Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Hạnh Thánh Tháng 11_phần 3

Ngày 10 tháng 11
THÁNH LÊ-Ô CẢ
Giáo Hoàng Tiến Sĩ

Gương Thánh nhân: Thánh Lê-ô sinh tại Rô-ma, nước Ý, năm 398, trong một gia đình nổi tiếng đạo đức. Nhờ đó thánh nhân sớm hấp thụ được nền đạo hạnh, nên khi lớn lên được lãnh nhận chức Phó tế trong Hội thánh.

Và năm 440, thánh nhân được hàng giáo sĩ và giáo dân bầu lên làm Giáo Hoàng. Ngài run sợ trước trách nhiệm nặng nề, nên cầu xin Chúa nâng đỡ giúp sức: "Lạy Chúa, thật không cân xứng chút nào giữa gánh nặng Chúa trao và sức yếu hèn của con. Chúa đã giao trách nhiệm lớn lao cho con, xin Chúa cũng thương nâng đỡ giúp sức con".

Sở dĩ thánh nhân run sợ trước trách nhiệm như thế, là vì đây là thời kỳ khó khăn rắc rối cả phần đạo lẫn việc đời. Ngoài đời thì những người ngoại giáo và các dân man di đang xâm chiếm tàn phá khắp nơi, gây đau thương tang tóc cho mọi người. Bên trong Hội thánh, các lạc giáo tranh nhau gieo rắc lý thuyết của họ: lạc giáo nhị nguyên tuyên truyền nguồn gốc vạn vật do hai nguồn Bóng tối và Ánh sáng; phái của A-ri-út chỉ cho Đức Giê-su là một con người thần linh; nhóm Duy nhất tính cũng bảo Con Thiên Chúa mang võ nhân tính bên ngoài, chứ không phải là người thật.

Đứng trước tình thế khó khăn phức tạp nầy, thánh nhân phải dồn hết tài năng sức lực để đối phó. Việc làm trước tiên của ngài là chạy đến Chúa bằng lời cầu nguyện và ăn chay hãm mình, để kêu xin Chúa soi sáng giúp đỡ ngài chu toàn trách vụ. Rồi ngài viết thơ, gởi đại diện, mở Công đồng bàn luận học hỏi những điểm sai lầm của các lạc thuyết, đồng thời phổ biến chân lý tinh tuyền đúng đắn của Tin mừng. Nổi tiếng nhất là bức thư ngài gởi cho Công đồng Can-cê-đon. Bức thư tín lý nầy đã gây được ảnh hưởng mạnh mẽ, làm cho cả 600 Giám mục đang họp công đồng nhất tề kêu lên:

- Chính thánh Phê-rô đã nói qua Đức Giáo Hoàng Lê-ô của chúng ta.

Từ đó, tất cả mọi thành phần dân Chúa đều hợp tác với Đức Giáo Hoàng chống lại các lạc thuyết, truyền bá đức tin, bảo vệ tín điều Ngôi Hai Nhập Thể: Người là Thiên Chúa thật mà cũng là người thật.

Giải quyết khó khăn nội bộ xong, thánh nhân tiếp tục công trình bảo vệ Rô-ma cho khỏi những cuộc tấn công tàn sát của các dân man-di. Lực lượng đáng sợ nhất lúc đó là binh đội của Ắt-ti-la, vua dân Hun. Vị vua nầy đang lăm le tấn công thành Rô-ma. Thánh nhân đích thân đến gặp ông ta, và thật là ơn lạ đặc biệt, ngài được Ắt-ti-la tiếp đón nồng hậu. Sau một lúc thảo luận, vị vua nầy chấp thuận không tấn công Rô-ma, với điều kiện là hằng năm phải cống hiến lễ vật cho ông ta.

Thế là nhờ ơn Chúa giúp, thánh nhân đã cứu Rô-ma và cả nước Ý khỏi tai họa Hun-nô tàn phá giết chóc. Mọi người từ vua tới dân đều vui mầng cảm tạ, và hăng say nhiệt thành thờ kính Chúa.

Nhưng lòng nhiệt thành cảm tạ của họ không tồn tại được lâu. Một thời gian sau họ trở lại sa đọa, lao mình vào các cuộc vui chơi phóng đãng. Thánh nhân hết lời khuyến cáo họ, kêu gọi họ sống trung thành với ơn gọi của Chúa. Ngài bảo họ: "Tất cả những ai đã được tái sinh trong Đức Ki-tô thì dấu thánh giá đã làm cho họ thành quân vương, và việc xức dầu bằng Thánh Thần đã thánh hiến họ thành tư tế: do đó không kể thừa tác viên đặc biệt của tôi, mọi Ki-tô hữu sống theo Thánh Thần và ơn gọi đều phải nhận thấy mình đã thuộc dòng tộc hoàng vương và thông phần vào chức vụ tư tế. Thật vậy, còn gì hoàng vương cho bằng một tâm hồn lụy phục Thiên Chúa mà biết cai trị chính thân xác mình. Và còn gì có tính cách tư tế cho bằng dâng hiến lương tâm tinh tuyền mình cho Thiên Chúa, và dâng trên bàn thờ tâm hồn mình những của lễ hy sinh không tỳ vết của lòng đạo hạnh ?...

