Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Hạnh Thánh Tháng 10_phần 2

Ngày 11 tháng 10
THÁNH PHÊ-RÔ LÊ TÙY
Linh Mục Tử Đạo

* Gương Thánh nhân: Kinh Thánh thuật lại thời vua Ăn-ti-ô-cô cấm đạo, người ta bắt dân Chúa phải ăn thịt luật cấm, ai bất tuân sẽ bị xử tử. Có cụ Ê-lê-a-xa đã 90 tuổi bị bắt ép ăn thịt, nhưng cụ thà chết hơn là lỗi luật Chúa. Các lý hình thấy cụ già cả thì thương, muốn cứu sống cụ nên bảo: "Cụ hãy đem đến đây loại thịt nào được phép ăn, rồi giả bộ ăn trước mặt vua, để vua tha chết cho cụ." Nhưng cụ đáp: "Các cậu đã thương tôi, song tôi không dám gian dối lường gạt Thiên Chúa". Cụ đã bị đánh đòn đến chết, vì trung thành tuân giữ luật Chúa. (2 Mcb. 1).

Thánh Phê-rô Lê Tùy cũng như cụ Ê-lê-a-xa vì không khai gian nói dối mà bị tử hình, chịu chết đổ máu ra làm chứng cho Chúa. Lúc bị bắt nộp cho quan huyện Thanh Phương, quan bảo ngài khai là thầy thuốc chớ không phải Linh mục, quan sẽ cứu ngài khỏi chết. Nhưng cha từ chối không chịu khai dối, nên bị tống ngục và sau cùng phải trảm quyết (chém đầu).

Phê-rô Tùy sinh năm 1773, tại làng Bằng Sở, tỉnh Hà Đông, trong một gia đình khá giả đức hạnh.

Ngay từ nhỏ, cậu được Chúa chọn giúp việc Chúa, nên khi lớn lên đã xin gia nhập Chủng viện Kẻ Vĩnh. Trong thời gian tu học ở đây, cậu tỏ ra xuất sắc về trí thông minh và lòng đạo đức, được bề trên cũng như mọi người mến chuộng. Sau khi mãn thần học, Thầy Tùy thụ phong Linh mục, được bổ nhiệm làm phó xứ Đông Thành, rồi Châu Lộc, và sau được cử làm chánh xứ Nam Đường.

Là một Linh mục hiền lành, nhân đức, nhiệt thành trong sứ vụ tông đồ, nên dù ở đâu, với chức vụ nào, cha cũng luôn luôn sốt sắng chu toàn nhiệm vụ. Nhờ cha nhiều người chưa biết Chúa được nhận lãnh đức tin, những tín hữu bê bối trở lại đạo đức...

Giữa lúc cha hoạt động tông đồ đắc lực như thế, ngày 6 tháng giêng năm 1833, vua Minh Mạng ra sắc chỉ cấm đạo gắt gao. Và một tháng sau lại xảy ra cuộc nổi loạn của nhóm Lê Văn Khôi ở miền nam. Vua nghi ngờ người Công giáo theo phe phản loạn, nên ra lệnh bắt bớ giết hại dữ dội. Trước tình thế khó khăn, cha Phê-rô cũng như các Linh mục khác phải ẩn lánh rày đây mai đó, không còn hoạt động tông đồ công khai được. Dù vậy, cha cũng cố gắng lén lút thi hành sứ vụ, tìm cách dâng Thánh lễ và ban các Bí tích cho giáo dân, nhất là khích lệ mọi người can đảm trung thành tin theo Chúa.

Ngày 25 tháng 6 năm 1833, có người đến rước cha đi xức dầu cho một giáo hữu bệnh nặng ở gần những người lương. Trong khi cha xức dầu, một nhóm người ngoại đạo bắt trói cha nộp cho quan huyện Thanh Phương. Giáo hữu nghe tin cha bị bắt rất thương tiếc. Họ không đành để cho một vị cha già hết lòng tận tụy hy sinh cho đoàn chiên phải chịu cực hình khổ sở. Họ hùn tiền đến xin chuộc cha, nhưng sự việc không thành. Thế là cha bị đóng gông giải về tỉnh Nghệ An, tống vào ngục.

