Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Hạnh Thánh Tháng 12_phần 4

Ngày 26 tháng 12
THÁNH TÊ-PHA-NÔ
Tử Đạo Tiên Khởi

Gương Thánh nhân: Thánh sử Lu-ca đã kể lại tiểu sử và cuộc tử đạo anh dũng của thánh Tê-pha-nô, trong sách "Công vụ Tông đồ" như sau:

"Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hóa Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà góa trong nhóm họ bị bỏ quên. Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói:

- Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Chúa để lo việc ăn uống là điều không phải. Vậy thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa .

Đề nghị trên được mọi người tán thành. Họ chọn ông Tê-pha-nô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh Thần, cùng với ông Phi-líp-phê, Pơ-rô-khô-rô, Ni-ca-no, Ti-môn, Pác-mê-na và ông Ni-cô-la, một người ngoại quê An-ti-ô-khi-a đã theo đạo Do-thái. Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông đồ đặt tay trên các ông.

Lời Thiên Chúa vẫn lớn lên, và tại Giê-ru-sa-lem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin.

Ông Tê-pha-nô được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân. Có những người thuộc hội đường gọi là hội đường của nhóm nô lệ được giải phóng, gốc Ky-rê-nê và A-lê-xan-ri-a, cùng với một số người gốc Ki-li-ki-a và A-lê-xan-ri-a, cùng với một số người gốc Ki-li-ki-a và Tiểu Á, đứng lên tranh luận với ông Tê-pha-nô. Nhưng họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông.

Bấy giờ họ mới xúi mấy người phao lên rằng:

- Chúng tôi đã nghe hắn nói lộng ngôn xúc phạm đến ông Mô-sê và Thiên Chúa.

Họ sách động dân và các kỳ mục cùng kinh sư, rồi ập đến bắt ông và điệu đến Thượng Hội Đồng. Họ đưa mấy người chứng gian ra khai rằng:

- Tên nầy không ngừng nói những lời phạm đến Nơi Thánh và Lề luật. Vì chúng tôi đã nghe hắn nói rằng Giê-su người Na-gia-rét ấy sẽ phá hủy nơi nầy và thay đổi những tục lệ mà ông Mô-sê đã truyền lại cho chúng ta.

Toàn thể cử tọa trong Thượng Hội Đồng đều nhìn thẳng vào ông Tê-pha-nô, và họ thấy mặt ông giống như mặt thiên sứ.

Bấy giờ vị thượng tế hỏi ông Tê-pha-nô: - Có đúng như vậy không?

Ông đáp: - Thưa anh em, thưa các bậc tiền bối, xin nghe tôi đây: Thiên Chúa hiển vinh đã hiện ra với ông Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta, khi ông còn đang ở miền Mê-xô-pô-ta-mi-a, trước khi ông đến ở Kha-ran. Người phán với ông: Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng ngươi, và đến đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ông liền bỏ xứ người Can-đê mà đến ở Kha-ran. Sau khi thân phụ qua đời. Người bảo ông rời nơi đấy đến đất nầy, nơi anh em hiện đang ở. Người không ban cho ông sản nghiệp nào ở đất nầy, dù một tấc đất cũng không, nhưng hứa ban cho ông cũng như cho dòng dõi ông được chiếm hữu đất nầy, mặc dầu bây giờ ông không có con. Thiên Chúa phán với ông rằng dòng dõi ông sẽ trú ngụ nơi đất khách quê người, và người ta sẽ bắt họ làm nô lệ và ngược đãi họ trong vòng bốn trăm năm. Người lại phán: Nhưng Ta sẽ xét xử dân đã bắt chúng làm nô lệ, và sau đó chúng sẽ ra đi và sẽ thờ phượng Ta tại nơi nầy.

Rồi Người ban cho ông giao ước, mà dấu chỉ là phép cắt bì; và như thế, sau khi sinh ông I-sa-ác được tám ngày, ông làm phép cắt bì cho con; ông I-sa-ác cũng làm như thế cho ông Gia-cóp, và ông Gia-cóp đã làm như thế cho mười hai tổ phụ".