Nhưng vì dân chúng không biết nghe lời thánh nhân mà hối cải, nên lại bị vua Gen-sê-ríc của dân man di Văn-đan kéo đến cướp phá. Đức Giáo Hoàng lại phải đứng ra can thiệp một lần nữa, để cứu dân thành khỏi bị tàn sát phá hại...

Chính vì những việc làm cả thể ích lợi trong đạo ngoài đời đó, mà thánh nhân được mọi người gọi là Lê-ô Cả. Ngài qua đời ngày 10 tháng 11 năm 46 tại Rô-ma, và được tôn phong tiến sĩ Hội thánh năm 1754.

Quyết tâm: Noi gương thánh Giáo Hoàng Lê-ô Cả, hằng ngày giúp mọi người tuân giữ đức tin chân chính và tông truyền, đồng thời lo cho đồng bào đồng loại tránh khỏi mọi tai họa khốn khổ.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã xây dựng Hội thánh Chúa trên nền tảng vững chắc là các tông đồ, khiến cho sức mạnh của ác thần không tài nào thắng nổi. Xin nhậm lời thánh Giáo Hoàng Lê-ô nguyện giúp cầu thay, mà cho Hội thánh luôn giữ vững chân lý và được vui hưởng thái bình.

Ngày 11 tháng 11
THÁNH MÁC-TI-NÔ
Giám Mục

Gương Thánh nhân: Thánh Mác-ti-nô sinh năm 316, tại Pan-nô-ni, nước Hun-ga-ri, trong một gia đình ngoại giáo; nhưng chính Thánh nhân lại mến mộ đạo Chúa, nên lớn lên đã ghi tên vào sổ dự tòng ở một họ đạo gần đó, mặc dầu bị gia đình chống đối mãnh liệt.

Năm lên 15 tuổi, thánh nhân bị bắt quân dịch. Ngài bị sung vào đạo binh Rô-ma và phục dịch tại xứ Gôn (nước Pháp ngày nay). Đây là nơi sau nầy ngài sẽ rao giảng Tin mừng.

Sống trong quân ngũ, thánh nhân phải gần gũi với đủ thứ hạng người, phần đông họ là những thanh niên ham vui chơi phóng đãng, rượu chè be bét. Ngài không những chẳng chạy theo họ, mà còn luôn làm gương tốt cho họ, có dịp thì khuyên bảo họ theo đường ngay nẻo chánh. Đặc biệt ngài có lòng bác ái yêu thương anh em, lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ mọi người.

Một hôm ngay mùa đông trên đường đi công tác, thánh nhân gặp ngay ở cổng thành A-mi-en một người ăn xin trần trụi, lạnh run lặp cặp. Ngài liền nhớ lại câu Chúa nói: "Ta trần trụi, các ngươi đã cho áo mặc".

Đến gần người đó, ngài nói:

- Tôi không có tiền bạc, chỉ có áo quần và khí giới.

Nói xong thánh nhân rút kiếm ra, xẻ đôi chiếc áo choàng đang mặc, và trao cho người ăn mày một nửa.

Tương truyền đêm hôm đó trong giấc ngủ, thánh nhân thấy Chúa Giê-su choàng nửa chiếc áo ngài cho người ăn mày hôm qua và nói:

- Đây là chiếc áo Mác-ti-nô đã cho Ta.

Năm 20 tuổi, thánh nhân lãnh Bí tích Rửa tội. Và 2 năm sau thì xin được giải ngũ, trở về gia đình. Ngài ao ước cho cha mẹ ngài trở lại đạo, và cầu nguyện xin Chúa. Chúa nhậm lời cho mẹ ngài theo đạo, còn cha ngài thì từ chối.

Thánh nhân nghe danh tiếng thánh Hi-la-ri-ô thì đem lòng mộ mến, ngài đã đến xin được chỉ giáo. Và năm 361, ngài đã thành lập tại Li-gu-gê một tu viện, đây là tu viện đầu tiên ở xứ Gôn, nước Pháp.