Trong thời gian gần bốn tháng bị giam giữ ở đây, nhiều lần quan đòi cha ra công đường tra khảo, bắt ép cha quá khóa (bước qua Thánh giá) chối đạo. Nhưng cha luôn từ chối, thà chịu khổ chịu chết vì Chúa chớ không bao giờ bỏ đạo. Thấy cực hình không khuất phục nổi lòng tin sắt đá của vị anh hùng, quan đổi chiến lược, trở lại dụ dỗ:

- Ai thấy ông bị đòn vọt tra tấn cũng bùi ngùi thương xót. Chính ta đây cũng rất thương ông, muốn cứu sống ông. Ông hãy khai mình là y sĩ chữa bệnh, chớ đừng khai là Linh mục. Ta sẽ thả ông.

Cha khẳng khái nói:

- Thiên Chúa dạy phải tôn trọng sự thật. Tôi là Linh mục, không thể khai gian nói dối. Dù có chết, tôi cũng bằng lòng.

Đứng trước lòng can đảm của bất khuất của người chiến sĩ Chúa Ki-tô, quan không còn cách nào khác hơn là làm án gởi về kinh cho vua định đoạt. Và vua Minh Mạng đã kết án trảm quyết ngài. Sáng ngày 11 tháng 10 năm 1833, ngài chịu chém đầu tại chợ Quân Ban, để làm chứng Chúa là Thiên Chúa thật, luôn dạy sự thật lẽ phải cho con người.

Ngày 27 tháng 05 năm 1900, Đức Thánh Cha Lê-ô 13 tôn phong ngài lên Chân phước. Và ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Giáo Chủ Gioan-Phaolô 2 suy tôn ngài lên bậc Hiển Thánh.

* Quyết tâm: Noi gương Thánh Phê-rô Lê Tùy Linh mục tử đạo, luôn luôn nói thật, làm theo sự thật, dù có khổ có chết cũng sẵn lòng chấp nhận, để làm chứng Chúa là Thiên Chúa thật.

* Lời nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

Ngày 14 tháng 10
THÁNH CA-LÍT-TÔ Giáo Hoàng Tử Đạo

* Gương Thánh nhân: Thánh Ca-lít-tô là con một gia đình thuộc giai cấp nghèo khổ ở Rô-ma.

Lúc còn nhỏ, thánh nhân làm nô lệ cho một người Công giáo. Nhưng khi lớn lên, Đức Giáo Hoàng Xê-phi-rin thấy ngài có tinh thần hy sinh phục vụ thì chọn ngài và phong cho chức phó tế, giao cho trách nhiệm coi sóc các hang toại đạo trên đường Vi-a Áp-pi-a. Ngài tận tụy chu toàn bổn phận, và sống đạo đức thánh thiện nên được mọi người quý mến kính chuộng.

Khi Đức Xê-phi-rin băng hà, vào năm 217, thánh nhân được giáo sĩ và giáo dân chọn làm Giáo Hoàng kế vị. Nhưng Linh mục Híp-pô-lít phản đối, cho rằng ngài lạc đạo, vì ngài theo phe những người chấp nhận cho kẻ chối đạo mà biết ăn năn trở lại Hội thánh.

Trong 5 năm trên ngôi Giáo Hoàng, thánh nhân luôn tỏ ra sáng suốt cương nghị. Ngài giải quyết ổn thỏa mọi vấn đề rắc rối khó khăn trong Giáo hội, và kiên quyết bảo vệ đức tin chân chính, mặc dầu thời gian nầy Hội thánh đang lâm nguy; bên ngoài thì vua chúa lăm le bắt bớ, nội bộ lại sa sút chia rẽ.

