Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Hạnh Thánh Tháng 9_phần 2

Ngày 17 tháng 9
THÁNH RÔ-BÊ-TÔ BÊ-LA-MI-NÔ Giám Mục Tiến Sĩ

* Gương Thánh nhân

Thánh Rô-bê-tô Bê-la-mi-nô, sinh ngày 4 tháng 10 năm 1542, tại miền Bắc nước Ý, trong một gia đình cha mẹ đạo đức sốt sắng. Nhờ đó, ngài sớm hấp thụ nền đạo hạnh và đàng nhân đức.

Năm lên 14 tuổi, cha mẹ gởi cậu đến học với các cha Dòng Tên. Cậu học thông minh xuất sắc, nên cha cậu định sẽ cho học môn y khoa. Ý cậu muốn dâng mình cho Chúa, nhưng bị cha từ chối. Mãi đến năm 17 tuổi, cậu mới được cha chấp thuận cho vào Dòng Tên.

Sau thời gian học triết lý, thần học, Kinh Thánh, và tập rèn nhân đức, thầy Rô-bê-tô được chịu chức Linh mục năm 1570. Từ đó, ngài chuyên môn đi giảng thuyết và dạy thần học tại Lu-ve nước Bỉ.

Lúc đó lạc thuyết Tin lành đang lan rộng, thánh nhân dùng lời giảng dạy và viết sách giáo lý để bảo vệ đức tin chân thật. Nhiều người Tin lành nhờ nghe ngài giảng và xem sách của ngài mà trở lại.

Năm 1576, Bề trên gọi ngài về Rô-ma, giao cho trọng trách giảng dạy giáo lý, đối phó với các cuộc tấn công của anh em Tin lành. Trong thời gian nầy, thánh nhân cho xuất bản sách: "Các vấn đề tranh luận", để giải đáp các thắc mắc của lạc giáo.

Năm 1599, Đức Giáo Hoàng Clê-men-tê thứ 8 nâng thánh nhân lên chức Hồng Y. Từ đó, ngài chăm lo mọi việc cho toàn thể Hội thánh. Ngài phụ giúp Đức Thánh Cha giải quyết vụ án Ga-li-lê, và các cuộc tranh luận về ơn thánh giữa các Linh mục dòng Đa-minh và Dòng Tên. Luôn luôn ngài làm việc cách hăng say nhiệt thành, lúc nào cũng hoàn tất mọi trách vụ được giao phó. Ngài cho việc phục vụ Chúa và Hội thánh là êm ái dịu ngọt. Người nói: "Ôi ! Chúa êm ái ngọt ngào và đầy tình thương xót, ai lại không phục vụ Chúa hết tình, khi đã nếm một chút nào sự dịu ngọt, được phục quyền Chúa như cha nhân từ?

"Lạy Chúa, Chúa truyền dạy tôi tớ Chúa điều gì? Chúa phán: Hãy mang lấy ách của Ta, và ách của Chúa thế nào? Chúa phán: Ách của Ta êm ái và gánh Ta nhẹ nhàng. Vậy ai mà chẳng vui lòng mang lấy ách không đè nén nhưng còn khích lệ, gánh không nặng nề mà còn bổ dưỡng. Bởi vậy Chúa đã nói thêm cách chính đáng rằng: Các con đã tìm được an nghỉ cho tâm hồn. Và cái gì là ách của Chúa mà lại không làm cho mệt nhọc, song còn mang lại an nghỉ? Đó là giới răn thứ nhất và quan trọng hơn hết: Hãy yêu mến Thiên Chúa là Chúa ngươi hết tâm hồn. Còn gì dễ dàng hơn, dịu ngọt hơn, êm ái hơn là sự hoàn thiện, sự mỹ vị và tình yêu, mà Chúa là tất cả những cái đó, ôi lạy Chúa là Thiên Chúa con !".

Như thế bí quyết phục vụ Chúa mà lấy làm êm ái nhẹ nhàng, theo thánh Rô-bê-tô, chính là Tình yêu. Yêu Chúa thì luôn luôn sẵn sàng hoan hỷ giúp việc Chúa. Thương người thì mê thích phục vụ anh em.

