Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Hạnh Thánh Tháng 12_phần 3

Ngày 18 tháng 12
THÁNH PHAO-LÔ MỸ,
PHÊ-RÔ ĐƯỜNG VÀ PHÊ-RÔ VŨ TRUẬT
Thầy Giảng Tử Đạo

Gương Thánh nhân: Dưới thời vua Minh Mạng bắt đạo, có ba thầy giảng cùng bị bắt một ngày, giam chung một ngục, bị xử giảo cùng một giờ, được phong Chân phước và Hiển thánh một lượt. Đó là các thầy Phao-lô Nguyễn Văn Mỹ, Phê-rô Trương Văn Đường và Phê-rô Vũ Truật tử đạo hôm nay.

Các thầy bị bắt tại giáo xứ Bầu Nọ, tỉnh Sơn Tây, ngày 20 tháng 06 năm 1837, giải về giam chung tại ngục Sơn Tây. Và sau một năm rưỡi bị tra tấn hành hạ mà vẫn kiên trì giữ vững đức tin, các ngài cùng bị xử tại pháp trường Gò Vôi ngày 18 tháng 12 năm 1838. Ngày 27 tháng 05 năm 1900. Đức Thánh Cha Lê-ô 12 tôn phong Chân phước, và Đức Gioan Phaolô 2 suy tôn Hiển thánh ngày 19 tháng 06 năm 1988.

Phao-lô Nguyễn Văn Mỹ sinh năm 1798, tại xứ Kẻ Non tỉnh Hà Nam . Năm lên 13 tuổi, cậu được cha mẹ cho đến ở với Đức Cha Gia, vừa giúp việc vừa dọn mình đi tu. Sau sáu năm chuẩn bị, cậu được gởi vào chủng viện Kẻ Vĩnh ở Vĩnh Trị tiếp tục học hành và tu luyện, và được chọn làm thầy giảng giúp việc giảng đạo.

Đức Cha sai thầy đến giúp cha Tân ở giáo xứ Bầu Nọ, tỉnh Sơn Tây. Thầy hết sức tận tâm giúp cha xứ, hằng ngày chuyên cần dạy giáo lý cho tân tòng, thăm viếng bệnh nhân và giúp họ dọn mình lãnh các Bí tích, nhất là an ủi khích lệ giáo hữu trong cơn thử thách. Ngoài ra các bổn phận chính yếu đó, thầy còn giúp việc nhà xứ, trang hoàng thánh đường, đặc biệt trong các dịp lễ trọng.

Khi quân lính tìm đến bắt cha Tân là Tây dương Đạo trưởng, họ lục soát từ sáng tới trưa mà chưa gặp được ngài, nên họ bắt thầy với hai thầy Đường và Truật đang giúp ở đó, để điều tra nơi ngài trú ẩn.

Phê-rô Trương Văn Đường sinh năm 1808, tại Kẻ Sở tỉnh Hà Nam , trong một gia đình nghèo, nhưng rất đạo đức thánh thiện. Nhờ cha Thi là cậu đỡ đầu cho ăn học, cậu học hành giỏi giắn lại ngoan ngoãn hiền lành, nên mới lên 09 tuổi đã được nhận vào Nhà Chúa ở Yên Tập, để tiếp tục học văn hóa và tập rèn đức hạnh.

Sau 07 năm tu học, Đức Cha Du thấy cậu đã đủ khả năng và đạo đức để đi giảng đạo. Ngài chọn cậu làm thầy giảng, mặc dầu lúc đó cậu mới lên 16 tuổi, một thầy giảng trẻ tuổi chưa từng có. Điều đó chứng tỏ tài đức đặc biệt của thầy.

Thầy được sai đi giúp xứ Bầu Nọ, do cha Tân là Linh mục thừa sai Pa-ri làm chánh xứ. Tánh tình vui vẻ hiền lành, thầy được mọi người cả lương lẫn giáo mến chuộng. Nhờ đó, thầy làm việc tông đồ rất đắc lực. Ai ai cũng sẵn sàng nghe lời thầy khuyên bảo dạy dỗ, mặc dầu thầy mới đáng tuổi em cháu của họ. Năm 1837, lúc quân lính đến bắt cha Tân, họ bắt luôn cả thầy với thầy Mỹ và thầy Truật, dẫn về giam ở Sơn Tây.

Phê-rô Vũ Truật sinh năm 1817, tại họ Kẻ Thiếc tỉnh Sơn Tây. Gia đình nghèo, cha chết sớm, bà mẹ phải tần tảo làm thuê ở mướn nuôi ba đứa con. Cơm không đủ ăn, quần áo chưa đủ mặc, bà không thể lo cho con học nổi, vì thế cậu Phê-rô Truật dốt chữ lại gầy ốm xanh xao. Nhưng bù lại cậu rất thuộc kinh và siêng năng đến nhà thờ đọc kinh dâng lễ. Cha sở thấy vậy thì nhờ cậu dạy cho các em nhỏ đọc kinh hằng ngày. Cậu hết sức vui mầng, vì được cha sở giao cho công tác đó. Mỗi sáng cậu quy tụ các em, lần lượt đọc hết kinh nầy đến kinh khác cho chúng đọc theo. Có lần các em đòi cậu viết kinh cho các em về nhà học thêm. Cậu lúng túng không biết tính sao, vì biết mình dốt không biết một chữ, làm sao viết được. Cậu đành phải năn nỉ các em học thuộc lòng thôi. Dù vậy lần hồi cậu cũng dạy các em học thuộc các kinh cần thiết. Đúng là dù dốt nát mà có thiện chí thì cũng giúp đuợc việc Chúa và làm ích lợi cho người khác hơn là thông thái tài giỏi mà lười biếng ích kỷ. Đến lúc anh bị bắt giam ở ngục Sơn Tây, Đức Cha mới nhận anh làm thầy giảng để thưởng công anh. Ở trong ngục, anh không giảng đạo được bằng lời nói, nhưng anh làm chứng cho Chúa bằng chính mạng sống.

