Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Gương của Gioan Tẩy Giả dành cho các linh mục

pst23120137adobestock143187143930x450
Một bức bích họa từ đầu thế kỷ XX của Friedrich Stummels, Karl Wenzel và Theodor Nuttgens
về Thánh Gioan Tẩy Giả trong Tiểu Vương cung Thánh đường Rosenkranz ở Berlin. Renáta Sedmáková/AdobeStock


Theo gương Thánh Gioan Tẩy Giả qua bảy khía cạnh đời sống.

Mọi linh mục đều biết rằng Gioan Tẩy Giả là một nhân vật quan trọng trong phụng vụ mùa Vọng. Thật khó để bỏ qua mà không nhắc đến nhân vật này. Là hình tượng nổi bật trong cả bốn sách Tin Mừng theo quy điển, Gioan xuất hiện cách đáng chú ý trong tường thuật về Chúa Giêsu thành Nazareth, chủ yếu vì vai trò quan trọng của Gioan là vị tiền hô cho Đấng Mêsia. Tuy nhiên, chúng ta có thể tự hỏi liệu ngoài phương diện này, Gioan có thể mang đến những bài học đáng giá nào cho sứ vụ và đời sống linh mục ngày nay hay không. Tôi tin là có.

Để bắt đầu, trước hết chúng ta hãy đặt Gioan Tẩy Giả vào một góc độ lịch sử phù hợp. Mỗi người trong chúng ta đều có một lịch sử cho riêng mình, nó định hình phần lớn con người chúng ta và cách chúng ta nhìn nhận bản thân mình. Đối với Gioan cũng thế.

Trước tiên hãy nhớ lại rằng ngay cả khi không có bốn sách Tin Mừng để cung cấp thông tin về Gioan Tẩy Giả, chúng ta vẫn biết về thánh nhân. Gioan xuất hiện cách đầy nổi bật trong các tác phẩm của Flavius Josephus, nhà sử học và biện giáo Do Thái-Rôma vào thế kỷ I, người đã thuật lại những nét cơ bản về lịch sử của Thánh Gioan trong tác phẩm quan trọng của ông “Những cổ vật của người Do Thái” (Các số 18.116-19). Josephus mô tả Gioan là một “người tốt”, người đã rao giảng cho người Do Thái về sự cần thiết của một đời sống nhân đức. Ông cũng thừa nhận sứ vụ “tẩy rửa” (làm phép rửa) của Gioan, không chỉ để được tha thứ tội lỗi mà còn để “thanh tẩy” thân xác. Josephus còn ghi lại việc Gioan bị vua Hêrôđê Antipas giam cầm tại một trong những pháo đài của ông ta, Machaerus, nơi ông ta đã xử tử Gioan vì sợ ảnh hưởng mạnh mẽ của thánh nhân đối với dư luận quần chúng.

Tổng quan ngắn gọn này về cuộc đời của Gioan Tẩy Giả phần lớn phù hợp với thông tin từ các sách Tin Mừng, những nguồn chủ yếu cung cấp thêm về cái nhìn mang tính tôn giáo. Cả bốn sách Tin Mừng đều đặt Gioan vào vai trò của một ngôn sứ, một người rao giảng về lòng sám hối để được ơn tha tội. Cả bốn sách Tin Mừng cũng mô tả về sứ vụ làm phép rửa của Gioan tại sông Jordan và sự nể trọng có phần dè dặt của vua Hêrôđê đối với Gioan vì lòng kính sợ mà đám đông dân chúng dành cho thánh nhân.

Tin Mừng theo Thánh Luca còn cung cấp bối cảnh lịch sử rõ ràng nhất về chính cuộc đời của Gioan Tẩy Giả. Thánh Luca đã đề cập đến người cha đã cao niên của Gioan, ông Dacaria, là một tư tế công chính phục vụ trong Đền Thờ. Người mẹ cũng đã lớn tuổi của Gioan, bà Elizabeth, được cho là hiếm hoi, đã mang thai một cách kỳ diệu và theo sứ điệp của thiên thần, đã đặt tên cho thánh nhân là Gioan. Rõ ràng rằng Thánh Luca đã có ý trình bày chi tiết lịch sử lạ thường này song song với việc thụ thai và sinh hạ kỳ diệu của Chúa Giêsu.

