Nếu ta nói: cuộc đời là một chuyến đi thì trên chuyến đi này ta nghe - gặp - thấy - đụng chạm- sống… nhiều điều mà có thể, với người này đã quá quen, với ai đó ít biết hơn, với kẻ kia thấy ấn tượng chút chút và với Pô Hial là lần đầu tiên được trải nghiệm. Nó tuyệt vời, thú vị, ngẩn ngơ hay chẳng muốn nó có lại lần thứ hai, tùy vào cảm nhận của mỗi người.
Tin Mừng theo thánh Gioan không nói rõ lần gặp này là thứ mấy giữa Gioan Tẩy Giả, các môn đệ của ông với Thầy Giêsu. “Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: ‘đây là Chiên Thiên Chúa’. Hai môn đệ nghe ông nói liền đi theo Đức Giêsu” (Ga 1,36-37). Nghe nói “liền” đi theo diễn tả sự nhanh nhẹn không đắn đo, đong đếm, có lẽ các ông cũng chưa kịp nghĩ theo Thầy Giêsu để làm gì? (Ga 1, 37). Bước chân len lén theo thần tượng, chợt “các anh tìm gì thế?” Đức Giêsu hỏi nhưng câu trả lời lại là một câu hỏi “thưa Thầy, Thầy ở đâu?” (Ga 1,38). Một cuộc gặp gỡ, làm quen nhạt nhạt làm sao ấy nếu không muốn nói là quá hờ hững.
Gấp vội chiếc áo dòng, sau lễ thánh Têphanô Thể, vị thánh mở đạo Kontum, Pô Hial bước lên chiếc xe bốn chỗ màu đen nhưng không biết mình đi đâu, đi để làm gì? Một sự yên lặng, hơi chút căng thẳng vì sự bê trễ của Pô Hial làm cha trưởng đoàn, Antôn Phan Tự Cường. Op có vẻ không tươi lắm, dù trời hôm nay rất đẹp. Đoàn có năm người, cả bác tài, một người trong đó, Pô Hial chưa từng gặp nên được giới thiệu: cha Phêrô Phan Đình Lập, người Hre, giáo phận Đà Nẵng. Cúi đầu chào thay cho câu nói làm quen, rồi lại thinh lặng. Chuyến xe hướng về Mẹ Măngđen, quốc lộ 24, Quảng Ngãi thẳng tiến. Trên con đường dốc và nhiều khúc quanh ngoằn ngoèo, Pô Hial lặng nghe câu chuyện của hai vị linh mục (cha Antôn Phan Tự Cường.Op và Cha Phêrô Phan Đình Lập), cha là một người Hre mang hai dòng máu, mẹ người kinh, ba người Hre. Làm người Hre – kinh nhưng cha sống trong thế giới người kinh từ thuở ấu thơ nên khi lớn lên, tìm về cội nguồn, cha phải học lại ngôn ngữ của mình.
Đôi ba câu hỏi thăm, làm quen giữa Thầy trò Giêsu hững hờ trong chốc lát, thêm vào đó là lời mời không mấy mặn mà “hãy đến mà xem” (Ga 1,39) nhưng lại là cơ hội để nghĩa tình nối kết nghĩa tình. Các môn đệ đã đến nơi Thầy ở không chỉ để “xem” mà là “ở lại” với Thầy (Ga 1,39). Và rồi, từ cái ngày “ở lại” ấy, ta bén duyên và mắc nợ tình nên Thầy trò khăng khít trên mọi nẻo đường loan báo Nước Trời.
Xe chúng tôi đến xã Hiếu thuộc huyện Kon Plong, Kontum, cha Lập cho biết, ở đây hơn một nửa là người Hre sinh sống và từng làng lưa thưa kéo dài đến các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, Sơn Tịnh, Sơn Thủy, Ba Tơ …. Quảng Ngãi lấn sang huyện An Lão – Bình Định.
Ngắn gọn về người Hre
Tiếng Hrê hay tiếng Hre là ngôn ngữ thuộc nhóm ngôn ngữ Ba Na Bắc thuộc ngữ tộc Môn-Khmer của ngữ hệ Nam Á. Tiếng Hrê có tỷ lệ từ chung khá cao cùng với một số biểu hiện tương đồng với tiếng Ba Na và tiếng Xêdăng. Ngoài ra, trong cộng đồng người Hre còn lưu truyền dạng văn tự cổ sơ nhất dùng để đếm, là "văn tự thắt gút" bằng các gút mây buộc thắt.