Thánh Rô-bê-tô qua đời ngày 17 tháng 9 năm 1621, được phong thánh năm 1928 và tiến sĩ Hội thánh năm 1931.

* Quyết tâm

Hằng ngày biết lo dùng lời nói, việc làm, nhất là gương sáng đời sống, gìn giữ và bảo vệ đức tin chân chính và tông truyền, theo gương thánh Rô-bê-tô Bê-la-mi-nô.

* Lời nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Giám mục Rô-bê-tô Bê-la-mi-nô trí thông minh và lòng dũng cảm tuyệt vời, để người bảo vệ đức tin của Hội thánh. Vì lời thánh nhân nguyện giúp cầu thay, xin cho dân Chúa biết giữ đức tin ấy vẹn toàn. Chúng con cầu xin...

THÁNH EM-MA-NU-EN NGUYỄN VĂN TRIỆU Linh Mục Tử Đạo

* Gương Thánh nhân

Người Việt Nam rất trọng chữ HIẾU: Hiếu với Chúa là Thượng Phụ, hiếu với cha mẹ là Hạ Phụ. Thánh Em-ma-nu-en Nguyễn Văn Triệu đã nêu gương hiếu thảo đó cách tuyệt vời cho mọi người qua mọi thế hệ. Vì hiếu với mẹ, ngài đã thăm viếng dưỡng nuôi và gầy dựng cho bà một mái nhà che nắng đỡ mưa, trong khi cơn bắt đạo của vua Cảnh Thịnh rất gắt gao, ngài phải bận rộn với bao nhiêu công tác mục vụ tông đồ: chăm sóc đoàn chiên trong lúc nguy hiểm khốn khó, để chu toàn bổn phận thảo hiếu đối với Chúa là Thượng Phụ.

Em-ma-nu-en Triệu sinh năm 1756 tại làng Kim Long, tỉnh Phú Xuân (Huế). Cha là ông Cai Lương, làm quan đời chúa Nguyễn.

Năm lên 15 tuổi, cậu nhập quân đội, dưới quyền chỉ huy của cha cậu. Lúc quân Tây Sơn nổi lên chống chúa Nguyễn, cha cậu được lệnh đem quân kháng cự. Nhưng ông bị tử trận, để lại cho cậu người mẹ phải chăm sóc dưỡng nuôi. Vì nội chiến cứ liên tục tiếp diễn, các phe phái nổi lên chống đối lẫn nhau gây ra cảnh tương tàn tương sát rất bi thảm. Đất nước điêu linh, nhân dân lầm than khốn khổ. Thảm cảnh đó làm cho cậu Triệu suy nghĩ mà ngán ngẫm cuộc đời, thấy đời toàn là tranh giành cấu xé nhau, người trong một nước chẳng biết thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, lại chém giết sát hại nhau. Những việc đó khiến cậu nghĩ đến Chúa. Chúa là Tình yêu, Tình yêu thương xót, Tình yêu cứu độ, và cậu muốn hiến dâng mình phục vụ Tình yêu cao cả đó. Tình trạng đã bi đát như thế, lại thêm nạn đói khổ sở hành hạ khắp nơi, người người lâm cảnh thiếu thốn, nhà nhà phải tản cư tìm phương sinh sống. Mẹ cậu cũng lâm cảnh khổ cực như mọi người. Vì lòng hiếu thảo, cậu không thể để mẹ già đói khát. Cậu xin giải ngũ, ra Bắc lập kế sinh nhai để nuôi mẹ già, đồng thời để tìm dịp thực hiện ý nguyện phụng sự Chúa và phục vụ đồng bào đồng loại. Lúc đó cậu đã 30 tuổi, đã 15 năm ở trong quân ngũ với biết bao kinh nghiệm cuộc đời.

Trong thời gian ở đây, anh Em-ma-nu-en Triệu được phước gặp Đức Cha Khâm, đương kim Giám mục giáo phận Đông đàng Ngoài. Anh ngỏ ý muốn dâng mình giúp việc Chúa với Đức Cha... thấy anh lớn tuổi, nhưng rất nhiệt tình và giàu kinh nghiệm, Đức Cha thương nhận lời. Ngài gởi anh học thần học tại Trung Linh. Và năm 1793, thầy Triệu được thụ phong Linh mục, lúc đã 37 tuổi.

