Sidebar

Thứ Bảy
12.10.2024

Hạnh Thánh Tháng 1_3

Ngày 24 tháng 1
THÁNH PHANXICÔ ĐƠXAN
Giám mục tiến sĩ

*Gương Thánh Nhân
Thánh Phanxicô sinh năm 1567, tại lâu đài Xan, trong một gia đình quý phái đạo đức.

Lúc còn đi học, ngài đã nêu gương tốt cho đồng bạn. Ngài theo học khoa hùng biện và triết lý tại Balê. Và từ năm 1586 đến năm 1591, thánh nhân học luật tại Pađua . Và sau khi thi đậu tiến sĩ, ngài trở về quê nhà trong sự hân hoan phấn khởi của thân tộc.

Cha mẹ bảo ngài lập gia đình, nhưng ngài từ khước và xin làm linh mục, vì hạnh phúc danh vọng thế gian đối với ngài chỉ là phù vân tạm bợ, chỉ có Thiên Chúa mới đem lại hạnh phúc bền vững.

Thế là năm 1593, ngài được thụ phong linh mục. Ngài nhiệt thành lo cho đoàn chiên và rao giảng kêu gọi người thệ phản ăn năn trở lại, vì lúc đó nhóm thệ phản Canvinô hoạt động ráo riết, lôi kéo nhiều người theo lạc thuyết của họ. Họ gây hiềm khích chia rẽ giữa các Kitô hữu với nhau. Thánh nhân phải cực lực giải hoà, giảng dạy đức tin chân chính cho mọi người, kêu gọi họ nhìn nhận chân lý của Chúa Giêsu. Ngoài lời giảng dạy, ngài còn dùng thư từ và sách vở hướng dẫn niềm tin của mỗi người. Nhờ đó mà ngài giúp được nhiều người thệ phản hoán cải ăn năn.

Vì tài đức và lòng nhiệt thành phụng sự Chúa, năm 1602, ngài được bầu làm Giám mục. Ngài chuyên cần rao giảng lời Chúa, thăm viếng bệnh nhân, giúp đỡ người nghèo. Ngoài ra, ngài còn lập nhiều tu viện và viết sách dạy đàng nhơn đức. Các sách ngài viết rất tời danh, nhất là những cuốn: Đường trọn lành, dẫn vào đời sống đạo đức.

Dưới đây là đoạn trích trong cuốn : Dẫn vào đời sống đạo đức của thánh nhân. Đọc lên, chúng ta cảm thấy phấn khởi và ước muốc dấn thân ngay vào đường đạo đức hánh thiện: " Lúc tạo dựng, Thiên Chúa truyền cho thảo mộc theo giống loài của mình mà sinh hoa nảy quả. Cũng vậy, Người truyền cho tín hữu, như những thảo mộc sống trong Hội thánh, phải trổ sinh hoa quả thánh đức, mỗi người theo phẩm chức và ơn kêu gọi của mình. Mỗi hạng người phải sống đời đạo đức một cách khác nhau: người quyền quý khác thợ thủ công, kẻ tôi tớ khác vị hoàng tử, người quả phụ, cô thanh nữ khác người có chồng. Không những thế, còn phải thích nghi đời sống đạo đức theo sức lực, công ăn việc làm và bổn phận từng người. Thử hỏi Philôtêô, vị Giám mục có được sống ẩn dật như các vị khổ tu Sáctơrơ không? Nếu người có vợ chồng lại muốn bỏ hết của cải như các vị khổ tu; nếu các thợ thủ công suốt ngày ở nhà thờ như các tu sĩ, còn người tu hành lại luôn gặp gỡ, giao tế, giúp đỡ người ta như vị Giám mục, thì đời thánh đức chẳng hóa ra trò cười, gây lộn xộn, chẳng chịu nổi nữa sao? Thế mà các tệ ấy thường vẫn xảy ra . Không, hỡi Philôtêô, đời đạo đức chân chính không làm hư hỏng cái gì bao giờ; trái lại, nó làm hoàn bị mọi sự. Và nếu đời đạo đức đi ngược với bậc sống chính đáng, thì chắc là nó phải giả hiệu, Aríttốt nói: " Con ong hút mật hoa mà không làm hại hoa, hoa vẫn toàn vẹn tươi tốt " . Lòng đạo đức còn đi xa hơn thế, nó không làm hư hỏng bậc sống hay công việc gì cả, trái lại, nó tô điểm cho thêm tốt đẹp. Các hạt ngọc nhúng vào mật ong sẽ nên sáng bóng hơn tuỳ theo màu sắc từng hạt. Đây cũng thế, mỗi người trở nên đáng yêu đáng mến hơn trong bậc mình, khi sống bậc mình cách đạo đức hoàn toàn: lúc đó, việc lo gia đình sẽ nên êm đẹp, tình phu thê sẽ đầm thắm hơn, và tất cả mọi công việc khác đều trở thành ngọt ngào đáng mến hơn. Muốn gạt bỏ đời sống đạo đức ra ngoài hàng ngũ quân đội, ngoài xưởng thợ thủ công, ngoài triều vua, ngoài phòng the của đôi bạn, đó là một sai lầm, và hơn nữa, một lạc thuyết. Đã đành, Philôtêô thân mến, lối sống đạo đức thuần tuý chiêm niệm, đan tu và tu trì không thể thực hiện ở trong các chức bậc trên. Nhưng ngoài những kiểu sống thánh đức ấy, còn có rất nhiều cách sống rất thích hợp cho người sống ngoài đời nên thánh thiện. Bất cứ ở đâu, ta cũng đều có thể và phải ước ao sống hoàn thiện. "

