Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Hạnh Thánh Tháng 10_phần 3

Ngày 17 tháng 10
THÁNH I-NHA-XI-Ô ĂN-TI-Ô-KI-A
Giám Mục Tử Đạo

* Gương Thánh nhân: Theo truyền thuyết, thánh I-nha-xi-ô chính là đứa trẻ mà Chúa Giê-su đặt giữa các môn đệ, để dạy các ông bài học khiêm tốn và tin tưởng phó thác như trẻ thơ, để được vào Nước Trời. Câu chuyện xảy ra như sau:

"Các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng:

- Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?

Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo:

- Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ nầy, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. (Mt. 18, 1-4).

Thánh I-nha-xi-ô có biệt hiệu là Tê-ô-pho, là người mang Chúa. Ngài là vị Giám mục thứ ba của giáo đoàn Ăn-ti-ô-ki-a, sau thánh Phê-rô và thánh Ê-vô-đi-ô.

Thánh nhân là một vị Giám mục thánh thiện nổi tiếng, là gương mẫu mọi nhân đức cho các thành phần trong Hội thánh. Trong suốt 40 năm cai quản giáo phận, ngài luôn tỏ ra là Vị mục tử nhân lành và nhiệt tâm lo truyền bá đức tin.

Đời sống thánh thiện và lòng nhiệt thành truyền giáo của thánh nhân đã thấu đến tai hoàng đế Tra-đa-nô. Ông ta là người mê tín, nghĩ rằng muốn làm đẹp lòng các thần minh thì phải tiêu diệt người Công giáo. Vì thế khi nghe nói vị Giám mục thánh thiện nhiệt tâm truyền giáo nầy, ông ta không thể bỏ qua được. Thế là tháng giêng năm 107, ông ta thân hành đến Ăn-ti-ô-ki-a, ra lệnh bắt thánh nhân đến cho ông ta tra xét. Vừa thấy mặt thánh nhân, ông ta lớn tiếng bảo:

- Có phải chính mi là Giám mục I-nha-xi-ô, là tên xúc phạm đến thần minh của ta chăng?

- Chính tôi đây.

Nhà vua hỏi tiếp:
- Người ta bảo rằng mi lấy biệt hiệu là Tê-ô-pho, Tê-ô-pho có nghĩa là gì?

Ngài thưa:
- Có nghĩa là người mang Chúa trong lòng.

Vua bảo:
- Mi tưởng rằng ta không mang thần minh trong lòng ta sao? Mi hãy tế thần minh đi.

Thánh nhân thưa:
- Thần minh của các ông chỉ là ma quỷ bụt thần, không đáng cho chúng tôi tế lễ. Chúa chúng tôi mới đúng thật là Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hóa mà mọi người đều có bổn phận phải tôn thờ.

Nhà vua nổi nóng lên, quát lớn:
- Tế thần mau, bằng không mi phải chết.

Thánh nhân thưa:
- Tôi không tế thần. Tôi sẵn sàng chết vì Chúa tôi.

Thấy không thể nào lay chuyển lòng tin của thánh nhân, nhà vua truyền lệnh đem ngài về Rô-ma cho thú dữ xé xác.

Thế là hôm sau, người ta điệu thánh nhân đến Rô-ma. Dọc đường, ngài viết thơ xin các giáo đoàn giúp cho ngài sớm được thú dữ nghiền nát, để nên bánh dâng hiến Chúa: "Tôi viết cho mọi Hội thánh và loan báo cho mọi người biết tôi sẵn sàng chết vì Chúa, miễn là anh em đừng ngăn cản tôi. Hãy để tôi nên của ăn cho thú dữ, cho tôi được về cùng Thiên Chúa. Tôi là hạt lúa miến của Thiên Chúa, tôi sẽ bị răng thú dữ nghiền nát, để trở nên bánh tinh tuyền của Đức Ki-tô. Anh em hãy cầu xin Đức Ki-tô cho tôi, để nhờ các khổ hình, tôi trở nên hiến lễ cho Thiên Chúa".

Tại Rô-ma, thánh nhân đã được Chúa ban như lòng sở nguyện. Người ta đã trói quăng ngài cho thú dữ cắn xé, và ngài đã trở nên hiến lễ cho Thiên Chúa vào năm 107.

