Ngày 3 tháng 12
THÁNH PHAN-XI-CÔ XA-VI-Ê
Linh Mục
Gương Thánh nhân: Thánh Phan-xi-cô sinh ngày 7 tháng 4 năm 1506, tại lâu đài Xa-vi-ê, thuộc vương quốc Na-va. Vì ham thích học hành, nên khi lên 15 tuổi, cha mẹ đã gởi ngài đến học ở học viện thánh Bát-bơ tại Pa-ri, nước Pháp. Đây là học viện danh tiếng nhất thời đó. Trong thời gian học ở đây, thánh nhân kết bạn với Phê-rô Pha-rơ là người sau nầy gia nhập Dòng Tên và được phong Chân Phước. Ít năm sau, ngài còn được phước làm bạn với I-nha-xi-ô Lô-yô-la, là vị sáng lập Dòng Tên và đã nên thánh. I-nha-xi-ô cố ý đến Pa-ri để trau dồi thêm kiến thức, đồng thời chiêu mộ bạn hữu làm nền tảng cho Hội Dòng ngài định sáng lập.
Sau khi học hết chương trình và đỗ đạt, Phan-xi-cô được ban giám đốc học viện chọn làm giáo sư của trường. Ngài dạy môn triết học. Nhờ tài cán và trí thông minh sẵn có, ngài dạy rất kết quả, khiến ngài hăng say tự đắc, và đem lòng ham mê danh vọng giàu sang chức tước ở đời.
I-nha-xi-ô thấy ngài tài giỏi, có thể làm sáng danh Chúa sau nầy, nên khuyên bảo ngài đem tài năng sức lực phụng sự Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Nhưng ngài từ chối và bỏ ngoài tai hết các lời khuyên. Chẳng những thế, ngài còn châm biếm khinh dễ đời sống đạo đức tu trì. Dù vậy, I-nha-xi-ô không ngã lòng, ngày ngày cứ nhắc đi nhắc lại với Phan-xi-cô: - Lời lãi cả thế gian, mất linh hồn nào có ích gì!...
Lần lần Phan-xi-cô để ý suy nghĩ, và sau cùng nhờ ơn Chúa giúp, ngài thấu hiểu mọi sự ở đời đều giả trá hư ảo, và đem lòng mộ mến những kho tàng vĩnh cửu trên trời. Thế là ngày lễ Mông Triệu năm 1543, ngài cùng I-nha-xi-ô và 5 người bạn khác đã tuyên khấn dâng mình cho Chúa, sống khó nghèo, khiết tịnh, và chuyên chăm làm việc tông đồ, trong một nhà nguyện ở Mong-mạt. Như thế là Dòng Tên đã ra đời.
Từ đó, Phan-xi-cô chuyên cần học hỏi Kinh Thánh, thần học, và tập rèn nhân đức, đặc biệt ngài tập sống khắc khổ khó nghèo. Năm 31 tuổi, ngài được thụ phong Linh mục tại Vê-nê-xi, nước Ý, và nguyện suốt đời phụ giúp Chúa cứu rỗi các linh hồn.
Thánh nhân đã được toại nguyện, vì năm 1541, khi vua nước Bồ-đào-nha xin Đức Thánh Cha gởi Linh mục đến Ấn-độ giảng đạo, ngài được Bề trên chọn gởi đi.
Hết sức phấn khởi vui mầng, thánh nhân lên đường sang Ấn-độ với tất cả nguyện ước đem nhiều linh hồn về cho Chúa. Cuộc hành trình bằng đường thủy rất gian khổ và nguy biến, vì thiếu lương thực và sóng gió, nhưng chẳng những ngài không sợ hãi mà còn tạo dịp gần gũi thân thiện với các thủy thủ và dạy đạo cho họ. Chính các thủy thủ và gia đình họ là đoàn chiên ngài dẫn dắt về cho Chúa trước hết.
Khi đến Goa là thủ đô nước Ấn-độ, thánh nhân hân hoan chào mừng trong nước mắt: vui mầng vì được đến nơi phục vụ Chúa, đau buồn vì thấy biết bao linh hồn chưa biết Chúa, còn sống trong bóng tối sự chết !...
