Sidebar

Thứ Năm
16.05.2024

Vòng Nối Đức Tin

Mừng Năm Thánh: Kỷ niệm 75 năm thành lập Giáo Phận Vĩnh Long
(1938 - 08/01 - 2013)

Thiên Chúa, Đấng tạo dựng muôn loài, muôn vật và đặc biệt tạo dựng con người có Nam có Nữ "giống hình ảnh Thiên Chúa" (St. 1,27), Đấng "muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý" (1Tm. 2,4), vì "Thiên Chúa là tình yêu" (2Ga. 4,8). Đồng thời Thiên Chúa ghi khắc vào đó ơn gọi "làm con Chúa" cũng như khả năng và trách nhiệm tương ứng, mời gọi con người sống cho tình yêu và sự hiệp thông. Tinh yêu ấy là ơn gọi cơ bản và bẩm sinh của mọi người.

Cũng từ đấy, Thiên Chúa có ý định cho tương quan giao ước hôn nhân phát triển thành cộng đồng yêu thương lớn hơn mà chúng ta gọi là gia đình. Chính sự yêu thương của vợ chồng, con cái đã làm cho gia đình trở nên một cộng đồng đức tin (x. Gl. 5,6). Gia đình thực sự là "một Giáo hội thu nhỏ", là "vòng nôi" đức tin: kiến tạo đức tin, thông truyền đức tin, và cùng chung phần vào sứ vụ của Giáo hội để loan báo Tình Thương Cứu Độ của Thiên Chúa cho mọi người chung quanh được biết. Gia đình thực hiện công việc này bằng cách được mời gọi tham dự vào các sứ vụ của Đức Kitô: sứ vụ Ngôn sứ, Tư tế và Vương đế.

Gia đình tham dự vào sứ vụ Ngôn sứ của Đức Kitô bằng cách trở nên một cộng đồng đức tin và loan báo Tin Mừng.

Gia đình tham dự vào sứ vụ Tư tế bằng cách trở nên một cộng đồng cầu nguyện (đối thoại với Thiên Chúa).

Gia đình tham dự vào sứ vụ Vương đế bằng cách trở nên một cộng đồng sống điều răn mới về yêu thương như Chúa Giêsu đã dạy. Tức là biết biết quan tâm, chăm sóc, và phục vụ cho các thành viên trong gia đình mình; để từ đó sống phục vụ cho cả xã hội.

GIA ĐÌNH: CỘNG ĐỒNG ĐỨC TIN VÀ LOAN BÁO TIN MỪNG

Qua đời sống gia đình, đôi bạn Nam Nữ hiến thân trọn vẹn cho nhau đến chết bằng  một tình yêu độc hữu, trung tín và tính dục của đôi vợ chồng, làm cho hôn nhân - gia đình Kitô hữu trở nên phẩm giá cao quí trong đời sống đức tin. Vì Thiên Chúa đã lấy đó làm dấu chỉ và môi trường của giao ước yêu thương, giữa Thiên Chúa và con người, giữa Đức Kitô và Hội Thánh, Hiền Thê của Người.

Sự rộng mở yêu thương này xuất hiện qua "con cái" là quà tặng của Thiên Chúa. Tình yêu vợ chồng phải sẵn sàng đón nhận quà tặng "con cái", đón nhận "sự sống mới". Chính vì:

Con cái phản ánh tình yêu vợ chồng.

Con cái là hiện thân của tình yêu vợ chồng.

Con cái làm phong phú tình yêu vợ chồng.

Cha mẹ được mời gọi biến tình yêu thương con cái thành dấu chỉ hữu hình để cho con cái nhận ra được tình yêu Thiên Chúa.

Qua gia đình, con cái ngay từ khi còn thơ, có thể học và trực giác được ý thức về Thiên Chúa, nhờ giáo huấn và gương sáng của cha mẹ sống trong bầu khí ghi dấu sự hiện diện của Thiên Chúa. Từ đó, gia đình gồm các phần tử: cha mẹ, và con cái làm nên một "tế bào" cộng đồng đức tin cơ bản cho "cơ thể" huyền nhiệm Giáo Hội.

Cha mẹ là những nhà giáo dục, những giáo lý viên đầu đời cho con cái của mình, mà không ai thay thế được. Chính lúc cho con mình lãnh nhận Phép Rửa, cha mẹ đã làm chứng đức tin của mình cho con cái, "tin" vào đức tin của Giáo hội đã tông truyền. Sự tông truyền đức tin của Giáo hội được củng cố, được vun đắp và lớn mạnh dần lên theo năm tháng tuổi đời của con cái, khi chúng lần lượt lãnh nhận tiếp tục các Bí tích khai tâm Kitô giáo còn lại. Con cái nhờ sự nuôi dưỡng, giáo dục thể chất của Cha mẹ, không chỉ dần dần được dẫn vào trong cộng đồng nhân loại mà thôi; nhưng nhờ sự giáo dục đức tin, con cái cũng được dẫn vào trong gia đình của Thiên Chúa là Giáo hội.

