Sidebar

Thứ Tư
01.05.2024

Hạnh Thánh Tháng 8_phần 2

Ngày 8 tháng 8
THÁNH ĐA-MINH
Linh Mục

Gương Thánh nhân: Thánh Đa-minh sinh tại Cát-tin, nước Tây-ban-nha, năm 1170. Ngay lúc nhỏ, thánh nhân đã mến mộ học hành, cầu nguyện, hãm mình, sống khắc khổ và yêu thương người nghèo. Mỗi ngày đều có giờ nhất định để đọc kinh cầu nguyện, và ngài ăn chay hãm mình luôn. Ngày kia có người đến xin ngài giúp đỡ để chuộc lại đứa em bị bắt, ngài không còn tiền cho người ấy, vì đã bố thí hết, nên nói: - Tôi không còn tiền, nhưng nầy chị hãy dẫn tôi nộp cho người ta, để chuộc em chị về.

Người nầy không thể chấp nhận đề nghị đó, nhưng lòng hết sức cảm phục sự hy sinh cao độ của Ngài.

Vì muốn dâng mình giúp việc Chúa, nên thánh nhân được gởi đến thụ giáo với một Linh mục ở Gu-mi-en. Năm 14 tuổi, ngài gia nhập đại chủng viện tại Pa-len-ci-a. Sau khi hoàn tất việc học ngài được Đức Cha Đi-gê-ô truyền chức Linh mục. Và vì thấy ngài thông minh nhân đức, nên Đức Giám mục đặt ngài làm Kinh sĩ ở Ốt-ma.

Lúc Đức Cha sang Pháp lo việc mục vụ, thánh nhân được dẫn theo. Trong thời gian ở đây, ngài thấy tận mắt những khó khăn tai hại do bè rối An-bi-ro (Albigeois) gây ra cho Hội thánh. Họ chủ trương tất cả những gì thuộc về vật chất đều xấu xa; muốn hoàn thiện phải tận diệt vật chất, sống hoàn toàn khắc khổ. Ngài quyết định đem hết khả năng chống lại chủ trương sai lạc của họ. Nhưng nhận thấy không thể một mình đương đầu nổi với sức bành trướng của họ ngài kêu gọi nhiều nhà truyền giáo nhiệt thành cộng tác, đó là những người sau nầy trở nên tu sĩ hội dòng ngài sáng lập, gọi là "Dòng Anh Em Thuyết Giáo".

Một cộng tác viên của Ngài kể lại: "Đa-minh có một đời sống luân lý, một lòng sốt sắng kính mến Chúa mãnh liệt, đến nỗi hiển nhiên ai cũng thấy ngài là tác phẩm của sự cao trọng và của ơn thánh. Ngài có một tâm hồn bình thản đến nỗi chỉ rộn lên khi phải trắc ẩn và thương xót. Và vì tâm hồn hân hoan thì làm cho bộ mặt rạng rỡ, nên ngài cũng để lộ sự bình thản của tâm hồn ngài ra trên nét mặt hiền từ và vui tươi của ngài.

"Đâu đâu ngài cũng tỏ ra một con người của Tin mừng, cả trong lời nói và hành động...

"Ngài năng dâng lên Chúa lời cầu xin đặc biệt nầy, là cho ngài được lòng bác ái chân thật, có khả năng săn sóc và đem lại phần rỗi cho người ta; ngài nghĩ mình sẽ thật là chi thể của Chúa, nếu tiên vàn mình đem hết sức lực mình ra cứu rỗi các linh hồn, giống như Chúa Giêsu, Đấng Cứu chuộc mọi người, đã tận hiến mình để cứu chuộc chúng ta. Và chính để làm công việc ấy mà theo ý Chúa an bài sâu xa, ngài đã lập ra "Dòng Anh Em Giảng Thuyết".

Suốt 6 năm trời, thánh nhân dâng lời cầu nguyện, sự hy sinh kèm theo lời rao giảng kêu gọi mọi người trở về với đức tin chân chính, nhưng kết quả không được bao nhiêu. Ngài buồn sầu than thở với Mẹ Ma-ri-a, và được Mẹ dạy bảo hãy rao giảng và cổ động mọi người lần hột chuỗi Môi-khôi, để nhờ đó Mẹ cầu cùng Chúa cho những người lầm lạc trở về với Hội thánh. Vâng lời Đức Mẹ, ngài đem hết khả năng truyền bá chuỗi Môi-khôi, giải thích các mầu nhiệm thánh, kêu gọi mọi người thực hành việc đạo đức nầy. Kết quả thật lạ lùng! Không bao lâu, những người tội lỗi và kẻ lầm lạc ăn năn trở lại với Chúa. Thánh nhân hết sức vui mầng, tạ ơn Chúa và tri ân Đức Mẹ.

Năm 1215, thánh nhân đến Rô-ma, xin Đức Giáo Hoàng chuẩn nhận Hội Dòng Anh Em Thuyết Giáo của ngài, và đã được Đức Hô-nô-ri-út thứ 3 châu phê luật dòng vào ngày 22 tháng 10 năm 1216. Từ đó, dòng phát triển mạnh mẽ và có mặt trên khắp thế giới.