Từ đó, vị tân Linh mục dày dặn kinh nghiệm đem hết nhiệt huyết phụng sự Chúa là Thượng Phụ của mình, để đáp đền Tình thương cao cả của Người, để đem Tình yêu cứu rỗi đến cho người đồng hương đồng loại. Sau gần sáu năm hoạt động tông đồ, cha Em-ma-nu-en thương nhớ mẹ già đang sống ở Phú Xuân, nên xin phép Đức Cha về thăm mẹ. Mẹ con gặp nhau thật bùi ngùi cảm động ! Sau hơn 12 năm xa cách, nay mẹ đã già, tóc bạc phơ, xót xa nhất là khi thấy mẹ không có nhà trú ngụ phải ăn nhờ ở đậu với người thân quen. Thế nên cha quyết định ở lại cất cho mẹ một mái nhà làm nơi nương tựa. Và mặc dầu chỉ ở lại một thời gian ngắn để giúp đỡ mẹ già, cha cũng không bỏ qua việc thi hành chức vụ mục tử. Cha thăm viếng các giáo hữu và dâng Thánh lễ tại các họ đạo gần đó. Sáng sớm ngày 08 tháng 08 năm 1798, cha đang dâng Thánh lễ tại xứ Thợ Đúc, thì quan quân đến vây bắt, vì lúc đó vua Cảnh Thịnh ra lệnh bắt đạo gắt gao.

Suốt 40 ngày tù ngục, cổ mang gông, tay chân bị xiềng xích, nhiều lần bị tra tấn đánh đập, cha vẫn can trường giữ vững đức tin, thà chết chẳng thà chối Chúa bỏ đạo. Thế nên sáng ngày 17 tháng 09 quân lính dẫn cha ra pháp trường Bãi Dâu xử trảm. Đến nơi, cha quỳ gối cầu nguyện, rồi đưa cổ cho lý hình thi hành phận sự, cho linh hồn được về cõi phúc ngàn thu.

Đức Thánh Cha Lê-ô 13 đã phong Chân Phước cho cha ngày 27 tháng 05 năm 1900. Và ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô 2 suy tôn cha lên bậc Hiển Thánh.

* Quyết tâm

Noi gương thánh Em-ma-nu-en Triệu, Linh mục tử đạo, hết lòng hiếu thảo với Chúa và với cha mẹ, bằng cách suốt đời yêu thương phục vụ.

* Lời nguyện

Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. A-men.

Ngày 18 tháng 09
THÁNH ĐA-MINH TRẠCH Linh Mục Tử Đạo

* Gương Thánh nhân

Trong số các thánh Tử đạo Việt Nam , Thánh Đa-minh Trạch chẳng những để lại cho hậu thế gương trung thành bền đỗ chịu cực hình vì Chúa, mà còn can đảm rao giảng đạo Chúa cho những kẻ bắt bớ giết hại mình. Suốt thời gian bị giam trong ngục, thánh nhân bị tra khảo đánh đập nhiều lần. Có lần sau khi đánh đập dữ dội, quan buộc ngài bước qua thập giá bỏ đạo. Thay vì làm theo lời quan dạy, vị anh hùng tử đạo dõng dạc nói:

- Bẩm quan, Thiên Chúa là Đấng Tạo hóa dựng trời đất đã dùng Thánh giá mà đem lại sự sống đời đời cho nhân loại. Nếu quan muốn được sống muôn đời bất diệt, quan hãy kính lạy Thánh giá.

Chính vì lời nói đó mà quan nổi giận kết án trảm quyết ngài, đem lại cho người triều thiên tử đạo vinh hiển.

Đa-minh Trạch sinh năm 1793, tại xứ Ngoại Bồi, tỉnh Nam Định.