Chính thánh nhân tổ chức các phẩm chức trong giáo triều, ngài cũng lập luật giữ chay trong toàn thể Hội thánh, kết án lạc thuyết về Chúa Ba Ngôi của Sa-ben-li-ô, và thuyết nhị nguyên về Chúa Giê-su của Híp-pô-li-tô. Ngài cho xây dựng nhiều thánh đường, nhưng hầu hết đều bị phá hủy trong những cơn bách hại. Đặc biệt thánh nhân cổ võ việc giảng đạo cho lương dân, và rất nhiều người đã trở lại tin theo Chúa. Do đó mà vua quan ngoại giáo căm tức oán ghét. Họ ra lệnh bắt giết người Công giáo để trả thù.

Nghe tin đó, đức Giáo Hoàng cùng với 10 Linh mục đến ẩn trốn tại nhà ông Pon-si-en. Được biết thánh nhân trú ẩn tại nhà nầy, vua quan sai quân lính đến bao vây. Trong 4 ngày bị bao vây, ngài luôn ăn chay cầu nguyện, kêu xin Chúa ban ơn giúp sức cho ngài can đảm làm chứng cho Chúa. Sau cùng tất cả đều bị tống ngục.

Trong thời gian tù ngục, mỗi sáng thánh nhân bị điệu ra xét hỏi và đánh đòn nhừ tử, rồi tống vào ngục. Thánh nhân phải chịu cực hình như thế nhiều ngày; mặc dầu đau đớn khổ cực, ngài vẫn kiên trì chịu đựng vì tin chắc Chúa sẽ thưởng công bội hậu, như lời thánh Giám mục Síp-ri-a-nô nói:

"Trước mọi khủng bố của ma quỷ cũng như đe dọa của thế gian, linh hồn vẫn đứng vững vì được củng cố nhờ đức tin kiên vững vào những điều tương lai. Bách hại của thế gian quản thúc ta, nhưng trời sẽ mở ra. Phản Ki-tô đe dọa ta, nhưng Đức Ki-tô bảo vệ ta. Người ta bắt ta phải chết nhưng sự bất tử sẽ theo sau. Thật vinh dự và an toàn biết bao khi lìa khỏi trần gian trong vui mầng, khi ra khỏi những áp bức cùng quẩn trong vinh quang; khi nhắm mắt lại, không còn nhìn nhân loại và trần gian nữa trong chốc lát, để rồi mở ra nhìn thấy Thiên Chúa và Đức Ki-tô ! Thật là hạnh phúc khi được đi qua nhanh dường ấy: trong phút chốc ta rời khỏi thế gian để rồi được an vị nơi thiên quốc".

Đến ngày 14 tháng 10, người ta bắt ngài đeo một khối đá to, rồi xô xuống giếng.

Thánh nhân chết vì đạo năm 222.

* Quyết tâm: Hằng ngày lo làm tròn bổn phận đối với gia đình, xã hội và Giáo hội, theo gương thánh Ca-lít-tô Giáo Hoàng.

* Lời nguyện: Lạy Chúa, ngày hôm nay chúng con mầng kính Thánh Ca-lít-tô Giáo Hoàng tử đạo. Vì công đức của người, xin Chúa thương nhận lời chúng con khẩn nguyện, mà che chở gìn giữ chúng con.

Ngày 15 tháng 10
THÁNH TÊ-RÊ-SA A-VI-LA
Trinh Nữ Tiến Sĩ

* Gương Thánh nhân: Thánh nữ Tê-rê-sa sinh năm 1515, tại A-vi-la, nước Tây-ban-nha, trong một gia đình quý tộc đạo đức. Lúc nhỏ, thánh nữ rất thích đọc sách tu đức và hạnh thánh tử đạo, thấy các ngài can đảm hy sinh chịu khổ chịu chết vì Chúa, và được nên Thánh Cả trong Hội thánh, ngài bảo em: 'Chúng ta hãy đến chỗ người ta đang bắt đạo, để chị em mình được chết vì đạo, được Chúa thưởng lên thiên đàng hưởng phước với các thánh."

