Sidebar

Thứ Năm
02.05.2024

Lời Chủ Chăn: Giáo Hội là dân do Ba Ngôi quy tụ

ducchapherohuynhvanhai123456789101112


Kính gửi: Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long.

Thưa anh chị em, trong năm nay chúng ta sẽ chọn mười hai đề tài dựa theo chủ đề mục vụ năm 2022 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam : Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo Hội và xã hội. Giáo phận Vĩnh Long, trong Gợi ý Mục vụ lần III, sẽ nói về Giáo Hội là do Ba Ngôi Thiên Chúa quy tụ được trích trong Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo và Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium).

Giáo Hội. Trước hết, chúng ta tìm hiểu vắn tắt về Giáo Hội là gì? Tham khảo nhiều Tự điển Thần học, sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, chủ yếu Giáo Hội là một cuộc tập họp Dân Thánh của Thiên Chúa trong Chúa Kitô, vào những thời gian sau cùng và mang tính tôn giáo (Rm 1, 7; 1 Cr 1, 2). Dĩ nhiên Giáo Hội đó đến từ trời cao, được Chúa Giêsu thành lập là Giáo Hội của Thiên Chúa (2 Tx 1. 4; 1 Tm 3, 5; 3, 15 v.v...). Giáo Hội là nơi dùng để xây dựng đời sống nội tâm và sự thánh thiện giữa lòng nhân loại. Giáo Hội là Israel mới của Chúa được Thánh Phaolô minh họa: “Chúc tất cả những ai sống theo quy tắc ấy, và chúc Ít-ra-en của Thiên Chúa được hưởng bình an và lòng thương xót của Người” (Gal 6, 16) một Dân Mới của Chúa: “Xưa anh em chưa phải là một dân, nay anh em đã là Dân của Thiên Chúa” (1 Pr 2, 10). Giáo Hội là một mầu nhiệm được dấu kín từ muôn đời trong Thiên Chúa, và đã được măc khải vào những thời gian sau cùng này: “Vinh danh Thiên Chúa, Đấng có quyền năng làm cho anh em được vững mạnh theo Tin Mừng tôi loan báo, khi rao giảng Đức Giê-su Ki-tô. Tin Mừng đó mặc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa, nhưng nay lại được biểu lộ như lời các ngôn sứ trong Sách Thánh” (Rm 16, 25-26).

Từ ngữ Giáo Hội được dùng để chỉ xã hội pháp lý, tức cơ chế phục vụ cho cộng đồng: thánh hóa, giảng dạy và cai quản cộng đồng này, nắm giữ chức tư tế, ngôn sứ và vương đế.

Một nghĩa khác, Giáo Hội cũng được hiểu là yếu tố phẩm trật bên trong xã hội trên đây: đó là những vị (Giám mục hiệp nhất với Đức Giáo Hoàng) có nhiệm vụ triệu tập Dân Chúa, nuôi dưỡng đoàn chiên bằng Lời Chúa và các Bí tích, và hướng dẫn đoàn chiên này.

Giáo Hội hữu hình, Giáo Hội vô hình. Giáo Hội là hữu hình xét về mặt xã hội, có cơ chế, có phẩm trật, có các Bí tích, nghĩa là theo phương diện các phương tiện của ơn Cứu độ; Giáo Hội là vô hình phần nào đáp ứng phương diện thần linh chứa đựng những thực tại vô hình, những người được kêu gọi không thể tách rời khỏi Giáo Hội, sống trong chiêm niệm. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo 771 viết về Giáo Hội hữu hình và vô hình: “vừa là một xã hội… có tổ chức theo phẩm trật, vừa là Thân Thể mầu nhiệm của Đức Kitô; - vừa là một tập thể hữu hình vừa là một cộng đoàn thiêng liêng; - vừa là một Hội Thánh được phong phú bởi những của cải trần thế vừa là một Hội Thánh được phong phú bởi những của cải thiên quốc”.  

Những đặc tính của Giáo Hội. Những đặc tính này được xác nhận để chứng minh rằng Giáo Hội Rôma là Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô, của Phúc Âm và của các Giáo Phụ mà không Giáo Hội nào khác có đủ các đặc điểm này. Hồi đầu, người ta thường kể ra nhiều đặc tính, nhưng từ thế kỷ XIX, người ta quy về 4 đặc tính lớn này: duy nhất, thánh thiện, công giáo, tông truyền. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo 865 xác định: “Hội Thánh là Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền trong căn tính sâu xa và tối hậu của mình, bởi vì nơi Hội Thánh, “Nước Trời”, “Nước Thiên Chúa” đã hiện hữu và sẽ được hoàn thành trong ngày tận thế…” (x. SGLHTCG 811-865)