Và Tê-pha-nô kể tiếp công cuộc dân Do-thái bị làm nô lệ dân Ai-cập, nhờ Mô-sê cứu dẫn về đất Chúa hứa, rồi kết luận:

"Hỡi những người cứng đầu cứng cổ, lòng và tai không cắt bì, các ông luôn luôn chống lại Thánh Thần. Cha ông các ông thế nào, thì các ông cũng vậy. Có ngôn sứ nào mà cha ông các ông không bắt bớ? Họ đã giết những vị tiên báo Đấng Công Chính sẽ đến; còn các ông, nay đã trở thành những kẻ phản bội và sát hại Đấng ấy. Các ông là những người đã lãnh nhận Lề luật do các thiên sứ công bố, nhưng lại chẳng tuân giữ.

Khi nghe những lời ấy, lòng họ giận điên lên, và họ nghiến răng căm thù ông Tê-pha-nô.

Được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giê-su đứng bên hữu Thiên Chúa.

Ông nói: - Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.

Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông và lôi ra ngoài thành mà ném đá. Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Sao-lô. Họ ném đá ông Tê-pha-nô đang lúc ông cầu xin rằng:

- Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy hồn con.

Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: - Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội nầy.

Nói thế rồi, ông an nghỉ" (Tđcv. 6,1-7, 60).

Các đầu mục dân Do-thái đã ném đá thánh Tê-pha-nô chết cách dã man thế nào, thì sau nầy họ cũng đóng đinh Chúa Giê-su chết đau khổ trên thập giá như vậy. Chúa Giê-su vì thương loài người mà chịu đóng đinh thế nào, thì thánh Tê-pha-nô cũng vì đức ái mà chịu ném đá như thế, như lời thánh Phun-gien-xi-ô nói:

"Đức ái đã đem Đức Giê-su từ trời xuống đất thì cũng chính đức ái đã nâng Tê-pha-nô từ đất lên trời. Đức ái đã có trước nơi Đức Vua, thì chính Đức ái ấy sau đó đã sáng ngời nơi người chiến sĩ".

"Để đón nhận triều thiên như tên mình gợi lên ý nghĩa, Tê-pha-nô đã lấy đức ái làm khí giới và dùng đức ái để chiến thắng mọi nơi. Vì lòng mến Chúa, ngài không lùi bước trước những người Do-thái độc ác; vì lòng yêu người, ngài cầu nguyện cho nhưng kẻ ném đá mình. Vì bác ái, ngài thuyết phục kẻ lầm lạc để họ hối cải; vì bác ái, ngài cầu nguyện cho kẻ ném đá mình để họ khỏi bị phạt".

"Đức ái quả là nguồn mạch về cội rễ mọi sự lành, là pháo đài kiên cố, là đường dẫn về trời. Ai đi trong đức ái sẽ không thể lạc đường, không thể sợ hãi, chính đức ái sẽ hướng đạo, che chở và dẫn đưa người ta đến đích".

Quyết tâm: Noi gương thánh Tê-pha-nô, luôn sống bác ái, can đảm tuyên xưng Chúa trước mặt mọi người, và sẵn sàng tha thứ cầu nguyện cho kẻ làm hại làm khổ mình.

Lời nguyện: Lạy Chúa, thánh Tê-pha-nô, vị tử đạo đầu tiên đã biết cầu nguyện cho những kẻ bách hại mình như Chúa Ki-tô dạy. Hôm nay mừng kỷ niệm thánh nhân bước vào trời vinh hiển, chúng con nài xin Chúa ban ơn, để chúng con hằng noi gương thánh nhân để lại, mà yêu thương ngay cả địch thù.

Ngày 27 tháng 12
THÁNH GIOAN TÔNG ĐỒ
Thánh Sử

Gương Thánh nhân: Thánh Gio-an là em của thánh Gia-cô-bê, con của ông Dê-bê-đê và bà Sa-lô-mê, làm nghề đánh cá ở Bết-sai-đa. Ngài là môn đệ của thánh Gio-an Tẩy giả, được Chúa Giê-su chọn để giúp Ngài rao giảng Tin mừng cứu độ. Ngài được Chúa thương mến hơn hết vì ngài sống trinh khiết trong sạch:

"Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa" (Mt. 5,8).

Trong Bữa Tiệc ly, khi Chúa Giê-su thông báo: - Thật, Thầy bảo thật anh em: Có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.

Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Ngài nói về ai. Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giê-su thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giê-su. Ông Si-mon Phê-rô làm hiệu cho ông ấy và bảo: - Hỏi xem Thầy muốn nói về ai?