Thánh nhân qua đời tại Bô-li-nha, ngày 6 tháng 8 năm 1221. Năm 1231 Đức Thánh Cha Ghê-gô-ri-ô thứ 9 đã tôn phong ngài lên bậc Hiển thánh.

Quyết tâm: Noi gương thánh Đa-minh, hằng ngày tôi siêng năng lần hột chuỗi Môi-khôi và cổ động nhiều người tham gia, để cậy nhờ Đức Mẹ cầu cùng Chúa, cho kẻ tội lỗi lầm lạc trở về cùng Chúa.

Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã cho xuất hiện trong Hội thánh một tông đồ nhiệt tâm truyền giảng chân lý là thánh Đa-minh. Xin nhận lời thánh nhân hằng tha thiết chuyển cầu, mà ban cho Hội thánh luôn tiến triển, nhờ công đức và lời giảng dạy của Ngài.

Ngày 10 tháng 8
THÁNH LÔ-REN-SÔ
Phó Tế Tử Đạo

Gương Thánh nhân: "Hôm nay Hội thánh Rô-ma mời chúng ta mầng ngày thánh Lô-ren-sô vinh thắng, ngày ngài chà đạp thế gian hung tợn, khinh bỉ thế gian nịnh hót, thắng được Xa-tan bách hại trong hai hình thức đó. Như anh em nghe biết, ngài đã thi hành chức vụ phó tế tại Hội thánh Rô-ma. Tại đây ngài đã phục vụ máu Thánh Chúa Ki-tô; tại đây ngài đã đổ máu mình ra vì danh Chúa Ki-tô. Thánh Gio-an tông đồ đã rõ ràng trình bày mầu nhiệm của bàn tiệc của Chúa rằng: Chúa Giê-su đã thí mạng vì ta, thì ta cũng phải thí mạng vì anh em. Thánh Lô-ren-sô đã hiểu điều đó; ngài dùng gì, ngài cũng muốn dọn ra như vậy. Khi sống, ngài đã yêu mến Đức Ki-tô; khi chết, ngài cũng muốn bắt chước Người".

Đó là lời thánh Au-tinh ca ngợi thánh Lô-ren-sô tử đạo. Ngài là một trong 7 vị phó tế giúp việc Đức Giáo Hoàng Xít-tô thứ 2, và được giao phó trách nhiệm cai quản tài sản Giáo hội. Khi Đức Xít-tô bị chém đầu cùng với 4 vị phó tế trong lúc dâng Thánh lễ vào ngày 7 tháng 8 năm 258, ngài cũng có mặt ở đó, nhưng được tạm hoãn cái chết, để ở lại thu gom tài sản Hội thánh, trong vòng 3 ngày giao nộp cho hoàng đế.

Ngay ngày hôm sau, thánh nhân rảo khắp thành Rô-ma, phân phát hết của cải cho người nghèo, và hẹn họ đúng ngày họp mặt đông đủ trước toà án triều đình.

Đúng ngày hẹn, thánh nhân cùng với đám người nghèo khó kéo đến trước mặt quan tổng trấn. Ngài vừa chỉ đám người nghèo khổ vừa nói: - Đây là tất cả tài sản của Hội thánh mà tôi đã hứa đem nộp cho quan. Quan hãy nhận lãnh và gìn giữ cẩn thận, vì chúng tôi không còn sống để gìn giữ nữa.

Viên tổng trấn nổi giận, quát to: - Sao mi dám cả gan nhạo báng ta như thế? Mi xúc phạm đến quyền bính của hoàng đế. Tội mi thật đáng chết.

Thánh nhân đáp lại: - Sự chết đối với tôi là nguồn hạnh phúc vô tận.

Thế là bao cực hình thống khổ tuôn đổ trên thánh nhân. Và sau cùng người ta bắt trói ngài, quăng lên giường sắt thiêu lửa. Ngài vui lòng chịu lửa thiêu đốt một lúc lâu rồi nói với lý hình: - Phía nầy đã chín rồi, hãy lật tôi qua phía kia cho chín hết, để hoàng đế có thịt nướng ăn ngon miệng.

Một lúc sau, ngài ngước mắt lên trời cầu nguyện, rồi trút hơi thở cuối cùng. Đó là ngày 10 tháng 9 năm 258.

Quyết tâm: Hằng ngày tôi sẵn lòng chịu khổ chịu cực vì Chúa và thương yêu giúp đỡ người nghèo khổ, để tỏ lòng mến Chúa yêu người, theo gương thánh Lô-ren-sô.

Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng, chính vì được tình yêu Chúa nung nấu mà thánh phó tế Lô-ren-sô đã trung thành phục vụ và đạt phúc tử đạo vinh quang. Xin cho dân Chúa biết thực hành những điều Người dạy, và noi gương Người mà yêu mến Chúa và anh em.

Ngày 11 tháng 8
THÁNH CLA-RA
Trinh Nữ

Gương Thánh nhân: Thánh nữ Cla-ra sinh tại Át-si, nước Ý, năm 1194, trong một gia đình giàu có. Ngay từ nhỏ, thánh nữ đã có lòng mộ mến kinh nguyện, khó nghèo, chay tịnh và thương yêu kẻ nghèo.

