Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Hạnh Thánh Tháng 10_phần 4

Ngày 23 tháng 10
THÁNH GIOAN CA-PÍT-TRA-NÔ Linh Mục

* Gương Thánh nhân: Thánh Gioan sinh năm 1386, tại Ca-pít-tra-nô, nước Ý.

Lớn lên, thánh nhân theo học môn luật, và sau khi tốt nghiệp thì hành nghề thẩm phán. Ngài theo lương tâm nghề nghiệp mà thi hành chức vụ cách khôn ngoan, đồng thời biết thương yêu nâng đỡ kẻ nghèo khó, cô thế cô thân, nên được mọi người quý mến kính trọng. Nhưng năm 1416, trong một cuộc giải hòa, ngài bị tố cáo thiên vị, nên bị bắt giam ở Ri-mi-ni.

Những ngày tù ngục gian khổ làm cho thánh nhân thấy rõ đời toàn là giả trá gian xảo và không có gì tồn tại bền bĩ. Danh vọng chức tước nay còn mai mất, chẳng khác trò hề trên sân khấu. Chỉ có Chúa mới tồn tại, chỉ có Chúa mới là chỗ dựa vững chắc, chỉ có Chúa mới là nguồn hạnh phúc thật cho con người. Và ngài bắt đầu quy hướng cuộc đời về Chúa.

Thế là sau khi được phóng thích, thánh nhân xin gia nhập Dòng Anh Em Hèn Mọn, từ bỏ cuộc đời, hiến trọn đời cho Chúa.

Nhưng theo Lời Chúa nói: "Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng với Thầy" (Mt. 11, 38). Mới vào dòng, thánh nhân đã phải thử thách nặng nề. Bề trên nghi ngờ thiện chí của ngài, sợ rằng vì chán đời mà ngài đi tu, chớ không có lý tưởng tốt đẹp vì lòng mến Chúa và thương yêu các linh hồn. Nhưng ngài không sờn lòng nản chí, một sẵn sàng chấp nhận mọi cơn gian nan thử thách, và hoàn toàn tuân theo thánh ý Chúa.

Và thời gian trôi qua. Ngày 4 tháng 10 năm 1416, thánh nhân được lãnh tu phục dòng. Đây là ngày hạnh phúc nhất cho ngài, lúc đó ngài đã 32 tuổi.

Từ đó thánh nhân bắt đầu đi rao giảng Lời Chúa, và ngài đã trở thành nhà giảng thuyết đại tài. Ngài rảo khắp nước Ý, giảng dạy trong các thánh đường cũng như nơi công trường. Các bài giảng của ngài thật phi thường, lôi cuốn hằng ngàn hằng vạn người lạc giáo và kẻ tội lỗi trở về với Chúa. Đặc biệt ngài khuyên bảo hàng giáo sĩ sống thánh thiện trọn lành, để xứng đáng làm môn đệ Chúa và giúp ích các linh hồn. Ngài nói với họ: "Ai được mời đến dự bàn tiệc của Chúa, thì phải chiếu tỏa một đời sống gương mẫu, đáng khen và đức hạnh, sạch mọi nhơ bẩn của thói hư tật xấu. Phải sống xứng đáng là muối đất cho chính mình và cho người khác; phải soi sáng sự khôn ngoan cho người khác như là ánh sáng thế gian.

Một hàng giáo sĩ không trong sạch và bần tiện, đầy những thói hư tật xấu và vướng mắc trong vòng tội lỗi sẽ bị người ta dẫm đạp như phân bón, đến nỗi không còn ích gì cho mình và cho người khác nữa, vì như thánh Ghê-gô-ri-ô nói: "Kẻ nào mà đời sống bị người ta khinh chê, thì lời rao giảng của họ cũng bị chê bai".

Ngoài ra việc giảng thuyết, thánh nhân còn được lệnh Đức Giáo Hoàng cổ động cho Đạo Binh Thánh Giá, kêu gọi nhiều người gia nhập đoàn quân nầy, để chiến đấu với quân đội Hồi giáo đang xâm chiếm Công-tăn-ti-nốp. Ngài đã chiêu mộ được hơn 40.000 người tham gia trận chiến, và đã chiến thắng được quân đội Hồi giáo tại Ben-gát ngày 14 tháng 7 năm 1456.

Thánh nhân qua đời tại I-lóc ngày 23 tháng 10 năm 1456.

