Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Cầu Cho Các Linh Mục

Tháng sáu năm nay (2011) Giáo hội dành cách riêng cầu nguyện cho các linh mục. Riêng Họ đạo tôi lại "một công đôi việc" vì lẽ vừa cầu cho các linh mục như ý chung, vừa riêng mừng kỷ niệm ngày thụ phong linh mục của cha chánh sở Giuse (20/6) và hơn mười ngày sau là kỷ niệm ngày thụ phong linh mục của cha phó sở Philip-Minh (02/7). Thế là niềm vui được nhân đôi! Hồng phúc thêm hồng phúc! Vui quá là vui!

"Hỡi linh mục, ngài là ai?

Ngài không phải bởi ngài, vì ngài bởi hư vô,

Ngài không phải cho ngài, vì ngài là trung gian dẫn tới Thiên Chúa,

Ngài không thuộc về ngài, vì ngài phải sống cho một mình Thiên Chúa,

Ngài không phải là của ngài, vì ngài là tôi tớ của mọi người,

Ngài không phải là ngài, vì ngài là một Kitô khác.

Thế thì ngài là gì vậy? Chẳng là gì cả, nhưng lại là tất cả!"

                                                                        (Thánh Gioan Kim khẩu)

Xin được chúc mừng kỷ niệm ngày nhận lãnh hồng ân Thiên Chúa của hai cha, qua vài cảm nhận riêng tư của chính mình:

Các linh mục hãy yêu như đã được yêu.

Ơn gọi linh mục thường được gọi là ơn thiên triệu: đó là một ơn, và như tất cả mọi ơn Chúa ban, đó là một "quà tặng" hoàn toàn "nhưng không", nghĩa là hoàn toàn do tình thương của Thiên Chúa muốn ban cho ai thì tùy ý Người, không dựa trên công đức nào của kẻ nhận ơn.

Làm linh mục không giống bất cứ nghề nghiệp nào. Như vừa mới nêu, ơn gọi linh mục trước tiên đến từ Thiên Chúa, và khi đáp lại ơn gọi, là đáp lại lời mời trở thành linh mục của Ngài. Chúa Giêsu đích thực đi tìm kiếm các linh mục của Ngài, Ngài có sáng kiến chọn các linh mục trước: "Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái" (Ga 15,16).

Giáo Hội nói ơn thiên triệu là một mầu nhiệm, một điều bí mật của cõi lòng Thiên Chúa mà không lý lẽ nào về phía con người có thể giải thích được. Ngài có nhiều cách gọi khác nhau:

Có khi trực tiếp, rõ ràng bằng những "dấu hiệu" bề ngoài. Như Chúa gặp Phêrô và Anrê đang quăng chài xuống biển, liền bảo: "Hãy theo tôi", rồi cũng tương tự khi gọi Giacôbê và Gioan (x. Mt 4,18-21). Hoặc đến bên cạnh Mathêu đang ngồi thu thuế: "Anh hãy theo tôi!" (x. Mt 9,9).

Hoặc có khi ơn gọi rõ ràng, nhưng trốn chạy hoặc chấp nhận một cách miễn cưỡng trong lo sợ. Như trường hợp thánh Ephrem, được gọi chịu chức linh mục hoảng sợ quá đã giả vờ làm người điên; Thánh Athanasiô và Cyprianô được gọi chịu chức thánh, hoảng quá đã chạy trốn.

Nhiều khi Chúa gọi bằng phương tiện bất ngờ nhất. Cha Jerome Planus kể chuyện một nhà quý phái thích làm le với các bà, các cô. Bị con ngựa trở chứng hất té nhào vào đống phân, các bà các cô cười cho một trận... Xấu hổ, "quê" quá, chán đời... đi tu!

