Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Hạnh Thánh Tháng 1_1

Ngày 1 tháng 1
THÁNH MARIA, ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI

Hội Thánh chọn ngày đầu năm dương lịch hôm nay để mừng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và cầu cho hoà bình thế giới.

Đức Maria đã được Thiên Chúa chọn cưu mang và sinh Con của Người: " Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse thuộc nhà Đa-vít, Trinh nữ ấy tên là Maria " Sứ thần nói:

- "Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây, bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai,và đặt tên là Giêsu, Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao". ( Lc 1, 28-32 ).

Mẹ Maria đã sinh ra Chúa Giêsu là " Con Đấng Tối Cao " và cũng là Thiên Chúa, nên Mẹ cũng là Mẹ Thiên Chúa. Bà Ê-li-sa-bết là người trước tiên tuyên xưng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa khi Mẹ đến viếng thăm gia đình bà.:

- " Bởi đâu tôi được phúc này là Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như vậy ? vì này đây,tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng " (Lc 1,43-44).

Năm 431, Cộng đồng chung Êphêxô xác quyết Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, khi Nết-tô-ri-ô bác bỏ tước hiệu quan trọng này của Đức Mẹ.

Tiếp lời bà Êlisabeth, thánh giám mục Anataxiô cũng khẳng định: " Ngôi Lời đã nhận lấy dòng giống Apraham, nên phải nên giống anh em mình trong mọi sự, như thánh Tông Đồ nói , và cũng phải nhận lấy thân xác của chúng ta. Vì lẽ đ, phải có Đức Maria, để từ nơi Đức Mẹ, Người nhận lấy thân xác ấy và dâng nó như là của riêng Người, để cho chúng ta đươc nhờ. Kinh Thánh nhắc đến việc Đức Maria sinh nở và nói : Đức Mẹ lấy khăn bọc Người. Vú đã cho Người bú được gọi là diễm phúc. Và có việc dâng lễ vật như thể Người là con đầu lòng"

Và gần đây nhất, thánh Công đồng Va-ca-ti-nô II một lần nữa xác nhận Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa Cứu thế và cũng là Mẹ Thiên Chúa: " Khi sứ thần truyền tin, Đức Trinh Nữ Maria đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong tâm hồn và trong thân xác và đem sự sống đến cho thế gian, Ngài được công nhận là MẸ THẬT CỦA THIÊN CHÚA VÀ CỦA ĐẤNG CỨU THẾ. Được cứu chuộc cách kỳ diệu hơn nhờ công nghiệp Con của Ngài và hiệp nhất mật thiết bền chặt với Con, Đức Maria đã lãnh nhận nhiệm vụ và vinh dự cao cả là được làm MẸ CON THIÊN CHÚA, do đó làm ÁI NỮ của Chúa Cha và Cung Thánh của Chúa Thánh Thần". (LG.53)

Để mừng kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa cách long trọng trong toàn thể Hội Thánh, Đức Thánh Cha Piô XI đã lập lễ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, Ngài nói: "Tín điều Mẹ Thiên Chúa là một mạch nước mầu nhiệm vô tận, đã tuôn ra muôn vàn đặc ân cho Đức Mẹ, và nâng Ngài lên địa vị cao sang tuyệt vời bên Thiên Chúa " . Và năm 1962, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã chọn lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa làm ngày khai mạc cho Cộng đồng chung Va-ti-ca-nô II.

Như thế, việc tôn kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa đã xuất hiện từ lâu đời trong Hội thánh và được các Đức Giáo Hoàng tôn trọng đặc biệt.

Chúng ta mừng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa để suy tôn chức vị cao cả của Mẹ, đồng thời cũng để nhớ chúng ta có một người Mẹ tuyệt hảo bên cạnh Thiên Chúa. Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ của chúng ta, vì Chúa Giêsu đã trối Đức Mẹ làm Mẹ chúng ta qua Thánh Gioan, và vì chúng ta là chi thể của Con Mẹ . Đức Mẹ đã thương yêu chăm sóc Chúa Giêsu thế nào,thì cũng thương yêu cứu giúp chúng ta như vậy. Chúng ta cần chạy đến kêu xin Đức Mẹ hằng ngày, nhất là trong những cơn gian nan khốn khó.

