Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Hạnh Thánh Tháng 11_phần 5

 Ngày 24 tháng 11
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Bổn Mạng Hội Thánh Việt Nam

Gương Thánh nhân: Hôm nay Giáo hội Công giáo và đặc biệt Hội thánh Việt Nam mừng kính toàn thể CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM . Lịch Công giáo ("những ngày lễ Công giáo") đề là lễ "Thánh An-rê Trần An Dũng Lạc và các bạn Tử đạo".

Theo sử liệu, đạo Chúa được truyền giảng tại Việt Nam vào thế kỷ 16. Và suốt gần 300 năm sau đó, đã có khoảng 130.000 Ki-tô hữu bị giết vì đạo, do trung thành giữ vững đức tin và để nên hạt giống trổ sinh thêm người có đạo; trong số đó có 117 vị đã được Đức Giáo Chủ Gioan Phaolô 2 suy tôn lên Hiển thánh ngày 19 tháng 06 năm 1988, gồm có 08 Giám mục, 50 Linh mục, 16 Thầy giảng, 01 Chủng sinh và 42 Giáo dân. Các ngài đã phải chịu rất nhiều hình khổ: 79 vị bị trảm quyết (chặt đầu), 16 vị xử giảo (siết cổ chết), 08 vị chết rũ tù, 06 vị bị thiêu sống, 04 vị bị lăng trì (chặt tay chân), 01 vị xử bá đao (lóc 100 miếng thịt ), 01 vị tử thương.

Hội Đồng Giám mục chọn các thánh tử đạo Việt Nam làm bổn mạng Giáo Hội Việt Nam, để nhờ các ngài cầu bầu cùng Chúa cho đạo thánh ngày càng phát triển trên quê hương xứ sở, và cho mọi tín hữu biết noi gương các ngài, luôn can đảm trung thành với Chúa.

Hôm nay cũng là ngày:

THÁNH PHÊ-RÔ CAO, PHÊ-RÔ KHOA VÀ VINH SƠN ĐIỂM
Giám Mục và Linh Mục Tử Đạo

Gương Thánh nhân: Sau khi bị bắt, Đức Cha Cao, hai cha Phê-rô Khoa và Vinh-sơn Điểm bị nhốt chung trong ngục ở Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Suốt thời gian ở trong ngục, mỗi ngày ba vị cùng nhau lần chuỗi Môi Khôi, kêu xin Đức Mẹ ban ơn giúp sức, để đủ sức mạnh và can đảm chịu mọi cực hình vì Chúa. Các ngài hoàn toàn phó thác đời mình cho Mẹ là Nữ Vương hàng Linh mục. Sau mỗi khi lần chuỗi các ngài đồng thanh cầu khẩn: "Lạy Mẹ Ma-ri-a, xưa Mẹ đã dâng Con yêu dấu của Mẹ trong đền thờ và trên Thánh giá, nay xin Mẹ cũng dâng hiến chúng con trong cuộc tử đạo..."

Nhờ đó, các ngài đã chiến thắng mọi khổ hình, vượt qua mọi thử thách, trung thành với Chúa đến hơi thở cuối cùng.

* * *

Phê-rô Cao sinh ngày 20 tháng 02 năm 1808, tại miền Co-rê nước Pháp.

Cha mẹ muốn cho cậu làm Linh mục, nên ép cậu vào chủng viện. Cậu miễn cưỡng vâng lời, song chẳng cảm thấy hứng thú mộ mến gì. Do đó, cậu sống trong chủng viện như lụt bình trôi; chẳng những thế, cậu còn lỗi phạm kỷ luật như cơm bữa. Cha giám đốc phải xử phạt cậu thường xuyên, nhưng rồi cậu cũng chứng nào tật nấy, chẳng sửa đổi được chút nào. Song Chúa quan phòng đã sắp đặt cho cậu. Một hôm cậu bị cơn sốt nặng. Trên giường bệnh, cậu được dịp đọc cuốn Niên Giám của Trường Truyền Giáo, ghi lại cuộc đời của các vị giảng đạo ở Viễn Đông. Cậu cảm thấy phấn khởi, muốn nối gót các nhà truyền giáo, đem Chúa đến cho những người ở miền xa. Khi mạnh lại, cậu xin chuyển qua chủng viện Hội Thừa sai Pa-ri, ngày ngày chuyên cần học hỏi tu luyện, với ước nguyện làm tông đồ mở rộng Nước Chúa. Ngày 21 tháng 11 năm 1830, thầy Phê-rô thụ phong Linh mục, và lên đường truyền giáo.

Dọc đường tàu bị bão tố, cha phải dừng lại ở Ma-cao. Đến ngày 15 tháng 05 năm 1832, cha mới tới Việt Nam . Sau thời gian học tiếng, cha lấy tên là Cao, và được Đức Cha Du, Giám mục giáo phận Tây Đàng Ngoài sai đi rao giảng Tin mừng tại Nghệ An, Hà Tỉnh và Bố Chính.