* Quyết tâm: Sẵn sàng chấp nhận mọi gian lao thử thách trong cuộc sống, và luôn mạnh mẽ can đảm chống trả mọi mưu mô phá hại đạo Thánh, theo gương thánh Linh mục Gioan Ca-pít-tra-nô.

* Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã thương cho thánh Gioan xuất hiện trong Hội thánh, để tinh thần dân Chúa thêm mạnh mẽ ngay trong lúc ngặt nghèo. Xin thương tình ban ơn che chở, để Hội thánh luôn luôn được bình an, và chúng con được sống yên hàn.

THÁNH PHAO-LÔ TỐNG VIẾT BƯỜNG
Quan Thị Vệ Tử Đạo

* Gương Thánh nhân: Năm 1831, lúc giặc Đá Vách ở Quảng Nam nổi dậy chống triều đình, các quan phải đem quân đi đánh dẹp. Vua Minh Mạng sai quan thị vệ Tống Viết Bường đi giám sát trận địa. Sau khi làm xong phận sự, ông trở về trình vua: quân lính triều đình đã dẹp được giặc. Vua hỏi:

- Khi làm xong công tác, khanh có viếng chùa Non Nước không?

Ông trả lời: - Vì hoàng thượng không truyền lệnh, nên hạ thần không đến viếng.

Vua bảo: - Theo thường lệ, mỗi khi dẹp được giặc, phải vào chùa lễ bái, sao khanh không đi?

Ông mạnh dạn trình vua: - Vì hạ thần là người Công giáo, hạ thần chỉ thờ kính Thiên Chúa mà thôi.

Chính vì lời tuyên xưng đức tin can đảm đó mà ông đã bị mất hết chức tước, và về sau bị bắt tống ngục, bị chém đầu để làm chứng cho Chúa, lãnh nhận triều thiên tử đạo vinh hiển.

Phao-lô Tống Viết Bường sinh khoảng năm 1773, tại Phú Cam (Huế), trong một dòng tộc Công giáo đạo đức, và có nhiều người làm quan dưới thời vua Lê chúa Nguyễn.

Lớn lên, cậu gia nhập quân đội và được chọn làm lính cận vệ nhà vua. Nhờ tài tháo vát và lòng nhiệt thành tận tụy, chẳng bao lâu cậu lính Bường được thăng lên cai đội, và được vua Minh Mạng tín cẩn trọng dụng. Vua thường giao cho ông nhiều công tác đặc biệt trong triều đình.

Vì tín cẩn, nên năm 1831, khi quan quân triều đình đi đánh dẹp giặc Đa Vách ở Quảng Nam , vua đã cử ông đi thanh sát chiến trận. Và sau khi dẹp xong quân địch, ông không vào chùa Non Nước lễ bái mà còn xưng mình là người Công giáo, nên vua nổi cơn thịnh nộ, quát mắng dữ dội, định cho đem đi chém đầu. Nhưng nhờ một số quan chức trong triều đình có cảm tình với ông đứng ra can gián nài nỉ, nhà vua mới bớt cơn giận. Dù vậy, vua cũng truyền đánh ông 80 roi, cất hết chức tước, cho xuống làm lính thường. Thật là một hình phạt nặng nề tủi hổ, nhưng ông vẫn vui lòng chấp nhận vì trung thành với Chúa.

Tưởng mọi việc đã yên xuôi, không ngờ hơn một năm sau, vua cho làm bảng danh sách người có đạo trong hàng ngũ lính thị vệ. Tất cả có 12 người, trong số đó có Phao-lô Tống Viết Bường, khi các quan trình bảng danh sách lên vua, năm người vì sợ chết nên bỏ đạo, còn bảy người bị tống giam vào ngục, cổ mang gông, tay chân bị xiềng xích khổ sở.

Cứ mỗi 10 ngày, ông Bường bị đem ra tra tấn hành hạ, buộc đạp lên Thánh giá bỏ đạo. Thảm cảnh nầy kéo dài mãi suốt mấy tháng trời, nhưng ông vẫn can đảm cương quyết không chối Chúa bỏ đạo. Ông tuyên bố:

- Tôi đã thờ Chúa từ nhỏ, làm sao tôi bỏ Chúa được.