Hôm nay, Hội thánh cũng kêu gọi toàn thể tín hữu cầu nguyện cho hoà bình thế giới, vì là ngày đầu năm, nhất là vì Đức Mẹ sinh ra CHÚA GIÊSU LÀ VUA HOÀ BÌNH,với tiếng hát cầu chúc bính an của các thiên sứ: Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người Chúa thương.

* Quyết tâm: Hết lòng tôn kính Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ chúng ta. Và hằng ngày chạy đến cậy nhờ Mẹ cầu bàu cùng Chúa cho chúng ta. Đặc biệt xin Mẹ phù hộ cho chúng ta được sống bình an hạnh phúc đời này và đời sau.

* Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng, ngày Đức Trinh nữ Maria sinh hạ Đấng Cứu Thế. Chúa đã tặng ban cho nhân loại kho tàng ơn cứu độ muôn đời.Xin cho chúng con được nhờ lời Đức Mẹ nguyện giúp cầu thay, vì chính nhờ Đức Mẹ, chúng con mới xứng đáng nhận lãnh nguồn sức sống vĩnh cửu, là Đức Giêsu-Kitô, Con Chúa, Chúa chúng con. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.

Ngày 2 tháng 1
THÁNH BA- XI - LI- Ô CẢ
VÀ THÁNH GHÊ-GÔ-RI-Ô NA-DI-AN
Giám mục tiến sĩ

* Gương thánh nhân.
Thánh Baxiliô được mọi người tặng cho danh hiệu là Baxiliô Cả vì đời sống thánh thiện đặc biệt và sự nghiệp lớn lao của ngài, như lời thánh Giêgôriô Nadian là bạn thân của ngài khen ngợi: Baxiliô trổi vượt trên tuổi tác về nhân đức, học vấn. Ngài đã là nhà hùng biện trước khi học khoa hùng biện, là triết gia trước khi học môn triết, là linh mục trước khi lãnh chức linh mục.

Thánh nhân sinh năm 330 tại Cê-sa-rê, nước Thổ Nhĩ Kỳ, trong một gia đình đạo đức thánh thiện nổi tiếng: cha ngài là thánh Ba-xi li-ô, mẹ ngài là thánh Ê-mi-li-a.

Lúc nhỏ, ngài được người bà là thánh Mác-Ri-Na dạy dỗ huấn luyện đàng nhân đức, nên khi lớn lên, ngài sống đạo đức trỗi vượt hơn mọi người.

Năm lên 23 tuổi, thánh nhân đến học triết và khoa hùng biện tại A-tê-na. nơi đây ngài hân hạnh gặp và kết bạn với thánh Ghê-gô-ri-ô Na-di-an. Chính thánh Ghê-gô ri-ô thuật lại cuộc gặp gỡ và tình bạn sâu đậm này: " Lúc ấy,chúng tôi gặp nhau tại A-tê-na, như một dòng sông từ một nguồ chia ra nhiều ngã. Ba-xi-li-ô và tôi vì ham học đã xa lìa đến những miền khác nhau, nhưng thực sự chính Thiên Chúa đã thúc giục như vậy ".

Cả hai chúng tôi chỉ có một thao thức; đó là tiến đức và hướng về hy vọng đời sau, để tuy chưa ra khỏi đời này, chúng tôi cũng đã xa lìa nó rồi. Chúng tôi định hướng cuộc đời và mọi hoạt động theo viễn tượng đó. Chúng tôi sống theo luật Chúa và thúc đẩy nhau tiến đức; và nếu không sợ bị coi là quá kiêu căng, thì tôi có thể nói được rằng, cả hai chúng tôi trơ nên mẫu mực cho nhau để phân biệt điều phải điều trái.

Sau khi học xong các môn phần đời, thánh nhân tiếp tục nghiên cứu Thánh Kinh và tác phẩm các giáo phụ. Ngái rất say mê việc học hỏi này, vì nó đem lại cho ngài nhiều lợi ích thiêng liêng, thích hợp với lý tưởng đời ngài.

Năm lên 27 tuổi, thánh nhân trở lại quê nhà. Trong thời gian ở đây, ngài gần như bị lôi cuốn theo danh vọng giàu sang ở đời, do những thành công trong nghề biện hộ sư của ngài. Nhưng nhờ người chị là thánh nữ Mác - Ri-Na khuyên bảo nhắc nhở, ngài quyết định dâng hiến đời mình cho Chúa.