Từ đó, lòng đạo đức thánh thiện của thánh nhân ngày càng triển nở sâu đậm. Cầu nguyện, hãm mình, ép xác hằng ngày là lẽ sống của ngài. Vì lòng nhân đức tột bậc, ngài được Chúa chọn làm Giám mục giáo phận Tua năm 371. Trong suốt thời gian làm Giám mục, ngài luôn nhiệt thành chăm sóc đoàn chiên, củng cố hàng giáo sĩ, chỉnh đốn các tu viện. Năm 375, chính ngài lập thêm tu viện ở gần sông Loa, đây là trung tâm văn hóa và truyền giáo của ngài.

Có thể nói thánhMác-ti-nô là một Giám mục truyền giáo. Ngoài ra việc chăm sóc giáo phận, huấn luyện các tu sĩ, thánh nhân rảo khắp các làng mạc thành thị, rao giảng đạo Chúa. Ngài đến hầu hết các nơi trong xứ Gôn (nước Pháp), không một làng nào, thành nào mà chẳng được ngài loan báo Tin mừng Nước Trời. Và ngài đã đem được nhiều linh hồn về cho Chúa.

Nhưng đời sống con người có hạn, ai ai cũng phải đi đến cõi chết. "Thánh Mác-ti-nô thấy trước cái chết của minh từ lâu, và ngài nói với anh em rằng: ngày thân xác mình phải tiêu tan đã gần. Bấy giờ có một sự kiện khiến ngài phải đi viếng giáo phận Con-đa-si; hàng giáo sĩ ở đó bất thuận với nhau, ngài biết giờ chết của mình, nên vì muốn tái lập lại sự hòa thuận, nên ngài vẫn quyết định lên đường, hy vọng đạt được đỉnh trọn lành của các nhân đức, nếu có thể tái lập và để sự bình an lại cho Hội thánh".

"Vậy sau một thời gian ở lại thị trấn đó, đúng hơn là nơi giáo phận mà ngài đã đến, ngài đã hòa giải được các giáo sĩ với nhau, và khi định trở lại tu viện thì bỗng nhiên ngài thấy mình không còn đủ sức nữa, ngài liền gọi anh em đến và cho biết ngài kiệt sức rồi..."

"Ôi con người tuyệt diệu không chịu khuất phục trước lao nhọc, và cũng không chịu khuất phục trước cái chết; không để mình nghiêng ngả về bên nào; không sợ chết thì không ngại sống. Ánh mắt và đôi tay ngài luôn hướng về Thiên Chúa, không để tinh thần bất khuất mình ngơi cầu nguyện..."

Thánh nhân qua đời ngày 8 tháng 11 năm 397 và được mai táng tại giáo phận Tua. Ngài đã được tôn phong Hiển thánh.

Quyết tâm: Noi gương thánh Mác-ti-nô Giám mục, hằng ngày dùng lời cầu nguyện, việc hy sinh hãm mình, cầu cho kẻ tội lỗi và người ngoại đạo trở về cùng Chúa, và hết lòng lo cho mọi người tin theo Chúa được hòa thuận thương yêu nhau.

Lời nguyện:Lạy Chúa, xưa thánh Giám mục Mác-ti-nô đã làm vinh danh Chúa, khi còn sống cũng như lúc qua đời. Nay xin Chúa cũng ban cho chúng con những hồng ân kỳ diệu, để dù chết, chúng con chẳng lìa xa tình thương của Chúa bao giờ.

Ngày 12 tháng 11
THÁNH GIO-SA-PHÁT
Giám Mục Tử Đạo

Gương Thánh nhân: Thánh Gio-sa-phát sinh tại Vla-đi-mia, nước Ba-lan, năm 1581, trong một gia đình quí phái làm nghề thương mại.

Lớn lên thánh nhân làm phụ giúp một thương gia ở Quin-na. Nhưng ngài cảm thấy lý tưởng đời ngài là phục vụ Chúa và cứu vớt các linh hồn, vì mọi sự ở đời đều mau qua chóng mất, chỉ có Chúa mới tồn tại, chỉ có phần rỗi linh hồn mới xứng đáng mọi người kiếm tìm hơn hết. Ngài cầu xin Chúa soi sáng cho ngài phải chọn đường nào, và sau cùng đã xin gia nhập dòng thánh Ba-si-li-ô.

Nhờ nhân đức và đời sống thánh thiện, năm 1614, thánh nhân được chọn làm bề trên nhà dòng. Ngài tận tụy đào luyện các tu sĩ và luôn nêu gương khắc khổ cầu nguyện cho họ. Nhờ đó, nhà dòng ngày càng phát triển, các tu sĩ ngày càng thêm nhân đức trọn lành.

Danh tiếng thánh nhân lan rộng nên năm 1617, ngài được Đức Giáo Hoàng tấn phong Giám mục phụ tá cho Tổng Giám mục ở Pô-lô, và năm sau lên kế vị.

