Thánh Tôma Aquinô không chỉ là một vị thánh mà còn là một trong những thần học gia vĩ đại và ảnh hưởng đến mọi thời đại. Thật thế, khi nói đến Thánh Tôma, chúng ta dễ hình dung ra ngài là một nhà trí thức vĩ đại, mà mình chẳng thể sánh bì. Nhưng thực ra, ngài cũng là người từng trải qua nhiều khổ đau, nghịch cảnh để có thể kiên vững với lý tưởng, với sự chọn lựa cách sống của mình, cho đến cùng.
Có lẽ, hình ảnh “Con bò câm” phác hoạ rõ nét nhất về vị thánh nổi danh này. Chuyện kể rằng: Với dáng vẻ to con, chậm chạp và sự trầm tính, ít nói nên khi theo học tại Đại học Cologne khi tuổi đời còn rất trẻ, Thánh Tôma thường bị các bạn học bắt nạt đặt cho biệt danh là “Con bò câm”. Mà đúng thật, với Thánh Tôma, sự châm chọc này, chẳng khiến cậu động lòng, tự ái, tức giận hoặc lên tiếng biện minh cho mình. Tuy nhiên, giáo sư Alberto (mà sau này là Thánh Alberto Cả) đã phát hiện ra nét khác người ấy nơi cậu sinh viên Tôma nên đã lên tiếng thay cho cậu: “Các bạn gọi cậu ấy là Con bò câm, nhưng một ngày nào đó cả thế giới sẽ nghe được tiếng gầm vang của nó.” Chính ở điểm này, thánh nhân có thể là hình mẫu tuyệt vời cho chúng ta.
1. Thánh Tôma Aquinô, người bị chính gia đình mình bắt cóc và giam giữ
Vào năm 19 tuổi, Thánh Tôma đã bí mật gia nhập Dòng Đaminh mới được thành lập để trờ thành nhà thuyết giáo lưu động và đi ăn xin. Điều này khiến cho gia đình thất vọng nên sau những cố gắng thuyết phục cậu từ bỏ lý tưởng không có kết quả, thân mẫu của cậu đã hướng dẫn hai người anh trai của Thánh Tôma tới tu viện dòng Đaminh bắt cậu về và sau đó giam cậu hơn một năm trong một tòa tháp tối tăm củagia đình.
Hơn nữa, trong thời gian đó, cả gia đình đã làm mọi cách để khuyên can, thậm chí còn dẫn đến một cô gái điếm để dụ dỗ nhưng Thánh Tôma vẫn yên lặng, cương quyết xua đuổi sự cám dỗ ấy bằng một cành cây rực lửa.
Khi nhận ra rằng những nỗ lực đều vô ích, và không thể thay đổi quyết định của người con bướng bỉnh, nên để giữ thanh danh, gia đình đã sắp xếp để Thánh Tôma “trốn thoát” khỏi khỏi căn ngục này qua cửa sổ của tòa tháp. Từ đó, Thánh Tôma được tự do theo đuổi ơn gọi trở thành tu sĩ Dòng Đaminh.
2. Thánh Tôma Aquinô, một năng khiếu trí tuệ siêu vời trong một tâm hồn khiêm tốn
Nhiều tài liệu cho rằng, Thánh Tôma là người có nét chữ viết tay rất xấu và rất khó đọc, nhưng bù lại, ngài có thể suy nghĩ nhanh hơn rất nhiều so với khả năng viết. Thậm chí, Thánh Tôma có thể diễn tả luồng tư tưởng khác nhau của mình cho hai hoặc ba thư ký cùng một lúc.
Dù tài giỏi là thế, nhưng tận thâm sâu lòng mình, Thánh Tôma biết đâu là điểm dừng, để không bị cuốn hút vào những cuộc tranh cãi, những thành công, dù đó là những việc tốt lành, thánh thiện. Thật vậy, sau một trải nghiệm thần bí, vào ngày 06/12/1273, khoảng ba tháng trước khi qua đời, Thánh Tôma quyết định ngừng viết tác phẩm nổi tiếng nhất của mình, bộ Tổng luận Thần học (Summa Theologiae), với lý do “Tôi không thể tiếp tục… Tất cả những gì tôi đã viết, đối với tôi dường như chỉ là cọng rơm so với những gì tôi được thấy và những gì tôi được mặc khải.”