Nhân đức đặc biệt của ngài là hiền hoà nhân hậu đối với mọi người. Thánh nhân luôn nhịn nhục tha thứ, dịu dàng. Ngài luôn bảo: Hãy ăn ở hiền lành, vì người ta có thể bắt được nhiều ruồi với một muỗng mật hơn là với cả trăm thùng dấm. Và đối với kẻ nhục mạ ngài, ngài thường nói với họ: Nếu ông móc một con mắt, tôi sẽ nhìn ông bằng con mắt kia với lòng trìu mến!...

Thánh nhân qua đời ngày 26 tháng 12 năm 1622, và được Đức Giáo Hoàng A- lét-xăn thứ 7 tôn phong hiển thánh năm 1665.

* Quyết tâm: Tôi quyết bắt chước thánh Phaxicô Đơ Xan, sống hiền hoà với mọi người. Hằng ngày tập luyện nên thánh theo hoàn cảnh của mình, hầu giúp đỡ người lầm lạc trở về với Chúa.

* Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh Phanxicô Đơ Xan Giám mục biết trở nên tất cả để hoà mình với mọi người hầu muôn dân được ơn cứu độ. Xin cho chúng con hằng noi Gương thánh nhân để lại, mà hết lòng phục vụ anh em, để làm chứng lòng yêu thương nhân hậu của Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Chùa Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Ngày 25 tháng 1
THÁNH PHAO-LÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI

Gương Thánh Nhân
Thánh Phao-lô sinh tại Tác sô, ở Cilici, tên thật là Saun, cha mẹ gốc Do thái, thuộc chi họ Bengiamin. Ngay từ thuở nhỏ, đã được cha mẹ dạy dỗ chu đáo; và khi lớn lên, ngài đã lên Giêrusalem theo đuổi việc học hành, và trở thành một trong những người thuộc nhóm biệt phái nổi tiếng.Do đó, ngài trung thành tuân giữ luật lệ tiền nhân và rất ghét những người tin theo Chúa. Chính ngài có mặt trong cuộc đổ máu thánh Stêphanô, và luôn tìm bắt cầm tù, tra tấn, giết hại môn đệ Chúa.

Một hôm, trên đường đi Đamát lùng bắt người theo đạo, ngài đã được Chúa thương kêu gọi trở lại. Chúng ta hãy nghe chính thánh nhân thuật lại cuộc trở lại của ngài. "Tôi là người Do thái, sinh ở Tác sô, miền Ki li ki a, nhưng tôi đã được nuôi dưỡng tại thành này; dưới chân ông Gamaliên, tôi đã được giáo dục để giữ Luật cha ông một cách nghiêm ngặt. Tôi cũng đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa như tất cả các ông hiện nay, không ngần ngại giết kẻ theo đạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà, như cả vị thượng tế lẫn toàn thể hội đồng kỳ mục có thể làm chứng cho tôi. Tôi còn được các vị ấy cho thư giới thiệu với anh em ở Đamát, và tôi đi để bắt trói những người ở đó, giải về Giêrusalem trừng trị. Đang khi tôi đi đường và đến gần Đa-mát, thì vào khoảng trưa, bỗng nhiên có một luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống bao phủ lấy tôi. Tôi ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với tôi: "Saun, Saun, sao ngươi bắt bớ Ta"? Tôi đáp: " Thưa Ngài, Ngài là ai? " Người nói với tôi: " Ta là Giêsu Na-da-rét mà ngươi đang bắt bớ " . Những người cùng đi với tôi trông thấy có ánh sáng, nhưng không nghe thấy Đấng đang nói với tôi. Tôi nói: " Lạy Chúa, con phải làm gì?" Chúa bảo tôi: " Hãy đứng dậy, đi vào Đa-mát, ở đó, người ta sẽ nói cho con biết tất cả những gì đã chỉ định cho con phải làm". Vì ánh sáng chói loà kia làm cho tôi không còn trông thấy nữa, nên tôi đã được các bạn đồng hành cầm tay dắt vào Đa-mát.