Sau khi bị bắt ngày 20 tháng 06 năm 1837, cả ba thầy Phao-lô Mỹ, Phê-rô Đường và Phê-rô Truật đều bị nhốt chung ở ngục Sơn Tây. Nhiều lần quân lính dẫn các thầy ra tra tấn đánh đập, bắt ép đạp lên Thánh giá bỏ đạo. Mỗi lần bị tra tấn, cả ba người đều đau đớn ngã gục, đến nỗi quân lính phải khiêng trở về ngục. Nhưng cả ba đều can đảm chịu khổ chịu cực vì Chúa, nhất quyết giữ vững đức tin, không chịu quá khóa chối đạo.

Thấy không thể lay chuyển nổi lòng tin bất khuất của các thầy, quan buộc lòng phải làm án xử giảo gởi về kinh. Tháng 10 năm 1837, bản án vua Minh Mạng châu phê đã chuyển đến Sơn Tây, nhưng chưa thi hành ngay. Các thầy phải chờ đợi suốt 14 tháng trời. Trong thời gian dài đăng đẳng nầy, các thầy sợ bị lung lạc niềm tin, nên hằng ngày hiệp nhau đọc kinh cầu nguyện, lần chuỗi Môi Khôi, kêu xin Chúa và Đức Mẹ giúp sức gắn bó bền đỗ theo Chúa đến cùng. Và lời cầu xin của các thầy đã được chấp nhận. Ngày 18 tháng 12 năm 1838, quân lính dẫn ba vị chứng nhân anh dũng của Chúa ra pháp trường Gò Vôi, tỉnh Sơn Tây. Và sau khi tròng dây qua cổ theo lệnh quan, lý hình siết chặt hai đâu dây cho đến lúc các ngài tắt thở, máu từ miệng trào ra làm hạt giống trổ sinh thêm nhiều tín hữu...

Cả ba vị đều được tôn là Hiển thánh, để toàn thể Hội thánh suy tôn.

Quyết tâm: Noi gương các thánh Phao-lô Mỹ, Phê-rô Đường và Phê-rô Truật, thầy giảng tử đạo, hằng ngày siêng năng giúp việc giảng đạo Chúa, và suốt đời trung thành bền đỗ chịu khổ chịu cực vì Chúa.

Lời nguyện:Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho cha và trung kiên mãi đến cùng.

Ngày 19 tháng 12
THÁNH PHAN-XI-CÔ MẬU, ĐA-MINH ÚY, AU-GU-TI-NÔ MỚI,
TÔ-MA ĐỆ VÀ TÊ-PHA-NÔ VINH
Thầy Giảng và Giáo Dân Tử Đạo

Gương Thánh nhân: Hôm nay Hội thánh mừng kính 05 vị Anh hùng đã chịu chết vì Chúa cùng một ngày để làm chứng cho Chúa. Các ngài làm chứng tá không phải chỉ trong lúc chịu chết ở pháp trường, mà trong suốt đời sống, đặc biệt trong thời gian hơn một năm bị giam trong ngục. Đó là Thánh Phan-xi-cô Mậu, Đa-minh Úy, Au-gu-ti-nô Mới, Tô-ma Đệ và Tê-pha-nô Vinh.

Sau khi bị bắt, các ngài bị giam chung với nhiều người tại Bắc Ninh, trong số đó giáo có lương cũng có. Đây là cơ hội may mắn Chúa ban, để các ngài làm chứng cho Chúa, là tông đồ rao giảng đạo Chúa. Mặc dầu cũng bị xiềng xích tra tấn khổ sở như mọi người, các ngài vẫn luôn tỏ vẻ hân hoan vì được chịu khổ chịu cực vì Chúa, và chia nhau tiếp xúc với các bạn tù, chia sẻ những nỗi sầu khổ của họ, an ủi khích lệ họ, giới thiệu Chúa là Đấng thương xót cứu giúp họ. Trong lúc tù ngục khốn khó như thế mà nghe nói đến Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, họ hết sức cảm mến. Họ yêu cầu các ngài giúp cho họ theo Chúa thờ Chúa. Thế là các ngài dạy giáo lý và rửa tội cho họ.

Phải chăng đó là tấm gương các ngài để lại cho hậu thế? Bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn làm chứng cho Chúa, đem Chúa đến cho người khác.

