Sidebar

Thứ Hai
29.04.2024

Hằn đau quá sâu để không chạm tới được – Một trong các nguyên do của tự tử

 

Cách đây gần 700 năm, nhà thơ Hafiz đã viết bài thơ mang tựa đề Chúng ta nên nói về vấn đề này (We Should Talk About This Problem). Trong đó, Thiên Chúa nói với một tâm hồn bị thương tổn:

Có một Tạo vật Xinh đẹp

Sống trong hố do mình đào ra …

Ta đã thường cất tiếng hát, nhưng người yêu dấu ơi,

Người vẫn mãi vô tâm.

Ta phải lòng Ai đó,

Người đang ẩn mặt trong ngươi.

Đó là cảm giác của Thiên Chúa, và có lẽ của chúng ta nữa, khi có người lâm cảnh suy thoái muốn tự tử. Ít có chuyện gì hủy hoại chúng ta cho bằng việc có người thân tự tử. Đó là tổn thương khủng khiếp vì mất người mình thương quá đột ngột, chỉ với sự kiện này mới làm chúng ta khụy gối xuống; thêm vào đó, việc tự tử sẽ còn gây nên những xúc cảm tâm hồn, khổ sở, rối loạn, tội lỗi, phê phán, và băn khoăn về tôn giáo. Chúng ta mất họ ở điểm nào? Chúng ta có thể làm được gì? Trước Thiên Chúa, người đó sẽ ra sao?

Chúng ta cần nói về việc này như thế nào đây? Trước hết, tự tử là một bệnh và chung chung đó là căn bệnh ít được biết nhất trong các căn bệnh. Nó đẩy con người ra khỏi cuộc sống, ngược với ý muốn của họ, sự tổn hại về mặt tinh thần tương đương như bệnh ung thư, đột quỵ, hay trụy tim. Tiếp theo, chúng ta, những người ở lại, không cần thiết phải có những phê phán không đáng thêm vào như chúng ta đã bị mất họ cách nào, đáng lý chúng ta nên chú ý gì, nên làm gì để ngăn việc tự tử này. Tự tử là một bệnh, và như những bệnh khác, chúng ta có thể yêu người bệnh nhưng không cứu sống họ được. Thiên Chúa cũng thương người đó, và cũng như chúng ta, ở khía cạnh vĩnh cửu, cũng không làm gì khác được. Cuối cùng, mặt khác, chúng ta không nên lo lắng quá về việc họ sẽ đối diện với Thiên Chúa như thế nào. Tình yêu của Thiên Chúa, không như của chúng ta, tình yêu đó có thể đi qua các cánh cửa đóng kín và chạm đến được cả những điều mà tự nó đã không cho chúng ta làm được như vậy.

Liệu điều này có giảm nhẹ cho việc tự tử? Không. Ai đã từng quen họ trước khi họ tự tử hay phải hứng chịu nỗi đau từ cái chết đó thì biết không thể giảm nhẹ cho việc đó được. Không có nỗi đau nào như nỗi đau mà tự tử giáng xuống. Không người lành mạnh nào muốn chết và không ai lành mạnh mà muốn gieo nỗi đau này lên người mình yêu thương. Và đó là điểm: Chỉ xảy ra ở người không lành mạnh. Sự kiện thông thường rằng có loại thuốc có thể ngăn chặn việc tự tử cũng nói lên được điều gì đó.

Tự tử, trong hầu hết trường hợp, là một bệnh lý chứ không phải một tội. Không ai lành mạnh mà tự nguyện tự tử và nỗi đau của người thân qua cái chết này thì đau hơn là nỗi đau khi người thân vì bệnh ung thư hay một bệnh nào khác mà tự nguyện chết. Nạn nhân của tự tử (trong hầu hết trường hợp) là người bị giam hãm, bị kẹt trong ngọn lửa, họ rơi vào những xáo trộn riêng tư mà gốc rễ nằm trong tâm hệ và trong hệ sinh hóa của họï. Trong hầu hết trường hợp, tự tử là một nỗ lực tuyệt vọng để kết thúc nỗi đau không chịu đựng nổi, gần giống như người nhảy ra khỏi tòa nhà cao tầng vì áo quần đang bùng cháy.

Nhiều người trong chúng ta đã biết nhiều nạn nhân tự tử và chúng ta cũng biết, trong hầu hết trường hợp, người đó không quá tự phụ, kiêu căng, muốn làm tổn thương người khác. Xét tổng thể thì ngược lại. Chính ra nạn nhân có những vấn đề ung hoại vì họ bị tổn thương, non nớt và nỗi đau hằn quá sâu để có thể có được sức bật cần thiết giúp họ trở lại với cuộc sống. Chúng ta, những người đã từng mất người yêu thương vì tự tử biết rằng vấn đề đó không phải vì sự mạnh mẽ nhưng là vì sự yếu đuối, vết thương của họ quá hằn sâu đến không chạm tới được.

Tôi còn nhớ một lời bình đã nghe ở đám tang của một nạn nhân tự tử. Bài giảng của vị linh mục thật tệ, ám chỉ rằng tự tử theo một nghĩa nào đó là lỗi phạm của người này và tự tử luôn luôn là hành động rốt cùng của tuyệt vọng. Sau khi nghe xong, một láng giềng của nạn nhân bày tỏ sự bất mãn với bài giảng. Ông than: “Có nhiều người trên thế giới này nên tự tử hết đi, nhưng loại đó thì chẳng bao giờ làm vậy! Còn người này là người cuối cùng tự tử mới đúng vì đó là người nhạy cảm nhất mà tôi từng gặp!” Một quyển sách có thể bắt đầu với câu này. Người hiền lành thường thường là người thất bại trong cuộc chiến ở thế gian này.

Cuối cùng, chúng ta không nên quá lo lắng về việc người thân tự tử của chúng ta sẽ gặp Chúa như thế nào. Như Chúa Giêsu đã quả quyết, Thiên Chúa có một tình thương đặc biệt cho những ai bị hằn sâu trong đau khổ, bị tổn thương, Người sẽ chạm đến họ. Đức Giêsu cũng đoan chắc với chúng ta rằng tình yêu Thiên Chúa có thể đi qua các cánh cửa đóng kín và vào trong các tâm hồn tan vỡ, giải thoát họ khỏi vòng kềm tỏa, giúp họ những gì mà chúng ta không còn giúp được. Thiên Chúa không khóa trái nơi chúng ta ở. Ngài có thể xuyên qua nó.

Và như thế những người thân yêu từng là nạn nhân tự tử của chúng ta, bây giờ đang ở trong vòng ôm của Chúa, vui hưởng tự do mà họ đã không bao giờ có trọn vẹn nơi trần gian này. Họ đang được chữa lành bởi một giao tiếp mà họ chưa bao giờ nhận được trọn vẹn như thế từ chúng ta.

J.B. Thái Hòa dịch

1147    23-10-2017