Ông nầy liền nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su và hỏi: - Lạy Chúa, ai vậy?

Đức Giê-su trả lời: - Thầy chấm bánh đưa cho ai thì chính là kẻ ấy.

Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giu-đa, con ông Si-mon Ít-ca-ri-ốt" (Ga. 13,21-26)

Người "nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su" đó chính là Thánh Gio-an, Thầy trò âu yếm, thiết tha như thế. Vì âu yếm khắng khít mà Chúa đã ban cho ngài nhiều ơn đặc biệt: Ngài đã chứng kiến việc Chúa chữa con gái ông Giai-rô sống lại, được Chúa dẫn lên núi và cho thấy Người biến hình sáng láng, được Chúa sai đi dọn bữa Tiệc Vượt Qua với thánh Phê-rô, ngài là vị Tông đồ duy nhất theo sát Chúa Giê-su và trung thành với Người đến giờ phút cuối cùng trên thánh giá. Dưới chân thập giá, ngài đã được Chúa Giê-su trối phú Mẹ Người cho ngài: "Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của bà thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lơ-phát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh. Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: - Thưa Bà, đây là con của Bà.

Rồi Người nói với môn đệ: - Đây là Mẹ của anh.

Kể từ giờ đó, Người môn đệ rước Bà về nhà mình" (Ga. 19, 25-27).

Thánh nhân đại diện mọi tín hữu, nhận Mẹ Chúa làm Mẹ mình. Vì thế, Đức Ma-ri-a là Mẹ của tất cả những ai tin theo Chúa, là Mẹ của Giáo hội. Mẹ thương yêu, chăm sóc, che chở các tín hữu như Mẹ đã thương lo cho Chúa Giê-su, Con Mẹ.

Và sau ngày Chúa Giê-su sống lại, khi Ma-ri-a Mác-đa-la báo Tin mừng không thấy xác Thầy, vì lòng yêu mến Thầy, thánh nhân đã chạy đến mồ trước. Và nhờ tình yêu soi sáng, ngài đã tin:

 

"Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Si-mon Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu?

Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Si-mon Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn nầy không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin . (Ga, 20, 1-8).

Ít ngày sau, trong khi thánh nhân cùng các môn đệ đánh cá ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Chúa Giê-su hiện đến, không ai trong các ông nhận ra Người, chỉ có Ngài là "người môn đệ được Chúa Giê-su thương mến" nhận biết và "nói với ông Phê-rô: "Chúa đó" (Ga. 21,7). Đúng thật tình thương giúp con người dễ dàng tin nhận Chúa.

Sau ngày Chúa Giê-su về trời và ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, thánh nhân sống với Đức Mẹ ở Giê-ru-sa-lem. Ngài cùng với Phê-rô chữa người què ngồi ăn xin ở Đền thờ (Cv. 3,1-8), bị các thủ lãnh Do-thái bắt giam và cấm không cho rao giảng Chúa Giê-su. Nhưng ngài vẫn can đảm rao truyền Chúa chịu chết cứu chuộc loài người, nên bị bắt đánh đòn, và ngài lấy làm hãnh diện vì được chịu khổ vì Chúa.

Ngài đã viết sách Phúc âm thứ tư, gọi là Phúc âm theo thánh Gio-an, ba bức thư, và sáchKhải Huyền. Ba quyển sách nầy đều nói lên tình yêu dạt dào của Chúa Giê-su là Ngôi Lời nhập thể đối với loài người.

Tương truyền thánh nhân bị bắt đày ở đảo Pát-mô, đời hoàng đế Đô-mi-ti-a-nô bách hại đạo. Sau đó ngài được thả về. Và trong những ngày cuối đời, ngài luôn khuyên bảo mọi người thương yêu nhau, vì ngài cho đó là điều cao trọng Chúa đã truyền dạy.

Quyết tâm: Theo gương thánh Gio-an, hằng ngày lo giữ mình thanh sạch, để được sống gần gũi Chúa, thân mật với Chúa, hầu được Chúa ban cho nhiều ơn ở đời nầy, và ngày sau được kết hợp với Người muôn đời.

Lời nguyện:Lạy Chúa, Chúa đã dùng thánh Gio-an tông đồ, mà mặc khải mầu nhiệm Ngôi Lời cho chúng con. Xin Chúa thương mở lòng soi trí, để chúng con thấu hiểu những chân lý cao siêu thánh nhân đã truyền lại.