Phong tục tập quán:
Thờ nhiều thần linh, "già làng" có uy tín cao và đóng vai trò quan trọng. Hình thức gia đình nhỏ rất phổ biến ở dân tộc này là ở nhà sàn.
Văn hoá:
Có lễ hội đâm trâu, thích sáng tác thơ ca. Ka Choi và Ka Lêu là làn điệu dân ca quen thuộc của đồng bào. Nhạc cụ đa dạng: đàn Brook, Ching Ka La, sáo Ling La...
Trang phục:
Mặc quần áo như người Kinh, riêng cách quấn khăn, trùm khăn vẫn như xưa.
Kinh tế:
Làm lúa nước và chăn nuôi. Nghề đan lát khá phát triển
Xuôi đèo Viôlak, chúng tôi rẽ sang huyện Sơn Hà, khung cảnh thanh bình của làng người Hre đưa Pô Hial từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Từ lâu, trong lòng Pô Hial chỉ có những ngôi làng của người Jrai là chính, đâu đó người Bahnar, người Xêdăng thấp thoáng trong đời sứ vụ. Nay, một khám phá mới với một dân tộc mới, rất thú vị đây! Chúng tôi, gặp – thấy những biểu tượng cúng thần của làng dọc đường, ngay trước của nhà của gia đình, cả cái mới lẫn cũ. Anh chị em trồng cau rất nhiều, làng nào cũng núp dưới những vườn cau khẳng khiu đẹp đến nao lòng. Người Hre, nam nữ đều ăn trầu khi về già. Hiện nay, cau cũng là nguồn thu nhập kinh tế tương đối cho cuộc sống. Nhà sàn lưa thưa, bên những căn nhà theo kiểu người kinh. Các làng, dường như ở núp bên những vách núi chênh vênh, gập ghềnh không bằng phẳng. Những đồng ruộng được chăm chút kỹ lưỡng, vườn nhà xanh tươi với chuồng bò, chuồng heo, cho thấy người Hre chịu khó trồng trọt và chăn nuôi. Dọc đường. chúng tôi cũng ghé thăm bất chợt một gia đình không quen biết, được gia đình tiếp đón vui vẻ. Hiếu khách là một trong những nét rất đẹp đối với người anh em dân tộc nói chung.
Ngang qua Sơn Hà, chúng tôi dùng cơm trưa tại anh Sơn, một gia đình người kinh Công Giáo, Tịnh Giang, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Ở đây, chúng tôi được cha sở Phêrô Hà Đức Ngọc từ giáo xứ Phú Hòa, Quảng Ngãi lên đón tiếp trong niềm hân hoan gặp gỡ.
Chiều chúng tôi rời nhà anh Sơn đến thăm người Hre tại làng Gò Vườn, Sơn Linh, Sơn Hà, Quảng Ngãi. Đây là họ hàng nhà cha Lập, nhiều anh chị em Hre làng này đã theo đạo Tin Lành khoảng 40 năm rồi nên không còn thấy những biểu thượng cúng thần nữa. Nhà nào có biểu tượng cúng thần là y rằng chưa theo đạo. Cũng giống như người Tây Nguyên, khi theo đạo Tin Lành, anh chị em bỏ mọi phong tục của dân tộc mình. Loáng thoáng chút thôi, gặp gỡ vài ba người, ăn tí cơm nhà anh em cha Lập, chúng tôi về giáo xứ Phú Hòa cơm tối và nghỉ đêm ở đó.
Cha Phêrô Hà Đức Ngọc linh hoạt, sôi nổi, khôi hài. Địa bàn cha coi sóc rộng lớn nhưng giáo dân lại sống lẻ tẻ xa nhau mấy chục km. Pô Hial chỉ nhớ vài huyện: Sơn Tây, Sơn Hà, Sơn Tịnh, Sơn Thủy,…Ông cha xứ, chạy xe một ngày không biết có đủ để thăm một cách gọi là “vượt qua” với các con chiên của mình không???
Sáng hôm sau, chúng tôi không về lại đèo Viôlak mà qua ngã huyện Sơn Tây, một vùng núi hiểm trở, với hàng chục làng người Hre sinh sống. Chúng tôi, gặp một gia đình đạo Công Giáo, người Quảng Ngãi lên làm ăn và hai gia đình người Hải Dương đã mười năm định cư ở đây rồi. Chốn xa xôi ấy, những người con của Chúa vẫn hiên ngang thờ phượng Ngài cách công khai đáng phục. Chúng tôi chia tay Sơn Tây về Kon Plong qua hướng Ngọc Tem khi trời đã quá trưa.
