Clara và Anê chưa bao giờ gặp nhau. Họ sống ở các quốc gia xa nhau và thuộc về các tầng lớp xã hội khác nhau, nhưng tình bạn của họ thì không thể nghi ngờ. Bốn bức thư để lại từ một trao đổi thư tín kéo dài một thời gian dài làm chứng cho tình bạn của hai người bạn trẻ này. Chắc chắn đây là tình bạn thiêng liêng, một tình bạn chỉ có thể nảy sinh và đậm nét giữa những người cùng chung khát vọng, lý tưởng và cung cách sống, giữa những người thật lòng yêu mến Chúa và nhìn thấy Chúa trong tha nhân để chia sẻ sự chiến đấu, hầu được hiệp nhất với Chúa và vâng theo thánh ý Chúa. Một khuynh hướng nội tâm và một giao động của cảm xúc tạo ra sự trao đổi qua về, xác nhận niềm tin và hỗ trợ cho sự nghi ngờ, chia sẻ tình cảm và giúp đỡ lẫn nhau trong các khó khăn có thể xảy ra trong cuộc sống. Tất cả những điều này và hơn thế nữa, phát xuất từ sự đáp ứng của Clara trước tấm lòng nhiệt tình của người bạn xa xôi của cô, người đã dấn thân vào một cuộc đời tương tự trong tất cả mọi thứ để có thể hành động đồng tình nhất, để đi theo Chúa Kitô: bước theo Đức Giêsu khó nghèo và trong sự từ bỏ hôn nhân với cái nhìn cao thượng để hiệp thông sâu xa hơn với Chúa.
Clara sinh năm 1193 tại một thị trấn nhỏ nước Ý, trong một gia đình quý tộc và rất giàu có. Số phận của cô được định đoạt bởi người cha là Favarone. Ông đã tính trước cho cuộc đời của con gái mình, cô sẽ kết hôn với một thanh niên trẻ có địa vị cao, và cô sẽ có một đời sống sang trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên điều này không có gì so sánh được với bạn Anê, là công chúa thuộc dòng dõi hoàng gia, con gái Vua Bohemia, sinh năm 1211 tại Praha. Cô đã hứa hôn với con trai Công tước Frederick II của Swabia. Tuy nhiên sự chênh lệch đẳng cấp và khoảng cách địa lý giữa hai thiếu nữ này không ngăn cản họ chia sẻ cùng một cảm nhận. Cả hai đều sinh ra và lớn lên trong gia đình có đạo, và để tỏ lòng thương người nghèo, người bệnh, họ làm việc bác ái và giúp đỡ người nghèo như một nhiệm vụ thiên phú của những người giàu có nhất, và khái niệm về bác ái, được gia đình đồng ý, phù với cảm nhận của thế hệ thời đó, thấy người nghèo là hiện thân của Chúa Kitô. Theo Chúa Kitô có nghĩa là tự nguyện trở nên nghèo. Cả Clara và Anê đều đã hiểu được tiếng gọi của Chúa, họ đã nhìn thấy và nhận ra tấm gương của Thánh Phanxicô Axixi. Vì vậy, cuộc sống của họ đã được chiếu sáng và được đánh động. Trước tiên, Clara bỏ trốn khỏi nhà, cô dùng tất cả của hồi môn để phân phát cho người nghèo và để đánh dấu việc thay đổi tận căn lối sống của mình, cô đã có một hành động dứt khoát, cô xin Thánh Phanxicô Axixi xuống tóc cho mình. Người cha của cô tìm mọi cách đưa cô về nhà nhưng không được. Ngay sau đó, chị của Clara vào một nhà tu mới, Thánh Đamianô: đó là nơi ở tạm thời chuẩn bị cho đời sống chia sẻ với bạn bè và các chị em khác.
