Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Hạnh Thánh Tháng 11_phần 2

Ngày 05 tháng 11
THÁNH ĐA-MINH HÀ TRỌNG MẬU
Linh Mục Tử Đạo

Gương Thánh nhân: Gương đặc biệt thánh Đa-minh Mậu để lại chính là lòng nhiệt thành rao giảng đạo Chúa, củng cố niềm tin cho các tín hữu khắp nơi mọi lúc, lúc dễ dàng cũng như khi khó khăn, cả trong những ngày tù ngục khổ sở. Thánh nhân đã thực hiện đúng như lời thánh Phao-lô tông đồ:

Khi thuận tiện cũng như lúc khó khăn, anh em hãy nhiệt thành giảng rao đạo Chúa .

Đa-minh Hà Trọng Mậu sinh năm 1794, tại xứ Phú Nhai, tỉnh Nam Định, trong một gia đình đạo giáo siêng năng cần mẫn. Nhờ gương nhân đức của cha mẹ, cậu Đa-minh lớn lên rất mộ mến việc tôn kính Chúa, càng thêm tuổi càng thêm lòng đạo đức sốt mến. Do đó cậu được Chúa thương kêu gọi giúp việc trong vườn nho của Người.

Vâng theo tiếng Chúa gọi, cậu xin gia nhập chủng viện, quyết hiến dâng trọn đời phụng sự Chúa. Hằng ngày cậu chuyên cần học hành, tập luyện nhân đức, được Bề Trên khen ngợi, bạn hữu quý mến. Và sau khi mãn khóa thần học, thầy Đa-minh Mậu thụ phong Linh mục, trong niềm hân hoan phấn khởi của gia đình và thân bằng quyến thuộc.

Mặc dầu đã được làm Linh mục, đã nhiều năm tập rèn đức hạnh ở chủng viện, cha Đa-minh vẫn cảm thấy mình còn kém khuyết về đàng nhân đức. Cha muốn tiến xa hơn nữa, để sống kết hợp mật thiết với Chúa hơn, để phục vụ các linh hồn đắc lực hơn. Năm 1829, cha đã cùng với 10 Linh mục khác trong giáo phận xin vào dòng Đa-minh, là hội dòng chuyên cần cầu nguyện và chăm lo việc giảng thuyết. Nhờ đó cha rất thành công trong việc giảng đạo, và được phúc lãnh nhận triều thiên tử đạo vinh hiển.

Đức Cha đã sai cha đi giúp nhiều họ đạo. Đến nơi nào, cha cũng tận tâm lo cho con chiên, đem hết tài năng sức lực phục vụ các linh hồn. Chẳng những cha chịu khó chăm sóc đàn chiên, cha còn dành nhiều thời giờ loan truyền đạo Chúa cho người lương; nhiều người chưa biết Chúa nhờ nghe lời cha giảng dạy khuyên bảo mà tin theo đạo. Nhiều lúc khó khăn nguy hiểm cho tánh mạng, cha vẫn can đảm tận tụy hy sinh, không kể gì gian lao chết chóc, vì đã ước nguyện dâng trọn đời cho Chúa. Trải qua những năm tháng gian khổ bách hại dưới trào vua Minh Mạng cũng như Tự Đức, cha luôn tỏ ra là một tông đồ can đảm nhiệt thành, không bao giờ lùi bước trước các cơn thử thách. Cha thường nói:

- Ngày nào Chúa cho tôi sống, tôi nguyện đem hết khả năng phụng sự Chúa và phục vụ các linh hồn. Sống chết tôi hoàn toàn phó thác cho Chúa .