Thánh nhân đi thăm viếng và tìm hiểu các tu viện rồi thành lập nhiều đan viện tại Pon-tô. Từ đó thánh nhân chôn mình trong đan viện. Hằng ngày, lo cầu nguyện, ăn chay, viết sách tu đức và soạn luật dòng. Hai bộ luật dòng của ngài rất nổi tiếng và phần lớn còn được áp dụng đến ngày nay.

Năm 346, thánh nhân được chịu chức linh mục, và năm 370, khi Đức Giám mục Eu-sê-bi-ô ở Cê-sa-rê qua đời, ngài được chọn lên thay thế. Ngài phải đương đầu với lạc giáo A-ri-ô, là những người chối bỏ thiên tính của Chúa Giêsu, lúc đó đang lan tràn khắp nơi. Để ngăn chặn, ngài viết nhiều tác phẩm bảo vệ thiên tính của Chúa Giêsu.

Vì đời sống khổ hạnh và vì quá nhiệt tâm lo bảo vệ đức tin cho đoàn chiên, thánh nhân ngày càng kiệt sức và qua đời ngày 1 tháng giêng năm 379.

Thánh Ghê-gô-ri-ô Na-di-an là một nhà thần học nổi tiếng và là bạn thân của thánh Ba-xi-li-ô Cả.

Thánh nhân sinh năm 329, tại Cấp-pa-đốt, nước Thổ Nhĩ Kỳ trong một gia đình danh giá, nhưng người cha ngoại đạo. Nhờ lời cầu nguyện và gương mẫu thánh thiện của mẹ ngài mà cha ngài trở lại đạo, và sau được làm Giám mục Giáo phận Na-di-an.

Lúc còn nhỏ, thánh nhân được mẹ chăm sóc dạy dỗ đàng đức hạnh, nên khi lớn lên, ngài rất đạo đức sốt sắng, lòng luôn mong ước sống với Chúa, vì Chúa.

Năm 21 tuổi Thánh nhân đáp tàu sang A-tê-na để hoàn tất chương trình học vấn. Chính nơi đây, ngài gặp thánh Ba-xi-li-ô Cả, và hai người kết bạn thân với nhau, không những để giúp nhau học hành, mà còn tương trợ nhau tiến tới trên đàng nhân đức trọn lành: " Cả hai chúng tôi chỉ có một thao thức : đó là tiến đức và hướng về hy vọng đời sau". Đây thật là tình bạn chân thành tốt đẹp, đến nay vẫn còn được mọi người ca tụng và nêu gương sáng cho tất cả những ai muốn tìm bạn hữu cho đời mình.

Sau khi học xong, thánh nhân từ giã bạn, trở về với cha mẹ. Ngài phụ giúp cha ngài lúc đó đang làm Giám mục giáo phận Na-di-an. Mặc dầu tận tụy giúp cha già trong việc cai quản giáo phận, nhưng lòng ngài vẫn mơ ước sống đời ẩn dật, xa lánh thế gian. Vì thế, ngài đã xin phép cha đến gặp thánh Ba-xi-li-ô đang ở tại dan viện Pon-tô. Nhưng ngài chỉ sống ở đây được một thời gian ngắn thì cha ngài gọi ngài về dạy dỗ, hướng dẫn và phong chức linh mục cho ngài năm 362. Lúc đó, ngài đã hơn 35 tuổi và cha ngài tuổi đã chín mươi.

Năm 380, giữa lúc lạc giáo A-ri-ô tàn phá, hàng giáo sĩ và giáo dân ở Công-tăn-ti-nốp yêu cầu thánh nhân làm Giám mục, vì họ nghe danh thánh thiện và tài học vấn của ngài. Ngài nhận lời và lãnh giào phận này, và đem hết tài năng sức lực phục vụ. Ngài dùng lời giảng dạy và viết sách thuyết phục những người theo lạc giáo. Ngài nhiệt thành bảo vệ thiên tính của Chúa Giêsu cho đến chết, vào năm 390.

