Sidebar

Chúa Nhật

05.05.2024

Phép thử cho Tinh thần Môn đệ Đức Kitô

 

Thời đại này, chúng ta sống với nhiều phân cực, cả trong lòng giáo hội lẫn xã hội bên ngoài. Có một cái gì lành mạnh trong đó, dù có cả đắng cay. Xét cho cùng, sự tổn thương đạo đức và lửa giận là dấu chỉ có thể của một tấm lòng đạo đức sốt sắng. Chúng ta vẫn tin tưởng vào nhiều thứ, điều sai cũng như điều đúng. Đức hạnh là ở đó.
Nhưng như đã nói, ở đó cũng có những điều rất không lành mạnh trong tình thế hiện nay của chúng ta, đó là việc những người chân tín không thể trao đổi cách lễ độ và tôn trọng với người đối diện về những vấn đề luân lý và tôn giáo, vì rốt cùng hai bên không tôn trọng nhau, tin chắc rằng những gì người kia phát ngôn là chỉ để làm một phép thử luân lý như phép thử nhúng giấy quỳ vào dung dịch để biết dung dịch đó là axít hay kiềm. Luôn là vậy, cả trong giáo hội và trong các diễn biến chính trị dân sự, mỗi bên, như phe bảo thủ và tự do, có một vấn đề tối hậu không nhân nhượng, và nó là phép thử cho việc phân xét tinh thần luân lý và tôn giáo của người khác.
Một vài vấn đề là thuần luân lý (phá thai, kết hôn đồng tính, công lý cho nhóm đặc thù), một số khác về việc giữ đạo (đi nhà thờ, thành viên trong các nhóm riêng), một số khác về tín điều (phong chức cho phụ nữ, chấp nhận vô điều kiện Kinh Thánh và quyền Giáo Hội, hòa đồng chủ nghĩa). Luôn luôn là vậy, một vấn đề cá biệt sẽ trở nên nền tảng cho một sự phán xét vô cùng kỳ thị, một phép thử axít-kiềm, xem người đó có đáng được tôn trọng về mặt tôn giáo và luân lý không.
Nhưng liệu có chính đáng? Một vấn đề đơn lẻ có là một phép thử? Chúa Giêsu đã nói gì về điều này? Kinh Thánh đã nói gì về điều này? Liệu một vấn đề đơn lẻ luân lý hay tôn giáo có được chỉ định như tâm điểm mấu chốt, điểm chính không nhân nhượng của tinh thần môn đệ Kitô hữu không?
Trong một cách nghĩ, đúng, dù có đôi điểm khác biệt cần lưu ý. Cũng vậy, mỗi tác giả trong Tân Ước trình bày điểm này theo cách khác nhau:
Trong Tin Mừng thánh Mát-thêu, tâm điểm đạo đức của tinh thần môn đệ được Chúa Giêsu nói rõ trong Bài Giảng trên Núi. Trọng tâm là ở đòi hỏi: Con có thể yêu thương kẻ thù? Con có thể thực tâm tha thứ cho ai xúc phạm mình? Con có thể chúc phúc cho ai nguyền rủa mình? Con có thể đối xử tốt với người làm hại mình? Con có thể tha thứ cho kẻ sát nhân?
Thách thức này đặt cho giáo huấn luân lý của Đức Giêsu có một chỗ đứng riêng biệt hẳn với các giáo lý khác và trở nên tính độc nhất – và đó là cái khó thật sự của giáo lý này. Có nghĩa đó là dấu để nhận biết môn đệ Chúa Giêsu: Họ có thể yêu và tha thứ cho kẻ thù. Nếu Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, có lẽ là cả Tân Ước, cho chúng ta thấy phép thử này về tinh thần môn đệ, thì có thể có một công thức tóm gọn: Con có yêu mến và tha thứ cho kẻ ghét con không?
Tin Mừng theo thánh Luca cũng nói giống như vậy nhưng theo một cách nói khác. Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta có lòng thương xót như Cha trên trời có lòng thương xót,  thánh Lu-ca định hình lòng thương xót này là tình yêu, như cách mà người Cha của Đứa con hoang đàng và Anh của nó, như cách mặt trời tỏa sáng trên cả người tốt lẫn người xấu, vươn đến và yêu mến dù nó có đáng hay không. Phép thử ở đây có thể định danh: Yêu tha nhân bất kể khác biệt và bất kể những ý nghĩ liệu người đó có đáng hay không. Đừng chỉ yêu mến những ai tốt với mình hay có thể đền đáp lại cho mình. Hãy yêu thương vô vàn như Thiên Chúa đã yêu.
Thư thánh Phao-lô đề cập đến điều này khi ngài phân biệt cái gọi là sống theo xác thịt đối lập với sống theo Thần Khí. Cái đầu tiên, sống theo xác thịt đặc nét qua “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy.” Thánh Phao-lô cảnh báo rằng khi những điều này có trong cuộc sống chúng ta thì chúng ta không nên lừa dối chính mình khi nghĩ rằng chúng ta đang sống trong Thần Khí.
Ngược lại, sống theo Thần Khí, với thánh Phao-lô, là có “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ.” Chỉ khi nào các phẩm tính này hiển hiện trong cuộc sống chúng ta thì chúng ta mới có thể nhận biết được chúng ta đang đi đúng trong tinh thần người môn đệ của Chúa.
Theo thánh Phao-lô, phép thử không phải là một vấn đề đức hạnh đơn lẻ, mà trọn vẹn cách sống chiếu tỏa nhiều đức ái hơn là ích kỷ, nhiều hoan lạc hơn là hận thù, nhiều bình an hơn là chia rẽ, nhiều từ tâm và tôn trọng hơn là dò xét và nói xấu, nhiều nhẫn nhịn hơn là nóng giận, và sẵn sàng đổ máu hy sinh hơn là chiều theo cám dỗ tức thời.
Điều này không đề xuất rằng luân lý cá biệt, tín điều và các thông tư giáo hội là không quan trọng; một số trong đó là chủ điểm của sự sống và sự chết. Nhưng tinh thần người môn đệ Kitô không chỉ dựa trên những gì chúng ta làm, mà còn ở tại tâm chúng ta. Thực chất tinh thần người môn đệ Kitô là liên kết vào quả tim Chúa Kitô. Phẩm hạnh đứng đắn, bảo vệ chân lý, giữ đạo suốt cuộc đời cũng từ điều này mà ra, và khi đặt cội nguồn ở đó, ở Đức Kitô, thì người môn đệ trở nên đáng trọng, biết tha thứ, và yêu thương.
J.B. Thái Hòa dịch
711    10-10-2017