Sidebar

Thứ Hai
29.04.2024

Sự Khiêm Hạ Của Một Tình Yêu

Thứ năm Tuần Thánh Mùa Coronavirus

Sự Khiêm Hạ Của Một Tình Yêu

          Tin mừng Gioan viết: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1)

          Những lời ngắn ngủi này gói gọn cuộc đời Đức Giêsu, và cho đến tận thế, Người vẫn trao cho từng người tất cả tình yêu mà Người diễn tả ở đây, dù chẳng được bảo đảm, tình yêu ấy sẽ được đáp đền.

          Nếu ai đó than rằng đọc Phúc âm chán và khó hiểu, cũng giống như kẻ suốt đời chẳng biết đến tình yêu. Nếu Tin mừng Đức Giêsu Kitô được đọc trong cái nhìn tình yêu, người ta sẽ thấytừng trang sách chứa cả khối tình Đức Giêsu dành cho mình và cho cả nhân loại, bất chấp những lỗi lầm và khiếm khuyết. Như thể nếu không có họ Người không thể sống, và nếu được sống với họ, Người sẵn sàng chết cho họ, chỉ vì yêu.

          Trong bữa Tiệc ly, Đức Giêsu đã làm cho tình yêu, thứ mà không ai có thể định nghĩa, trở nên dễ hiểu và cụ thể; trở thành chân lý và mẫu mực. Đắm mình trong tình yêu Đức Giêsu, người ta sẽ thấu hiểu tình yêu thuộc về Thiên Chúa và tình yêu chỉ tồn tại trong Thiên Chúa. Ai có Thiên Chúa, người ấy có tình yêu trong mọi chiều kích nhiệm mầu: chiều cao đến với Chúa, chiều ngang dàn trải cho tha nhân và chiều sâu là tình yêu Chúa dành riêng cho họ.

          Đức Giêsu thể hiện tình yêu trọn vẹn và lạ lùng cho mọi người, ngay cả đối với Giuđa, con Simon Íchcariốt, kẻ bị ma quỷ gieo vào lòng ý định nộp Đức Giêsu, để ngầm cho thấy tình yêu ấy không loại trừ ai, không bao giờ thất bại, kể cả cuộc khổ nạn sắp đến cũng không phải là thất bại, vì “Đức Giêsu biết rằng Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người. Người từ nơi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa” (Ga 13,2-3)

          Nếu một cuộc sống ngập tràn tình yêu còn có gai góc, thì một cuộc đời không có tình yêu sẽ chẳng có đóa hồng nào. Nếu con người làm tổn thương Đức Giêsu bao nhiêu, Người lại càng thương yêu họ bấy nhiêu, vẫn tin tưởng và hy vọng. Thi sỹ R. Tagore có nói: “Nếu kẻ chết tìm sự bất tử trong danh vọng, thì người sống tìm sự bất tử trong tình yêu”

          Tin mừng Gioan không nói đến hành vi “quỳ xuống rửa chân” của Đức Giêsu, mà chỉ nói Người “cởi áo ngoài” như cởi bỏ đi cương vị, bỏ những giá trị vốn dĩ thuộc về Người trên trời và dưới thế, vinh quang và địa vị, danh dự và uy quyền (Pl 2,6-7)

          Quỳ là thái độ tôn thờ,hành vi của loài thụ tạo suy phục Đấng Tạo Hoá, là tư thế của kẻ dưới, thấp hèn. Người ta có thể quỳ trước người quyền quý, để van xin ân huệ, không hề quỳ trước những kẻ thấp kém hơn mình. Người Do thái không bao giờ làm việc này, vì đó là một sự sỉ nhục ghê gớm, nhưng Gioan “ngầm” cho thấy Đức Giêsu “lấy khăn thắt lưng, đổ nước vào chậu và rửa chân cho các môn đệ” như người nô lệ quỳ gối rửa chân chủ mình. Còn vị trí nào thấp hơn bàn chân nơi thân thể con người? Thực hiện điều này, Đức Giêsu cho thấy thế nào là sự quý trọng, là sự khiêm hạ của tình yêu.

          Nếu thân xác cần được rửa để sạch, tâm hồn cũng cần được rửa để làm sạch những vết nhơ tội lỗi (x.Dt 10,22). Chỉ tình yêu Đức Giêsu mới hoán cải được lòng người tình yêu ấy mới là tiếng nói sau cùng và có giá trị tuyệt đối. Nếu Giuđa mà Đức Giêsu còn rửa chân cho, thì tôi là ai mà dám khước từ?

          Vì thế nghi thức rửa chân không phải là diễn lại, nhưng trong tinh thần sự Khiêm Hạ của một Tình yêu, tôi được Chúa mời gọi mở toang cõi lòng để Người rửa sạch mọi tội lỗi. Việc này phải được đóng ấnvào tâm hồn tôi, để mai ngày, dù có lỡ bước vào vũng bùn nhơ, tôi vẫn tin rằng tình yêu cao cả của Đức Giêsu, luôn trong tư thế của người nô lệ sẵn sàng phục vụ, sẽ lại thánh hoá và tẩy rửa tôi thanh sạch.

          Hôm nay Đức Giêsu cúi xuống rửa chân cho tôi, để tôi cũng biết hạ mình rửa chân cho người khác, biết giúp nhau tẩy sạch những lỗi lầm luôn xảy ra trong cuộc sống, nhất là trong tình trạng “cách ly toàn xã hội”, khi các gia đình có cơ hội gần gũi để biết nhau hơn, dành thời giờ để bù đắp những lỗi lầm, băng bó những tổn thương, chữa lành những vết sẹo gây ra trước đây. Tất cả phải thực hiện trong tình yêu Chúa Kitô. Đấy mới là phương thuốc chữa lành hiệu nghiệm nhất.
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, CSsR

 

422    08-04-2020