Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Hạnh Thánh Tháng 12_phần 2

Ngày 8 tháng 12
ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

Lòng tin kính Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội đã có từ lâu đời trong Giáo hội. Nhưng mãi đến ngày 8 tháng 12 năm 1854, tín điều nầy mới được Đức Thánh Cha Pi-ô thứ 9 long trọng công khai tuyên bố cho toàn thể Hội thánh tin theo. Tín hữu khắp thế giới đều vui mầng phấn khởi trước lời công bố của Đức Giáo Hoàng, và 4 năm sau từ trời hiện xuống tại Lộ-đức, Đức Mẹ cũng đã long trọng công khai xác minh với thánh nữ Bê-na-đết: "Ta là Đấng Vô Nhiễm nguyên tôi"

Thánh lễ hôm nay mầng kính đặc ân vô cùng cao quý đó của Mẹ Ma-ri-a. Mẹ được Chúa cho thụ thai trong lòng Bà thánh An-na cách tinh tuyền vẹn sạch, không vướng mắc một vết nhơ nào do tội của tổ tông A-dong E-va gây ra, tội mà mọi người khi sinh ra làm người đều mắc phải, vì thuộc dòng giống A-dong. Vì thế, Mẹ luôn đẹp lòng Chúa, Mẹ xứng đáng làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ xứng đáng cưu mang Đấng Cứu độ duy nhất của loài người.

Nhờ đặc ân Vô nhiễm Nguyên tội, Đức Mẹ đã đạp đầu con rắn, vì nó đã đem tội nguyên tổ vào thế gian.

Nhờ đặc ân Vô nhiễm Nguyên tội, Đức Mẹ trở nên hoa huệ trắng tinh giữa gai gốc xấu xa.

Nhờ đặc ân Vô nhiễm Nguyên tội, Mẹ xứng đáng là cung lòng cưu mang Con Một yêu dấu của Thiên Chúa, như lời thánh An-sen-mô ca tụng Mẹ:

"Thiên Chúa đã phó chính Con mình, Người Con duy nhất lòng Người đã sinh ra ngang hàng với mình, Người Con mà Người yêu mến như chính mình Người, đã phó chính Người Con đó cho Đức Ma-ri-a. Và nhờ Đức Ma-ri-a, Thiên Chúa làm ra cho mình một Người Con, không phải người con nào khác mà là chính Người Con đó, để theo bản tính, Người Con của Thiên Chúa và của Mẹ Ma-ri-a cũng chỉ là một".

"Mọi vật đều do Thiên Chúa dựng nên, thế mà Thiên Chúa lại được Đức Ma-ri-a sinh ra. Thiên Chúa, Đấng làm mọi sự, chính Người lại muốn thành hình nhờ Đức Ma-ri-a, để như thế Người tái tạo mọi sự Người đã tác tạo. Đấng có thể làm nên mọi vật từ hư vô, không muốn tái tạo những vật đã hư đó mà không nhờ Đức Ma-ri-a".

Vì thế, Thiên Chúa là Cha các vật được tác tạo và Đức Ma-ri-a là Mẹ các vật được tái tạo, Thiên Chúa là Cha cấu tạo mọi vật và Đức Ma-ri-a là Mẹ tái thiết muôn loài. Thiên Chúa sinh Đấng mà nhờ Người mọi vật được tạo thành, và Đức Ma-ri-a sinh nở Đấng mà nhờ Người muôn loài được cứu rỗi. Thiên Chúa sinh ra Đấng mà nếu không có Người thì không có vật gì hiện hữu, và Đức Ma-ri-a sinh nở Đấng mà không có Người thì không loài nào tất cả".

"Ôi, thực là Chúa ở cùng Bà ! Chúa đã làm cho Bà ơn làm cho mọi vật phải lệ thuộc cả thể vào Bà đồng thời cũng lệ thuộc vào Người".

Nhưng thử hỏi: làm sao mà Mẹ Ma-ri-a cũng là người phàm như chúng ta mà lại được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tái tạo nhân loại?... Vì ơn cứu chuộc của Chúa Giê-su đã cứu loài người khỏi tội nguyên tổ thì cũng gìn giữ Mẹ khỏi tội tổ tông. Và vì Vô nhiễm Nguyên tội, Mẹ thoát khỏi mọi hậu quả về hình phạt do tội gây ra.