Năm lên 16 tuổi, dịp cấm phòng mùa chay, thánh nữ nghe thánh Phan-xi-cô giảng về đàng nhân đức trọn lành thì đem lòng mến chuộng. Ngài đến xin gặp thánh nhân để nhờ chỉ bảo hướng dẫn. Theo lời khuyên của thánh Phan-xi-cô, ngài quyết định dâng mình cho Chúa. Ngay hôm sau, ngài trốn khỏi nhà, chạy đến Pọt-ti-un-cu-la, gặp thánh Phan-xi-cô. Nơi đây, ngài xuống tóc, nhận tu phục, rồi được gởi đến nữ tu viện gần đấy. Một thiếu nữ giàu có sang trọng, hằng ngày ăn ngon mặc đẹp, nay từ bỏ tất cả, cả mái tóc xinh xắn của mình, sống khó nghèo, ăn mặc thô sơ hèn mọn, đã làm chấn động cả thành Át-si. Mọi người bàn tán xôn xao: kẻ thì khen ngợi lòng hy sinh quả cảm, người lại khinh chê rằng ngu si dại dột, nhất là cha mẹ thánh nữ không thể nào chấp nhận được. Hai ông bà chạy tới tu viện, hết lời la mắng đến dọa nạt ngăm đe, rồi kéo xển Cla-ra về, nhưng thánh nữ một tay nắm chặt vào bàn, một tay lật khăn trùm đầu ra, cho ông bà thấy đầu mình đã cạo hết tóc, là dấu chỉ thánh nữ đã quyết tâm theo Chúa và đã thuộc trọn về Chúa. Thế là cha mẹ ngài đành phải chịu thua, trước tấm lòng can đảm cương quyết theo Chúa của ngài.

Từ đó, thánh nữ được yên thân lo hãm mình, ăn chay, cầu nguyện. Chẳng bao lâu danh tiếng thánh thiện của ngài lan rộng khắp nơi. Nhiều thiếu nữ đạo đức đến xin làm môn đệ ngài, nhờ ngài hướng dẫn bề tu luyện. Cả A-nê là em của ngài cũng cậy nhờ ngài chỉ bảo cho đàng nhân đức. Và ngài đã viết thư kêu gọi A-nê nhìn ngắm gương khó nghèo, khiêm hạ và bác ái của Đức Ki-tô:

"Hãy nhìn đầu tấm gương ấy, tức là sự nghèo khó của Đấng được đặt trong máng cỏ và quấn trong khăn. Ôi Người khiêm nhượng lạ lùng, nghèo khó kỳ diệu dường bao. Vua các thiên thần. Chúa cả trời đất mà lại nằm trong máng cỏ. Rồi ở giữa tấm gương, ngài hãy nhìn sự khiêm nhường, hay ít ra sự nghèo khó, và lam lũ vô ngần mà Người đã chịu mà cứu chuộc loài người. Còn ở cuối tấm gương, ngài hãy nhìn lòng bác ái khôn tả đã khiến Người muốn chết trên thập giá, và muốn chết cách nhuốc hổ hơn hết. Tấm gương ấy, đặt trên thập giá, kêu gọi mọi người qua lại hãy ngắm nhìn các nhân đức kia rằng: Hỡi những khách qua đường, hãy trông xem, có đớn đau nào như các đớn đau hành hạ thân tôi..."

Về sau khi cha ngài mất, mẹ ngài cũng đến sống trong tu viện với ngài.

Năm 1215, thánh Phan-xi-cô đặt thánh nữ làm tu viện trưởng và soạn cho một bản luật sống khắc khổ nhiệm nhặt. Nhưng thánh nữ còn đi xa hơn nữa, ngoài ra luật sống khắc khổ theo ý thánh Phan-xi-cô, ngài còn đặt cho các nữ tu một lý tưởng khó nghèo và đã xin Đức Giáo Hoàng chuẩn y lý tưởng đó.

Đức Thánh Cha En-nô-cen-tê thứ 3 đã đồng ý ban phép cho giữ đức khó nghèo tuyệt đối như thánh nữ khẩn nguyện. Nhưng về sau Đức Ghê-gô-ri-ô thứ 9 muốn cho nhà dòng nhận một số của cải để đảm bảo cho cuộc sống, thì thánh nữ từ khước và thưa: -Xin Đức Thánh Cha tha tội cho con, nhưng xin đừng tha cho con sống khó nghèo theo gương Chúa Ki-tô.

Thánh nữ qua đời ngày 11 tháng 8 năm 1253, sau 42 năm sống khó nghèo, khắc khổ nhiệm nhặt vì lòng kính mến Chúa. Và hai năm sau, tức là năm 1255, Đức Giáo Hoàng A-lét-xăn thứ 4 đã phong ngài lên ngôi Hiển thánh.

Quyết tâm: Noi gương thánh nữ Cla-ra, tôi quyết sống đơn sơ nghèo khó, để được phần thưởng Nước Trời.

Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, Chúa đã dìu dắt thánh Cla-ra và soi sáng cho thánh nữ biết yêu chuộng đời sống khó nghèo. Xin nhận lời thánh nữ cầu thay nguyện giúp, mà ban cho chúng con được cùng người sống tinh thần nghèo khó mà theo chân Đức Ki-tô, để được vào quê trời chiêm ngưỡng thánh nhan Chúa.