Ở đó, có ông Khanania, một người sùng đạo, sống theo Lề Luật và được mọi người Do thái ở Đa mát chứng nhận là tốt. Ông đến, đứng bên tôi và nói: " Anh Sa-un, anh thấy lại đi! " Ngay lúc đó, tôi thấy lại được và nhìn ông. Ông nói: " Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã chọn anh để anh được biết ý muốn của Người, được thấy Đấng Công Chính và nghe tiếng từ miệng Đấng ấy phán ra. Quả vậy, anh sẽ làm chứng nhân cho Đấng ấy trước mặt mọi người về những điều anh đã thấy và đã nghe, Vậy bây giờ anh còn chần chờ gì nữa? Anh hãy đứng lên, chịu phép rửa và thanh tẩy mình cho sạch tội lỗi, miệng kêu cầu danh Người". Khi trở về Giê-ru-sa-lem, đang lúc tôi cầu nguyện trong đền thờ, thì tôi xuất thần và thấy Chúa bảo tôi : " Mau lên,hãy rời khỏi Giêrusalem gấp, vì chúng sẽ không nhận lời con làm chứng về thầy đâu". Tôi thưa: " Lạy Chúa, chính họ biết rõ con đây đã từng đến hội đường bắt giam và đánh đòn những kẻ tin Chúa. Khi người ta đổ máu ông Stêphanô, chứng nhân của Chúa, thì chính con cũng có mặt, con tán thành và giữ áo cho những kẻ giết ông ấy". Chúa bảo tôi: " Hãy đi vì Thầy sẽ sai con đến với các dân ngoại phương xa". (Cv 22,3 -21)

Từ đó, Sa un được gọi là Phaolô, là tông đồ nhiệt thành rao giảng đạo Chúa. Thánh nhân đặc biệt lo đem Chúa đến cho dân ngoại, được nổi tiếng nhất về lòng can đảm, hy sinh chịu khổ vì Chúa. " Bất cứ điều gì người ta dám lám, tôi còn hơn họ nữa! Hơn nhiều vì công khó, hơn nhiều vì ở tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, bao lần suýt chết. Năm lần tôi bị người Do thái đánh đòn bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi … gặp bao nguy hiểm trên sóng, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm trong thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn, nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng!.."( 2Cor.11,21-27)

Tất cả những lao nhọc khổ sở mà thánh nhân vừa kể đó, ngài sẵn sàng chấp nhận vì lòng yêu mến Chúa và vì phần rỗi các linh hồn. Thánh Gioan Kim Khẩu đã nói về ngài; " Ngài tìm kiếm nhuốc nha xấu hổ do việc rao giảng tin mừng mang tới hơn là ta tìm kiếm vinh quang. Ngài tìm kiếm sự chết hơn là ta tìm kiếm sự sống. Ngài tìm kiếm sự khó nghèo hơn ta tìm của cải. Ngài muốn lao nhọc hơn ta muốn nghỉ ngơi. Dường như ngài chỉ sợ và chỉ tránh một điều là làm mất lòng Chúa. Và không có gì khác nữa. Cũng vậy, dường như chẳng có gì khiến ngài ao ước cho bằng làm đẹp lòng Chúa".

Thánh nhân viết nhiều thơ kêu gọi các giáo đoàn sống chết trung thành theo Chúa. Và chính ngài đã chịu chết, đổ máu ra làm chứng cho Chúa.

* Quyết tâm: Hằng ngày, dùng lời cầu nguyện, việc hy sinh, cầu cho kẻ tội lỗi ăn năn trở lại với Chúa như thánh Phao-lô; và một khi đã trở về với Chúa, xin cho họ biết noi gương ngài, nhiệt thành phịng sự Chúa và phục vụ các kinh hồn.

* Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời rao giảng của thánh Phaolô tông đồ mà dạy dỗ muôn dân. Hôm nay, mừng kỷ niệm ngày thánh nhân trở lại tin theo Đức Kitô, xin cho chúng con hằng noi gương thánh nhân để lại mà tiến đến gần Chúa, và trở nên chứng nhân của Tin Mừng. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Ngày 26 tháng 1
THÁNH TI-MÔ-TÊ VÀ TI-TÔ
Giám mục

* Gương thánh nhân:
Thánh Timôthê và Ti tô là hai môn đệ thân thiết và nổi tiếng của thánh Phaolô, nên Hội thánh mừng lễ các ngài ngay sau ngày kính thánh Phaolô trở lại.

Thánh Timôthê sinh tại Lít tra, đã được thánh Phaolô dạy cho biết Chúa và rửa tội. Từ đó, thánh nhân luôn theo bên cạnh thánh Phaolô, và cộng tác trong việc truyền giáo. Mặc dầu còn trẻ, ngài sẵn sàng hy sinh từ bỏ tất cả danh vọng ở đời, hiến thân phục vụ Chúa, đem ơn cứu rỗi đến cho mọi người.