Vào giây phút cuối của cuộc đời, Thánh Tôma trao phó mọi thành quả của mình, có thể nói được rằng, là cả một gia tài tri thức đồ sộ, cho sự phân định của Giáo Hội với lời cầu nguyện khiêm tốn thẳm sâu: “Con đoan nhận Chúa là giá của sự cứu rỗi con. Vì tình yêu Chúa, con đã nghiên cứu, canh thức, làm việc, giảng và dậy về Chúa. Con không bao giờ nói về điều gì chống lại Chúa, nhưng nếu con có làm điều đó thì do không hiểu biết và do dốt nát. Con đã trao phó việc sửa chữa cho Giáo Hội Rôma mà do vâng phục con dâng hiến cuộc đời này.”
3. Thánh Tôma Aquinô, một “người khôn ngoan trên tất cả các thánh và một người thánh nhất trên các kẻ khôn ngoan”
Biểu tượng của Thánh Tôma gắn liền với những hình tượng của một nhà một nhà tư tưởng lỗi lạc. Chẳng hạn như:
- Thánh Tôma ngồi bên một cuốn sách mở, trên tay cầm một cây bút lông; diễn tả thánh nhânđã dành cả cuộc đời để đắm mình trong việc viết sách và giảng dạy.
- Thánh Tôma cómột con chim bồ câu đậubên mình: biểu thị rằng các tác phẩm của ngàiđược viết với sự hướng dẫn củaThánh Thần.
- Thánh Tômamang một mặt trời trong tim: diễn tả sự diễn giải sâu sắc, rõ ràng như ánh sáng rực rỡ mà ngàichiếu dọivào các vấn đề vấn đề triết học, thần học khô khan, khó hiểu; như vào năm 1567, ĐứcGiáo hoàng Piô V, khi công bố Thánh Tôma là vịTiến sĩ thứ năm của Giáo Hội, đã nhìn nhận rằng thánh nhân là "Ánh sáng rực rỡ nhất của Giáo Hội."
Dù tài giỏi là thế, nhưng Tôma đã khiêm tốn thú nhận mình đã kín múc tất cả sự thông thái ấy nơi thập giá Đức Giêsu trong suy niệm và cầu nguyện chứ không phải do sự khôn ngoan của phàm nhân.
4. Thánh Tôma Aquinô, một vị thánh chưa từng làm phép lạ
50 năm sau khi qua đời, trong tiến trình phong thánh, vị hồng y biện sư chỉ ra rằng Thánh Tôma Aquinô không liên quan đến bất kỳ phép lạ nào cả. Nhưng một trong những vị Hồng y đồng thuận đã trả lời ngay rằng: Các tác phẩm trong bộ Tổng luận Thần học của Thánh Tôma đã đạt được mức độ mạckhải thần linh, tương đương với bản thân các phép lạ tuyệt vời rồi!
Khi nhìn lại vài nét đơn sơ về cuộc đời của vị thánh tài năng, xuất chúng và vĩ đại như thế, phải chăng chúng ta vẫn có thể được gợi hứng để biến những gì “tôi là” trở thành những gì “tôi được mời gọi để trở thành”:
- Từ một “Con bò câm”, với những khiếm khuyết nào đó, dù là về mặt thể lý, tâm lý…; với những thiếu hụt nào đó, dù là về vật chất, trí thức, tinh thần…, chúng ta vẫn có thể phát triển tròn đầy nhân cách của mình với sự khiêm tốn, chan hoà tình người trong cách đối nhân xử thế;
- Từ một “Con bò câm”, với những thách đố, khó khăn trong từng cảnh huống cuộc đời, chúng ta vẫn có thể kiên tâm theo đuổi, thực hiện, vàhoàn thành những khát vọng, hoài bão, ước mơ được xuất phát từ lòng yêu mến Thiên Chúa nồng nàn, yêu mến cuộc đời thiết tha, và yêu mến phẩm giá cao quí của mình khôn nguôi;
- Từ một “Con bò câm”, với những khác biệt về nhận thức, suy nghĩ, lối nhìn… chúng ta vẫn có thể mở lòng để nhận ra và đón nhận Chân Lý đến từ bất cứ đâu, mà không cố ý tạo ảnh hưởng của mình trên bất cứ ai, về bất cứ điều gì nhưng sẵn sàng phục vụ mọi người với sự nhiệt tâm trong an yên.
Để, giống như Thánh Tôma Aquinô, sau tất cả mọi sự, chúng ta có thể “cất tiếng”: “Lạy Chúa, con không cần gì cả, vì chính Ngài, là đủ cho con.”
Tác giả: Nt. Anna Ngọc Diệp, OP - Dòng Đa Minh Thánh Tâm