Mỗi lần nói như thế là ông phải lãnh 20 roi rất đau đớn, nhưng ông vẫn vui lòng chịu vì Chúa. Ông còn muốn chịu nhiều hình khổ hơn nữa, để thông phần vào sự thương khó Chúa. Thấy cực hình không lay chuyển nổi lòng tin mạnh mẽ của vị anh hùng của Chúa, các quan xoay qua dụ dỗ nài nỉ. Quan Thượng Thư Võ Xuân Cầu khuyên ông:

- Bây giờ cứ hứa bỏ đạo đi, rồi sau nầy muốn làm gì thì làm.

Nhưng ông trả lời: - Cám ơn quan đã có lòng thương tôi, nhưng tôi phải luôn luôn trung thành với Chúa tôi.

Thế là các quan chịu thua lòng can đảm bền chí của ông, cho quân lính đem giam lại trong ngục, chờ lệnh của vua.

Trong ngục, ông luôn khuyên bảo các bạn bền lòng tin cậy Chúa, nhất là xin Đức Mẹ cho đặng chịu khó vì Chúa đến cùng, bằng cách cùng nhau lần chuỗi Môi Khôi mỗi ngày.

Ngày 23 tháng 10 năm 1833, vua Minh Mạng ra lệnh trảm quyết ông. Quân lính dẫn ông ra pháp trường Thọ Đức. Đến nơi, ông quỳ gối cầu nguyện một lúc, rồi đưa cổ cho lý hình. Sau một nhát gươm, đầu vị anh hùng đức tin đã rơi xuống đất, linh hồn bay thẳng về trời hưởng phước vinh quang...

Ngày 27 tháng 05 năm 1900, Đức Giáo Hoàng Lê-ô 13 đã suy tôn ông lên bậc Chân Phước. Và Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 tôn phong ngài lên Hiển Thánh ngày 19 tháng 06 năm 1988.

* Quyết tâm: Noi gương thánh Phaolô Tống Viết Bường, luôn trung thành bền đỗ tin thờ Chúa, và hằng ngày siêng năng lần chuỗi Môi Khôi để nhờ Mẹ giúp chịu khổ vì Chúa đến cùng.

* Lời nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

Ngày 24 tháng 10
THÁNH AN-TÔN MA-RI-A CLA-RÊ Giám Mục

* Gương Thánh nhân: "Tình yêu mà Đức Ki-tô kích thích, giục giã chúng tôi chạy và bay đi, như được chắp cánh bằng một sự ghen tương thánh thiện. Ai yêu mến Thiên Chúa thật sự thì cũng yêu mến tha nhân; ai ghen sự thật, cũng chính là người yêu mến, nhưng ở mức độ cao hơn, vì theo mức độ của tình yêu, càng yêu mến nồng nàn lại càng ghen cuồng nhiệt. Vì ai không có nhiệt tâm là dấu tình yêu và đức ái đã tắt trong lòng họ. Còn ai có nhiệt tâm thì ước ao làm mọi sự cao cả. Họ nổ lực làm cho người ta nhận biết Thiên Chúa nhiều hơn, yêu mến và phụng sự Người trong cuộc sống nầy, cũng như ở cuộc đời mai sau, vì tình yêu linh thiêng nầy không có cùng tận. Họ cũng làm điều đó cho anh em; mọi khao khát và ước muốn của họ đều nhằm cho mọi người được sung sướng trên mặt đất nầy và hạnh phúc trên quê trời, nhằm cho mọi người được cứu rỗi và không ai phải chết đời đời; cũng như nhằm cho không ai xúc phạm đến Thiên Chúa hay nằm trong tội dù chỉ là một lúc: đó là điều chúng ta vẫn nhận thấy nơi các thánh tông đồ và tất cả những ai có tinh thần tông đồ".

Đó là châm ngôn và chương trình hoạt động của thánh An-tôn Ma-ri-a Cla-rê. Suốt đời ngài nổ lực kính mến Chúa và yêu thương tha nhân. Và vì tình yêu nồng nhiệt nầy, ngài đã hy sinh chịu khó cho đến chết.

Thánh nhân sinh năm 1807, tại San-len, nước Tây-ban-nha, trong một gia đình đạo đức, làm nghề dệt vải.

Lớn lên, ngài được cha mẹ gởi đi Ba-sê-lon học nghề, thừa dịp nầy ngài học thêm Pháp văn và La văn.