Nhờ lòng nhiệt thành truyền giáo và đời sống thánh thiện, thánh nhân được bầu làm Giám mục tiên khởi giáo đoàn Êphêsô. Ngài tận tâm tận lực lo cho đoàn chiên và luôn luôn được thánh Phaolô nâng đỡ khuyên bảo. Trong suốt thời gian làm Giám mục, ngài đã nhận được hai bức thư của thánh Phaolô: bức thư thứ I (Thư I gởi ông Ti-mô-tê), hướng dẫn ngài tổ chức và điều khiển các cộng đoàn, khuyên bảo ngài trung thành với giáo lý lành mạnh và bảo toàn giáo lý đã được giao phó, vì lúc đó, có những người mê thích những điều mới mẽ khiến đức tin bị lung lay. Trong bức thư thứ II (Thư II gởi Timôthê), thánh Phaolô để lại cho ngài một thứ di chúc tinh thần, vì thánh nhân thấy mình không còn sống được bao lâu nữa, lại cô độc vì những người thân tín xa lìa, nên muốn gửi gấm cho ngài là môn đệ yêu quý những lời tâm huyết cuối cùng, đề phòng những kẻ gieo rắc lầm lạc, và khuyên ngài trung thành rao giảng đạo lý: " Trước mặt Thiân Chúa và Đức Giêsu Kitô, Đấng sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết, Đấng sẽ xuất hiện và nắm vương quyền, tôi tha thiết khuyên anh: hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng lúc thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ. Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tay muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường. Phần anh, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của anh " (2Tm.4,1-5)

Sau khi Phaolô qua đời, ngài được phước sống với thánh Gioan tông đồ, là môn đệ yêu dấu của Chúa Giêsu.

Một hôm, thánh nhân thấy dân thành Êphêsô cúng tế nữ thần Điana. Ngài giận giữ cảnh cáo họ, và kêu gọi họ trở lại với Chúa. Chẳng những họ không nghe lời ngài kêu gọi mà còn nhục mạ, lấy đá ném ngài chết!...Thánh nhân chết vì Chúa năm 97.

***

Thánh Ti-tô là con một gia đình ngoại giáo, được thánh Phao-lô dạy đạo, rửa tội, gọi là " người con chân thành " , và trao cho nhiều trách vụ quan trọng. Theo truyền thuyết, thánh tông đồ đã đặt ngài làm Giám mục giáo đoàn Kêta, và luôn khuyên bảo ngài sống xứng đáng làm người đứng đầu trong cộng đoàn, đồng thời đối xử thế nào cho thích hợp với mỗi hạng người. Thánh Phao-lô nói với ngài: "Tôi là Phao-lô, tôi tớ của Thiên Chúa và tông đồ của Đức Giêsu Kitô . Tôi gửi lời thăm anh Titô, người con tôi thực sự sinh ra trong cùng một đức tin chung. Xin Thiên Chúa là Cha và xin Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta, ban cho anh ân sủng và bình an. Tôi đã để anh ở lại Kê-ta, chính là để anh hoàn thành công cuộc tổ chức và đặt kỳ mục trong mỗi thành, như tôi đã truyền cho anh. Hãy dạy những gì hợp với giáo lý lành mạnh. Hãy khuyên các cụ ông phải tiết độ, đàng hoàng chừng mực, vững mạnh trong đức tin, đức mến và đức nhẫn nại. Các cụ bà cũng vậy, phải ăn ở sao cho xứng đáng là người thánh, không nói xấu, không rượu chè say sưa, nhưng biết dạy bảo điều lành . Anh hãy nhắc nhở cho ai nấy phải phục tùng và tuân lệnh các nhà chức trách, các người cầm quyền, phải sẵn sàng làm mọi việc tốt, và đừng chưởi bới ai, đừng hiếu chiến, nhưng phải hiền hoà, luôn luôn tỏ lòng nhân từ với mọi người. Đó là lời đáng tin cậy, và tôi muốn anh đặt biệt nhấn mạnh các điểm ấy, để những kẻ đã đặt niềm tin vào Thiên Chúa ra sức trổi vượt về những việc tốt đẹp " ( Thơ gởi ông Ti-tô 1,1- 5; 3,1-8).

Thánh nhân cũng được Phao-lô sai đến giáo đoàn Cô-rin-tô để tổ chức giáo đoàn, quyên tiền ủng hộ Hội thánh ở Giêrusalem. Ngài qua đời khoảng năm 105.

* Quyết tâm: Tôi luôn sẵn sàng cộng tác và ủng hộ các nhà truyền giáo bằng việc làm, lời cầu nguyện và mọi phương tiện vật chất cũng như tinh thần, để đem Chúa đến cho đồng bào đồng loại, theo gương thánh Ti-mô-tê và Ti-tô.

* Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho hai thánh Ti-mô-tê và Ti-tô những nhân đức xứng bật tông đồ. Xin nhận lời các thánh nhân cầu thay nguyện giúp mà ban cho chúng con khi còn ở đời này, biết sống ngay lành thánh thiện, hầu xứng đáng đạt tới quê trời. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng ta. Amen.

Ngày 27 tháng 1
THÁNH AN-GIÊ-LA MÊ-RI-SI
Trinh nữ

* Gương Thánh Nhân
Angiêla sinh năm 1477 tại Đêxenđanô. Lúc lên 10 tuổi, thánh nữ đã phải mồ côi cả cha lẫn mẹ, nên được người cậu nuôi dưỡng giáo dục. Lớn lên, ngài gia nhập dòng ba thánh Phan-xi-cô, và sống đạo đức gương mẫu.