Từ ngày đó, cha lăn xả vào cánh đồng truyền giáo, đem hết tài năng sức lực phục vụ các linh hồn, rao truyền đạo Chúa cho lương dân. Nhưng mới hoạt động tông đồ được mấy tháng, thì ngày 06 tháng giêng năm 1833, vua Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm đạo toàn quốc. Cha phải ẩn trốn rày đây mai đó để lo việc mục vụ, ban các Bí tích cho các giáo hữu. Cuộc bắt đạo ngày càng gay gắt, cha phải xuống hầm ẩn trốn. Quan quân lục soát tìm kiếm không gặp cha, họ liền bắt một thiếu nữ có đạo, đánh đập tra khảo dữ dội, buộc phải chỉ chỗ cha trú ẩn. Cô can đảm không khai, nhưng người cha thấy con mình bị đòn đau đớn quá thì cầm lòng không nổi, đã chỉ dẫn cho quân lính bắt cha, giải về Đồng Hới, nhốt chung với cha Khoa và cha Điểm. Chính trong thời gian bị giam ở đây, cha nhận được văn thư Tòa Thánh, đặt cha làm Giám mục, coi sóc giáo phận Tây Đàng Ngoài, thay cho Đức Cha Du.

Phê-rô Vũ Đăng Khoa sinh năm 1790, tại xứ Thuận Nghĩa tỉnh Nghệ An. Lớn lên cậu theo học với Cha Hòa và cha Phương. Hai cha thấy cậu giỏi giắn đạo đức và có ý muốn dâng mình cho Chúa, thì gởi vào chủng viện Vĩnh Trị ở Nam Định. Năm 1820, thầy Khoa được thụ phong Linh mục.

Đức Cha bổ nhiệm cha làm phụ tá cha Vinh-sơn Điểm, coi sóc giáo hữu các xứ Lu Đăng và Vĩnh Phước, thuộc hạt Bố Chính. Hằng ngày cha nhiệt thành phụ giúp cha sở, giảng dạy giáo lý, ngồi tòa giải tội, huấn luyện tân tòng. Trong thời gian 09 năm phụ tá cha Điểm, cha học được nhiều kinh nghiệm mục vụ, nên Đức Cha cử đi làm chánh sở giáo xứ Cồn Dừa. Với tài đức đã tập luyện và kinh nghiệm đã thu thập được, cha hoạt động tông đồ đắc lực, giúp giáo hữu nhiệt thành sống đạo, đem nhiều người ngoại giáo trở về với Chúa

Đang lúc cha hăng say hoạt động tông đồ, thì ngày 06 tháng giêng năm 1833, vua Minh Mạng ra sắc chỉ cấm đạo trên toàn quốc: giáo sĩ cũng như tín hữu bị lùng bắt khắp nơi, thánh đường bị triệt hạ, cơ sở đạo bị phá hủy. Cha phải ẩn nấp và thay đổi chỗ ở luôn, để ban các Bí tích cho giáo dân, khuyến khích họ trung thành giữ vững đức tin. Đêm 02 tháng 07 năm 1838, cha đang trú ẩn ở làng Lê Sơn, thì quan quân đến bao vây bắt giải về Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, giam chung với Đức Cha Cao và Cha Điểm.

Vinh-sơn Nguyễn Thế Điểm sinh năm 1761, tại An Do tỉnh Quảng Trị, thuộc địa phận Tây Đàng Ngoài.

Lớn lên, cậu nghe theo tiếng Chúa gọi, xin vào chủng viện Kẻ Vĩnh ở Nam Định. Sau thời gian tu luyện hoc hành, thầy Vinh-sơn Điểm được thụ phong Linh mục, Đức Cha Du bổ nhiệm cha lãnh chánh xứ Cồn Nam, kiêm luôn mấy họ đạo lân cận thuộc hạt Bố Chính.

Mới chịu chức Linh mục mà phải đảm đương một vùng rộng lớn, với nhiều giáo dân, cha hết sức lo âu, ngày đêm kêu xin Chúa ban ơn trợ lực để chu toàn trách vụ. Mỗi tuần cha ăn chay cầu nguyện cho con chiên bổn đạo biết lo làm tròn bổn phận đối với Chúa và Hội thánh. Cha quan tâm đặc biệt đến việc đào tạo các thầy giảng, để có người cộng tác trong việc tông đồ mục vụ.

Năm 1838, cuộc bách hại của vua Minh Mạng trở nên ác liệt. Quan quân ngày đêm truy lùng bắt bớ, giết hại. Lúc đó cha đã cao niên, tuổi già sức yếu, phải lặn lội trốn tránh để lo cho đàn chiên. Một hôm, đang lúc cha đi tìm nơi trú ẩn thì bị bắt, giải về Đồng Hới. Trong tù, cha gặp Đức Cha Cao và Cha Khoa.

Cùng sống chung trong ngục, mỗi ngày ba vị hiệp nhau lần chuỗi Môi Khôi, kêu cầu Đức Mẹ cầu thay nguyện giúp cho được can đảm chịu chết vì Chúa.