* Quyết tâm: Noi gương thánh Ba-xi-li-ô và thánh Ghê-gô-ri-ô Na-di-an, luôn tìm bạn tốt để giúp nhau tiến tới trên đàng nhân đức trọn lành, hầu phụng sự Chúa và Hội thánh cho đắc lực.i

* Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã làm cho Giáo hội nên rạng rỡ nhờ gương sáng và lời giảng dạy của hai thánh Ba-xi-li-ô và Ghê-gô-ri-ô. Xin cho chúng con biết khiêm nhường tìm hiểu chân lý của Chúa, và hết lòng yêu mến đem ra thực hành. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Ngày 7 tháng 1
THÁNH RAY- MÔN - DÔ PÊ - NHA - PHO
Linh mục

* Gương Thánh Nhân.
Thánh Rây-môn đô sinh năm 1175, tại Pê-nha-pho, trong một gia đình thời danh.

Ngay lúc còn trẻ, ngài đã chuyên cần học tập và rèn luyện nhân đức. Mới 20 tuổi, thánh nhân đã làm giáo sư đại học, và ít năm sau đã sáng lập một nhà dòng chuyên lo giải phóng các người nô lệ, vì ngài rất thương kẻ nghèo khó và ngưòi bị áp bức bóc lột. Ngài luôn nhắn nhủ các nữ tu hy sinh chịu khó theo gương Chúa Giêsu, để thánh hoá bản thân và phục vụ người khốn khổ. Ngài nói: " Ai muốn sống đạo đức theo Chúa Kitô thì phải chịu bách hại: đó là điều thánh Phaolô, vị rao giảng chân lý đã nói, ngài nói thực không nói dối, nên tôi dám nghĩ rằng: không ai được chước khỏi luật chung ấy, trừ ra kẻ lười biếng hay không biết sống tiết độ, công chính và đạo đức ở đời này. Còn chị em, chị em chớ kể mình vào số những kẻ mà nhà cửa chúng yên hàn, không biết đến kinh hãi; và ngọn roi của Thiên Chúa không động đến mình chúng, chúng kết thúc chuỗi ngày của chúng trong hạnh phúc và xuống âm phủ bình yên... (G. 21,9-13). Lòng trong sạch đạo đức của chị em vừa đòi cho được tẩy sạch thêm và cọ xát liên tục tới khi được trong suốt hoàn toàn, bởi vì chị em được đẹp lòng Chúa. Vì thế, nếu gươm Chúa cứ dồn dập chém hai hoặc ba nhát trên chị em, thì chị em phải coi đó là điều vui mừng và dấu chỉ của lòng Chúa thương yêu ... Đó chính là cây thánh giá đáng ước ao và có phúc của Đức Kitô mà thánh An-rê tông đồ- con người với tên gọi đầy vẻ nam nhi đã vui sướng nhận lấy; và thánh Phaolô kẻ được chọn quả quyết rằng: Phải lấy làm vinh dự nơi thánh giá ấy mà thôi. Vậy, chị em hãy nhìn vào Đức Giêsu, Đấng ban phát và bảo tồn đức tin. Người hoàn toàn vô tội mà đã phải chịu đau khổ bởi cả những kẻ thuộc về Người, và bị liệt vào hạng có trọng tội. Vậy khi uống chén huy hoàng của Chúa Giêsu, chị em hãy tạ ơn Chúa, Đấng ban phát mọi ơn lành ".

Ngoài ra, thánh nhân rất say mê công cuộc truyền giáo, nên đã gia nhập dòng Đaminh, để hợp tác với các linh mục dòng rao truyền Phúc Âm cho người ngoại giáo và người tội lỗi.

Nghe danh đạo đức thánh thiện cùa ngài, năm 1230, Đức Giáo Hoàng Ghêgôriô II mời ngài làm cha giải tội, nhưng vì lòng khiêm tốn, ngài xin từ chối. Dù vậy, ngài cũng vâng lời thu thập sắc lệnh của các Đức Giáo Hoàng và công đồng thành 5 tập. Quyển sưu tập này đã được Đức Ghê-gô-ri-ô công bố vào năm 1234, và coi như bộ giáo luật của Hội thánh.