Và thánh nhân bắt đầu ngay việc rao giảng Tin mừng cho dân nước nầy. Hằng ngày ngài rảo khắp các thành phố làng mạc, nói Chúa cho mọi người nghe, dạy giáo lý và rửa tội cho họ. Số người tin theo Chúa ngày càng đông, thánh nhân phải làm việc suốt ngày mệt nhọc, đêm đến cũng chẳng nghỉ ngơi được bao nhiêu. Trong 11 năm giảng đạo ở đây, ngài đã đi cả trăm ngàn cây số, rửa tội hơn mười vạn tân tòng, thành lập cộng đoàn tín hữu khắp cả nước. Nhưng ngài chưa lấy làm đủ; lòng mộ mến cứu vớt các linh hồn luôn nồng cháy trong tâm hồn ngài...
Thánh nhân còn muốn dấn thân cho Nước Chúa nhiều hơn nữa, nhất là mong ước có nhiều người cộng tác. Trong một bức thư gởi cho thánh I-nha-xi-ô, ngài nói: "Có rất nhiều người tại những nơi nầy hiện giờ chưa trở thành người có đạo, chỉ vì thiếu người làm cho họ nên người có đạo. Nhiều lần tôi đã nghĩ đến việc đi tới các đại học bên Châu Âu, nhất là ở Pa-ri, để điên cuồng kêu lên khắp đó đây, và thúc bách những kẻ chỉ biết lý thuyết hơn là thực hành rằng: "Khốn thay, có vô số linh hồn vì lỗi của các ông mà phải trục xuất khỏi trời và bị đẩy xuống hỏa ngục".
Chớ gì những người đó chuyên chú vào việc tông đồ nầy, như họ đã chuyên chú vào văn chương, để có thể trả lẽ cho Chúa về đạo lý và về những nén bạc đã ủy thác cho họ".
Thánh nhân còn đến giảng đạo tại Nhật-bản, đem nhiều người trở lại với Chúa. Ngài còn muốn sang giảng Tin mừng cho dân nước Trung Hoa, nhưng ngài lại ngã bệnh và qua đời ngày 3 tháng 12 năm 1552.
Và ngày 12 tháng 3 năm 1622, Đức Giáo Hoàng Ghê-gô-ri-ô thứ 15 đã phong thánh cho ngài cùng với thánh I-nha-xi-ô. Ngài được Hội thánh chọn làm Bổn mạng các xứ truyền giáo.
Quyết tâm: Hằng ngày tận tâm tận lực lo giúp việc giảng đạo Chúa, bằng lời cầu nguyện, bằng việc hy sinh hãm mình và bằng gương sáng đời sống, theo gương thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê.
Lời nguyện:Lạy Chúa, Chúa đã sai thánh Phan-xi-cô đi rao giảng, để kêu gọi các dân tộc Á-châu đón nhận Tin mừng. Xin cho các tín hữu được nhiệt thành truyền giáo như thánh nhân, và cho Giáo hội được hân hoan đón nhận nhiều con cái.
Ngày 4 tháng 12
THÁNH GIOAN ĐA-MÁT
Linh Mục Tiến Sĩ
Gương Thánh nhân: Thánh Gioan sinh năm 776 tại Đa-mát, nước Xy-ri, là nhà viết sách trứ danh thế kỷ thứ tám và là vị thánh có lòng tôn sùng Đức Mẹ đặc biệt.
Sẹt-gi-ô, cha ngài là người Công giáo ngoan đạo, nhưng được vương quốc Hồi giáo tín nhiệm, nên đặt làm nhân viên phục vụ triều đình. Chính nhờ chức vụ nầy mà ông cứu giúp được nhiều người tín hữu khỏi bị vua quan Hồi giáo áp bức bách hại, như trường hợp của tu sĩ Cốt-ma. Vị tu sĩ nầy bị nhóm Hồi giáo bắt và định giết. Ông Sẹt-gi-ô hay tin, liền đến xin vua cho lãnh về để làm thầy dạy cho con là Gio-an.