Từ ngày lên làm Tổng Giám mục, thánh nhân càng nổ lực sống khắc khổ nhiệm nhặt hơn, để nêu gương cho hàng giáo sĩ, các tu sĩ và đoàn chiên. Đặc biệt ngài dồn hết sức lực vào công việc hiệp nhất trong Hội thánh. Vì lúc đó các Ki-tô hữu phần đông theo nghi thức By-xăn-tin. Thánh nhân dùng sách vở và lời giảng dạy kêu gọi mọi người trung thành với Hội thánh Chúa sáng lập, tuân theo phụng vụ Rô-ma. Nhưng có số người phản đối. Ngài cương quyết giữ vững lập trường hiệp nhất, thế nên họ thù ghét ngài, tìm cách ám hại ngài.

Năm 1623, trên đường đi thăm mục vụ trong tổng giáo phận, thánh nhân bị một đám người thuộc nhóm ly khai giết chết cách dã man. Xác ngài được đưa về chôn cất tại Pô-lô. Và năm 1867, thánh nhân được tôn phong Hiển thánh với thành tích bảo vệ hiệp nhất trong Giáo hội. Chính Đức Giáo Hoàng Pi-ô thứ 11 đã ngợi khen ngài: "Theo kế hoạch kỳ diệu của Thiên Chúa thì Hội thánh đã được thiết lập để vào thời viên mãn sẽ trở thành như một đại gia đình bao gồm tất cả nhân loại. Và chúng ta biết rằng: cùng với các dấu hiệu khác nói lên đặc tính của mình, Hội thánh được nhận thức nhờ ở sự hiệp nhất đại kết".

"Thật vậy, khi Đức Ki-tô phán bảo các tông đồ: Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Ta, vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân (Mt. 28, 18-19), thì không những Người trao cho họ sứ mạng Người đã lãnh nhận nơi Chúa Cha, mà hơn nữa, Người còn muốn cộng đoàn tông đồ hiệp nhất, các phần tử phải liên kết với nhau bằng một sợi dây đôi thật khắng khít; bên trong là nhờ một đức tin và nhờ đức ái mà Chúa Thánh Thần đổ tràn trong lòng chúng ta (Rm. 5,5), còn bên ngoài là nhờ quyền bính của một người duy nhất trên tất cả, vì Đức Ki-tô đã đặt Phê-rô làm thủ lãnh các tông đồ, làm như một nguyên lý vĩnh viễn và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất, nhưng để cho sự hiệp nhất và hòa hợp nầy được mãi mãi tồn tại. Thiên Chúa quan phòng đã hiến thánh chúng bằng dấu hiệu của sự thánh thiện và tử đạo".

"Vinh dự đó cũng đã được ban cho thánh Gio-sa-phát, Tổng Giám mục Pô-lô-xơ, thuộc nghi lễ đông phương La-vô-ni-a, chúng ta thật có lý để coi ngài như cột trụ thời danh và cao cả, nhất là miền ấy. Quả vậy, khó tìm được người nào mang lại vinh dự cho dòng giống Xơ-la-vơ và đã tiếp tục làm được cho phần rỗi của dân Người hơn là Vị mục tử và là tông đồ của họ. Nhất là vì ngài đã đổ máu đào để hiệp nhất Hội thánh, ngài cảm thấy Chúa linh ứng thúc đẩy hoạt động để tái lập sự hiệp nhất của Hội thánh khắp hoàn cầu; ngài hiểu có thể cộng tác vào đó nhiều, nếu duy trì nghi thức Đông phương Xô-la-vơ và dòng thánh Ba-xi-li-ô trong sự hiệp nhất và Hội thánh phổ quát".

Quyết tâm: Suốt đời sống trung thành với Hội thánh Chúa, và đem hết tài năng sức lực hiệp cùng mọi người thiện chí, cổ động và cầu nguyện cho mọi người hiệp nhất nên một ràn chiên và một chủ chăn, theo gương thánh Gio-sa-phát.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Thánh Giám mục Gio-sa-phát đầy tinh thần yêu mến, khiến người hy sinh mạng sống vì đoàn chiên. Xin Chúa thương nhậm lời thánh nhân chuyển cầu, mà ban cho Giáo hội cũng được đầy tinh thần yêu mến, và cho chúng con hằng biết noi gương Người, không ngại xả thân vì anh em.