Năm 1238, thánh nhân được bầu làm bề trên tổng quyền dòng Đa-minh. Trong thời gian làm bề trên, ngài luôn đi thăm viếng các tỉnh dòng và củng cố đời sống thiêng liêng các tu sĩ. Nhưng hai năm sau, vì tuổi già sức yếu, thánh nhân đã xin từ chức, sống đời tu niệm thầm lặng. Và ngày 6 tháng giêng năm 1275, ngài đã từ trần. Năm 1601, ngài được Đức Giáo Hoàng Clê-men- tê phong lên hiển thánh.

* Quyết tâm: Tìm nhiều người cộng tác để nâng đỡ, bênh vực những kẻ cô thế cô thân, những người bị áp bức, và chuyên cầu nguyện rao giảng đạo Chúa, theo gương thánh Ray-môn-đô Pê-nha-pho.

* Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh linh mục Ray-môn-đô được giàu lòng nhân ái đối với người tội lỗi và kẻ tù đày. Xin Chúa nhận lời người cầu thay nguyện giúp, mà ban cho chúng con thoát khỏi tội lỗi, hầu được tự do làm những điều đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Ngày 13 tháng 1
THÁNH HILARIÔ
Giám mục tiến sĩ

* Gương thánh nhân.
Là con một gia đình quý tộc, thánh Hi-la-ri-ô sinh năm 320 tại Pô-chê, nước Pháp. Lớn lên, ngài theo học văn chương và triết lý, đặc biệt ham mê tìm hiểu đạo và Thiên Chúa. Ngài hiểu rằng hạnh phúc thật của con người không phải ở đời này; và ngài muốn tìm hạnh phúc thật, hạnh phúc vĩnh cửu .

Dịp may thánh nhân gặp được cuốn Kinh Thánh. Ngài say mê học hỏi, nghiên cứu Lời Chúa. Nhờ đó, ngài nhận biết Chúa là Thiên Chúa chân thật tốt lành, và đã xin gia nhập đạo cùng với gia đình.

Từ đó, ngài sống đạo đức gương mẫu. Và mặc dù có gia đình, ngài được phong chức linh mục. Rồi năm 250, thánh nhân được chọn làm Giám mục tại chính quê hương là Pô-chê.

Lúc đó, bè rối Ariô nổi lên. Họ không tin nhận Thiên tính của Chúa Giêsu. Thánh nhân chống đối mãnh liệt, nên bị Hoàng đế Công-tăn-ti II bắt đi đày ở Phigi. Tại đây, ngài viết khảo luận về " Thiên Chúa Ba Ngôi " để bảo vệ Thiên tính của Chúa Giêsu. Ngài nói: " Tôi không bảo vệ được đức tin bằng lời giảng dạy, thì tôi rao truyền Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật bằng sách vở".

Thánh nhân hết lòng tôn kính và bảo vệ tín điều Một Chúa Ba Ngôi. Trong cuốn khảo luận về Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngài viết: " Lạy Cha là Thiên Chúa toàn năng, co ý thức rằng: con phải hiến dâng công việc chính trong đời con cho Cha, để tâm tư và và ngôn ngữ của con phải nghĩ và nói về Cha. Bởi vì ơn ngôn ngữ mà Cha đã ban cho con chẳng làm gì ích lợi cho con hơn là được dùng để phục vụ Cha bằng cách rao giảng và trình bày Cha là Đấng nào. Cha là Chúa Cha, Cha của Con Một Thien Chúa. Con phải trình bày điều đó cho thế gian chưa nhận biết và cho kẻ lạc giáo đã chối bỏ , thế nên, chúng con trông cạy Cha kích thích bước đầu của công việc khó khăn này; không ngớt ban thành công để cổ võ, và cho tham dự vào tinh thần của các ngôn sứ và các tông đồ; để chúng con hiểu lời các ngài đúng ý của các ngài, và dùng đúng các từ ngữ để diễn tả các thực tại mà các ngài đã ám chỉ. Vì chúng con sẽ phải nói về những điều các ngài đã tuyên xưng trong mầu nhiệm: tức là về Cha là Thiên Chúa vĩnh cữu; một mình Cha không bao giờ sinh ra; một mình Chúa Giêsu đã sinh ra bởi Cha từ đời đời; không được tưởng có nhiều Thiên Chúa, mặc dầu có sự khác biệt thật sự; cũng không được bảo Người đã chẳng được sinh ra bởi Cha là Thiên Chúa duy nhất, và cũng không được nói Ngài chẳng phải là Thiên Chúa thậ vì Người sinh ra bởi Cha là Thiên Chúa thật".