Mẹ Ma-ri-a không thể vướng mắc tội tổ tông, vì là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ phải là nơi cư ngụ hoàn toàn thanh sạch, là đền thờ không tỳ ố của Con Thiên Chúa. Nếu Mẹ mắc tội nguyên tổ như mọi người, thì Chúa Giê-su làm sao khỏi vướng mắc vì mẹ nào con nấy. Điều đó không thể có được nơi Con Thiên Chúa, vì Người là Đấng hoàn toàn thánh thiện, là Đấng thánh trên hết các thánh. Vô nhiễm Nguyên tội mới xứng với Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a.

Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, Mẹ mới xứng đáng làm Mẹ Chúa Cứu Thế. Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, Mẹ mới được Chúa trối làm Mẹ chúng ta. Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, Mẹ mới cầu bàu đắc lực cho Hội thánh.

Chính vì thế mà thánh An-xen-mô đã nói: "Trời, sao, đất, sông, ngày, đêm và bất cứ những gì thuộc quyền quản trị và sử dụng của loài người đều vui mừng vì lấy lại được vẻ đẹp đã mất, khi mà, thưa lệnh Bà, nhờ lệnh Bà mà chúng như được sống lại, và được hưởng một ơn mới khôn tả. Tất cả đều tưởng như đã chết khi đánh mất phẩm giá bẩm sinh của chúng, vì chúng được dựng nên là để những kẻ ngợi khen Thiên Chúa là chủ và sử dụng. Nhưng chúng lại bị áp bức và lạm dụng xấu xa bởi những kẻ thờ tà thần, khác hẳn với mục đích mà chúng được dựng nên. Ngày nay chúng vui mầng như được sống lại, vì được những kẻ thờ Chúa điều khiển và dùng vào những việc tốt đẹp".

Quyết tâm: Hằng ngày kêu xin Đức Mẹ là Đấng Vô nhiễm Nguyên tội, cầu bàu cùng Chúa cho chúng ta lướt thắng mọi chước cám dỗ của ma quỷ xác thịt thế gian, để xứng đáng làm con Mẹ và được hưởng nhờ ơn cứu rỗi của Chúa Giê-su.

Lời nguyện:Lạy Chúa, Chúa đã dọn sẵn một cung điện xứng đáng cho Con Chúa giáng trần, khi làm cho Đức Trinh nữ Ma-ri-a khỏi mắc tội tổ tông ngay từ trong lòng Mẹ. Chúa cũng gìn giữ Người khỏi mọi vết nhơ tội lỗi, nhờ công nghiệp của Con Chúa sẽ chịu chết sau nầy. Vì lời Đức Trinh nữ nguyện giúp cầu thay, xin Chúa cũng ban cho chúng con được trở nên công chính thánh thiện mà đón rước Con Chúa.

Ngày 10 tháng 12
THÁNH SI-MON PHAN ĐẮC HÒA
Y Sĩ Tử Đạo

Gương Thánh nhân: Nếu xét về phương diện bền lòng chịu khổ vì Chúa, có thể công nhận Thánh Si-mon Hòa là một trong số các Thánh Tử đạo Việt Nam . Trong thời gian 08 tháng bị giam ở Quảng Trị, thánh nhân phải chịu tra tấn trên 20 lần, khi thì bị đánh đòn, lúc chịu kềm kẹp, lúc bị những thanh sắt nung đỏ dí vào da thịt cháy khét, đau đớn dữ dội, nhưng ngài vẫn cố sức chịu đựng, trung thành bền đỗ tin theo Chúa. Nhờ đó mà Chúa thương ban cho ngài phúc tử đạo trường sinh, đúng như lời Chúa phán:

"Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét bách hại. Nhưng ai bền chí đến cùng sẽ được cứu thoát" (Mt. 10,23).

Phan Đắc Hòa sinh năm 1774, tại làng Mai Vĩnh tỉnh Thừa Thiên, trong một gia đình ngoại giáo, nhưng hiền lương chất phác. Chẳng may người cha mất sớm, bà mẹ phải đùm bọc chị em cậu đến giúp việc cho một gia đình Công giáo ở xứ Như Lý, tỉnh Quảng Trị. Nhờ gương sáng đạo đức của gia đình nầy, cậu cảm thấy mến mộ đạo. Khi mọi người trong nhà đọc kinh sáng tối, cậu thường lắng nghe, học hỏi, và cuối cùng xin mẹ cho gia nhập đạo. Sau một thời gian học giáo lý, cậu được lãnh Bí tích Rửa tội, chọn thánh Si-mon làm bổn mạng.