Trong thời gian bị giam ở đây, các ngài chịu tra tấn nhiều lần, buộc đạp lên Thánh giá, chối đạo. Nhưng các ngài luôn luôn từ khước, mạnh mẽ tuyên xưng niềm tin vào Chúa Ki-tô.

Thấy cực hình không lay chuyển nổi lòng tin sắt đá của các vị, quan phải chịu thua, làm án gởi về Kinh. Ngày 24 tháng 11 năm 1838, bản án vua Minh Mạng châu phê đã về tới Đồng Hới. Theo đó, Đức Cha Cao bị kết án xử trảm (chém đâu), còn cha Khoa và cha Điểm thì lãnh án xử giảo (thắt cổ đến chết).

Tại pháp trường Đồng Hới, cha Khoa và cha Điểm chịu xử giảo trước. Đến lượt Đức Cha Cao, lý hình muốn được bình tĩnh để làm phận vụ, nhưng vì lỡ uống rượu quá chén, anh chém trật vào tai, và vai Đức Cha, mãi đến nhát thứ bảy, đầu vị anh hùng mới lìa khỏi cổ.

Ngày 27 tháng 05 năm 1900, Đức Thánh Cha Lê-ô 13 đã tôn phong các ngài lên Chân phước, và ngày 19 tháng 06 năm 1988 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 suy tôn lên Hiển Thánh.

Quyết tâm: Noi gương thánh Phê-rô Cao, Phê-rô Khoa và Vinh-sơn Điểm tử đạo, nhiệt thành rao giảng đạo Chúa, và hằng ngày siêng năng lần chuỗi Môi Khôi, cậy nhờ Đức Mẹ phù giúp hy sinh chịu khó làm chứng cho Chúa.

Lời nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

Ngày 26 tháng 11
THÁNH TÔ-MA DỤ VÀ ĐA-MINH XUYÊN
Linh Mục Tử Đạo

Gương Thánh nhân: Vì lòng nhiệt thành lo mở rộng Nước Chúa, hai cha Tô-ma Dụ và Đa-minh Xuyên sau khi chịu chức Linh mục còn gia nhập dòng Đa-minh, để nhờ đời sống chiêm niệm và cầu nguyện theo luật dòng, các ngài có thể làm tông đồ đắc lực hơn. Cha Du khấn dòng ngày 21 tháng 12 năm 1814, cha Xuyên ngày 20 tháng tư năm 1820, và cả hai vị đều sống nên những tu sĩ gương mẫu, những Linh mục thánh thiện. Nhờ đó, các ngài đã cứu vớt được nhiều linh hồn, và được Chúa ban cho phúc tử đạo vinh hiển.

* * *

Tô-ma Đinh Viết Dụ sinh năm 1783, tại Phú Nhai tỉnh Nam Định. Được Chúa kêu gọi từ nhỏ, cậu đã xin gia nhập chủng viện, hiến dâng đời mình cho Chúa.

Trong thời gian học hành tu luyện ở chủng viện, cậu đã có lòng tôn sùng Đức Mẹ cách đặc biệt. Hằng ngày cậu siêng năng lần chuỗi Môi Khôi, phó thác trọn đời trong tay Mẹ. Và năm 1814, thầy Tô-ma Dụ đã được lãnh Bí tích Truyền chức Thánh, trở nên Linh mục của Chúa. Sau đó ít lâu, cha xin gia nhập dòng Đa-minh, và khấn ngày 21 tháng 12. Cha luôn tuân giữ luật dòng nhiệm nhặt, ngày đêm sống trong chiêm niệm cầu nguyện. Nhờ đó cha được tiến triển trên đường nhân đức và phục vụ đắc lực các linh hồn.

Cha được Đức Cha bổ nhiệm giúp nhiều giáo xứ. Tới đâu cha cũng nhiệt thành giảng dạy, ban phát các Bí tích cho giáo dân, nhất là cổ động truyền bá chuỗi Môi Khôi, kêu gọi mọi người tôn sùng kính mến Đức Mẹ, để được Người phù hộ cứu giúp trong cơn thử thách bách hại.

Năm 1838, cha được cử đến họ đạo Liểu Đề thay thế cha Phê-rô Tuần vừa bị bắt ! Cha hoạt động tông đồ ở đây chưa đầy một năm, thì ngày 20 tháng 05 năm 1839 quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh được tin mật báo có cha Vọng là Linh mục thừa sai ẩn nấp ở Liểu Đề, quan cho quân lính đến vây bắt. Không bắt được cha Vọng, họ chia ra nhiều toán lục soát khắp nơi. Lúc đó cha Dụ đang ẩn nấp ở nhà bà An-rê Thu. Vừa dâng Thánh lễ xong, nghe tin có quân lính bao vây, cha vội vàng cải trang thành người làm vườn, chạy sang nhà kế bên ngồi làm cỏ. Quân lính đi ngang không nhận ra cha, nhưng sau đó có người tố giác nên quân lính trở lại bắt cha, giải lên tỉnh Nam Định.