Ngài cũng dùng thư từ liên lạc với giáo sĩ và giáo dân trong giáo phận. Với những lời lẽ thân tình và đầy lòng sốt mến, ngài khuyến khích họ can đảm vững đức tin, trung thành với chân lý của Chúa.

Sau bốn năm bị lưu đày, ngài được trở về quê hương năm 360. Ngày trở về của ngài cũng thật huy hoàng. Toàn dân chứ không riêng gì giáo dân ra nghênh đón ngài như một vị anh hùng đã chiến thắng vẻ vang.

Về đến giáo phận, công việc trước nhất của thánh nhân là chỉnh đốn lại những hậu quả thảm hại do lạc thuyết gây ra. Ngài củng cố lại hàng giáo sĩ, kêu gọi giáo dân học hỏi Lời Chúa, sống theo Tin Mừng của Chúa.

Thánh nhân rất thông giỏi Kinh Thánh. Ngài viết nhiều sách giải thích Thánh vịnh và Phúc âm thánh Mát thêu, và phổ biến rộng rãi trong toàn giáo phận.

Những năm cuối đời, thánh nhân dành để cho việc cầu nguyện và sám hối. Ngài cầu nguyện liên lỉ và không bao giờ bước lên bàn thờ dâng thánh lễ mà chẳng xét mình xưng tội trước. Ngài nói: " Ngày nào không xưng tội được, tôi thấy mình bất xứng, không đáng dâng của lễ cho Chúa. Những ngày đó đối với tôi là những ngày tang chê sầu buồn".

Thánh nhân qua đời ngày 13 tháng giêng năm 386. Và năm 1852, ngài được Đức Giáo Hoàng tôn phong tiến sĩ Hội thánh.

* Quyết tâm: Noi gương thánh Hi-la-ri-ô, hằng ngày lo củng cố niềm tin vào Chúa Giêsu là Thiên Chúa, bằng cách siêng năng học hỏi Giáo Lý và Lời Chúa dạy trong Thánh Kinh. Đồng thời can đảm tuyên xưng đức tin ra trước mặt mọi người, dù có gian nan, lao khổ cũng sẵn lòng chấp nhận.

* Lời nguyện: Lạy Chúa Cha toàn năng, thánh Hi-la-ri-ô đã kiên trì bảo vệ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa là Thiên Chúa. Xin cho chúng con hiểu biết cho rõ và tuyên xưng cho đúng chân lý cao cả này. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

NGÀY 13 THÁNG 1
Thánh Đa minh Khảm,Giuse Tả và Luca Thìn.
Giáo dân tử đạo.

* Gương Thánh Nhân:
Thánh Đa minh Phạm Trọng Khảm sinh khoảng năm 1780, tại làng Quần Cống, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Ngay lúc nhỏ, Đa minh đã được cha mẹ chuyên cần dạy dỗ, nên cậu rất đạo đức hiếu thảo. Năm lên 18 tuổi, cậu đã kết hôn với cô A nê Phượng, một thiếu nữ nhân đức trong họ đạo. Vợ chồng luôn sống hoà thuận hy sinh cho nhau, sốt sắng thờ phượng Chúa, nhiệt thành giúp việc trong xứ đạo, và hết lòng thương yêu giúp đỡ mọi người, nhất là những người nghèo khổ bệnh tật.

Lúc đó vua quan đang bắt đạo dữ dội, ông bà tận tâm che giấu các Giám mục, linh mục và khích lệ những người đồng đạo can đảm chịu chết vì Chúa. Mỗi lần binh lính đến bao vây bắt bớ người có đạo, ông bà báo tin cho mọi người, và khuyến khích họ sống chết trung thành theo Chúa. Đối với những người nhút nhác, ông thường hâm dọa cho họ sợ mà can đảm bền chí: "Kẻ nào trong anh em đạp lên Thánh giá, khi quan về, tôi sẽ đuổi cổ ra khỏi làng, sẽ không có chỗ mà chôn xác đâu " . Nhờ đo nhiều người nhát đảm vẫn cương quyết chịu chết vì Chúa.