Ngày 27 tháng 08 năm 1858, giữa lúc cha đang giúp xứ Kẻ Điền, quân lính đến vây bắt, giải về Hưng Yên. Trong thời gian hai tháng bị giam trong ngục, cha đã biến ngục thất thành căn cứ truyền giáo, nơi khổ hình thành địa điểm hoạt động tông đồ. Mặc dầu bị gông cùm xiềng xích, chịu tra tấn đòn vọt đau đớn, cha vẫn can đảm chấp nhận vì Chúa, để nêu gương kiên vững cho giáo hữu cùng chịu ngục tù. Đặc biệt cha luôn an ủi khích lệ họ sẵn sàng chịu đau khổ vì đức tin, noi gương Chúa Giê-su chịu khổ nạn, để cứu rỗi linh hồn mình và linh hồn đồng bào đồng loại. Nhiều tín hữu nhát đảm nhờ gương anh dũng của cha mà can đảm tuyên xưng đức tin, nhiều tội nhân hoán cải đời sống, nhiều giáo hữu ở ngoài lẻn vào thăm cha, cốt ý để xưng tội với cha...

Cha bị đưa ra tra tấn nhiều lần. Có lần bị đánh đến ngất xỉu; và sau khi tỉnh lại, quan án bảo cha đạp lên thập giá để được tha chết, cha thẳng thắn nói:

- Tôi muốn chịu chết để làm chứng cho Chúa là Thiên Chúa thật, và đạo của Người là chánh đạo.

Thấy không thể lay chuyển nổi lòng tin sắt đá của vị chiến sĩ Chúa, quan kết án trảm quyết cha và 21 giáo hữu cùng bị giam với cha. Ngày 05 tháng 11 năm 1858, tất cả cha con được dẫn ra pháp trường. Cha đi đầu như vị tướng lãnh chỉ huy một đoàn hùng binh sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đức tin. Đến bờ sông Hưng Yên, cha quỳ gối cầu nguyện, rồi đưa cổ cho lý hình chém, để lãnh triều thiên vinh hiển muôn đời.

Đức Thánh Cha Pi-ô 12 phong cha lên Chân phước ngày 29 tháng tư năm 1951, và ngày 19 tháng 06 năm 1988 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 suy tôn cha lên bậc Hiển thánh.

Quyết tâm: Hằng ngày ra sức sống đạo đức sốt sắng hơn, để có thể giảng rao đạo Chúa mọi lúc khắp nơi, và sẵn sàng hy sinh mạng sống vì Chúa, theo gương thánh Đa-minh Mậu, Linh mục tử đạo.

Lời nguyện:Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

Ngày 07 tháng 11
THÁNH VINH- SƠN LIÊM VÀ GIA-CIN-TÔ GIA
Linh Mục Tử Đạo

Gương Thánh nhân: Tử đạo là làm chứng cho Chúa. Chính Chúa Giê-su là vị tử đạo dầy ý nghĩa, và là khuôn mẫu tử đạo cho các tông đồ môn đệ sau nầy.

Noi gương Đức Ki-tô, các thánh tử đạo Việt Nam thông hiệp trọn vẹn vào việc làm chứng và công trình cứu rỗi của Người. Các ngài chẳng những làm chứng bằng mạng sống, mà còn bằng lời nói của mình, như trường hợp hai thánh Vinh-sơn Liêm và Gia-cin-tô tử đạo hôm nay.

* * *

Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm chào đời năm 1732, tại làng Trà Lũ tỉnh Nam Định, trong một gia đình thân hào đạo đức.

Năm 12 tuổi, cậu nghe theo tiếng Chúa gọi, dâng mình vào nhà Chúa, tu luyện trong trường do các cha Dòng Đa-minh điều khiển. Thấy cậu thông minh đạo đức, các cha tin chắc sau nầy cậu có thể giúp ích nhiều cho Hội thánh, nên gởi đi du học tại Ma-ni-la, nước Phi-luật-tân.