* Quyết tâm: Noi gương thánh I-nha-xi-ô, hằng ngày tôi sẵn lòng chịu mọi sự khổ sự cực vì Chúa, làm của lễ dâng tiến Chúa, để nên phương tiện cứu rỗi linh hồn tôi và anh chị em tôi.

* Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho các anh hùng tử đạo can đảm tuyên xưng đức tin, để làm vẻ vang cho toàn thể Hội thánh. Hôm nay chúng con mầng thánh Giám mục I-nha-xi-ô đã qua đường khổ nạn mà đạt tới vinh quang. Xin cho chúng con cũng được nhờ công đức của Người mà giữ vững một lòng tin bất khuất.

THÁNH I-SI-ĐÔ-RÔ KÍNH
Linh Mục Tử Đạo

* Gương Thánh nhân: Chúa Giê-su tuyên bố: "Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình" (Ga. 10, 18).

Vì thương loài người, Chúa Giê-su đã hy sinh mạng sống, chịu chết treo trên thánh giá, để cứu mọi người khỏi khốn khổ phần hồn phần xác. Noi gương Chúa, thánh I-si-đô-rô Kính, ,Linh mục thừa sai, cũng đã tự nguyện nộp mình chịu chết, với ước nguyện cứu đoàn chiên mình khỏi bị bách hại, dưới thời vua Minh Mạng bắt đạo.

I-sô-đô-rô tên thật là Ga-gơ-lin (Gagelin), sinh năm 1799 tại Pháp. Ngay từ nhỏ, cậu đã ước muốn làm Linh mục, giúp việc giảng đạo. Lớn lên, cậu xin vào chủng viện. Và sau thời gian tu học, thầy gia nhập Hội Thừa Sai Pa-ri là hội chuyên đào tạo Linh mục truyền giáo các nước.

Ngày 28 tháng 11 năm 1820, thầy cùng ba đồng bạn được gởi sang Việt Nam , và năm sau được Đức Cha Bình, Giám mục giáo phận Đàng Trong truyền chức Linh mục, và đặt tên là Kính.

Sau khi lãnh chức Linh mục, cha được Đức Cha bổ nhiệm làm giáo sư chủng viện An Ninh ở Quảng Trị. Với tinh thần tông đồ nhiệt thành, cha tận tụy giáo huấn các chủng sinh, ngoài ra cha còn tìm thời giờ rao giảng đạo Chúa cho người lương và ban Bí tích cho các tín hữu ở vùng phụ cận. Lúc đó Minh Mạng mới lên ngôi kế vị vua cha, việc giảng đạo còn dễ dàng.

Nhưng đầu năm 1827, vua ra lệnh tất cả các giáo sĩ ngoại quốc phải tập trung về Kinh đô, viện cớ cần nhờ các ngài dịch sách và làm thông ngôn cho triều đình; kỳ thực là cố ý ngăn chặn việc giảng đạo, và cô lập các chủ chăn để đàn chiên tan rả. Cha Kính cũng được lệnh triệu tập về triều đình, nhưng cha còn nán ở lại giúp các tín hữu. Đến khi có lệnh gọi lần thứ ba, cha mới lên đường về Kinh đô. Vua đề nghị ban chức tước cho cha, nhưng cha từ chối và nói:

- Tôi từ bỏ quê hương xứ sở đến đây là để giảng đạo cho người Việt Nam nhìn biết tôn thờ Chúa, hầu được cứu rỗi, được hưởng hạnh phúc muôn đời. Tôi không có ý sang đây để lãnh chức tước của triều đình. Nhưng việc nào có thể giúp được nhà vua thì tôi sẵn sàng.

Trong thời gian ở Kinh đô, cha gặp được hai Linh mục thừa sai khác là cha Từ và cha Phương. Các ngài bị giam lỏng trong triều đình, không được tự do làm việc tông đồ. May nhờ có quan Lê Văn Duyệt can thiệp, nhà vua buộc lòng trả tự do cho các ngài.