Thánh nữ chỉ mong được lên thiên đàng, và rất sợ hình khổ hỏa ngục. Thế là hai chị em kéo nhau đi. Nhưng đi được một quãng thì người cậu bắt gặp dẫn về.

Tê-rê-sa có lòng kính mến Đức Mẹ đặc biệt. Mỗi ngày ngài lần chuỗi Môi Khôi để tỏ lòng tôn kính Mẹ. Và năm lên 12 tuổi, mẹ ngài mất, ngài đến quỳ trước ảnh Đức Mẹ, xin Đức Mẹ nhận ngài làm con, và hứa suốt đời sống xứng đáng làm con Đức Mẹ.

Nhưng khi lớn lên, thánh nữ nhiễm mùi thế tục, vì ảnh hưởng không tốt của sách vở ngài đọc. Ngài bắt đầu trau tria làm tốt, ăn mặc đẹp đẽ, thích được người ta khen ngợi ve vản, ngày ngày mơ mộng vẩn vơ...

Cha ngài thấy vậy thì lo sợ, nên gởi ngài vào học nội trú trường các nữ tu dòng Thánh Au-cơ-tinh. Mặc dầu không muốn, nhưng Tê-rê-sa đã vâng lời vào trường, và ngài đã nhờ nếp sống đạo đức và gương sáng thánh thiện của các nữ tu mà tìm lại được lòng nhiệt thành sốt sắng như trước.

Nhưng chẳng may Tê-rê-sa ngã bệnh nặng, phải trở về nhà chữa trị. Dường như Chúa muốn luyện lọc ngài qua nhiều thử thách để trui rèn tâm hồn ngài: 12 tuổi mất mẹ, 15 tuổi nhiễm mùi thế tục, nay lại phải bệnh hoạn nặng nề !...

Trong thời gian chữa bệnh, thánh nữ nhận ra đời sống con người thật mỏng manh, nay khỏe mạnh mai ốm đau, và sự chết có thể đến dễ dàng bất cứ lúc nào. Và nếu chết mà còn mắc tội trọng, còn xa Chúa thì thật khốn khổ biết bao. Và ngài nghĩ đến hình khổ hỏa ngục rất đáng khiếp sợ... Lúc đó, ngài quyết tâm theo Chúa, mến Chúa, hiến trọn tình yêu cho Chúa, suốt đời chỉ yêu mến một mình Chúa thôi.

Thế là sau khi mạnh lại, thánh nữ đã xin nhập dòng Kín Ca-mê-lô tại A-vi-la, năm ngài 19 tuổi. Lúc đó nhà dòng còn sống thoải mái tự do, chưa nhiệm nhặt như ngày nay. Ngài đã sống trong cảnh như thế trong 15 năm.

Đến năm 1555, thánh nữ cảm thấy một cuộc chuyển biến sâu xa trong tâm hồn, khi ngài suy niệm về sự Thương Khó Chúa Giê-su. Ngài thấy Chúa khổ nhục nặng nề, còn mình sống tự do nhẹ nhàng. Ngài lấy làm sỉ nhục đau đớn và xót thương Chúa vô cùng. Trong thời gian nầy, thánh nữ được hưởng nhiều thị kiến lạ lùng. Những thị kiến của ngài đều được các nhà thần học công nhận là xác thực. Ngài nói: "Mỗi khi suy tưởng đến Đức Ki-tô, chúng ta hãy luôn nhớ đến tình yêu đã giục Người ban cho chúng con biết bao ân huệ. Hãy nhớ Thiên Chúa đã bày tỏ Người yêu thương chúng ta biết bao, khi cho chúng ta bằng chứng cả thể như vậy về tình yêu của Đức Ki-tô đối với chúng ta: và vì tình yêu đòi hỏi tình yêu, nên chúng ta hãy làm thế nào để luôn nhớ điều ấy, hầu nhờ đó mà thúc giục mình yêu mến. Thật vậy, nếu Thiên Chúa chỉ ban ơn nầy cho chúng ta một lần mà thôi, đó là ghi khắc sâu đậm tình yêu vào lòng chúng ta, thì mọi sự sẽ rất dễ dàng, và chỉ trong chốc lát chúng ta sẽ tiến lên rất nhiều và không phải khó nhọc gì".