Ngay từ nhỏ, cậu đã ước muốn đi tu làm Linh mục, nên xin vào ở với cha xứ, để nhờ ngài dạy dỗ và tập rèn đức hạnh. Sau một thời gian, cha thấy cậu có lòng đạo đức, trí thông minh, nên gởi vào chủng viện, tiếp tục học hành tu luyện. Và khi đã mãn khóa thần học, thầy Đa-minh được thụ phong Linh mục lúc 30 tuổi. Năm sau, cha xin gia nhập dòng Thánh Đa-minh và tuyên khấn ngày 03 tháng 06 năm 1825.

Đức Cha sai cha đi coi sóc bổn đạo ở xứ Quần Cống, rồi sau đó đến xứ Lục Thủy. Ở đâu, cha cũng nhiệt thành thi hành sứ vụ, tận tụy hy sinh chăm sóc đoàn chiên. Và mặc dầu bị bệnh lao phổi, sức khỏa suy yếu, cha vẫn cố gắng tuân giữ luật dòng, hằng ngày chuyên cần cầu nguyện, ăn chay hãm mình, để làm gương cho giáo hữu. Đặc biệt cha rất quan tâm đến việc giảng đạo cho lương dân. Noi gương thánh Phao-lô tông đồ, cha luôn tìm dịp đến với những người chưa biết Chúa, rao giảng Tin mừng Cứu rỗi cho họ, dẫn đưa họ về với Chúa. Chính do nhiệt thành truyền giáo như thế mà năm 1839, cha bị quân lính bắt, vì lúc đó vua Minh Mạng cấm đạo gắt gao. Nhưng nhờ dân chúng thương, hùn tiền chuộc cha nên cha được thả về.

Tháng tư năm 1840, cha đi Ngưỡng Nhân thăm hai Linh mục bạn. Dọc đường, cha bị quân lính phát hiện, bắt giải đến phủ Xuân Trường, rồi chuyển về giam ở tỉnh Nam Định.

Ở trong ngục, dù bệnh hoạn yếu đuối và bị xiềng xích khổ sở, cha cũng ráng sức chịu khó nâng đỡ khuyến khích các tín hữu cùng bị giam chung với cha, giúp họ kiên trì giữ vững đức tin và bền lòng trông cậy Chúa. Hằng ngày cha qui tụ họ lại, đọc kinh cầu nguyện, lần chuỗi Môi Khôi, kêu xin Chúa và Mẹ ban ơn thêm sức chịu đựng cực hình tra tấn. Nhờ đó cha giúp được nhiều người bền đỗ trung thành theo Chúa, sẵn sàng chịu khổ chịu chết vì Chúa, đặc biệt cha giúp Tô-ma Toán đã chối Chúa bỏ đạo, trở lại ăn năn thống hối và can đảm chịu chết vì Chúa.

Trong thời gian gần năm tháng bị giam trong ngục, quân lính dẫn cha ra công đường tra tấn nhiều lần, buộc cha đạp lên Thánh giá chối đạo. Lần nào cha cũng nhất quyết từ chối, thà chết chớ không bước qua Thánh giá. Có lần sau khi cho lính đánh cha nhừ tử, quan ra lệnh:" Hãy bước qua thập giá để được sống." Cha liền quỳ xuống hôn kính Thánh giá, rồi khuyên quan hãy tôn kính Thánh giá Chúa với mình để được sống muôn đời. Thật là anh hùng can đảm, thấy chết trước mắt mà chẳng lo chẳng sợ, lại còn mạnh mẽ giảng đạo cho kẻ bắt bớ mình... Quan nổi giận, cho lính đánh cha túi bụi, rồi làm án gởi về kinh. Bản án được vua Minh Mạng châu phê và buộc thi hành tức khắc. Thế là ngày 18 tháng 09 năm 1840, quân lính điệu cha ra pháp trường Bảy Mẫu, chém đầu theo lệnh nhà vua, đưa linh hồn vị anh hùng truyền giáo vào cõi sống muôn đời.

Ngày 27 tháng 05 năm 1900, Đức Thánh Cha Lê-ô 13 suy phong cha Đa-minh Triệu lên Chân Phước. Và Đức Giáo Chủ Gioan-Phaolô 2 suy tôn ngài lên bậc Hiển Thánh, ngày 19 tháng 06 năm 1988.