Cha Kính trở về Đồng Nai, đến nhiều họ đạo ở miền Nam , chăm sóc các giáo hữu. Năm 1829, cha đến chủng viện Lái Thiêu, được Đức Cha Từ chọn làm Bề Trên giáo phận, và phái đi truyền giáo ở miền Trung. Cha đến tỉnh Phú Yên và nhiều tỉnh khác, rao truyềnđạo Chúa cho mọi người. Nhờ cha, nhiều người lương được nhìn biết Chúa, các giáo hữu sốt sắng sống đạo.

Đang lúc cha hoạt động tông đồ đắc lực thì ngày 06 tháng giêng năm 1833, vua Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm đạo gắt gao. Các Linh mục phải tìm nơi ẩn trốn, để lén lút ban các Bí tích cho bổn đạo. Cha cũng phải lẩn tránh như các Linh mục khác. Nhưng vì thấy nhiều giáo hữu bị bắt bớ, tù ngục, giết chết thảm thiết, cha không thể cầm lòng được. Cha hết sức đau lòng trước cảnh đàn chiên đau khổ tan tác. Cha viết thơ xin Đức Cha ban phép cha ra nộp mình cho vua quan, hy vọng cứu đàn chiên khỏi phải bắt bớ giết hại. Đức Cha Từ chấp thuận. Thế là tháng 05 năm 1833, cha ra trình diện với quan huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định, và bị giải về Kinh thành Huế.

Suốt 7 tuần bị giam giữ ở đây, cha không phải thẩm vấn lần nào, vì vua quan biết rõ không thể nào lay chuyển nổi lòng tin sắt đá của cha. Và ngày 17 tháng 10 năm 1833, quân lính điệu cha đi xử giảo tại pháp trường Bãi Dâu. Đến nơi, cha quỳ gối cầu nguyện sốt sắng. Sau hồi chiêng hiệu lệnh, quân lính tròng dây vào cổ cha, kéo hai đầu dây thật mạnh; vị anh hùng chứng nhân của Chúa trút hơi thở cuối cùng, lãnh nhận triều thiên tử đạo vinh hiển...

Đức Thánh Cha Lê-ô 13 đã phong Chân phước cho cha ngày 27 tháng 05 năm 1900, và ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Giáo Chủ Gioan-Phaolô 2 suy tôn cha lên Hiển thánh.

* Quyết tâm: Sẵn sàng từ bỏ gia đình xứ sở đi rao giảng đạo Chúa, và hy sinh chịu khổ chịu chết để đàn chiên Chúa được sống được phát triển, theo gương thánh I-si-đô-rô Kính Linh mục tử đạo.

* Lời nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

Ngày 18 tháng 10
THÁNH LU-CA Thánh Sử

* Gương Thánh nhân: Thánh Lu-ca sinh tại Ăn-ti-ô-ki-a xứ Sy-ri, trong một gia đình đạo Do-thái. Ngài làm nghề thầy thuốc, và trong những lúc rảnh rỗi thì học thêm hội hoạ, nhờ đó mà sau nầy ngài họa ảnh Đức Mẹ.

Đang lúc hành nghề ở Ăn-ti-ô-ki-a thánh nhân nghe nói đến Chúa Giê-su, Người đang giảng đạo và làm nhiều phép lạ tại Giu-đê. Ngài muốn biết Người, thấy Người, và ngài đã tìm đến gặp Chúa. Khi gặp thấy Chúa và nghe Người bảo:

- Ai muốn làm môn đệ Ta, hãy từ bỏ mọi sự mà theo Ta.

Thế là thánh nhân từ bỏ quê hương gia đình đi theo làm môn đệ Chúa. Ngài luôn sống khắng khít với Chúa, nghe lời Chúa dạy, xem các phép lạ Chúa làm, chúng kiến cuộc Tử Nạn, Phục sinh và lên trời của Người. Ngài cũng đã nhận lãnh Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần, và đi rao giảng Tin mừng cho Ăn-ti-ô-ki-a, xứ sở ngài.

Về sau, vì cảm phục tài đức Phao-lô, thánh nhân theo làm đệ tử ông, và phụ giúp ông trong các cuộc hành trình truyền giáo, cùng chia sẻ mọi nỗi nhọc nhằn, đau khổ, bách hại.

