Sidebar

Thứ Hai
06.05.2024

Hôn Nhân Kitô Giáo Và Sự Đòi Hỏi Của Lời Cam Kết - 1

 

 
Có thể nói, vấn đề quan trọng mà gia đình Kitô giáo ngày hôm nay phải đối diện là gia đình đang chuyển dần từ bình diện tôn giáo sang bình diện con người. Điều đó có nghĩa là mối bận tâm chính của đôi hôn nhân không còn nằm ở vấn đề có hay không cùng một niềm tin tôn giáo; thay vào đó, họ phải trả lời cho vấn đề có hay không một nền tảng hôn nhân. Bởi lẽ sự khác biệt giới tính về mặt sinh học đáng ra phải có tầm quan trọng về mặt tự nhiên, nhưng dường như người ta dần cho rằng sự khác biệt ấy chỉ là sản phẩm của văn hoá mà mỗi người có thể thay đổi tuỳ quan niệm của mình. Nói khác đi, đó là sự chối bỏ, thậm chí phá huỷ chính định chế hôn nhân và gia đình, cách riêng đối với hôn nhân và gia đình Kitô giáo.[1]
 
Quả thật đó là một thứ nghịch lý của thời đại hôm nay. Vì lẽ, đang khi gia đình vẫn được xem là tế bào xã hội, cái nôi hình thành nhân cách con người và là trường học đầu tiên của nhân loại thì tổ chức gia đình hay việc cấu thành nên chính tế bào đầu tiên ấy lại đang có nguy cơ bị phá bỏ, nghĩa là gia đình không nhất thiết phải gồm có cha mẹ và con cái. Hiểu như thế thì gia đình không nhất thiết phải được xây dựng trên mối dây hôn phối. Vẫn có những đứa trẻ ra đời mà mẹ chúng không cần phải có người cha cho chúng. Hoặc có những gia đình mà nền tảng không đặt trên mối tương quan liên vị trong sự ràng buộc của dây hôn phối nên họ dễ dàng ly dị mà không nghĩ đến chuyện cứu vãn trong mọi khả năng.
 
Chúng ta bắt gặp ở đây hai trở ngại lớn. Thứ nhất, về mặt tiến triển của lịch sự nhân loại, rõ ràng, vấn đề hôn nhân một vợ một chồng chỉ mới được đặt thành vấn đề như một định chế mới đối với định chế cũ trong quá khứ. Vậy điều này có cho phép kết luận rằng dây hôn phối chẳng qua cũng chỉ là một thứ thủ tục không hơn không kém mà cùng với sự tiến bộ, con người thấy cần thiết cho sự phát triển nhận thức của mình? Chính đây là cơ sở cho lập luận phá bỏ nền tảng gia đình dựa trên tính thiết yếu của dây hôn phối. Vấn nạn của xã hội hiện đại, nhất là quan niệm về hạnh phúc và tự do trong việc quyết định xây dựng hay phá vỡ một “tế bào xã hội”, ở chỗ không ít người trẻ hôm nay cho rằng nền tảng để giải quyết vần đề hôn nhân và gia đình không gì khác hơn là việc tương đối hoá mọi ý nghĩa và định chế hầu giản lược tất cả thành một thứ tự do tuyệt đối qua việc tìm kiếm hạnh phúc của cá nhân. Đáp trả cho vấn đề này, chúng ta cùng tìm câu trả lời dưới góc độ Kinh thánh trong việc khám phá ý định của Thiên Chúa khi chính Người là Đấng đã tác hợp cho gia đình đầu tiên của nhân loại. Thứ hai, chúng ta sẽ trả lời cho vấn nạn về “sự bất khả phân ly” trong hôn nhân qua giáo huấn của Đức Giêsu về việc có cho phép ly dị hay không. Trên cơ sở đó, vượt xa hơn vấn đề tự nhiên để bước vào lãnh vực ân sủng, chúng ta cùng xác định lại nền tảng gia đình qua bí tích hôn phối. 
 
Cuối cùng, khi đặt gia đình trong viễn tượng của Nước Trời đang đến, chúng ta thấy đó là một cộng đoàn thánh, nơi gìn giữ và nuôi dưỡng những nhân vị thánh tiếp nối công trình tạo dựng của Thiên Chúa mà vì tình yêu Người đã để cho tình yêu được tiếp nối trên quả đất này.
 