Lúc đó, nước Ý đang gặp cơn khủng hoảng về luân lý. Người ta chạy theo xa hoa, khoái lạc vật chất mà bỏ qua thuần phong mỹ tục, làm cớ cho nhiều thanh niên thiếu nữ sa đoạ lầm lạc. Thánh nữ thấy cần phải phục hưng xã hội, gia đình theo tinh thầnh Phúc Âm. Ngài thường nói: "Xáo trộn xã hội là hậu quả của xáo trộn gia đình". Muốn cải hoá gia đình, cần phải giáo dục các bà mẹ. Vì thế, thánh nữ lập một tu hội chuyên lo đào tạo các thiếu nữ, lấy tên là " tu hội Usala " . Usala là thánh nữ đã chịu chết để bảo vệ lòng thanh sạch. Đây là tu hội đời đầu tiên trong Hội thánh. Nhiều người nữ đã gia nhập tu hội. Họ không có y phục riêng, sống ngay tại gia đình, tuân giữ các lời khuyên Phúc Am, giữ đức khó nghèo, trong sạch, vâng lời.

Hằng ngày, thánh nữ ân cần huấn luyện các nữ tu nầy, để rồi sai đi đào tạo các thiếu nữ khác về luân lý, đạo đức. Đặc biệt, ngài bảo họ tập rèn đức bác ái, vì có được lòng mến Chúa yêu người là có đủ tất cả các nhân đức, và làm được mọi việc ích lợi cho Chúa và tha nhân. Ngài nói với các nữ tu: " Các mẹ và các chị em rất thân ái trong Chúa Kitô, trên hết mọi sự và bất cứ lúc nào, chị em cũng hãy cố gắng, để nhờ ơn Chúa giúp, có được những quyết định khôn ngoan mà lãnh nhận công việc chăm sóc và điều hành nguyên vì lòng mến Chúa và lòng nhiệt thành đối với các linh hồn. Chỉ khi nào bắt rể và căn cứ nơi đức mến Chúa yêu người, công việc săn sóc và điều hành của chị em mới đem lại kết quả cứu độ, Vì Chúa đã phán: cây tốt không thể sinh trái xấu. Người bảo cây tốt chính là lòng tốt, cháy lửa bác ái, chỉ có thể sinh ra các việc lành thánh. Thế nên, thánh Âu tinh cũng nói: bạn cứ yêu mến đi, rồi muốn làm gì thì làm; nghĩa là bạn hãy có lòng mến Chúa yêu người rồi muốn làm gì cũng được. Dường như ngài muốn nói rõ: đã yêu thương thì không thể phạm tội được. Tôi cũng xin chị em hãy để ý đến từng người mà chị em phải săn sóc và phải mang họ như đã được ghi trong lòng chị em. Không phải chỉ ghi tên mà thôi, mà còn ghi cả hoàn cảnh và tình trạng của họ nữa. Điều đó không khó khăn đâu, nếu chị em có lòng bác ái sống động săn sóc họ thật sự. Quả vậy, tự nhiên các bà mẹ, dù có tới nghìn đứa con, cũng vẫn mang tất cả và từng đứa trong lòng mình, không quên sót một đứa nào, vì tự nhiên tình yêu chân thật làm như vậy. Hơn nữa, dường như càng có nhiều con, tình yêu và sự săn sóc cho từng đứa con lại càng tăng. Các bà mẹ thiêng liêng lại càng có thể và càng phải làm như thế hơn nữa, bởi vì tình yêu thiêng liêng có nhiều khả năng hơn tình yêu máu mủ xác thịt ".

Nghe theo lời khuyên nhủ của thánh nữ các nữ tu tận tình săn sóc huấn luyện các thiếu nữ với lòng mến Chúa yêu người thật sự. Họ đến từng gia đình, liên hệ gặp gỡ với trẻ gái và hướng dẫn chúng trên đàng đức hạnh.

Nhờ công cuộc giáo dục của tu hội và gương lành của thánh Angiêla, nhiều thiếu nữ sống tốt lành đạo hạnh, gia đình được thánh hoá, xã hội hưng thịnh. Thánh nữ qua đời ngày 27 tháng 1 năm 1540, và được phong thánh năm 1807.

* Quyết tâm: Noi gương thánh nữ Angiêla, tôi chăm lo huấn luyện đào tạo tuổi trẻ về luân lý đạo đức, để giúp chúng sống xứng đáng làm người và làm con Thiên Chúa, hầu xây dựng gia đình và xã hội tốt đẹp lành mạnh.

* Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa nhân từ, Chúa đã cho thánh Angiêla trinh nữ nên gương bác ái và khôn ngoan; vì lời thánh nữ cầu thay nguyện giúp, xin cho chúng con cũng noi theo người, mà trung thành tuân giữ lời Chúa dạy và tuyên xưng đức tin trong cuộc sống hằng ngày. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Ngày 28 tháng 1
THÁNH TÔ MA A QUI NÔ
Linh mục tiến sĩ

*Gương Thánh Nhân:
Thánh Tôma Aquinô sinh năm 1226, tại lâu đài Rốt ca sét ca, gần thành Aquinô. Ngài là con một gia đình giàu sang quý phái, nhưng cũng rất đạo đức.

