Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

“Newman, bạn đồng hành suốt đời của Đức Bênêđictô XVI” - tt

Có hình ảnh, lời nói và sự kiện nào mà ông nhớ lại nhiều nhất trong chuyến đi này?

Có rất nhiều nhưng tôi không thể nói hết tất cả. Tôi nhớ ba chuyện. Đầu tiên hết là khi Đức Bênêđictô XVI nói với Tổng Giám mục Anh giáo Rowan Williams trong giờ kinh chiều ở Westminster Abbey, rất ấn tượng về chiều sâu và mức độ tinh tế của ngài. Vị giáo chủ Anh giáo đã vinh danh Đức Bênêđictô XVI khi ông vinh danh một Bênêđictô khác, Thánh Biển Đức, và nhắc đến Thánh Gregory Cả, Giáo hoàng Dòng Biển Đức đã truyền giáo cho nước Anh. Và khi Đức Bênêđictô XVI được bầu chọn, là một cách truyền giáo mới bắt đầu và Rowan Williams đã đặt ngài như người đầu tiên kế vị Thánh Phêrô. Những lời nói này từ miệng một người Anh giáo mang nhiều ý nghĩa. Chuyện thứ nhì là sự xúc động của Đức Bênêđictô XVI sau khi ngài dự thánh lễ (rất tuyệt vời) ở nhà thờ chính tòa Westminster. Đức Bênêđictô XVI đã được hàng ngàn thanh thiếu niên trẻ công giáo vỗ tay, như Đức Gioan-Phaolô II thường hay được vỗ tay như vậy. Sự đơn giản và khiêm tốn của Đức Bênêđictô XVI cọng thêm sự ấm áp trong trí thông minh của ngài đã làm cho người Anh xúc động.

Đức Bênêđictô XVI đã biết chạm đến một khía cạnh rất sâu đậm của tính khí người Anh, cái chúng ta gọi là “sự công bằng”, một cái gì rất thuần khiết như bầu trời được cơn mưa rửa sạch, một chân trời tinh tuyền, giản dị, đích thực. Tôi có cảm tưởng như sống lại cuộc gặp gỡ của người Angles vào thế kỷ thứ 6 với Thánh Gregory Cả, người đã nhận thấy sự “công bằng” này trong ánh nhìn của họ và đã xúc động vì họ. Và đến lượt Đức Bênêđictô XVI, ngài cũng xúc động trước các thanh niên trẻ người Anh này, giọng ngài khàn đi vì xúc động, sau khi ban phép lành cho họ, ngài nói: “Cha xin cám ơn các con rất nhiều!”. Đó là rất nhiều đau khổ và họ đã được bù đắp, tôi nghĩ. Tôi đã nói với với anh chị em về bầu trời: đó là chuyện thứ ba tôi nhớ lại bầu trời ở Cofton Park, nơi Hồng y Newman được phong chân phước. Chúng tôi đã chờ ngài đã 4 giờ đồng hồ dưới trời mưa gió. Vào lúc 9h30 sáng, khi chúng tôi nghe tin máy bay trực thăng của ngài sắp đến, bầu trời bỗng quang đãng. Cầu vồng xuất hiện ở bên trái bàn thờ và thánh lễ được cử hành dưới ánh nắng mặt trời. Vào cuối lễ mây lại xuất hiện, và chúng tôi rời Cofton Park dưới trời mưa gió. Tôi biết, tôi nói ra điều này sẽ làm mọi người cười.  Nhưng đó là chuyện đã xảy ra. Có một cái gì như chuyện thần tiên. Có nên ngạc nhiên không? Cofton Park là nơi đã cảm hứng cho nhà văn Tolkien, ông là học sinh trong trường được Hồng y Newman thành lập ở Birmingham, đã viết các hàng đầu của Hobbit, mà sau này là Chúa tể của những chiếc nhẫn.

Làm thế nào để cho Hồng y Newman được biết hơn ngày nay?

Chính xác là làm sao cho thấy Newman là hiện đại. Ngài thường lặp lại chúng ta không nên hoài niệm một hình thức thánh thiện trong quá khứ. Chúa muốn chúng ta thánh thiện ở thời Chúa đặt để cho chúng ta sống. Với chúng ta, cũng như với Hồng y Newman, thời đó là thời chúng ta gọi là hiện đại, thời mà triết gia người Canada Charles Taylor gọi là “sự sinh ra đời của Chủ Thể” hay sự khẳng định của ngài. Newman đã nghĩ đến đức tin của mình và đặt vấn đề tín ngưỡng tôn giáo khi xem trọng sự phức tạp của cuộc hiện sinh, được gọi để hiểu sự thật và chứng thực tình yêu mà Chúa yêu thương chúng ta qua thời gian và với tự do. Chính tự do này là cái giá cho sự gắn kết của con người với sự thật được Newman đưa ra cho thấy. Người ta đã trách ngài đã không “thực hiện đủ các việc trở lại”. Đó là sự biện giáo để bảo vệ cho uy tín của đức tin và uy tín của Giáo hội nhưng dường như không phù hợp để trả lời cho vấn đề của thuyết bất khả tri.