Anê cũng dần dần hoàn thành việc tận hiến đời mình cho Chúa Kitô. Cô nghe nói đến các thầy dòng Anh Em Hèn Mọn đầu tiên ở Praha, những người nghe sứ điệp của Thánh Phanxicô Axixi, người vừa qua đời và ngay lập tức được phong thánh (1226-1228); cô dùng một phần của cải của mình để mở một bệnh viện và một tu viện cho các chị em phụ nữ phục vụ ở đó, dâng hiến cho Thánh Phanxicô Axixi; quyết định của cô đã chín muồi để sau này cô hoàn toàn sống khó nghèo, sau khi mô hình của Clara đã hoàn thành. Anê thành công trong ý định của mình, cô không bỏ nhà trốn đi, nhưng nhờ thương thuyết với gia đình, một thương thuyết khó khăn đã phải nhờ đến người trung gian, người đó chính là Giáo hoàng Gregory IX. Được Giáo hoàng chấp nhận, Anê kêu gọi năm chị em từ Trent, những người theo lối sống của thánh Đamianô (1233-1234) để điều hành tu viện. Các thiếu nữ trẻ khác ở Bohemian đã xin gia nhập với họ, và vài tháng sau, cô công chúa hoàng gia cũng xin gia nhập. Sau đó Anê từ bỏ mọi của cải giàu có của mình, nhượng quyền sở hữu tài sản của mình cho Tòa Thánh, chia sẻ cuộc sống khó nghèo mà Clara đã có được, được giáo hoàng chấp nhận, không buộc phải chấp nhận sự giàu có và chỉ sống nhờ công việc của chị em và nhờ của dâng cúng của ân nhân. Sau các sự kiện này Clara Axixi đã nhìn nhận Anê Praha như chị em của mình và gửi thư cho Anê, tạo nên một tình bạn và kỷ niệm thiêng liêng mà không mấy ai có thể sánh được với họ vào thời đó và còn vượt thời gian.Các lá thư của Clara là các bài viết có giá trị cao. Các lá thư này viết theo quy tắc nghệ thuật, trong lời chào mở đầu, trong phong cách, nhưng còn đi xa hơn trong cách dựng bố cục, trong nội dung và trong cách diễn tả chân thành và tình cảm. Bức thư đầu tiên, viết trong thời gian giữa các năm 1234 đến năm 1238, năm được hoàng gia nhượng quyền ở Praha, có hình thức của lời chào với giới phụ nữ quý tộc, đã từ bỏ của cải trần gian và chọn con đường trinh khiết đã trở thành con cái và chị em của các nữ tu nghèo Thánh Đamianô. Các lời mở đầu này nhắc lại cấp bậc cao quý của người lãnh nhận và tình trạng hiện tại của cô là “chị em và hiền thê của Vua tối cao trên thiên quốc”: Clara tuyên bố: “Cô là người tầm thường và bất xứng, tôi tớ của Đức Kitô và là đầy tớ của những phụ nữ nghèo”.
Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên qua thư từ với Anê, Clara nhấn mạnh trước tiên sự chênh lệch giữa hai người. Sau đó cô nói lên sự ngưỡng mộ của mình qua chọn lựa triệt để của Anê về tinh thần khó nghèo và niềm vui của cô trong đời sống cộng đoàn, giúp cho cô vượt lên được cách biệt và các hình thức. Giờ đây, Anê và Clara là chị em và là môn đệ đầu tiên của Thánh Phanxicô Axixi đảm nhận vai trò hướng dẫn tâm linh cho những ai muốn theo đuổi lý tưởng như cô:
“Vì thế, em rất yêu quý, hay nói đúng hơn, em rất đáng kính: vì em là hiền thê, là mẹ, là chị của Chúa Giêsu Kitô, và em rạng rỡ qua sự đồng trinh bất khả xâm phạm và qua tinh thần khó nghèo thiêng liêng: em hãy vững mạnh trong sự phục vụ thánh thiện mà em đã thực hiện với tấm lòng nhiệt tâm khao khát cho Đấng bị đóng đinh”.
Clara chỉ cho Anê gương mẫu duy nhất và đầu tiên để noi theo: Đức Kitô khó nghèo chịu đóng đinh. Thánh Phanxicô Axixi không bao giờ được nhắc đến trong bất cứ một bức thư nào, mặc dù lời ca ngợi khó nghèo mà nữ tu viện trưởng dòng Thánh Đamianô đề cập trong bức thư đầu tiên Clara viết cho Anê chắc chắn cũng gợi nhớ lại, trong một bài thơ ca ngợi tình yêu của các tu sĩ dòng Anh Em Hèn Mọn đối với vị hôn phu nghèo khó của mình.
“Ôi phúc thay cho sự khó nghèo, một tinh thần mang đến sự giàu có vĩnh viễn cho những ai yêu mến và đi theo con đường này!
Ôi, khó nghèo thánh thiện, phúc thay cho những ai có được tinh thần khó nghèo và khao khát khó nghèo, Chúa hứa và ban vương quốc Nước trời, vinh quang bất diệt và cuộc sống hạnh phúc!
Ôi, Chúa là trọng tâm khó nghèo, xin Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã và đang ngự trị trời đất, Đấng đã phán và mọi sự được dựng nên, Đấng đã xuống thế và ôm lấy trần gian!”