Hoặc ơn gọi xuất hiện ở chỗ "không giống ai", chỗ không ai dám ngờ. Cha Joseph Lupo, Giám đốc ơn gọi của Dòng Thiên Chúa Ba Ngôi tại Mỹ, kể lại: Năm 1971, ngài có sáng kiến đăng một quảng cáo nhỏ về ơn gọi đi tu trong tạp chí Playboy, tạp chí có nhiều thanh niên hay đọc. Kết quả thật bất ngờ: nhờ quảng cáo ấy, có đến 27 chàng thanh niên đã đến tìm hiểu Tập Viện và Đại Chủng Viện của Dòng tại Garrison, tiểu bang Maryland.

Nói thế để người được gọi luôn giữ lòng khiêm nhường, và nuôi dưỡng tâm tình cảm tạ đối với Đấng đã gọi mình cách nhưng không và thật lạ lùng. Những linh mục lâu năm thường dễ quên mất điều này. Vì lâu dần, quen quá rồi. Cứ mỗi năm đến ngày là "bổn đạo" nhớ mừng, chúc tụng nên các ngài dần dần tự "cho phép" coi đời linh mục của mình là "đương nhiên phải vậy". Các "đấng" hết còn thán phục và biết ơn về mầu nhiệm ơn gọi của mình!

Với tôi, linh mục là Đức GIÊSU KITÔ hiện diện giữa mọi người, có đạo cũng như không có đạo. Đây là một thực tại cần tỏ hiện trong mọi dạng thức thời đại này. Điều này chẳng dễ chút nào. Phải làm sao, để khi nhìn vào các ngài mọi người nhận ra dung mạo của Thầy Chí Thánh Giêsu đây. Làm sao? Bằng cách nào, các linh mục của Chúa tái hiện cuộc đời của Thầy mình cho công chúng thưởng lãm, am tường và tin nhận?

Mong rằng các linh mục của Chúa sẽ chăn dắt, lo lắng cho đàn chiên mà Chúa giao phó cho các ngài bằng cách hoàn toàn tự nguyện và lòng nhiệt thành tận tụy cùng những gương sáng giống như Thầy Chí Thánh của mình (x. 1Pr 5,2-3). Đó cũng là một đòi hỏi của Giới Răn Mới - Hãy yêu như đã được yêu! Hãy nép mình vào Thánh Tâm Chúa, để các linh mục trở nên những chứng nhân đích thực của tình yêu ân cần và thương xót của Thiên Chúa!

Các linh mục đã được Chúa yêu cách nhưng không, thì giờ đây các ngài cũng truyền ban tình yêu ấy cho mọi người. Hãy yêu mọi người bằng tình yêu mà các ngài đã nhận được từ Thiên Chúa. Yêu nhưng không. Yêu không đắn đo. yêu không e dè. Yêu không quản ngại.

Lạy Chúa, xin cho các linh mục của Chúa, sẵn sàng trở nên chân tay cho người què cụt. Xin cho các ngài trở nên đôi tai cho người khiếm thính; trở nên mắt sáng cho kẻ mù lòa; trở nên miệng lưỡi cho người câm nín. Xin cho các ngài là thuốc thang cho người đang đau ốm, nên áo quần cho người chịu trần trụi, thành mền đắp cho người đang rét run.

Và lạy Chúa, xin cho các linh mục của Chúa nên phẩm giá cho kẻ bị đời chà đạp, khinh bỉ. Làm tiếng kêu cho kẻ chịu bất công. Là chân lý ở những nơi bị áp bức. Đem tự do cho những kiếp đọa đày. Là niềm vui cho những ai gặp bất hạnh, rủi ro. Đem an bình cho những ai thấp thỏm, âu lo.

Xin cho các linh mục của Chúa là hiện thân của niềm trông cậy, để mọi người tin yêu và vui sống...  

Khi chiêm ngắm thái độ của Chúa Giêsu trong suốt cuộc đời trần thế của Ngài và lắng nghe giáo huấn của Ngài, chúng ta thấy rằng cái cốt lõi chính là tình yêu. Vậy hơn ai hết, các linh mục chính là người phải sống tình yêu đó, làm chứng cho tình yêu đó. Cho dù gặp gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo, sự chết, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào cũng không tách được các ngài ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô (x. Rm 8,35-39). Đó là phương thế giúp mọi người nhận ra diện mạo Thiên Chúa qua cuộc sống linh mục!