Được Chúa Thánh Thần linh ứng, thánh Lu-ca đã viết sách Tin mừng mang tên ngài, "Tin mừng theo thánh Lu-ca" và sách "Tông đồ Công vụ". Sách Tin mừng tường thuật cuộc đời Chúa Giê-su và công cuộc cứu rỗi của Người, còn sách Tông Đồ Công Vụ kể lại các hoạt động truyền giáo của các Thánh Tông đồ.

"Thánh nhân được tặng cho danh hiệu là văn sĩ ca tụng lòng nhân hậu của Đức Ki-tô. Thánh Lu-ca lấy làm cảm kích về bản tính nhân loại tuyệt vời của một vị Thiên Chúa đã tỏ ra xao xuyến trước tình cảnh một bà mẹ vừa mất đứa con duy nhất; một vị Thiên Chúa làm bạn với đám dân nghèo bị người ta chà đạp".

"Là thầy thuốc, nên tác giả viết về bệnh tật một cách chính xác, và cũng vì thế biết rung cảm trước những khổ đau nơi thân xác con người. Phải chăng vì vậy, trong tác phẩm của mình, tác giả đã dành cho người nghèo khổ, ốm đau, tội lỗi và phụ nữ một chỗ đặc biệt, với những lời lẽ đầy ngọt ngào an ủi?"

"Tác giả lại còn có tài văn chương, thông thạo văn hóa Hy-lạp. Tác phẩm có nhiều ưu điểm: Lời văn sáng sủa, mạch lạc, nhuần nhuyển một cách linh động theo những đề tài khác nhau, và chứng tỏ một bút pháp thật điêu luyện ở một vài đoạn (1, 1-4. 24, 13-35). Cách trình bày có trật tự và nghệ thuật, phác họa nét độc đáo của cốt chuyện. Ngôn ngữ Lu-ca phong phú nhất trong tất cả các sách Tân ước".

Sau khi thánh Phao-lô qua đời, thánh sử Lu-ca tiếp tục giảng đạo ở Ý, Pháp, và sau cùng chịu chết đổ máu ra làm chứng cho Chúa.

* Quyết tâm: Noi gương thánh Lu-ca, tôi nhiệt thành giúp việc giảng đạo Chúa, bằng lời nói việc làm hằng ngày trong đời sống, đặc biệt có lòng thương cảm giúp đỡ người nghèo khổ, thấp hèn, tội lỗi như thánh nhân.

* Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã chọn thánh Lu-ca, sai đi rao giảng và viết sách Tin mừng, để làm cho mọi người nhận biết Chúa đặc biệt yêu thương những kẻ nghèo khó. Xin cho những người mang danh Ki-tô hữu được đồng tâm nhất trí với nhau, hầu muôn dân được thấy ơn cứu độ.

Ngày 19 tháng 10
THÁNH GIOAN BƠ-RÊ-BỐP,
I-SA-ÁC GIO-GƠ và các bạn Tử Đạo

* Gương Thánh nhân: Năm 1632, các cha Dòng Tên bên Pháp được giao trách nhiệm truyền giáo cho những bộ lạc người da đỏ ở Bắc Mỹ.

Những người da đỏ lúc đó sống rất tồi tệ trong những làng lụp xụp và thiếu hẳn văn minh, các bộ lạc thường tranh chấp chém giết nhau rất dã man.

Vì thiếu nhân sự, nhất là vì tình trạng khó khăn như thế, nên các tu sĩ tập trung sống với nhau và bắt đầu giảng đạo cho dân chúng bộ lạc Hu-ron. Nhưng bộ lạc nầy luôn bị dân I-rô-cô đánh phá, vì thế họ đổ lỗi cho các nhà truyền giáo đã gây tang thương đau khổ cho họ. Họ thù ghét, giết hại các ngài. Nhiều vị thừa sai đã bị giết trên cánh đồng truyền giáo nầy, trong số đó có 8 vị chúng ta kính nhớ hôm nay là:

* Thánh Gon-Pin bị giết ngày 29 tháng 9 năm 1642, vì đã rửa tội cho một trẻ em.
* Thánh I-sa-ác Gio-gơ tử đạo ngày 18 tháng 10 năm 1644.
* Thánh Gioan La-lăn chịu chết vì đạo ngày 10 tháng 10 năm 1646
* Thánh An-tôn Đa-ni-en tử đạo ngày 7 tháng 4 năm 1648.
* Thánh Gioan Bô-rê-bốp tử đạo ngày 16 tháng 3 năm 1649.
* Thánh Ga-bi-ri-e Lan-lơ-man chết vì đạo ngày 19 tháng 3 năm 1649.
* Thánh Ca-rô-lô Ga-ni-ê tử đạo ngày 7 tháng 12 năm 1649.
* Thánh No-en Ca-ba-nen chịu chết vì Chúa ngày 8 tháng 12 năm 1649.

Các ngài chịu khổ chịu chết vì Chúa, đó là điều các ngài luôn mong ước, như chúng ta thấy thánh Gioan Bơ-rê-bốt đã cầu xin Chúa:

"Lạy Chúa, lạy Chúa Giê-su Đấng Cứu chuộc con, con biết lấy gì đền đáp muôn ân huệ của Chúa đã ban cho con? Con sẽ nhận lấy chén đau khổ mà Chúa đã trao cho con và con sẽ khẩn cầu danh Chúa. Trước mặt Chúa Cha hằng hữu và Chúa Thánh Thần, trước mặt Mẹ chí thánh và thánh Giu-se bạn rất thanh sạch của ngài, trước mặt các thiên thần, các thánh tông đồ, tử đạo và cha thánh I-nha-xi-ô của con, cũng như trước mặt thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê, con xin khấn hứa, bao lâu còn sức, con sẽ không bao giờ tránh né ơn tử đạo, nếu có ngày nào đó mà vì lòng thương xót Chúa khấng ban ơn trọng đại đó cho con là tôi tớ hèn mọn của Chúa.

"Bao lâu con còn sống, con cam kết là con sẽ không tự ý tránh những cơ hội chịu chết và đổ máu vì Chúa, trừ phi con thấy phải hành động cách khác mới làm vinh danh Chúa hơn... Hơn nữa, con còn cam kết là khi con chịu tử hình, con sẽ nhận nó từ tay Chúa với cả niềm khao khát và vui mầng; vì thế, lạy Chúa Giê-su rất đáng yêu mến, vì niềm tin to lớn con đang có đây, ngay từ bây giờ, con xin hiến dâng cho Chúa máu thịt con, thân xác con và cả đời sống con. Con chỉ muốn chết vì Chúa, nếu Chúa ban ân huệ đó cho con, vì Chúa đã khấng chịu chết vì con..."

Mặc dầu bị giết chết, máu các ngài đổ ra đã phát sinh nhiều người có đạo trên xứ nầy. Các ngài đã được Đức Thánh Cha Pi-ô thứ 11 tôn phong Hiển thánh năm 1930.

* Quyết tâm: Noi gương thánh Gioan Bơ-rê-bốp, và các bạn tử đạo với ngài, hằng ngày tôi cầu xin Chúa cho tôi sẵn lòng chịu cực chịu khó vì Chúa, để hiệp cùng sự Thương khó Chúa cứu rỗi linh hồn tôi và mọi người thân yêu của tôi.

* Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã sai hai thánh Gioan và I-sa-ác cùng các bạn đi rao giảng Tin mừng và cuối cùng các ngài đã hy sinh mạng sống, để thánh hóa Giáo hội miền Bắc Mỹ châu ngay từ những bước đầu. Xin nhận lời các ngài cầu thay nguyện giúp, mà cho Giáo hội khắp mọi nơi luôn được mùa trên cánh đồng truyền giáo.

THÁNH PHAO-LÔ THÁNH GIÁ Linh Mục

* Gương Thánh nhân: Thánh Phao-lô Thánh giá sinh tại Ô-vi-đa nước Ý, năm 1694, trong một gia đình thương gia giàu có đạo đức.