Ngày 14 tháng 11
THÁNH TÊ-PHA-NÔ THỂ
Giám Mục Thừa Sai Tử Đạo

Gương Thánh nhân: "Tây dương Đạo trưởng Thể đã lẫn lút ở trong nước ta trên 30 năm. Hắn đã giảng đạo tà, lừa dối dân gian. Khi bị bắt điều tra, hắn đã cung khai hết mọi tội lỗi. Theo luật triều đình, lẽ ra phải chém đầu hắn, bêu lên giữa chợ cho quần chúng biết. Nhưng vì hắn đã chết trong tù, ta truyền phải quăng xác hắn xuống sông"

Đó là bản án vua Tự Đức kết tội Đức cha Thể. Bản án đó chứng minh hùng hồn công trạng truyền giáo suốt 32 năm của vị Tông đồ Chúa, trên quê hương đất nước chúng ta. Vô tình nhà vua đã nêu cao tấm gương hy sinh anh dũng của vị Giám mục thừa sai nầy cho muôn thế hệ.

Tê-pha-nô Thể sinh ngày 08 tháng 02 năm 1802 tại nước Pháp. Cha mẹ nghèo lại đông con, cậu phải nhờ bà con giúp đỡ mới đi học được. Nhưng Chúa lại thương kẻ bần cùng. Người kêu gọi cậu giúp việc Người. Và như các thánh tông đồ xưa, cậu đã sẵn sàng nghe tiếng Chúa, xin vào chủng viện, tu luyện học hành. Sau thời gian kiên tâm chịu khó tu học, ngày 24 tháng 09 năm 1825, thầy Tê-pha-nô được lãnh Bí tích Truyền chức Thánh, làm Linh mục của Chúa.

Ý Chúa muốn cha đem Chúa đến cho những người ở phương xa, nên năm 1827, cha xin gia nhập Hội Thừa sai Pa-ri, và được gởi sang Việt Nam .

Ngày 02 tháng 05 năm 1829, vị Linh mục hăng say truyền giáo đã đến chủng viện Lái Thiêu, học tiếng, chọn tên Việt Nam là Thể, đồng thời giúp dạy các chủng sinh. Cha giảng dạy ở đây mới được bốn năm thì vua Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm đạo toàn quốc, bắt bớ các linh mục, giết hại các tín hữu. Đức Cha Từ và cha Thể cùng một số Linh mục, chủng sinh phải di tản qua Thái Lan. Nhưng sau một thời gian, Đức Cha thấy cần phải có người hướng dẫn các Linh mục cũng như giáo hữu ở Việt Nam trong cơn bách hại khốn khổ. Ngài truyền chức Giám mục cho cha Thể và yêu cầu cấp tốc trở lại Việt Nam .

Giữa cơn bách hại khốc liệt, vị tân Giám mục là nguồn an ủi khích lệ lớn lao cho mọi người. Ngài viết thơ gởi đi khắp nơi, kêu gọi khuyến khích giáo sĩ cũng như giáo dân giữ vững đức tin, can đảm trung thành với Chúa. Ngài cho người tìm kiếm các nữ tu Mến Thánh giá đang ẩn trốn, trở lại giúp các họ đạo, đồng thời nhờ một số cha chiêu mộ và đào tạo các thầy giảng, để rồi ngài phong chức Linh mục cho họ. Vì ngài ý thức rõ: nếu thiếu chủ chăn, đàn chiên sẽ tan rả...

Dù vậy, ngài thấy vẫn còn thiếu người cộng tác, giúp lo cho giáo dân. Năm 1841, ngài tổ chức Công đồng Gò Thị, gồm ba thừa sai và 13 Linh mục người Việt Nam trong giáo phận Đàng Trong, bàn về việc đào tạo thêm số Linh mục bản xứ. Qua cuộc thảo luận, ngài thấy mở chủng viện rất khó khăn, không thể thực hiện được trong lúc cấm đạo. Ngài nhờ mỗi Linh mục chọn một số em, gởi qua Pê-năng học, rồi trở về chịu chức Linh mục và làm việc tông đồ. Nhờ tổ chức như thế, giáo phận ngày càng tăng thêm số Linh mục phục vụ giáo dân, và rao truyền đạo Chúa cho lương dân. Số người trở lại đạo mỗi năm một thêm đông, cả đồng bào dân tộc thiểu số cũng có nhiều người nhận được Tin mừng.

Giữa lúc công cuộc truyền giáo đang phát triển tốt đẹp như thế, thì năm 1861, vua Tự Đức ra chiếu chỉ Phân sáp, bắt đạo hết sức gắt gao. Đức Cha phải trốn ẩn nhà nầy sang nhà khác. Ngày 24 tháng 10, ngài đang ẩn ở nhà bà Ma-đa-lê-na Lựu thì quân lính đến bao vây. Ngài vội vã trốn xuống hầm, nhưng không kịp cất giấu đồ lễ. Quân lính thấy tang vật đó, bắt buộc bà Lựu phải đem nộp Tây dương Đạo trưởng, bằng không chúng sẽ phá nhà, đánh mọi người cho chết. Cả nhà đều bị tra tấn dữ dội, nhưng không ai chịu khai nộp Đức Cha. Thấy thế, Đức Cha không thể cầm lòng được; ngài không đành để cho con chiên phải hành khổ vì mình, ngài ra nộp mình. Vừa thấy ngài, quân lính ùa tới bắt trói, nhốt vào củi, rồi bắt luôn bà Lựu, hai chú giúp lễ và mấy người lân cận.