Phan-xi-cô Hà Trọng Mậu sinh năm 1790, tại Kẻ Điền tỉnh Thái Bình.

Lớn lên, cậu được Chúa thương kêu gọi, và cậu đã sẵn sàng dâng mình đi tu giúp việc Chúa. Sau khi được chọn làm thầy giảng, thầy đến giúp họ Nội, thuộc xứ Kẻ Mốt, do cha Phê-rô Tự làm chánh xứ.

Giữa lúc đó, vua Minh Mạng bắt đạo gắt gao. Ngày 29 tháng 08 năm 1838, lính đến bao vây xứ Kẻ Mốt, bắt cha Tự và thầy Úy đang giúp ở đó cùng với ba giáo dân là Au-gu-ti-nô Mới, Tô-ma Đệ và Tê-pha-nô Vinh, dẫn về tạm giữ ở huyện Lương Tài. Khi biết cha Tự và thầy Úy bị giam ở Lương Tài, thầy liền đi đến đó nghe tin tức. Trong thời gian ở đây, thầy được giáo hữu gởi tạm trú tại nhà một lương dân quen biết, cốt ý cho quân lính không để ý theo dõi. Chẳng may người chủ nhà lại tham tiền, đi tố cáo với quan. Thế là thầy bị bắt...

Đa-minh Bùi Văn Úy sinh năm 1812 tại họ Tiên Môn tỉnh Thái Bình. Ngay từ nhỏ, cậu đã được cha mẹ cho đến ở giúp cha Phê-rô Tự, chánh xứ Kẻ Mốt. Cha thấy cậu có trí thông minh lại đạo đức, nên gởi cho tu học làm thầy giảng.

Sau khi tu học, thầy được Bề trên cho về giúp cha Tự như trước. Thầy nhiệt thành cộng tác với cha trong hoạt động tông đồ mục vụ, đặc biệt trong việc dạy giáo lý tân tòng và trẻ em. Hai cha con sống rất thân mật, hết lòng thương yêu nâng đỡ nhau, nhất là giữa lúc nầy là lúc cơn bách hại đang ác liệt. Thầy thường nói với giáo dân:

- Nếu quân lính đến bắt cha, tôi sẽ ra nộp mình thế cho cha, để cha ở lại giúp anh chị em.

Ngày 29 tháng 06 năm 1838, theo tin mật báo, quan quân đến bao vây xứ Kẻ Mốt. Thầy tình nguyện ra nộp mình, nhưng khi biết thầy không phải là Linh mục, quân lính chia nhau lục soát, bắt được cả cha Tự và ông trùm Cảnh và ba giáo dân là Au-gu-ti-nô Mới, Tô-ma Đệ và Tê-pha-nô Vinh.

Cả ba giáo dân nầy đều là người làng Bồ Trang, tỉnh Thái Bình. Vì cuộc sống ở đây khó khăn, làm ăn không đủ sống, ba anh đến lập nghiệp tìm kế sinh nhai tại giáo xứ Kẻ Mốt.

Au-gu-ti-nô Nguyễn Văn Mới sinh năm 1806, trong một gia đình nông dân ngoại đạo. Khi đến làm mướn ở xứ Kẻ Mốt, hằng ngày tiếp xúc với người có đạo, thấy họ có lòng yêu thương bác ái, sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khổ bệnh tật, anh cảm thấy mến mộ đạo và xin theo học giáo lý. Năm 1837, cha Phê-rô Tự đã ban Bí tích Thánh Tẩy cho anh, và năm sau chính ngài cũng chủ sự lễ thành hôn cho anh với một thiếu nữ trong giáo xứ.

Mặc dầu đạo mới, anh sống đạo rất sốt sắng, siêng năng đọc kinh dâng lễ, nhất là lần chuỗi Môi Khôi mỗi tối trong gia đình. Nhờ đó, Đức Mẹ ban cho anh được phúc tử đạo, làm chứng cho Chúa.

Ngày 29 tháng 06 năm 1838, khi quân lính đến bắt cha Tự ở Kẻ Mốt, họ gọi hết dân làng tập trung về đình điểm danh. Lúc mọi người đã tựu về đủ mặt, họ buộc mỗi người phải đạp lên Thánh giá. Ai vâng lời bước qua thì được về. Có số giáo hữu nhanh chân trốn thoát, những người nhát đảm sợ chết thì bước qua, còn ba anh Mới, Đệ và Vinh cương quyết không thi hành lệnh nên bị bắt.

Tô-ma Nguyễn Văn Đệ sinh năm 1811, trong một gia đình Công giáo ở Bồ Trang. Lớn lên, vì kế sinh nhai, anh theo cha mẹ đến giáo xứ Kẻ Mốt làm ăn lập nghiệp. Cha mẹ cho anh theo học nghề may. Khi thành thuộc, anh về mở tiệm may tại nhà. Nhờ khéo tay, anh may được nhiều người ưa thích, nên ngày càng thêm đông khách. Do đó kinh tế gia đình được ổn định. Anh lập gia đình, ra ở riêng, sinh được ba đứa con.