Ngày 28 tháng 12
CÁC THÁNH ANH HÀI
Tử Đạo

Gương Thánh nhân: Thánh sử Mát-thêu đã kể lại cuộc tử đạo của các thánh Anh Hài trong sách Phúc âm của ngài như sau:

"Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương đông đến Giê-ru-sa-lem và hỏi:

- Đức Vua dân Do-thái mới sinh hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.

Các nhà chiêm tinh là những người trí thức thời đó, họ là tư tế hoặc là cố vấn các vua chúa. Họ thường xem các ngôi sao trên trời và đoán biết tương lai. Theo hiểu biết của họ, mỗi khi có ngôi sao lạ xuất hiện, đó là dấu báo hiệu có một người danh vọng ra đời. Và nhờ có dịp tiếp xúc với nhóm người Do-thái đến buôn bán trong nước, họ biết được tôn giáo và lòng mong đợi Đấng Cứu Thế của dân Do-thái. Và một đêm nọ, họ thấy có ngôi sao lạ hiện ra ở Giê-ru-sa-lem, họ tin đó là vì sao của Đấng Cứu Thế dân Do-thái. Và nhờ ơn Chúa soi sáng thúc đẩy, họ quyết định lên đường tìm đến Đấng đó, để thờ lạy và dâng tiến lễ vật.

Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối (vì ông sợ "Vua dân Do-thái mới sinh" là Chúa Giê-su sau nầy, khi lớn lên sẽ chiếm ngôi vua của ông ta), và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao".

Sở dĩ dân thành Giê-ru-sa-lem xôn xao là vì họ thờ ơ lãnh đạm đối với Chúa. Họ biết có Chúa Cứu thế ra đời chuộc tội họ, mà họ chẳng màng nghĩ tới, và sau nầy chính họ cùng các thủ lãnh sẽ lên án tử Chúa.

"Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế, các kinh sư trong dân lại, và hỏi cho biết Đức Ki-tô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời:

- Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ có chép rằng:

Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi Vị lãnh tụ chăn dắt dân Ta sẽ ra đời.

Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi và dặn rằng:

- Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người".

Hê-rô-đê hỏi "cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện", và dặn báo lại cho ông ta biết nơi chốn Hài Nhi ở, không phải để "bái lạy Người" như lời ông ta nói, nhưng là để thủ tiêu, vì sợ Hài Nhi đó sau nầy sẽ chiếm ngôi vua của ông ta. Đúng là kẻ tham quyền cố vị và nham hiểm độc ác, chẳng chừa một đối thủ nào, dù đối thủ đó chỉ do ông ta tưởng.

Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình bái lạy Người, rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhủ hương và mộc dược mà dâng tiến. Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.

"Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì kìa sứ thần hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng:

- Nầy ông, dậy đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho tới khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy.

Ông Giu-se liền chỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ:

Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.

"Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a:

"Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rên rỉ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa". (Mt. 2, 1-18).

Bao nhiêu trẻ thơ vô tội đã bị tàn sát dã man, vì tham vọng của một con người độc ác, ích kỷ, nham hiểm. Các trẻ nầy chết thay Chúa Giê-su, vì Chúa Giê-su, nên được Hội thánh tôn phong là những vị thánh Tử đạo, và long trọng mầng kính hôm nay. Và thánh Cốt-vun-đê-út đã ca ngợi các thánh trẻ hết lòng:

"Những trẻ thơ đã chết cho Đức Ki-tô mà không biết; cha mẹ khóc thương những đứa con tử đạo, còn Người, Người đã làm cho những trẻ chưa biết nói trở thành những nhân chứng của Người. Đấng đến để cai trị, đã cai trị như thế đó. Nầy Đấng Cứu tinh đã cứu vớt, và Chúa Cứu Thế đã ban ơn cứu độ..."

"Ôi thánh ân cao cả ! Các trẻ thơ đã lập công phúc gì để chiến thắng như thế? Các em chưa biết nói gì mà đã tuyên xưng Đức Ki-tô. Các em chưa biết dùng tay chân để chiến đấu, nhưng đã giật được ngành vạn tuế chiến thắng".

Quyết tâm: Hằng ngày xin các thánh Anh Hài cầu cùng Chúa, cho những kẻ làm cha mẹ biết tôn trọng sự sống của con cái, và biết lo giáo dục chúng nên người và làm chứng nhân cho Chúa.

