Sidebar

Thứ Hai
29.04.2024

Nhớ Cha Phêrô Võ Văn Sinh

Chiều nay nhận được tin Cha đã đi xa. Đi một cách êm xuôi, lặng lẽ, bình thản. Lòng mình dâng trào một cảm xúc dạt dào khó tả. Không biết phải nói sao, vì Cha ra đi bất chợt quá. Dẫu biết rằng căn bệnh tiểu đường của Cha lại trở chứng, hành hạ và quật ngã. Nhưng không ngờ lại dữ dội và tàn nhẫn đến thế. Vậy là đến lúc Cha trở về với vòng tay yêu thương của Thiên Chúa, trong lúc vuột xa vòng tay thân thương của nhiều người.

Nhớ lại lúc mình biết Cha, cũng mới non ba mươi năm. Thời gian nhanh quá, không chờ một ai cả. Lúc ấy cuộc sống vẫn còn nhiều thiếu thốn, khó khăn nhiều mặt. Dạo ấy ai mà thường xuyên đi lễ ngày Chúa nhật đã được xem là kỳ tích, mặc dù nội lực sung mãn nhưng khách quan hoàn cảnh lại là vấn đề. Huống hồ đừng nói đến các sinh hoạt phụng tự khác, chỉ có mơ ước mà thôi; chứ không rần rộ, sầm uất như bây giờ. Quen Cha, dần biết Cha và rồi làm bổn đạo Cha. Mình thấy Cha sống bình dị, không cầu kỳ, giản dị đơn sơ gần như là tẻ nhạt, đơn điệu. Nhưng ở con người Cha toát lên sự nhân ái, quảng đại, chịu đựng gần như là cam chịu. Giống như vị thánh bản mệnh của Cha - thánh Phêrô - Cha cũng từng yếu đuối, nông nổi, sai sót. Và rồi cũng như thánh Phêrô, Cha đã mạnh mẽ, can đảm để nhìn nhận lỗi lầm, ăn năn khóc cho tội mình, xúc phạm đến Thầy-Chí-Thánh, phản bội tình yêu thánh hiến với Vua-Tình-Yêu-Vĩnh-Cửu. Một Phêrô từ hèn nhát, sợ sệt, lẩn tránh, phản bội, dối láo; đã can đảm, dứt khoát, đoạn tuyệt, và sẵn sàng chết cho Tình-Yêu. Sẵn sàng " Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy." (x.Ga 21,17)

Bệnh tiểu đường biến chứng làm thoái hóa hoàng thể nhãn cầu, thần kinh đáy mắt chết lịm. Thế là mắt Cha lòa dần, rồi không còn nhìn thấy gì. Khi chào tiễn đưa Cha về hưu dưỡng tại Vĩnh Long, mình nói vui "lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đi đến nơi anh chẳng muốn" (Ga 21,18). Cha liền nói: "nơi nào Chúa muốn, Cha cũng muốn". Buồn. Lặng lẽ. Chia tay và từ biệt.

Mấy độ xuân về, mình và vài anh em khác đến thăm. Ở lại dùng bữa cùng Cha, hàn huyên chuyện vãn nhân tình thế sự. Ngài rất vui và nhận ra từng người qua giọng nói.

Mình dự tính xuân này Cha con gặp lại hàn huyên cho bõ thèm. Thế nhưng, sáng nay tại thánh đường chánh tòa. Thánh lễ đồng tế thật cung kính, long trọng. Thánh lễ hôm nay do Đức Cha Tôma chủ tế. Cha đã cùng đồng tế với anh em linh mục đoàn của mình một thánh lễ cuối cùng. Chính trong hôm nay, Cha dâng lên Thiên Chúa hy lễ rất thánh, nhưng không bằng đôi tay mình mà dâng bằng chính cả thân xác mình, dâng bằng cả một cuộc đời chủ chăn, dâng bằng cả những bất trắc của kiếp người. Một hy lễ nhiều cảm xúc đối với nhiều người tham dự thánh lễ: thương tiếc có, tội nghiệp có, giận dỗi có, oán trách có, vui mừng có, thậm chí dửng dưng cũng có. Nhưng mình nhận thấy đa phần là hy vọng có ...

Đến nơi an nghỉ, tiễn Cha lần cuối. Mọi người nín lặng, khóe mắt cai xè. Thời gian trôi đi sao chậm đến thế. Rồi những nghi thức nơi phần mộ cũng chấm dứt. Từng người, từng người ra về trong lặng lẽ:

"Đưa người, ta không đưa qua sông

 Sao có tiếng sóng ở trong lòng

Bóng chiều không thẳm, không vàng vọt

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong ?" (Tống Biệt hành -Thâm Tâm)

 

Tâm trạng mình miên man, đánh vật cùng những kỷ niệm với Cha thoắt hiện, thoắt biến lùa theo ngọn gió đông bắc lành lạnh, tẻ nhạt. Cô đơn. Trống trải. Lạnh vắng.

Thầm suy. Có những chủ chăn lúc sinh thời và kể cả lúc chết rồi vẫn không ngừng được nhắc đến, nhưng cũng có không biết bao nhiêu những mục tử ngày ngày âm thầm hy sinh trong không biết bao nhiêu công việc vô danh, phiền toái mỗi ngày. Có biết bao nhiêu vị đang âm thầm đau khổ và hy sinh cầu nguyện mà không thể thấy được kết quả của lời cầu nguyện của mình. Có biết bao nhiêu vị âm thầm phục vụ tha nhân cách này hay cách khác mà không hề được đền đáp hay nhắc nhớ. Hoặc không có việc gì nổi nang, đáng nhớ, đáng ca tụng. Đó là ý nghĩa của cuộc sống phiền toái, đơn điệu mỗi ngày mà các ngài phải gánh chịu.

Thiên Chúa thi ân tùy theo cách thế Ngài muốn. Cuộc sống âm thầm và hy sinh từng ngày của các mục tử là một trong muôn nghìn cách thế thi ân của Thiên Chúa, mà chúng ta không thể suy xét, đo lường được. Ngoài sự tưởng tượng và dự đoán của chúng ta, những hy sinh từng ngày của các ngài được Chúa dùng như cái bóng vô hình, nhờ đó Ngài thông ban muôn ơn lành cho mọi người.

Cha là như thế. Một đời dấn thân. Một đời tận hiến trong kiếp người mỏng dòn, mong manh.

 

                                                       Tiễn biệt Cha Phêrô Võ văn Sinh,

                                                                 Về cõi vĩnh hằng.

                                                                       Cát Biển

1120    01-02-2011 08:37:38