Đối với xứ đạo, anh luôn nhiệt thành phục vụ. Cờ xí trang hoàng trong nhà thờ do một tay anh cắt may. Mỗi dịp lễ lớn, anh hy sinh nhiều ngày dọn dẹp trang trí. Lúc nào cha xứ có việc cần nhờ, anh chẳng nệ tốn công hao của với nhà chung.

Khi quân lính đến bao vây xứ Kẻ Mốt, bắt mọi người phải đạp lên thánh giá, anh tìm cách lẫn trốn. Nhưng khi thấy họ lục soát gắt gao quá, không thể trốn khỏi, anh ra trình diện bước lại gần Thánh giá. Quân lính tưởng anh đạp lên, nhưng anh quỳ xuống, hôn kính và nói:

- Lạy Chúa, con không bao giờ dám bước qua Thánh giá Chúa. Con biết rồi đây con sẽ bị bắt, bị tra tấn hành hạ. Nhưng con thà chết hơn là xúc phạm đến Chúa. Xin Chúa thương giúp con can đảm làm chứng cho CHÚA.

Quân lính liền xúm lại bắt trói anh...

Tê-pha-nô Nguyễn Văn Vinh sinh năm 1813 trong một gia đình ngoại giáo nghèo khó. Nghe nói ở giáo xứ Kẻ Mốt có người thuê mướn làm việc, anh theo bạn hữu đến tìm việc làm. Vì anh siêng năng cần mẫn, lại khỏe mạnh thật thà, nên được nhiều người kêu làm.

Sống lâu ngày với người có đạo, thấy họ tận tình giúp đỡ, anh bắt đầu quý mến họ và ước muốn theo đạo. Đúng thật gương lành gương tốt của người tín hữu là một trong những phương thế hiệu nghiệm dẫn đưa mọi người đến Chúa, như lời Chúa Giê-su phán: "Ánh sáng của anh em phải chiếu giải trước mặt thiên hạ, để họ thấy những việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em". (Mt. 5,16).

Nhưng khổ nỗi, anh không biết đọc biết viết, làm sao học giáo lý? Nhưng anh cũng chịu khó học thuộc lòng. Nghe dạy điều nào, anh lặp lại nhiều lần cho nhớ rồi nghe thêm. Lần hồi anh cũng thuộc hết những điều cần thiết trong đạo. Song chưa kịp rửa tội, anh đã bị bắt cùng với cha Tự và năm người nữa là ông trùm Cảnh, thầy Mậu, thầy Úy, anh Mới và anh Đệ, vào ngày 29 tháng 06 năm 1838.

Hôm đó, khi quan quân bắt mọi người tập trung về đình, đạp lên Thánh giá, anh công khai tuyên bố:

- Tôi chỉ là người dự tòng, chưa được rửa tội. Nhưng tôi tin Chúa, tôi quyết thờ Chúa. Tôi không bao giờ đạp lên Thánh giá.

Chính lúc bị giam tại Bắc Ninh, Cha Phê-rô Tự đã ban Bí tích Thánh tẩy cho anh.

Ngày 27 tháng 07 năm 1838, sau gần một tháng tra tấn, bắt ép bảy chiến sĩ đức tin bỏ đạo mà không thành công, quan đệ án xin xử giảo cha Tự và ông trùm Cảnh, còn 05 người kia là thầy Mậu, thầy Úy, anh Mới, anh Đệ và anh Vinh thì xin cho đánh đòn rồi phát lưu. Nhưng vua Minh Mạng quyết định xử trảm ngay Cha Tự và ông trùm Cảnh, còn năm người kia phải giam giữ cẩn thận, nếu sau một năm mà không chịu quá khóa chối đạo, sẽ bị xử giảo.

Từ ngày cha Tự và ông trùm Cảnh bị chém đầu, năm vị còn lại trong ngục ngày ngày nhớ thương, hiệp nhau cầu xin Chúa cho được phúc chết vì Chúa như các ngài, rồi chia nhau đến an ủi khích lệ các bạn tù, giới thiệu Chúa cho họ, giúp họ tin theo Chúa.

Một năm trôi qua với hai lần bị đưa ra công đường tra tấn nữa, nhưng cả năm vị đều cương quyết một lòng giữ vững đức tin. Thế nên, ngày 19 tháng 12 năm 1839, quân lính dẫn năm vị chứng nhân của Chúa ra pháp trường. Sau hồi chiêng báo hiệu, lý hình dùng dây siết cổ các ngài cho đến lúc tắt thở.

Ngày 27 tháng 05 năm 1900, Đức Giáo Hoàng Lê-ô 13 tôn phong cả năm vị lên Chân phước, và Đức Gioan Phaolô 2 suy tôn Hiển thánh ngày 19 tháng 06 năm 1988.

Quyết tâm: Làm chứng cho Chúa trong hết mọi hoàn cảnh của cuộc sống, để giúp mọi người nhận biết tin kính Chúa, và bền lòng chịu khổ vì Chúa cho đến chết, theo gương thánh tử đạo Phan-xi-cô Mậu, Đa-minh Úy, Au-gu-ti-nô Mới, Tô-ma Đệ và Tê-pha-nô Vinh.