Bị nhốt trong củi chật hẹp, Đức Cha phải ngồi co ro một chỗ suốt mấy tuần lễ hết sức khổ nhọc, phần ngài bị bệnh kiết lỵ nên kiệt sức, thở hơi cuối cùng ngày 14 tháng 11 năm 1861. Quan trấn thủ Bình Định truyền đem ngài đi chôn. Nhưng sau đó, triều đình lại gởi bản án đến ghi rõ:

"Tây dương Đạo trưởng Thể đã lẫn lút ở trong nước ta trên 30 năm. Hắn đã giảng đạo tà, lừa dối dân gian. Khi bị bắt điều tra, hắn đã cung khai hết mọi tội lỗi. Theo luật triều đình, lẽ ra phải chém đầu hắn, bêu lên giữa chợ cho quần chúng biết. Nhưng vì hắn đã chết trong tù, ta truyền phải quăng xác hắn xuống sông."

Chiếu theo bản án đó, quan trấn thủ cho đào mồ ngài lên, ném thi hài ngài xuống sông.

Ngày 02 tháng 05 năm 1909, Đức Thánh Cha Pi-ô 10 tôn phong ngài lên Chân phước. Và Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô 2 suy tôn ngài lên Hiển thánh.

Quyết tâm: Noi gương thánh Giám mục Tê-pha-nô Thể tử đạo, hết lòng lo mở mang Nước Chúa, nhất là mời gọi nhiều người dâng mình giúp việc Chúa, đào tạo các trẻ trong gia đình và họ đạo nên tông đồ của Chúa.

Lời nguyện:Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

Ngày 15 tháng 11
THÁNH AN-BÊ-TÔ CẢ
Giám Mục Tiến Sĩ

Gương Thánh nhân: Thánh An-bê-tô sinh tại Lau-in-gen, nước Đức, năm 1206, trong một gia đình quý tộc theo binh nghiệp.

Lớn lên, thánh nhân học hành giỏi giắn thông minh. Ngài thông biết hết các môn khoa học phần đời cũng như thần học trong đạo, xứng danh là nhà trí thức thời danh vào thế kỷ 13. Ngài được Đức Giáo Hoàng Pi-ô thứ 12 đặt làm thánh bổn mạng của các nhà nghiên cứu khoa học.

Năm 16 tuổi, nhân dịp đến Bô-lon trau dồi thêm kiến thức, thánh nhân được gặp Chân phước Gióc-đi-nô dòng Thánh Đa-minh. Nhờ trao đổi với vị Chân phước, ngài cảm thấy Chúa muốn ngài đem tài học vấn để phục vụ Hội thánh. Thế là năm 1223, ngài xin gia nhập dòng Đa-minh tại Sát-xa.

Từ đó, thánh nhân miệt mài học hỏi môn thần học, Kinh Thánh và tu đức, đồng thời tập rèn nhân đức. Nhờ nắm vững kiến thức về khoa học và triết học, ngài đem áp dụng vào các môn học thánh, ngài là người đầu tiên đã Ki-tô-hóa lý thuyết của A-rít-tốt, Pla-ton, là những triết gia nổi tiếng nhất thời đó. Có thể gọi ngài là tổ phụ của thần học Kinh viện.

Vì tài đức nổi bật như thế, thánh nhân luôn được mời dạy trong các trường đại học ở Đức, ở Pháp. Học trò xuất sắc của ngài là thánh Tô-ma A-qui-nô, một nhà thần học trứ danh trong Hội thánh. Thánh Tô-ma đã theo học với ngài tại Cô-lon, từ năm 1248 đến năm 1252.

Uy tín của thánh nhân ngày càng lan rộng, tài năng của ngài ngày càng phát triển, đến nổi để chấm dứt các cuộc tranh luận, người ta chỉ cần dựa vào lời "Thầy An-bê-tô đã nói như thế" thì mọi người đều tuân phục, không ai còn dám tranh cãi gì nữa.

Đúng thật thánh nhân là một nhà trí thức lỗi lạc. Giáo huấn của ngài thật cao siêu uyên bác. Các tác phẩm ngài viết rất dồi dào tư tưởng thần học cũng như triết học. Chẳng hạn khi chú giải về Tin mừng theo thánh Lu-ca, nói về Bí tích Thánh Thể, ngài đã viết: "Các con hãy làm việc nầy để nhớ đến Ta" (Lc. 22,19). Trong câu nầy có hai điều đáng ghi nhận: Thứ nhất là mệnh lệnh phải thực hành Bí tích nầy, đó là điều Người ám chỉ khi bảo: Các con hãy làm việc nầy. Thứ đến, đây là việc kính nhớ cuộc ra đi chịu chết vì chúng ta..."

