Sidebar

Chúa Nhật

28.04.2024

Suy tư tháng các linh hồn


SUY TƯ THÁNG CÁC LINH HỒN

“Đối với người Công giáo, chết là sống đời đời trên thiên đàng.”

Đó là lời cha Phaolô Phạm Khắc Khoan nói với quan tỉnh Nam Định.

Cha Phaolô Phạm Khắc Khoan, người xứ Duyên Mậu, tỉnh Ninh Bình. Khi chịu chức linh mục được bề trên sai về coi xứ Phúc Nhạc, Phát Diệm. Đi dâng lễ họ lẻ về, cha bị bắt và bị giải về Nam Định.

Quan Nam Định dụ dỗ : – “Tôi muốn kết bạn với ông. Tôi chỉ muốn cứu mạng ông thôi. Chỉ xin ông một điều : là ông bước qua thập giá”

Cha mạnh mẽ trả lời : – “Tôi thờ Vua trên trời và tuân phục vua dưới đất. Tôi vẫn xin Vua trên trời ban cho dân nước được an vui hạnh phúc . Sao hôm nay quan lại bảo tôi bỏ Vua trên trời”

Quan Nam Định thẫn thờ hỏi : – Thế ông không muốn sống à ?

Cha đáp : – Thưa quan, mọi sinh vật đều muốn sống, huống chi là con người có suy nghĩ. Ai biết giá trị cuộc sống mà chẳng ham sống. Thế nhưng, với người Công giáo, chết là cách sống đời đời trên Thiên Đàng.

Quan ngỡ ngàng hỏi : – Ai bảo ông có Thiên Đàng.

Cha đáp : – Đó là chuyện đương nhiên. Như nhà vua vẫn ban thưởng cho những trung thần, thì Chúa trời đất chẳng lẽ không ban thưởng cho những tôi trung phục vụ Người cho đến chết sao ? Nơi tưởng thưởng đó, chúng tôi gọi là Thiên Đàng.

Quan đập bàn nói : – Ai dạy cho ông biết là có Chúa trời đất ?

Cha đáp : – Thưa quan, không cần phải ai dạy cả, chính trời đất vũ trụ này là cuốn sách mở ra dạy ta bài học đó. Nhìn ngắm những công trình kỳ diệu của trời đất, tức khắc phải nhận ra có Đấng Tạo Hóa, có Chúa Trời, và phải tôn thờ Người”.

Rồi cha khẳng khái nói : – “Quan bảo tôi chà đạp Thánh Giá là điều chẳng hợp lý chút nào?”.

Quan cự lại : – “Sao lại không hợp lý, ta chỉ cho ông con đường sống mà không hợp lý à ?”.

Cha tự hào nói : – “Thưa quan, nếu nước nhà có biến, mà quan sợ chết đào ngũ, thì quan là kẻ hèn nhát. Cũng vậy, tôi nhờ ơn Vua cả trên trời, tôi đâu có quyền sợ chết mà bỏ Người được”.

Quan Nam Định tức giận, ra lệnh cho lính giải ngài tới pháp trường Nam Định, chém đầu. Hôm đó là ngày 28-4-1840 thời vua Minh Mạng. Cha thọ 69 tuổi.

Cha Phaolô Phạm Khắc Khoan tin tưởng nói : “Đối với người Công giáo, chết là cách sống đời đời trên Thiên Đàng.”

Tháng 11, chúng ta xin Chúa cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ và các linh hồn “được sống đời đời trên thiên đàng”.

Đức Mẹ hiện ra ở Fatima lần thứ ba ngày 13-7-1917. Đức Mẹ đã cho ba em thấy hỏa ngục. Chị Luxia đã kể lại như sau : “Đức Mẹ mở đôi tay. Những tia sáng từ bàn tay Mẹ chiếu ra, như thể xuyên thủng xuống đất. Chúng con thấy một biển lửa mênh mông. Ngụp lặn trong biển lửa là ma quỉ và các linh hồn. Các linh hồn trông giống như những khúc gỗ, hình người, trong suốt, trôi nổi trong biển lửa. Các linh hồn bị các ngọn lửa bao bọc, bốc lên những đám khói bay tứ phía. Những tiếng khóc than, buồn sầu, thất vọng, khiến chúng con run rầy sợ hãi”.

Nhìn lên Đức Mẹ, Đức Mẹ buồn sầu nói :

“Chúng con đã trông thấy hỏa ngục, nơi những người tội lỗi phải xuống. Để cứu họ chúng con hãy tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ, và rước lễ mỗi thứ bẩy đầu tháng”.

Đức Mẹ còn dạy :

“Hãy cầu nguyện, hãy cầu nguyện nhiều và làm nhiều việc hy sinh. Rất nhiều người tội lỗi xuống hỏa ngục, vì không có người cầu nguyện và làm việc hy sinh cho họ”.

Khi chị Lucia hỏi Đức Mẹ : “Con có được lên thiên đàng không ?”

Đức Mẹ trẻ lới : “Được”.