I. THÁCH ĐỐ CỦA HÔN NHÂN KITÔ GIÁO THỜI HIỆN ĐẠI
 
Thế kỷ 20 vừa qua đánh dấu một sự thay đổi về bản chất và nhiệm vụ trong hôn nhân phương Tây. Hôn nhân không còn là nhiệm vụ xã hội, không phải tuân theo ý muốn cha mẹ, cưới trước yêu sau. Thay vào đó, hôn nhân là quyền lợi của cá nhân và khởi đi từ tình yêu của đôi hôn nhân. Kéo theo hôn nhân là sự thay đổi về bản chất và nhiệm vụ của gia đình. Thế chỗ cho những gia đình nhiều thế hệ là những gia đình hạt nhân. Gia đình thôi không còn là nền tảng của xã hội nữa nhưng chỉ là một đơn vị giữa bao đơn vị khác. Ngay cả việc giáo dục trong gia đình giờ đây cũng được chuyển sang cho xã hội.[2]
 
Một chuyển biến như thế không phải là không có trong bối cảnh hôn nhân gia đình Việt Nam. Lưu ý về vấn đề này, Hội Đồng Giám mục Việt Nam cho thấy:
 
…Có những gia đình đang trở thành một thứ quán trọ thay vì là tổ ấm yêu thương. Có nhiều người cao tuổi bị con cái bỏ rơi, không nơi nương tựa. Nạn bạo hành gia đình còn khá phổ biến, đặc biệt nhiều phụ nữ chưa được tôn trọng và yêu thương xứng đáng với phẩm giá con người. Tỷ lệ ly hôn ngày càng gia tăng và hậu quả là những trẻ em thất học, trẻ em bỏ nhà đi bụi đời ngày càng nhiều.[3]
 
Thông điệp Familiaris Consortio trong khi thấy được những tích cực về ý thức tự do cá nhân cũng như mối quan tâm nhiều hơn về tương quan liên vị trong hôn nhân thì đồng thời cũng cho thấy sự thoái hoá đáng lo ngại về một số giá trị căn bản. 
 
Một quan niệm sai lầm trên lý thuyết và thực hành về sự độc lập giữa hai vợ chồng với nhau…những khó khăn cụ thể trong việc lưu truyền các giá trị như nhiều gia đình đã cảm nghiệm, con số các vụ ly dị gia tăng, vết thương về sự phá thai, việc dùng các phương pháp làm tuyệt đường sinh sản ngày càng nhiều, việc hình thành một não trạng đích thị là não trạng chống thụ thai.[4]
 
Một mối lo ngại thực tế của các Kitô hữu trong bối cảnh xã hội ngày hôm nay đó là việc thực hành đức tin của họ dường như cho thấy họ chỉ đang cố giữ lấy một thứ giáo lý hà khắc. Đang khi đó, những đổ vỡ hôn nhân lại không là vấn đề nằm ngoài đời sống của Kitô hữu. Sự phức tạp trong các cuộc hôn nhân mà một bên phối ngẫu không là Kitô giáo càng cho phép người ta thấy thuyết phục hơn khi muốn tách bạch rõ ràng giữa hôn phối theo đạo và đời. Hơn thế nữa, việc tái hôn là một trong những vấn nạn đối với đôi hôn nhân Kitô giáo đã ly thân. Thế nên, việc “rối đạo” là nỗi sợ hãi hơn là lời cảnh báo giúp người tín hữu một lần hồi tâm cứu vãn tình trạng hôn nhân của mình. Não trạng này đang dần lớn lên và cho thấy ảnh hưởng không nhỏ của nó đối với nhận thức về tình yêu, hôn nhân và gia đình nơi thế hệ trẻ. Thông điệp, một lần nữa nêu lên rằng: 
 
Sự lan tràn của nạn ly dị và ngay cả các tín hữu cũng đòi được tái hôn sau khi ly thân; về quan niệm chỉ chấp nhận cử hành hôn phối theo phần đời, ngược hẳn ơn gọi của những người đã được rửa tội là “lấy nhau trong Chúa”; về việc cử hành bí tích Hôn phối mà không có đức tin sống động, nhưng chỉ vì những lý do khác; về sự phủ nhận những nguyên tắc luân lý đang soi sáng và nâng đỡ việc thực hành tính dục trong hôn nhân một cách nhân bản và Kitô giáo.[5]
 
Trên bình diện thần học, những cuộc tranh luận lịch sử đã cho thấy có thời người ta muốn tách rời giữa khế ước và bí tích vì cho rằng điều này không thuộc về chân lý đức tin.[6] Lịch sử Hôn nhân Công giáo đã từng trải qua những cuộc tranh luận về tính bí tích và khế ước của hôn nhân Công giáo. Trong quyển Doors to the Sacred, Joseph Mortos đã nêu lên quan điểm của Luther về vấn đề này. Theo ông, Luther cho rằng hôn nhân do Chúa thiết lập nhưng không phải là bí tích, mà đúng hơn đó là một định chế tự nhiên và xã hội nên thuộc về luật tự nhiên và dân sự chứ không thuộc luật Giáo Hội.[7]
 