Và từ đó thánh nhân ước muốn dâng mình giúp việc Chúa. Ngài cầu xin Chúa soi sáng cho biết thánh ý Chúa và trình lên cha mẹ ước vọng của mình. Được cha mẹ chấp thuận, năm 1829, ngài vào Chủng viện tại Vích: và sáu năm sau, ngài được thụ phong Linh mục.

Một cuộc sống mới bắt đầu, thánh nhân lao mình vào hoạt động tông đồ, đem tình yêu gieo rắc khắp nơi. Vì lòng kính mến Chúa và yêu thương các linh hồn, ngài chẳng ngại gian lao khổ cực, ngày đêm tận tụy rao giảng đạo Chúa và đem nhiều người trở lại. Ngài còn muốn giúp việc Chúa đắc lực hơn, nên xin gia nhập Dòng Tên, nhưng sức khỏe không cho phép. Ngài cầu nguyện xin Chúa dạy cho biết phải làm gì để làm sáng danh Chúa hơn. Chúa đã nhậm lời ngài, cho ngài thành lập tu hội "Con cái Trái Tim vẹn sạch Đức Mẹ", chuyên lo việc truyền giáo, cứu vớt các linh hồn.

Nhận thấy lòng nhiệt thành và đời sống đạo đức của thánh nhân, năm 1851 hoàng hậu I-sa-ben nước Tây-ban-nha đề nghị Đức Giáo Hoàng Pi-ô thứ 9 đặt ngài làm Tổng Giám mục giáo phận Săn-si-a-gô.

Từ ngày lên làm Tổng Giám mục, thánh nhân càng hoạt động truyền giáo nhiệt thành hơn. Trong vòng 3 năm, ngài đi kinh lý giáo phận 3 lần, ban phép Thêm sức, giảng dạy trong các họ đạo, củng cố hàng giáo sĩ, cứu trợ kẻ nghèo, giải phóng những người bị bán làm nô lệ. Các chủ buôn bán nô lệ bị mất quyền lợi, nên thù ghét ngài, tố cáo ngài, xúi giục dân nghèo làm loạn. Họ còn tổ chức ám sát ngài nhiều lần, nhưng Chúa thương gìn giữ kẻ nhiệt tình phụng sự Người, nên ngài thoát nạn an toàn.

Dù vậy, năm 1868, thánh nhân phải rời bỏ quê hương, sang trú ngụ ở Pháp, và qua đời tại đây ngày 24 tháng 10 năm 1870.

* Quyết tâm: Noi gương thánh An-tôn Ma-ri-a Cla-rê, tôi hết lòng phụng sự Chúa và cứu rỗi các linh hồn, dù có phải gian lao khốn khó cũng sẵn lòng chịu vì Chúa.

* Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Thánh An-tôn Ma-ri-a Giám mục lòng yêu thương và nhẫn nại lạ lùng trong việc nhắc lại cho mọi giới những đòi hỏi của Tin mừng. Vì lời thánh nhân cầu khẩn, xin cho chúng con biết tìm kiếm Nước Chúa, và nhiệt thành chinh phục anh em về cho Đức Ki-tô.

THÁNH GIU-SE LÊ ĐĂNG THỊ
Cai Đội Tử Đạo

* Gương Thánh nhân: Vua Tự Đức đã ra sắc chỉ bách hại đạo Công giáo trên toàn quốc, nhưng nhiều nơi không thi hành đúng lệnh vua, vì trong hàng ngũ các quan có người theo đạo và họ bao che cho nhau. Thế nên ngày 15 tháng 12 năm 1859, vua ban thêm một chiếu chỉ khác, đại để như sau:

"Cần phải điều tra cẩn thận, để biết được những viên chức triều đình nào theo tà đạo mà xử phạt, dù họ có bỏ đạo cũng phải truất chức. Những ai không tố cáo hoặc chứa chấp họ cũng bị trừng phạt như họ".

Chính vì sắc lệnh nầy mà cai đội Giu-se Lê Đăng Thị và nhiều đồng nghiệp bị bắt và bị giết.

Giu-se Lê Đăng Thị sinh năm 1825 tại xứ Kẻ Văn, tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình binh nghiệp. Vì cha làm cai đội trong quân đội triều đình, nên khi lớn lên, cậu Thị cũng theo nghề cha, xin gia nhập quân ngũ. Sau một thời gian phục vụ đắc lực, cậu được thăng chức đội trưởng, trong coi 50 lính ở Hà Tĩnh, sau đó đổi về Nghệ An. Và cậu đã lập gia đình tại đây.