* Quyết tâm

Nhiệt thành rao giảng đạo Chúa khi thuận tiện cũng như lúc khó khăn, và luôn sẵn sàng hy sinh giúp đỡ anh em đồng đạo trung thành bền đỗ theo Chúa thờ Chúa cho đến chết, như thánh Đa-minh Triệu Linh mục tử đạo.

* Lời nguyện

Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.

Ngày 19 tháng 9
THÁNH GIA-NU-A-RI-Ô
Giám Mục Tử Đạo

* Gương Thánh nhân

Thánh Gia-nu-a-ri-ô, sống vào thế kỷ thứ ba. Lòng nhân đức và tài trí thông minh của ngài đã đưa ngài lên chức Giám mục giáo phận Bê-nê-ven. Ngài hết sức từ chối chức vị cao trọng đó, vì ngài khiêm tốn, thấy mình bất xứng trước mặt Chúa. Nhưng Đức Giáo Hoàng ra lệnh, nên thánh nhân không dám từ chối.

Từ ngày lãnh chức Giám mục, thánh nhân càng sống khắc khổ nghiêm nhặt hơn, cố ý hãm mình dâng lên Chúa, để cầu nguyện cho hàng giáo sĩ và đoàn chiên. Ngài luôn sống gần gũi, khuyến khích họ trung thành bền đỗ phụng sự tôn thờ Chúa, vì Hội thánh lúc đó đang bị hoàng đế Đi-ô-lê-si-en bách hại, nhiều người đã bị bắt, bị giết vì đạo, nhưng cũng có số người vì nhát đảm đã bỏ Chúa tế thần.

Thánh nhân rất đau lòng mỗi khi nghe tin con chiên chối đạo. Ngày nọ, khi biết có 4 Ki-tô hữu bị tống giam vì đức tin, ngài lén đến thăm họ, khuyên bảo họ can đảm tuyên xưng Chúa Ki-tô. Viên tổng trấn thành phố hay tin liền ra lệnh bắt giữ ngài. Hôm sau, ông truyền dẫn ngài đến và bảo:

- Hãy tế thần đi, ngươi sẽ được sống.

Thánh nhân trả lời:

- Tôi không thờ lạy bụt thần ma quỷ như các ông. Tôi chỉ thờ một Thiên Chúa là Đấng Tạo hóa cao cả hơn hết.

Viên tổng trấn ra lệnh bỏ ngài vào lò lửa cho chết cháy. Nhưng Chúa cứu ngài bình an vô sự như ba thanh niên Do-thái xưa. Và người ta giam ngài vào ngục. Từ đây, thánh nhân vui mầng gặp lại các con chiên của mình. Ngài khuyên bảo họ:

- Chúng con hãy can đảm lên, đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác mà không làm gì hại được linh hồn. Chúng con hãy kính sợ Đấng phạt chúng con trong hỏa ngục, hãy trung thành theo Đấng đó, để được sống đời đời.

Ít hôm sau, viên tổng trấn dạy dẫn ngài ra và bảo:

- Ngươi hãy tế thần đi, ta sẽ cho về với đồ đệ ngươi.

Thánh nhân đáp:

- Quan cứ luật mà xử tội, không bao giờ tôi bỏ Chúa mà theo ma quỷ được.

Đứng trước lòng kiên trung của thánh nhân, viên tổng trấn không còn cách nào hơn là ra lệnh chém đầu ngài.

Thánh nhân đã được phúc tử đạo năm 305, dưới thời hoàng đế Đi-ô-lê-si-en. Năm 1493 di hài của ngài được dời về Náp-lơ, và được dân thành tôn làm thánh bổn mạng. Họ rất tin tưởng ngài, chạy đến nhờ ngài cầu thay nguyện giúp mỗi khi gặp gian nan khốn khó. Tương truyền thánh nhân đã cứu họ khỏi nạn núi lửa Vê-su và máu ngài đã làm nhiều việc lạ, nhưng không có bằng chứng nào chắc chắn về các hiện tượng nầy.