Thánh nữ đã yêu mến, đã sống thân mật với Chúa Giê-su như người bạn, nên được Người mạc khải cho biết nhiều điều bí nhiệm, nhất là chỉ bảo ngài chỉnh đốn lại Dòng Kín Ca-mê-lô theo đúng ý Người muốn, với luật dòng nghiêm nhặt hơn, tất cả các nữ tu sống cách biệt với trần thế, tận hiến cuộc đời cho kinh nguyện hầu cứu vớt các linh hồn.

Thánh nữ qua đời ngày 15 tháng 10 năm 1582, được phong thánh năm 1628, và năm 1970 thì được Đức Thánh Cha Phao-lô 6 đặt làm tiến sĩ Hội thánh.

* Quyết tâm: Noi gương thánh nữ Tê-rê-sa, tôi hết lòng yêu mến Chúa, sẵn sàng hy sinh chịu khó hằng ngày, vì Chúa đã thương yêu tôi vô cùng.

* Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban ơn Thánh Thần soi sáng Thánh nữ Tê-rê-sa A-vi-la, để người vạch ra cho Hội thánh một con đường dẫn đến đỉnh cao toàn thiện. Xin cho chúng con hấp thụ giáo huấn của Người, và luôn khát khao sống cuộc đời lành thánh.

Ngày 16 tháng 10
THÁNH HÉT-VÍCH Nữ Tu

* Gương Thánh nhân: Thánh nữ Hét-vích sinh năm 1174, tại Ba-vi-ê, là con một gia đình quý tộc đạo đức. Năm lên 13 tuổi, thánh nữ đã kết hôn với bá tước Hen-ri miền Si-lê-si, và sinh được 6 người con.

Sau đó hai vợ chồng quyết định hiến thân cho Chúa, sống với nhau như anh em, để vừa lo dạy dỗ giáo dục con cái, vừa lo sống đạo đức khiết tịnh và làm việc bác ái từ thiện.

Từ đó thánh nữ hãm mình ép xác, ăn chay cầu nguyện. "Vì biết rằng những viên đá sống động mà Chúa định dùng để xây Giê-ru-sa-lem thiên quốc, ngay khi còn ở dương thế cần phải gọt dũa cho nhẵn bóng, và chịu nhiều thử thách mới có thể đạt đến vinh quang cao trọng và quê hương vinh hiển, nên nữ tỳ Chúa đã sẵn sàng chịu hết mọi đau khổ, và đã hành hạ thân xác không mảy may tiếc xót bằng những trận đòn phạt xác không ngừng. Quả thật, ngài đã chết dần mòn bởi ăn chay, và kiêng cử hằng ngày, đến nỗi có lắm người thán phục, không hiểu sao một phụ nữ yếu đuối như thế lại có thể chịu đựng được những giày vò thân xác như vậy.

Dù cần mẫn hãm mình ép xác, ngài vẫn hết sức kín đáo; và càng đề cao cảnh giác, thì sức mạnh tinh thần càng cao, ơn Chúa càng đầy, lòng đạo đức và lửa mến Chúa càng nung nấu cao độ trong tâm hồn... Tâm hồn sốt mến làm cho ngài hướng về Thiên Chúa thế nào, thì lòng nhân ái cũng làm cho ngài hướng về tha nhân, qua việc bố thí rộng rãi cho kẻ cùng khốn như vậy...