Từ đó được gần gũi tiếp xúc với các cha trong họ đạo, cậu ước muốn đi tu giúp việc Chúa. Cậu đến xin cha sở, và được ngài hướng dẫn một thời gian rồi gởi vào chủng viện. Nhưng trong lúc tu học ở đây, cậu nhận thấy ý Chúa muốn cậu làm chứng nhân cho Chúa ở giữa đời hơn, nên sau khi bàn hỏi cha linh hướng, cậu xin trở lại gia đình, theo học nghề thuốc với một danh y trong vùng. Nhờ có năng khiếu nhất là nhờ Chúa thuơng, cậu học hành giỏi giắn; và khi ra hành nghề lương y, Si-mon Hòa chữa bệnh thật kết quả. Bệnh nhân khắp nơi tuôn đến nhờ ông chữa trị, và ông chữa được hết. Do đó, danh tiếng ông ngày càng lan rộng, ông được dịp giúp đỡ nhiều người, nhất là những người nghèo khó, già yếu cô thân.

Lúc đó, ông thấy cần có người trợ lực, để vừa làm bạn đời vừa phục vụ bệnh nhân. Ông lập gia đình, sinh được 12 người con. Ông bà tận tụy lo giáo dục con cái, trong khi vẫn nhiệt thành chăm sóc những người bệnh. Dù bận bịu với bao nhiêu công việc như thế, ông bà luôn chu toàn bổn phận đối với Chúa, sống đời đạo đức, kính mến thờ phượng Chúa hết lòng. Giáo dân thấy vậy thì chọn ông làm trùm họ, để cộng tác với cha sở, phục vụ các linh hồn.

Từ ngày nhận chức trùm trong họ, ông càng cố gắng sống đạo đức sốt sắng hơn, để làm gương cho mọi người. Thấy ai nguội lạnh bê tha, ông khuyên lơn an ủi. Những người nghèo khó bệnh tật, ông tận tình giúp đỡ chăm sóc. Đối với việc nhà chung, ông nhiệt thành lo lắng. Trong thời buổi cấm đạo, nhà ông là nơi trú ẩn an toàn cho các Linh mục. Năm 1839, vua Minh Mạng ra chiếu chỉ bách hại Công giáo ác liệt. Mặc dầu biết việc chứa chấp các Đạo trưởng là nguy hiểm đến tính mạng, ông vẫn can đảm cho các ngài ẩn náu trong nhà. Khi thấy nhà mình không được an toàn, ông tìm cách đưa các ngài đến chỗ ở bảo đảm hơn. Đêm 13 tháng tư năm 1840, ông dùng thuyền chở Đức Cha Y đến làng Hòa Ninh ẩn trốn. Thuyền ông bị phát hiện, quân lính đuổi theo bắt ông và Đức Cha, giải nộp về Huế.

Trong thời gian tám tháng bị giam ở đây, quân lính điệu ông ra tra tấn trên 20 lần, bằng đủ mọi cực hình đau đớn ghê tởm. Nào là đòn vọt, kềm kẹp, nung lửa. Nhiều lần ông kiệt sức ngã gục, nhưng đức tin ông không gục ngã. Ông vẫn cương quyết trung thành bền đỗ theo Chúa, dù phải khổ đến đâu, phải chết cách nào ông cũng sẵn sàng chấp nhận, miễn là làm chứng Chúa là Chúa Cả trời đất và đạo Chúa là đạo thật.

Và Chúa đã thưởng lòng bền đỗ chịu khổ của ông . Ngày 20 tháng 12 năm 1840, quân lính dẫn ông ra pháp trường An Hòa tại Huế. Đến nơi quan còn cố bảo ông quá khóa, đạp lên thánh giá bỏ đạo. Ông đáp:

- Tôiđã cố gắng tin Chúa đến giờ nầy, đã hơn 20 lần bị tra tấn hành khổ, lẽ nào đến giây phút sắp được chết vì Chúa mà tôi lại chối Chúa bỏ đạo. Xin quan cứ y án thi hành.

Thế là sau hồi chiêng trống báo hiệu, đầu vị anh hùng đức tin rơi xuống, linh hồn về nơi cực lạc muôn đời.

Ngày 27 tháng 05 năm 1900, Đức Thánh Cha Lê-ô 13 tôn phong Chân phước cho ngài và ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Gioan Phaolô 2 suy tôn ngài lên bậc Hiển Thánh.