Ngày 12 tháng 8
THÁNH GIA-CÔ-BÊ ĐỖ MAI NĂM
AN-TÔN NGUYỄN ĐÍCH VÀ MI-CA-E LÝ MỸ
Linh Mục và Giáo Dân Tử Đạo

Gương Thánh nhân: Gương sáng lớn nhất các thánh Gia-cô-bê Năm, An-tôn Đích và Mi-ca-e Mỹ để lại cho mọi người là hết lòng thương yêu giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong những lúc gian lao thử thách.

Dưới thời vua Minh Mạng bắt đạo, sáng ngày 11 tháng 05 năm 1838, quan quân kéo đến bao vây nhà ông trùm Đích ở Vĩnh Trị, bắt cha Năm, ông trùm và con rễ ông là Lý Mỹ dẫn về tỉnh Nam Định. Lúc đó ông trùm đã 70 tuổi, sợ tuổi già sức yếu chịu đòn vọt tra tấn không nổi, nên ông rất nao núng kinh hãi. Cha Năm và anh Lý Mỹ thấy vậy thì tận tình an ủi khích lệ ông, đặc biệt Lý Mỹ là con rễ hứa sẽ chịu hết roi đòn thế cho ông, nên ông mới lấy lại được tinh thần, trở nên vững vàng can đảm, sẵn sàng tin theo Chúa cho đến chết. Sở dĩ khi gặp thử thách bách hại, Chúa cho ông có được người nâng đỡ đùm bọc như thế, là vì lúc bình thường ông đã hết lòng thương yêu giúp đỡ mọi người. Thật đúng như lời Chúa phán:

"Phúc thay ai xót thương người,
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương" (Mt. 5,7).

***

Gia-cô-bê Đỗ Mai Năm sinh năm 1781, tại Đông Biên tỉnh Thanh Hóa. Ngay từ nhỏ, cậu đã được Chúa thương gọi dâng mình giúp việc Chúa. Cậu gia nhập chủng viện Vĩnh Trị, và sau nhiều năm tu học, đã được thụ phong Linh mục năm 32 tuổi.

Cha Năm tính tình hiền hoà, vui vẻ, đi đến đâu cũng được giáo dân quý mến kính nể, đặc biệt giới trẻ và thanh thiếu niên rất thích nghe cha dạy dỗ chỉ bảo. Sau một thời gian đi giúp các xứ đạo, cha trở về dạy tại chủng viện Vĩnh Trị.

Vua Minh Mạng lại ra sắc chỉ cấm đạo, bắt giết giáo sĩ giáo dân. Chủng viện đóng cửa, cha phải ẩn trốn rày đây mai đó. Lúc đầu cha đến ẩn trú nhà ông trùm Tôn ở họ Kẻ Nguồi. Sau vì tình thế ở đây khó khăn, cha dời đến trú tại nhà ông trùm Đích ở Vĩnh Trị. Mặc dù ẩn trốn, cha vẫn lén lút ban các Bí tích cho tín hữu, nhất là tìm dịp khích lệ họ kiên vững trong đức Tin.

Nghe tin làng Vĩnh Trị chứa chấp Đạo trưởng, quan tổng đốc thuê hai tên Tỷ và Xuân giả vờ đến xin giúp việc trong nhà ông Lý Mỹ là con rễ của ông trùm, để thăm dò theo dõi. Và theo lời họ báo cáo, sáng ngày 11 tháng 05 năm 1838, quan quân kéo đến vây nhà ông trùm bắt cha Năm, ông trùm và con rễ là Lý Mỹ, dẫn về tống giam vào ngục ở Nam Định.

Sau nhiều lần khuyến dụ tra tấn, cha Năm vẫn cương quyết không chịu quá khóa bỏ đạo, nên ngày 12 tháng 08, cha bị chém đầu để làm chứng cho Chúa tại pháp trường Bảy Mẫu.

An-tôn Nguyễn Đích sinh năm 1769, tại Chi Long, tỉnh Nam Định. Lớn lên cậu đến làm ăn ở Vĩnh Trị và lập gia đình tại đây. Vợ chồng sinh 10 người con, mà có được hai người chịu chết vì Chúa, chưa kể ông và người con rể là Lý Mỹ cũng tử đạo hôm nay với ông. Sở dĩ gia đình ông được Chúa thương nhiều như thế là vì con cái ông rất đạo đức, do công lao ông giáo dục đào luyện, nhất là nhờ ông có lòng bác ái nhiệt tình đối với mọi người. Ông tận tâm phục vụ Hội thánh, hết lòng thương yêu giúp đỡ các Linh mục, chủng sinh và người nghèo khó bệnh tật. Lúc các chủng sinh ở Vĩnh Trị bị dịch tả, ông tình nguyện nhận một số về nhà nuôi dưỡng chăm sóc; ông thường xuyên thăm viếng an ủi những người mắc bệnh cùi trong làng. Trong cơn bách hại, ông luôn sẵn sàng che chở giúp đỡ các Linh mục.