Gio-an nhờ được sự dạy dỗ nhiệt tình của tu sĩ Cốt-ma mà trở nên khôn ngoan đạo đức. Nhưng lúc đó cha ngài qua đời, ngài phải nối nghiệp cha phục vụ vương quốc Hồi giáo. Đây cũng là ý Chúa quan phòng muốn dùng ngài để cải hóa những người ngoại giáo cuồng tín. Một mặt ngài khuyên bảo họ đối xử công bình nhân ái đối với các tín hữu Công giáo, mặt khác ngài viết thư kêu gọi các Ki-tô hữu can đảm giữ vững đức tin. Nhưng việc ngài làm bị bại lộ. Một nhóm Hồi giáo thấy ngài được nhà vua trọng dụng thì ghen tương, tố cáo ngài xúi giục người Công giáo phản loạn. Nhà vua đòi ngài đến. Và mặc dầu ngài hết lời biện minh cho sự vô tội của mình, nhà vua cũng không chịu tin; ông ta ra lệnh chặt tay phải ngài, để cảnh cáo không cho ngài viết thư từ phản động nữa.
Hết sức đau đớn tủi nhục, thánh nhân trở về nhà, thành khẩn kêu xin Đức Mẹ cứu giúp. Ngài hứa; Nếu Đức Mẹ thuơng cho cánh tay bị chặt được nối liền lại thì suốt đời sẽ viết sách ca tụng Mẹ và Chúa Giê-su Con Mẹ. Tương truyền Đức Mẹ đã nhậm lời Người, cho cánh tay bị chặt được nối liền lại như cũ.
Khi nghe tin đó, vương quốc Hồi giáo không còn nghi ngờ vì sự vô tội của thánh nhân, nên cho đòi ngài đến, và ban lại chức tước quyền hành như trước. Nhưng ngài khước từ mọi chức tước danh vọng thế gian.
Ngài phân phát hết của cải cho người nghèo, rồi xin vào tu viện thánh Sa-ba, sống khắc khổ nghèo hèn, triệt để vâng lời Bề trên.
Lúc đầu, bề trên chưa tin tưởng, giao ngài cho một tu sĩ cao niên chăm sóc. Vị tu sĩ nầy rất khắc khe nghiêm nhặt, cấm không cho ngài viết lách gì, và bắt làm những việc nặng nề hèn hạ, cố ý thử thách ngài. Nhưng ngài vẫn âm thầm vâng phục chịu lụy, sẵn sàng chịu mọi khổ nhục vì Chúa.
Sau khi thấy thánh nhân thực lòng yêu mến Chúa và tuân phục hoàn toàn, Bề trên cho ngài học thần học Thánh Kinh, và phong chức Linh mục cho ngài. Từ đó, ngài dùng hết thời giờ, và sự hiểu biết để viết sách và sáng tác thánh thi, ca ngợi Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a, như lời ngài đã hứa. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ngài là cuốn "Nguồn gốc sự hiểu biết".
Một việc thánh nhân làm đặc biệt lúc đó là bênh vực việc sùng kính ảnh tượng Chúa, Đức Mẹ và các thánh. Ngài tranh luận hùng hồn với những kẻ chủ trương đập phá các ảnh tượng. Và mặc dầu bị nhiều người đe dọa, trong số đó có cả hoàng đế Hy-lạp, ngài cũng không sợ và vẫn giữ vững lập trường.
Thánh nhân qua đời năm 880, hưởng thọ 104 tuổi. Và năm 1890, Đức Giáo Hoàng Lê-ô thứ 13 đã tôn phong ngài lên hàng Tiến sĩ Hội thánh.
Quyết tâm: Noi gương thánh Gioan Đa-mát, tôi sẵn sàng hy sinh của cải chức tước thế gian mà theo Chúa, giúp việc Chúa, để giữ vững và củng cố niềm tin nơi Chúa.
Lời nguyện:Lạy Chúa, Chúa đã cho Thánh Linh mục Gioan Đa-mát được biệt tài trình bày đức tin chân chính của Giáo hội. Nhờ lời chuyển cầu của thánh nhân, xin làm cho đức tin hằng trở nên ánh sáng soi đường, và sức mạnh thúc đẩy chúng con tiến bước.
Ngày 6 tháng 12
THÁNH NI-CÔ-LA
Giám Mục
Gương Thánh nhân: Thánh Ni-cô-la Giám mục thành My-ra là một vị thánh bình dân, được nhiều người ngưỡng mộ cả bên phương Đông lẫn phương Tây.
Vì không có sử liệu chắc chắn về cuộc đời của thánh nhân, chúng ta chỉ biết tiểu sử của ngài qua các mẫu chuyện huyền thoại.
