Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Tiệc Ly ...

TIỆC LY - RỬA CHÂN, BÍ TÍCH THÁNH THỂ

VÀ SỰ NHẮC NHỚ LINH MỤC

 

Ga 13,1-15

          Tác giả Gioan đã mô tả tâm tình của Đức Giêsu trước Giờ của Ngài gần kề: “Người yêu thương họ đến cùng”. Đức Giêsu yêu thương các môn đệ đến cùng.

          Khi yêu ai và sắp phải rời xa người ấy thì ta quyến luyến lắm. Ta sẽ nói, hay sẽ có hành động cụ thể để bày tỏ lòng mình cho người mình yêu. Và Giêsu cũng đã thể hiện tình yêu ấy bằng cách là cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Thế thì, ta không nên hiểu hành động mà Đức Giêsu “cúi xuống rửa chân” cho các môn đệ là 1 bài học luân lý về sự phục vụ. Bởi lẽ, bài học phục vụ đó sẽ chẳng hay hơn nếu đem so với các bài học của Khổng Tử, hay các bài học trong sách học làm người của tác giả Nguyễn Hiến Lê!

           Và cũng vì tác giả Tin mừng Gioan không hề nói rằng, hành động “rửa chân cho các môn đệ” của Chúa Giêsu là một thái độ khiêm nhường, vì như thế, hành động cúi xuống rửa chân cho các môn đệ và thái độ khiêm nhường đó sẽ chẳng khác gì cho sự công nhận việc phân biệt giai cấp? Tôi làm lớn nhưng tôi “khiêm nhường” mà hạ mình xuống để phục vụ, để “rửa chân” cho anh chị em.

          Và nếu khiêm nhường như thế cũng chỉ cốt là để tự tuyên dương mình! Cho nên, việc Chúa Giêsu cởi chiếc áo ngoài của Ngài ra, lấy khăn quấn ngang lưng, rồi lấy chậu nước mà rửa chân cho các môn đệ chính là hành vi diễn tả tình yêu của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ.

          Đối với người Do thái, chiếc áo ngoài diễn tả vẻ tôn nghiêm và thân phận của một con người. Thế mà hôm nay, vì yêu thương, Đức Giêsu đã trút bỏ hết tất cả, ngay cả thân phận là một người Thầy và là một Vị Thiên Chúa. Ngài sẵn sàng trút bỏ hết để giờ đây Ngài quỳ xuống và muốn trở thành một người bạn, một người đầy tớ để ôm lấy từng đôi chân của các môn đệ của mình mà rửa, mà yêu mến. Có một cụm từ rất đặc biệt mà ta cần để ý đến, đó là “chung phần”.

          Bởi đây, thiết nghĩ, chính là từ chìa khóa của Bí tích Thánh Thể. Vì lẽ, khi ta nhận lãnh Bí tích Thánh Thể là ta được “chung phần” với chính Đức Giêsu Kitô, đó là lúc ta được nên một, được trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong một thân mình với Ngài, mà chính Ngài là Đầu còn chúng ta là chi thể. Cho nên, khi Chúa Giêsu quỳ xuống và rửa chân cho Phêrô và từng môn đệ của Ngài, thì Chúa muốn nói gì? Chúa muốn rằng, qua hành vi này, con thuộc về Thầy, con là thân mình của Thầy, con được thông phần với Thầy trong mầu nhiệm chết và phục sinh của Thầy, để tất cả những gì của ta đều là của Chúa và tất cả những gì của Chúa đều là của ta.

          Do đó, cái giây phút mà Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ cũng chính là giây phút Ngài lập Bí tích Thánh Thể, mà Thánh Thể ở đây không chỉ là tấm bánh, là chén rượu trên bàn thờ, để giờ này đây chính là các môn đệ, là dân mới, là Hội thánh, là mỗi chúng ta trở nên thân mình của Chúa Giêsu Kitô, ta được tháp nhập vào trong Ngài, được chết với Ngài và ta cũng được sống lại với Ngài.

          Hôm nay, Chúa muốn ta hãy nhân rộng Thân Mình Ngài bằng cách là ta cũng hãy ôm lấy từng Anh Chị Em của mình để tháp nhập vào trong chính Thân Mình của Chúa, và làm cho Thân Mình đó được lớn lên. Và nếu ta làm được như vậy thì ta thật có phúc. Phúc vì được thông phần với Chúa trong mầu nhiệm rửa chân cho Anh Chị Em của mình để nơi thân mình của Chúa Giêsu Kitô, sự sống của Ngài, dòng máu của ơn cứu độ, tình yêu và lòng thương xót của Chúa Cha chảy đến từng chi thể, chảy đến từng Anh Chị Em của mình. (Kỉ niệm Chiều Thứ Năm Tuần Thánh - Huế 2019)

438    18-04-2019