Lời nguyện: Lạy Chúa, các thánh Anh Hài đã không dùng lời nói, nhưng dùng chính cái chết của mình mà tuyên xưng danh Chúa. Xin cho chúng con biết lấy cả cuộc đời mà minh chứng niềm tin, như chúng con vẫn tuyên xưng ngoài miệng.

Ngày 29 tháng 12
THÁNH TÔ-MA BÉC-KẾT
Giám Mục Tử Đạo

Gương Thánh nhân: Thánh Tô-ma Béc-kết sinh năm 1118 tại Luân-đôn. Ngài là vị Tổng Giám mục đã bênh vực quyền lợi của Hội thánh cho đến chết, đã đổ máu ra một cách can đảm, xứng đáng vị thánh tử đạo cho mọi người tôn kính và noi gương. Sở dĩ thánh nhân được vinh hiển như thế là nhờ sự giáo dục cần mẫn của cha mẹ. Ngài đã học được nơi cha ngài lòng kiên quyết cương trực, và nhận nơi mẹ tấm lòng sốt mến cậy tin.

Sau khi học xong, thánh nhân được Đức Tổng Giám mục giáo phận Căn-tô-bê-ri mời giúp việc. Ngài làm việc tận tụy nhiệt thành, đến nỗi vua Hen-ri thứ 2 đem lòng mộ mến, và đặt ngài làm chưởng ấn trong triều đình. Vì vâng lời, ngài buộc lòng lãnh chức vụ, nhưng vẫn tha thiết phụng sự Chúa hơn.

Năm 1161, Đức Tổng Giám mục qua đời, nhà vua buộc ngài lên kế vị, lúc đó ngài chỉ là tổng phó tế. Ngài phải lo chuẩn bị tâm hồn và học hỏi thêm. Và ngày 3 tháng 6 năm 1162, thánh nhân chịu chức Linh mục và hôm sau lãnh chức Giám mục.

Từ ngày lên làm Tổng Giám mục, thánh nhân đem hết tài lực phục vụ Chúa và Giáo hội. Ngoài ra việc củng cố lòng đạo cho các tín hữu, ngài còn đặc biệt chăm sóc hàng giáo sĩ, và kêu gọi các Giám mục trong tổng giáo phận chu toàn sứ vụ Chúa phú giao. Ngài nói với các Giám mục:

"Nếu chúng ta lo sống xứng đáng với danh xưng của chúng ta, nếu chúng ta muốn biết ý nghĩa tên gọi chúng ta là Giám mục, là thượng tế, thì chúng ta phải ân cần suy nghĩ và bắt chước gương Đấng là Thượng Tế đời đời Thiên Chúa đã đặt, Đấng vì ta đã dâng mình cho Chúa trên bàn thờ thập giá, Đấng từ đỉnh trời cao đang xem xét mọi hành động và ý tưởng thúc đẩy người ta hành động, để sau cùng thưởng công cho mỗi người tùy việc họ làm...

"Cần phải có nhiều kẻ trồng, kẻ tưới, vì đó là điều cần thiết để Lời Chúa được lan rộng và dân Chúa được tăng triển..."

"Nhưng cho dù ai là người trồng, người tưới đi nữa, Thiên Chúa chỉ "ban sự tăng trưởng" cho những kẻ trồng trong đức tin của Phê-rô và trung thành với giáo huấn của Ngài..."

"Cũng cần nhớ lại cha ông chúng ta đã được cứu rỗi thế nào? Hội thánh phải trải qua đau khổ như thế nào để phát triển và lan rộng? Cũng như con thuyền Phê-rô, con thuyền đó chính là Đức Ki-tô là người cầm lái, đã phải vượt sóng gió thế nào? Và những kẻ mà đức tin đã sáng ngời trong lao khổ đã đạt được triều thiên làm sao? Tất cả các thánh đã trải qua như thế để ứng nghiệm luôn điều đã nói rằng: không được hưởng triều thiên, nếu không chiến đấu xứng đáng".

Lúc đó thánh nhân với nhà vua rất tâm đắc. Việc gì trong đạo ngoài đời các ngài cũng bàn tính với nhau, hợp tác với nhau, để mưu cầu lợi ích cho xã hội và Giáo hội.