Ngày nay, không thiếu những lập luận theo những nguyên tắc tương đối hay theo một thứ luân lý hoàn cảnh nào đó để cho thấy rằng một đòi buộc về hôn nhân như là giao ước tình yêu, đồng nhất và bất khả phân ly là điều quá khắt khe và không có nền tảng thực tế. Rõ ràng, khi mà cuộc sống hiện đại càng ngày càng cho thấy người ta khó có thể áp dụng một quy tắc tổng quát nào đó cho tất cả mọi người trong những hoàn cảnh cá biệt cụ thể của họ thì việc xem hôn nhân là bất khả phân ly dường như trói buộc tự do con người trong việc mưu cầu hạnh phúc chính đáng. Hôn nhân giờ đây được coi chủ yếu là một cách diễn tả tình yêu của hai người nam nữ. Tiến xa hơn nữa, vấn đề được đặt lại trong tính cách nền tảng của hôn nhân khi mà lối nhìn về sự ràng buộc hôn nhân là một hữu thể siêu hình đang bị thay thế dần bởi cái nhìn mang tính nhân vị hơn trong hôn nhân. Hơn thế, phải chăng đang khi lập luận về tính bất khả phân ly của hôn nhân dựa trên việc diễn tả tình yêu giữa Đức Kitô và Hội thánh thì cuộc hôn nhân ấy bao giờ cũng mang tính bí tích và vĩnh viễn vì tình yêu trong cuộc hôn nhân ấy phải là tình yêu thuỷ chung, tha thứ và tự hiến; nhưng một khi cuộc hôn nhân không còn thể hiện và diễn tả được tình yêu như thế thì thực tế tính bí tích không còn nữa nơi hôn nhân ấy và có thể được kết thúc bằng việc ly dị? Và thật nan giải khi thực tế lại cho thấy rằng việc bất khả phân ly của hôn nhân không làm cho người Kitô giáo e sợ vấn đề ly dị, thay vào đó dường như nó ngăn cản không cho người ta hiệp thông với Hội thánh.[8] Phải nghĩ suy xem vấn đề sẽ tiến xa thêm đến mức nào, cha Raniero Cantalamessa, OFM., vị giảng thuyết của Phủ Giáo Hoàng, qua cuộc phỏng vấn của thông tấn xã Zenit, đã nói về việc cứu thoát gia đình khỏi một tiến trình “tan rã” đi ngược lại bản chất Kitô giáo: đó là việc thoát khỏi hoàn cảnh quá khích đưa đến kết quả “phi nhân” qua chính việc muốn bải bỏ nền tảng giới tính của con người.[9]
 
Như vậy, vấn đề của hôn nhân Kitô giáo có thể nói không phải là tìm ra một phán quyết mang tính luật lệ như lịch sử đã cho thấy, nhưng là làm sao để chính mỗi đôi hôn nhân, khi tự do tiến đến với nhau qua lời cam kết, ý thức đủ rằng họ đang bước vào một đời sống mới mà đức tin cho biết lời cam kết ấy là hoàn toàn khả tín và không có gì có thể phá vỡ được. Chỉ trong ý nghĩa đó, cái nhìn quân bình về nền tảng hôn nhân mới làm sáng lên những vấn đề về phẩm tính của tình yêu, tình dục và sự sinh sản con cái … mà những não trạng quá đề cao tự do cá nhân hay tuyệt đối hoá một thứ tình yêu ích kỷ đã làm chệch hướng chọn lựa của con người.[10]
 
II. NỀN TẢNG BẤT KHẢ PHÂN LY CỦA HÔN NHÂN KITÔ GIÁO
 
Chỉ có thể trả lời cho vấn đề này một khi chúng ta phải thành thật thừa nhận rằng giá trị của lời cam kết mà đôi hôn nhân một khi hoàn toàn tự do ưng thuận để công khai nói lên như một hành vi nhân linh thì hoàn toàn mang tính khả tín trong chính bản chất của nó. Bởi lẽ, nếu chúng ta phủ nhận sự khả tín mà chính chúng ta đã tự do nói lên ấy thì không thể là hành vi của chủ thể tự do. Điều mâu thuẫn ấy tố cáo chính chúng ta. Tuy nhiên, một khi xác tín vào sự khả tín, chúng ta được mời gọi khám phá nền tảng của chính sự khả tín ấy, một nền tảng đảm bảo cho sự bền vững trước những thay đổi mà chúng ta không thể dự liệu một khi dấn thân vào chính lời cam kết của chúng ta.[11]
 
1. Cựu Ước
 
Bản văn Sáng thế mà Đức Giêsu đã từng trưng dẫn làm chúng ta phải suy nghĩ nhiều về nền tảng hôn nhân trong lịch sử Dothái mà Thánh Kinh Cựu Ước ghi lại. 
 