Lời nguyện:Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

Ngày 21 tháng 12
THÁNH PHÊ-RÔ CA-NI-XI-Ô
Linh Mục Tiến Sĩ

Gương Thánh nhân: Thánh Phê-rô Ca-ni-xi-ô sinh năm 1521 tại Ni-gi-mê-gen, nước Đức, trong gia đình Công giáo đạo đức. Ngài là một trong những vị Linh mục Dòng Tên nổi tiếng nhất thời đó. Dường như Chúa Quan Phòng dành cho ngài sứ mạng đặc biệt chống lại lạc giáo Lu-te ở Đức, người ta gán cho ngài biệt hiệu "cái búa chống thệ phản", bằng sách vở ngài viết và lời ngài giảng dạy. Ngài vừa là một nhà trí thức, một vị thánh, vừa là một tông đồ hăng say làm vinh danh Chúa, đúng theo đường hướng thánh I-nha-xi-ô.

Lúc nhỏ, thánh nhân đã được giáo dục đạo hạnh đầy đủ ở gia đình. Năm lên 15 tuổi, ngài được cha mẹ gởi đến đại học Cô-lôn, theo học môn triết và hùng biện. Trong thời gian học ở đây, ngài hân hạnh được gặp Chân phước Phê-rô Pháp-vơ là bạn thân của thánh I-nha-xi-ô. Vị Chân phước nầy đã hướng dẫn ngài vào Dòng Tên, để phụng sự Chúa và bênh đỡ Hội thánh đang lúc bị các lạc giáo khuấy phá. Giới Công giáo ở đây đặt ngài làm thủ lãnh điều khiển phong trào chống lại các nhóm ly khai.

Năm 1546, thánh nhân được thụ phong Linh mục. Và năm sau, Đức Tổng Giám mục Au-bua đã cử ngài đến dự Công đồng Tri-đen-ti-nô, với tư cách đại diện. Và từ năm 1549 trở đi, ngài được chọn làm viện trưởng đại học ở In-gô-ta rồi ở Ven-na. Trong thời gian nầy, ngoài ra nhiệm vụ ở trường đại học, thánh nhân đi hầu khắp nước Đức, Thụy-sĩ, Ba-lan, để củng cố đức tin cho người Công giáo đang bị lung lay vì những tư tưởng sai lạc. Đi đến đâu, ngài cũng tiếp xúc gần gũi với các Ki-tô hữu, giảng dạy chân lý Phúc âm cho họ. Nhiều năm liền, ngài là nhà giảng thuyết nổi tiếng ở nhà thờ chính tòa Au-bua. Số người đến nghe giảng ngày càng đông, vì ngài giảng dạy cách nhiệt thành, trong suốt, làm cho người nghe bị thu hút, cảm hóa, tin tưởng. Mỗi khi đi ngang qua nhà thờ nào, ngài đều dừng lại, giảng dạy chân lý đức tin, chỉ vạch cho mọi tín hữu thấy rõ những sai lầm của các lạc giáo, một mặt để cho họ đề phòng cảnh giác, mặt khác cũng để giúp họ sửa chữa lầm lạc.

Và trong thời gian nầy, ngài đã viết ba quyển sách trứ danh, trình bày giáo thuyết tinh tuyền của Hội thánh. Đó là:

- Giáo lý dành cho giáo sĩ và giáo dân trưởng thành.

- Giáo lý sơ cấp dành cho trẻ em.

- Kinh nguyện .

Ba cuốn sách nầy ảnh hưởng sâu rộng trong mọi tầng lớp dân chúng, nhất là giới trí thức hiểu biết. Với lời văn sáng sủa, trình bày giáo thuyết Công giáo đầy đủ khúc chiết, các sách ngài đáp ứng nhu cầu học biết giáo lý cho giáo dân, đồng thời giúp người lầm lạc nhận biết những sai sót của họ, để quay về với Hội thánh.

Ngoài ra lời giảng dạy và sách vở, thánh nhân còn dùng thư từ để củng cố đức tin, sửa chữa sai lầm cho mọi người. Ngài viết thơ cho hết mọi hạng người trong đạo cũng như ngoài đời: từ vua quan đến dân thường, đề cập các vấn đề liên quan đến nhu cầu của tầng người; tất cả chỉ vì lợi ích của Giáo hội và làm sáng danh Chúa.

Nhờ đâu mà thánh nhân làm được nhiều việc ích lợi cho Hội thánh và vinh danh Chúa như thế? Tất cả đều do ơn Chúa ban, tất cả đều là hồng ân của Chúa, như lời ngài thưa với Chúa:

"Cuối cùng, Chúa đã truyền lệnh cho con uống nơi nguồn mạch là trái tim rộng mở của Chúa, nơi Thân Thể rất thánh của Chúa mà con như xem thấy tận mắt, nghĩa là Chúa mời con kín nước cứu độ nơi mạch của Chúa, lạy Đấng cứu chuộc con.