Quyết tâm: Hết lòng kính mến thờ phượng Chúa, yêu thương giúp đỡ mọi người, và bền lòng chịu khổ chịu cực làm chứng cho Chúa đến giây phút cuối cùng, theo gương thánh Si-mon Hòa tử đạo!

Lời nguyện:Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

Ngày 11 tháng 12
THÁNH ĐA-MA-SÔ I
Giáo Hoàng

Gương Thánh nhân: Thánh Đa-ma-sô sinh năm 305, ngài là vị Giáo Hoàng nổi tiếng trong việc phục hưng đạo lý và sùng mộ các thánh tử đạo. Triều đại Giáo Hoàng của Người bắt đầu vào năm 366.

Theo sử liệu, thánh nhân là một Linh mục gốc Tây-ban-nha, đã được Đức Giáo Hoàng Li-bê-ri-ô chọn làm Tổng phó tế cai quản tài sản Giáo hội. Ngài tận tâm lo chu toàn bổn phận, đồng thời sống đạo đức thánh thiện và nhiệt tâm giúp đỡ kẻ nghèo khó.

Đang lúc đó, lạc giáo A-ri-ô bành trướng mạnh mẽ. Hoàng đế Công-tăn ủng hộ những người theo phái nầy, bắt Đức Giáo Hoàng đi đày, thánh nhân tình nguyện đi theo giúp đỡ ngài. Nhưng vì ý Đức Giáo Hoàng muốn cho Đa-ma-sô điều hành công việc thay thế ngài trong thời gian ngài vắng mặt, nên thánh nhân vâng lời, trở lại Rô-ma. Và sau khi Đức Li-bê-ri-ô qua đời, ngài được bầu lên kế vị năm 366.

Trong thời gian 18 năm trên ngôi Giáo Hoàng, ngoài ra việc điều khiển Giáo hội, củng cố hàng giáo sĩ, chống lại lạc thuyết A-ri-ô, thánh nhân còn cho hiệu đính bản dịch Kinh Thánh và sửa sang phần mộ các thánh tử đạo.

Năm 382, thánh nhân thấy Hi-ê-rô-ni-mô là người tài đức, lại chuyên cần học hỏi Thánh Kinh, nên giao cho san định lại bản dịch phổ thông Kinh Thánh, để phổ biến rộng rãi trong Giáo hội.

Ngoài ra vì lòng sùng kính các thánh tử đạo, ngài cho sửa sang lại phần mộ của các thánh, nới rộng các hang toại đạo, và chính tay ngài viết ra nhiều vần thơ cho các mộ bia. Ngài cũng đề mộ bia cho chính ngài và đặt ở nghĩa trang thánh Can-lít-tô. Trong mộ bia nầy, ngài nói lên niềm tin của mình vào Đức Ki-tô phục sinh và hy vọng cũng được phục sinh với Người.

Thánh nhân đặc biệt tôn kính các thánh tử đạo, "để giục mình bắt chước các ngài, hiệp thông với công trạng các ngài và xin các ngài cầu nguyện trợ giúp cho...

"Thế nên ta tôn kính các thánh tử đạo cũng như ở đời nầy ta vẫn có lòng yêu mến và thông hiệp với các người thánh của Thiên Chúa mà ta biết họ luôn sẵn lòng chịu đau khổ như thế vì chân lý Tin mừng. Tuy nhiên ta tôn kính các thánh tử đạo sốt sắng hơn, vì được chắc chắn hơn, bởi là các ngài đã thắng vượt mọi cuộc chiến đấu, các đấng đã khải hoàn hiển trị nơi vĩnh phúc, thì ta tán tụng tin tưởng hơn là đối với các người đang còn chiến đấu ở đời nầy"

Thánh nhân qua đời năm 384, tại Rô-ma, hưởng thọ 79 tuổi.

Quyết tâm: Noi gương thánh Đa-ma-sô Giáo Hoàng, hằng ngày lo tôn sùng các thánh tử đạo, để được thông phần công nghiệp với các ngài, nhờ các ngài cầu bàu cho biết noi gương các ngài, sẵn lòng chịu mọi sự khổ cực hy sinh vì Chúa.

Lời nguyện:Lạy Chúa, thánh Đa-ma-sô Giáo Hoàng đã phục hưng và cổ võ lòng tôn sùng các thánh tử đạo. Xin cho chúng con cũng biết noi gương người mà luôn luôn tưởng nhớ công ơn của các chứng nhân anh dũng đã đổ máu mình vì đức tin.