Chính do thế giá và nhân đức của ông mà người ta tặng cho ông chức trùm, chứ thực sự ông không có thi hành chức vụ đó. Và cũng chính nhờ lòng bác ái thương người của ông, mà khi bị bắt giam trong ngục, ông sợ hãi nhát đảm thì Chúa cho cha Năm và Lý Mỹ ở bên cạnh nâng đỡ khích lệ ông, giúp ông tin tưởng trông cậy Chúa đến phúc tử đạo.

Ông bị bắt cùng với Cha Năm và Lý Mỹ là con rể ông ngày 11 tháng 05 năm 1838. Lúc đó ông đã 70 tuổi. Ông sợ mình tuổi già sức yếu chịu hình khổ đòn vọt không nổi nên nản lòng thối chí. Nhưng cha Năm an ủi ông: - Ông hãy tin tưởng trông cậy Chúa, Chúa sẽ ban cho ông đủ sức chịu mọi khổ hình đau đớn.

Còn Lý Mỹ là con rể ông thì hứa sẽ chịu đánh đòn thế cho ông. Nhờ đó, ông vững dạ an lòng, can đảm tuyên xưng đức tin. Bốn lần ông bị buộc bước qua thập giá bỏ đạo, nhưng ông chỉ chịu đánh đòn có một lần, còn ba lần kia thì con rể ông đã chịu đòn thế. Và sau cùng khi thấy ông can đảm nhất quyết tin theo Chúa, vua Minh Mạng đã ra lệnh xử trảm ông ngày 12 tháng 08 năm 1838, cùng với Cha Năm và Lý Mỹ, tại pháp trường Bảy Mẫu tỉnh Nam Định.

Mi-ca-e Nguyễn Huy Mỹ sinh năm 1804, tại Đại Đăng tỉnh Ninh Bình. Mồ côi cha mẹ sớm, nhưng nhờ người thân nuôi dưỡng dạy dỗ chu đáo, nên lớn lên cậu thông minh giỏi giắn, thông thạo nghề thuốc, và sống đạo đức sốt sắng, siêng năng lãnh nhận các Bí tích.

Năm 20 tuổi, anh kết bạn với cô Ma-ri-a Mến là con gái ông trùm Đích nên về ở Vĩnh Trị với cha vợ. Vợ chồng sống hoà thuận hạnh phúc, nhiệt thành sống đạo, siêng năng cần mẫn làm ăn lập nghiệp. Dân làng thấy anh tài giỏi đạo đức thì chọn làm chánh tổng, nhưng anh từ chối. Sau vì muốn giúp Hội thánh trong lúc khó khăn bách hại, anh nhận làm Lý trưởng trong làng; vì thế, mọi người quen gọi anh là Lý Mỹ.

Từ ngày nhậm chức Lý trưởng, anh càng sống đạo đức cần mẫn hơn, nhất là đối xử liêm khiết công bằng với mọi người; không nhận hối lộ của ai, cũng chẳng thiên vị người nào, cứ theo lẽ công bình chính trực mà thi hành trách vụ.

Năm 1838, lệnh vua Minh Mạng bắt đạo gắt gao. Chủng viện Vĩnh Trị đóng cửa, chủng sinh giải tán, các cha phải ẩn lánh khắp nơi. Lúc đó cha Gia-cô-bê Năm đang dạy ở chủng viện, phải đến ẩn trú nhà ông trùm Đích là cha vợ của Lý Mỹ. Anh hết sức che chở cha, không ngờ có hai tên Tỷ và Xuân do quan mướn đến dọ thám đã tố cáo cha, nên sáng ngày 11 tháng 05 năm 1838 quan quân đến vây bắt Cha Năm, ông trùm và cả anh nữa, giải về tỉnh Nam Định.

Trong thời gian gần 40 ngày bị giam giữ, anh phải chịu đánh đòn trên 500 roi, đau đớn khổ sở, vì anh cương quyết không chịu chối Chúa bỏ đạo, phần vì anh xin chịu đòn thay cho cha vợ là ông trùm Đích. Quan thấy hình khổ nặng nề như thế mà không lay chuyển được lòng tin kiên vững của vị anh hùng thì kết án trảm quyết đệ lên vua. Và ngày 12 tháng 08, vị chứng nhân Lý Mỹ anh dũng của Chúa đã chịu chém đầu tại pháp trường Bảy Mẫu, cùng với cha Năm và ông trùm Đích.

Đức Thánh Cha Lê-ô 13 đã suy tôn cha Gia-cô-bê Năm, ông trùm Đích, và Mi-ca-e Mỹ lên Chân Phước ngày 27 tháng 05 năm 1900. Và ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Giáo Chủ Gioan-Phaolô 2 tôn phong các ngài lên hàng Hiển thánh.

Quyết tâm: Nhiệt thành sống đạo, siêng năng truyền giáo, nhất là hết lòng thuơng yêu giúp đỡ đồng bào đồng đạo trung thành bền đỗ tin theo Chúa, theo gương các thánh Gia-cô-bê Năm, An-tôn Đích và Mi-ca-e Mỹ tử đạo.