Còn con, con hết lòng ao ước được mạch đó chảy đến cho con những dòng nước tin cậy mến. Con khát uống thanh bần, trinh khiết và vâng lời, con xin Chúa rửa thân con, mặc áo và trang điểm cho con. Bởi thế, sau khi con đã dám tới gần trái tim rất dịu dàng của Chúa và tìm được ở đó sự no thỏa, thì con được Chúa hứa ban cho một áo kết bởi ba tấm để che phủ lình hồn trần trụi của con, và hoàn toàn hợp với lời con khấn hứa. Ba tấm áo đó là: sự bình yên, tình yêu và lòng kiên trì. Được áo cứu độ đó che chở, con tưởng không còn thiếu thốn gì nữa, nhưng con sẽ thành công mọi sự để làm sáng danh Chúa"

Thánh nhân qua đời năm 1597, và được Đức Giáo Hoàng Pi-ô thứ 11 tôn phong Hiển thánh và tiến sĩ Hội thánh ngày 21 tháng 12 năm 1925.

Quyết tâm: Noi gương thánh Phê-rô Ca-ni-xi-ô, hằng ngày kêu xin Chúa cho biết dùng lời nói, việc làm cũng như sách vở thư từ, để củng cố và bảo vệ niềm tin cho mọi người và làm sáng danh Chúa.

Lời nguyện: Lạy Chúa, để bảo vệ đức tin của Hội thánh Công giáo, Chúa đã cho xuất hiện một Linh mục đầy lòng dũng cảm và trí thông minh là thánh Phê-rô Ca-ni-xi-ô; vì lời thánh nhân chuyển cầu. Xin cho những ai đang tìm kiếm chân lý được phúc nhận biết Chúa là Thiên Chúa, và xin cho cộng đoàn tín hữu chúng con được trung thành giữ vững đức tin. Chúng con cầu xin...

THÁNH PHÊ-RÔ THI VÀ AN-RÊ DŨNG LẠC
Linh Mục Tử Đạo

Gương Thánh nhân: Ngoài ra lòng can đảm hy sinh chịu chết vì Chúa, hai thánh Phê-rô Thi và An-rê Dũng Lạc còn để lại cho hậu thế tấm gương hy sinh hãm mình, khắc khổ. Có thể nói đó là nhân đức mà ngày nay nhiều người rất ngại thực hành, hoặc cho là lỗi thời hủ lậu, kể cả một số vị tu hành. Con người ngày càng thích sống tiện nghi, mê hưởng thụ, nên tìm đủ mọi cách xa tránh chịu khó chịu cực. Nhưng mà:Gừng già, gừng rụi, gừng cay,

Anh hùng càng cực càng dầy nghĩa nhân .

Nhất là:

"Cửa rộng và đường thênh thang thì đưa tới diệt vong...

Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống" (Mt. 7,18).

Chính thánh Thi và Dũng Lạc đã đi qua cửa hẹp đường chật đó mà được vào cõi sống muôn đời.

* * *

Phê-rô Trương Văn Thi sinh năm 1763, tại xứ Kẻ Sở tỉnh Hà Nam , trong một gia đình Công giáo tuy nghèo nhưng đạo hạnh sốt sắng. Nhờ đó khi lên 11 tuổi, cậu được Chúa thương gọi vào Nhà Chúa học hành tu luyện làm thầy giảng. Trong thời gian thi hành chức vụ nầy, thầy tận tụy hy sinh, luôn luôn chu toàn tốt đẹp mọi sứ vụ giao phó, nên được Bề Trên cho vào đại chủng viện, học thêm môn thần học, và năm 43 tuổi được thụ phong Linh mục.

Từ ngày làm Linh mục, cha Phê-rô Thi càng nhiệt thành hoạt động tông đồ hăng say: giảng đạo cho lương dân, chuyên cần ban các Bí tích cho tín hữu. Và để cho việc tông đồ được đắc lực, cha siêng năng cầu nguyện, hy sinh hãm mình, sống khắc khổ chay tịnh. Mọi người đều công nhận cha là một Linh mục rất nhân đức, đọc kinh cầu nguyện sốt sắng mỗi ngày nhiều lần, thường xuyên ăn chay hãm mình, mặc dầu sức khỏe cha rất yếu kém vì bệnh hoạn.

Suốt 27 năm làm Linh mục, không lúc nào cha nghỉ ngơi, hoặc chểnh mãng bổn phận. Cha được bổ nhiệm đi giúp nhiều nơi, từ xứ Sông Chảy đến xứ Kẻ Sông. Nơi nào cha cũng hoàn thành sứ mạng cách tốt đẹp, mặc dầu hoàn cảnh hết sức khó khăn nguy hiểm, vua Minh Mạng đang cấm đạo trên toàn quốc, bắt bớ giết hại các tín hữu, Linh mục. Cha vẫn can đảm không sợ chết, âm thầm len lỏi hoạt động tông đồ.

Ngày 10 tháng 10 năm 1839, đang khi cha An-rê Trần An Dũng Lạc ở giáo xứ Kẻ Đầm đến xưng tội với cha, thì viên Lý trưởng đem quân đến bắt cả cha và cha Dũng Lạc, đòi nộp 200 quan tiền chuộc mạng, còn cha thì bị giải về huyện Bình Lục. Không ngờ cha Dũng Lạc trên đường trở về giáo xứ đã bị quân lính bắt giữ, và nộp về huyện. Thế là cả hai vị lại gặp nhau trong ngục, cùng chung số phận tù đày để rồi cùng hưởng phúc lộc vinh quang.