Giáo Hội được Thiên Chúa Ba Ngôi quy tụ

Giáo Hội được Thiên Chúa chuẩn bị từ xa khi tội lỗi xâm nhập vào thế gian (tội Ađam), phá hủy sự hiệp thông giữa loài người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Theo các đề mục được trình bày trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, chúng ta nhận ra ngay việc làm của Chúa Ba Ngôi trong việc thành lập Giáo Hội: - Một kế hoạch xuất phát từ trái tim của Chúa Cha (số 759…); - Giáo Hội được Đức Kitô thiết lập (số 763-766); - Giáo Hội được tỏ hiện bởi Chúa Thánh Thần (số 767-768). Vì thế, mầu nhiệm Giáo Hội chỉ có thể được giải thích dưới ánh sáng của Thiên Chúa Ba Ngôi: nghĩa là, trong mọi sự thật, nó vượt quá tầm hiểu biết của con người. Chúa Cha đã thiết kế kế hoạch và mục đích vĩnh cửu của Giáo Hội: “Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu rỗi loài người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn qui tụ họ thành một dân tộc để họ nhận biết chính Ngài trong chân lý, và phụng sự Ngài trong thánh thiện” (LG số 9). Được Ngài tiền định để trở nên đồng hình đồng dạng với Con Ngài, loài người được Thánh Linh quy tụ vào một mối liên hệ rất mật thiết với Chúa Con. Và theo ý định của Thiên Chúa, Giáo Hội có sứ mệnh cho thấy sự hiện hữu của Ngài và là môi trường cứu rỗi nhân loại phổ quát: “Vì Giáo Hội ở trong Chúa Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại, nên, dựa trên giáo huấn của các Công Ðồng trước, Giáo Hội muốn làm sáng tỏ bản tính và sứ mệnh phổ quát của mình cho tín hữu và toàn thế giới” (LG số 1).

Chúa Giêsu đã chiêm ngắm Giáo Hội trong chuyển động tình yêu giữa các ngôi vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa: “Con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một, Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một” (Ga 17, 22-23). Nếu Giáo Hội là hiện thực tình yêu của Chúa Cha, qua Chúa Con trong Chúa Thánh Thần, thì không thể đưa ra một định nghĩa nào hơn nữa. Mầu nhiệm Giáo Hội là sự diễn tả mầu nhiệm của chính Thiên Chúa.

Nói tóm lại, - Giáo hội thuộc về Chúa Cha, Đấng, với ý định tự do bí nhiệm của sự khôn ngoan và lòng tốt của mình, đã tập họp dân lại thành một Giáo Hội trong Chúa Giêsu Kitô. - Giáo Hội thuộc về Chúa Con, Đấng qua việc Nhập Thể và Lễ Vượt Qua của Người đã khánh thành Nước Trời trên trần gian, thiết lập Giáo Hội như thân thể của Người. - Giáo Hội thuộc về Chúa Thánh Thần, Đấng cư ngụ trong Giáo hội và trong tâm hồn các tín hữu như ngự trong một đền thờ. Ngài làm cho Giáo Hội sống động, dẫn dắt Giáo Hội tới chân lý trọn vẹn, hợp nhất Giáo Hội trong sự hiệp thông và phục vụ bằng cách ban cho Giáo hội những ân huệ và làm phong phú Giáo Hội bằng những giá trị của nó (x. LG số 2-4). Như vậy, Giáo hội phát xuất từ Chúa Cha qua Chúa Con trong Chúa Thánh Thần, Giáo Hội là nơi gặp gỡ giữa trời và đất, nơi mà lịch sử Ba Ngôi, do một sáng kiến tự do tuyệt vời của tình yêu Thiên Chúa, nhập thể vào lịch sử loài người, lịch sử đó được chăm sóc bảo vệ trong cuộc sống của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Trong tháng nầy, chúng ta đang sống tinh thần Mùa Chay, mỗi người chúng ta cùng khởi động một cuộc leo núi lành mạnh hướng tới Lễ Phục Sinh. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh về điều này trong Sứ điệp Mùa Chay năm 2023 này: “Để đào sâu kiến thức về Thầy, để hiểu trọn vẹn và đón nhận mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa, được thực hiện trong sự hiến thân trọn vẹn vì tình yêu, chúng ta phải để Chúa Giêsu dẫn mình đi lối riêng, đưa lên cao và tách ra khỏi sự tầm thường và phù phiếm. Giống như một cuộc leo núi, chúng ta cần phải khởi hành một lộ trình khó khăn đòi hỏi nỗ lực, hy sinh và tập trung”. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta có đủ lòng tin và sức mạnh leo núi hướng vào Mầu Nhiệm Cứu Độ mà chúng ta lãnh nhận nơi Chúa Giêsu.

 

Vĩnh Long, ngày 20 tháng 02 năm 2023

 

 + Phêrô Huỳnh Văn Hai

Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long 

735    08-03-2023