Sidebar

Chúa Nhật

05.05.2024

Thinh lặng của cuộc sống

Thinh lặng của cuộc sống

Thầy Eckhard từng nói rằng, không điều gì giống với ngôn ngữ của Thiên Chúa bằng sự thinh lặng.

Như thế nó thử thách chúng ta ở nhiều mức độ: Ngôn ngữ nào chúng ta sẽ nói trên thiên đàng? Chúng ta không biết được, nhưng nếu theo Kinh Thánh, thiên đàng sẽ là nơi chúng ta biết và được biết một cách trọn vẹn, yêu và được yêu một cách trọn vẹn, hiểu và được hiểu một cách trọn vẹn, thì tôi ngờ rằng lời nói sẽ dư. Chúng ta sẽ nói ngôn ngữ của thinh lặng.

Vì thế, ngay bây giờ, khôn ngoan là phải bắt đầu học ngôn ngữ của thinh lặng, không phải chỉ để cho sau này, sau khi chúng ta chết, nhưng đặc biệt là ngay ở đời này, chúng ta bắt đầu kết nối bản thân mình với các gốc rễ đậm sâu nhất.

Triết gia Raimon Panikkar, trong một cuốn sách gần đây, cuốn Trải Nghiệm Thiên Chúa, đã phân biệt những gì ông gọi là “thinh lặng của cuộc sống” và “một cuộc sống thinh lặng”. Chúng không giống nhau. Lời của ông không phải lúc nào cũng dễ nắm bắt, vừa rất sâu sắc vừa đáng suy ngẫm, vì thế tôi xin trích nguyên văn:

Thinh lặng của cuộc sống không nhất thiết giống một cuộc sống thinh lặng như đời sống thinh lặng của các ẩn sĩ trong hoang mạc. Giữ cuộc sống thinh lặng là điều quan trọng để thấy rõ mục tiêu, vạch kế hoạch hành động, phát triển các mối quan hệ của chúng ta, nhưng nó khác với thinh lặng của cuộc sống. Thinh lặng của cuộc sống là nghệ thuật tạo lập thinh lặng cho các sinh hoạt của cuộc sống, chúng không phải là bản thân cuộc sống theo kiểu phải đạt cho được kinh nghiệm đích thực của chính cuộc sống. 

Chúng ta thường hay đồng hóa đời sống với các sinh hoạt của nó. Chúng ta đồng hóa mình với các cảm xúc, ước muốn, ý định, với tất cả những gì chúng ta làm và chúng ta có. Chúng ta công cụ hóa đời sống của mình mà quên chính nó là cùng đích. Lao mình vào các sinh hoạt của đời sống, chúng ta mất khả năng lắng nghe, và chúng ta tự làm cho bản thân mình xa cách gốc rễ thật của mình: thinh lặng và Thiên Chúa.

Thinh lặng hiển hiện ngay tại giây phút này khi chúng ta đặt bản thân mình vào chính cội nguồn đích thực của sự sống.”

  1. Panikkar tiếp tục gợi ý rằng, nổ lực để đạt thinh lặng của cuộc sống không được làm nó xa cách tầm quan trọng của các sinh hoạt hằng ngày – ăn uống, làm việc, tiếp xúc, tiêu khiển lành mạnh. Tuy nhiên phải có những khoảng thời gian dành riêng cho một cuộc sống thinh lặng lành mạnh, khi xác thân, quả tim, tâm trí chúng ta lặng yên đủ để, cách này cách khác, chúng ta có thể cảm nhận được những gì ở bên kia các sinh hoạt hằng ngày chúng ta, và đó chính là ngọn nguồn của chúng, chính cuộc sống và Thiên Chúa.

Làm sao chúng ta đạt được? Đó chính là những gì mà mọi nền tảng thiêng liêng chân thực đang cố gắng dạy chúng ta. Dù các cách thức gợi ý có khác nhau nhưng có một số điểm mà mọi nền tảng thiêng liêng chân thực đều nhất trí:

Trước hết, tất cả các con đường truyền thống lớn đều nói rằng, đường đi thì đơn giản, nhưng không dễ!

Tiếp đó, trong mỗi cách của mình, họ nói với chúng ta những gì Đức Giê-su đã nói với chúng ta, đó là, con đường dẫn chúng ta đến với chiều sâu đích thực, với trải nghiệm Thiên Chúa, không phụ thuộc vào bất cứ một cách thức cầu nguyện đặc biệt nào cả, nhưng dựa vào “tâm hồn trong sạch” (Mt 5, 8), đó là, dựa vào một một đức tính đạo đức, một tính vị tha nào đó để đưa chúng ta đi xa khỏi bạo quyền và tính sùng bái của cái tôi.

Và làm sao thực hiện được?

Mỗi nền tảng thiêng liêng đều có con đường riêng của mình, nhưng, một lần nữa, họ đều nhất trí với nhau về một số yếu tố không nhân nhượng:

Bất cứ hành trình nào dẫn chúng ta về phía Thiên Chúa cũng đều đòi hỏi, trong một chừng mực nào đó, một hình thức tu tập lành mạnh, thực hành chay tịnh, tôi luyện chân chính và một trật tự kỷ luật trên vô số các ước muốn và các cảm xúc ám ảnh tác động vào chúng ta. Chúng ta phải đập tan những gì mà các bậc thầy thiêng liêng gọi là “bạo quyền của cái tôi” và Panikkar gọi là “sùng bái cái tôi”. Chúng ta không thể chạm đến được ngọn nguồn sâu kín của cuộc sống nếu các sinh hoạt của cuộc sống quá bị chi phối và ám ảnh để chúng ta không bao giờ thấy được bản sắc và ý nghĩa của một cái gì đó ở bên ngoài chúng. Đó là lý do tối hậu ẩn sau các đời sống tu tập và chay tịnh chân chính, chúng ta buông bỏ những chuyện, dù chúng tốt, để đến được ngọn nguồn sâu hơn, đó là chính cuộc sống và Thiên Chúa.

Và việc tu tập này, nhờ đó mà chúng ta đến với thinh lặng của cuộc sống, thì nó cũng sẽ đòi hỏi trong một chừng mực nào đó, một đời sống thinh lặng, một kỷ luật tự nguyện cố gắng (không phải để ngừng suy nghĩ và ngừng cảm nhận vì nó khả thể) nhưng là để bản thân chúng ta chạm đến tư tưởng và cảm nhận ngay tại nguồn gốc của chúng. Một bản văn Ấn giáo nói rằng chúng ta tìm thấy Thượng Đế trong “lương thực”, trong tất cả những gì thấy được, nghe được, và hiểu được, nhưng bản văn còn viết thêm ngay chúng ta chỉ trải nghiệm các sinh hoạt của mình như trải nghiệm Thiên Chúa nếu chúng ta dành ra nhiều thì giờ, tự nguyện gác lại các sinh hoạt này và giữ thinh lặng để có thể thấy được những gì đằng sau chúng.

Các thực hành suy ngẫm và chiêm nghiệm, dù khác nhau về cách thức, nhưng mục đích chính vẫn là giữ “cuộc sống thinh lặng” một chút để ngồi lại một ít thời gian trong “thinh lặng của cuộc sống.”

Không điều gì giống với ngôn ngữ của Thiên Chúa bằng sự thinh lặng. Đó là ngôn ngữ chúng ta cần thực hành.

J.B. Thái Hòa dịch

1631    29-09-2017