Và bởi vì nữ tỳ Chúa không bao giờ chểnh mảng làm việc thiện, nên đã được Chúa ban cho ơn nầy là, khi con người thiếu phương tiện và không còn sức riêng để làm việc thì cậy nhờ vào sức mạnh của Thiên Chúa và cuộc khổ nạn Đức Ki-tô, ngài đáp ứng được nhu cầu của những kẻ đến nài xin ngài giúp đỡ. Do đó, đối với những kẻ chạy đến xin giúp đỡ phần hồn phần xác, ngài đều có thể trợ giúp được theo như Chúa muốn".

Hằng ngày thánh nữ chăm sóc 13 người nghèo khổ, coi những người nầy như 12 thánh tông đồ và Chúa Giê-su. Ngài thương họ, lo lắng cho họ hết sức ân cần chu đáo, như lo cho chính Chúa Giê-su và các tông đồ của Người.

Nhưng Chúa thường thử thách kẻ có lòng kính mến Người. Thánh nữ phải chịu nhiều đau khổ do chồng con gây ra. Mấy đứa con trai luôn tranh chấp quyền lợi với nhau, còn chồng thì lại tranh chấp địa vị với bá tước bên cạnh, hai người chiến đấu với nhau, khiến Hen-ri chồng ngài bị thương nặng và chết năm 1238.

Hết sức đau lòng, nhưng thánh nữ luôn sẵn sàng chấp nhận và vâng theo thánh ý Chúa. Những đau khổ chồng chất đó chẳng những không làm cho ngài nản chí, mà còn giúp ngài tăng thêm lòng đạo đức thánh thiện và dứt bỏ mọi sự thế gian. Thánh nữ đã lập một dòng khổ tu, sống nhiệm nhặt theo luật dòng và qua đời tại đây ngày 15 tháng 10 năm 1243. Năm 1267, ngài được tôn phong Hiển thánh.

* Quyết tâm: Cầu xin cho những người có gia đình biết lo sống đạo đức thánh thiện, và sẵn lòng chịu mọi khổ cực do gia đình gây ra, để làm sáng danh Chúa, theo gương thánh nữ Hét-vích.

* Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã lấy đời sống lạ lùng của thánh Hét-vích mà nêu gương khiêm nhường cho mọi người. Vì lời chuyển cầu của thánh nữ, xin Chúa thương ban ơn trợ giúp con trên đường về quê trời.

THÁNH NỮ
MA-GA-RI-TA MA-RI-A A-LA-CỐC

* Gương thánh nhân: Thánh nữ Ma-ga-ri-ta sinh năm 1647, tại Lô-tơ-cua, nước Pháp. Lúc nhỏ, thánh nữ có lòng tôn kính Đức Mẹ đặc biệt. Ngài siêng lần chuỗi Môi Khôi hằng ngày để tỏ lòng sùng kính Mẹ.

Nhưng mới lên 8 tuổi, thánh nữ đã gặp phải cơn thử thách nặng nề, cha ngài từ trần, để lại người mẹ yếu đuối với 7 người con, mà ngài là con thứ năm. Vì thế mẹ ngài phải điều động gia đình về tá túc quê ngoại. Ở đây mẹ ngài không làm gì ra tiền, mà còn bị bà con lối xóm rút rỉa, làm cho mẹ con ngày càng nghèo túng. Nhưng dù sao mẹ ngài cũng lo cho con cái ăn học; thánh nữ được gởi học ở tu viện thánh Cla-ra, và rước lễ lần đầu tại đây.