Nhưng về sau, vì nghe lời phỉnh nịnh của các cận thần ích kỷ vụ lợi, nhà vua trở lại thù ghét thánh nhân, buộc ngài phải nộp tất cả tài sản của Giáo hội cho nhà nước. Ngài nhất định không giao nộp và cương quyết cự tuyệt đến cùng. Nhà vua nổi giận, định bắt ngài đi đày, nhưng ngài lánh sang nước Pháp trú ẩn vào năm 1164. Đang lúc ngài trú ngụ trong các tu viện, nhà vua hăm dọa sẽ tận diệt tu viện nào chứa chấp dung dưỡng ngài, nên ai nấy đều sợ hãi hất hủi ngài. Ngài phải sống vất vả khổ cực, gần 6 năm trời ở đất khách quê người.

Khi nghe biết việc nầy, Đức Giáo Hoàng đã quở trách vua Hen-ri. Nhờ đó mà ông ta bớt hung hăng bắt bớ thánh nhân. Thấy tình thế có phần êm dịu, thánh nhân muốn trở về giáo phận. Nhiều người thương sợ ngài chết, nên tìm cách ngăn cản ngài. Nhưng ngài tuyên bố: - Dù có chết, tôi cũng trở về. Vì đã 6 năm rồi, tôi phải xa cách đoàn chiên của tôi.

Lòng mộ mến đoàn chiên đã thúc đẩy thánh nhân trở lại quê hương, mặc dầu ngài biết ở đó rất nhiều nguy khổ đang đợi ngài.

Thế là năm 1170, thánh nhân đã về đến giáo phận Căn-tô-bê-ri...

Chuông đổ vang trời, giáo dân giáo sĩ hân hoan chào mừng đón tiếp ngài vào nhà thờ chánh tòa. Lời nói đầu tiên của ngài là: - Tôi trở về đây để chết giữa anh em.

Và đúng như lời thánh nhân tiên báo, ngày 29 tháng 12, đang lúc ngài đọc kinh chiều trong nhà thờ, một nhóm người lạ mặt xông đến chém bổ vào ngài. Máu tuôn trào, ngài ngã gục bên cạnh bàn thờ...

Và năm 1173, Đức Giáo Hoàng A-lét-xăn thứ 3 đã tấn phong ngài lên bậc Hiển thánh.

Quyết tâm: Noi gương thánh Tô-ma Béc-kết, hằng ngày sẵn sàng chịu khổ chịu cực vì Chúa, và can đảm bênh vực Hội thánh.

Lời nguyện:Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Giám mục Tô-ma một tâm hồn quảng đại, dám hy sinh tánh mạng vì công lý. Xin nhận lời thánh nhân chuyển cầu, mà cho chúng con biết liều mạng sống ở đời nầy vì Đức Ki-tô, để tìm lại được ở trên trời.

Ngày 31 tháng 12
THÁNH XIN-VẾT-TE I
Giáo Hoàng

Gương Thánh nhân: Thánh Xin-vết-te sinh ở Rô-ma năm 280.

Lúc trưởng thành, thánh nhân đã có lòng rộng rãi cứu giúp mọi người, nhất là những người nghèo khổ, bệnh tật, khách đi đường. Nhà ngài là nơi trú ngụ của những người Công giáo ngoại kiều; ngài chăm sóc chu đáo, lo cho họ ăn uống nghỉ ngơi vì lòng kính mến Chúa. Thánh nhân thực hành đúng theo Lời Chúa phán:

"Ta đói, các ngươi đã cho ăn, Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã chăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã viếng thăm" (Mt. 25, 35-36).

Một hôm, thánh nhân gặp nhà truyền giáo Ti-mô-tê thành An-ti-ốt. Ngài rước vào nhà nuôi dưỡng và giúp đỡ mọi phương tiện cho ông giảng đạo. Và khi Ti-mô-tê bị nhà vua bắt giết vì rao giảng đạo Chúa, đang đêm ngài lén lấy xác ông ta về chôn cất tử tế.

Chính nhờ lòng đạo đức, và đức bác ái của thánh nhân mà Đức Giáo Hoàng Men-si-át đã phong chức phó tế cho ngài. Và năm 314, khi Đức Men-si-át băng hà, ngài được hàng giáo sĩ và giáo dân chọn lên kế vị. Ngài làm Giáo Hoàng được 21 năm. Trong thời gian nầy, ngài làm rất nhiều việc giúp ích Hội thánh.