Đến đây mọi chuyện vẫn tốt đẹp. Nhưng điều này có liên quan gì đến các linh mục ngày nay? Chúng ta biết rằng, không giống như chức tư tế của người Do Thái vào thời Gioan, căn tính linh mục của chúng ta không đến từ di sản gia đình. Thực ra, không có gì cho thấy chính Gioan là tư tế. Đúng hơn, thánh nhân là một ngôn sứ sống đời khổ hạnh. Quần áo, chế độ ăn uống và lời rao giảng mang phong cách nghiêm khắc của một ngôn sứ nơi thánh nhân đều toát lên những nét của một người sống tách mình nơi sa mạc để kêu gọi mọi người trở về với Thiên Chúa và sống cuộc đời công chính.

Một số học giả hiện đại đã tìm cách đặt Gioan Tẩy Giả vào bối cảnh cộng đồng Qumran gần Biển Chết. Ngay cả Josephus cũng đề cập đến một nhóm khổ tu tên là “Essenes”, những người ủng hộ việc tuân thủ nghiêm ngặt luật lệ Do Thái của riêng họ. Mặc dù có thể Gioan thuộc nhóm những người như thế nhưng đây cũng chỉ là suy đoán. Chi tiết này không được nhắc đến trong Tin Mừng khi kể về câu chuyện của Gioan.

Tuy nhiên, tôi nghĩ bây giờ chúng ta có thể chuyển sang một sự giải thích rõ ràng hơn về việc làm thế nào để Gioan Tẩy Giả có thể trở thành một gương mẫu đầy hữu ích cho thừa tác vụ linh mục ngày nay. Chúng ta hãy xem xét bảy khía cạnh sau đây của vấn đề này.

Ơn gọi

Thoạt nhìn, có vẻ kỳ lạ khi cho rằng căn tính của Gioan Tẩy Giả bắt nguồn từ ý niệm về một ơn gọi. Nhưng điều quan trọng nằm ở chỗ Gioan không chỉ đơn thuần là chọn lựa căn tính cho mình. Như đã lưu ý ở trên, Thánh Luca so sánh gốc gác của Gioan với gốc gác của Chúa Giêsu để cho thấy chính quyền năng của Thiên Chúa đã định hướng số phận cuộc đời của các ngài như thế nào. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng cha mẹ của Gioan đã không ngần ngại dâng hiến thánh nhân để phụng sự Thiên Chúa như một dấu chỉ tỏ lòng biết ơn về ân sủng bất ngờ mà họ đã nhận được.

Về bản chất, căn tính của Gioan Tẩy Giả là một hồng ân mà thánh nhân đã hết lòng đáp lại. Ngày nay, chúng ta thích nhấn mạnh rằng ơn gọi linh mục không phải là một sự chọn lựa nghề nghiệp. Đó là một hồng ân mà chúng ta đáp lại. Với sự phân định và đào tạo thích hợp, ơn gọi linh mục sẽ trở thành hiện thực và trổ sinh hoa trái. Tài liệu được sửa đổi năm 2016 Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis - Nguyên tắc Căn bản về Đào tạo Linh mục, mà ấn bản thứ sáu của Chương trình Đào tạo Linh mục Hoa Kỳ dựa trên đó, thậm chí còn có tựa đề là “Hồng ân Ơn gọi Linh mục”. Gioan mang đến một gương mẫu về việc đáp lại một hồng ân cao quý như thế.

Căn tính ngôn sứ

Thật hiển nhiên khi gọi Gioan Tẩy Giả là ngôn sứ. Nhưng là kiểu ngôn sứ nào đây? Gioan không được đồng nhất với các ngôn sứ truyền thống vĩ đại của Cựu Ước, mặc dù sứ điệp của thánh nhân có liên hệ đến sứ điệp của Isaia. Chính Chúa Giêsu đã từng gọi Gioan là người vĩ đại nhất trong số những người được sinh ra bởi người nữ, tuy nhiên ngay cả người “bé mọn nhất” (một thuật ngữ Thánh Matthêu ưa thích để chỉ các môn đệ của Chúa Giêsu) trong Nước Trời còn cao trọng hơn Gioan (x. Mt 11,11).