Ba tháng sau, cha Đa-minh Xuyên là Linh mục cùng dòng với cha cũng bị bắt, giải về giam chung với cha. Hai anh em gặp nhau, tay bắt mặt mừng, hàn huyên tâm sự, an ủi nâng đỡ nhau suốt thời gian ở trong ngục.

Đa-minh Nguyễn Văn Xuyên sinh năm 1786, tại Hương Hiệp tỉnh Thái Bình. Thấy con thông minh đạo hạnh, cha mẹ gởi gắm nhờ Đức Cha Y, Giám mục giáo phận Đông Đàng Ngoài dạy dỗ huấn luyện, với ý nguyện sau nầy cậu sẽ dâng mình giúp việc Chúa. Cậu Đa-minh lớn lên, càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan đạo đức, và hết lòng ước muốn là Linh mục rao giảng đạo Chúa. Thấy vậy, Đức Cha cho cậu vào Đại Chủng viện và ban Bí tích Truyền chức Thánh năm 1819. Sau đó cha xin gia nhập Dòng Đa-minh và tuyên khấn ngày 20 tháng tư năm 1820.

Từ đó, cha hăng hái đi hoạt động tông đồ, loan báo Tin mừng cho lương dân, chăm lo phần rỗi các tín hữu. Cha đến giúp xứ Phạm Phao, tỉnh Nam Định, rồi xứ Kẻ Mèn, tỉnh Thái Bình. Khi Đức Cha bổ nhiệm cha đến xứ Đông Xuyên thì gặp ngay lúc ở đây đang bị hạn hán mất mùa, dân chúng đói khổ. Hằng ngày cha đi thăm từng gia đình, ủy lạo giúp đỡ gạo thóc tiền của cho họ. Nhiều lần cha phải vét sạch túi, lấy cả phần gạo của cha để giúp đỡ cho họ. Thấy cha hy sinh hết mình như thế, mọi người kể cả lương lẫn giáo đều cảm phục quý mến cha. Nhờ đó mà hoạt động tông đồ mục vụ của cha thành công tốt đẹp. Nhiều người lương xin vào đạo, các giáo hữu ngày càng thêm lòng đạo đức sốt sắng.

Năm 1837, giữa lúc vua Minh Mạng bắt đạo gắt gao, Đức Cha gọi cha về làm quản lý địa phận, vừa giúp xứ Hạ Linh. Mặc dầu hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm, cha vẫn tận tâm phục vụ giáo phận, hết lòng giúp đỡ các Linh mục trong công tác truyền giáo. Ngày 18 tháng 08 năm 1839, cha đang làm lễ ở họ Phú Đường, họ nhỏ của xứ Hạ Linh, quân lính đến bao vây. Cha vội vàng rước Mình Thánh Chúa, cởi áo lễ chạy trốn. Nhưng quân lính đuổi theo kịp, bắt cha giải về cho tổng đốc Trịnh Quang Khanh.

Biết cha làm quản lý giáo phận, tổng đốc Khanh cho hành hạ tra tấn dữ dội, để vừa buộc cha chối đạo vừa khai thác tiền của. Nhưng cha thành thật nói:

- Tôi chẳng có tiền bạc của cải gì. Còn việc đạp lên Thánh giá, tôi không bao giờ dám làm, vì như thế là xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa và là Đấng Cứu chuộc tôi.

Tức giận, viên tổng đốc ra lệnh lấy sắt nung đỏ, dí vào da thịt cha đến cháy khét, rồi lấy kềm kẹp, rứt ra từng miếng thịt hết sức đau đớn. Nhưng cha ráng sức cam lòng chịu khổ vì Chúa, không than van, mà còn cho đó là ơn Chúa thương ban, để được đồng lao cộng khổ với Người trong cuộc tử nạn. Cha Tô-ma Dụ bị giam chung với cha cũng nhiều lần chịu hành hạ tra tấn, bắt ép đạp lên Thánh giá chối đạo. Nhưng ngài cũng vẫn cương quyết trung thành theo Chúa, sẵn sàng chấp nhận khổ hình đòn vọt để làm sáng danh Chúa. Một bà bổn đạo của cha giả làm người ăn xin vào ngục thăm cha, thấy cha tiều tụy khổ sở quá thì khóc nức nở. Cha an ủi bà và nói:

- Sức lực tôi suy giảm, thân thể tôi dẫu hao mòn khổ cực, nhưng tôi còn muốn được chịu hình khổ hơn nữa, để danh Chúa được cả sáng.

Đứng trước hai vị anh hùng can đảm hy sinh tột độ như thế, tổng đốc Khanh không còn biết làm cách nào khác hơn là kết án trảm quyết, trình lên vua Minh Mạng. Nhà vua phê y án.