Tương truyền Hoàng đế Rô-ma lúc đó là Công-tăn-tin còn ngoại đạo, ông không thích gì đạo Công giáo, ông ta mắc bệnh phong hủi. Thánh nhân đã chữa ông ta khỏi bệnh, nên xin vào đạo. Ngài đã dạy dỗ và Rửa tội cho nhà vua. Từ đó, ông ta có nhiều thiện cảm với thánh nhân và dành mọi sự dễ dàng cho Hội thánh. Cuộc trở lại đạo của nhà vua kéo thêm nhiều cuộc trở lại khác trong triều đình cũng như ngoài dân gian. Đạo Chúa được rao truyền khắp nơi, các thánh đường được xây dựng thêm; trong số đó có đại thánh đường Thánh Gio-an, Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô.

Ngoài ra, trong triều đại thánh nhân làm Giáo Hoàng, còn một biến cố đặc biệt quan trọng nữa là đại hội Công đồng chung Ni-xê năm 325. Ở đại hội nầy, ngài cùng với hội đồng Giám mục đã kết án lạc thuyết A-ri-ô, và định tín rõ ràng thiên tính của Chúa Giê-su, Người là Thiên Chúa làm người: Người là Thiên Chúa thật và là người thật như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.

Như thế, nhờ thánh nhân mà các lạc giáo phải lùi bước. Hội thánh Chúa được bình an phồn thịnh. Chính Đức Êu-xi-ni-ô, Giám mục Xê-sa-rê, đã ca tụng thời gian hưng thịnh của Hội thánh dưới triều đại của Ngài:

"Ngày quang minh trong sáng, không vẩn chút mây, đã chiếu giải ánh sáng bởi trời xuống trên mọi giáo đoàn của Đức Ki-tô rải rác khắp địa cầu. Cả những kẻ khác đạo với chúng ta, mặc dầu không được hưởng tất cả như chúng ta, nhưng chắc chắn cũng được tiếp nhận phần nào những ơn lành mà Thiên Chúa ban cho chúng ta".

"Nhất là chúng ta, những kẻ đã đặt mọi hy vọng vào Đức Ki-tô, chúng ta được vui mầng khôn tả; một nỗi hoan lạc thiêng liêng đã chiếu giải trên khuôn mặt mọi người, vì những nơi mà ít lâu trước đây, bị lòng độc dữ của những kẻ tàn bạo phá đổ, thì chúng ta thấy như đang sống lại giữa cơn đổ nát lâu dài và tàn tệ, các đền thờ lại được xây lên thật cao và trang trọng huy hoàng, khác xa những nhà đã bị phá hủy trước đây".

"Quang cảnh chúng ta đang chờ đã được thực hiện, nghĩa là trong mỗi thành lại có những buổi lễ cung hiến và thánh hiến những nguyện đường mới được xây cất".

"Trong những cuộc lễ như thế, có các Giám mục sum họp, có những khách hành hương từ ngoại quốc, từ những nơi thật xa xôi tuôn đến, có các dân, các nước tỏ tình tương thân tương ái, vì các chi thể thân mình Đức Ki-tô cũng hòa hợp trong một đoàn thể".

"Một sức mạnh Thánh Thần đã chảy tràn trong mọi chi thể; mọi người một lòng một niềm tin nhiệt thành, một cung hát ngợi khen Thiên Chúa..."

"Sau hết, mọi lớp tuổi đông đúc, cả nam lẫn nữ, đã hết lòng cầu nguyện tạ ơn, và hết sức hoan hỷ thờ lạy Thiên Chúa, Đấng ban mọi ơn lành".

Thánh nhân qua đời ngày 31 tháng 12 năm 335.

Quyết tâm: Suốt đời lo rao giảng đạo Chúa, làm sáng danh Chúa, bằng việc bác ái từ thiện và những hy sinh gian khổ hằng ngày, theo gương thánh Xin-vết-te thứ nhất Giáo Hoàng.

Lời nguyện: Lạy Chúa, xin nhận lời thánh Xin-vết-te Giáo Hoàng khẩn nguyện, mà ban ơn trợ giúp dân Chúa, và đưa từ cuộc sống chóng qua đời nầy, đến cuộc sống bất tận đời sau.

1617    17-01-2011 21:09:34