Lời nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

Ngày 13 tháng 8
THÁNH PON-XI-A-NÔ VÀ HÍP-PÔ-LI-TÔ
Tử Đạo

Gương Thánh nhân: Thánh Pon-xi-a-nô làm Giáo Hoàng khoảng năm 230. Dưới thời hoàng đế Mắc-xi-mi-nô bách hại, thánh nhân bị bắt đày sang Sát-đi-ni và chết vì Chúa ở đây.

Còn Thánh Híp-pô-li-tô là một nhà thần học sống vào thế kỷ thứ ba. Năm 217, khi Đức Can-lít-tô được chọn làm Giáo Hoàng, ngài phản đối và tự xưng mình là Giáo Hoàng, nên trong cuộc bách hại của hoàng đế Mắc-xi-mi-nô, ngài cũng bị bắt đày chết ở Sát-đi-ni với thánh Pon-xi-a-nô. Trước lúc chết, ngài đã hối hận và khuyên bảo những kẻ theo phe ngài hãy thần phục Đức Giáo Hoàng.

Khi Đức Pha-bi-a-nô lên ngôi Giáo Hoàng vào năm 336, ngài đã cho đem thi hài thánh Pon-xi-a-nô và Híp-pô-li-tô về chôn tại Rô-ma.

Thánh Giám mục Síp-ri-a-nô đã ca ngợi đức tin bất khuất của hai vị thánh tử đạo nầy như sau:

Anh em rất dũng cảm, tôi biết lấy lời nào để ca ngợi anh em? Tôi biết dùng lời nào để chúc tụng lòng can trường và đức tin kiên trung của anh em? Anh em phải chịu cực hình dữ tợn nhất cho đến khi kết thúc trong vinh hiển, không phải anh em đã phải chịu thua cực hình, nhưng chính cực hình đã phải thua anh em. Không phải cực hình chấm dứt cái đau khổ, nhưng chính triều thiên đã làm công việc ấy. Sự hung tợn kéo dài của lý hình không phải để quật ngã niềm tin đứng vững, nhưng là để mau mau gởi các người của Chúa về với Chúa.

"Quần chúng hiện diện nhìn thấy mà cảm phục trận chiến thiêng liêng của Thiên Chúa và của Đức Ki-tô. Họ thấy các tôi tớ của Chúa đứng vững, lời nói đầy tự do, tâm hồn không nao núng, dũng cảm một cách thần diệu, không có võ khí nào của đời nầy, nhưng vẫn tin mình được võ trang bằng khí giới của đức tin. Họ bị tra tấn, nhưng vẫn đứng khoẻ mạnh hơn kẻ tra tấn họ; chi thể họ bị đánh, bị xén nhưng lại thắng chính những nanh vuốt đánh xé họ. Cực hình gia tăng mãi mãi cũng chẳng làm gì được đức tin bất khuất, cho dù đã tan nát ruột gan, các tôi tớ còn bị đánh xé đến nỗi không còn đánh xé các chi thể nữa mà là chỉ còn đánh xé các vết thương. Máu chảy ra chan hoà, thứ máu sẽ dập tắt lửa bách hại, thứ máu đổ ra vinh hiển làm dịu lửa hoả ngục. Ôi quang cảnh Chúa bày ra ngoạn mục làm sao, cao cả thế nào, vĩ đại dường bao, đẹp mắt Thiên Chúa vô ngần, nhờ đức tin và lòng sốt sắng nơi các chiến sĩ của Người ! Như trong thánh vịnh Chúa Thánh Thần nói và khuyên bảo ta rằng: Đối với Chúa thật là đắt giá cái chết của những ai trung hiếu với Người. Phải thật quý cái chết mua được bất tử bằng giá máu, và nhận được triều thiên nhờ dũng cảm tuyệt vời".

Quyết tâm: Can đảm hy sinh chịu khổ vì Chúa, để làm chứng cho Chúa, và để được lãnh nhận triều thiên vinh hiển muôn đời, theo gương thánh Pon-xi-a-nô và Híp-pô-li-tô tử đạo.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa quý trọng cái chết anh hùng của các thánh tử đạo. Xin cho gương sáng của thánh Pon-xi-a-nô và Híp-pô-li-tô làm cho chúng con ngày càng thêm yêu mến Chúa, và kiên trì giữ vững đức tin.

Ngày 14 tháng 8
THÁNH MÁC-XI-MI-LI-A-NÔ KÔN
Linh Mục Tử Đạo

Gương Thánh nhân: Thánh Mác-xi-mi-li-a-nô Kôn sinh tại Đun-ka Quô-la, nước Ba-lan, năm 1894.

Lớn lên, thánh nhân có lòng ước muốn phụng sự Chúa và phục vụ các linh hồn, nên đã xin nhập dòng Phan-xi-cô, Ngài chuyên cần học hỏi thần học, kinh tế và hằng ngày chịu khó tập rèn nhân đức.

Năm 1918, thánh nhân được thụ phong Linh mục. Từ đó ngài hiến mình cho công cuộc truyền giáo, xả thân cứu rỗi các linh hồn. Đặc biệt ngài hết lòng vâng phục kẻ trên và tôn sùng Đức Ma-ri-a Vô Nhiễm, và hằng cậy nhờ Mẹ nâng đỡ phù trì trong mọi công tác tông đồ mục vụ.