Năm 1254, thánh nhân được chọn làm Bề trên tỉnh Dòng nước Đức. Trong nhiều năm liên tiếp, ngài thăm viếng các nhà dòng, điều chỉnh những sai sót, huấn luyện các tu sĩ, lập thêm nhiều nhà mới.

Vừa củng cố lại được tỉnh Dòng thì năm 1260, Đức Giáo Hoàng đặt thánh nhân làm Giám mục giáo phận Ra-tít-bon. Ngài vâng lời, lãnh trách vụ hai năm, rồi xin từ chức trở lại nhà dòng, sống đời âm thầm cầu nguyện, dạy dỗ hướng dẫn các tu sĩ. Dù vậy nhiều lần Đức Giáo Hoàng cũng nhờ ngài phụ giúp những việc hữu ích khác trong Giáo hội, như dàn xếp các cuộc tranh chấp, tham dự công đồng Ly-on, bênh vực giáo thuyết của học trò ngài là Tô-ma A-qui-nô...

Thánh nhân qua đời năm 1280, Đức Thánh Cha Pi-ô thứ 10 tôn phong ngài lên bậc Hiển Thánh năm 1931. Và năm 1942, Đức Giáo Hoàng Pi-ô thứ 12 đã nâng ngài lên Tiến sĩ Hội thánh.

Quyết tâm: Noi gương thánh An-bê-tô Cả, hằng ngày lo học biết những điều cần thiết trong đạo cũng như ngoài đời, để giúp việc Chúa và mở mang đạo thánh.

Lời nguyện:Lạy Chúa, Chúa đã cho Thánh Giám mục mà chúng con mầng kính hôm nay xứng danh là An-bê-tô Cả, vì đã tìm phối hợp kiến thức loài người với chân lý mặc khải. Xin cho chúng con biết thụ giáo với thánh nhân, để càng tiến bộ về khoa học, chúng con càng hiểu biết và yêu mến Chúa hơn.

Ngày 16 tháng 11
THÁNH NỮ MA-GA-RI-TA
Tô-Cách-Lan

Gương Thánh nhân: Thánh nữ Ma-ga-ri-ta sinh khoảng năm 1045, tại Rết-đa nước Hun-ga-ri, cha người là hoàng tử nước Anh bị lưu đày, và đã cưới công chúa người Đức mà sinh ra ngài. Vì thế, năm lên 12 tuổi, ngài cùng cha mẹ trở lại nước Anh. Nhưng năm 1066, cả gia đình lại bị lưu đày một lần nữa, song họ đã trốn sang Tô-cách-lan.

Vua Tô-cách-lan lúc đó tên là Man-con, thấy Ma-ga-ri-ta thì đem lòng thương mến và xin cưới làm vợ. Đây là một cuộc hôn nhân khá đặc biệt, vì Ma-ga-ri-ta là một thiếu nữ hiền lương đạo hạnh, và Man-con là một vị vua hung tợn và phần nào kém giáo dục. Nhưng cuộc tình duyên cũng êm đẹp, nhờ thánh nữ khéo hướng dẫn chồng mình theo đàng ngay lẽ phải.

Thánh nữ gây được nhiều ảnh hưởng tốt đẹp cho chồng: từ một vị vua hung hăng bạo ngược, không kể Chúa bà thần thánh là gì, ông ta trở lại sống nhân đạo cao thượng, sẵn sàng cho người vợ thực hành việc đạo đức, đồng thời cộng tác trong các công cuộc từ thiện của bà. Nhờ đó thánh nữ được tự do thực hiện lý tưởng nhân đức thánh thiện. Đối với bản thân, ngài rất nhiệm nhặt khổ hạnh; nhưng đối với tha nhân, thánh nữ rất dễ dãi rộng rãi. Ngài đem hết của cải giúp đỡ người nghèo, chăm sóc bệnh nhân, nuôi dưỡng người già yếu cô thân. Được sự đồng tình của chồng, ngài xây dựng nhiều bệnh viện, nhà dưỡng lão, trại tế bần.

Ngoài ra thánh nữ còn đẩy mạnh việc giáo dục, phát triển văn hóa. Ngài cho mở trường dạy học khắp nước, giúp học phí cho học sinh nghèo, khuyến khích các gia đình nghèo cho con cái tới trường học tập. Thánh nữ còn tổ chức các cuộc thi cử, chiêu mộ người tài năng đức hạnh vào giúp việc triều đình.