Ngày 26 tháng 11 năm 1839, hai vị chiến sĩ của Chúa được dẫn ra pháp trường Bảy Mẫu. Và sau một lúc quỳ cầu nguyện sốt sắng, các ngài đã lãnh lấy những nhát gươm của lý hình, để được nhận triều thiên tử đạo vinh hiển.

Ngày 27 tháng 05 năm 1900, Đức Thánh Cha Lê-ô 13 tôn phong Chân phước cho các ngài, và Đức Giáo Chủ Gioan Phaolô 2 suy tôn lên Hiển Thánh ngày 19 tháng 06 năm 1988.

Quyết tâm: Siêng năng lần chuỗi Môi Khôi để tôn kính Đức Mẹ, và nhờ Mẹ giúp rao giảng đạo Chúa bằng lời cầu nguyện, bằng việc bác ái, nhất là bằng hy sinh chịu khó, theo gương thánh Tô-ma Dụ và Đa-minh Xuyên Linh mục dòng Đa-minh tử đạo.

Lời nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

Ngày 28 tháng 11
THÁNH AN-RÊ TRẦN VĂN THÔNG
Quân Nhân Tử Đạo

Gương Thánh nhân: Ngày 27 tháng 05 năm 1900, khi tôn phong vị anh hùng tử đạo An-rê Thông lên Chân phước, Đức Thánh Cha Lê-ô 13 đã hết lời khen ngợi bà mẹ của thánh nhân. Bà đã noi gương Đức Mẹ, dâng hiến con trai duy nhất của mình cho Chúa. Trong giờ con bị hành quyết, bà đứng bên con, chẳng những không sầu buồn than khóc, mà còn an ủi khích lệ con bền lòng chịu chết vì Chúa, như Đức Mẹ xưa dưới chân Thánh giá, lúc Chúa Giê-su chịu thương khó tử nạn trên đồi Can-vê. Thật bà là một người mẹ can đảm hy sinh đáng cho mọi thời ca tụng, nên gương sáng cho tất cả các bà mẹ Công giáo. Một người mẹ như thế chắc chắn sẽ được Chúa thương. Và thực sự bà đã được Chúa cho con bà được phúc tử đạo vinh hiển.

An-rê Trần Văn Thông sinh năm 1814, tại Phú Xuân, Huế. Cậu là con trai độc nhất của gia đình, nên được cha mẹ đặc biệt chăm lo cho học hành, hầu sau nầy nối dõi tông đường. Nhưng mới lên 15 tuổi, cha cậu mất, để lại cảnh mẹ góa con côi, nghèo nàn khổ sở. Cậu phải bỏ học, ở nhà làm việc giúp đỡ mẹ.

Vì ở Phú Xuân khó khăn, không có việc làm, mẹ con phải đùm bọc theo bà con lối xóm đến họ đạo Thợ Đúc, dệt tơ lụa cho hoàng gia, kiếm sống qua ngày. Sau những giờ lao động mệt nhọc, cậu thường ra ngồi trên bờ sông Hương, vừa nghỉ ngơi, vừa câu cá cho mẹ con ăn đắp đổi mỗi ngày. Hôm nào không câu được cá, cậu rất buồn vì hôm đó mẹ cậu phải ăn cực. Phải chăng đó là tấm lòng của người con hiếu thảo?

Nhưng cuộc sống ngày càng vất vả. Đồng lương của người thợ dệt quá ít ỏi, không đủ nuôi sống hai mẹ con. Cậu phải nén lòng từ giả mẹ già, lên đường gia nhập quân đội, để được lương khá hơn. Lúc đó cậu đã 20 tuổi.

Với số lương hàng tháng, cậu có thể lo cho mẹ già khi mạnh khỏe cũng như lúc đau ốm. Điều đó làm cho cậu hết sức vui mầng và tạ ơn Chúa, vì Người đã thương giúp cậu làm tròn bổn phận làm con. Nhưng mới được 08 tháng thì cuối năm 1894, vua Minh Mạng ra lệnh cho các binh lính Công giáo phải ra trình diện, ai bất tuân sẽ bị nghiêm phạt. Ở khu Thợ Đúc lúc đó có tất cả 13 binh sĩ có đạo, trong số đó có An-rê Trần Văn Thông; khi ra trình diện, quan ra lệnh:

- Hãy đạp lên thập giá bỏ đạo. Ai bất tuân lệnh vua sẽ bị chém đầu.

Tất cả đều đồng lòng không bước qua Thánh giá, không bỏ đạo. Quan nổi giận, cho đánh đòn dữ dội. Sau trận đòn thứ nhất, vài người đã ngã lòng thối chí chối đạo. Thấy thế, quan bảo quân lính:

- Đánh nữa. Cứ tiếp tục đánh cho đến lúc chúng đạp lên thập tự hết.