Ngày 12 tháng 12
THÁNH GIO-AN-NA PHAN-XI-CA SĂNG-TAN
Nữ Tu

Gương Thánh nhân: Thánh nữ Gio-an-na Săng-tan sinh năm 1572 tại Đi-rông, trong một gia đình giàu có đạo đức. Mẹ mất sớm, ngài được người cha chăm sóc dạy dỗ đức hạnh đầy đủ, đặc biệt ngài có lòng mến Chúa yêu người sâu xa.

Năm lên 20 tuổi, ngài được bá tước Săng-tan quý mến và cưới làm vợ. Cuộc sống hôn nhân hoàn toàn hạnh phúc. Trong vòng 8 năm, hai ông bà sinh được 6 con, nhưng chết 2, còn lại 4. Vì bá tước chồng ngài làm việc trong triều đình, nên thường vắng nhà. Một mình ngài phải trông nom mọi việc trong ngoài, chăm sóc con cái. Dù vậy ngài cũng không quên để dành thời giờ cho việc đọc kinh cầu nguyện và giúp đỡ người nghèo khó bệnh tật. Mỗi ngày đều có giờ cầu nguyện nhất định và ngài không bao giờ bỏ sót giờ nào. Ngoài ra còn thời giờ nào rảnh rỗi là ngài chạy đến với người cùng khổ, an ủi, chăm sóc, giúp đỡ. Ngài giúp đỡ họ tận tình chí thiết đến nổi mọi người tặng cho ngài danh hiệu là "bà phúc hậu".

Nhưng Chúa thường thươhg cho những kẻ yêu mến Người được vác khổ giá với Người. Giữa lúc thánh nữ đang sống hạnh phúc êm đềm như thế thì năm 1600, chồng ngài bị tử nạn trong một cuộc đi săn !..

Hết sức đau buồn, nhưng thánh nữ đã dằn lòng vâng theo thánh ý. Ngài tin tưởng phó thác mọi sự trong tay Chúa và khấn giữ mình độc thân cho đến chết, để theo đàng nhân đức trọn lành và nuôi dưỡng giáo dục con cái.

Ý cha mẹ chồng muốn thánh nữ về ở gần gũi, nên ngài phải dọn về sống bên họ. Nhưng ở đây ngài lại nhận thêm một thánh giá nữa. Cha mẹ chồng đối xử với ngài hết sức khắc nghiệt, mắc mỏ khó khăn với ngài từng chút. Dù vậy, ngài vẫn vui lòng chấp nhận, và cho rằng mình còn vác thánh giá nhẹ hơn Chúa.

Năm 1604, Chúa giúp ngài gặp được thánh Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô. Vị thánh nầy đã giúp ngài quyết định cho tương lai đời ngài, bằng cách sống thánh thiện không phải trong khổ hạnh nghiêm khắc, nhưng trong việc chu toàn bổn phận hằng ngày.

Khi con cái đã khôn lớn trưởng thành, thánh nữ từ giã chúng, dâng mình cho Chúa. Nhưng hôm ngài bước chân ra khỏi gia đình, cũng là cả một sự hy sinh can đảm lớn lao. Đứa con trai lớn của ngài không muốn ngài ra đi, nên khóc lóc kêu la thảm thiết, và nằm lăn lốc ngay cửa không cho ngài bước qua. Song thánh nữ quyết nghe theo tiếng gọi tình yêu của Chúa, ngài bước qua mình đứa con trai mà đi. Nhưng trước đó, ngài đã gửi gắm các con cho cha mẹ chồng coi sóc thay thế ngài.

Và năm 1610, thánh nữ đã thành lập Dòng Đức Mẹ Thăm Viếng tại En-nơ-xi, khấn giữ đức khó nghèo và bác ái, chuyên tâm phục vụ người nghèo khổ bệnh tật và huấn luyện các thiếu nữ. Hội dòng của ngài đã được Tòa Thánh công nhận vào năm 1618. Từ đó, hội dòng phát triển mạnh mẽ và hằng ngày thánh nữ tận tình hướng dẫn chị em trong dòng trên đàng trọn lành, như nữ tu bí thư của ngài ghi lại:

"Một ngày kia, thánh Gio-an-na nói lên những lời sốt sắng như lửa, mà lập tức chúng tôi đã ghi lên một cách trung thực như sau:

"Các con thân mến, trong các thánh tổ phụ và các vị rường cột Hội thánh, có rất nhiều đấng đã không phải chết vì đạo. Các con nghĩ xem tại sao thế? Sau khi mỗi nữ tu đã trả lời thì thánh nữ tiếp: "Phần mẹ, mẹ nghĩ rằng như vậy là vì có một thứ tử đạo khác gọi là tử đạo bằng tình yêu: đó là trong lúc Thiên Chúa gìn giữ đời sống của các tôi nam tớ nữ Người để họ làm vinh danh Người, thì Người cũng làm cho họ trở nên một trật các người tử đạo và truyền đạo. "Rồi thánh nữ nói tiếp: "Mẹ biết rằng, nhờ ơn Chúa xếp đặt, số phận các nữ tu "Dòng đi Viếng" là để chịu thứ tử đạo đó, và ai trong chị em sung sướng khát khao thì Chúa sẽ sắp đặt cho".

"Khi một chị hỏi việc tử đạo đó có thể thực hiện như thế nào, thì thánh nữ trả lời:

"Hãy hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa thì sẽ cảm thấy. Bởi lẽ tình yêu của Thiên Chúa sẽ đâm mũi gươm vào những phần bí ẩn và thâm sâu nhất của linh hồn chúng ta, và phân ly chúng ta với chính chúng ta. Mẹ có biết linh hồn kia đã bị tình yêu Chúa tách khỏi những sự vật yêu quý nhất, đau đớn không kém việc các bạo chúa dùng gươm phân tách hồn ra khỏi xác".

"Chúng tôi biết bà nói như thế vì chính bà. Vì khi có một chị khác hỏi việc tử đạo đó kéo dài bao lâu thì bà thưa: "Từ lúc chúng ta hoàn toàn phó mình cho Thiên Chúa, không bớt xén chút nào, cho tới khi lìa đời..."

Thánh nữ qua đời năm 1641, và năm 1767 thì được Đức Thánh Cha Clê-men-tê thứ 8 tôn phong Hiển thánh.

Quyết tâm: Hằng ngày lo làm tròn bổn phận đối với gia đình, xã hội và Giáo hội, sẵn lòng chịu mọi khổ cực trong đời sống và thương yêu giúp đỡ mọi người, theo gương thánh nữ Gio-an-na Phan-xi-ca.

Lời nguyện:Lạy Chúa, Chúa đã làm rạng danh Thánh nữ Gio-an-na Phan-xi-ca vì những công nghiệp rực rỡ của người, trong đời sống gia đình cũng như đời sống tu viện. Nhờ lời thánh nữ cầu thay nguyện giúp, xin cho mỗi người chúng con biết sống trung thành với ơn Chúa kêu gọi, để mọi người nhìn thấy ánh sáng của Chúa trong những việc chúng con làm.

Ngày 13 tháng 12
THÁNH LU-XI-A
Trinh Nữ Tử Đạo

Gương Thánh nhân: Trong hang toại đạo tại Sy-ra-cu-sa, có mộ của thánh Lu-xi-a trinh nữ tử đạo. Nhưng đời sống và cuộc tử đạo của ngài không được sách sử ghi chép rõ rệt, chúng ta chỉ biết ngài qua các câu chuyện huyền thoại.

Tương truyền thánh nữ là con một gia đình quý tộc ở Sy-ra-cu-sa. Cha mất sớm, ngài được mẹ nuôi dưỡng dạy dỗ ân cần chu đáo, cốt sau nầy ngài có thể trở nên một tín hữu đạo đức thánh thiện, làm sáng danh Chúa. Hằng ngày bà tập luyện thánh nữ đọc kinh cầu nguyện, ăn chay hãm mình, sống khiêm nhường bác ái, nhất là giữ mình thanh sạch trinh khiết.

Để nêu gương khiết tịnh và can đảm hy sinh vì Chúa cho thánh nữ, bà thường kể chuyện các thánh tử đạo, các thánh trinh nữ cho ngài nghe, trong số đó có hạnh thánh nữ A-ga-ta. Mẫu gương sáng ngời của vị trinh nữ tử đạo nầy ảnh hưởng hơn hết trong tâm hồn ngài. Ngài hết sức cảm kích trước tấm gương can đảm, hy sinh từ bỏ tất cả vì lòng yêu mến Chúa của thánh A-ga-ta. Từ đó, hằng ngày thánh nữ kêu xin Chúa ban cho ngài được yêu mến Chúa hết lòng hết sức, trên hết mọi sự như thế.

