Sidebar

Thứ Tư
01.05.2024

Lời Chủ Chăn: Nền tảng của sự tham gia vào đời sống Giáo Hội

loichuchan0124


Kính gửi: Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em Giáo phận Vĩnh Long.

Thưa anh chị em, trong năm nay chúng ta sẽ chọn mười hai đề tài dựa trên các tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới lần thứ XVI với chủ đề: “Hướng đến một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”, và theo chương trình mục vụ năm 2024: Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội. Giáo phận Vĩnh Long, trong Gợi ý Mục vụ lần I, sẽ nói đến Nền tảng của sự Tham gia vào Đời sống Giáo Hội, được trích trong Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công Giáo, và Tài liệu làm việc của Thượng HĐGM thế giới lần thứ XVI.

Ý nghĩa sự tham gia

Trước hết chúng ta bàn đến định nghĩa từ ngữ Tham gia. Tham gia là dự phần, chia sẻ, tham dự vào một công việc, một tập thể, một cộng đoàn…

Trong xã hội, sự tham gia đề cập đến các phương tiện khác nhau cho phép công dân đóng góp vào các quyết định liên quan đến cộng đồng. Đặc biệt, sự tham gia được ưa chuộng trong lĩnh vực quy hoạch thị trấn và môi trường. Tất cả vì lợi ích chung.

Trong thân thể con người, linh hồn và thân xác tham gia với nhau để nuôi sống con người về thể chất lẫn tinh thần.

Theo Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công Giáo, sự tham gia có nghĩa là mỗi người có nghĩa vụ “góp phần vào đời sống văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội của cộng đồng dân sự mà mình là thành viên” (Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công Giáo §189)

Nhưng hơn nữa, một nhân vật cũng có thể cho nhân vật khác sự tham gia vào chính mình bằng việc tự hiến chính mình. Điều này có thể được thực hiện ở các cấp độ khác nhau và theo những cách đa dạng nhất. Thí dụ: Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Người Con nầy mặc lấy xác phàm, mang lấy thân phận con người như chúng ta, chết cho con người, cứu chuộc con người để mang lại cho con người chúng ta chính sự sống của Ngài. Như thế Ngài đến không những để giải thoát chúng ta khỏi mọi tội lỗi, nhưng còn cho phép chúng ta tham dự vào bản tính thần linh của Ngài.

Nguyên tắc tham gia là gì?

Trong Học thuyết Xã hội Kitô giáo, đối với những người Kitô hữu, sự tham gia là hệ quả trực tiếp của tính liên đới.

Điều này có nghĩa là theo nguyên tắc này, hệ tại mọi người “đóng góp” trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tuân theo các nguyên tắc hướng dẫn của giáo huấn Giáo hội, về việc công nhận Nhân phẩm và Tự do, mang lại khả năng hành động nơi mọi người.

Sự tham gia thậm chí còn có nghĩa vụ đối với mỗi người, được coi là một công dân, là một thành viên của một quốc gia, của một Tôn giáo (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo ội Công giáo §189).

Ý nghĩa của nguyên tắc tham gia rất rộng, nó không nên bị giới hạn hay hạn chế một cách tiên nghiệm, bởi vì sự tham gia là điều cần thiết cho sự phát triển của con người. Sự tham gia phải được thực hiện đặc biệt trong thế giới của nghề nghiệp và hoạt động kinh tế, thông tin và văn hóa, cũng như trong đời sống chính trị xã hội ở cấp độ quốc gia và quốc tế. 

Nền tảng của sự tham gia dựa vào trong Kinh Thánh

Tham gia để sống: Hình ảnh cây nho và cành nho (Ga 15, 1-8)

Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái”. Chúa Giêsu diễn tả một cách sống động mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa qua hình ảnh cây nho và cành nho. Chúa Giêsu là cây nho và tất cả chúng ta là những cành nho. Thật vậy, Người là nền tảng, là nguồn gốc và là tâm điểm của đời sống chúng ta. Nếu chúng ta tự tách rời khỏi Người thì chẳng những chúng ta sẽ không mang lại hoa trái, nhưng còn đi đến sự chết nữa. Cho nên tham gia kết hợp với Chúa là điều cần thiết cho sự sống chúng ta.