Trong một bức thư gởi cho đồng nghiệp, thánh nhân đã kêu gọi phải lấy lòng nhiệt thành lo cho các linh hồn được cứu rỗi và thánh hoá, nhờ đức tuân phục và lòng sùng kính Mẹ Ma-ri-a:

"Đây là đường lối khôn ngoan, là con đường duy nhất mà qua đó chúng ta có thể quy chiếu vinh quang cao cả về cho Thiên Chúa. Nếu có con đường nào khác và thích hợp hơn thì chắc chắn Đức Ki-tô đã bày tỏ cho ta bằng lời nói và gương mẫu của Người. Nhưng Kinh Thánh đã tóm gọn thời gian Người sống ở Na-da-rét bằng những lời nầy: và Người vâng phục các ngài. Kinh Thánh cũng phác hoạ cả quảng đời còn lại gần như bằng dấu chỉ vâng phục, khi cho thấy ở một số đoạn rải rác là Người đã xuống thế gian để làm theo ý Cha. Vì vậy, chúng ta hãy yêu mến và đầy lòng yêu mến Cha trên trời là Đấng rất yêu thương, và chớ gì sự vâng phục của ta làm chứng cho lòng mến hoàn hảo nầy. Khi nào ta hy sinh ý riêng, khi ấy ta tỏ ra vâng phục nhất. Vì chưng, chúng ta không biết một phe cánh cao quý nào khác hơn là chính Đức Giêsu-Kitô chịu đóng đinh, để chúng ta tiến triển trong tình yêu của Thiên Chúa.

Chúng ta sẽ có được mọi điều đó dễ dàng hơn nhờ Đức Trinh nữ Vô Nhiễm, Đấng được Thiên Chúa chí nhân ủy thác việc ban phát lòng thương xót của Người. Thực vậy, điều chắc chắn là ý muốn của Đức Ma-ri-a là chính ý muốn của Thiên Chúa đối với ta. Khi tự hiến mình cho Mẹ, chúng ta trở thành dụng cụ của lòng thương xót Chúa trong tay Mẹ, như chính Mẹ là dụng cụ trong tay Thiên Chúa. Do đó, chúng ta hãy cho Mẹ hướng dẫn, để Mẹ dẫn dắt ta đi, và chúng ta sẽ được yên hàn bình an khi có Mẹ dìu dắt. Vì chưng, Mẹ sẽ xem xét và tiên liệu mọi sự cho ta, sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu thể xác linh hồn. Chính Mẹ sẽ tháo gỡ các khó khăn trở ngại".

Phương pháp làm đặc biệt của thánh nhân là dùng báo chí truyền bá đức tin và củng cố lòng đạo. Ngài đã mời nhiều người cộng tác và xuất bản báo Công giáo ở Ba-lan và Nhật-bản. Năm 1927, ngài sáng lập nhà xuất bản, chuyên in ấn sách báo Công giáo, phổ biến giáo thuyết Chúa Ki-tô, cổ võ lòng tôn sùng Đức Mẹ Vô Nhiễm. Đồng thời ngài cũng thành lập đài phát thanh, tuyên truyền cổ động cho Nước Chúa Trị Đến.

Thấy ngài gây được nhiều ảnh hưởng lớn lao trong quần chúng, năm 1940, phát xít Đức bắt giam ngài tại Ốt-quít; đây là một trại tập trung rất khổ cực, kỷ luật gắt gao. Trong các quy luật đó, có điều khoản qui định: khi một tù nhân trốn trại, thì 10 người khác phải chết thế. Vậy một ngày trong tháng 8 năm 1941, có một tù nhân trốn khỏi trại, và người ta đã chỉ định 10 người chết thế; trong số đó có anh Ga-đô-nít-sét. Anh kêu la than khóc thảm thiết khi bị chỉ định chết thế, vì anh còn mẹ già con thơ, không ai nuôi dưỡng ! Đứng trước thảm cảnh đó, cha Mắc-xi-mi-en Kôn không thể cầm lòng nổi, và vì lòng mến Chúa yêu người, cha đã xin chết thay cho anh...

Thế là 10 người tử tù, trong số đó có cha Mắc-xi-mi-en Kôn, bị đẩy vào phòng hơi ngạt cho đến chết cách đau đớn !...

Thánh nhân đã được Đức Giáo Hoàng Phao-lô 6 nâng lên Chân phước và Đức Gioan-Phaolô 2 tôn phong Hiển thánh.

Quyết tâm: Noi gương thánh Mắc-xi-mi-en Kôn, hết lòng tôn kính Đức Mẹ, và sẵn sàng thương giúp những người lâm cơn khốn khó hoạn nạn phần hồn phần xác.

Lời nguyện: Lạy Chúa, nhờ Chúa ban ân sủng, Thánh Linh mục tử đạo Mắc-xi-mi-li-a-nô Kôn-bê đã hăng say cứu các linh hồn, hết tình yêu mến tha nhân và trọn đời gắn bó với Đức Trinh nữ Vô Nhiễm. Xin nhận lời thánh nhân chuyển cầu, mà giúp chúng con đem hết sức mình phục vụ anh em, để danh Chúa được vinh quang rạng rỡ. Nhờ vậy, chúng con sẽ trở nên đồng hình đồng dạng với Con Một Chúa đến hơi thở cuối cùng.