Sách Sáng thế đã viết về cuộc tạo dựng và hôn nhân của đôi vợ chồng đầu tiên như thế này: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.” (St 2,24). Bản văn được ghi chép trong chính bối cảnh của văn hoá Dothái, một nền văn hoá mang nặng tính phụ hệ trong hôn nhân, nghĩa là người đàn ông sau khi lập gia đình vẫn tiếp tục sống gần nhà cha mẹ mình. Chỉ có người vợ là phải rời bỏ nhà mình mà đến sống với chồng. Nhưng ở đây, bản văn cho chúng ta biết, người đàn ông lại lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình. Việc lìa bỏ không được hiểu mang tính tuyệt đối như bỏ rơi hay đoạn tuyệt. Trái lại, lối diễn tả ấy cho thấy từ đây trong cuộc đời người chồng đã có một sự thay đổi trật tự các ưu tiên. Trước đây, ưu tiên hàng đầu đối với anh là cha mẹ. Nay, thứ tự ấy được chuyển sang cho người vợ. Có lẽ, cuộc sống hiện đại làm cho chúng ta khó hình dung ra sự thay đổi ấn tượng này, bởi lẽ trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ trong xã hội hiện đại thường bị lãng quên. Trái lại, trong xã hội Dothái xưa, tôn kính cha mẹ là điều bắt buộc đối với con cái và việc “thờ cha kính mẹ” chỉ xếp sau việc thờ phượng Thiên Chúa mà thôi. Bởi thế, sự lìa bỏ này quả thật bất ngờ khiến chúng ta phải chú ý, nhất là hành động ấy lại khởi đi từ một cuộc hôn nhân.[12]
 
Tiếp sau sự lìa bỏ này, sách Sáng thế thuật lại rằng người đàn ông trở nên gắn bó với vợ mình. Điều này gợi lên tình yêu và sự bền vững như là hai đặc tính của hôn nhân. Đó là sự quyến luyến và gắn bó của đôi vợ chồng như thể con cái Israen gắn bó với gia nghiệp của mình (xc. Ds 36,7.9), như sự thúc bách của lòng yêu mến mà Isaraen phải có với Đức Chúa của họ (Đnl 10,20; 11,22; 13,5…). Việc lìa bỏ cha mẹ và nên gắn bó với nhau của đôi vợ chồng dẫn chúng ta đến cái nhìn về hôn nhân như một giao ước mà chính Israen đã có kinh nghiệm về giao ước Thiên Chúa đã lập với họ.[13]
 
Tuy bản văn Sáng thế không cho chúng ta thấy chứng thực về chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Nhưng một kinh nghiệm xương máu mà các ngôn sứ thời xưa đã rút ra đó là sự trừng phạt đến từ việc dân được tuyển chọn không sống đúng với ơn gọi của họ. Lẽ ra, họ phải là dân sống thánh thiện với những chuẩn mực cao về luân lý và đạo đức; họ phải nêu gương bác ái công bình với đồng loại và không được chạy theo các thần ngoại bang. Chính thực tế không như mong muốn ấy mà các ngôn sứ đã lấy tình yêu thuỷ chung giữa hai vợ chồng làm lý tưởng cho nền luân lý hôn nhân, một trong những nét của nền luân lý mới mà họ rao giảng nhằm đề cao tấm lòng son sắt mà Iarael phải có với Giavê là Chúa của họ, Đấng hằng trung tín và không bỏ rơi dân bao giờ.[14]
 
Như vậy, dòng lịch sử của Cựu Ước mặc dù cho thấy sự “trơn trượt” về một tình yêu hôn nhân bất khả phân ly, nhưng như Đức Giêsu đã nói, sự trơn trượt ấy không nằm trong ý định của Thiên Chúa bởi từ ban đầu thì không có chuyện phân ly trong hôn nhân. Chúng ta chỉ mới thoáng thấy được điều này qua lối diễn tả của các ngôn sứ về một tình yêu chung thuỷ như ước mơ và cũng là khẳng định mang tính đòi buộc Dân Thiên Chúa phải sống theo đường lối của Người.
534    02-07-2018