Công việc thánh nữ lưu tâm nhất là mở mang đạo Chúa. Ngài mời nhiều nhà giảng thuyết đến trong nước, nhờ họ rao giảng Tin mừng khắp nơi, đem nhiều người trở lại đạo. Và nhờ ngân sách triều đình, ngài xây cất nhiều nhà thờ nhà hội. Đặc biệt thánh nữ đã thành công trong việc đem phụng vụ Rô-ma vào Giáo hội Tô-cách-lan.

Thánh nữ qua đời ngày 16 tháng 11 năm 1093, và được phong thánh năm 1251.

Quyết tâm: Xin cho những người làm vợ làm chồng biết thương yêu giúp đỡ nhau tiến tới trên đàng nhân đức, và phụ giúp nhau mở mang Nước Chúa, theo gương thánh nữ Ma-ga-ri-ta.

Lời nguyện:Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh Ma-ga-ri-ta nên tấm gương sáng ngời, vì đã hết lòng thương yêu người nghèo khó. Nhờ lời thánh nữ cầu thay nguyện giúp, xin cho chúng con biết ăn ở thế nào, để khi nhìn vào đời sống của chúng con, mọi người đều nhận ra tình thương của Chúa.

THÁNH GHÊ-TƠ-RÚT
Trinh Nữ

Gương Thánh nhân: Thánh Ghê-tơ-rút là vị thánh nữ nổi tiếng, nên được gán cho biệt hiệu là "Cả". Ngài sinh năm 1256 tại Tu-rin-gen, nước Đức.

Lên 5 tuổi, thánh nữ được cha mẹ gởi vào tu viện thánh Bê-nê-đi-tô để học tập và tập rèn nhân đức. Với trí thông minh sáng suốt, ngài học rất mau tấn phát. Nhưng vì quá ham mê trau dồi văn chương chữ nghĩa mà ngài xao lảng các việc đạo đức, những giờ đọc kinh cầu nguyện. Trong một thị kiến, ngài thấy Chúa Giêsu phàn nàn trách móc điều đó, nên ngài hối hận và thưa với Chúa: "Con hết lòng cảm tạ lượng từ bi vô biên của Chúa; cùng với lượng từ bi đó, con ca tụng lòng kiên nhẫn lâu dài đã khiến Chúa nhắm mắt làm ngơ cho con. Trong những năm thơ ấu và thiếu thời, lúc tuổi hoa niên và thanh xuân, hầu như cho đến năm 25 tuổi, con đã sống ngu dại mù quáng. Thật vậy, bây giờ con mới nhận ra rằng con đã có thể chiều theo bản năng trong mọi sự và bất cứ nơi nào, trong tư tưởng, lời nói cũng như hành vi, mà không cảm thấy lương tâm cắn rứt chút nào. Nhưng Chúa đã gìn giữ con bằng cách cho con tự nhiên ghê tởm điều ác và ham thích điều thiện..."

Từ đó thánh nữ lo làm các việc thiêng liêng siêng năng sốt sắng hơn, đồng thời lo học hỏi suy niệm Lời Chúa trong Thánh Kinh, và tác phẩm các giáo phụ và các nhà thần học. Nhờ đó, lòng đạo đức của thánh nữ không những chẳng sa sút, mà còn triển nở ngày một hơn. Đặc biệt ngài mộ mến tôn sùng Trái Tim Chúa Giê-su và Bí tích Thánh Thể, ngài suy niệm về Tình yêu bao la của Chúa và quỳ cầu nguyện trước nhà tạm nhiều giờ mỗi ngày.

Từ năm 1281, thánh nữ đuợc Chúa ban ơn nhiệm hiệp thần bí, ngài được Chúa nói cho biết nhiều điều nhiệm lạ về Bí tích Thánh Thể và Thánh Tâm Chúa Giê-su. Ngài giữ kín các thị kiến đó đến năm 1289 mới thố lộ cho mọi người biết.

Thánh nữ từ trần ngày 17 tháng 11 năm 1302.

Quyết tâm: Noi gương thánh nữ Ghê-tơ-rút, tôi mộ mến tôn sùng Bí tích Thánh Thể và Thánh Tâm Chúa Giê-su là nguồn mạch tình yêu.

Lời nguyện:Lạy Chúa, Chúa đã làm cho tâm hồn thánh Ghê-tơ-rút đồng trinh nên cung điện xứng đáng cho Chúa ngự. Vì lời thánh nữ cầu thay nguyện giúp, xin xua đuổi bóng tối ra khỏi lòng chúng con, để chúng con hằng được vui mầng cảm thấy Chúa hiện diện và hoạt động trong cuộc đời chúng con.

1689    17-01-2011 21:12:12