Rõ ràng là Chúa Giêsu cũng nhìn nhận sứ vụ quan trọng của Gioan Tẩy Giả. Người thậm chí còn chịu để cho Gioan làm phép rửa, mặc dù theo trình thuật của Thánh Matthêu, chính Gioan đã tỏ ý khước từ vì sự bất xứng của mình. Hơn nữa, căn tính ngôn sứ của Gioan còn được nhìn nhận rộng rãi vào thời đại của thánh nhân. Tuy vậy, chúng ta phải nhớ lại rằng đó không phải là điều được tự động công nhận. Trên thực tế, căn tính ngôn sứ thực sự không phải là điều chúng ta tự đặt ra cho mình. Đúng hơn, đó là một căn tính bắt nguồn từ bên ngoài, từ nhận thức khách quan. Hãy cẩn thận với những ngôn sứ tự xưng! Thường thì họ là những kẻ lừa bịp. Trong nền thần học hiện đại về chức linh mục, chúng ta khẳng định về sự tham dự của chúng ta vào Căn tính Linh mục Thượng phẩm của Chúa Giêsu là Tư Tế, Ngôn Sứ và Mục Tử. Đó không phải là một sự lựa chọn, mà là một căn tính vốn được trao ban.

Tiền hô

Đặc điểm rõ ràng nhất về căn tính của Gioan Tẩy Giả đối với các Kitô hữu hệ tại ở việc Gioan là vị tiền hô của Đấng Mêsia. Hãy thật cẩn trọng về điểm này. Chúa Giêsu không phải là người kế vị của Gioan; Gioan chỉ là vị tiền hô của Chúa Giêsu! Gioan hiểu rõ rằng sứ mệnh của mình là chuẩn bị cho một Đấng nào đó vĩ đại hơn mình. Gioan chỉ ở đó với tư cách là “tiếng kêu trong hoang địa”. Gioan ở đó là để “dọn đường cho Chúa”.

Chúng ta, các linh mục, cũng thực thi điều tương tự trong sứ vụ của mình. Mọi việc chúng ta thi hành - mục vụ bí tích, rao giảng, dạy dỗ, an ủi những người gặp khó khăn - đều là để dẫn đưa người ta đến với Chúa Giêsu, Đấng chạm đến họ qua lời nói và việc làm của chúng ta. Chúng ta chỉ là công cụ để dẫn đưa mọi người đến được với Đức Kitô, Đấng là Đường, Sự Thật và Sự Sống.

Khiêm nhường

Dường như sự khiêm nhường đầy lôi cuốn của Gioan được thể hiện qua một cung cách nói năng nhẹ nhàng. Gioan không chỉ thấy mình đang phụng sự Thiên Chúa Tối Cao, mà còn thừa nhận mình không xứng đáng ngay cả khi xách dép cho Đấng Mêsia (x. Mt 3,11). Đây không phải là sự khiêm nhường giả tạo. Gioan nhận thấy sứ mệnh của mình thực sự là phục vụ Đấng cao trọng hơn mình. Gioan ở đó để chỉ cho người khác thấy Chiên Thiên Chúa chứ không làm lu mờ Người (x. Ga 1,29).

Thật vậy, điều đáng chú ý hơn nữa là việc Gioan nhấn mạnh rằng Đấng Mêsia “phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30). Điều này gợi nhớ đến một người hầu bàn hoặc một người phục vụ đích thực, người thực hiện công việc phục vụ hiệu quả đến mức làm cho các thực khách hầu như không nhận thấy những gì đã được thực hiện, tất cả chỉ để đảm bảo rằng trải nghiệm của họ mới chính là một thành công mỹ mãn. Các linh mục cũng được mời gọi phục vụ cách khiêm tốn như vậy.