Chuyến đi để lại trong tôi nhiều ấn tượng và nhiều điều đáng suy tư trong đời sứ vụ. Ba vị linh mục thuộc ba giáo phận khác nhau:
Cha Antôn Phan Tự Cường.Op giáo phận Kontum, giáo phận truyền giáo chuyên biệt, một giáo phận ưu tiên truyền giáo cho anh chị em người bản địa. Tinh thần cha lúc nào cũng cháy lửa “lên đường” việc gì liên quan đến truyền giáo là cha hào hứng muốn làm ngay.
Cha Phêrô Phan Đình Lập giáo phận Đà Nẵng, linh mục rất trẻ, qua cách nói, chia sẻ của cha, ta đọc được nỗi niềm của một người con ước mong cho dân tộc mình được nhận biết Chúa, làm con Chúa trong giáo hội Công Giáo. Pô Hial nửa đùa nửa thật: “cha xin về làm linh mục giáo phận Qui Nhơn để truyền giáo cho dân tộc mình được không cha?”. Cha trả lời ngay không do dự: “mình còn phải trả ơn cho giáo phận Đà Nẵng nữa, mình đang truyền giáo cho người Kơtu…”
Cha Phêrô Hà Đức Ngọc giáo phận Qui Nhơn, linh mục đã bước qua rồi tuổi trung niên, cha cũng thao thức về việc truyền giáo cho anh chị em người Hre nhưng để bắt đầu từ đâu vẫn chưa khởi động được.
Pô Hial và thầy sáu Vũ, kinh nghiệm về sứ vụ còn quá mỏng chỉ biết nghe và nghĩ với hy vọng sẽ làm nếu có cơ hội.
Một cái nhìn cá nhân Pô Hial
Cánh đồng truyền giáo bao la, mênh mông, còn đó quá nhiều anh chị em nghèo khổ chưa nhận biết Chúa vì không có ai nói cho họ biết cả. Bao năm, Pô Hial ăn-ngủ-ở-nói-tập suy nghĩ để cùng nhịp đập với người Jrai nên đời sứ vụ chỉ có Jrai, dành tất cả cho người Jrai. Nay, được tiếp xúc, dù rất ít với người Hre, Hial chợt thấy sứ vụ của mình nhỏ bé, ngây ngô đến ngại ngùng.
Chúa Giêsu đến thế gian, Ngài “đi” từ xứ này qua nơi khác để rao giảng Nước Thiên Chúa chứ không “ngồi” đợi con người đến xin được ban phát Tin Mừng. Như một người thừa sai là “lên đường” đến mà xem để thấy, ở lại để nghe anh chị em muốn điều gì, ước gì… Ta thường núp an toàn trong những ngôi nhà xứ hoặc tại các cộng đoàn cổng kín, rào cao. Nơi đây “bình lặng” lắm nhưng chưa chắc đã “an” để lâu lâu lên xe chạy một vòng “xem” thôi. Chỉ “xem” thôi nên ta chẳng biết gì về đời sống của người dân hoặc có biết cũng là ngang qua vài người chứ không nghe chính họ nói. Ta không “ở lại” sao ta nghe được tiếng khóc, tiếng kêu của người anh em, ta không “ở” sao ta thấu hiểu nổi thống khổ của dân. Ta giỏi ban phát nhưng ta ngại lắng nghe. Ta thích anh chị em theo cách của mình hơn là một mình ta học cách sống và làm việc của anh chị em. Một lần đi “xem”, Pô Hial không dám nghĩ sẽ có ngày trở lại “xem” lần nữa chứ đừng nói là “ở lại”.
Đời sứ vụ, ta nói rất hay nhưng nhìn lại, ngẫm lại gương của Thầy Giêsu, ta thẹn với lòng, mắc cỡ với những anh chị em và trước mặt Thầy Giêsu, ta là đứa con cù lần cần được Thầy dìu dắt yêu thương để ta cũng biết dìu dắt yêu thương những anh chị em nghèo khổ về bên Thầy. Lạy Thầy! xin thêm Thần Lực của Thầy để giúp con ngày càng lớn lên trong sứ vụ, xin thêm sức khỏe để con không biết mệt mõi trên mọi nẻo đường, xin thêm niềm tin để con vững tin vào Thầy trong những lúc đời sứ vụ trục trặc, xin cho con kiên nhẫn trong mọi tình huống và xin cho con từng giây phút sống, cảm nhận được Thầy luôn ở lại với con.
Pô Hial