Vì tính hiện đại thường đặt chủ thể vào trọng tâm tầm nhìn về thế giới, như thế phải đi từ chủ thể, từ kinh nghiệm của mình như người được đặt trong thời gian, chịu đựng các đam mê, các hoài nghi, tính hay thay đổi trong tình trạng của mình để khôi phục lại ý nghĩa và sự phù hợp vào niềm tin tôn giáo. Đó là điều Newman đã làm, không phải qua hệ thống hay phương pháp, nhưng một cách tự phát, một cách tự nhiên vì chính ngài là một con người hiện đại. Là hiện đại, ngài nói với người hiện đại qua kinh nghiệm riêng của mình, hội nhập không những bằng trí thông minh mà cả quả tim, tình cảm, ký ức, xúc động, trí tưởng tượng, tất cả những gì cấu thành chúng ta để biện minh cho niềm tin tôn giáo. Ngài không tìm cách thuyết phục nhiều để làm cho mọi người nhận ra thuyết bất khả tri như một sự đình chỉ của niềm tin, là một tư thế tồn tại giả tạo, đa phần không dựa trên các quy tắc hợp lý nhưng là cố tình không suy nghĩ đến thế nào là con người. Ngài, trong tuổi thanh xuân của mình đã nắm bắt được sự chủ quan của mình thông qua sự chủ quan của Đấng Tạo Dựng – đó là ý nghĩa câu nói lừng danh trong Lời biện hộ Apologia, “hai hữu thể mà sự hiển nhiên là tuyệt đối và sáng ngời: đó là chính tôi và Đấng Tạo Dựng tôi” -,  đã làm cho truyền thông kinh hoàng giữa niềm tin và vô thần, được nuôi dưỡng bởi một nền văn hóa hời hợt. Theo ngài, việc khảo sát xã hội con người sẽ dẫn đến hai vị trí và chỉ có hai mà thôi: đức tin (và theo ý của ngài là đức tin công giáo) hoặc vô thần.

Sự sáng suốt, tính nhân văn và tính thực tế của Newman đã làm cho ngài thắng, nếu không phải là sự gắn bó thì ít nhất cũng là sự quý trọng của các nhà tư tưởng không tin. Ở Pháp tôi nghĩ đến nhà văn Ramon Fernandez, người đã đọc Newman rất nhiều và đã viết hai khảo luận với sự thấm nhập rất lớn về lý thuyết niềm tin của mình, trong khi chính ông lại không có niềm tin nào. Điều này chứng minh cho thấy và theo tôi nghĩ, Đức Bênêđictô XVI đã nói với các nhà báo về tính hiện đại của  Newman trên chuyến bay đưa ngài đến Ê-cốt: “Sự hiện đại bên trong cuộc sống của ngài bao gồm sự hiện đại của đức tin. Đây không phải là đức tin trong các công thức của quá khứ, nhưng một đức tin thật sự cá nhân, được sống, được chứng nghiệm, được tìm thấy qua một con đường dài của đổi mới và hoán cải”. Và cũng trong chiều hướng này, khi trở về sau chuyến đi, Đức Bênêđictô XVI đã nói thêm trong buổi tiếp kiến chung ngày 23 tháng 9: “Chân phước John Henry Newman mà hình ảnh và các bài viết vẫn còn mang tính thời sự phi thường, xứng đáng được tất cả mọi người biết. (…) Trọn cuộc sống của ngài chứng tỏ cho thấy lý lẽ và đức tin có thể đối thoại hài hòa với nhau như thế nào. Ước gì lời giảng dạy của ngài rọi sáng lương tâm chúng ta và qua lời cầu bàu của ngài tâm hồn chúng ta được mở ra với Đấng là Chân lý! Để quả tim nói với quả tim!” 

Theo quan điểm công giáo, chuyến đi của Đức Bênêđictô XVI đến Anh là một thành công lớn. Cảm nhận này có được các người Anh giáo chia sẻ không?

Để trả lời và cũng để kết thúc, tôi xin trích lời của người bạn Anh giáo John Milbank của tôi, anh ấy là người gần với giáo chủ Giáo hội Anh giáo Rowan Williams và là người điều khiển Trung tâm Thần học và Triết học ở Đại học Nottingham: “Giáo hoàng đã có thể đánh giá một cách chính xác bối cảnh chuyến thăm của mình và các kẻ thù của đức tin cũng như của đại kết đã bị nhầm lẫn nghiêm trọng. Ý thức của họ về lịch sử là sai và họ đánh giá thấp sức mạnh của các cử chỉ có tính cách biểu tượng. Chúng ta có thể nói ở một chừng mực nào đó, hòa bình đã được thiết lập giữa Nghị viện Vương quốc Anh và Đức Giáo hoàng ở Westminster Hall. Và điều này sẽ không thể không có kết quả cho châu Âu và cho tương lai của thế giới”.

Marta An Nguyễn dịch

510    10-10-2019