Chị hỏi thêm : “Còn Phanxicô và Giaxinta có được lên thiên đàng không?”

Đức Mẹ đáp : “Giaxinta thì được; còn Phanxicô phải lần chuỗi nhiều”.

Các thánh cũng thúc giục chúng ta lần chuỗi cầu nguyện cho các linh hồn.

Thánh An-phong, sáng lập dòng Chúa Cứu Thế, nhắn nhủ : “Nếu muốn cứu giúp các linh hồn dưới luyện ngục, hãy lần hạt Mân Côi.”

Thánh Kon-bê, người Balan, hy sinh chết thay cho một người tù, nói : “Bao nhiêu tràng chuỗi Mân Côi là bấy nhiêu linh hồn được cứu rỗi”.

Thánh Pi-ô năm dấu đanh khuyến khích : “Hãy lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ, để đưa các linh hồn ra khỏi luyện ngục"
chúng ta chiêm ngắm 4 bộ mặt của thần chết, của cái chết :

1- Chết không trừ ai

2- Chết chẳng đem theo được gì

3- Chết đưa lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục.

4- Lần chuỗi để chết được hưởng phúc

1- Chết không trừ ai

Theo thống kê năm 1985, trên thế giới

1 phút có 2.760 người chết

1 giờ có 16.000

1 ngày có 400.000

Con người ai cũng phải chết.

Nghèo cũng chết, giầu cũng chết,

Hèn cũng chết, sang cũng chết

Già cũng chết, trẻ cũng chết,

Chẳng có ai tránh khỏi cái chết. Triết gia Pas-cal người Pháp nói : “Loài người không thể chữa được bệnh chết”.

Tv 49 (48),7-11, kinh nguyện của chúng ta, có câu :

Chúng cậy vào của cải

Lại vênh vang bởi lắm bạc tiền

Nào phàm nhân sống mãi được sao

Mà chẳng phải đến ngày tận số

Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết

Kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong

Bỏ lại tài sản mình cho người khác

Ở đời người ta cho rằng : có tiền thì sống, có người làm lớn bảo hộ, thì sống, sống vinh thân phì da; nhưng trước cái chết, tiền bạc quyền thế cũng bằng không.

Tv 146(145),3-4) cảnh cáo :

Đừng tin tưởng nơi hàng quyền quí

Nơi người phàm chẳng cứu được ai

Họ tắt hơi là trở về cát bụi

Dự định bao điều ngày ấy tiêu tan

Cuộc đời con người vắn vỏi như cỏ ngoài đồng, như hoa trong vườn

Tv 90(89),4-6 dạy :

Ngàn năm Chúa kể là gì

Tựa hôm qua đã qua đi mất rồi

Khác nào một trống canh thôi

Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng

Như cỏ đồng trổ mọc ban mai

Nở hoa vươn mạnh sớm ngày

Chiều về ủ rủ tàn phai chẳng còn

Sống cùng lắm là được 80 tuổi

Tv 90(89),10 cho biết :

Tính tuổi thọ trong ngoài bẩy chục

Mạnh giỏi chăng là được tám mươi

Mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ

cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi

2- Chết chẳng đem theo được gì

A-lịch-sơn là vua nước Hy Lạp cầm quyền từ năm 336 đến năm 323 trước CGS. Suốt 13 năm trên ngai vàng, ông dành thời gian để đi đánh Nam dẹp Bắc, đi chiếm các nước. Ông đánh đâu thắng đó. Ông chiếm gần hết thế giới. Ông làm cho nước Hy Lạp nhỏ bé thành một đế quốc. Ông là vị tướng thành công nhất, vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Lịch sử đả tặng ông danh hiệu “A-lịch-sơn Đại Đế”.

Trước khi chết, vua A-lịch-sơn cho triệu tập các quan trong triều đình đến, để truyền đạt ba ý nguyện cuối cùng của ông :

Quan tài của ông phải được chính các vị quan tài giỏi nhất khiêng đi.
Tất cả vàng bạc châu báu của ông phải được tung vãi, dọc theo con đường
dẫn đến ngôi mộ ông.

Đôi bàn tay của ông phải được để thò ra khỏi quan tài, cho mọi người thấy.
Một cận thần ngạc nhiên hỏi :

– Tại sao ngài lại muốn thế ?

Vua A-lịch-sơn giải thích:

Ta muốn chính các vị quan tài giỏi nhất phải khiêng quan tài của ta, để cho mọi người thấy rằng : một khi phải đối mặt với cái chết, thì chính họ – dù là những người tài giỏi nhất – cũng không có tài nào cứu chữa.
Ta muốn tiiền bạc châu báu của ta được tung vãi trên mặt đất, để mọi
người thấy rằng : của cải vật chất mà ta gom góp ở trần gian, sẽ mãi mãi ở lại

trần gian .