Đúng như các cha nhận xét, thầy Vinh-sơn Liêm học hành xuất sắc, đạo đức dồi dào. Và để phát triển thêm nhân đức, thầy xin gia nhập Dòng thánh Đa-minh, lấy hiệu là Vinh-sơn Hòa Bình. Sau đó, thầy còn học thêm bốn năm thần học. Năm 1758, thầy thụ phong Linh mục và trở về phục vụ quê hương. Ngày 20 tháng giêng năm 1759, vị tân Linh mục về tới Trung Linh, được cha chính địa phận và thân quyến đón tiếp nồng hậu, sau tám năm du học nước ngoài.

Trước hết, cha được bổ nhiệm làm giáo sư chủng viện Trung Linh. Cha đem hết tài lực truyền đạt cho chủng sinh tất cả những gì cha đã học biết. Cha mong mỏi làm sao cho họ thu nhập được nhiều kiến thức và tập luyện đầy đủ các nhân đức, để sau nầy phục vụ giáo phận, mở mang Nước Chúa, phát triển Hội thánh. Đặc biệt cha cố gắng huấn luyện cho họ có tinh thần tông đồ, hy sinh chịu khó vì lòng mến Chúa và yêu thương cứu giúp các linh hồn. Vì giữa lúc Hội thánh gặp cơn bách hại, cần có nhiều Linh mục biết hy sinh xả kỷ, can đảm trước mọi thử thách gian khổ.

Sau thời gian ở chủng viện, Đức Cha sai cha đi giúp các xứ Phú Thái, Quất Lâm, Trung Lao, Lạc Thủy... Đến đâu, cha cũng nhiệt thành lo cho giáo dân: giảng dạy đạo lý, ban các Bí tích, an ủi khích lệ họ can đảm trung thành giữ vững đức tin. Cha không chỉ hạn hẹp hoạt động tông đồ trong giáo xứ, mà còn tận tâm rao giảng đạo Chúa cho lương dân, bất chấp khó khăn nguy hiểm trong thời kỳ cấm đạo.

Ngày 01 tháng 10 năm 1773, đang lúc cha chuẩn bị cho giáo dân mừng lễ Đức Mẹ Môi Khôi tại họ Lương Đống, quân lính đến vây bắt đem nộp cho quan chánh tổng. Quan giam cha tại đó 12 ngày, cố ý đợi giáo hữu đem tiền đến chuộc; nhưng khi không thấy ai đưa tiền đến thì giải cha về Hà Nội. Tại đây, cha được gặp cha Gia-cin-tô Gia là Linh mục cùng dòng, đã bị bắt giam và đang chờ ngày xét xử.

Gia-cin-tô Gia sinh ngày 13 tháng 10 năm 1743, tại Gia-ti-va, nước Tây-ban-nha.

Lớn lên, được Chúa ban ơn soi sáng, cậu quyết tâm dâng mình giảng đạo Chúa. Cậu xin gia nhập dòng Đa-minh, và năm 1762 được gởi sang Phi-luật-tân tu luyện học tập. Sau khi mãn khóa thần học, thầy Gia-cin-tô thụ phong Linh mục và tình nguyện đi giảng đạo ở Trung Hoa. Tháng tư năm 1766, vị tân Linh mục nhiệt thành truyền giáo nầy đã đến Phúc Kiến, giữa lúc ở đây đang gặp cơn bắt đạo gắt gao. Dù vậy cha vẫn can đảm lăn xả vào cánh đồng truyền giáo, bất chấp nguy hiểm khó khăn. Chỉ trong vòng ba năm, cha đã giúp nhiều người biết Chúa, khuyến khích các tín hữu giữ vững niềm tin.

Công cuộc truyền giáo đang trên đà phát triển thì ngày 18 tháng 07 năm 1769, cha bị bắt và bị trục xuất ra khỏi Trung Hoa.

Rời Trung Hoa đầy thương tiếc, nhưng cha không ngã lòng. Cha đến Ma-cao, gặp ngay dịp hai cha cùng dòng từ Ma-ni-la tới để đi truyền giáo tại Việt Nam . Phải chăng Chúa Quan phòng muốn cha đến giúp người Việt Nam nhìn biết tin kính Chúa? Cha tháp tùng theo hai cha đó, và ngày 23 tháng 02 năm 1770, cha đã đến Bắc Việt ở tại Trung Linh học tiếng và lấy tên Việt là Gia.