Mới lên 6 tuổi, thân sinh đã đem Tôma gửi vào tu viện Caxinô. Và năm lên 10, ngài được gởi tới đại học ở Náplơ. Nơi đây, các giáo sư đã khám phá trí thông minh tuyệt vời, lòng đạo đức sáng chói và những đức tính hiền hoà, thanh sạch và bác ái của ngài.

Thánh nhân xin cha mẹ cho vào tu dòng Đaminh, nhưng bị từ chối, buộc lòng ngài phải trốn đi theo tiếng Chúa gọi. Nhưng gia đình đã theo bắt ngài về và nhốt trong hầm dưới chân lâu đài, vì sợ ngài trốn đi nữa. Ngài phải sống 2 năm trời trong hầm vắng lạnh, nhưng lòng vẫn cương quyết theo Chúa, phụng sự Chúa. Các chị ngài thấy ngài khổ cực mà vẫn cương trực như thế, thì cảm động nên giúp ngài trốn ra. Thế là ngài tiếp tục vào dòng anh em thuyết giáo của thánh Đa minh.

Từ năm 1248 đến năm 1252, ngài du học ở Côlônia. Ngài là học trò xuất sắc nhất của thánh Anbêtô Cả, rất thông giỏi triết học cũng như thần học. Ngài chuyên tâm tìm hiểu chân lý; thích đời chiêm niệm, thầm lặng, đến nổi các bạn đặt tên riêng cho ngài là con bò câm. Nhưng thánh Anbêtô nhận ngài là một thiên tài lổi lạc và tuyên bố: Con bò này sẽ rống lên, tiếng rống của nó vang dội khắp thế giới. Đúng như lời thánh Anbêtô, Tôma Aquinô là một nhà giảng thuyết lừng danh, là nhà thần học nổi tiếng trong Giáo hội và ngoài xã hội. Ngài đã được tặng danh hiệu " Tiến sĩ thiên thần " , vì ngài thông minh tài giỏi, lại sống đời thanh bạch trinh khiết như thiên thần. Ngài để lại 2 tác phẩm lổi lạc là cuốn " Tổng luận thần học " và " Chống lạc giáo " .

Đặc biệt, thánh nhân có lòng mộ mến Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Ngài luôn suy gẫm những khổ nạn của Chúa và múc lấy nơi đó nhiều nhân đức, như lời ngài nói: - Những việc Chúa chịu nạn cũng có ích không ít để làm gương cho chúng ta, hầu ta được gương mẫu giá trị cho tất cả cuộc đời. Quả vậy, ai muốn sống cho hoàn toàn chẳng cần làm gì khác, ngoài việc khinh chê những gì Đức Kitô đã khinh chê trên thập giá, và ước ao những gì Người đã ước ao, bởi vì thánh giá Chúa không thiếu một gương nhân đức nào.

  • Nếu bạn muốn tìm một gương bác ái, thì nầy chẳng ai có lòng bác ái lớn hơn người thí mạng sống mình cho bạn hữu. Đó là việc Đức Giêsu đã làm trên thập giá.
  • Nếu bạn muốn tìm gương kiên nhẫn, thì trên thập giá có sự kiên nhẫn trên hết. Đức Kitô trên thập giá đã chịu những đau khổ lớn lao mà vẫn kiên nhẫn, bởi vì " khi bị sỉ vả, Người không đe loi, như con chiên bị dẫn vào lò sát sinh. Người không hề mở miệng "
  • Nếu bạn muốn tìm gương khiêm nhường, hãy nhìn Chúa chịu đóng đinh: Người là Thiên Chúa, thế mà Người đã muốn chịu xử dưới thời Philatô và chịu chết. Nếu bạn muốn tìm gương vâng phục, thì chỉ có việc theo Đấng đã trở thành người vâng phục Chúa Cha cho đến chết; cũng như bởi tội của một người là Ađam, mọi người trở nên tội nhân thế nào, thì nhờ sự vâng phục của một Người, mọi người cũng đã được trở nên công chính như thế. Nếu bạn muốn tìm gương khinh chê của cải trần gian, thì chỉ cần chạy theo Đấng là Vua các vua và là Chúa các chúa, nơi Người tiềm ẩn mọi kho tàng khôn ngoan và thông thái; thế mà trên thập giá, Người đã nên trần truồng, bị chế giễu, nhổ mặt, đập đánh, đội vòng gai và uống mật đắng với dấm chua ...

Thánh nhân qua đời trên đường đi dự Công đồng Lyon , ngày 7 tháng 3 năm 1274; được phong thánh năm 1323, do Đức Giáo Hoàng Gioan 22.

* Quyết tâm: Noi gương thánh Tôma Aquinô, tôi quyết sống thanh sạch, thầm lặng, siêng năng học hành và kính mến Chúa Giêsu chịu đóng đinh.

* Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa làm cho thánh Tô-ma trở nên một bậc hầy lỗi lạc, vì đã ban cho người lòng tha thiết sống đời thánh thiện, và hăng say giảng dạy đạo lý cao siêu. Xin Chúa mở lòng soi trí, để chúng con ngày càng hiểu biết điều người dạy, và ra công bắt chước việc ngài làm. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

NGÀY 28 THÁNG 1
THÁNH TÔMA KHUÔNG
Linh mục tử đạo.

* Gương Thánh Nhân:
Khi đọc hạnh các thánh, chúng ta thấy nhiều vị đã noi gương Chúa Giêsu, từ bỏ địa vị quyền quý, sang trọng, giàu có, sống đời hy sinh, khổ hạnh, nghèo khó. Trong số các vị đó chúng ta phải kể thánh Tôma Khuông, linh mục Việt nam tử đạo.

Tôma Khuông sinh khoảng năm 1780, tại làng Nam Hoà, xứ Tiên Chu, tỉnh Hưng Yên, trong gia đình quyền chức vì cha cậu làm Tuần Phủ tỉnh nầy. Với tài trí thông minh xuất sắc, cậu có thể nối nghiệp cha làm lớn trong tỉnh, ăn trên ngồi trước thiên hạ, sống đời vinh thân phú quý. Nhưng cậu đã coi thường giàu sang, chức tước, theo đuổi một lý tưởng cao đẹp hơn: cậu sẵn sàng nghe theo tiếng gọi thiêng liêng, dâng mình giúp việc giảng đạo Chúa. Cậu xin vào chủng viện, học hỏi tu luyện tài đức, và đã được thụ phong linh mục.

Sau khi chịu chức linh mục, cha Tôma Khuông đem hết tài lực rao giảng Tin Mừng, đem Chúa đến cho đồng bào, đồng đạo. Ngài nổi tiếng là một linh mục nhân đức, thánh thiện. Ngoài ra các việc thiêng liêng theo chức vụ, ngài còn gia nhập dòng ba thánh Đaminh, để làm thêm nhiều việc lành, thánh hoá đời sống.

Ngoài lòng đạo đức thánh thiện ra, cha còn có biệt tài tiếp xúc giao thiệp với mọi hạng người, từ người dân thường đến các quan chức cao cấp. Mọi người đều có thiện cảm với cha. Nhờ đó, cha được dễ dàng thi hành việc mục vụ cho giáo dân, và giảng đạo cho lương dân. Có những lần cha bị bắt giữ, nhưng nhờ giao thiệp khéo mà cha đã được trả tự do, để tiếp tục thi hành sứ mạng Chúa giao phó.

Nhưng từ năm 1858, quân đội viễn chinh Pháp gây áp lực mãnh liệt hơn, bắn phá và chiếm đóng nhiều nơi, nên vua Tự Đức tức giận, thẳng tay đàn áp và bắt bớ ngưới Công giáo, vì nghi ngờ họ tiếp tay với thực dân xâm lược.

Thấy tình hình khó khăn. Cha Tôma Khuông định lánh sang làng Trần Xá. Nhưng vừa đi đến cầu ở đầu làng, cha thấy quân lính đã đặt sẵn cây Thánh giá ở đó, bắt buộc mọi người đi qua phải đạp lên. Cha thấy không thể nào đi qua cầu mà không đạp lên Thánh giá, nên định quay lại tìm đi đường khác. Quan quân thấy cha quay trở lại thì đuổi theo bắt cha, và họ phát giác cha là linh mục, nên giam vào ngục. Lúc đó cha đã 80 tuổi. Sau 15 ngày giam giữ, quan Tổng đốc cho dẫn cha ra xét xử. Quan tìm đủ cách buộc cha khai người Công giáo ở Cao Xá thông đồng với quân lính Pháp, chống lại nhà vua. Cha nói rõ cho quan biết lập trường của Hội thánh đối với chính quyền: Đạo chúng tôi dạy mọi người phải tôn trọng chính quyền, chẳng những không được phép chống đối, mà còn phải cầu nguyện và góp phần xây dựng quê hương xứ sở an bình thịnh vượng.

Thấy không thể ép buộc cha về vấn đề này, quan bắt cha bước qua Thập giá, và khuyên bảo các tín hữu bỏ đạo. Cha mạnh mẽ trả lời: Tôi là linh mục của Chúa Kitô.Hằng ngày tôi khuyên bảo các tín hữu trung thành tin Chúa, thờ Chúa. Chẵng lẽ giờ đây tôi lại nghe lời quan mà bảo họ bỏ Chúa, bỏ đạo sao? Nay tôi đã 80 tuổi rồi, tôi không mong gì hơn là được chết vì Chúa tôi. Quan hết lời dụ dỗ, ngăm đe, và dùng cả bạo lực bắt ép, cha cũng cương quyết không chịu bước qua Thập giá, thế là cha bị kết án tử hình. Và ngày 30 tháng giêng năm 1860, cha đã được phúc tử đạo.

Ngày 29 tháng 4 năm 1951, cha được Đức Thánh Cha Pi-ô XII phong lên chân phước. Và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nâng cha lên bậc Hiển thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988.

* Quyết tâm: Sẵn lòng hy sinh mọi danh vọng phú quý ở đời, sống đơn sơ khó nghèo, và nhiệt thành giúp việc Chúa suốt đời, theo gương thánh Tôma Khuông tử đạo.