Ngày 15 tháng 8
ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

Việc tin tưởng Đức Mẹ hồn xác lên trời đã có từ lâu đời trong Hội thánh. Và hằng năm nhiều nơi đã mầng kính lễ nầy với nhiều tên gọi khác nhau, như lễ Đức Mẹ an giấc, Đức Mẹ chuyển biến, Đức Mẹ sinh ra trên trời, Đức Mẹ được nâng lên trời... Đặc biệt sau Công đồng chung Ê-phê-sô (năm 431), lễ Đức Mẹ an giấc được mừng kính khắp nơi trong Giáo hội Đông phương. Còn trong Giáo hội Tây phương thì từ thế kỷ thứ 7 mới bắt đầu mừng lễ nầy:

Từ đó về sau, nhiều thư thỉnh nguyện của các Giám mục, các dòng tu, các nhà thần học gởi đến Đức Giáo Hoàng, xin ngài định tín việc Đức Mẹ lên trời cả hồn và xác. Chính trong Công đồng Va-ti-căn thứ nhất, nhiều nghị phụ cũng yêu cầu Đức Thánh Cha quyết định điều đó. Vì theo ý kiến của tất cả các vị nầy, việc Đức Mẹ hồn xác lên trời có liên hệ mật thiết với cuộc đời đồng trinh và chức vụ làm mẹ của Ngài. Và vì Mẹ đã được cứu chuộc hoàn toàn, nên cũng phải được tôn vinh toàn diện, như lời thánh Phao-lô nói: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được kêu gọi theo ý Người định. Vì những ai Người đã biết từ trước thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người" (Rm. 8, 28-29).

Dựa theo các thỉnh nguyện đó, năm 1946 Đức Giáo Hoàng Pi-ô thứ 12 đã gởi đến mỗi Giám mục một lá thư, yêu cầu trả lời câu hỏi sau đây của ngài:

"Theo sự khôn ngoan chính chắn của Đức Cha, Đức Cha có ý kiến gì về việc Đức Ma-ri-a hồn xác lên trời? Đức Cha thấy cần được đưa ra và xác quyết như là một tín điều không? Đức Cha với hàng giáo sĩ và giáo dân có muốn điều đó không?

Gần hết các thư trả lời đều đồng ý và thỉnh nguyện. Thế là ngày 1 tháng 11 năm 1950, Đức Thánh Cha Pi-ô thứ 12 đã long trọng tuyên bố tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời, cho toàn thể Giáo hội tin kính và mầng lễ ngày 15 tháng 8 hằng năm.

Đức Giáo Hoàng xác quyết: "Các Thánh giáo phụ và các bậc đại tiến sĩ khi giảng và nói với giáo dân trong ngày lễ Thánh Mẫu hồn xác lên trời, vẫn nói về điều đó như là một chân lý đã được giáo dân biết và chấp nhận rồi. Các ngài đã giải thích cho rõ hơn, đào sâu ý nghĩa và tầm quan trọng, và nhất là làm nổi bật lên rằng: Lễ nầy không những kính nhớ việc thân xác Đức Trinh nữ Ma-ri-a, sau khi chết, không chịu hư nát chút nào, mà còn nhắc đến việc ngài toàn thắng sự chết, được vinh hiển trên trời, theo gương Con Một Ngài là Đức Giêsu-Kitô...

Tất cả lập luận và suy niệm trên đây của các giáo phụ đều dựa trên Kinh Thánh như là nền tảng cuối cùng; mà Kinh Thánh lại như đặt trước mặt ta một Đức Mẹ Thiên Chúa kết hợp rất mật thiết với Con mình và luôn luôn chia sẻ tất cả thân phận của Người...

Thế nên Đức Thánh Mẫu cao cả, ngay từ đời đời và do cùng một quyết định tiền định, đã được kết hợp với Đức Giêsu-Kitô một cách huyền nhiệm vô nhiễm khi đầu thai, đồng trinh vẹn sạch khi làm mẹ, cộng tác quãng đại với Đấng Cứu thế, Đấng đã chiến thắng hoàn toàn sự tội và các hiệu quả của nó, thì cuối cùng để kết thúc mọi đặc ân Ngài đã được, Đức Trinh nữ cũng đã được gìn giữ khỏi bị hư nát ở trong mồ để nên giống Con mình. Sau khi chiến thắng sự chết, ngài cũng được đưa lên vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, nơi ngài được sáng láng làm Nữ Vương ngự bên hữu Con mình là Vua bất tử của mọi thời".

Quyết tâm: Đức Mẹ đã được Chúa thưởng hồn xác về trời, hằng ngày kêu xin Đức Mẹ phù hộ, cho ngày sau được về trời hưởng phước với Mẹ.

Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã đưa lên trời cả hồn xác Đức Ma-ri-a, là Trinh nữ Vô Nhiễm và là Thánh Mẫu của Con Chúa. Xin cho chúng con hằng biết hướng về phúc lộc quê trời, để mai sau được cùng Thánh Mẫu chung hưởng vinh quang.

2032    17-01-2011 21:44:19