Trần An Dũng Lạc sinh năm 1795, con của một gia đình ngoại giáo nghèo khó ở Bắc Ninh. Lớn lên cậu theo cha mẹ đến xứ Kẻ Chợ làm ăn sinh sống. Trong thời gian làm thuê làm mướn ở đây, một thầy giảng thấy cậu hiền lành chất phát thì thương nhận về nuôi cho ăn học, dạy đạo và rửa tội cho cậu lấy tên thánh là An-rê. Nhờ chung sống học hỏi với thầy, lần lần cậu An-rê ước muốn đi tu giúp việc Chúa. Thế là cậu được gởi vào chủng viện Vĩnh Trị học hành văn hóa, trui rèn đức hạnh.

Ngày 15 tháng 03 năm 1823, thầy An-rê Dũng lãnh Bí tích Truyền chức Thánh, làm Linh mục, được bổ nhiệm làm phó xứ Đồng Chuối, sau đó đến giúp cha Thi ở xứ Đoài, Cha Thiết ở Sơn Miêng, và nhiệm sở cuối cùng là giáo xứ Kẻ Đầm. Suốt 16 năm Linh mục, cha luôn luôn sống khắc khổ nhiệm nhặt. Ngoài ra những ngày phải ăn chay theo luật định, cha còn giữ chay thêm cả Mùa Chay, và các ngày thứ sáu thứ bảy hằng tuần. Sở dĩ cha chịu khó hãm mình chay tịnh như thế là để hoạt động tông đồ mục vụ của cha được sinh hoa kết quả tốt đẹp. Và quả thực, Chúa đã ban cho cha đem được nhiều người ngoại giáo vào đạo, nhiều kẻ tội lỗi ăn năn sám hối.

Dù vậy cha cũng bị bắt nhiều lần, khi vua Minh Mạng ra lệnh bắt đạo gắt gao, cha trốn lánh nhiều nơi. Đang lúc cha ẩn náu ở Kẻ Roi, vừa dâng Thánh lễ xong, quân lính ập tới. Cha vội vàng cởi áo lễ áo dòng chạy đến ngồi chung với giáo dân, tất cả có độ 30 người. Quân lính bắt trói hết. Nhưng vì chúng không nhận biết cha, nên một giáo hữu là ông tổng Thừa đưa ra 06 nén bạc chuộc lại cha. Sau ngày đó, cha đổi tên là Lạc.

Lần thứ hai, cha bị Lý trưởng Pháp bắt khi đến xứ Kẻ Sông xưng tội với cha Phê-rô Thi, y đòi nộp 200 quan thì cho chuộc. Nhưng giáo dân chỉ góp được 100, nên y thả có một mình cha, còn cha Thi bị giải nộp về huyện. Chẳng may trên đường về, cha bị quân lính phát hiện, bắt về huyện nhốt chung với cha Thi. Ngày 16 tháng 10 năm 1839, hai cha được đưa về Hà Nội.

Hôm sau, quan án cho điệu hai cha ra công đường tra tấn, bảo bước qua Thánh giá chối đạo. Nhưng thay vì vâng lệnh quan, hai cha quỳ xuống hôn kính Thánh giá Chúa và nói:

- Không bao giờ chúng tôi chối Chúa bỏ đạo. Chúng tôi đã suốt đời hy sinh chịu khó đem Chúa đến cho người khác, lẽ nào chúng tôi lại chối bỏ.

Quan tức giận, cảm thấy mình bị sỉ nhục, sai quân lính đem nhốt hai vị chứng nhân anh dũng của Chúa vào ngục, rồi làm án gởi về Kinh.

Suốt thời gian ở trong tù, hai cha càng gia tăng cầu nguyện, ăn chay hãm mình, kêu xin Chúa cho được trung thành bền đỗ theo Chúa. Tuy giáo hữu được phép tiếp tế của ăn hằng ngày, nhưng các cha muốn hãm mình hy sinh, dặn họ đừng đem thịt cá đến. Hôm nào lỡ đem thịt cá vào, các ngài lấy cho lính gác hoặc các bạn tù, còn các ngài chỉ ăn cơm, và ăn thật ít, để lập công đền tội.

Ngày 21 tháng 12 năm 1839 thật là một ngày vui mầng trọng đại đối với hai cha. Sau khi cha Trân lén đem Mình Thánh Chúa đến cho các ngài, quân lính vào tuyên bố lệnh xử trảm của nhà vua, và điệu các ngài ra pháp trường Cầu Giấy (Hà Nội).

Đến nơi, các ngài xin ít phút cầu nguyện, rồi đưa đầu cho lý hình thi hành phận sự.

Đức Thánh Cha Lê-ô 13 tôn phong các ngài lên Chân phước ngày 27 tháng 05 năm 1900. Và ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 suy tôn các ngài lên bậc Hiển thánh.

Quyết tâm: Noi gương thánh Phê-rô Thi và An-rê Dũng Lạc, hằng ngày chịu khó hy sinh hãm mình, cầu nguyện để làm việc tông đồ đắc lực, và trung thành bền đỗ làm chứng cho Chúa.