Ngay từ nhỏ, thánh nhân đã được mẹ dạy dỗ đầy đủ về đạo hạnh, đặc biệt về lòng tôn kính cuộc Thương khó Chúa. Vì thế khi lớn lên, ngài hết lòng kính mến Chúa Giê-su chịu đóng đinh, chịu chết trên khổ giá, hằng ngày thánh nhân thực hành việc hãm mình phạt xác và ăn chay, quỳ gối cầu nguyện lâu giờ trước ảnh chuộc tội.

Năm lên 20 tuổi, thánh nhân gia nhập Đạo Binh Thánh giá, tham gia công cuộc bảo vệ Hội thánh, chống lại đạo quân Hồi giáo đang xâm chiếm Thánh Địa.

Năm 1720, thánh nhân được Chúa soi sáng. Ngài thấy cần lập một hội dòng tôn sùng sự Thương Khó Chúa Giê-su. Ngài thảo bộ luật Dòng và gởi xin Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đi-tô thứ 14 phê chuẩn.

Bảy năm sau, thánh nhân chịu chức Linh mục và được phép thâu nhận tập sinh vào dòng. Đó là Dòng Thương Khó, đặc biệt tôn sùng Chúa Giê-su chịu khổ hình chịu chết vì tội loài người. Ngài thường nói với các tập sinh: "Thật là việc tốt lành và thánh thiện khi suy tưởng và suy ngắm các khổ nạn của Chúa, vì nhờ con đường nầy mà người ta đạt tới sự kết hiệp thánh thiện với Thiên Chúa. Chính trong ngôi trường rất thánh nầy, mà người ta học được sự khôn ngoan chân thật, vì chưng, tất cả các thánh đều học khôn ở đó. Khi nào Thập Giá của Đức Giê-su dịu hiền đã đâm rễ trong tâm trí anh em, lúc ấy anh em hãy ca lên: "Chịu khổ chớ không chịu chết", hay là "hoặc chịu khổ hoặc chịu chết", hay hơn nữa "chẳng chịu khổ cũng chẳng chịu chết, nhưng chỉ trọn vẹn tuân theo thánh ý Thiên Chúa".

"Tình yêu là một năng lực hiệp nhất; nó biến những khổ hình của Đấng thiện hảo đáng yêu mến của mình. Ngọn lửa tình yêu lan tới tận tâm can, biến người yêu thành kẻ được yêu thương, và một cách sâu hơn, tình yêu nhập vào trong khổ đau và đau khổ nhập vào tình yêu; cả hai hòa nhập keo sơn đến nỗi không thể phân biệt tình yêu với đau khổ. Bởi vậy tâm hồn yêu mến reo vui trong chính nỗi khổ sầu, và nhảy mừng hoan lạc trong chính tình yêu bi thương của mình".

"Vậy anh em hãy kiên trì thực hành mọi nhân đức, nhất là hãy noi gương bắt chước đức nhẫn nhục chịu đựng trong Đức Giê-su dịu hiền, vì đó chính là tuyệt đỉnh của tình yêu thuần khiết. Anh em hãy làm sao để mọi người thấy anh em không những mang lấy hình ảnh Đức Ki-tô chịu đóng đinh là gương mẫu cho mọi dịu ngọt và hiền lành tự đáy lòng, mà còn cả ở bên ngoài nữa..."

Ngoài ra việc đào luyện các tu sĩ, thánh nhân còn đi khắp nước Ý, rao giảng kêu gọi mọi người tôn sùng sự Thương Khó Chúa. Đi tới đâu, dân chúng cũng tiếp đón ngài nồng hậu kính cẩn, vì họ nhìn nhận ngài là một Đấng Thánh.

Thánh nhân qua đời ngày 18 tháng 10 năm 1775 và năm 1865 được tôn phong Hiển thánh.

* Quyết tâm: Hết lòng tôn kính Chúa Giê-su chịu khổ hình chịu chết trên Thánh giá, và hằng ngày sẵn lòng vác khổ giá theo Chúa, để được hưởng nhờ ơn cứu rỗi, theo gương thánh Phao-lô Thánh Giá.

* Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Phao-lô Linh mục lòng thiết tha yêu mến Thập giá Đức Ki-tô. Xin làm cho chúng con biết noi gương thánh nhân để lại, mà can đảm vác Thập giá của mình.

1545    17-01-2011 21:26:18