Gia đình còn là cộng đồng loan báo Tin Mừng. Thừa tác vụ "Tin Mừng hoá" của cha mẹ Kitô hữu rất độc đáo, vì mang những đặc tính riêng của đời sống gia đình, dệt nên bằng tình yêu chân thành, sự giản dị trung tín, sự dấn thân phục vụ, bằng những trách nhiệm đời thường làm chứng mỗi ngày, có giá trị rất quan trọng cho công việc phát triển về mọi mặt nhân bản, luân lý, và thiêng liêng cho con cái. Chính khi chồng vợ biết yêu thương, quan tâm, chăm sóc cho nhau; sự dấn thân hằng ngày của cha mẹ trong cuộc sống lao động mưu sinh nhằm chu cấp đầy đủ nhu cầu vật chất cho cả gia đình; tinh thần trách nhiệm biết chia sẻ, gánh vác, nâng đỡ nhau giữa các thành viên trong nhà; trách nhiệm kiến tạo, chăm lo vun đắp cho hạnh phúc cuộc sống của gia đình; tận tâm chăm lo cho con cái hưởng một nền giáo dục hoàn chỉnh...  đã biến gia đình Kitô giáo trở thành cộng đoàn loan báo Tin Mừng, làm cho các bậc cha mẹ trở thành những chứng nhân, và thừa sai đích thực cho tình yêu Thiên Chúa và sự sống vĩnh cửu.

GIA ĐÌNH: CỘNG ĐỒNG CẦU NGUYỆN

Gia đình Kitô giáo trở nên một chứng nhân có tính cách Tư tế bằng cách biết "đối thoại" với Thiên Chúa qua việc cầu nguyện. Một đời sống cầu nguyện với Chúa mỗi ngày trong tình yêu giữa vợ chồng, trong việc chăm sóc con cái, trong những hy sinh hằng ngày do tình yêu đòi hỏi, qua sự tự chế bản thân, qua sự tha thứ, qua sự từ bỏ mình và qua sự tự "vượt lên chính mình". Tất cả những dạng thức cầu nguyện này đi vào gia đình để biến gia đình thành một tổ ấm tràn đầy đức tin, đức ái, và sự sống vị tha. Những dạng thức "đối thoại" cùng Thiên Chúa như thế, tự thân cũng là lời mời gọi căn bản để các thành viên trong gia đình được nên thánh thiện trọn toàn vậy.

Sự cầu nguyện của gia đình được phát sinh tùy thuộc mỗi gia cảnh cụ thể. Lời cầu nguyện tựu trung trình bày những niềm vui nỗi buồn, những thành công, chuỗi thất bại, những chán nản, nỗi thất vọng, dịp mừng sinh nhật, lúc đi xa, khi đoàn tụ, hoặc lúc gặp sinh ly tử biệt... Nghĩa là tất cả những phần của cuộc đời đan xen nối kết lại với nhau. Qua việc cầu nguyện, gia đình dâng lên niềm tin tưởng, phó thác vào lòng Chúa thương xót và tình yêu của Thiên Chúa quan phòng. Gia đình cầu nguyện là truyền dạy đức tin cho con cái biết rằng Thiên Chúa luôn để mắt chăm sóc gia đình của chúng và Người hằng biểu lộ tình yêu của Người cho chúng trong suốt cuộc đời trần thế.

Đời sống cầu nguyện của gia đình Kitô hữu là yếu tố tối cần thiết cho sự phát triển đời sống nhân bản, luân lý, và thiêng liêng của con cái; từ đó giúp các con của mình trưởng thành đức tin công giáo, duy nhất, thánh thiện, và tông truyền.

GIA ĐÌNH: CỘNG ĐỒNG SỐNG YÊU THƯƠNG

Gia đình với tư cách là dòng dõi Vương đế của Đức Kitô, cũng được mời gọi sống phục vụ không những cho riêng gia đình mình mà còn phục vụ cho cả xã hội. Gia đình phải tỏ mình ra là dân vương giả bằng cách sẵn sàng đáp ứng được những nhu cầu của mỗi thành viên trong gia đình với lòng quảng đại, biết yêu thương giúp đỡ nhau, và biết kính trọng lẫn nhau.

Đức tin của gia đình là do nơi Thiên Chúa, là Ðấng đã sai Con Một của Người trở nên Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, và là Ðấng cùng với Người Con, sai Chúa Thánh Thần đến để trở nên Thiên-Chúa-ở-giữa-chúng-ta; để mỗi khi các thành viên trong gia đình yêu thương nhau thì mọi người nhận biết họ là môn đệ Đức Kitô, là con Thiên Chúa (x. Ga. 13,35).

Gia đình là một hình ảnh đặc biệt diễn tả chính hình ảnh và đời sống yêu thương hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đó là một Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, là một sự hiệp thông "cặp ba hoàn hảo". Như thế ơn gọi của gia đình Kitô hữu là ơn gọi sống tình yêu thương dâng hiến, ơn gọi sống tình yêu thương hiệp thông, và như vậy thực sự trở thành hình ảnh của Thiên Chúa trên trần gian này. Ðó là ơn gọi của mọi gia đình con Chúa.

Thực vậy, gia đình là nơi con người gặp gỡ Chúa Kitô qua hiện thân các thành viên trong gia đình. Ðôi vợ chồng không những nhận được tình yêu của Chúa Kitô để trở thành cộng đoàn yêu thương, nhưng họ còn được kêu gọi thông truyền cho mọi người cũng tình yêu này của Chúa Kitô, để xây dựng thế giới này trở thành cộng đồng yêu thương.

Tóm lại, gia đình chính là "vòng nôi" kiến tạo đức tin cho con cái, là "vòng nôi" thông truyền đức tin cho con cái, là "trường dạy" giáo lý đầu tiên cho thế hệ trẻ, là nơi "đào tạo" những Kitô hữu tương lai vững mạnh trong đức tin và gương mẫu trong đời sống đạo đức.

Nguyện xin Thánh Gia Nagiarét, là mẫu gương tin yêu, thánh thiện, đạo đức chuẩn mực của mọi gia đình Công giáo; hướng dẫn, ban ơn, hộ phù, và gìn giữ gia đình mỗi người chúng con trong việc sống đạo, làm chứng, và tuyên xưng đức tin trong thế giới hôm nay.

Cát Biển

875    07-01-2013 21:31:57