Sáu tháng sau, Bề trên cử cha đến giúp xứ Lai Ổn và Kẻ Điền. Vì hai xứ đạo ở cách xa nhau, cha phải vất vả tới lui lo việc mục vụ, phải đi bộ nhiều ngày nhiều lần, nên sức khỏe ngày một giảm sút. Dù vậy, cha cũng cố gắng chu toàn bổn phận mục tử. Giáo dân thấy cha yếu sức mà vẫn nỗ lực chịu khó giảng dạy và ban các Bí tích hằng ngày thì hết lòng yêu mến kính phục. Nhờ đó họ luôn luôn sẵn sàng nghe lời cha khuyên bảo dạy dỗ, sốt sắng giữ đạo, giữ vững niềm tin.

Ngày 12 tháng 07 năm 1773, cha được mời đi xức dầu cho một bệnh nhân ở xứ Lai Ổn. Trên đường về, cha bị quan phủ Thân Khê vây bắt, nhốt vào củi, giải nộp cho chúa Trịnh Sâm. Cha bị giam ở đây khoảng 03 tháng thì cha Vinh-sơn Liêm cũng bị bắt, giải về nhốt chung với cha. Thật là một niềm vui không tả xiết, hai anh em cùng dòng cùng lý tưởng, nay cùng chung chịu ngục tù hình khổ để làm chứng cho Chúa.

Trước hết, các ngài làm chứng cho Chúa bằng lời nói. Lúc đó người chú của chúa Trịnh Sâm làm quan lớn trong triều. Ông ta muốn tìm biết đạo nào là đạo chánh thật, nên mời đại diện bốn tôn giáo lớn trong nước là Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo và Thiên Chúa giáo đến trình bày đạo lý cho ông ta nghe. Hai cha Vinh-sơn Liêm và Gia-cin-tô Gia được cử làm đại diện cho Thiên Chúa giáo. Sau ba ngày trao đổi giáo lý giữa bốn tôn giáo, vị quan lớn rất khen ngợi giáo lý Công giáo. Nghe tin đó, bà Thái Tôn là mẹ của chúa Trịnh Sâm tò mò muốn biết đạo Chúa. Bà cho mời cha Liêm và cha Gia đến. Và sau khi nghe hai cha trình bày đạo lý, bà hỏi:

- Nếu chỉ có đạo của các ông là đạo chính thật, thì những người không tin theo đạo đó chết rồi đi đâu?

Cha Liêm đáp:

- Họ sẽ phải bị phạt trong hỏa ngục khốn khổ đời đời.

Nghe vậy, bà ta nổi giận, buộc chúa Trịnh Sâm phải xử tử hai cha. Thế là ngày 07 tháng 11 năm 1773, quân lính điệu hai vị chiến sĩ Phúc âm ra pháp trường Đông Mơ thi hành án tử, để sau khi đã làm chứng cho Chúa bằng lời nói, các ngài được làm chứng cho Chúa bằng chính mạng sống của mình.

Ngày 20 tháng 05 năm 1906, Đức Thánh Cha Pi-ô 10 tôn phong hai vị chứng nhân anh dũng lên Chân phước. Và Đức Giáo Chủ Gioan Phaolô 2 đã suy tôn các ngài lên Hiển thánh ngày 19 tháng 06 năm 1988.

Quyết tâm: Noi gương thánh Vinh-sơn Liêm và Gia-cin-tô Gia tử đạo, hằng ngày hy sinh chịu khó rao giảng đạo Chúa, làm chứng cho Chúa bằng lời nói và đời sống thánh thiện gương mẫu.