Cầu nguyện

Có thể dễ dàng bỏ qua một đặc điểm khác trong căn tính của Gioan Tẩy Giả vì nó hiếm khi được nhắc đến trong Tin Mừng. Gioan là một người của cầu nguyện. Thánh Luca đã đề cập rõ ràng đến khía cạnh này trong đoạn mô tả về Chúa Giêsu khi cầu nguyện: “Người cầu nguyện ở một nơi kia, và khi Người cầu nguyện xong, một môn đệ thưa Người: ‘Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy dỗ các môn đệ của ông.’” (11,1). Lời nhận xét của người môn đệ đó diễn tả một sự thật chính yếu: Gioan đã cầu nguyện và dạy các môn đệ của mình cầu nguyện. Lời cầu xin này đã dẫn đến việc Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ điều mà chúng ta gọi là Kinh Lạy Cha.

......................................................

Gioan Tẩy Giả là vị tiền hô của Chúa Giêsu

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẩn cầu Thánh Gioan Tẩy Giả trong buổi tiếp kiến chung vào ngày 24 tháng 6 năm 2020, dịp lễ trọng mừng sinh nhật của Thánh Gioan Tẩy Giả, với những lời sau đây: “Chúng ta hãy học từ vị tiền hô của Chúa Giêsu khả năng làm chứng cho Tin Mừng một cách can đảm, vượt lên trên những khác biệt của chúng ta, đồng thời duy trì sự hòa hợp và tình bạn vốn là nền tảng của bất kỳ lời tuyên xưng đức tin đáng tin cậy nào.

Tuy nhiên, đây không chỉ đơn thuần là một lời bình phẩm bên lề. Chúng ta không bao giờ được biết về nội dung hay phương pháp trong đời sống cầu nguyện của Gioan, nhưng vẫn có những gợi ý từ Tin Mừng về điều này. Quần áo và chế độ ăn uống đơn giản của thánh nhân (vải lông lạc đà, thắt lưng da thú, mật ong rừng), và nơi chốn thi hành sứ vụ của thánh nhân trong sa mạc và xung quanh vùng sông Jordan cho thấy đây là một con người có khuynh hướng khổ hạnh. Điều này đã khiến một số học giả đề xuất, như đã đề cập ở trên, một mối liên hệ có thể có với cộng đồng khổ tu ở Qumran gần Biển Chết. Dù vậy, đặc điểm chính yếu là Gioan là một con người của cầu nguyện, một con người thấm nhuần những lời Kinh Thánh mà chính thánh nhân đã loan báo. Bất cứ linh mục nào cũng cần phải duy trì một đời sống cầu nguyện vững chắc và theo đuổi một lối sống đơn sơ như thế.

......................................................

Sự tha thứ

Các Tin Mừng đều liên kết một cách thống nhất sứ vụ của Gioan Tẩy Giả với việc làm phép rửa để được ơn tha tội. Mặc dù vẫn có khoảng cách giữa thực hành của Gioan với phép rửa đầy uy thế mà Người đến sau thánh nhân là Đấng Mêsia sẽ mang đến (nhờ Chúa Thánh Thần và lửa!), tuy nhiên, Gioan vẫn kêu gọi mọi người xung quanh ăn năn sám hối về tội lỗi của họ. Gioan kêu gọi mọi người hãy hoán cải.

Sự hoán cải đòi hỏi chúng ta phải nhận ra những lỗi lầm và sự cần thiết phải thay đổi cuộc đời mình. Thực vậy, Mùa Vọng có nền tảng là mùa hoán cải. Đối với Gioan Tẩy Giả, lời kêu gọi tìm kiếm sự tha thứ cũng bao gồm những lời cảnh báo về việc không để tâm đến lời kêu gọi này. Gioan cảnh báo dân chúng về sự cần thiết của một cuộc hoán cải đích thực, để sinh ra “trái tốt” chứ không chỉ đơn thuần là một sự hoán cải giả tạo. Thánh Matthêu đặc biệt nhấn mạnh về điểm này khi diễn tả sứ điệp của Gioan và sứ điệp của Chúa Giêsu về cơ bản là giống nhau: “Hãy sám hối [metanoiete trong tiếng Hy Lạp], vì Nước Trời đã đến gần!” (x. Mt 3,2; 4,17)