Và cứ sau mỗi trận đòn thì có thêm kẻ chối Chúa bỏ đạo. Thật đau lòng. Họ sợ đòn hơn sợ tội, sợ người đời hơn sợ Chúa !... Sau cùng chỉ còn một mình An-rê Thông trung kiên theo Chúa, thà chết chẳng thà chối bỏ đạo. Quan ra lệnh trói tay chân anh, khiêng qua thập giá. Nhưng anh tuyên bố:

- Đây là việc làm ngoài ý muốn của tôi... Không. Tôi không dám xúc phạm đến Chúa là Chúa tể trời đất. Chúa biết rõ lòng tôi tôn kính Chúa.

Quá tức giận, quan truyền đánh anh nhừ tử rồi cho tống vào ngục.

Suốt một năm trời bị giam trong ngục, người chiến sĩ anh dũng của Chúa phải đói khát cơ cực, lại còn phải chịu tra tấn đánh đập nhiều lần; nhưng dường như càng bị hành hạ khổ sở, anh càng tỏ ra mạnh mẽ kiên vững trong đức tin, nhờ hằng ngày cầu nguyện kêu xin Chúa và Đức Mẹ ban ơn giúp sức cho anh. Lính canh thấy anh đau khổ cơ cực thì động lòng thương, tạo mọi điều kiện dễ dàng cho anh. Nhờ đó anh được gặp Linh mục xưng tội rước lễ và thăm mẹ.

Khi thấy không còn hy vọng làm cho anh bỏ đạo, quan buộc lòng kết án trảm quyết. Sáng ngày 28 tháng 11 năm 1834, quân lính dẫn vị anh hùng đức tin ra pháp trường. Bà mẹ nghe tin đem con đi giết thì vội vàng ra đón. Mẹ con gặp nhau hết sức vui mầng. Bà không biết nói gì hơn là khuyên con can đảm hy sinh vì Chúa đến cùng.

Đến nơi, sau hồi chiêng báo hiệu, tên lý hình vung gươm, đầu vị chiến sĩ của Chúa rơi xuống, linh hồn bay thẳng về trời, trước sự chứng kiến của người mẹ già thân thương.

Ngày 27 tháng 05 năm 1900, Đức Thánh Cha Lê-ô 13 phong Chân phước cho ngài. Và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 suy tôn ngài lên Hiển Thánh ngày 19 tháng 06 năm 1988.

Quyết tâm: Noi gương thánh An-rê Thông quân nhân tử đạo, hết lòng hiếu thảo với cha mẹ, và bền lòng chịu khổ chịu cực vì Chúa cho đến chết.

Lời nguyện:Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

Ngày 30 tháng 11
THÁNH AN-RÊ
Tông Đồ

Gương Thánh nhân: Thánh An-rê, em thánh Phê-rô, là người đầu tiên trong Mười Hai Tông Đồ đã biết Chúa Giê-su, ngay sau khi Người chịu phép rửa ở sông Gio-đăng, lúc ngài còn là môn đệ của Gioan Tẩy giả.

Phúc âm kể như sau:"Hôm đó, ông Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói:

- Đây là Chiên Thiên Chúa.

Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su, Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình thì hỏi:

- Các anh tìm gì thế?

Họ đáp:

- Thưa Ráp-bi (nghĩa là Thưa Thầy) Thầy ở đâu?

Người bảo họ:

- Đến mà xem.

Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng 4 giờ chiều" (Ga. 1,35-39).

Và sau khi ở lại với Chúa Giê-su, ngài đã giới thiệu Chúa cho anh mình trước tiên:

- Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a (nghĩa là Đấng Ki-tô).

Rồi ông dẫn anh mình đến gặp Đức Giê-su, Đức Giê-su nhìn ông Si-mon, và nói:

- Anh là Si-mon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kê-pha (tức là Phê-rô)" (Ga. 1,40-43).

Nhưng thánh nhân chỉ được Chúa chính thức gọi theo người lúc đang thả lưới với anh là Phê-rô, ở biển hồ Ti-bê-ri-a. Người gọi các ông trong hoàn cảnh sau đây:

"Người đang đi dọc biển hồ Ga-li-lê thì thấy hai anh em kia, là ông Si-mon cũng gọi là Phê-rô, và người em là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông:

- Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.

Lập tức các ông bỏ chài lưới mà đi theo Người" (Mt. 4, 18-20).

Trong phép lạ Chúa Giê-su hóa bánh ra nhiều, thánh nhân là người lên tiếng thưa với Chúa: "Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với bằng ấy người thì thấm vào đâu !" (Ga 6,9). Và ở Giê-ru-sa-lem, khi những người Hy-lạp xin gặp Chúa Giê-su, ông là người đã giới thiệu họ với Chúa (Ga. 12,22).

Tương truyền sau khi Chúa về trời, thánh nhân đã loan báo Tin mừng ở Giê-ru-sa-lem, Giu-đê và Ga-li-lê. Sau đó ngài đến giảng đạo ở vùng Biển Đen và Hy-lạp và chịu tử đạo tại đây. Người ta bắt ngài đem nộp cho quan tổng trấn ở Pa-tra. Viên nầy bảo ngài tế thần thì ngài nói:

- Thần của các ông là ma quỷ xấu xa không nên thờ. Chỉ phải thờ Thiên Chúa là Vị Thẩm phán có quyền xét xử mọi người.