Đang lúc gia đình cai Thị sống đầm ấm hạnh phúc thì nhà vua ra chiếu chỉ bắt tất cả các quan quân có đạo. May nhờ quan trấn thủ thương, khuyên ông viện cớ bệnh hoạn làm đơn xin xuất ngũ. Đơn ông xin được chấp thuận. Thế là ông để vợ con ở lại Nghệ An, còn ông trở về quê cũ, tại làng Văn Quy.

Tháng giêng năm 1860, vì có kẻ ghét đạo tố cáo, ông cùng một số đồng nghiệp bị bắt giải về Quảng Trị. Tất cả đều bị tống giam chờ ngày xét xử.

Ông bị đưa ra xử nhiều lân, lần nào ông cũng can đảm xưng mình là Ki-tô hữu. Khi quan bắt ép bước qua Thánh giá, ông luôn cương quyết từ khước, do đó ông phải chịu nhiều đòn vọt đau đớn. Sau nhiều lần tra tấn cũng như dụ dỗ mà thấy vị anh hùng đức tin vẫn nhất quyết trung thành theo Chúa, các quan buộc lòng làm án xử giảo gởi về kinh. Vua Tự Đức chấp thuận y án, nhưng bảo để tới cuối tháng 10 mới thi hành, cố ý hành khổ ông thêm, hy vọng ông sẽ sờn lòng bỏ đạo. Và trong thời gian chờ đợi, ông được đưa về giam ở khám đường Huế.

Suốt gần 07 tháng ở trong ngục, ông phải mang xiềng xích nặng nề, và bị tra tấn đánh đập nhiều hơn các người khác, vì ông thuộc cấp cao trong quân ngũ, hơn nữa các quan muốn dùng cực hình để khuất phục người chiến sĩ của Chúa. Nhưng càng bị tra tấn đau đớn, ông càng kiên quyết giữ vững đức tin, không hề nao núng, cũng chẳng than van kêu trách. Dù vậy, ông bị kiệt sức và ngã bệnh. Ông sợ không sống nổi đến ngày tử đạo, nên than thở với bạn tù:

- Tôi sợ bệnh tật làm tôi chết sớm, không được sống tới ngày lãnh phúc tử đạo. Xin các ông thương giúp cầu nguyện cho tôi...

Đối với các bạn tù, ông luôn an ủi khích lệ họ trung thành bền đỗ theo Chúa. Đặc biệt, ông dùng đời sống can đảm hy sinh của ông để nêu gương cho họ. Nhờ ông mà nhiều đồng đạo nhát đảm giữ được niềm tin đến phút cuối cùng.

Ngày 24 tháng 10 năm 1860, quân lính dẫn ông ra pháp trường An Hòa (Huế). Dọc đường, ông được một Linh mục đứng lẫn trong dân chúng ra hiệu cho ông biết, và giải tội cho ông lần sau hết. Đến nơi, ông quỳ cầu nguyện hồi lâu rồi yêu cầu lý hình thi hành bản án. Lý hình tròng dây vào cổ ông, chia ra hai bên đầu dây kéo siết tới lúc vị anh hùng đức tin tắt thở.

Đức Thánh Cha Pi-ô 10 tôn phong ông lên Chân phước ngày 02 tháng 05 năm 1909. Và ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Giáo Chủ Gioan-Phaolô 2 suy tôn ông lên Hiển Thánh.

* Quyết tâm: Sẵn sàng bền đỗ tin thờ Chúa, và hy sinh chịu khổ vì Chúa đến cùng theo gương thánh Giu-se Thị tử đạo.

* Lời nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

Ngày 28 tháng 10
THÁNH SI-MON VÀ GIU-ĐA Tông Đồ

* Gương Thánh nhân: Hai thánh tông đồ Si-mon và Giu-đa được Hội thánh mầng chung trong một ngày lễ vì hai vị đã hợp tác trong việc rao giảng đạo Chúa.

Thánh Si-mon xuất thân từ Ca-na, nơi mà Chúa Giê-su đã làm phép lạ cho nước lã hóa thành rượu ngon trong một bữa tiệc cưới. Ngài có biệt hiệu là "nhiệt thành", để phân biệt với Si-mon Phê-rô là thủ lãnh các tông đồ, đồng thời nói lên ngài nhiệt thành tuân giữ lề luật và có thể là đảng viên của đảng quốc gia quá khích.