Giữa lúc đó, một thanh niên quý phái giàu có mê say sắc đẹp của Lu-xi-a, chàng đến cầu hôn, nhưng thánh nữ từ chối, lấy cớ mẹ ngài đang bệnh phải lo chữa trị chăm sóc. Và ngài đã đưa mẹ sang Ca-ta-na, đến mộ thánh A-ga-ta, và cầu xin thánh nữ cho mẹ ngài khỏi cơn bệnh hoạn. Ngài nghe như có tiếng thánh A-ga-ta bảo:

- Lu-xi-a, sao em xin tôi điều mà chính niềm tin của em có thể đạt được? Mẹ em sẽ khỏi bệnh, và em sẽ được vinh hiển ở Sy-ra-cu-sa, như tôi đã làm hiển vinh cho Ca-ta-na nầy.

Để tỏ lòng biết ơn, Lu-xi-a nguyện noi gương thánh A-ga-ta, giữ mình đồng trinh, hiến trọn tình yêu cho Chúa. Và sau đó mẹ con trở lại quê nhà.

Về đến Sy-ra-cu-sa, thánh nữ bán hết nữ trang, phân phát tiền của cho kẻ nghèo, sống khổ hạnh nghèo khó. Người thanh niên từ lâu theo đuổi người nghe tin đó thì tức giận, tố cáo ngài là Ki-tô hữu.

Đây là lúc hoàng đế Đi-ô-lê-si-en bắt đạo dữ dằn. Được biết Lu-xi-a có đạo, nhà cầm quyền ở Sy-ra-cu-sa liền ra lệnh bắt ngài tống ngục. Hôm sau, quân lính dẫn ngài ra trước tòa án, quan tổng đốc bảo ngài dâng hương tế thần rồi tha về, nhưng ngài một mực từ chối. Dù hăm dọa ngăm đe, dù gông cùm roi vọt, ngài cũng chẳng sợ. Quan tổng đốc nổi giận cho lý hình lôi ngài đi cho bọn dâm đảng hãm hại. Song họ không lôi kéo ngài nổi, thân xác ngài nặng hơn tượng đá, không sức mạnh nào kéo đi cho được. Viên tổng đốc giận dữ thét lớn:

- Con nhỏ nầy có bùa mạnh thế sao?

Thánh nữ đáp:

- Tôi chẳng có bùa chú gì cả. Đó là sức mạnh vạn năng của Thiên Chúa, Người cứu vớt tôi, vì tôi thuộc trọn về Người.

Viên tổng đốc truyền lấy lửa thiêu đốt ngài, nhưng lửa cũng chẳng chạm đến thân ngài. Cuối cùng ông ta phải dùng gươm đâm cổ ngài...

Thánh nữ đã chết vì đạo khoảng năm 303.

Quyết tâm: Noi gương thánh Lu-xi-a đồng trinh tử đạo, hằng ngày hết lòng trông cậy vào quyền năng vô cùng của Chúa, để Người giúp lướt thắng mọi chước cám dỗ và mọi gian nan thử thách ở đời.

Lời nguyện:Lạy Chúa, hôm nay chúng con mầng kỷ niệm ngày thánh nữ Lu-xi-a đồng trinh tử đạo, vinh hiển bước vào trời. Xin Chúa nhậm lời người cầu thay nguyện giúp, mà khêu lửa yêu mến trong lòng chúng con, để mai sau chúng con được chiêm ngưỡng Chúa vô cùng vinh hiển.

Ngày 14 tháng 12
THÁNH GIO-AN THÁNH GIÁ
Linh Mục Tiến Sĩ

Gương Thánh nhân: Thánh Gio-an sinh năm 1542, tại Phon-ti-vê-rô, nước Tây-ban-nha. Cha mất sớm, mẹ ngài phải tảo tần làm thuê làm mướn nuôi ngài ăn học. Lúc nhỏ, ngài học với các nữ tu ở Mê-đi-na. Ở đây, chẳng những ngài được các nữ tu dạy chữ nghĩa, mà còn đào tạo đầy đủ về đức hạnh. Đặc biệt ngài thích sống khó nghèo và có lòng thương mến người nghèo. Ngài thường theo các nữ tu đến bệnh viện, săn sóc các bệnh nhân nghèo khổ, không ai nuôi nấng giúp đỡ.