* Quyết tâm

Noi gương thánh Gia-nu-a-ri-ô, tôi trung thành bền đỗ theo giúp việc Chúa cho đến chết, và hằng ngày mời gọi nhiều người cùng trung thành với Chúa, sẵn lòng chịu khổ cực vì Chúa.

* Lời nguyện

Lạy Chúa, ngày hôm nay chúng con tưởng niệm thánh Gia-nu-a-ri-ô tử đạo.

Xin Chúa rộng ban cho chúng con mai sau được cùng thánh nhân hưởng hạnh phúc trên trời. Chúng con cầu xin...

Ngày 20 tháng 9
THÁNH AN-RÊ KIM, PHAO-LÔ CHUNG
và các bạn Tử đạo

* Gương Thánh nhân

Sau khoảng 60 năm đạo Chúa được rao truyền trên đất nước Triều Tiên, Hội thánh phải lâm cơn bách hại. Nhiều người Ki-tô hữu bị bắt bớ giam cầm, và bị giết vì đức tin; trong số đó có thánh An-rê Kim, Phao-lô Chung và nhiều giáo dân khác. Đang khi bị tù tội tra tấn, các ngài chẳng những vui lòng chấp nhận vì Chúa, mà còn an ủi khích lệ nhau trung kiên theo Chúa.

Dưới đây là những lời khích lệ của thánh An-rê Kim Linh mục: "Anh em và các bạn rất thân mến, hãy suy đi nghĩ lại: Từ khởi thủy Thiên Chúa đã sắp đặt trời đất và mọi loài; sau cùng, anh em hãy suy vì lý do và ý định nào mà Thiên Chúa đã tác tạo từng người giống hình ảnh Ngài và như họa ảnh Ngài. Vậy nếu trong thế gian đầy nguy hiểm và gian khổ nầy mà chúng ta không nhận biết Thiên Chúa là Đấng Tạo hóa, chúng ta sinh ra và sống ở đời nầy thật vô ích. Mặc dù nhờ Thiên Chúa chúng ta sinh ra, cũng như nhờ Thiên Chúa chúng ta nhận lãnh phép rửa tội, gia nhập Giáo hội, đồng thời mang quí danh là môn đệ hoàn hảo của Chúa, nhưng chỉ có danh hiệu mà không có thực chất, thì việc chúng ta sinh ra và gia nhập Giáo hội đều là hư không, hơn nữa việc nầy còn phản bội Thiên Chúa và ân sủng của Người. Chúng ta đừng sinh ra thì tốt hơn là lãnh nhận ơn Chúa và phạm tội chống lại Người..."

"Anh em rất thân mến, anh em hãy biết rằng Chúa chúng ta là Đức Giê-su xuống thế gian chịu muôn vàn đau khổ cho tới cùng, đồng thời dùng cuộc khổ nạn của mình mà thiết lập Giáo hội, và làm cho Giáo hội tăng trưởng bằng khổ nạn của các tín hữu. Dù đàn áp và chống đối, các quyền lực thế gian không bao giờ có thể thắng Giáo hội. Sau khi Chúa lên trời, kể từ thời các tông đồ cho đến nay, Hội thánh tăng trưởng khắp nơi giữa những đau khổ".

"Còn bây giờ, ròng rã 50 năm trở lại đây, kể từ lúc Hội thánh đi vào đất Triều Tiên của chúng ta, người tín hữu lại đã bị bách hại, ngay cả hôm nay cuộc bách hại còn đang nặng nề, đến nỗi nhiều người cũng là bạn hữu với nhau trong cùng một đức tin, trong đó có tôi, đang chịu cảnh tù ngục, cũng như cả anh em cũng đang sống giữa đau khổ. Vì chúng ta làm nên một thân thể như thế, làm sao lòng chúng ta lại không buồn? Theo tình cảm nhân loại, làm sao chúng ta không cảm thấy nỗi đau đớn phải chia ly?"