Như chúng ta đã biết, các linh mục chúng ta luôn được kêu gọi đảm nhận sứ vụ tha thứ. Nó bao gồm cả một lời kêu gọi để sống công chính hơn và một sự cam đoan về lòng thương xót không giới hạn của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô đã biến điều này thành một tiêu chuẩn hàng đầu nơi lời rao giảng và giáo huấn của ngài. Một trong những khía cạnh sâu sắc nhất trong sứ vụ của chúng ta là Bí tích Hòa giải. Bí tích này không chỉ đảm bảo cho mọi người về ơn tha thứ của Thiên Chúa mà còn củng cố nhu cầu được biến đổi không ngừng nhờ ân sủng của Người.

Sự tử đạo

Bây giờ chúng ta đến với điểm đáng chú ý nhất dành cho các linh mục theo gương Gioan Tẩy Giả: chính là cuộc tử đạo của thánh nhân. Là một cựu giáo sư chủng viện, tôi nhớ rằng mình đã nhiều lần chủ sự Thánh lễ hàng ngày vào dịp đầu năm học. Khi chúng tôi cử hành lễ Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết vào ngày 29 tháng 8, thì đó cũng thường là lúc buổi định hướng hoặc những ngày đầu của học kỳ mới bắt đầu. Ngày lễ này đã khơi dậy một sự thức tỉnh mạnh mẽ đối với một số chủng sinh, vì có thể nhiều người trong số họ đã bước vào chủng viện với những viễn cảnh đầy tươi sáng về việc trở thành một linh mục sẽ trông như thế nào. Họ hình dung về những chiếc collar kiểu Rôma, lòng ngưỡng mộ của mọi người, sự trọng vọng trước mắt và những thứ tương tự. Ngày lễ vào dịp đầu năm học này đã dội một gáo nước lạnh vào bất kỳ quan niệm ảo tưởng nào như vậy. (Sau những vụ bê bối lạm dụng tình dục trong giới giáo sĩ, có lẽ những hình ảnh tích cực như vậy không còn dễ dàng xuất hiện trong tâm trí! Nhưng đó lại là một vấn đề khác.)

 

screenshot20231114at103223pm768x578
 “Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết”, một bức bích họa nằm trên trần Nhà thờ Thánh Gioan Tẩy Giả ở Zagreb, Croatia.
zatletic/AdobeStock


Sự tử đạo này không có nghĩa là được hiểu theo nghĩa đen. May mắn thay, chỉ có ít linh mục được kêu gọi hy sinh mạng sống theo cách này. Tuy nhiên, Gioan Tẩy Giả nhắc nhở rằng chức linh mục không phải là một cách sống dễ dàng. Mặc dù sự thật là các linh mục thường được nhiều người đánh giá cao - đặc biệt là giáo dân của các ngài - nhưng những lời hứa vâng phục, độc thân khiết tịnh và đời sống đơn sơ của chúng ta thường đòi hỏi nhiều hy sinh hơn bao giờ hết. Bản thân Gioan dường như cũng được đánh giá cao như thế. Ngay cả vua Hêrôđê Antipas cũng nể sợ Gioan và chỉ miễn cưỡng cho chém đầu thánh nhân (theo trình thuật của các sách Tin Mừng). Nhưng việc phải trả cái giá đắt nhất để phục vụ Đấng Mêsia vốn là vận mệnh của Gioan, và số phận của Gioan cũng khuyến khích người khác làm như vậy.

Tóm lại, các linh mục chúng ta thực sự có thể tìm thấy nơi Gioan Tẩy Giả một gương mẫu đáng để noi theo.

 

Tác giả: Lm. Ronald Witherup* - Nguồn: The Priest (15/11/2023)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

 ------------------------------------

* Linh mục Ronald Witherup là cựu bề trên tổng quyền của Hội Linh mục Xuân Bích (Society of Saint Sulpice) và là tác giả của nhiều cuốn sách về các chủ đề Kinh Thánh và thần học. 

315    26-11-2023