Lời nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

Ngày 08 tháng 11
THÁNH GIU-SE NGHI, PHAO-LÔ NGÂN,
MÁT-TI-NÔ THỊNH, MÁT-TI-NÔ THỌ
VÀ GIOAN BAO-TI-XI-TA CỎN
Linh Mục và Giáo Dân Tử Đạo

Gương Thánh nhân: Cả ba Linh mục Giu-se Nghi, Phao-lô Ngân, Mát-ti-nô Thịnh cùng với hai giáo dân là Mát-ti-nô Thọ và Gioan Bao-ti-xi-ta Cỏn đều bị bắt tại xứ Kẻ Báng, tỉnh Nam Định, và được phúc tử đạo trong một ngày.

Lúc sinh thời, các ngài thương yêu nhau, lo lắng giúp đỡ nhau phần hồn phần xác; khi bị bắt, các ngài nâng đỡ khuyến khích nhau giữ vững niềm tin, trung thành bền đỗ tin theo Chúa; khi chết, các ngài cùng chịu chết vì Chúa, cùng làm chứng cho Chúa, cùng lãnh triều thiên vinh hiển... Thật đúng ở đâu có nhiều người hợp nhau thì có Chúa ở giữa họ, giúp họ chiến thắng cả thần dữ và sự chết...

* * *

Giu-se Nguyễn Đình Nghi sinh năm 1793, tại xứ Kẻ Vồi, nay thuộc Hà Nội. Lớn lên, cậu được Chúa chọn giúp việc giảng đạo. Cậu theo học trường thầy giảng rồi trở về giúp họ đạo nhà. Nhưng các cha thấy thầy thông minh đạo đức, có thể làm tông đồ đắc lực, nên cho học thần học và được Đức Cha phong chức Linh mục năm 30 tuổi.

Từ ngày được làm Linh mục, cha Nghi hết sức tận tụy hy sinh lo cho giáo dân. Và để làm việc tông đồ mục vụ đắc lực, hằng ngày cha ăn chay hãm mình ép xác, có ý hiệp cùng sự thương khó Chúa Ki-tô, cứu rỗi linh hồn mọi người. Công việc cha chuyên cần hơn hết là giảng dạy giáo lý và ngồi tòa giải tội. Nhiều người tội lỗi, lắm kẻ lạc đạo nhờ cha mà ăn năn sám hối trở về với Chúa. Đức Cha nhờ cha đi giúp nhiều nơi, như các xứ Sơn Miêng, Kẻ Vạc, Phúc Nhạc... Nơi nào cha cũng cứu vớt được nhiều linh hồn về cho Chúa. Sau cùng đang lúc làm cha xứ Kẻ Báng thì cha bị bắt cùng với cha Phao-lô Ngân và cha Mát-ti-nô Thịnh.

Phao-lô Nguyễn Ngân sinh năm 1790 tại họ Cự Khanh, tỉnh Thanh Hóa, trong một gia đình rất ngoan đạo. Nhờ đó, ngay từ nhỏ cậu đã được Chúa thương kêu gọi dâng mình giúp việc Chúa. Cậu xin gia nhập chủng viện, học hành tu luyện, chuẩn bị làm Linh mục. Sau khi mãn khóa thần học, thầy Phao-lô Ngân thụ phong Linh mục, được Đức Cha bổ nhiệm giúp xứ Phúc Nhạc, đảm trách luôn họ đạo Duyên Mậu và các họ nhỏ gần đó.

Cả đời Linh mục của cha là noi gương Chúa Giê-su, Vị Mục tử nhân lành, chăm sóc từng con chiên, hy sinh mạng sống vì đàn chiên. Hằng ngày ngoài ra việc mục tử ở nhà thờ, cha thường xuyên chịu khó đến với các gia đình giáo dân, thăm hỏi từng người, biết rõ từng con chiên, để thực hành theo gương Vị Mục tử chí Thánh:

"Chiên nào thất lạc, Ta sẽ tìm kiếm; chiên nào tản mác, Ta sẽ lùa về; chiên nào xây xát, Ta sẽ băng bó; chiên nào bệnh hoạn, Ta sẽ bổ sức; còn chiên nào mạnh khỏe, Ta sẽ giữ gìn (Ed. 34,16).

