Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Nữ tu Véronique Margron: “Các nữ tu trẻ có thể ở trong tình trạng yếu đuối mong manh

 

Nhân dịp có cuộc họp của Hội đồng tu sĩ nam nữ Pháp (Corref) về chủ đề “các lạm dụng tình dục và ấu dâm”, ngày thứ ba 12 tháng 6, nhật báo Pháp Le Parisien đã đăng một bản điều tra về các lạm dụng tình dục của các linh mục trên các nữ tu.

Nữ tu Véronique Margron chủ tịch Hội đồng tu sĩ nam nữ Pháp nhìn nhận có các tình trạng “yếu đuối mong manh” và nhấn mạnh đến các điểm mà các Dòng cần lưu ý.

Báo Thập giá: Được nhật báo Le Parisien hỏi, Hiệp hội “Lời được Giải phóng”, một hiệp hội giúp các nạn nhân bị các linh mục lạm dụng tình dục cho biết, họ đã thu thập “một vài” lời chứng của các nữ tu mà hiện tượng này có thể có một “tầm mức rộng lớn hơn”. Xơ có biết các vụ lạm dụng trên các nữ tu này không?

Nữ tu Véronique Margron: Hội đồng các nam nữ tu sĩ Pháp không phải là một thể chế có thứ trật, mà chỉ là một tổ chức liên hội của các thể chế tự lập, sự tự lập này – có tính cách tương đối – cùng một lúc là sức mạnh trong việc lắng nghe Tin Mừng nhưng đôi khi cũng là thế yếu của họ. Vì thế chúng tôi không biết Hiệp hội “Lời được Giải phóng”, muốn nói gì với chúng tôi và chúng tôi không thể làm cuộc điều tra ở đây.

Về phần tôi, tôi có nhiều dịp gặp các nữ tu hoặc các nữ tu lớn tuổi, họ là nạn nhân các vụ lạm dụng của một linh mục, thường thường lúc họ còn tập sinh hay nữ tu trẻ. Trong các trao đổi của chúng tôi, chúng tôi không đề cập đến vấn đề này một cách đặc biệt, và chỉ được nhắc đến trong những ngày cuối khi chúng tôi bàn đến việc lắng nghe và tháp tùng các nạn nhân vụ ấu dâm, việc phòng ngừa các hành động này. Như thế một cách gián tiếp liên hệ đến các lạm dụng trên người lớn, nhưng những người này ở trong tình trạng mong manh yếu đuối.

Theo xơ, xơ biết các tình trạng “mong manh yếu đuối” này như thế nào không?

Khi một thiếu nữ trẻ vào nhà Dòng, họ không vào với tất cả nanh vuốt nghi ngờ nhưng với ước muốn dâng hiến đời mình, vì họ tin tưởng vào đời sống, với tất cả những chuyện đẹp phi thường và thiết yếu nhưng họ lại bị quay ngược, vì đối diện với những người có tác phong đồi bại hay những người lợi dụng hoàn cảnh để lèo lái. Chắc chắn, mức độ cảnh giác không cùng mức độ như trong môi trường làm việc chẳng hạn. Như tôi thường hay nói, chúng ta không thể sống cuộc sống tu hành, cuộc sống kitô hữu mà không có tin tưởng. Nhưng phải mở con mắt to: lòng tin tưởng của chúng ta phải có chỗ cho sự sáng suốt và giúp chúng ta thấy được các tác phong vô luân.

Nếu các thiếu nữ được học hỏi để biết, rằng linh mục là người của Chúa, nhưng cũng là một con người trần thế thì họ sẽ không dễ bị rơi vào chước cám dỗ. Vấn đề ở đây cũng là vấn đề vâng lời, một trong các chuyện đẹp nhất của đời sống tu trì, nhưng phải được hiểu vâng lời ở đây là vâng lời của một người con tự do và có ý thức, nếu không sẽ bị nghiêng về phía tuần phục. Nhưng khi nào thì một tình trạng có khuynh hướng là vâng lời hay tuần phục? Không phải lúc nào cũng dễ thấy. 

Các lạm dụng tình dục thường thấy hơn trong các cộng đoàn mới?

Hiện nay chúng ta biết có những lạm dụng tình dục xảy ra trong các cộng đoàn mới, nhưng các “cộng đoàn cũ” cũng đã từng có. Còn về các lạm dụng tình dục, tôi không biết nói như thế nào với bà. Tôi nghĩ, một Dòng tu yếu sẽ có chỗ để cho một đương sự lèo hái hay có uy quyền vì các luật lệ của họ – chẳng hạn luật cấm cha giải tội không được tiếp một thiếu nữ trẻ buổi tối không còn nữa.  Khi nào cũng có rất nhiều yếu tố, chính vì thế về mặt đạo đức sẽ rất chói tai khi nói nhà Dòng không có trách nhiệm luân lý trong các vụ nguy kịch này, mà nó chỉ do tác phong đồi bại hay lệch lạc của một đương sự nào đó.

Các nhà Dòng có cách nào để phòng ngừa các lệch lạc này không?

Theo tôi, để phòng ngừa, thì phải lưu ý đặc biệt trong thời kỳ đào tạo, nhất là trong thời gian tập sinh và sau đó còn phải đào tạo tiếp tục. Và chúng tôi, tất cả, đều phải làm việc về tương quan uy quyền của chúng tôi trong sự tôn trọng các truyền thống thiêng liêng của mình. Tương quan với uy quyền trong Dòng Đa Minh không cùng một tương quan như ở Dòng Tên hay Dòng Kín: đây không phải là chuyện đặt lại vấn đề các truyền thống làm phong phú cho đời sống tu hành, nhưng đúng hơn, chúng tôi tự hỏi tương quan uy quyền này có làm giảm cảnh giác, để rồi nữ tu hay một nam tu cảm thấy mình yếu đuối trước người đi săn mồi không.

Gần đây, các nữ tu đã lên tiếng trên báo chí về tình trạng làm việc gần như nô lệ khi họ phục vụ các giám chức cao cấp. Vì sao bây giờ mới nói; các lệch lạc này có nhiều không hay người ta không còn để ý đến nữa?

May thay, tôi nghĩ chúng tôi vẫn còn lưu ý đến các lệch lạc xúc phạm đến tự do và nhân phẩm nền tảng của con người. Hiện tượng #metoo đã mở một loại van – dù với các giới hạn của nó – để mang lại tiếng nói cho rất nhiều trạng huống có một điểm chung, sự bắt buộc, sự phục dịch của phụ nữ.

Khi các nạn nhân bắt đầu nói, tôi luôn có chút e sợ là lời nói của họ rơi vào trống không và đó là điều mà đối với họ là tệ hơn trong tất cả. Nhưng các phụ nữ này phải nói lên, để cuối cùng chúng ta cảm thấy mình phải nghe họ. Mình chỉ có thể đấu tranh cho các vấn đề này, nếu chính mình bị chấn động, nếu không mình chỉ nói lý thuyết, không mang đến một thay đổi nào. Tôi xác tín, quá khứ đã là đen tối trong lãnh vực này. Nhưng tất cả các vụ lạm dụng này trở nên không thể chấp nhận được và tạo ra sự tức giận ngang tầm với sự phản bội do những việc này gây ra. Bởi vì những vụ lạm dụng này do những người trong hàng ngũ Giáo hội, những người làm việc nhân danh cho Tin Mừng của tự do và nhân danh cho Chúa đã chết đi cho những người yếu đuối nhất, thì như thế, đây là chuyện không thể chịu đựng được”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

605    18-06-2018