Chuyện kể ở Pa-ta-ra, thuộc tỉnh Ly-ci-a, có hai vợ chồng giàu có mà không con nối dòng. Hai ông bà cầu nguyện với Chúa, và dùng của cải bố thí cho kẻ nghèo, cốt để xin Chúa cho được sinh con. Và Chúa đã nhậm lời, cho ông bà sinh được một con trai, đặt tên là Ni-cô-la, là vị thánh chúng ta mầng lễ hôm nay.
Ngay từ nhỏ, Ni-cô-la đã có lòng nhân đức đặc biệt, khác hơn mọi trẻ nhỏ thông thường. Khi bắt đầu biết ăn là cậu đã biết ăn chay hãm mình. Mỗi thứ sáu, cậu đều giữ chay kiêng thịt.
Ni-cô-la có người cậu làm Giám mục, nên khi lớn lên, được cậu đem về dạy dỗ đào luyện. Vị Giám mục thấy cậu khôn ngoan nhân đức thì tiên báo:
- Ni-cô-la sau nầy sẽ là nguồn an ủi cho kẻ khốn khó, là cứu tinh của các linh hồn, là mục tử nhân lành dẫn dắt chiên lạc về cho Chúa.
Và sau khi dạy dỗ đầy đủ, vị Giám mục đã phong chức Linh mục cho Ni-cô-la. Từ đó ngài dồn hết sức lực vào công cuộc từ thiện bác ái.
Sau khi cha mẹ qua đời, thánh nhân đem hết gia tài giúp đỡ kẻ bệnh tật, phân phát cho người nghèo, như người kia có 3 đứa con gái đã đến tuổi lấy chồng mà vì nghèo không có của hồi môn, nên ông định cho chúng làm nghề bất lương kiếm tiền. Thánh nhân biết thế thì đang đêm lẻn đến nhà, ném tiền vào cửa sổ cho ông ta. Không ngờ ông ta biết, nên chạy theo cám ơn ngài. Nhưng ngài bảo ông ta về và cấm không được nói cho ai biết việc đó. Dù vậy, ông ta đã khoe cử chỉ bác ái đó với mọi người, làm cho ai nấy đều biết ngài đã cứu vớt ba cô gái đó thoát khỏi bất lương tội lỗi.
Thánh nhân ước ao được kính viếng Thánh Địa và cầu nguyện tại nơi nầy. Ngài đã trẩy đi Giê-ru-sa-lem, và ở lại đó một thời gian rồi mới trở lại My-ra. Lúc đó Đức Giám Mục giáo phận My-ra qua đời. Các Giám mục vùng Ly-ci-a cần chọn người thay thế. Các ngài kêu gọi các tín hữu cầu nguyện, và sau cùng đã chọn ngài.
Từ ngày lên làm Giám mục, thánh nhân luôn tỏ ra là một vị mục tử nhân lành, hoàn toàn hy sinh vì đoàn chiên Chúa phú giao. Ngài thương yêu, chăm sóc, dạy bảo, giúp đỡ từng con chiên, đặc biệt ngài chăm nom những chiên bệnh hoạn, tù tội, nghèo khổ phần hồn cũng như phần xác. Ngài dâng việc ăn chay hãm mình và những lao nhọc hằng ngày, để cầu nguyện cho đoàn chiên được sống an lành thánh thiện. Ngài là vị mục tử đúng theo mẫu thánh Au-tinh diễn tả: "Hãy chăn dắt chiên Ta có nghĩa là gì nếu không là muốn nói: Nếu ngươi mến Ta thì đừng nghĩ đến việc nuôi dưỡng ngươi, nhưng hãy chăn nuôi các chiên của Ta; hãy nuôi chúng như những con chiên của Ta chứ không phải của ngươi; hãy tìm vinh quang của Ta nơi chúng chứ không phải vinh quang ngươi; tìm chủ quyền Ta chứ không phải chủ quyền ngươi, tìm quyền lợi Ta chứ không phải tư lợi ngươi. Nếu ngươi mến Ta thì đừng nhập bọn với những kẻ gặp lúc biến loạn thì chỉ biết yêu mình và những gì gắn liền với sự yêu mình ấy, là đầu mối của mọi sự dữ ".
Thánh nhân qua đời năm 324 tại My-ra giáo phận của ngài.
Quyết tâm: Hằng ngày thương yêu giúp đỡ người nghèo khổ bệnh tật, và cứu vớt những kẻ gặp cơn nguy khó phần hồn phần xác, theo gương thánh Giám mục Ni-cô-la.