Lời nguyện:Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, đế hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

Ngày 23 tháng 12
THÁNH GIOAN KEN-TY
Linh Mục

Gương Thánh nhân: Thánh Gioan sinh năm 1397 tại Ken-ty, nước Ba-lan, trong một gia đình đạo đức sốt sắng.

Được cha mẹ dạy dỗ chỉ bảo chu đáo, lớn lên thánh nhân có được nhiều nhân đức đặc biệt: ngài sống đơn sơ, khiêm nhường, bác ái hơn hết các trẻ đồng lứa tuổi. Ngoài ra nhân đức, ngài còn được Chúa ban cho trí thông minh giỏi giắn, học hành tấn phát nhanh chóng.

Sau khi mãn các lớp học tại địa phương, ngài được cha mẹ gởi đến đại học Cra-cô-vi trau dồi triết học và thần học. Và khi đỗ đạt, ngài được chịu chức Linh mục làm giáo sư của trường, vì ban giám đốc thấy ngài tài đức vẹn toàn. Ngài vừa dạy học vừa làm tông đồ bên cạnh các sinh viên cũng như các giáo sư, đồng thời bảo vệ và củng cố niềm tin cho những người bị lạc giáo đầu độc.

Chính Đức Giáo Hoàng Clê-men-tê thứ 13 đã khen ngợi ngài:

"Không ai do dự kể thánh Gioan Ken-ty vào số ít ỏi những vị nổi tiếng và sự thánh thiện, có khả năng hành động, dạy dỗ và bênh vực đức tin chân chính đang bị các đối thủ tấn công, khi đã thấy ngài dạy tại đại học Cơ-ra-cô-vi một học thuyết bắt nguồn từ các mạch trong lành nhất. Quả vậy, vào thời đó, ngay những vùng lân cận cũng có những nhóm lạc giáo và ly khai hoành hành. Ngài đã cố gắng dùng lời giảng giải, cắt nghĩa cho dân chúng một thứ luân lý thật thánh thiện. Ngài còn củng cố lời giảng dạy bằng đức khiêm nhường, đức khiết tịnh, lòng thương xót, sự hãm mình và mọi nhân đức khác của một Linh mục hoàn hảo và một thợ cần mẫn".

"Vì thế, không những ngài làm cho các giáo sư đại học ấy thêm phần vinh dự đặc biệt, mà còn để lại một gương sáng lạ lùng cho những ai giữ nhiệm vụ dạy dỗ như ngài, để họ hết sức trở thành những giáo sư hoàn hảo, cố gắng kết hợp giáo lý thánh thiện với các khoa học khác, để ngợi khen và làm vinh danh Thiên Chúa".

"Khi dạy các vấn đề đạo đức, không những ngài có lòng kính trọng mà còn có sự khiêm nhường nữa. Ngài coi nhẹ mình, không bao giờ coi mình cao hơn người khác, mặc dầu ngài rõ ràng trổi vượt hơn mọi người. Ngài còn ao ước bị khinh chê, không bao giờ khó chịu đối với những kẻ chống đối hay khinh dễ mình".

Sau thời gian làm giáo sư, thánh nhân được bổ nhiệm coi sóc họ đạo Cra-cô-vi. Ngài đem hết tài đức lo cho đoàn chiên. Ngoài ra lời giảng dạy, ngài ăn chay cầu nguyện cho họ, đặc biệt ngài thương lo giúp đỡ kẻ tội lỗi, người nghèo khó.

Tương truyền ngày nọ thánh nhân gặp một người ăn xin rách rưới, ngài cởi ngay chiếc áo đang mặc trao cho kẻ ấy. Ít hôm sau, Đức Mẹ hiện đến, trả lại chiếc áo cho ngài. Và một lần đi hành hương lên Giê-ru-sa-lem, dọc đường người bị kẻ cướp lấy hết hành lý rồi hỏi:

- Ông còn gì nữa không?

Ngài đáp:

- Không. Tôi không còn gì nữa hết.

Bọn cướp thấy vậy thì cho người đi. Nhưng đi được một quãng, ngài sực nhớ còn mấy đồng tiền trong túi. Ngài liền chạy nhanh trở lại gặp bọn cướp, trao cho họ và nói:

- Lúc nảy tôi quên. Bây giờ tôi sực nhớ còn mấy đồng tiền đây, tôi xin nộp hết cho các anh.

Bọn cướp thấy thánh nhân quá chân thật tốt lành như thế, thì chẳng những không lấy tiền mà còn trả lại hết hành lý cho ngài.

Thánh nhân qua đời ngày 24 tháng 12 năm 1473, và đến năm 1767 mới được tôn phong Hiển thánh. Quyết tâm: Hằng ngày lo dùng lời nói việc làm, nhất là gương sáng đời sống bác ái khiêm nhường, để làm tông đồ, mở mang Nước Chúa, theo gương thánh Gioan Ken-ty.

Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin giúp chúng con ngày càng tiến bước trên con đường tìm hiểu Chúa, theo gương thánh Gioan Linh mục. Xin cho chúng con cùng biết cư xử bác ái với mọi người, hầu đáng được Chúa nhân từ tha thứ.

1796    17-01-2011 21:10:03