Và khi Đức Cha gọi cha về làm phó xứ Kẻ Báng, giúp cha Giu-se Nghi được một năm thì cả hai bị bắt cùng với cha Mát-ti-nô Thịnh.

Mát-ti-nô Tạ Đức Thịnh sinh năm 1760, tại làng Kẻ Sét, nay thuộc tổng giáo phận Hà Nội.

Ngay từ nhỏ, cậu đã có ý muốn đi tu, nhưng lòng còn e ngại. Dần dà đến năm 18 tuổi, lúc cha mẹ định cưới vợ cho, cậu mới xin hoãn lại để suy nghĩ. Sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng nhất là cầu nguyện sốt sắng một thời gian, cậu nhất quyết dâng mình cho Chúa và xin vào chủng viện. Và trong thời vua Cảnh Thịnh cấm đạo, thầy Mát-ti-nô Thịnh được lãnh chức Linh mục, do Đức Cha Gia-cô-bê Gia chủ phong.

Cha làm bí thư ở Tòa Giám mục, sau đó được bổ nhiệm đi giúp các xứ Kẻ Bạng, Đồng Chuối , Nam Sang. Lúc gần 80 tuổi, Đức Cha lại cử cha làm chính xứ Kẻ Trình. Tuổi già, sức yếu, lại thêm bị ung nhọt ở miệng, ăn uống không được, ngày đêm đau nhức. Dù vậy, cha cũng cố gắng dâng Thánh lễ, ngồi tòa giải tội cho bổn đạo. Một hôm ông Gioan Bao-ti-xi-ta Cỏn đến thăm. Thấy cha đau đớn khổ sở quá, liền rước về nhà đứa cháu ở xứ Kẻ Báng để chăm sóc chữa trị. Đang lúc chữa bệnh ở đây, cha bị bắt cùng với cha Giu-se Nghi, cha Mát-ti-nô Ngân, và hai giáo dân là Mát-ti-nô Thọ và Gioan Bao-ti-xi-ta Cỏn.

Mát-ti-nô Thọ sinh năm 1787, tại xứ Kẻ Báng, tỉnh Nam Định.

Ông tên thật là Nho, đã lập gia đình có được tám người con. Tuy con đông, ông vẫn giáo dục chu đáo bằng gương mẫu đời sống hằng ngày, nên người con nào cũng sống hiền lương đạo đức.

Là một giáo dân nhiệt thành ngay thẳng, dân làng ai cũng biết danh tiếng ông. Họ cử ông làm viên thuế trong làng, còn giáo hữu thì chọn ông làm trùm trong họ đạo. Ngoài ra bổn phận gia đình, hằng ngày ông tận tụy lo giúp việc chung cho làng xã, xứ đạo. Đặc biệt ông sẵn sàng giúp đỡ cộng tác với các Linh mục trong việc mở mang Nước Chúa. Nhà ông luôn rộng mở đón tiếp các cha, mặc dầu ông biết việc làm nầy rất nguy hiểm cho tính mạng, vì lúc đó tổng đốc Trịnh Quang Khanh đang ráo riết tìm bắt người có đạo, nhất là các giáo sĩ. Chẳng những ông không sợ chết, mà còn muốn được chết vì Chúa. Và đúng thực ông đã bị bắt vì tội chứa chấp cha Giu-se Nghi trong nhà. Lúc đó ông Gioan Bao-ti-xi-ta Cỏn đang nuôi cha già Thịnh để chữa bệnh, nên cũng bị bắt luôn với cha già.