Tổng trấn hỏi lại:

- Vị Thẩm phán anh nói là Giê-su bị đóng đinh treo trên khổ giá đó phải không? Nếu anh không dâng hương tế thần, anh cũng sẽ phải chết treo trên khổ giá như thế.

Thánh nhân chẳng những không sợ mà còn vui mầng nói:

- Chết treo trên khổ giá, đó là hạnh phúc lớn nhất của tôi, vì được chết giống Thầy chí Thánh của tôi.

Viên tổng trấn nổi giận, truyền đem treo ngài lên thập giá cho chết.

Khi nhìn thấy thập giá mà ngài sẽ phải treo lên, ngài chào mầng và nói:

- Ôi Thánh giá là nơi Chúa chịu chết chuộc tội loài người, tôi đã quý mến ngươi từ lâu. Ngươi hãy giúp tôi đến gặp Chúa Giê-su là Thầy Chí Thánh của tôi."

Lý hình cột treo ngài lên thập giá. Từ trên cao, ngài kêu gọi mọi người hãy tin thờ Chúa rồi gục đầu tắt thở.

Thánh Gio-an Kim Khẩu đã khen ngợi thánh An-rê tông đồ, ngài nói: "Sau khi ở lại với Đức Giê-su và học cùng Người được nhiều rồi, An-rê đã không giấu kho tàng quý báu nơi mình, nhưng vội vàng chạy đến anh mình và chia sẻ với anh...

Những điều ông đã học trong thời gian vắn kia, ta có thấy ông đã nói lên thế nào không? Ông vừa tuyên xưng uy thế của Thầy, một uy thế hấp dẫn các môn đệ, vừa nói lên sự siêng năng chăm chỉ của môn đệ đã chuyên chú ngay từ đầu. Đó là tiếng nói của một tâm hồn hết sức ao ước Đấng Mê-si-a đến, và của linh hồn mong đợi Người tự trời đến, rồi nhảy mừng khi thấy Người hiện ra, và vội vàng đi báo tin đặc biệt đó cho kẻ khác. Đặc điểm của tình anh em, của nghĩa bạn bè và của tấm lòng chân thật là thông đạt cho nhau những điều thiêng liêng".

Quyết tâm: Noi gương thánh An-rê tông đồ, tôi hết lòng quý mến thánh giá, sẵn sàng vác thánh giá theo Chúa hằng ngày, và nhiệt thành giới thiệu Chúa chịu chết trên thánh giá là Đấng cứu chuộc mọi người.

Lời nguyện:Lạy Chúa, hôm nay chúng con mầng kính thánh An-rê người ngư phủ đã tin Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a và mau mắn giới thiệu cho anh mình. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, mà củng cố niềm tin của chúng con, để chúng con cũng chia sẻ niềm tin của mình cho những người chúng con gặp gỡ.

THÁNH GIU-SE DU
Linh Mục Thừa Sai Tử Đạo

Gương Thánh nhân: Các thánh tử đạo Việt Nam phải chịu nhiều hình khổ khác nhau để làm chứng cho Chúa, để hiệp thông với sự thương khó Chúa Giê-su cứu rỗi linh hồn mọi người. Theo sử liệu, trong số 117 Hiển thánh Tử đạo được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 suy tôn ngày 19 tháng 06 năm 1988, có 04 vị bị lăng trì (chặt tay chân trước khi chém đầu), 06 vị bị thiêu sinh (đốt sống), 75 vị xử trảm (chém đầu), 22 vị xử giảo (tròng dây chéo vào cổ rồi kéo cho đến chết), 09 vịrũ tù (chết trong tù) và 01 vị xử bá đao (cắt 100 miếng thịt trong thân thể), đó là Thánh Giu-se Du.

Giu-se Du sinh ngày 17 tháng 08 năm 1803, tại nước Pháp. Ngay từ nhỏ, cậu đã muốn đi tu làm Linh mục. Nhưng vì gia đình nghèo, cha mẹ không thể đáp ứng nguyện vọng của cậu được, nên tìm cách trì hoãn, cố ý cho cậu đổi ý định. Thấy cậu mãi kiên quyết một lòng theo Chúa, năm 1821 cha mẹ buộc lòng phải thắt lưng buộc bụng lo cho cậu vào chủng viện. Sau khi chịu chức phó tế, thầy Giu-se xin gia nhập Hội Thừa sai Pa-ri, cốt ý để sau nầy làm Linh mục sẽ đi truyền giáo tại các vùng Viễn Đông. Đúng như lòng sở nguyện, ngày 04 tháng tư năm 1829, thầy Giu-se được lãnh Bí tích Truyền chức Thánh, và sau đó đáp tàu sang Việt Nam . Nhưng vì lúc đó vua Minh Mạng đang bắt đạo gắt gao, cha phải dừng lại ở Ma-cao, mãi đến đầu tháng 03 năm 1830, mới vào đến Lái Thiêu. Cha ở đây học tiếng, chọn tên Việt Nam là Du, rồi đi giúp giáo hữu ở Nam Vang (khi đó thuộc địa phận Đàng Trong). Ít lâu sau, cha được gọi trở lại Lái Thiêu, làm giáo sư chủng viện, đồng thời đảm trách 25 họ đạo trong tỉnh Bình Thuận. Thật là một trách nhiệm nặng nề, lớn lao. Suốt ngày cha phải tận dụng thời giờ, vừa lo dạy dỗ chủng sinh, vừa ban các Bí tích cho giáo hữu, vừa giảng đạo cho lương dân. Trong một bức thư gởi về gia đình, cha viết:

"Con đang đảm trách 25 họ đạo rất cách xa nhau. Muốn chu toàn bổn phận, con phải hết sức cố gắng tận dụng thời giờ. Từ năm giờ sáng đến 9 giờ tối con phải làm việc cật lực, để vừa giúp lo các giáo hữu vừa giảng đạo cho lương dân..."

Cha mới đi hết 25 họ đạo được hai lần thì vua Minh Mạng ra lệnh lùng bắt hết các giáo sĩ ngoại quốc. Đức cha Từ và các cha thừa sai phải trốn qua Thái Lan, chỉ một mình cha hy sinh ở lại, lén lút đi giúp các họ đạo ở vùng Lục Tỉnh, như Cái Nhum, Cái Mơn, Giồng Rùm, Mặc Bắc...

Năm 1834, Lê Văn Khôi nổi lên chống lại triều đình, chiếm lấy thành Gia-định (Sàigòn). Y muốn nhờ cha kêu gọi giáo dân theo phe mình, nên đến Mặc Bắc bắt ép cha về Gia-định, yêu cầu cha ký tên vào các bản văn viết sẵn, để kêu mời người Công giáo tham gia chống lại triều đình. Cha nhất quyết từ chối và nói:

"Tôi đến Việt Nam chỉ để giảng đạo. Việc binh lính chiến tranh tôi không bao giờ biết tới.

Ngày 08 tháng 09 năm 1835, quân triều đình chiếm lại được thành Gia-định. Cha vừa dâng lễ xong thì quân lính áp vào bắt, đánh đập tàn nhẫn rồi nhốt vào củi hết sức chật hẹp, giải về kinh đô.

Trong thời gian ở đây, cha phải chịu tra khảo vô cùng đau đớn, bắt ép phải nhận tội tham gia phản loạn với Lê Văn Khôi. Quan cho nung đỏ kềm sắt, kẹp vào hai đùi cha đến khi thịt bị cháy khét. Nhưng cha luôn khẳng định:

- Tôi không bao giờ tham gia với Lê Văn Khôi. Tôi chỉ làm việc tông đồ, rao truyền đạo Chúa.

Thấy không buộc được tội tham gia phản loạn, quan bắt tội giảng đạo và bảo đạp lên thập giá. Nhưng vị anh hùng đức tin tuyên bố thà chết chớ không thể thất trung với Chúa. Và kết quả là cha hưởng được án bá đao, một cực hình kinh khủng nhất mà chỉ một mình cha được lãnh nhận. Đó là phần thưởng lớn lao dành cho người Chúa thương.

Sáng sớm ngày 30 tháng 11 năm 1835, quân lính điệu vị anh hùng đức tin ra pháp trường Thợ Đúc. Bốn lý hình đã chực sẵn: một tên cầm kềm, một tên cầm dao, một tên đếm cho đủ 100 miếng thịt cắt ra, còn tên kia biên vào sổ.

Sau hồi trống hiệu, lý hình bắt đầu cắt miếng da trên trán, rồi xẻo từng miếng thịt trên ngực, trên tay... cho đến khi đủ 100 miếng... Thử hỏi trên thế gian nầy có đau đớn nào bằng? Còn cực hình nào hơn? !... Đã vậy, sau khi vị chứng nhân tắt thở, quân lính còn cắt đầu ngài, chặt thân mình ngài ra làm bốn, ném xuống sông, còn đầu thì xay nát rồi rắc xuống sau. Thật là một cái chết vô cùng thê thảm ! Thiết tưởng không còn bằng chứng nào hùng hồn mạnh mẽ hơn nữa của niềm tin vào Thiên Chúa...

Đức Thánh Cha Lê-ô 13 đã phong Chân phước cho cha Giu-se Du ngày 27 tháng 05 năm 1900. Và ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Giáo Chủ Gioan Phaolô 2 suy tôn ngài lên Hiển Thánh.

Quyết tâm: Quyết chí một lòng trung thành với Chúa, tận dụng thời giờ Chúa ban để mở rộng Nước Chúa, và sẵn sàng chịu mọi khốn khó để làm chứng cho Chúa, theo gương thánh Giu-se Du, Linh mục thừa sai tử đạo.

Lời nguyện:Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

1817    17-01-2011 21:11:32