Ta muốn đôi tay ta đong đưa ngoài quan tài, để mọi người thấy rằng : chúng ta đến thế gian với hai bàn tay trắng, thì khi rời khỏi thế gian chúng ta cũng chỉ có hai bàn tay trắng.
Thánh vịnh 49(48),17-1812-14 cũng nói chết chẳng đem theo được gì :

Đừng sợ chi khi có kẻ phát tài

Hoặc cửa nhà tăng thêm vẻ phong lưu

Vì khi chết nó đâu mang được gì

Kiếp vinh hoa cũng theo xuống mộ phần

Chết đi, có mồ to mả đẹp thì cũng là ba tấc đất

TV 49,12 bảo :

Tuy họ lấy tên mình

Mà đặt cho miền này xứ nọ

Nhưng ba tấc đất mới thật là nhà

Nơi họ ở muôn đời muôn kiếp.

 

3- Chết đưa lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục ?

Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 22-6-2009 làm một cuộc khảo sát các sinh viên trong các trường Đại Học về hướng sống của mỗi sinh viên. Họ trả lời như sau :

60% đổ mọi trách nhiệm nuôi dạy con cái lên cha mẹ.

41% không nhất thiết phải sống cao thượng

36% làm việc theo lương tâm sẽ thua thiệt

32% chấp nhận sống vô ơn

28% có tư tưởng trả thù, báo oán

18% đặt lợi ích cá nhân lên trên hết.

Qua bản khảo sát đó, đa số sống không nghĩ đến đời sau, không nghĩ đến chuyện thưởng phạt. Nhưng, nếu không có thưởng phạt làm sao phân biệt được người lành kẻ dữ. Xã hội không thể nào có sự thưởng phạt công minh. Có tiền, có quyền, người lành trở thành kẻ dữ, kẻ dữ trở thành người lành.

Thật sự, không có ai nghĩ mình chết là hết. Con người chết không giống như con vật, chết là hết chuyện. Song, ai cũng nghĩ mình chết là đi sang một kiếp khác, sang một thế giới khác. Vì thế, người ta ít dùng từ “chết”, mà thường dùng những từ như “qua đời”, “ra đi”, “mãn phần”, “vĩnh biệt”, “tạ thế”….

Người ta cũng biết : chết là để được thưởng, chết là để bị phạt. Nên người ta làm giỗ, người ta mời thày đến cúng tế, để người chết được siêu thoát; người ta cũng mua đồ vàng mã để người chết dưới âm phủ có áo mặc, có xe đi..

Thánh Char-les Bô-rô-mê-ô người Ý chết năm 1584. Một ngày kia ngài thuê một họa sĩ vẽ một bức tranh diễn tả sự chết. Chẳng bao lâu người họa sĩ hoàn thành. Bức tranh người họa sĩ vẽ là một bộ xương, tay cầm lưỡi hái.

Ngắm nghía bức tranh, rồi thánh Bô-rô-mê-ô hỏi :

– Tại sao anh diễn tả sự chết bằng bộ xương với cái lưỡi hái ?

Họa sĩ đáp :

– Vì sự chết như một lưỡi hái. Nó cắt, nó chém, nó lấy đi hết mọi sự người ta có trên đời; ngay cả thân xác, chỉ còn bộ xương.

Thánh nhân đáp lại :

– Đồng ý, thần chết như một lưỡi hái lấy đi mọi sự người ta có trên đời, song thần chết cũng mở cửa Nước Trời cho người ta chứ ? Vì thế, tôi đề nghị : thay vì lưỡi hái, anh vẽ cái chìa khóa vàng.

Đức tin chúng ta cho biết : có đời sau, có thiên đàng, có hỏa ngục và có luyện ngục. Thiên đàng dành cho những người hoàn tất bổn phận; luyện ngục dành cho những người chưa hoàn tất; và hỏa ngục dành cho những người chẳng những không hoàn tất, lại còn làm những điều ác.

Tv 37(36), 16 an ủi :

Ít tiền ít của mà là người công chính

Hơn nhiều vàng nhiêu bạc mà là kẻ ác nhân

Vì cánh tay bọn ác nhân sẽ bị gẫy

Còn người công chính được Chúa phù trì.

 

4- Lần chuỗi để chết được hưởng phúc

Cha thánh Pi-ô, chân tay được in năm “Dấu Đinh”. Ngài vừa mới qua đời năm 1968. Xác ngài còn nguyên vẹn, không hề bị thối rữa, vẫn được trưng bày cho người ta đến chiêm ngắm cầu nguyện. Mỗi lần trao tặng ai tràng chuỗi Mân Côi, ngài thường nói :

– Hãy đưa các linh hồn ra khỏi luyện ngục bằng việc lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ .

Bà Mo-ri kể :

– Cha Pi-ô muốn chúng ta hằng ngày cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi cứu các linh hồn nơi luyện ngục.

Thánh An-phong, đấng sáng lập dòng Chúa Cứu Thế cũng nhắn nhủ :

– Nếu muốn cứu giúp các linh hồn dưới luyện ngục, hãy lần hạt Mân Côi (2-11-2015).

2839    08-11-2018