Bức thư thứ hai Clara gửi cho Anê được viết không bao lâu sau bức thư đầu tiên, trong trường hợp cụ thể được xác định bởi sự can thiệp của các vị có thẩm quyền để buộc cô phải giảm bớt sự khó nghèo tuyệt đối mà cô tuân giữ. Clara sau đó khuyên khích người em của mình đừng từ bỏ quyết định ban đầu của cô, “đó là, như một Rachel khác, em luôn nhớ quyết định của em và ý thức em đã bắt đầu như thế nào”. Cùng chịu đau khổ với Chúa Kitô, Anê sẽ cùng được hiển trị với Ngài và sẽ có được vinh quang bất diệt trên thiên quốc, chứ không phải vinh quang của những chuyện chóng hư ở trần thế.
Bức thư thứ ba của Clara là câu trả lời cho một câu hỏi cụ thể về việc chay tịnh, bức thư bắt nguồn từ các quy định của Giáo hoàng, làm cho việc giữ các phong tục tập quán của dòng nữ Đamianô khắt khe hơn. Anê tự hỏi điều gì sẽ xảy ra cho dòng Phanxicô. Bức thư có thể được viết vào khoảng năm 1237 và sự trao đổi thư từ thường xuyên giữa hai nữ tu dòng Đamianô trong thời kỳ này là chuyện dễ hiểu, Anê muốn làm sáng tỏ và thống nhất để điều hành dòng ở Praha theo nền tảng của Axixi. Clara trả lời câu hỏi, nhưng lời lẽ của cô đã mau chóng thành lời lẽ thân thiện. Như một người mẹ, cô vui mừng trước sự khôn ngoan và đức hạnh của Anê, “một người cộng tác của Chúa, một người nâng đỡ các chi thể yếu đuối trong nhiệm thể của Ngài” và cô xin Anê đặt trọn trái tim của mình vào trong hình ảnh Chúa, chiêm nghiệm và biến đổi toàn thể con người của mình thành “hình ảnh của chính Thiên Chúa”, đón nhận Anê vào tình bằng hữu với Chúa “để bạn cũng có thể cảm nhận được những gì mà người khác cảm nhận khi nếm được vị ngọt ngào mà chính Thiên Chúa đã dành riêng cho những ai yêu mến Ngài từ thuở ban đầu”. Sự tôn kính là mục đích của đời sống các chị em, sự lựa chọn khó nghèo là bước khởi đầu để đến gần với Chúa Kitô.
Bức thư thứ tư và bức thư cuối cùng được gửi tới Anê đề ngày rất lâu sau đó. Đó là bức thư giã từ, bức thư có giá trị như một lời di chúc. Clara bị đau nặng và sắp chết, trong thời gian này Clara được chị mình săn sóc. Vì thế bức thư đã được viết vào năm 1253. Bắt đầu thư, cô xin lỗi vì sự im lặng kéo dài, một phần là do ở xa, một phần do thiếu người đưa tin, nhưng sau đó cô đi thẳng vào nội dung thiết yếu của suy nghĩ và lời khuyên của cô xoay quanh hai chủ đề: ý nghĩa kép của cái tên Agnese-Agnello, và hình ảnh của tấm gương không tì ố
Chủ đề đầu tiên của cuộc hôn lễ với Chúa Kitô mà Anê Praha, “giống như một nữ thánh đồng trinh khác, Thánh Anê” đã dấn thân, đã coi thường của cải phù du thế gian. Chủ đề thứ hai Anê phải nhìn vào tấm gương để tô điểm cho bản thân mình và làm đẹp chính mình với “những bông hoa và khoác chiếc áo choàng các nhân đức, như là con gái và vị hôn thê trinh bạch của Vua Tối Cao”. Tấm gương này phản ánh “phúc lành khó nghèo, sự khiêm tốn thánh thiện, và đức ái khôn lường”. Đây là những nhân đức phản ánh đời sống của hiền thê Chúa Giêsu Kitô: từ đầu, sự khó nghèo là nét đặc biệt của Chúa Giêsu xuống thế, rồi sự khiêm nhường được thể hiện trong các công việc và gánh nặng Ngài phải chịu đựng để cứu chuộc chúng ta và cuối cùng, đức ái là sức mạnh giúp Ngài chịu đựng và đón nhận cái chết ô nhục trên thập giá. Anê nhìn vào tấm gương đó, lòng đốt cháy bởi tình yêu và xin được đưa vào “hầm rượu”.
Bức thư kết thúc bằng một vài từ sống động tóm tắt ý nghĩa, chưa bao giờ được giải thích trước đây, về mối quan hệ thư từ dài dòng của các chị em và bạn bè: “Hãy để cho miệng lưỡi cơ thể im lặng […] và để cho miệng lưỡi của Thần Khí nói lên”.
Tình cảm, chia sẻ cuộc sống và các khát vọng đánh dấu cho bản chất của tình bạn thiêng liêng vô tận này.
Têrêxa Bích Vân dịch
803 23-04-2018