Lời nguyện:Lạy Chúa, xin ghé mắt nhân từ nhìn đến chúng con, và vì lời chuyển cầu của thánh Ni-cô-la Giám mục, xin gìn giữ chúng con khỏi mọi cơn hiểm nghèo, để chúng con được thảnh thơi tiến bước trên con đường cứu độ.
THÁNH GIU-SE NGUYỄN DUY KHANG
Thầy Giảng Tử Đạo
Gương Thánh nhân: Danh ngôn Việt Nam có câu: Trai thời trung hiếu làm đầu, Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình .
Chính thánh Giu-se Khang đã nêu cao tấm gương trung hiếu đó. Có thể nói suốt cuộc đời 29 năm của ngài là luôn trung thành phụng sự Chúa và hiếu thảo với các vị Mục tử, đặc biệt với Đức Cha Liêm, Giám mục giáo phận Đông Đàng Ngoài. Ngài đã theo phục vụ Đức Cha đến giờ phút cuối cùng, để lãnh nhận triều thiên tử đạo quang vinh !...
Giu-se Nguyễn Duy Khang sinh năm 1832, tại Cao Mại tỉnh Thái Bình, trong một gia đình Công giáo đạo đức.
Ngay từ nhỏ, cậu đã được cha mẹ hướng dẫn sống đạo đức sốt sắng. Nhờ đó khi lớn lên, cậu đã xin dâng mình cho Chúa. Lúc đầu, cậu đến ở với cha già Năng, một Linh mục thánh thiện gương mẫu thuộc dòng Đa-minh, để nhờ ngài huấn luyện đàng nhân đức. Sau 10 năm cha gởi cậu vào chủng viện Kẻ Mốt. Lúc đó cậu đã 24 tuổi. Trong thời gian ở đây, cậu xin gia nhập Dòng Đa-minh, và khấn dòng làm thầy giảng.
Thấy thầy siêng năng đạo đức, Đức Cha Liêm chọn làm phụ tá riêng cho ngài. Từ đó, thầy tận tình phục vụ Đức Cha, từ việc ghi chép lưu trữ hồ sơ giấy tờ, đến việc cơm nước giặt giũ hằng ngày. Việc nào thầy làm cũng chu đáo ân cần, khiến Đức Cha phải tấm tắc khen ngợi:
- Tôi chưa thấy một người nào làm việc tận tình siêng năng chu đáo như thầy Khang. Chắc chắn thầy phải có tinh thần hy sinh chịu khó cao độ mới làm được như thế.
Nhưng chưa được bao lâu thì ngày 05 tháng 08 năm 1861, vua Tự Đức ra chiếu chỉ Phân sáp, bắt đạo gắt gao trên toàn quốc. Theo chiếu chỉ đó, tất cả các tín hữu phải bị khắc hai chữ "tả đạo" lên má, phải phân tán vào các làng mạc ngoại giáo, để những người nầy quản thúc theo dõi; các chủng viện phải đóng cửa, các thánh đường bị phá hủy, tài sản Giáo hội bị tịch thu, các Linh mục tu sĩ bị lùng bắt khắp nơi. Thật là một thảm cảnh vô cùng bi đát: vợ chồng phân ly, con cái xa lìa cha mẹ, đàn chiên vắng bóng chủ chăn bơ vơ tất tưởi !...
Đức Cha Liêm phải tìm nơi trú ẩn, để có thể lèo lái con thuyền giáo phận trong cơn phong ba bão táp. Thầy Khang nhất quyết xin theo hộ tống Đức Cha. Thầy nói:
- Dù Đức Cha đi đâu, cực khổ thế nào, con cũng nguyện suốt đời phục vụ Đức Cha. Nếu Đức Cha được chết vì Chúa, con cũng xin chết theo.
Lúc đầu, thầy với Đức Cha ẩn trốn trong một cái hầm ở Thọ Ninh. Nhưng vì bị quân lính phát giác, hai cha con phải chạy sang thị xã Hải Dương, trú ẩn trong thuyền của một giáo hữu tên là Trương Bích. Chẳng may một hôm, đứa con trai có chuyện gây gỗ với ông. Nó đi tố cáo ông chứa chấp Đạo trưởng. Quan liền sai quân đến vây bắt. Thấy quân lính kéo tới, thầy Khang nhanh bước ra mũi ghe, nhổ cây sào hăm dọa:
- Nếu muốn bắt Đức Cha, hãy bước qua xác tôi trước.