"Tuy nhiên, như lời Kinh Thánh nói, Thiên Chúa quan tâm đến sợi tóc nhỏ nhất trên đầu, và quan tâm bằng sự thông suốt của Người; vậy tại sao lại không cho rằng cuộc bách hại như thế là lệnh của Thiên Chúa, là phần thưởng hoặc cuối cùng là hình phạt của Người?"

"Thế nên chúng ta hãy tuân theo ý Chúa, và anh em hãy hết lòng chiến đấu cho thủ lãnh là Đức Giê-su ở trên trời, và chiến thắng ma quỷ thế gian nầy, như Đức Ki-tô đã chiến thắng".

Chính nhờ nâng đỡ khích lệ nhau, và với ơn Chúa giúp, các ngài đã anh dũng tuyên xưng đức tin vào Chúa Ki-tô cho đến chết, và đã đổ máu ra làm chứng cho Chúa.

* Quyết tâm

Hằng ngày khuyên lơn nhắc nhở những người thân yêu siêng năng sốt sắng thờ phượng Chúa, làm tôi Chúa, nhất là sẵn sàng chịu khổ chịu cực vì Chúa, theo gương các thánh An-rê Kim, Phao-lô Chung và các bạn tử đạo.

* Lời nguyện

Lạy Chúa là Đấng tạo thành và cứu độ muôn dân. Chúa đã mời gọi dân tộc Triều Tiên đón nhận đức tin Công giáo, để gia nhập cộng đoàn Thiên Chúa chọn. Chúa lại ban cho cộng đoàn nầy tăng trưởng nhờ lời tuyên xưng của các bậc anh hùng, là hai thánh An-rê Kim, Phao-lô Chung, cùng các bạn tử đạo. Xin nhậm lời cầu nguyện của các ngài, mà ban cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, là trung thành tuân giữ giới răn Chúa cho đến khi nhắm mắt lìa đời. Chúng con cầu xin...

THÁNH GIOAN CÓT-NAY TÂN
Linh Mục Tử Đạo

* Gương Thánh nhân

Đối với các thánh tử đạo, đặc biệt thánh Gioan Tân tử đạo hôm nay, thử thách bách hại chẳng phải là cực hình khốn khổ mà là niềm vui mầng hạnh phúc nhất trên đời, chẳng những các ngài sẵn lòng chịu khổ chịu chết vì Chúa, các ngài còn coi đó là nguồn hân hoan diễm phúc.

Khi bị bắt nhốt trong củi giải về Sơn Tây, cha Gioan Tân hết sức vui mầng. Suốt dọc đường, ngài luôn ca hát ngợi khen cảm tạ Chúa. Trong ba tháng tù cũng như khi bị đưa ra pháp trường xử án, cha vẫn vui vẻ tươi cười hát thánh ca, vì tin chắc sẽ được làm chứng cho Chúa, sẽ được phần thưởng lớn lao như lời Chúa hứa: "Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả, và bị xóa tên như đồ xấu xa. Ngày đó anh em hãy vui mầng nhảy múa, vì nầy đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao" (Lc. 6, 22-23).

Gioan Cót-nay sinh ngày 28 tháng 02 năm 1809 tại Lou-đun, nước Pháp, trong một gia đình đạo đức sốt sắng. Nhờ đó khi lớn lên cậu được Chúa thương gọi giúp việc Chúa, nên sau khi mãn trung học, cậu đã xin gia nhập Chủng viện. Và do ơn Chúa soi sáng, cậu ước muốn đi giảng đạo ở miền xa. Thế nên năm 1830, thầy Gioan xin vào Đại Chủng Viện thừa sai Pa-ri, dọn mình chịu chức phó tế để đi truyền giáo ở Viễn Đông.