Thánh Giu-đa đây là Giu-đa Ta-đê-ô, anh em với Gia-cô-bê hậu, bà con với Chúa Giê-su. Chính thánh nhân đã hỏi Chúa Giê-su trong bữa Tiệc Ly:

- Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?

Đức Giê-su đáp:

- Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy,

Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy.

Cha của Thầy và Thầy sẽ đến

Và ở lại với người ấy. ( Ga. 14, 22-23).

Có lẽ Thánh nhân cũng là đảng viên Nhóm quốc gia quá khích, chỉ mong đợi Đấng Cứu Thế đến giải phóng đất nước Ít-ra-en.

Theo truyền thuyết, thánh Si-mon và Giu-đa hợp tác nhau giảng đạo ở Ba-tư, và đem rất nhiều người trở lại với Chúa. Nơi đây, các ngài đã làm nhiều việc lạ, khiến nhà vua mến phục và cho phép các ngài tự do rao giảng. Nhà vua, cả triều đình và hơn 60 ngàn người dân bản xứ đã tin Chúa, lãnh Bí tích Rửa tội. Nhiều nhà thờ được xây cất lên thay thế cho các chùa chiền.

Nhưng kẻ thù của Chúa là ma quỷ không để cho Chúa yên. Chúng nhất định chống phá đến cùng, chúng xúi giục dân chúng bắt các thánh Si-mon và Giu-đa, buộc các ngài phải tế thần Mặt Trời. Bấy giờ thánh Giu-đa nói với Si-mon:

- Chắc Chúa muốn gọi chúng ta về với Người.

Thánh Si-mon đáp:

- Chính tôi đã thấy Chúa Giê-su, có các thiên thần hầu cận.

Bỗng có tiếng thiên thần Chúa bảo các ngài:

- Các ông chọn bên nào, một là các ông phải chết, hai là đám dân cuồng tín nầy bị tiêu diệt.

Các ngài đồng thanh thưa:

- Xin thương xót dân chúng lầm lạc, đừng giết chúng.

Dân chúng lại thúc các ngài tế thần Mặt Trời một lần nữa. Nhưng thánh Si-mon nói:

- Mặt trời chỉ là tạo vật của Thiên Chúa, không được phép thờ nó, một phải thờ một mình Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa.

Dân chúng tức giận xông vào giết các ngài, trong khi các ngài chúc tụng tạ ơn Chúa và xin tha cho những kẻ giết hại mình.

* Quyết tâm: Tìm người thiện chí, cộng tác với họ để mở mang Nước Chúa và cứu vớt các linh hồn, theo gương hai thánh Si-mon và Giu-đa tông đồ.

* Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời các tông đồ rao giảng mà cho chúng con được biết danh Chúa. Xin nhận lời hai thánh tông đồ Si-mon và Giu-đa cầu nguyện, mà cho Hội thánh phát triển không ngừng khắp nơi trên trần thế.

THÁNH GIOAN ĐẠT
Linh Mục Tử Đạo

* Gương Thánh nhân: Sau khi bị bắt, cha Đạt bị giam trong ngục chỉ khoảng hai tháng, mà cha đã gây cảm tình được hết mọi người, kể cả viên cai ngục. Ông nầy thố lộ với Cha:

- Tôi thấy cha hiền lương nhân đức, tôi hết sức cảm mến, muốn kết nghĩa keo sơn với cha. Nhưng vì cha sắp bị tử hình, nên tôi xin biếu cha chiếc quan tài, để tỏ lòng tôi quý mến cha.

Do đâu cha được mọi người thương yêu như thế?...

Cha chính địa phận Tây Đàng Ngoài cho biết:

"Cha Đạt có rất nhiều nhân đức... các nhân đức của cha thu hút lòng quý mến của tất cả những người có dịp tiếp xúc với cha".