Vì thương mến Đức Cha, thầy quyết định chống lại họ, dù có chết cũng cam lòng. Thật là một gương trung hiếu tuyệt vời. Nhưng Đức Cha gọi thầy lại và bảo:
- Con chớ chống lại họ. Chúng ta hãy vâng theo thánh ý Chúa. Nếu Chúa muốn chúng ta chịu chết để làm chứng cho Chúa, chúng ta xin vâng lời Người.
Thế là quân lính áp tới bắt thầy và Đức Cha dẫn về Hải Dương, tống vào ngục, ngày 20 tháng 10 năm 1861.
Ở trong ngục, mặc dầu bị gông cùm xiềng xích đau khổ, thầy vẫn vui lòng chấp nhận, và hằng ngày kêu xin Chúa giúp sức cho được trung thành với Chúa đến cùng. Lúc đó có số giáo hữu bị bắt giam chung với thầy, thầy tổ chức họ đọc kinh chung. Mọi người đều sốt sắng cầu nguyện mỗi ngày. Nhờ đó mà Chúa thương ban cho tất cả được can đảm làm chứng cho Chúa.
Trong hơn một tháng rưỡi bị giam ở đây, thầy Khang bị đem ra tra tấn ba lần, lần nào cũng bị đánh đòn nhừ tử, buộc đạp lên Thánh giá chối đạo. Mặc dầu đau đớn, thầy vẫn can trường bền đỗ theo Chúa, luôn can đảm tuyên xưng đức tin. Cuối cùng, thấy không thể lung lay nổi lòng trung hiếu của vị chứng nhân Chúa, quan buộc lòng kết án trảm quyết. Ngày 06 tháng 12 năm 1861, quân lính điệu thầy ra pháp trường Năm Mẫu. Dọc đường thầy luôn dâng lời tạ ơn Chúa, vì Người đã thương ban cho thầy được trung thành hiếu thảo với Chúa và cấp trên đến trọn đời. Đến nơi, sau hồi chiêng báo hiệu, lý hình vung gươm lên, đầu vị anh hùng đức tin rơi xuống, lãnh nhận triều thiên tử đạo muôn đời vinh hiển.
Ngày 20 tháng 05 năm 1906, Đức Thánh Cha Pi-ô 10 tôn phong thầy lên Chân phước và ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Gioan Phaolô 2 đã suy tôn ngài lên Hiển Thánh.
Quyết tâm: Noi gương thánh Giu-se Khang tử đạo, luôn sẵn sàng cộng tác giúp đỡ những người rao giảng đạo Chúa, suốt đời trung thành hiếu thảo với Chúa và cấp trên, dù có phải đau khổ chết chóc cũng vui lòng chấp nhận.
Lời nguyện:Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.
Ngày 7 tháng 12
THÁNH AM-RÔ-XI-Ô
Giám Mục Tiến Sĩ
Gương Thánh nhân: Thánh Am-rô-xi-ô là con của tổng trấn An-rê-li-ô, sinh năm 333, tại Tri-ê, nước Đức. Cha mất sớm, mẹ ngài đưa cả gia đình về Rô-ma.
Một hôm nhân thấy mẹ và em hôn nhẫn Đức Giám mục, ngài nói cách ngây thơ như tiên báo:
- Mẹ hãy hôn tay con đi, vì con cũng sẽ làm Giám mục.
Lớn lên, thánh nhân theo học khoa hùng biện và luật. Ngài tỏ ra thông minh đặc biệt, chẳng bao lâu đã đỗ đạt nổi tiếng, và được triều đình đặt làm tổng trấn hai tỉnh Ê-mi-li-a, Li-gu-ri-a với thị trấn Mi-lăn.
Với tài học cao hiểu rộng, thánh nhân làm việc rất hiệu quả, được dân chúng thán phục và triều đình kính nể. Xảy ra lúc đó, Đức Giám mục Mi-lăn qua đời. Vị Giám mục nầy theo phái A-ri-ô, nên khi chọn người kế vị, hàng giáo sĩ và giáo dân chia làm hai phe, một phe quyết chọn người hoàn toàn Công giáo, còn phe kia định đưa người theo phái A-ri-ô lên. Hai phe kình chống nhau quyết liệt, nếu không dàn xếp kịp thời có thể đưa đến đổ máu.