Gioan Bao-ti-xi-ta Cỏn sinh năm 1805, tại xứ Kẻ Báng. Ông sống bằng nghề nông. Gia đình tuy nghèo, nhưng rất siêng năng sốt sắng trong việc thờ phượng Chúa. Đặc biệt ông nhiệt thành phụ giúp các cha rao giảng Tin mừng, thánh hóa môi trường sống, chống lại mọi bất công trong xã hội. Chính ông đã đứng ra tố cáo tên lý trưởng cậy quyền ỷ thế, hà hiếp bóc lột dân chúng. Nhờ đó ông được dân làng tín nhiệm, chọn làm lý trưởng.

Một hôm nghe tin cha già Thịnh đau yếu, ông đến xứ Kẻ Trình thăm cha. Thấy cha bệnh hoạn đau đớn quá, ông rước cha về chăm sóc chữa trị.

Có người trong làng biết ông đang chứa chấp cha già, nên đến trình báo với tổng đốc Trịnh Quang Khanh. Ngày 30 tháng 05 năm 1840, quan đem quân đến bao vây Kẻ Báng lục soát khắp nơi. Sau hai ngày, họ bắt được ba Linh mục là cha Giu-se Nghi, cha Phao-lô Ngân, cha Mát-ti-nô Thịnh, cùng với hai giáo dân là Mát-ti-nô Thọ và Gioan Bao-ti-xi-ta Cỏn vì tội chứa chấp các Linh mục. Quan ra lệnh đóng gông và giải tất cả về tỉnh Nam Định.

Sau nhiều lần tra tấn cũng như dụ dỗ, thấy cả năm vị đều cương quyết giữ vững đức tin, quan nổi giận, ra lệnh đánh đòn ba vị Linh mục dữ dội, máu chảy lai láng. Quan bắt ông Thọ và ông Cỏn phải liếm máu nơi các vết thương đó, bằng không thì phải bỏ đạo. Hai ông liền quỳ gối xuống liếm máu nơi mình các cha chảy ra, trước sự kinh ngạc của mọi người. Họ không ngờ các ông can đảm đến thế, thà chịu cực chịu khổ hơn là chối Chúa bỏ đạo.

Quan buộc lòng phải kết án trảm quyết tất cả năm vị. Và ngày 08 tháng 11 năm 1840, các ngài được dẫn ra pháp trường Bảy Mẫu, chịu chém chết vì Chúa.

Đức Thánh Cha Lê-ô 13 tôn phong Chân phước cho cả năm vị ngày 27 tháng 05 năm 1900. Và ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã suy tôn các ngài lên Hiển thánh.

Quyết tâm: Hằng ngày sống đạo Chúa sốt sắng, giảng đạo Chúa siêng năng, và sẵn sàng cộng tác giúp đỡ các Linh mục trong việc mở mang Nước Chúa, theo gương thánh Giu-se Nghi, Phao-lô Ngân, Mát-ti-nô Thịnh, Mát-ti-nô Thọ và Gioan Bao-ti-xi-ta Cỏn, Linh mục và giáo dân tử đạo.

Lời nguyện:Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

Ngày 9 tháng 11
CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG LA-TÊ-RA-NÔ

Trong những thế kỷ đầu, Hội thánh luôn bị bách hại nên không xây dựng được ngôi Thánh đường nào. Các cuộc lễ và cầu nguyện đều tổ chức trong các nhà tư hoặc trong các hang toại đạo, trên mộ các thánh tử đạo.

Mãi đến năm 324, Đức Giáo Hoàng Syn-vết-trô mới cung hiến cung điện La-tê-ra-nô làm Đại Thánh Đường dâng kính Chúa Cứu Thế. Cung điện nầy do hoàng đế Công-tăn-tin nhường cho ngài làm nơi cư ngụ. Và ngài đã trú ngụ tại đây cho đến thế kỷ 14 mới dời về Va-ti-căn. Đây là ngôi Thánh Đường cổ kính nhất, được gọi là "Mẹ và Đầu của tất cả mọi Thánh đường trên thế giới".