Gioan Đạt sinh năm 1765 tại Khê Cầu, thuộc giáo phận Tây Đàng Ngoài. Cha chết sớm, bà mẹ phải tần tảo nuôi cậu ăn học. Lớn lên, cậu được Chúa thương kêu gọi giúp việc Chúa; nhưng vì gia đình nghèo, không thể lo cho cậu nổi, bà mẹ đến xin Cha xứ Đồng Chuối giúp đỡ. Thấy cậu đạo đức, học hành giỏi giắn, cha xứ sẵn sàng lo cho cậu. Cha cho cậu sống trong nhà xứ, hằng ngày cha giúp cậu học hành, tập luyện nhân đức. Năm cậu 18 tuổi, cha gởi vào Chủng viện. Trong thời gian ở đây, cậu tỏ ra xuất sắc về học vấn cũng như đức hạnh, được Bề trên quý mến, đồng bạn kính nể. Và sau khi mãn khóa thần học, thầy Gioan được sai đi phụ giúp các cha ở giáo xứ, thực tập làm mục vụ. Đến năm 1798, thầy được gọi về chịu chức Linh mục.

Vị tân Linh mục tuy tuổi còn trẻ, nhưng như cha chính địa phận nhận xét:

"Cha Đạt có rất nhiều nhân đức... Do đó, lời cha nói cũng như bài giảng của cha có sức thuyết phục lòng mọi người".

Cha được Đức Cha cử đến các xứ Hảo Nho, Thân Phú. Ở đâu, cha cũng đưa về cho Chúa nhiều linh hồn: người lương vào đạo, các tín hữu bê bối sám hối ăn năn.

Nhưng cha hoạt động tông đồ chưa được 06 tháng, vua Cảnh Thịnh đã ra chiếu chỉ bắt đạo gắt gao. Các giáo hữu bị tầm nã, nhất là các Linh mục bị lùng bắt khắp nơi. Muốn thi hành mục vụ, các cha phải ẩn nấp rày đây mai đó, đợi lúc quan quân rút về căn cứ mới đi làm các Bí tích. Cha Đạt cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn như thế. Cha phải vào rừng ẩn trốn, khi biết rõ tình hình lắng dịu, cha trở lại giúp lo cho giáo dân. Chẳng may một hôm cha vừa làm lễ an táng xong, quân lính ập tới vây bắt. Giáo hữu đưa cha ra nhà sau, chỉ đường cho cha chạy trốn, trong khi đó quân lính đã xét thấy đồ lễ của cha, nên tra tấn chủ nhà và các tín hữu có mặt ở đó, buộc phải khai Đạo trưởng, bằng không họ sẽ đánh chết. Nghe thấy thế, cha không thể cầm lòng được, cha không thể sống khi con chiên có thể bị đánh chết. Thế là cha noi gương Chúa Giê-su, ra nộp mình chịu chết thế cho đoàn chiên. Cha bước ra tuyên bố:

- Chính tôi là Đạo trưởng đây. Các ông hãy bắt tôi, và tha cho các người nầy.

Quân lính liền áp lại bắt trói cha, đánh đập dữ dội, rồi giải về Thanh Hóa.

Ở đây, cha bị giam chung tại Đình Đang khoảng 02 tháng. Thấy cha hiền lương nhân đức, mọi người đều mến thương cha; cả những người lương, lính canh cũng như quan cai ngục đều có cảm tình với cha. Ông cai ngục hứa biếu cha chiếc quan tài để tỏ lòng quý mến cha.

Nhiều lần cha bị đưa ra công đường tra khảo. Chính Hoàng đế là em vua Cảnh Thịnh đứng ra xét xử cha, bắt ép cha bước qua Thánh giá sau khi tra tấn đánh đập; nhưng ông hoàn toàn thất bại, không lay chuyển được lòng tin kiên vững của người chiến sĩ Chúa.

Sau cùng, ông buộc lòng tuyên bố án xử tử cha. Và ngày 28 tháng 10 năm 1789, quân lính dẫn cha ra pháp trường Trinh Hà, chịu chém đầu đổ máu ra làm chứng cho Chúa, khi mới 33 tuổi và làm Linh mục chưa đầy một năm.

Ngày 27 tháng 05 năm 1900 Đức Giáo Hoàng Lê-ô 13 phong cha lên Chân phước. Và Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 suy tôn cha lên bậc Hiển Thánh ngày 19 tháng 06 năm 1988.

* Quyết tâm: Noi gương thánh Gioan Đạt Linh mục tử đạo, hằng ngày cố gắng sống hiền lành nhân đức, để được mọi người quý mến, và kiên trì bền vững hy sinh vì Chúa.

* Lời nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

1407    17-01-2011 21:28:07