***

Thánh Giuse Phạm Trọng Tả sinh năm 1800, đồng minh với thánh Đa minh Khảm. Thánh nhân là người đạo đức và có thế giá, là hội viên hội dòng ba Đa minh và là cai tổng trong làng. Đặc biệt thánh nhân rất có lòng thương người. " Tiền thóc gia nhân vay mượn ông thường cho một nửa, nếu túng quá thì cho luôn. Công nợ của dân trong làng cũng hay được châm chước như thế. Khi bà cai lên tiếng cằn nhằn, ông thản nhiên trả lời: Mình quên nợ người, Chúa quên tội mình"

***

Là con trai của thánh Đa minh Khảm, thánh Lu ca Phạm Trọng Thìn sinh năm 1820.

Lúc nhỏ cậu học hành giỏi giắn. Và nhờ hấp thụ nền đạo đức của gia đình, cậu càng thêm tuổi càng têm khôn ngoan đạo đức, là hội viên hội dòng ba Đa Minh, và được chọn làm cai tổng trong làng.

Năm 1858, cơn bắt đạo trở nên gay gắt trong lịch sử Giáo hội Việt Nam . Nhà vua treo giải thưởng cho những ai tố cáo nơi trú ẩn của các giáo sĩ, đồng thời ra lệnh trừng phạt nặng những ai chứa chấp các ngài. Thực tế, việc thi hành lệnh vua còn tuỳ các quan địa phương; có nơi họ thi hành triệt để, nơi khác cũng làm chiếu lệ. Vì thế, Đức Cha Xuyên nhờ hai ông Cai Tả và Cai Thìn tiếp xúc với quan Tổng đốc Nam Định, xin ông nương tay cho các giáo sĩ và tín hữu được bính an. Nhưng công việc chưa thành thì quan án sát Nam Định đã được mật báo làng Quần Cống chứa chấp Tây dương đạo trưởng ( linh mục nước ngoài). Quan liền sai binh lính đến vây bắt. Cụ Đa minh Khảm nghe tin đó thì vội vàng đưa Đức cha Vinh, Đức cha Xuyên và các cha trốn sang làng khác.

Quan quân ùa vào làng Quần Cống, gọi cụ Khảm đến và bảo:
- Hãy mau nộp các đạo trưởng cho ta, nếu không lão sẽ bị bắt, bị tịch thu tài sản, nhà cửa lão sẽ bị thiêu huỷ.

Cụ bình thản đáp:
- Không có đạo trưởng nào ở đây, Nếu không tin, quan cứ cho binh lính lục soát.

Binh lính liền chia nhau lục soát mọi nhà. Nhưng không tìm được đạo trưởng nên quan ra lệnh bắt cụ Khảm với Cai Tả và Cai Thìn dẫn về Nam Định và tống vào ngục.

Sau nhiều lần dụ dỗ, đe doạ, hành hạ, các ngài vẫn cương quyết trung thành theo Chúa, bất khả quá khoá, nghĩa là không chịu bước qua Thánh giá.

Ngày 13 tháng giêng năm 1859, các ngài bị đưa ra pháp trường Bẩy Mầu , Nam Định, với án tử hình.

Đến nơi, binh lính xô các ngài ngã xuống đất, trói tay chân vào cột. Và mỗi vị đều bị hai tên lính cầm hai đầu dây tròng nơi cổ, và kéo thật mạnh cho đến khi tắt thở!...

Cả ba vị đều được Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII tôn lên chân phước ngày 29 tháng 4 năm 1951. Và ngày 19 tháng 6 năm 1988, Đức Thánh Cha Gioan Phao-lô II đã tấn phong các ngài lên bậc hiển thánh.

* Quyết tâm: Noi gương các thánh Đa minh Khảm, Giuse Tả và Lu ca Thìn tử đạo, hết lòng kính mến Chúa và yêu thương người, bằng các giúp đỡ mọi người phần hồn, phần xác, suốt đời chịu cực chịu khó tin thờ Chúa, sẵn sàng hy sinh giúp đỡ những người làm việc tông đồ, và nâng đỡ anh em đồng đạo trung thành với Chúa.

* Cầu nguyện: Lạy Cha Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

2873    17-01-2011 20:27:27