Tháng 3 năm 1832, thầy đã đến Ma Cao, và được Bề Trên sai đi tỉnh Tứ Xuyên ở Trung Quốc. Nhưng vì đường sá khó khăn trở ngại, thầy tạm đến ở Việt Nam, chờ hai người giáo hữu Trung Hoa đến đón rước. Chẳng may những người nầy mắc bệnh chết dọc đường, thầy phải quay về Hà Nội, xin ở lại giảng đạo tại Việt Nam và lấy tên là Tân. Sau một thời gian học tiếng và tập sự thi hành mục vụ, ngày 20 tháng tư năm 1934, Đức cha Du phong chức Linh mục cho thầy, và sai đi giúp xứ Bầu Nọ, tỉnh Sơn Tây. Trong ba năm ở đây, cha luôn luôn tận tụy hy sinh cho đoàn chiên, chăm sóc giúp đỡ cả phần hồn lẫn phần xác cho họ. Ngoài ra việc dâng Thánh lễ, ban Bí tích, giảng dạy giáo lý ở nhà thờ, cha thường xuyên đi thăm viếng bệnh nhân, người già yếu. Nhất là các giáo hữu bê bối nguội lạnh, tìm cách an ủi khích lệ họ.

Lúc đó ở Bầu Nọ có băng cướp do tên Đức cầm đầu. Chúng thường cướp giật tài sản của dân làng, làm cho nhiều người phải điêu đứng khổ sở. Các giáo hữu trong họ đạo thấy vậy thì hợp với dân làng vây bắt chúng nộp cho quan. Tên Đức tức giận, tìm cách trả thù. Hắn tố cáo dân làng chứa chấp Tây dương Đạo trưởng (Linh mục nước ngoài). Nhưng quan tổng trấn Sơn Tây lúc đó không tha thiết gì đến lệnh bắt đạo của vua, nên ông ta làm ngơ. Thấy vậy, hắn dùng mưu kế khác, nhất định trả thù cho được. Hắn cho người đem vũ khí chôn giấu gần chỗ cha Tân ở, rồi tố cáo cha xúi dân làm loạn, chống lại triều đình. Quan liền đem quân đến làng Bầu Nọ bao vây khám xét, khi thấy vũ khí, quan ra lệnh tìm bắt cha Tân. Quân lính tìm thấy cha trốn trong bụi rậm liền bắt nhốt vào củi, giải về Sơn Tây ngày 20 tháng 06 năm 1837. Suốt dọc đường, cha luôn vui mầng ca hát cảm tạ Chúa, vì Người đã thương cho cha được dịp làm chứng cho Người.

Ở Sơn Tây, nhiều lần quan cho điệu cha ra tòa tra tấn đánh đập, bắt ép cha nhận tội âm mưu làm loạn, chống đối vua chúa quan quyền. Nhưng cha trả lời: "Thưa quan, tôi là Đạo trưởng. Hằng ngày tôi dạy bảo người có đạo thờ Chúa kính vua, lẽ nào tôi làm ngược lại lời tôi giáo huấn mà chống đối vua quan."

Quan giận dữ, cho đánh cha bằng roi có gắn những miếng chì bén nhọn, rách nát cả thịt da; máu chảy đầm đìa. Nhưng cha vẫn vui lòng chấp nhận, không than trách lời nào. Quan lại buộc cha bước qua Thập giá chối đạo. Cha liền ôm lấy Thánh giá hôn kính. Quá tức giận, quan kết án chém đầu cha. Nhưng vua Minh Mạng đã đổi án lăng trì (phân thây).

Ngày 20 tháng 09 năm 1837, cha được đưa ra pháp trường, lòng tràn ngập hân hoan, miệng luôn hát thánh ca cảm tạ ngợi khen Chúa, vì được phước chịu chém đầu phân thây để làm chứng cho Chúa.

Đức Thánh Cha Lê-ô 13 đã phong Chân Phước cho cha ngày 27 tháng 05 năm 1900. Và ngày 19 tháng 06 năm 1988. Đức Giáo Chủ Gioan Phaolô 2 suy tôn cha lên Hiển Thánh.

* Quyết tâm

Noi guơng thánh Gioan Tân Linh mục tử đạo, hằng ngày siêng năng rao giảng đạo Chúa và sẵn sàng chịu khổ chịu cực vì Chúa. Nhất là khi gặp thử thách gian khổ thì vui lòng chấp nhận và hân hoan cảm tạ Chúa, vì được dịp làm chứng cho Chúa và sẽ được phần thưởng lớn lao.

* Lời nguyện

Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. A-men.

2176    17-01-2011 21:34:27