Thánh Đường La-tê-ra-nô được gọi là Mẹ tất cả các Thánh Đường vì là Thánh Đường đầu tiên được chính quyền công nhận trong đế quốc La-mã, và cũng vì đây là Vương Cung Thánh Đường của giáo phận Rô-ma, có ngai tòa của Đức Giáo Hoàng.

Để kỷ niệm ngày cung hiến Đại Thánh Đường nầy, Hội thánh tổ chức mầng lễ hôm nay. Ngày lễ nầy đáng chúng ta mầng kính, vì nó nhắc mọi người nhớ thánh đường là nhà cầu nguyện, là nhà của Thiên Chúa, là nơi Thánh và đáng kính sợ, là hình ảnh Giê-ru-sa-lem trên trời và là cửa Thiên đàng. Tất cả các đồ dùng nơi đây đều được thánh hiến: Giếng Rửa tội là nơi chúng ta được tái sinh làm con Chúa, tòa cáo giải là nơi chúng ta được lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa, tòa giảng giúp chúng ta nghe Lời Chúa, bàn thờ nơi dâng hiến Chiên Thiên Chúa là Đấng xóa bỏ tội lỗi thế gian, nhà tạm là nơi Vua muôn vua ẩn mình... Kể cả những viên gạch xây dựng đền thờ cũng nhắc chúng ta nhớ tâm hồn mỗi người là những viên đá sống động của ngôi thánh đường thiêng liêng, như lời thánh Xê-da-ri-ô nói: "Anh em rất thân mến, hôm nay nhờ ơn Chúa, chúng ta hân hoan cử hành ngày giáp năm của đền thờ nầy. Nhưng chính chúng ta phải là đền thờ đích thực và sống động của Thiên Chúa. Dĩ nhiên dân Ki-tô hữu có lý để lấy lòng tin mà tôn kính ngày trọng đại của Mẹ Hội thánh, vì họ biết nhờ Mẹ Hội thánh họ đã được tái sinh một cách thiêng liêng. Bởi vì khi sinh ra lần thứ nhất, chúng ta đã là đối tượng cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, còn nhờ cuộc tái sinh, chúng ta đã được trở nên đối tượng của lòng Người thương xót. Quả thế, lần sinh ra thứ nhất đưa tới sự chết, còn cuộc tái sinh gọi ta về sự sống thật..."

"Vì vậy anh em rất thân mến, nếu chúng ta muốn hân hoan cử hành ngày kỷ niệm cung hiến Đền thờ, chúng ta không được dùng những việc xấu xa phá đổ đền thờ sống động của Thiên Chúa nơi chúng ta. Nói thế là để mọi người hiểu rằng: Mỗi khi đến nhà thờ, chúng ta muốn thấy nhà thờ đó thế nào, thì ta cũng phải sửa soạn tâm hồn ta như thế".

"Bạn muốn thấy Thánh đường sạch sẽ ư ? Đừng làm linh hồn bạn nhơ nhớp vì dơ bẩn tội lỗi. Bạn muốn thấy Thánh đường trong sáng ư ? Thì Thiên Chúa cũng muốn bạn đừng để tâm hồn tối tăm, nhưng hãy làm như lời Chúa nói, để ánh sáng việc lành chiếu sáng trong tâm hồn chúng ta, và Đấng ngự trên trời sẽ được hiển vinh. Bạn muốn vào nhà thờ thế nào, thì Thiên Chúa cũng muốn vào linh hồn bạn như thế, đúng như lời Người đã hứa: và Ta sẽ ở với chúng và đi lại với chúng"

Quyết tâm: Hằng ngày tôi lo gìn giữ linh hồn sạch tội trong sáng, để xứng đáng nên đền thờ Chúa ngự.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã chọn chúng con như những viên đá sống động để xây nên một ngôi đền thánh, nơi Chúa ngự muôn đời. Xin cho Hội thánh là dân Chúa ngày càng thêm đông và dồi dào ân sủng, để trở nên thành thánh Giê-ru-sa-lem trên trời.

1580    17-01-2011 21:13:08