Các linh mục hãy làm mới bản thân mình mỗi ngày.

Tình yêu lứa đôi được nuôi dưỡng và phát triển bền chặt chính là nhờ được làm mới mỗi ngày. Hai người yêu nhau luôn khám phá và nhận ra tính cách mới lạ, hoàn hảo mỗi ngày nơi bản thân "một nửa kia" của mình. Chính vì thế họ không cảm thấy đơn điệu và nhàm chán, trong những năm dài chung sống. Cũng vậy, đời sống linh mục không thể được nuôi dưỡng bằng một "thực đơn" tình yêu đơn điệu trong thánh lễ, kinh nguyện, các bí tích hay phép lành. Nhưng hãy làm mới những tác vụ "lặp đi, lặp lại" tưởng chừng như đã cũ, thuộc lòng mọi dạng thức.

Mỗi ngày khi dâng thánh lễ, các linh mục của Chúa hãy dâng với một tâm tình như là lúc dâng thánh lễ lần đầu tiên. Chính điều này làm tâm tình các ngài sốt sắng hơn, được sống lại cảm giác mới mẻ luôn. Và đang khi dâng thánh lễ, chính các linh mục hãy xem như là thánh lễ mình dâng lần sau cùng của đời mình. Để mình và cộng đoàn sám hối thật lòng; khiêm nhường, nhìn thấy rõ hơn những bất xứng của mình; đồng thời giục lòng dốc lòng sống thánh thiện hơn nữa. Thiết nghĩ đây là cách làm mới bản thân linh mục hữu hiệu nhất, đẹp lòng Chúa nhất!

Một linh mục đến và tiếp chuyện với những người nguội lạnh, bê trễ. Thăm viếng, trò chuyện, khuyên giải và ban bí tích hòa giải. Đó cũng là làm mới tác vụ của ngài.

Nhiều người khi đối diện trước cái chết gần kề lúc cuối đời, trông họ rất sợ hãi, cay đắng, rất đau đớn! Nhưng một số người đã qua đời một cách an lành.

Ai đã giúp cho họ được thanh thản chết an lành như thế? Vị linh mục!

Chính vì lẽ đó, sự cao cả của thiên chức linh mục càng đòi hỏi các linh mục hãy "làm mới" mình mỗi ngày từ trong tư tưởng, lời nói, đến từng hành động thao tác.

Cộng đoàn tín hữu Chúa cần một cầu nối, cần bàn tay linh mục để dùng Mình Máu Chúa Ki-tô mà nuôi dưỡng đời sống tâm linh của họ.

Trái tim của các linh mục phải thanh khiết biết bao để có thể công bố, "Đây là Mình Ta!". "Đây là Máu Ta!"

Bàn tay của các vị linh mục phải trong sạch biết bao để có thể tha tội bất cứ lúc nào! Bất cứ nơi đâu!

Công Ðồng Vatican II, Sắc lệnh về chức vụ và đời sống các linh mục số 3, đòi hỏi một linh mục phải: từ tâm, thành thật, dũng cảm, kiên nhẫn, công bằng, lịch thiệp, và những đức tính khác mà thánh Phaolô Tông đồ khuyên nhủ như: chân thật, trong sạch, công bằng, thánh thiện, khả ái, danh thơm tiếng tốt, đức hạnh. Và "các ngài không thể phục vụ nhân loại nếu lại sống xa cuộc sống và những hoàn cảnh của họ".

Thế thì, các linh mục của Chúa cần làm mới đời sống của mình mỗi ngày để trở nên giống Chúa hơn, để mọi người dễ nhận ra Chúa nơi đời sống của các ngài!

CÁT BIỂN

5108    16-06-2011 20:24:47