Lớn lên, thánh nhân được gởi đến trường các Cha Dòng Tên học môn triết. Trong thời gian ở đây, ngài cảm thấy muốn dâng mình cho Chúa, và ước ao gia nhập dòng khổ tu. Ngài hằng cầu xin Chúa soi sáng cho ngài biết rõ ý Chúa định đoạt cho ngài.

Năm 1563, thánh nhân xin gia nhập Dòng Cát-mê-lô, và được gởi đi học thần học ở Sa-la-măn-ca. Năm 1567, ngài được thụ phong Linh mục, và ít lâu sau được dịp gặp thánh nữ Tê-rê-sa A-vi-la. Thánh nữ mời ngài cộng tác trong việc canh tân dòng Cát-mê-lô. Và ngài đã sẵn sàng trợ giúp thánh nữ.

Thế là thánh nhân bắt đầu một cuộc sống mới đầy gian lao đau khổ, do công cuộc canh tân đem lại cho ngài. Ngài muốn giúp các đan sĩ sống theo luật nguyên thủy của thánh An-bê-tô trong tinh thần khó nghèo khổ hạnh, nhưng nhiều người không chịu tuân theo, và tìm đủ cách chống đối bách hại ngài. Như năm 1577, các đan sĩ chủ trương chước giảm là nhóm "mang giầy" tấn công nhóm "đi chân không" của ngài. Họ bắt giam ngài trong phòng tối và bỏ đói ngài. Ngài phải chịu cảnh đau khổ sỉ nhục, nhưng nhờ đó mà ngài củng cố được lòng tin, tăng cường đức mến và đời sống thần bí của ngài. Và chính vì được chịu đau khổ sỉ nhục vì Chúa như thế, ngài lấy làm vui mầng và hãnh diện tự đặt cho mình tên "Gio-an Thánh giá". Nhưng ít hôm sau, ngài đã trốn thoát qua cửa sổ, và đến trú ngụ tại đan viện ở Bê-a. Trong thời gian ở đây, ngài đã viết quyển sách "Đường lên núi Ca-mê-lô" là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ngài. Ngoài ra ngài còn viết nhiều sách dẫn đường thiêng liêng, với những ý tưởng thật sâu sắc uyên thâm. Chẳng hạn trong quyển "Bài ca thiêng liêng", thánh nhân viết:

"Ôi, chớ gì sau cùng mọi người hiểu biết rằng họ không thể nào đạt tới chiều sâu của các kho tàng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, nếu trước đó đã không đi vào chiều sâu của lao nhọc, chịu đựng khổ sở nhiều cách, thậm chí phải từ bỏ cả những yên ủi và ước muốn riêng. Linh hồn nào mơ ước sự khôn ngoan đó của Thiên Chúa, thì trước hết phải ao ước đi vào con đường thập giá".

"Vì thế Thánh Phao-lô khuyên nhủ tín hữu Ê-phê-sô: đừng ngã lòng trong khi bị thử thách để trở nên dũng mạnh, được đâm rễ và mọc sâu trong đức mến, hầu có thể hiểu được cùng các thánh thế nào là chiều rộng, chiều cao, chiều dài, chiều sâu, và biết được đức mến của Đức Ki-tô siêu vời cao vượt, để được no đầy trong sự viên mãn của Thiên Chúa".

"Bởi vì cửa dẫn vào kho tàng sung túc khôn ngoan của Thiên Chúa là thập giá, và cửa đó rất hẹp, nhiều người muốn hưởng những hoan lạc mà cửa đó có thể dẫn tới, nhưng rất ít người muốn đi qua cửa đó"

Thánh nhân qua đời ngày 14 tháng 12 năm 1591. Năm 1726, ngài được tôn phong Hiển thánh và Đức Thánh Cha Pi-ô thứ 11 đã tặng ngài danh hiệu Tiến sĩ Hội thánh năm 1926.

Quyết tâm: Hết lòng mến mộ thánh giá, là sẵn lòng chịu mọi sự gian nan khốn khó vì Chúa, theo gương thánh Gioan thánh giá, để được thêm lòng tin cậy mến Chúa.

Lời nguyện:Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Gioan Linh mục lòng nhiệt thành yêu mến thánh giá và hoàn toàn từ bỏ chính mình. Xin ban cho chúng con hằng biết noi gương sáng của Người, để mai sau được chiêm ngưỡng thánh nhan vinh hiển.

1540    17-01-2011 21:10:23