Sau ngày rước Chúa lần đầu, thánh nữ cảm thấy muốn dâng mình cho Chúa. Nhưng Chúa còn thử thách ngài: ngài ngã bệnh nặng, phải nằm tịnh dưỡng 4 năm trời. Ngài cầu xin Đức Mẹ và hứa khi được mạnh lại, sẽ vào dòng dâng kính Mẹ. Đức Mẹ đã nhậm lời ngài, cho ngài mạnh lại. Thế là tháng 6 năm 1671, Ma-ga-ri-ta đã gia nhập Dòng Đức Mẹ Thăm Viếng tại Pa-rây-mô-ni-a.

Trong cuộc tĩnh tâm khấn dòng tháng 11 năm 1672, thánh nữ thấy Chúa Giê-su hiện ra, đầu đội mão gai, vai vác thập giá, toàn thân đầy vết tích với trái tim loang máu trên ngực và nỏi:

- Đây là trái tim Cha yêu mến loài người quá bội, nhưng loài người đã vô tình phụ bạc. Con hãy mời gọi mọi người tôn sùng Trái Tim Cha, để đáp lại tình thương của Cha.

Sau đó Chúa Giê-su còn hiện ra nhiều lần với thánh nữ, và giao cho ngài sứ mạng truyền bá việc tôn sùng Trái Tim Người.

Từ đó, thánh nữ nhiệt thành cổ động mọi người tôn sùng Trái Tim Chúa. Ngài nói: "Theo tôi, Chúa Giê-su rất ao ước cho Thánh Tâm Người được tôn sùng một cách đặc biệt, là cốt để cho hiệu quả ơn cứu chuộc được phục hoạt trong tâm hồn chúng ta. Bởi vì, Thánh Tâm Người là nguồn mạch sung mãn chỉ muốn tràn vào tâm hồn những người khiêm tốn, để họ tình nguyện và sẵn lòng hy sinh tất cả đời mình làm đẹp lòng Người".

"Có ba nguồn suối từ Thánh Tâm Chúa tràn ra liên lỷ: trước tiên là nguồn suối nhân từ đối với tội nhân, để họ được tinh thần ăn năn sám hối. Kế đến là nguồn suối yêu thương chảy ra để cứu giúp những kẻ lao nhọc đang túng thiếu, nhất là những ai đang khao khát nên trọn lành, để họ có sức thắng vượt trở ngại. Sau cùng là nguồn suối tuôn tràn tình yêu và ánh sáng, cho những bạn hữu trọn lành mà muốn liên kết với Người, để thông cho sự khôn ngoan cũng như các huấn giới của Người, hầu mỗi người theo cách thức của mình mà hoàn thành tận hiến mình để làm vinh danh Người".

"Trái Tim Chúa là vựa mọi ơn lành để người nghèo khó đến dìm mọi nhu cầu của mình xuống, là khu vực vui vẻ để dìm mọi ưu phiền của chúng ta, là vực khiêm tốn để lấp đầy lòng kiêu ngạo của chúng ta, là vực nhân ái cho những ai bất hạnh, và là vực yêu thương để nuốt mọi thống khổ của chúng ta". Bởi thế, trong mọi việc, các bạn hãy liên kết với Trái Tim Chúa Giêsu- Kitô..."

Thánh nhân qua đời ngày 16 tháng 10 năm 1690, và năm 1920 được phong lên Hiển thánh.

* Quyết tâm: Nghe lời thánh nữ Ma-ga-ri-ta truyền dạy, hằng ngày tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giê-su và cổ động cho nhiều người cũng tôn kính, để được hưởng nhờ mọi ân huệ thiêng liêng của Người.

* Lời nguyện: Lạy Chúa, xin tuôn đổ vào lòng chúng con ơn Thánh Thần như xưa Chúa đã rộng ban cho thánh nữ Ma-ga-ri-ta Ma-ri-a, nhờ đó, chúng con sẽ hiểu biết tình thương của Đức Ki-tô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết của loài người, và cho chúng con sẽ được đầy tràn sức sống viên mãn của Chúa.

1440    17-01-2011 21:24:22