Những cách để tham gia kết hợp với Chúa mà chúng ta có thể rút ra được từ truyền thống và Thánh Kinh: - Họp nhau cầu nguyện nhân danh Chúa: “Ở đâu có hai ba người hợp nhau cầu nguyện nhân danh Thầy, thì Thầy sẽ hiện diện ở đó” (Mt 18, 20); - Lắng nghe lời của Chúa: “Ai nghe lời các con là nghe chính lời của Thầy” (Lc 10, 16); - Chia sẻ thịt và máu của Chúa: “Ai ăn thịt và uống máu Thầy, thì ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56). Điều đó rất dễ thấy trong kinh nghiệm đời sống đạo đức của chúng ta. Như thế là Chúa hứa cho những ai Cầu nguyện, Lắng nghe Lời Chúa và Chia sẻ thịt máu của Người thì sẽ được tham gia kết hợp với Người.

Tất cả mọi người và mọi thời đều có quyền tham gia (Mt 20, 1-16)

Có vài điều trong dụ ngôn cho thấy ông chủ đất đang sử dụng lòng quảng đại này để dạy một bài học. Ông chủ đất đã cử bốn nhóm công nhân vào các cánh đồng của mình vào những thời điểm khác nhau. Chủ đất có một trái tim không muốn nhìn thấy ai đó sẵn sàng làm việc, mà không có việc làm. Vào lúc 5 giờ chiều, khi thấy một số người không việc làm, ông ta hỏi họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?” Câu trả lời của họ rất đơn giản và “vì không có ai thuê chúng tôi”. Ông chủ dường như động lòng theo tình huống của họ và đưa họ đi làm, chỉ trong một giờ. Khi đã đến lúc trả tiền công, chủ đất đã làm một điều gì đó không bình thường. Tất cả đều nhận mức lương hàng ngày bằng nhau. Đúng là mọi người và mọi thời điểm đều có khả năng để tham gia vào đời sống Giáo hội.

Nền tảng của sự tham gia dựa vào Huấn từ của Giáo Hội

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Tất cả những người đã được rửa tội đều được mời gọi tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo hội. Nếu không có sự tham gia thực sự của Dân Chúa, nói về hiệp thông,  có nguy cơ chỉ còn là một ước vọng đạo đức… Trao quyền cho mọi người tham gia là một bổn phận thiết yếu của Giáo hội!” (Diễn từ khai mạc Thượng HĐGM thế giới XVI, ngày 09/10/2021).

Tài liệu làm việc của Thượng HĐGM thế giới lần thứ XVI nêu rõ: “Bí tích Rửa tội tạo ra một sự đồng trách nhiệm thực sự giữa tất cả các phần tử của Giáo hội, được thể hiện qua sự tham gia của tất cả mọi người vào sứ vụ và qua việc xây dựng cộng đoàn Giáo hội tùy theo đặc sủng của mỗi người” (số 20). Cho nên, tất cả giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân đều gia vào Đời sống Giáo Hội.

Như thế, có thể kết luận, mỗi người, mỗi vai trò khác nhau nhưng cùng nhau tham gia vào thân thể Đức Kitô “Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận. Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ” (1Cr 12, 27-28).

Nhân dịp này, trong mùa Giáng Sinh 2023, kính chúc anh chị em được tràn đầy hồng ân và ấm áp Tình yêu thương của Chúa Giêsu Hài đồng và Năm Mới, năm con Rồng, Giáp Thìn 2024 nhiều hạnh phúc, thành công và nhiều phúc lành của Thiên Chúa.

 

Vĩnh Long, ngày 20 tháng 12 năm 2023

 

+ Phêrô Huỳnh Văn Hai

   Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long

416    14-01-2024