Thế là Am-rô-xi-ô với tư cách là tổng đốc, đại diện triều đình đến can thiệp. Ngài khuyên mọi người bình tĩnh sáng suốt lựa chọn, và kêu gọi họ hòa hợp với nhau trong tình bác ái huynh đệ, nhất là vì lợi ích chung cho giáo phận cũng như cho Hội thánh. Lời ngài nói làm cho tất cả những người có mặt trong nhà thờ hôm đó đều kính nể thán phục. Và từ trong đám đông có tiếng hô to:
- Am-rô-xi-ô Giám mục.
Thế là tất cả mọi người đồng thanh:
- Am-rô-xi-ô sẽ là Giám mục của chúng ta... Am-rô-xi-ô Giám mục !...
Sở dĩ họ đồng ý chọn ngài lên Giám mục, vì thấy ngài là người có đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ quan trọng đó. Và họ đã đề nghị lên hoàng đế. Hoàng đế Va-len-ti-nô đã chấp thuận việc tuyển chọn của họ, vì chính ông ta cũng nhìn nhận ngài là người tài đức.
Nhưng lúc đó Am-rô-xi-ô còn là dự tòng; ngài chưa lãnh Bí tích Rửa tội. Vì thời đó người ta có thói quen chịu phép Rửa rất muộn, sợ lúc nhỏ còn bồng bột, khó sống đúng với đòi hỏi của Bí tích. Thánh nhân cảm thấy mình bất xứng, nên một mực chối từ. Ngài đệ đơn lên các Giám mục và hoàng đế để xin rút lui. Nhưng không được ai chấp thuận, buộc lòng ngài phải vâng lời.
Từ đó thánh nhân lo ráo riết chuẩn bị tâm hồn, học hỏi các chức thánh. Ngày 24 tháng 11 năm 374, ngài lãnh Bí tích Rửa tội, và ngày 7 tháng 12 thì thụ phong Linh mục và Giám mục, sau lễ tấn phong, ngài cảm động nói với những người tham dự:
- Thật khốn khổ cho tôi, vì từ nay tôi phải dạy dỗ những điều mà tôi chưa được học biết.
Và thánh nhân xin mọi người cầu nguyện để ngài chu toàn sứ mạng Chúa phú giao. Ngài tự nghĩ mình sẽ hoàn toàn thuộc về Chúa, phải đem hết cuộc đời phụng sự Chúa và phục vụ các linh hồn. Ngài bán hết gia tài phân phát cho kẻ nghèo, và dâng cho Hội thánh tất cả những đất đai còn lại, để được an lòng an trí lo học hỏi Lời Chúa, đọc sách thiêng liêng và cầu nguyện. Ngài vừa học vừa dạy, vừa làm các Bí tích theo chức vụ.
Việc ngài phải lo làm trước hết là củng cố lại đức tin cho các tín hữu và thánh hóa hàng giáo sĩ, vì từ lâu giáo phận bị phái A-ri-ô làm xáo trộn. Mặt khác thánh nhân phải đương đầu với triều đình, vì lúc đó nữ hoàng theo phái A-ri-ô, muốn chiếm đoạt Thánh đường Mi-lăn. Ngài cương quyết chống đối và bảo vệ nhà Chúa. Dù bị nữ hoàng hăm dọa và làm khó dễ đủ cách, ngài vẫn can đảm kiên trì giữ vững lập trường.
Lòng can đảm bảo vệ đức tin, chí khí bất khuất trước mọi thử thách, đó là đặc điểm của thánh nhân. Ngài là một giáo phụ biệt tài, một nhà giảng thuyết lừng danh, một vị Giám mục thánh thiện.
Thánh nhân qua đời ngày 4 tháng 4 năm 397 tại Mi-lan.
Quyết tâm: Noi gương thánh Giám mục Am-rô-xi-ô, hằng ngày lo sống đạo đức thánh thiện, can đảm bảo vệ đức tin và bênh vực quyền lợi của Hội thánh.
Lời nguyện:Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh Am-rô-xi-ô Giám mục trở nên một bậc thầy giảng dạy đức tin Công giáo, và một tông đồ trung kiên mẫu mực. Xin cho Hội thánh ngày nay được thêm nhiều mục tử vừa ý Chúa, biết khôn ngoan và dũng cảm chăm sóc đoàn chiên.
1794 17-01-2011 21:10:57