* Cầu nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Ngày 31 tháng 1
THÁNH GIOAN BỐT-CÔ
Linh mục

* Gương Thánh nhân:
Gioan Bốt cô chào đời năm 1815, trong một gia đình nông dân nghèo khó ở Béc si, cách thành phố Tôrinô khoảng 20 cây số. Cha ngài mất sớm, để lại 3 người con. Mẹ ngài là bà Magarita phải tần tảo nuôi ngài.

Ở Béc-si không có trường học, Bốtcô phải vất vả sang cha xứ làng bên học đạo đức và giáo lý. Năm 1826, ngài rước lễ lần đầu và sau đó xin vào chủng viện. Sau những năm học tập tu luyện, Ngài được thụ phong linh mục năm 1841.

Ngài thấy ngoài đường phố đầy dẫy những đứa trẻ lang thang vất vưởng, không ai chăm sóc dạy bảo. Từ đó, ngài quyết định dâng trọn đời mình để lo lắng giúp đỡ tuổi trẻ, nhất là những trẻ cô thân lạc lõng, bụi đời. Ngài qui tụ chúng lại, nuôi dưỡng chúng, dạy dỗ cho chúng biết Chúa, mến Chúa, giúp chúng sửa đổi tánh nết, tập chúng làm việc.

Số trẻ ngài càng đông. Ngài phải tìm mướn nhà cho chúng ở. Nhưng mẹ ngài lo lắng bảo: - Con không có tiền làm sao mướn nhà được?

Nhưng ngài trả lời: Chúa quan phòng giàu có vô cùng. Ngài hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Chúa. Và Chúa luôn giúp đỡ ngài. Giải quyết được chỗ ở, ngài còn cần người cộng tác để giáo dục, hướng dẫn các trẻ. Ngài cầu nguyện, và Chúa soi sáng cho ngài lập một tu hội chuyên lo huấn luyện giới trẻ, theo tinh thần thánh Phanxicô ĐơXan. Năm 1859, ngài chính thức cho một số tu sĩ tuyên khấn, giữ ba lời khuyên Phúc Âm: khó nghèo, thanh tịnh và tuân phục. Đó là các tu sĩ Salêdiêng, hiện đang có mặt trên 102 quốc gia, chuyên lo giáo dục, đào tạo thanh thiếu niên.

Đường lối giáo dục của thánh Gioan Bốtcô căn cứ trên tình yêu, cậy dựa vào hồng ân của Thiên Chúa. Ngài luôn khuyên bảo các tu sĩ cộng tác với ngài: - Cha khuyên các con hãy bắt chước lòng bác ái của thánh Phaolô trong cách ngài đối xử với các người mới theo đạo, khiến nhiều khi ngài phải khóc lóc, nài van khi thấy họ ít nghe lời và phụ bạc tình thương của ngài. Hãy tránh những gì khiến người ta tưởng mình hành động theo dục vọng. Khi sửa phạt, thật khó mà giữ được sự bính tĩnh cần thiết, để người ta khỏi tưởng mình đang hành động vì thị uy hay nhằm trút hết cơn giận của mình.Hãy coi những trẻ em dưới quyền ta như con cái. Hãy đặt mình xuống phục vụ chúng, như Đức Giêsu đã đến không phải để chỉ huy, nhưng để phục vụ; hãy sợ cái gì có vẻ muốn điều khiển, và hãy điều khiển chỉ vì muốn phục vụ đắc lực hơn mà thôi. Đức Giêsu đã xử như thế với các tông đồ. Người chịu đựng sự dốt nát, tính cứng cỏi và cả đến lòng kém tin của họ. Người tiếp đón tội nhân cách tử tế và thân mật đến nỗi lắm kẻ ngạc nhiên, lắm kẻ khó chịu, nhưng lại khiến nhiều người hy vọng được ơn tha thứ. Chính vì vậy, Người đã bảo ta học cùng Người mà ở hiền lành và khiêm nhượng trong lòng . Lòng ta đừng rối lên, đừng khinh bỉ nhìn ai và đừng nói lời nguyền rủa bao giờ. Hãy có lòng nhân từ đối với hiện tại, hy vọng đối với tương lai: như vậy, các con sẽ thực sự là những người cha của tuổi trẻ và thực sự chu toàn được phận sự giáo dục".

Thánh nhân qua đời năm 1888 tại Turinô, và được phong thánh năm 1937.

* Quyết tâm: Noi gương thánh Gioan Bốt cô, tôi tin cậy Chúa quan phòng, và hy sinh lo cho tuổi trẻ sống nên người và xứng đáng làm con Chúa.

* Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã cho xuất hiện trong Hội thánh một người cha và một bậc thầy của giới thanh thiếu niên là thánh Gioan Bốt cô linh mục. Xin Chúa cũng đốt lửa yêu mến trong lòng chúng con, để chúng con biết phụng sự một mình Chúa, và lo cho anh em được cứu độ. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

2582    17-01-2011 20:51:38