cũng đủ để nộp thuế cho Thầy và trò mà (Mt 17,26-27). Nhưng Thầy lại chỉ thành lập một cộng đoàn “vô gia cư, vô sản”, hai điểm này cho thấy cộng đoàn của Thầy rất tự do và khi tự do như thế, cộng đoàn sẽ trở nên linh động – nhảy cảm trước mọi nhu cầu của người nghèo. Nhìn bên ngoài, một cộng đoàn như thế không có gì gọi là an toàn, vững chắc  nhưng lại rất kiên cường trước mọi gian nan thử thách. Bởi chính cái cảm giác không an toàn, vững chắc ấy, con người ta mới bám vào Chúa.

 

Nhìn lại, lòng Nó vui buồn hòa lẫn, tại sao ta không thể làm một căn nhà giống như người bản địa nơi ta được phục để sống gần gũi nhau hơn. Sống thiếu thốn một chút để trải nghiệm và cảm thông hơn có sao đâu. Nó mơ một cộng đoàn nhỏ bé, giản đơn sống nghèo giữa làng e rằng khó hơn một cộng đoàn “cỡ bự” sống xa xa bên ngoài cuộc sống của người bản địa. Ta đi truyền giáo cho người nghèo bản địa hay đi thành lập và xây dựng, củng cố cộng đoàn với tường cao, vách dày, nhà rộng???  Đi truyền giáo, đối với Nó không có thành công hay thất bại, cộng đoàn nhỏ hay to nhỏ mà là cộng đoàn ta có hòa nhập được, sống được, chia sẻ được với nếp sống – văn hóa của người bản địa hay không? Làm được điều này đã rồi ta hãy nói đền việc chia sẻ Tin Mừng. Với Nó sẽ mãi là ??????  rất lớn khi vẫn còn sống trên vùng đất này. - Siu KhukKa

675    14-08-2017